Tạo sự công bằng hay gánh nặng người dân?

tpkt-1545722784-44.png

Liên quan đến thu phí bảo vệ môi trường với khí thải, đại diện các cơ quan Nhà nước và chuyên gia giao thông bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ bởi có thể khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng, giảm ùn tắc giao thông vốn là căn bệnh cố hữu lâu nay của một số đô thị lớn.

Tuy nhiên, cũng có không ít lo ngại “phí chồng phí,” và cần phân định rõ ràng từng loại phương tiện từ đó quy ra được mức thu.

Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, 70-90% ô nhiễm không khí đô thị là từ các hoạt động giao thông vận tải, chỉ 10-30% là do công nghiệp và sinh hoạt.

Một tính toán tại 2 thành phố lớn nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, xe máy chiếm 95% về số lượng, chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra 94% Hyđrô cácbon (HC); 87% cácbon ôxit (CO); 57% ôxit Nitơ (Nox)… trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Và, xe máy đang sử dụng tham gia giao thông là nguồn chính thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm.

Vào đầu tháng 9/2018, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và quy định về “mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành của phương tiện cơ giới đường bộ thông qua đăng kiểm phương tiện”.

Lý do đề xuất được phía thành phố Hà Nội đưa ra là thành phố lo lắng bởi sự gia tăng của các phương tiện giao thông cá nhân đang ở mức báo động. Dự báo đến năm 2030, số ôtô lưu hành ở Hà Nội là gần 2 triệu ôtô và hơn 7,5 triệu xe máy.

Một tính toán tại 2 thành phố lớn nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, xe máy chiếm 95% về số lượng, chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra 94% Hyđrô cácbon (HC); 87% cácbon ôxit (CO); 57% ôxit Nitơ (Nox)…

“Nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ trở nên nghiêm trọng,” văn bản của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh.’

Về vấn đề này, Bộ Tài chính đã có văn bản số 14648/BTC-CST gửi các Bộ như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… sớm có đề xuất xây dựng đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Trong văn bản gửi đi, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ khẩn trương đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải bao gồm: đối tượng chịu phí, mức thu phí, cách thức tính phí, cơ chế thu, nộp phí, quản lý, sử dụng phí. Những thông tin này sẽ gửi về Bộ Tài chính để nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thu phí theo thẩm quyền.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu các Bộ phân công đơn vị chuyên môn phối hợp trong quá trình nghiên cứu dự thảo Nghị định và trình Chính phủ ban hành nghị định thu phí.

Tuy nhiên, ngay khi có thông tin các bộ ngành phải góp ý, quan điểm về thu phí bảo vệ môi trường với khí thải, người dân đã phản đối với đề xuất xây dựng đề án này và lo lắng về việc phí chồng phí.

Ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế thừa nhận để lưu thông trên đường, xe máy và ôtô lăn bánh đang “cõng” rất nhiều loại thuế, phí và nếu tăng thu phí bảo vệ môi trường với khí thải sẽ là gánh nặng với chủ phương tiện.

Hơn nữa, theo ông Long, hiện nước ta có 2 triệu ôtô, 50 triệu xe máy nên không thể đánh đồng về phụ thu phí khí thải mà phải phân định rõ ràng mức thu của mỗi loại phương tiện để đảm bảo công bằng và cần xem xét cẩn trọng.

Ông Nguyễn Hữu Trí, Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, đề xuất này không phải mới, các nước châu Âu có 5-6 mức quy định xe nào phát thải nhiều sẽ nộp phí lớn nhưng hiện nay nước ta đã thu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu nên nếu thu phí khí thải phải giải bài toán tổng thể về mức phát thải.

Để lưu thông trên đường, xe máy và ôtô lăn bánh đang “cõng” rất nhiều loại thuế, phí và nếu tăng thu phí bảo vệ môi trường với khí thải sẽ là gánh nặng với chủ phương tiện.

Theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đăng kiểm đã và đang xây dựng và sẽ ban hành đầu năm 2019 tới về mức phát thải quy định có 3 mức tương ứng với các loại xe chia theo niên hạn trước năm 1999, phương tiện từ năm 1999 đến nay và xe sản xuất lắp ráp nhập khẩu đáp ứng tiêu chuẩn EURO 4.

Để có thể thu phí bảo vệ môi trường với khí thải, ông Trí khẳng định, riêng ôtô đã có kiểm định khí thải qua các Trung tâm Đăng kiểm và dễ dàng xác định mức khí phát thải nếu chia theo niên hạn. Nhưng với xe máy thì chưa có kiểm định khí thải, do đó, Nhà nước phải sửa Luật giao thông đường bộ mới đưa xe máy vào diện hiện thực hóa thu phí bảo vệ môi trường với khí thải và nhanh nhất cũng phải 3-4 năm nữa.

“Quan điểm của Cục Đăng kiểm đồng tình phụ thu phí bảo vệ môi trường với khí thải bởi nếu xe có khí thải kém phải nộp thêm phí hoặc không được vào vùng lõi thành phố như các tuyến đường vành đai 1, 2 của Hà Nội. Ngoài ra, xe có khí thải kém thì chu kỳ kiểm định phải rút ngắn, mục đích là dùng biện pháp kỹ thuật và môi trường kiểm soát để cho chủ xe phải nâng cấp phương tiện,” ông Trí khẳng định.

Trả lời câu hỏi đã có thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu và chủ xe đã phải nộp khi mua xăng dầu và nay phải nộp thêm phí bảo vệ môi trường với khí thải sẽ là phí chồng phí, ông Trí cho rằng, bản chất của phí bảo vệ môi trường với khí thải chỉ là phụ thu và mức phụ thu như thế nào để người dân chấp nhận được vẫn là câu hỏi khó và cần tính toán kỹ lưỡng.

Đơn cử, khi cùng tham gia giao thông bằng xe máy thì tiền thuế môi trường phải nộp cho mỗi lít xăng là như nhau, nhưng người sử dụng loại xe cũ xả nhiều khí thải sẽ phải đóng phí khí thải nhiều hơn những người sử dụng xe mới xả ít khí thải độc hại. Điều này đảm bảo được tính công bằng trong việc thu thuế, phí môi trường.

Với phương án tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng lên 4.000 đồng/lít thì tỷ lệ thuế trên giá cơ sở xăng của Việt Nam khoảng dưới 39%.  

Bổ sung thêm, phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, các nước phát triển và đang phát triển đã sử dụng đánh thuế khí thải đối với các phương tiện có xả thải khí thải; trong đó, đánh thuế, phí khí thải đối với các phương tiện như ôtô, xe máy, cũng như là phí, hay thuế khí thải với các nhà máy sử dụng các nguyên, nhiên vật liệu gây ra khí thải.

Từ đó, ông Thịnh nhìn nhận rõ ràng việc nghiên cứu để áp dụng loại phí này là rất cần thiết nhưng vấn đề quan trọng là thời điểm đưa vào áp dụng và mức thuế áp dụng cần phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Bày tỏ lo ngại với phương án tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng lên 4.000 đồng/lít thì tỷ lệ thuế trên giá cơ sở xăng của Việt Nam khoảng dưới 39%, theo ông Thịnh, tỷ lệ này vẫn thấp hơn tỷ lệ thuế trên giá xăng của các nước nêu trên.

“Như vậy, cơ sở để chúng ta xem xét thuế môi trường đối với xăng dầu vẫn còn một khoảng tương đối rộng và việc xem xét áp dụng phí bảo vệ môi trường đối với khí thải là hoàn toàn hợp lý,” vị chuyên gia này khẳng định.

Đồng ý với việc kiểm soát khí thải xe máy, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia gợi ý cần làm từng bước. Tới năm 2020, với xe từ 175 phân khối trở lên sẽ được kiểm soát khí thải để xem tổ chức thực hiện thế nào, kiểm tra thời gian, chi phí thế nào, người dân chấp nhận được không, vì số lượng xe này ít, sau đó mới kiểm tra xe 100 phân khối trở lên bởi nhóm xe này nhiều, sau đó mới xe khác. Nhóm ít làm trước mới ra chính sách cụ thể.

“Nếu làm ồ ạt chưa chắc làm hết, không tạo được sự chuẩn bị về tâm lý người dân, vì làm số xe ít thì quan sát, lắng nghe, làm sao thủ tục đơn giản, chi phí hợp lý, khẳng định việc làm đó có lơi cho dân và cái chung,” ông Hùng cho hay.

Theo ông Hùng, Việt Nam đang kiểm soát phát thải ôtô, nhưng tỷ lệ xe máy nhiều. Sau kiểm tra khí thải, xe máy nên tiến tới kiểm định như kiểm định ôtô nhưng cũng cần cân nhắc chọn cần kiểm định tất cả xe máy, hay chỉ với xe nguy cơ cao.

“Đại lý nhà sản xuất kiêm cả kiểm định thì cũng rất tốt do có trang thiết bị bảo dưỡng, kiểm tra. Khi có quy chuẩn thì các đơn vị nào đáp ứng điều kiện sẽ được thực hiện, Nhà nước sẽ kiểm tra, đánh giá. Việc từng bức kiểm tra khí thải, tiến tới hạn chế xe vượt quá khí thải, sẽ loại dần xe nguy hiểm với giao thông và sức khỏe con người, điều này là khả thi,” vị Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh.

Trước thực tế này, Bộ Tài chính khẳng định, công văn trên mới chỉ là một bước đề nghị nghiên cứu, xây dựng phương án thu phí đối với khí thải, để thực hiện kiến nghị của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.

Trên cơ sở góp ý của các bộ về phương án thu phí đối với khí thải, Bộ Tài chính cho biết sẽ tổng hợp, hoàn thiện phương án thu phí theo nguyên tắc mức thu phí phải phù hợp với chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Nhà nước, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, bình đẳng.

Khi đã đạt được các tiêu chí trên, đại diện Bộ Tài chính cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến khả thi để tiếp tục lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và đăng thông tin trên trang thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ Tài chính để xin ý kiến rộng rãi.

“Khi nhận được các ý kiến, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện phương án thu phí, gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành Nghị định, bảo đảm tính khả thi và sự ủng hộ của dư luận xã hội./.

Thiết kế mỹ thuật: Thanh Trà