Ảnh hưởng của Nga ở khu vực Trung Đông

Chuyến công du chớp nhoáng của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới 3 quốc gia gồm Syria, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện sức ảnh hưởng của Nga với tư cách là đối tác tin cậy để giải quyết các vấn đề “nóng” ở “chảo lửa” Trung Đông, từ cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria cho tới tình hình đang sục sôi sau khi Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Trong chuyến thăm “lịch sử” tới căn cứ quân sự Hmeimim ở Syria, việc Tổng thống Putin bất ngờ ra lệnh rút “một phần quan trọng” lực lượng quân sự Nga đang hoạt động tại quốc gia Trung Đông này về nước được coi là “một mũi tên, nhiều đích nhắm.”

Trước hết, ông Putin muốn tuyên bố với nhân dân Nga và các nước trong khu vực rằng “sứ mệnh” của quân đội Nga tại Syria đã hoàn thành. Lực lượng khủng bố đã bị đánh bại, nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Syria được bảo đảm, chính quyền hợp pháp của Damascus trụ vững và đã đến lúc cần một giải pháp chính trị.

Tuy nhiên, để tiến trình chính trị diễn ra thành công đòi hỏi phải có sự tham gia của các lực lượng chính trị khác nhau ở Syria, do đó việc Moskva tuyên bố rút quân sẽ tước mất con “át chủ bài” mà phe đối lập thường sử dụng để tẩy chay các cuộc hòa đàm tại Geneva (Thụy Sĩ) và Astana (Kazakhstan).

Tuyên bố rút quân khỏi Syria cho thấy Nga là bên chủ động, làm chủ “cuộc chơi” và giữ vai trò dẫn dắt tiến trình hòa bình tại Syria

Bên cạnh đó, tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga còn chứng minh rằng Moska sẽ không “sa lầy” tại Syria, đồng thời gửi thông điệp mạnh mẽ tới liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu rằng không họ có lý do gì nữa để ở lại Syria. Điều quan trọng hơn là chiến thắng của quân đội Nga ở Syria đã chặn đứng làn sóng “Mùa xuân Arab” tại khu vực Bắc Phi và Trung Đông. Chắc chắn, những hành động của Tổng thống Putin ở Syria sẽ giúp ông “ghi điểm” với cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống Nga vào tháng 3/2018.

Tuyên bố rút quân của Tổng thống Nga cho thấy Nga là bên chủ động, làm chủ “cuộc chơi” và giữ vai trò dẫn dắt tiến trình hòa bình tại Syria. Nga hiện là cường quốc trung gian duy nhất có liên hệ với mọi bên trong cuộc xung đột Syria, bởi ngoài hợp tác với Iran để phối hợp giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, Nga cũng kết nối với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia từng chống đối chính quyền Damascus, thành nhóm bộ ba Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ xúc tiến vòng đàm phán Astana về Syria. Từ thắng lợi quân sự, Moskva trở thành một bên đối thoại bắt buộc mà các nước bảo trợ cho phe đối lập ở Syria phải thích nghi.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (thứ hai, phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (phải) trong cuộc gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad (thứ 2, trái) tại Sochi ngày 20/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (thứ hai, phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (phải) trong cuộc gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad (thứ 2, trái) tại Sochi ngày 20/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, chuyến thăm của ông Putin tới Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, từng là hai đồng minh chủ chốt và đối tác chiến lược của Mỹ ở Trung Đông-Bắc Phi, một lần nữa cho thấy sức mạnh và vị thế của Nga tại khu vực này ngày càng gia tăng. Chỉ trong cuộc hội đàm ngắn ngủi với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng là cuộc gặp lần thứ 8 giữa hai bên trong năm nay, hai nhà lãnh đạo đã dễ dàng tìm được tiếng nói chung về nhiều vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương cũng như các vấn đề khu vực.

Lãnh đạo hai nước nhất trí nỗ lực hỗ trợ tiến trình hòa bình tại Syria, đồng thời lên án quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Điều đáng nói, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng minh thân cận lâu năm của Mỹ trong khu vực, song giờ đây, Ankara đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện với Moskva, thậm chí đạt được thỏa thuận mua tên lửa giàn S-400 của Nga. Sự hợp tác chặt chẽ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên cũng như góp phần giải quyết những vấn đề an ninh khu vực.

Khác với Thổ Nhĩ Kỳ, mối quan hệ giữa Nga và Ai Cập được củng cố và phát triển từ năm 2013 sau khi làn sóng “Mùa Xuân Arab” càn quét Cairo. Vì vậy, chuyến thăm Ai Cập lần này của Tổng thống Putin được xem như chất “xúc tác” đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới.

Với việc thỏa thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Ai Cập trị giá 21 tỷ USD được ký kết, cũng như khả năng nối lại tuyến đường hàng không giữa Nga và Ai Cập vốn bị ngưng trệ từ tháng 11/2015 sau vụ tấn công khủng bố dẫn đến tai nạn máy bay chở khách Nga trên bán đảo Sinai, hợp tác giữa hai nước được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tổng thống Nga Putin (trái) trong cuộc gặ với Tổng thống Ai Cập. (Nguồn: THX/TTXVN) 
Tổng thống Nga Putin (trái) trong cuộc gặ với Tổng thống Ai Cập. (Nguồn: THX/TTXVN) 

Trước đó, chuyến thăm của Tổng thống Nga tới Iran hồi tháng 11 và chuyến thăm đầu tiên của Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz al Saud tới Nga hồi tháng 10 cho thấy Nga và các nước Trung Đông đang ngày càng thúc đẩy quan hệ vì lợi ích chung, đồng thời chính sách của Nga đối với khu vực Trung Đông cũng đang được điều chỉnh theo hướng Nga ngày càng can dự tích cực hơn vào khu vực có ý nghĩa địa-chính trị quan trọng này.

Bản thân việc Nga xích lại gần cả Iran và Saudi Arabia, hai cường quốc Trung Đông luôn đối đầu và cạnh tranh lẫn nhau, có thể khiến Nga trở thành nhà trung gian hòa giải hay một “vị trọng tài” dàn xếp những bất đồng trong khu vực. Và nếu Nga đảm đương được vai trò này, không những uy tín và vị thế của Nga ngày một nâng cao, mà những ý đồ nhằm cô lập và gây áp lực với Nga cũng không còn tác dụng.

Thời gian qua, Nga vừa duy trì quan hệ tốt đẹp với nhiều quốc gia Trung Đông theo dòng Hồi giáo Shi’ite như Iran, Iraq và Syria, đồng thời cũng tham gia đàm phán trực tiếp với Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh theo dòng Hồi giáo Sunni. Cả Ai Cập và Israel hiện giờ đều có đường dây liên lạc riêng với điện Kremlin.

Nga ngày càng giữ vai trò tích cực hơn trong các vấn đề Trung Đông, đồng thời từng bước thể hiện sức mạnh của một cường quốc thế giới

Moskva cũng đã chủ trì các cuộc họp giữa các phe phái Libya, các đảng chính trị Palestine, các đại diện người Kurd và các thành viên phe đối lập Syria; các nhà lãnh đạo Trung Đông cũng thường xuyên tới Moskva để tham khảo ý kiến với điện Kremlin…. Thực tế trên cho thấy Nga ngày càng giữ vai trò tích cực hơn trong các vấn đề Trung Đông, đồng thời từng bước thể hiện sức mạnh của một cường quốc thế giới.

Bình luận về chuyến công du của Tổng thống Putin tới 3 nước Trung Đông-Bắc Phi lần này, chuyên gia nổi tiếng về Trung Đông, giáo sư Michael Horowitz của Khoa khoa học chính trị tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) cho rằng chỉ ít ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump “chọc giận” thế giới Hồi giáo bằng tuyên bố về Jerusalem, thì nhà lãnh đạo Nga xuất hiện như “một đối tác thông minh và đáng tin cậy.”

Kết quả của chuyến thăm vừa qua một lần nữa khẳng định Nga đã vươn tầm ảnh hưởng của mình ra khắp khu vực này, thậm chí trở thành đối tác đáng tin cậy không thể thiếu đối với nhiều quốc gia Trung Đông./.

Người dân tham gia biểu tình phản đối việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel tại Amman, Jordan ngày 8/12. (Nguồn: THX/TTXVN)
Người dân tham gia biểu tình phản đối việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel tại Amman, Jordan ngày 8/12. (Nguồn: THX/TTXVN)