Đa tài và đa mang

Nguyễn Quang Thiều làm thơ, viết văn, dịch sách, vẽ tranh…

Giữa loạt danh xưng nhà thơ, nhà văn, dịch giả, họa sỹ…, ông bảo: “Bạn muốn gọi tôi là gì cũng được nhưng thơ ca vẫn là thứ tôi mê đắm nhất. Bởi đó là nơi tôi được sống thật với mình nhất, được tự do nhất, thậm chí… ‘rồ dại’ nhất! Thi ca là giấc mơ của tôi, toàn bộ thế giới bên trong tôi – nơi không ai có thể vào được.”

Song hành cùng nghiệp sáng tác, Nguyễn Quang Thiều vẫn luôn đau đáu với việc “xuất khẩu” văn chương Việt và việc truyền “lửa” đam mê cho thế hệ trẻ.

– Trong “Giấc mơ sông Thương” mới ra mắt, bên cạnh 108 bài thơ lục bát của tác giả Nguyễn Phúc Lộc Thành còn có phụ bản là 18 bức tranh sơn dầu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Văn đàn Việt Nam vốn ít những câu chuyện kiểu như vậy – một nhà thơ vẽ minh họa cho sáng tác của một nhà thơ khác. Vậy có lý do gì đặc biệt cho việc kết hợp này không, thưa ông?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Ban đầu, tôi có gợi ý Nguyễn Phúc Lộc Thành mời họa sỹ chuyên nghiệp thực hiện phần phụ bản tranh cho “Giấc mơ sông Thương” thì sẽ đẹp hơn. Tuy nhiên, anh ấy lại chỉ muốn tôi vẽ, bởi giữa chúng tôi có sự đồng cảm và những chia sẻ đặc biệt trong cả cuộc sống lẫn văn chương.

“Tranh của tôi là những bài thơ được trình bày lại bằng ngôn ngữ hội họa với những màu sắc, đường nét, hình khối mặc dù có thể còn chập choạng, liêu xiêu…”

Quả thực, “Giấc mơ sông Thương” gợi cho tôi rất nhiều hứng thú, suy tưởng. Đó là những bài thơ lục bát tạo được sự khác biệt nhờ những sáng tạo riêng trong cách ngắt nhịp. Khi đọc những bài thơ mang dáng dấp tinh khôi, mới mẻ nhưng cũng không kém phần đa sầu, đa cảm ấy của Nguyễn Phúc Lộc Thành, tôi bỗng thấy những bài thơ lục bát của mình trở nên cũ mèm…

Sau cùng, tôi quyết định vẽ dựa trên chính những cảm nhận của mình về thơ của Nguyễn Phúc Lộc Thành.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

– Sau khi xem, họa sỹ Lê Thiết Cương có nói rằng, những bức vẽ đó là những bức tranh, tác phẩm hội họa hoàn chỉnh, hoàn toàn có thể đứng độc lập chứ không đơn thuần là tranh minh họa trong một tập sách. Có vẻ như, việc tạo ra một đời sống khác, diện mạo khác bằng ngôn ngữ hội họa cho các bài thơ là một niềm say mê của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi thường vẽ trên sự dội lại của các bài thơ. Ví dụ, khi cảm thấy thích vẽ nhưng lại không biết nên vẽ gì thì tôi sẽ mang thơ ra đọc lại. Có thể, trong quá trình đó, ý tứ của một bài thơ, câu thơ nào đó sẽ gợi ra cho tôi những hình ảnh, không gian, nhân vật, màu sắc… Sau đó, tôi vẽ theo những tưởng tượng ấy. Bởi thế, tranh của tôi là những bài thơ được trình bày lại bằng ngôn ngữ hội họa với những màu sắc, đường nét, hình khối (mặc dù có thể còn chập choạng, liêu xiêu…).

Tôi đến với hội họa sau văn chương khá lâu. Trong địa hạt này, tôi cũng chỉ như một kẻ tay ngang. Cách tôi đến với hội họa giống như việc một đứa trẻ con đến lớp, nhìn thấy những viên phấn màu thì cầm lên và tô tô, vẽ vẽ. Đó là năm 2005, một anh bạn họa sỹ có gửi toan, màu ở nhà tôi. Trước những “vật thể lạ” trong nhà, tôi bỗng thấy hứng thú và tự bôi màu lên toan.

“Cách tôi đến với hội họa giống như việc một đứa trẻ con đến lớp, nhìn thấy những viên phấn màu thì cầm lên và tô tô, vẽ vẽ.”

Những màu sắc, hình khối tạo ra một sức hút, cứ thế cuốn tôi đi. Tôi vẽ liên tục chừng tám tháng rồi quyết định dừng lại vì cho rằng, việc của tôi là sáng tác văn chương, vẽ tranh không phải việc của mình. Những gì đã vẽ chỉ như cuộc chơi trong lúc hứng khởi.

Bẵng đi một khoảng thời gian khá dài, đến năm 2012, một người bạn của tôi ngỏ ý muốn tôi vẽ tặng một bức tranh. Vậy là tôi lại cầm cọ, bắt đầu vẽ lại và từ đó đến nay, tôi vẽ nhiều hơn, đều đặn hơn.

– Ông vừa làm công tác quản lý (hiện nay, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn) vừa làm thơ, viết văn, dịch sách, vẽ tranh… Vậy ông phân chia thời gian thế nào, thưa nhà thơ?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi không phân chia thời gian cụ thể cho từng việc. Niềm đam mê thực sự có thể giúp người ta làm được đồng thời nhiều việc mà không cảm thấy mệt mỏi.

Nguyễn Quang Thiều bảo, thơ ca vẫn là thứ ông mê đắm nhất. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nguyễn Quang Thiều bảo, thơ ca vẫn là thứ ông mê đắm nhất. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Giữa những bộn bề ấy, tôi thấy mình đang được sống, được trình bày về chính bản thân mìmh trong các hình thức ngôn ngữ nghệ thuật một cách rõ nét nhất.

Hiện nay, tôi vẫn vừa làm công việc quản lý ở nhà xuất bản; vừa sáng tác văn chương, hội họa, viết báo, tham gia các tọa đàm nghệ thuật, về quê trồng cây hay gặp gỡ, giao lưu bạn bè… Bất cứ khi nào rời việc công sở, tôi lại có thể chìm ngay vào thế giới nghệ thuật của mình.

Tôi hiện có bản thảo ba tập thơ, một cuốn tiểu thuyết và một số truyện ngắn có thể in. Tôi cũng đang cùng dịch, xây dựng tủ sách giới thiệu thơ ca đương đại thế giới tới độc giả Việt Nam. Ngoài ra, tôi cũng ấp ủ việc thu âm một CD nhạc gồm những sáng tác của chính mình (cho nhạc cụ sáo) về vùng quê hương sông Đáy.

Có thể, tôi vẫn phải tự bỏ tiền ra in thơ. Tranh tôi vẽ có khi cũng không có ai mua, chỉ để bạn bè mang về treo làm kỷ niệm… Thế nhưng, giữa những bộn bề ấy, tôi thấy mình đang được sống, được trình bày về chính bản thân mìmh trong các hình thức ngôn ngữ nghệ thuật một cách rõ nét nhất.

– Ông từng nói, bản thân người sáng tác phải là độc giả trung thành của mình trước khi làm hài lòng phần đông công chúng. Thế nhưng, nếu các tác giả, đặc biệt là những cây bút trẻ chỉ thỏa mãn xúc cảm cá nhân, viết những gì mình thích, không chạm tới những mối quan tâm chung thì sẽ không tạo được sự đồng vọng và những gì viết ra sẽ không có độc giả. Vậy thì họ sẽ rất dễ chùn bước. Liệu đây có phải là một nghịch lý không, thưa nhà thơ?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi cho rằng, nghệ thuật chân chính phải sinh ra từ sự đam mê, không vụ lợi. Để có thể chìm đắm trong đời sống nhằm phát hiện những vẻ đẹp hay cảm nhận nỗi đau chung để truyền đi, gợi mở những thông điệp nhân văn thì trước hết, người sáng tác phải được là chính mình, sống cho chính mình.

Một bức tranh sơn dầu của Nguyễn Quang Thiều vẽ minh họa cho tập thơ “Giấc mơ sông Thương.” (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Một bức tranh sơn dầu của Nguyễn Quang Thiều vẽ minh họa cho tập thơ “Giấc mơ sông Thương.” (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Để có thể chìm đắm trong đời sống nhằm phát hiện những vẻ đẹp hay cảm nhận nỗi đau chung để truyền đi, gợi mở những thông điệp nhân văn thì trước hết, người sáng tác phải được là chính mình, sống cho chính mình.”

Trong một buổi trò chuyện định hướng nghề nghiệp cho các bạn trẻ với chủ đề “Làm thế nào để trở thành một nhà văn chuyên nghiệp,” tôi có nói rằng, các bạn đừng đặt ra mục tiêu phải trở thành nhà văn của một vạn hay một triệu độc giả. Thay vào đó, trước hết, các bạn phải trở thành nhà văn của một bạn đọc – chính bản thân mình. Đó là điều rất quan trọng.

Việc người cầm bút nghĩ rằng, phải viết để có cái danh, để đến một lúc nào đó sẽ “thống trị” toàn bộ bạn đọc, trong khi không giải quyết được những vấn đề nội tại của chính mình là một điều sai lầm. Xuất phát điểm như vậy sẽ không thể đưa đến những tác phẩm nghệ thuật thực sự.

Người cầm bút phải viết như một nhu cầu, thói quen hàng ngày, coi đó là một lẽ đương nhiên, một việc cần phải làm. Còn nếu viết chỉ như một cuộc chơi, một sự giải tỏa ẩn ức, phiền muộn tức thời hay để ám chỉ một cá nhân, sự việc nào đó thì không bao giờ đến được văn chương đích thực. Đây không phải là nguyên lý tôi tự nghĩ ra mà đã được các nhà triết học, văn hóa lớn của thế giới đề cập từ những năm đầu Công nguyên.

Tháng 9/2018, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (phải) được trao Giải thưởng Changwon KC International Literary Prize (Giải thưởng văn học quốc tế Hàn Quốc Changwon) năm 2018. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Tháng 9/2018, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (phải) được trao Giải thưởng Changwon KC International Literary Prize (Giải thưởng văn học quốc tế Hàn Quốc Changwon) năm 2018. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

– Nhiều người kêu thơ không bán được, in ra không ai mua nhưng ngược lại, có những hiện tượng thơ như Nguyễn Phong Việt, cuốn nào ra cũng “hot,” bán được hàng vạn bản. Ông nghĩ sao về điều này, thưa nhà thơ?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi cho rằng, những câu chuyện mà Nguyễn Phong Việt đề cập tới chính là những vấn đề mà anh ấy phải đương đầu, những câu hỏi, những day dứt mà bên trong con người anh đang tự đặt ra và đi tìm câu trả lời. Nói rộng ra, đó cũng chính là những vấn đề mà người trẻ hiện nay phải đối diện: những câu chuyện tình yêu, việc lựa chọn cách sống, hướng đi cho tương lai…

Cũng cần lưu ý rằng, những người mua của Nguyễn Phong Việt chủ yếu là những người cùng thế hệ, sự chênh lệch tuổi đời so tác giả không lớn. Phong Việt đã chạm được vào thông số chung trong tâm hồn của những người cùng thế hệ. Đó là một thành công rất quan trọng, một hiện tượng khiến người cầm bút cần suy nghĩ nghiêm túc.

Cũng từ đây, vấn đề đặt ra với Nguyễn Phong Việt là, anh cần đẩy những vấn đề, tần số của đời sống tâm hồn lên mức cao hơn, sâu hơn, nghệ thuật hơn; để những sáng tác tiếp theo không chỉ là tiếng nói của người trẻ mà phải trở thành một bước ngoặt lớn trong nghệ thuật thi ca, ngôn từ, tính tư tưởng…

Năm 1999, tập “Những bức thư sinh nhật” được xuất bản ở Anh. Sau sáu tháng, một triệu bản được tiêu thụ ở khắp châu Âu. Nhiều cuốn best-seller hiện nay chưa chắc đã làm được điều đó. Cuốn sách đạt được thành công lớn như vậy bởi hai lẽ. Thứ nhất, nó chứa đựng rất nhiều câu chuyện của đời sống, chạm vào được vào tâm tư chung của độc giả. Thứ hai, người viết có nhiều cách tân táo bạo về mặt hình thức thể hiện, tạo ra bước ngoặt cho thi ca.

Trong một vài năm trở lại đây, Việt Nam chưa có những tác phẩm văn chương vượt trội hẳn lên trong đời sống. Những tác phẩm thể hiện cách nhìn mới, được viết bởi một giọng điệu mới, đặt ra những vấn đề mới… được đón nhận dè dặt.

Tôi cho rằng, đây là bài học lớn cho người cầm bút. Ở Việt Nam hiện nay, trong lực lượng sáng tác, có người quá thiên về hình thức, cầu kỳ trong nghệ thuật thể hiện, khiến những câu hỏi lớn của đời sống bị lu mờ. Bên cạnh đó, có người lại qúa chú tâm vào nội dung mà quên đi những cách thức biểu hiện, vẻ đẹp quan trọng của nghệ thuật thi ca. Hai yếu tố đó cần phải được kết hợp hài hòa, khéo léo.

– Theo quan sát của tôi thì trong thời gian qua, văn đàn Việt Nam thường chỉ được quan tâm khi có những tranh cãi về một giải thưởng hay một tác phẩm làm “dậy sóng” dư luận. Hơn nữa, các nhà văn, nhà thơ, dịch giả khi nhận giải thưởng văn học của nước ngoài cũng được quan tâm hơn khi được vinh danh bằng các giải thưởng trong nước. Là một người trong cuộc, ông nghĩ gì về vấn đề này, thưa nhà thơ?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Cách nhìn nhận các giải thưởng này cũng đã khách quan, dân chủ hơn. Các nhà văn, nhà thơ, giới phê bình, báo chí… có những quan điểm, đánh giá riêng. Tuy nhiên, với một số giải thưởng văn học trong nước, có những khâu sàng lọc chưa thật kỹ lưỡng, chất lượng; dẫn tới những tranh luận trái chiều ngay trong giới chuyên môn.

“Sự mất ngủ của lửa” là một trong tập thơ tiêu biểu nhất của Nguyễn Quang Thiều. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
“Sự mất ngủ của lửa” là một trong tập thơ tiêu biểu nhất của Nguyễn Quang Thiều. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ngoài ra, trong một vài năm trở lại đây, Việt Nam chưa có những tác phẩm văn chương vượt trội hẳn lên trong đời sống. Những tác phẩm thể hiện cách nhìn mới, được viết bởi một giọng điệu mới, đặt ra những vấn đề mới… được đón nhận dè dặt.

Hơn nữa, trong đời sống hiện nay vẫn tồn tại tâm lý (có khi đã trở thành một “hội chứng”) mặc định rằng, tác phẩm được trao giải vì tác giả là người thuộc đoàn thể này hay đang giữ cương vị kia. Giá trị tự thân của tác phẩm sẽ bị lấn át bởi những phán xét chủ quan. Từ đây, hiệu ứng tiếp theo sẽ là các giải thưởng văn học trong nước ít được quan tâm, ít gây được tiếng vang và dễ rơi vào quên lãng.

Sòng phẳng mà nói, thực tế, đời sống văn học Việt Nam thời gian qua vẫn tồn tại những vấn đề bất cập. Nhiều tranh luận mang tính vị kỷ, quy chụp, thậm chí là phỉ báng, bôi nhọ cá nhân vẫn xảy ra. Điều này khiến cho đời sống văn chương nghệ thuật thiếu lành mạnh, “chậm lớn.”

Trong khi đó, lâu nay, việc trao giải thưởng của nước ngoài có tiêu chí rất rõ ràng với những hạng mục được phân loại cụ thể: giải thưởng về những sáng tạo nghệ thuật, giải thưởng về tiềm năng phát triển… Bởi có tiêu chí rõ ràng nên việc tranh cãi cũng ít đi; các giải thưởng của nước ngoài cũng được tin tưởng hơn ở mức độ thẩm định, mức độ công bằng.

Việc nhà văn, nhà thơ Việt Nam được trao giải thưởng văn học của nước ngoài sẽ thúc đẩy bạn đọc trong nước đọc và nhìn nhận, đánh giá lại những tác giả, tác phẩm đó. Hơn nữa, tôi cho rằng, việc trao giải (ở cả trong nước và nước ngoài) không chỉ là sự ghi nhận, vinh danh ở một thời điểm cụ thể mà đó là một trong những chìa khóa, cánh cửa quan trọng để tác giả, tác phẩm mở rộng đối tượng độc giả ở nhiều vùng lãnh thổ khác.

– “Chìa khóa,” “cánh cửa” ấy cần được hiểu cụ thể là gì, thưa ông?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi lấy ví dụ thế này, khi lựa chọn tác phẩm của Việt Nam để dịch thì trước tiên, dịch giả nước ngoài cũng lắng nghe những dư luận ở trong nước (tác phẩm đã được trao giải thưởng, tác phẩm gây tranh luận…). Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp, dịch giả nước ngoài đọc được bản dịch tiếng Anh một tác phẩm nào đó và cảm thấy trong văn bản ấy có “vấn đề đáng chú ý.” Từ đó, họ tìm hiểu, tiếp xúc sâu hơn và dịch sang ngôn ngữ của họ.

Hay như bản thân tôi, khi muốn lựa chọn tác phẩm văn học nước ngoài để chuyển ngữ sang tiếng Việt, tôi cũng phải dựa vào các kênh thông tin như: các giải thưởng văn học, sự đánh giá, giới thiệu của các tác giả, giới chuyên môn ở nước sở tại.

Nhìn rộng ra, đó là câu chuyện quảng bá văn học.

– Vậy, ông đánh giá thế nào về việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài hiện nay?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhưng tôi tin, khi đặt lên bàn cân, xét về mặt sáng tạo nghệ thuật, nội dung tư tưởng hay hàm lượng đặc trưng văn hóa gửi gắm bên trong, các tác phẩm văn học của Việt Nam không hề thua kém các nước khác. Thế nhưng, đến nay, rất ít nhà thơ Việt Nam có tập thơ được dịch trọn vẹn sang tiếng nước ngoài. Điểm qua, ta chỉ thấy có Hữu Thỉnh, Mai Văn Phấn, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý…

Trong khi hàng loạt tác phẩm của các tác giả nước ngoài (đặc biệt là các tác giả Hàn Quốc) được dịch và giới thiệu tại Việt Nam trong thời gian gần đây thì việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài hiện nay vẫn chưa có những chuyển biến rõ nét, tích cực. Những sáng tác của Bảo Ninh, Y Ban, Nguyễn Xuân Khánh… hội tụ đủ những giá trị, yếu tố để có thể được giới thiệu, đón nhận ở nước ngoài nhưng lại chưa được dịch, giới thiệu bài bản.

Để thế giới biết đến văn học Việt Nam nhiều hơn, chúng ta cần một chiến lược quảng bá, dịch thuật bài bản. Việc này phải do nhà nước đứng ra làm thông qua các tổ chức uy tín. Khi người ta chưa biết nhiều đến mình để tự tìm đến thì mình phải chủ động chọn lọc, mang tác phẩm tới các nước giới thiệu.

Mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhưng tôi tin, khi đặt lên bàn cân, xét về mặt sáng tạo nghệ thuật, nội dung tư tưởng hay hàm lượng đặc trưng văn hóa gửi gắm bên trong, các tác phẩm văn học của Việt Nam không hề thua kém các nước khác.

Hiện nay, việc giới thiệu tác phẩm tới bạn bè trên thế giới chủ yếu là việc làm tự phát, mang tính cá nhân bởi những quan hệ, giao lưu quốc tế của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam chưa nhiều. Bởi vậy, hiệu quả đạt được chưa cao. Người sáng tác cần những tổ chức đứng ra hỗ trợ; đừng bắt các nhà văn, nhà thơ phải đồng thời là các dịch giả.

Hàn Quốc và nhiều nước khác trên thế giới có chiến lược quảng bá văn hóa nói chung, văn học nói riêng rất rầm rộ, hiệu quả thông qua hoạt động của các quỹ, tổ chức giao lưu, hợp tác phát triển văn hóa. Câu chuyện “hữu xạ tự nhiên hương” trong bối cảnh hiện nay là vô cùng khó khăn.

– Trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ!

Nguyễn Quang Thiều - một trong những gương mặt nổi bật của văn học Việt Nam hiện đại. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nguyễn Quang Thiều – một trong những gương mặt nổi bật của văn học Việt Nam hiện đại. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sinh năm 1957. Hiện nay, ông là Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á-Phi, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Năm 2017, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với các tác phẩm: “Sự mất ngủ của lửa” (1992), “Những người đàn bà gánh nước sông” (1995) và “Mùa hoa cải bên sông” (1989).

Tháng 9/2018, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được trao Giải thưởng Changwon KC International Literary Prize (Giải thưởng văn học quốc tế Hàn Quốc Changwon) năm 2018. Đây là giải thưởng được trao cho những tác giả trong độ tuổi từ 50-65 có những cống hiến, đóng góp to lớn trong việc sáng tạo văn học nghệ thuật ở cả trong nước và nước ngoài.