Tại sao G7 chỉ là con số 0?

ttxvng7-1529048747-83.jpg

G7 là sản phẩm của một kỷ nguyên đã qua. Giờ đây, đã 17 năm trôi qua, nhóm G7 vẫn không phục vụ mục đích nào khác ngoài việc giữ cho các công chức của các nước thành viên luôn bận rộn.

Jim O’Neill, cựu Chủ tịch Quỹ Quản lý tài sản Goldman Sachs, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh, hiện là giáo sư danh dự môn Kinh tế học thuộc Đại học Manchester và nguyên Chủ tịch Tạp chí chuyên về kháng thuốc của Chính phủ Anh, nhận định như vậy trong bài viết “Tại sao G7 chỉ là một con số 0?”

Bản dịch bài viết được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate.

Mặc dù sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị cấp cao của Nhóm G7 tại Quebec, Canada hồi tuần trước không nhận được nhiều sự chú ý đặc biệt, bản thân tôi cảm thấy đồng tình với tâm trạng hoài nghi của ông đối với nhóm các nước này. Từ lâu tôi đã nghi ngờ về việc liệu cuộc gặp hằng năm của các nhà lãnh đạo Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ có phục vụ bất kỳ mục đích có ích nào không.

Trở lại năm 2001, khi tôi tạo ra cụm từ viết tắt BRIC, tôi đã tiên đoán rằng tầm quan trọng về kinh tế đang tăng lên của Brazil, Nga, Ấn Độ, và Trung Quốc cuối cùng sẽ đòi hỏi phải có một sự thay đổi có ý nghĩa đối với vấn đề quản trị kinh tế toàn cầu. Theo quan sát của tôi, các cơ quan quản lý toàn cầu ít nhất cũng nên bao gồm Trung Quốc, nếu không nói là tất cả các thành viên của nhóm BRIC.

 Đã 17 năm trôi qua, nhóm G7 vẫn không phục vụ mục đích nào khác ngoài việc giữ cho các công chức của các nước thành viên luôn bận rộn

Đồng thời, tôi cũng chỉ ra rằng có ít lý do để các nước như Pháp, Đức, và Italy được đại diện với tư cách cá nhân từng nước, do những nước này có chung một đồng tiền, một chính sách tiền tệ, và một khuôn khổ cho chính sách tài chính (ít nhất trên nguyên tắc). Và tôi đặt câu hỏi liệu có nên vẫn để Canada và Anh nằm trong số các nền kinh tế quan trọng nhất của thế giới không.

Giờ đây, đã 17 năm trôi qua, nhóm G7 vẫn không phục vụ mục đích nào khác ngoài việc giữ cho các công chức của các nước thành viên luôn bận rộn. Đúng vậy, nó vẫn bao gồm 7 nền dân chủ phương Tây với các nền kinh tế lớn nhất, nhưng giờ đây điều này không hẳn như vậy nữa. Tại thời điểm hiện nay, nền kinh tế Canada không lớn hơn nền kinh tế Australia bao nhiêu, còn nền kinh tế Italy chỉ lớn hơn chút ít so với nền kinh tế Tây Ban Nha.

Bức ảnh ghi lại cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel với những cử chỉ thiếu thân thiện lột tả chính xác những căng thẳng tại hội nghị thượng đỉnh. (Nguồn: Twitter)
Bức ảnh ghi lại cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel với những cử chỉ thiếu thân thiện lột tả chính xác những căng thẳng tại hội nghị thượng đỉnh. (Nguồn: Twitter)

G7 là sản phẩm của một kỷ nguyên đã qua. Vào những năm 1970, khi nhóm G5 được mở rộng bao gồm thêm Canada và Italy, thì nhóm mới ra đời này đã thực sự chi phối nền kinh tế thế giới. Kinh tế Nhật Bản khi đó đang bùng nổ, và nhiều người hy vọng nước này sẽ đuổi kịp Mỹ; Italy tiếp tục tăng trưởng và không ai nghĩ về Trung Quốc cả.

Nhưng đến năm nay, kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ vượt toàn bộ khu vực đồng eurozone. Và với tốc độ tăng trưởng như hiện nay của mình, nước này quả thực sẽ tạo ra thêm một kinh tế mới có quy mô bằng kinh tế Italy trong vòng chưa đến 2 năm. Chưa kể, GDP của Ấn Độ hiện đã lớn hơn GDP của Italy, và nước Brazil hiện đang bị khủng hoảng cũng không tụt lại đằng sau bao xa.

Nói cách khác, tính hợp pháp toàn cầu duy nhất mà nhóm G7 có thể tự nhận cho mình là việc nhóm này giờ đây đang đại diện cho một vài nền dân chủ lớn mà thôi. Tuy nhiên, 85% mức gia tăng về GDP toàn cầu (tính bằng đồng đô la Mỹ) kể từ năm 2010 trở lại đây là đến từ Mỹ và Trung Quốc, và gần 50% là đến từ riêng Trung Quốc. 6% khác đến từ Ấn Độ, trong khi giá trị tính theo đồng đô la của các nền kinh tế Nhật Bản và EU đã giảm trên thực tế.

G7 là sản phẩm của một kỷ nguyên đã qua

Dưới ánh sáng của những thực tế này, nhóm G7 sẽ trở nên thỏa đáng hơn nếu Canada, Pháp, Đức, và Italy được thay thế bằng Trung Quốc, Ấn Độ và một đại diện duy nhất thay mặt cho khu vực đồng euro. Nhưng, dĩ nhiên, hiện đã có một tổ chức đại diện cho các nước G7 hiện tại cũng như cho các nước BRIC: đó là nhóm G20, được thành lập năm 1999.

Kể từ cuộc gặp cấp cao chính thức đầu tiên của nhóm này vào năm 2008, nhóm G20 đã phục vụ một một mục tiêu rõ ràng là trở thành một diễn đàn cho các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Để cho bất kỳ câu lạc bộ nhỏ nào được coi là hợp lý, thì nó phải có tính chính đáng tương tự như nhóm G20. Việc đại diện cho các nền dân chủ có những nền kinh tế lớn nhất trong những năm 1970 giờ đây là không còn là lý do thuyết phục nữa. Suy cho cùng, Ấn Độ và Brazil cũng có những nền dân chủ theo đúng nghĩa, và các nước này có thể sớm trở nên thịnh vượng hơn cả Pháp và Anh.

Lãnh đạo các nước G7. (Nguồn: THX/TTXVN)
Lãnh đạo các nước G7. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trump đã gây ra sự giận dữ khi hồi tuần trước ông yêu cầu G7 kết nạp lại Nga, nước bị gạt ra khỏi nhóm này tiếp sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin sáp nhập Crimea năm 2014. Nhưng cũng cần đặt câu hỏi là nhóm G7 hiện nay liệu thậm chí có khả năng giải quyết được những thách thức toàn cầu nào, ngoài những vấn đề kinh tế bị bó hẹp. Từ khủng bố, phổ biến hạt nhân đến biến đổi khí hậu, hầu như khó có vấn đề nào có thể được giải quyết nếu không có sự giúp đỡ của các quốc gia không thuộc nhóm G7. Và mặc dù truyền thông phương Tây mô tả Trump như con chiên lạc đàn tại cuộc gặp cấp cao, thì Italy giờ đây hiện đang có một chính phủ ủng hộ việc nối lại quan hệ với Nga.

Hội nghị G7 mới đây đã tạo thêm ấn tượng là các các nhà hoạch định chính sách phương Tây hiện không có khả năng kiểm soát được một vài trong số những vấn đề thúc bách nhất của thế giới. Một điều chắc chắn là, các thị trường tài chính toàn cầu tỏ ra không mấy lo ngại về tình trạng chia rẽ ở Quebec hồi tuần trước. Tuy nhiên, trong số nhiều vấn đề, điều này có thể phản ánh thực tế là G7 giờ đây không còn vai trò quan trọng nữa.

Một điều rõ ràng là hiện nay, nhóm G20 là một diễn đàn quản lý toàn cầu tốt hơn so với nhóm G7

Trước mắt, một điều rõ ràng là hiện nay, nhóm G20 là một diễn đàn quản lý toàn cầu tốt hơn so với nhóm G7. Mặc dù khi số nước tham gia tăng lên sẽ làm cho việc đạt được sự đồng thuận sống còn trở nên khó khăn hơn, nhưng điều này cũng làm cho nó mang tính đại diện lớn hơn. Điều quan trọng nhất, nhóm G20 bao gồm các quốc gia không thể thiếu được cho việc giải quyết các vấn đề toàn cầu hiện tại cũng như trong tương lai.

Mặc dù vậy, một nhóm các nước nhỏ, mang tính đại diện sẽ vẫn tiếp tục đóng một vai trò trong tương lai bên cạnh G20. Tuy nhiên chỉ với điều kiện nếu nhóm này được nhận thức một cách phù hợp. Nhằm mục tiêu đó, các viện nghiên cứu hàng đầu thế giới giờ đây nên bắt đầu đưa ra những ý tưởng cụ thể về tương lai của vấn đề quản lý toàn cầu.

Về phần mình, tôi sẽ trông chờ việc gánh vác trách nhiệm này khi tôi đảm nhận chức chủ tịch viện hoàng gia về các vấn đề quốc tế Chatham House vào tháng tới./.

(Nguồn: TTXVN)
(Nguồn: TTXVN)