Nhật Bản 10 năm sau ‘thảm họa kép’

nhatbanmeg-1615347712-62.jpg

Bất chấp gói cứu trợ trị giá 280 tỷ USD ngày 11/03/2011 để hàn gắn những vết thương sau “thảm họa kép,” nhiều người sơ tán vẫn không trở về nơi cũ.

Namie, một thị trấn nhỏ nằm cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi khoảng 10km, từng tự hào vì sở hữu 25 công ty chế biến cá.

Tuy nhiên, hiện tại cả thị trấn chỉ còn một công ty là Shibaei thuộc về ông Koichi Shiba, 82 tuổi, người cuối cùng cũng có thể mở lại doanh nghiệp thủy sản của gia đình vào năm ngoái. Ông cho rằng sẽ không có nhiều người trở lại Namie.

“Không ai muốn quay lại vì họ đã xây nhà và quen với cuộc sống mới ở nơi khác trong những năm qua,” ông Shiba trả lời phỏng vấn của hãng tin Nikkei Asia tại công ty mới xây lại.

Theo Nikkei Aisia, đã gần 10 năm từ khi trận động đất mạnh 9 độ xảy ra ngoài khơi bờ biển phía đông bắc Nhật Bản, tạo ra một cơn sóng thần khổng lồ ập tới khiến 22.000 người thiệt mạng hoặc mất tích, phá hủy 122.000 căn nhà và gây ra các vụ tan chảy lò phản ứng hạt nhân làm rò rỉ phóng xạ. Đỉnh điểm, có 470.000 người dân đã rời bỏ nhà cửa. Một thập kỷ sau, những khu vực bị ảnh hưởng như Namie vẫn đang chật vật để phục hồi.

Một nhân viên phân loại cá tại cơ sở mới thuộc sở hữu của Shibaei, một công ty  chế biến thủy sản tại thị trấn Namie, tỉnh Fukushima. (Nguồn: nikkei)
Một nhân viên phân loại cá tại cơ sở mới thuộc sở hữu của Shibaei, một công ty chế biến thủy sản tại thị trấn Namie, tỉnh Fukushima. (Nguồn: nikkei)

Cư dân tỉnh Fukushima sống tại các khu vực nằm trong bán kính 20km tính từ nhà máy hạt nhân và các khu vực khác nghi ngờ có nồng độ phóng xạ cao – tổng cộng lên đến 1.150km2 đất – đã được lệnh phải di tản vào năm 2011. Có tới 160.000 người đã chuyển tới những nơi khác thuộc Fukushima hoặc sang hẳn các tỉnh khác, kể cả những nơi xa xôi.

Nhiều lệnh sơ tán đã được dỡ bỏ, thu hẹp khu vực giới hạn xung quanh nhà máy bị sóng thần quét qua xuống còn 337km2. Nhưng từ khi Namie bắt đầu tái mở cửa một phần hồi năm 2017, mới chỉ có 1.100 trong số 21.000 người từng sống tại đây quay trở về. Ngay cả ông Shiba, người thừa kế doanh nghiệp của gia đình, cũng suýt nữa đã quyết định tái định cư vĩnh viễn ở gần Tokyo, nếu như các quan chức và ngư dân địa phương không năn nỉ ông quay lại.

“Không ai muốn quay lại vì họ đã xây nhà và quen với cuộc sống mới ở nơi khác trong những năm qua.”

“Tôi làm điều này vì thị trấn,” ông nói. Một công ty chế biến cá khác với hy vọng tái mở cửa có thể sẽ sớm cùng tham gia với ông.

Trong nỗ lực nhằm khởi động sự phục hưng, Namie đã thiết lập các khu công nghiệp dành cho không chỉ ngành kinh doanh chủ lực là thủy sản, mà còn cho ngành nghiên cứu robot, kèm theo một cơ sở sản xuất khí hydro đẳng cấp thế giới. Chính phủ Nhật Bản đã rót nhiều khoản trợ cấp vào các khu vực nông thôn bị ảnh hưởng nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng và các tòa nhà mới làm trụ cột cho sự phục hồi kinh tế.

Nhờ dòng chảy vào của vốn đầu tư, tăng trưởng kinh tế của ba tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất – Miyagi, Iwate và Fukushima – đã tăng hơn 10% trong năm 2017 so với thời kỳ trước thảm họa.

Hơn 30 nghìn tỷ yen (khoảng 280 tỷ USD) đã được chi cho việc tái thiết toàn khu vực, bao gồm dọn dẹp các đống đổ nát, xây dựng lại cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các nạn nhân. Ngoại trừ một số nơi tại Fukushima vẫn là các khu vực cấm vào, các công trình xây dựng cần thiết tại các vùng bờ biển bị sóng thần tàn phá ít nhiều đã hoàn thành. Và chính phủ đang lên kế hoạch tiếp tục hỗ trợ sự phục hồi của tỉnh thông qua một khoản trợ cấp bổ sung dự kiến là khoảng 1,6 nghìn tỷ yen, được chi trong các năm tài chính từ 2021 đến 2025.

Vùng Tohoku đã và vẫn là một khu vực canh tác quan trọng, đặc biệt là về trồng lúa và chăn nuôi. Khu vực này – bao gồm một phần lớn đông bắc Nhật Bản cũng như các tỉnh ít bị ảnh hưởng hơn là Aomori, Akita và Yamagata – chiếm 15,7% tổng sản lượng nông nghiệp của Nhật Bản trong năm 2008. Đóng góp của khu vực này vào nông nghiệp trong năm 2017 là 14,9%.

Trước thảm họa, Tohoku cũng nổi tiếng với những doanh nghiệp như công ty của ông Shiba, được xây dựng xung quanh các ngư trường phong phú tại Thái Bình Dương. Một báo cáo của chi nhánh Ngân hàng Nhật Bản tại thành phố Sendai, tỉnh Miyagi lưu ý rằng đất đai và nguồn lao động giá rẻ dồi dào ở đây tạo ra sức hấp dẫn lớn của khu vực với các nhà sản xuất ô tô, linh kiện điện tử và thiết bị bán dẫn.

Nhưng ngay cả trước ngày định mệnh năm 2011, Tohoku cũng không nằm ngoài cuộc vật lộn của các khu vực nông thôn Nhật Bản với sự suy giảm dân số. Số lượng cư dân đã giảm dần khi ngày càng có nhiều người chuyển ra thành phố. Đây là một vấn đề đã kéo dài từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khi những người trẻ tuổi từ các vùng thôn Nhật Bản tới các đô thị để tìm kiếm việc làm.

Trận động đất ngày 11/3, với cường độ lớn kỷ lục ở Nhật Bản, đã gom lại những thách thức cũ và tạo ra nhiều thách thức mới đáng sợ. Mặc dù hiệp hội hợp tác nghề cá của Fukushima đã đặt mục tiêu nối lại toàn bộ các hoạt động, việc tiếp cận các ngư trường vẫn bị hạn chế từ sau vụ tai nạn hạt nhân, và các thuyền bè chỉ được ra khơi 2-3 ngày mỗi tuần.

Không chỉ vậy, sau tất cả những gì mà khu vực này đã trải qua, đại dịch do virus corona lại giáng thêm một đòn mạnh hơn vào nền kinh tế địa phương vẫn còn mong manh. Cụ thể như các biện pháp giãn cách xã hội đã khiến cho nhu cầu hải sản của các nhà hàng giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp tới công ty của ông Shiba.

“Đôi khi tôi nghĩ, giá mà không có con virus corona đó thì tốt,” ông thở dài. Bất chấp những rào cản đáng sợ, ông Shiba và những người khác đang dần đạt được thành công.

Kyouko Tanaka đã mở lại cửa hàng bán thực phẩm địa phương của mình ở thị trấn  Minamisoma, Fukushima hồi năm 2015. (Nguồn: Nikkei)
Kyouko Tanaka đã mở lại cửa hàng bán thực phẩm địa phương của mình ở thị trấn Minamisoma, Fukushima hồi năm 2015. (Nguồn: Nikkei)

Kyouko Tanaka đã mở lại cửa hàng bán thực phẩm địa phương của mình ở thị trấn Minamisoma, Fukushima từ năm 2015, sau khi buộc phải ngừng kinh doanh vì cửa hàng nằm trong bán kính 20km tính từ nhà máy Daiichi.

20 người từng cung cấp thực phẩm cho cửa hàng của bà cũng đã qua đời trong trận động đất và sóng thần. Nhưng Tanaka cho biết bà quyết tâm “duy trì thêm ít nhất 10 năm nữa” vì lợi ích của những người xung quanh.

Trận động đất ngày 11/3, với cường độ lớn kỷ lục ở Nhật Bản, đã gom lại những thách thức cũ và tạo ra nhiều thách thức mới đáng sợ.

Bà nói rằng, sau cả một thập kỷ, công cuộc tái thiết Minamisoma cuối cùng cũng được khởi động, và nhiều người hàng xóm của bà đang dần quay trở lại khu vực từng bị bỏ hoang này. Một hiệu thuốc mới gần cửa hàng của Tanaka vừa khai trương hồi tháng Một. “Mọi thứ đang dần được xây dựng,” bà nói. “Đây vẫn luôn là giấc mơ của tôi.”

Tanaka luôn nghĩ về nhân viên và khách hàng của mình, những người đã bị chia cắt khỏi bạn bè và chịu tổn thương vì những mất mát. “Tôi muốn nơi đây trở thành một cộng đồng,” bà nói về cửa hàng của mình. Bà cũng muốn hỗ trợ những người nông dân địa phương bằng cách bán các sản phẩm của họ.

Mức phóng xạ ở Fukushima đang có những chuyển biến tốt. Trong cửa hàng của Tanaka, có một thiết bị được bà dùng để đo nồng độ phóng xạ. Bà nói rằng nồng độ phóng xạ trong các sản phẩm nông nghiệp của Fukushima hiện nay hiếm khi nào vượt quá 50 becquerel trên 1kg, tức là thấp hơn mức giới hạn chính thức là 100 becquerel. Nhưng, bà cũng nói thêm rằng các loại rau dại – thường không được bán trên thị trường – vẫn chưa đủ an toàn để ăn được.

Masaharu Tsubokura, giáo sư tại Đại học Y Fukushima, sử dụng một bộ đếm toàn  thân để kiểm tra phơi nhiễm phóng xạ bên trong của một đứa trẻ tại một bệnh viện  ở Minamisoma vào năm 2016. (Ảnh: Nikkei)
Masaharu Tsubokura, giáo sư tại Đại học Y Fukushima, sử dụng một bộ đếm toàn thân để kiểm tra phơi nhiễm phóng xạ bên trong của một đứa trẻ tại một bệnh viện ở Minamisoma vào năm 2016. (Ảnh: Nikkei)

Theo Masaharu Tsubokura, một giáo sư tại trường Đại học Y Fukushima, phơi nhiễm phóng xạ bên trong đã được phát hiện ở 40% người trưởng thành và 30% trẻ em được xét nghiệm ở Fukushima hồi năm 2011. Nhưng “đến năm 2012, [phơi nhiễm bên trong] đã không được phát hiện ở 99,9% trẻ em, và sau đó cũng vậy,” ông nói.

Tuy nhiên, xu hướng khử nhiễm tích cực này vẫn chưa giải quyết được vấn đề dân số. Con số này vẫn duy trì ở mức thấp và tiếp tục giảm ở Fukushima cũng như ở Miyagi và Iwate.

Tổng cộng, dân số ở ba tỉnh này đã giảm 6%, xuống còn 5,3 triệu người trong giai đoạn 2010-2019. Tương tự, số lượng doanh nghiệp cũng giảm 10% trong giai đoạn 2009-2016.

Biến các thành phố thuộc khu vực này thành những nơi hấp dẫn để sinh sống, làm việc và tham quan vẫn là một thách thức dai dẳng.

Tại thành phố Rikuzentakata thuộc tỉnh Iwate, hơn 1.750 người, tức khoảng 7% dân số, đã thiệt mạng do trận sóng thần. Trong 10 năm kể từ đó, nhiều người đã từ bỏ việc xây dựng lại nhà cửa, dẫn đến việc dân số giảm tới 20%. Tiền thuế đã được đổ vào việc nâng độ cao của khu vực và ngăn chặn thiệt hại từ các trận sóng thần trong tương lai, tuy nhiên vẫn còn những lô đất trống nằm rải rác khắp thành phố.

Kanno đã nhiều lần xây lại nhà ở cùng vị trí bị sóng thần quét qua và quyết tâm  ở lại đó cho đến hết đời. (Ảnh: Nikkei)
Kanno đã nhiều lần xây lại nhà ở cùng vị trí bị sóng thần quét qua và quyết tâm ở lại đó cho đến hết đời. (Ảnh: Nikkei)

Ông Takeshi Kanno, 71 tuổi, có nhà bị cuốn trôi hồi năm 2011, đã xây lại ngôi nhà ở chỗ cũ trong năm 2013 sau những cuộc đàm phán dài hơi với thành phố. Nhưng khi thành phố tiến hành tái phát triển khu phố, ông lại bị yêu cầu phải phá nhà đi và xây mới lại một lần nữa khi dự án hoàn thành.

Ông đã có ngôi nhà mới nhất của mình hồi năm ngoái và quyết tâm sống tại đó tới ngày cuối cùng của cuộc đời. “10 năm là quá dài đối với tôi,” Kanno nói. “Tôi đã thấy một số người cao tuổi qua đời và không thể xây lại nhà của mình khi còn sống.”

Ông chỉ trích chính quyền địa phương và cho rằng: “Nơi này đã được dọn dẹp… nhưng chúng ta có thể nói rằng thị trấn đã được tái thiết hay chưa khi mới chỉ có một nhúm người đang sống ở đây?”

Ở Miyagi, tỉnh nằm giữa Fukushima và Iwate, thị trấn Onagawa thường được mô tả là “bộ mặt” của công cuộc tái thiết khu vực. Các cửa hàng và nhà hàng đã được xây dựng dọc một con phố có vỉa hè lát gạch đỏ và rợp bóng cây xanh, chạy giữa một ga xe lửa và bờ biển. Một cơ sở lớn dành cho việc làm lạnh và cấp đông các mẻ cá đánh bắt được tại địa phương đã đi vào vận hành từ năm 2012 và khu phức hợp chế biến này vừa được trang bị thêm một nhà máy xử lý nước chung.

COVID-19 khiến doanh thu từ du lịch, một trong những trụ cột kinh tế của cộng đồng này, ít đi. Và trong khi việc xây dựng lại các tòa nhà đã gần hoàn thành, sự phục hồi thật sự vẫn còn là câu hỏi để ngỏ.

Masanori Takahashi, chủ tịch phòng thương mại của Onagawa cho biết, số thành viên của cơ quan này đã giảm từ 445 trước thảm họa xuống còn 311. Nhưng ông cũng nói thêm rằng con số này đã chạm đáy và đang dần tăng lên, do nhiều doanh nghiệp mới được lập ra nhờ sự hỗ trợ hào phóng của các khoản trợ cấp tại địa phương dành cho những người mới chuyển đến.

Tuy vậy, dân số ở đây chỉ còn khoảng 6.000 người so với mức 10.000 người trước thảm họa, theo số liệu thống kê của thị trấn. “Nền kinh tế vẫn còn tàn tạ,” Takahashi nói. COVID-19 khiến doanh thu từ du lịch, một trong những trụ cột kinh tế của cộng đồng này, ít đi. Và trong khi việc xây dựng lại các tòa nhà đã gần hoàn thành, sự phục hồi thật sự vẫn còn là câu hỏi để ngỏ.

“Phần còn lại phụ thuộc vào thế hệ trẻ,” vị chủ tịch 71 tuổi nhận định.

Giữa cú sốc và sự tàn phá xảy ra một thập kỷ trước, các quan chức Nhật Bản đã tuyên bố sẽ xây dựng lại khu vực bị ảnh hưởng và nhìn chung đã thành công về mặt vật chất. Nhưng nỗ lực lớn lao này lại cho thấy sự khó khăn của một trong những thách thức cơ bản lớn nhất của cả đất nước: xây dựng nền kinh tế nông thôn bền vững.

Theo ông Masahiko Fujimoto, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đổi mới Khu vực tại Đại học Tohoku, Sendai, về lâu dài, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm các công ty chế biến thủy sản, cần phát triển mạnh mẽ.

Hoạt động kinh tế tại các khu vực ven biển bị ảnh hưởng bởi thảm họa ở Iwate và Miyagi “được dẫn đầu bởi công tác xây dựng,” ông nói thêm. “Không có nhiều ưu đãi dành cho những người đến và làm ăn tại Tohoku.”

Hình ảnh một khu vực tái phát triển ở Onagawa, được ghi lại hôm 13/02. Thị trấn  thường được mô tả là “bộ mặt” của công cuộc tái thiết khu vực. (Ảnh: Nikkei)
Hình ảnh một khu vực tái phát triển ở Onagawa, được ghi lại hôm 13/02. Thị trấn thường được mô tả là “bộ mặt” của công cuộc tái thiết khu vực. (Ảnh: Nikkei)