Người Mỹ về hưu chọn cuộc sống ở Việt Nam

Khi John Rockhold rút trúng con số 12 trong đợt bốc thăm nghĩa vụ quân sự vào năm 1971, cuộc sống ở Mỹ của ông tại thung lũng San Fernando đã thay đổi mãi mãi. Để tránh phải vào Lục quân, ông đã đăng ký vào lực lượng Hải quân ngay sau khi tốt nghiệp trường Trung học Granada Hills.

Trong vai trò một hạ sỹ, ông đã có nhiều tháng lái những con tàu chở lực lượng biệt kích SEAL đổ bộ vào ban đêm xuống những bờ biển dài ở Việt Nam.

Giá nhà không quá đắt đỏ, chi phí rẻ

Theo Los Angeles Time, hơn 58.000 lính Mỹ đã thiệt mạng trong cuộc Chiến tranh Việt Nam. Kể từ khi sự kiện kết thúc vào năm 1975, vô số cựu binh Mỹ đã quay trở lại Việt Nam để tìm kiếm sự cảm thông, tha thứ hoặc hòa giải.

Nhưng hiện nay có điều thú vị là nhiều người Mỹ đang tìm tới Việt Nam vì những lý do khác: giá nhà không quá đắt đỏ, chi phí chăm sóc sức khỏe rẻ, và tiêu chuẩn sống ngày càng tăng.

Sau khi kết thúc thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, Rockhold chuyển sang làm một nhà thầu quốc phòng và hoạt động chủ yếu tại châu Phi. Lần đầu tiên ông quay lại Việt Nam là năm 1992. Chỉ 3 năm sau, ông ra quyết định sống lâu dài tại Việt Nam. Cũng trong năm 1995 này, Hoa Kỳ và Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ.

Nhưng hiện nay có điều thú vị là nhiều người Mỹ đang tìm tới Việt Nam vì những lý do khác: giá nhà không quá đắt đỏ, chi phí chăm sóc sức khỏe rẻ, và tiêu chuẩn sống ngày càng tăng.

Năm 2009, Rockhold kết hôn với một người phụ nữ Việt Nam.

Trên thực tế, Rockhold thích Việt Nam đến mức đã thuyết phục được cả mẹ mình chuyển từ Santa Maria, California tới đây sinh sống.

“Bà đến dự đám cưới, rồi quyết định ở lại luôn,” ông vừa cười vừa nói. Mẹ của Rockhold đã sống tại Việt Nam tới năm 2015, khi bà qua đời ở tuổi 94.

Rockhold, năm nay 66 tuổi, giữ một vài chức vụ lãnh đạo và đang nuôi hai đứa con, một 10 tuổi và một 9 tuổi cùng vợ mình là bà Từ Việt Nga. Hai đứa trẻ chào đời bằng phương pháp sinh mổ; toàn bộ quá trình này, bao gồm cả 4 ngày nằm viện, chỉ tốn có 1.200 USD – rẻ hơn rất nhiều so với chi phí phải bỏ ra tại Mỹ.

Gia đình ông sống trong một căn hộ chung cư ở tầng 20 nhìn ra sông Sài Gòn và thành phố rộng lớn phía dưới. Họ mua căn hộ 170m2 có bốn phòng ngủ và ba phòng tắm rưỡi cùng mái hiên với giá khoảng 250.000 USD vào năm 2011.

Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng tại Việt Nam và các nước láng giềng Đông Nam Á đã dẫn đến một tình huống mà trong quá khứ không ai tưởng tượng ra: Những người Mỹ có tuổi thuộc thế hệ Boomers (sinh ra trong khoảng năm 1946 đến 1964) đang sống một lối sống mang hơi thở của Florida, Nevada và Arizona ở Việt Nam.

Các chi phí hàng tháng ở đây hiếm khi vượt quá 2.000 USD, kể cả khi họ sống trong một căn hộ lớn như của Rockhold, có thuê thêm một đầu bếp và một người dọn dẹp. Những người hàng xóm thì rất thân thiện: đa phần họ được sinh ra sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975. Rockhold cho biết ông hiếm khi gặp phải sự oán giận, ngay cả khi ông nói với họ mình từng tham gia chiến tranh Việt Nam.

John Rockhold đứng trên một đường phố ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: LATimes)
John Rockhold đứng trên một đường phố ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: LATimes)

Cuộc sống của người Mỹ tại Việt Nam

Đa số cư dân trong tòa chung cư nơi Rockhold sống thuộc tầng lớp trung lưu thành thị đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam; nhiều người làm việc trong các cơ quan chính phủ hoặc trong ngành giáo dục, và có tiền để đi du lịch nước ngoài. Ông ước tính rằng không quá 1/5 số cư dân trong chung cư 25 tầng này là người ngoại quốc.

“Người Việt Nam cực kỳ thân thiện, không như thái độ của nhiều người ở quê hương sau khi tôi trở về từ cuộc chiến,” Rockhold chia sẻ trong cuộc phỏng vấn tại một quán càphê mới mở, nằm trong một tòa tháp văn phòng bóng loáng, có hệ thống điều hòa không khí vận hành liên tục. Tòa tháp này cũng có cả một nhà hàng và một rạp chiếu phim.

Rockhold không hẳn đã nghỉ hưu – ông vẫn rất bận rộn: Ông giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu khí hóa lỏng tự nhiên và tham gia một tổ chức từ thiện cung cấp năng lượng mặt trời cho các gia đình có thu nhập thấp. Trang trại gia đình của vợ chỉ cách nơi ông từng tham chiến 45 phút lái xe. “Tôi không thể ngờ rằng 30 năm sau, tôi có thể sở hữu một thứ gì đó ở Việt Nam,” Rockhold khẽ cười.

“Người Việt Nam cực kỳ thân thiện, không như thái độ của nhiều người ở quê hương sau khi tôi trở về từ cuộc chiến,” Rockhold chia sẻ.

Việt Nam đã nới lỏng các quy định về thị thực để thu hút những người Mỹ về hưu như ông Rockhold, cùng với khoản tiền nhàn rỗi của họ. Địa chính trị cũng là một yếu tố: Việt Nam được nhiều người nước ngoài đánh giá là quốc gia hiếu khách hơn Trung Quốc. Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến đặc biệt thân thiện.

Không có con số chính xác về số lượng người Mỹ về hưu đang sống tại Việt Nam. Theo các cuộc phỏng vấn với khoảng một chục người Mỹ về hưu ở Việt Nam, có một số người cư trú theo diện thị thực du lịch một năm; số khác chỉ ở lại một thời gian ngắn; và số khác nữa thì đáp ứng điều kiện định cư dài hạn bằng cách kết hôn với công dân Việt Nam, như trường hợp của Rockhold.

Michael Gormalley, một cựu trung sỹ, đã trở lại Việt Nam vào năm 2008 để làm giáo viên tiếng Anh tình nguyện cho các trường trung học ở nông thôn. Năm 2014, ông bắt đầu giảng dạy tại một trường đại học ở Việt Nam.

Ông thường đến trường lúc 7 giờ sáng, trước khi những căn phòng học không lắp điều hòa nhiệt độ ở đây trở nên quá nóng bức. Ông từng giảng dạy cho những thiếu niên mặc đồng phục màu xanh, đeo cà vạt và sợ làm bài kiểm tra.

Từng là hiệu trưởng một trường học ở Pittsfield, Massachusetts, thầy giáo 71 tuổi này cho biết với ông, đi dạy học là cách “thể hiện sự kính trọng với những người Mỹ và người Việt Nam đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Việt Nam.”

Frederick R. Burke, một luật sư của công ty luật Baker McKenzie, người có nhiều mối quan hệ tốt trong cộng đồng người Mỹ sống tại Việt Nam đặc biệt lưu ý về số lượng các cựu quân nhân đang sinh sống ở đây. “Họ muốn quay trở lại và muốn hòa giải,” ông nói. “Họ thường kết hôn với phụ nữ Việt Nam. Ở Việt Nam, khoản tiền lương hưu và phúc lợi dành cho cựu quân nhân (nhận từ Mỹ) cho phép họ chi tiêu thoải mái hơn nhiều so với ở Los Angeles.”

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Việt Nam đã gia nhập hàng ngũ các quốc gia Đông Nam Á có sức hút với những người về hưu từ những nước giàu có hơn trên thế giới.

Campuchia, một quốc gia khác cũng phải vật lộn với di sản từ hoạt động quân sự của Mỹ, cũng đang có ý định thu hút người Mỹ về hưu tới sinh sống. GDP bình quân đầu người của đất nước này là khoảng 1.400 USD. Với số tiền đó, một người nước ngoài có thể dễ dàng trả một tháng tiền thuê nhà, tiền điện và tiền thuê người giúp việc.

Sri Lanka, nơi một cuộc nội chiến tàn khốc đã kết thúc vào năm 2009, sẽ cấp thị thực 2 năm có thể gia hạn cho người về hưu từ 55 tuổi trở lên nếu họ đủ khả năng chi trả cho các nhu cầu của bản thân và có ít nhất 15.000 USD trong tài khoản tại một ngân hàng ở địa phương. Chi phí sinh hoạt của một người nước ngoài điển hình dao động ở mức 1000-2000 USD một tháng.

Trước đây, Philippines, Thái Lan và Malaysia là những điểm đến phổ biến hơn với người Mỹ về hưu. Nhưng chi phí sinh hoạt cao, nhất là ở những vùng ven biển giống như California và New York, đã khiến nhiều người phải đi xa hơn.

Rockhold, cựu quân nhân Hải quân, cho biết chất lượng chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều. Ông cũng nói: “Đây là một trong những nơi an toàn nhất thế giới. Ở đây tôi chưa từng gặp các vụ móc túi nhỏ nhặt.”