Xu hướng mới

Thỏa thuận vừa đạt được giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược là minh chứng mới nhất cho thấy mối quan hệ giữa Moskva và Ankara đang trong thời kỳ nồng ấm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử.

Việc hai quốc gia từng là “đối thủ” suốt nhiều thập niên, nay đang xích lại gần nhau, có thể coi là một sự lựa chọn địa chính trị mang tính tất yếu đối với cả hai bên, trong bối cảnh Moskva vẫn tiếp tục bị phương Tây cô lập, còn mâu thuẫn giữa Ankara với đồng minh chủ chốt là Mỹ ngày càng sâu sắc, nhất là sau quyết định của Tổng thống Donald Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt, đồng thời áp mức thuế gấp đôi đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ.   

Việc lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ song phương, một Ngoại trưởng Nga có bài phát biểu tại hội nghị các đại sứ và đại diện thường trực của Thổ Nhĩ Kỳ, vừa diễn ra ở Ankara, chứng tỏ “mức độ tin tưởng lẫn nhau giữa lãnh đạo hai Bộ Ngoại giao Nga và Thổ Nhĩ Kỳ rất cao.”

Mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang trong thời kỳ nồng ấm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử

Hai bên đều thể hiện mong muốn phát triển hơn nữa mối quan hệ đối tác Nga-Thổ Nhĩ Kỳ và phối hợp lập trường về những vấn đề then chốt của khu vực và thế giới, đặc biệt là vấn đề Syria và Iran.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu rằng Ankara không bao giờ ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống Nga, cũng như việc người đứng đầu ngành ngoại giao Nga chỉ trích các biện pháp trừng phạt mới nhất mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt đối với Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho thấy Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang “đứng cùng một phía” để đối phó với chính sách không thân thiện của Washington.

Rõ ràng, sau một giai đoạn sóng gió vì vụ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga ở Syria hồi tháng 11/2015, quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã có sự đảo chiều “ngoạn mục.” Bản thân lãnh đạo hai nước cũng nhận thấy sự cần thiết phải khôi phục quan hệ hợp tác cùng có lợi, khi áp lực về chính trị, ngoại giao, kinh tế cũng như những lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva và Ankara đang ngày càng gia tăng. Việc duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đang được xem là biện pháp để bảo vệ lợi ích quốc gia của mỗi nước trước sự o ép từ bên ngoài.

Công nhân làm việc tại lò luyện thép thuộc Công ty sắt thép Kardemir ở Karabuk, miền Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Công nhân làm việc tại lò luyện thép thuộc Công ty sắt thép Kardemir ở Karabuk, miền Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sự “bất bình” của Ankara đối với chính sách cứng rắn của Washington và phương Tây nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ kể từ sau vụ đảo chính bất thành tại nước này năm 2016 càng khiến Thổ Nhĩ Kỳ chủ động hòa giải mối quan hệ căng thẳng với Nga. Vượt qua những định kiến và nghi ngờ lẫn nhau trong quá khứ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã từng bước củng cố lòng tin để có thể xây dựng mối quan hệ đối tác và đồng minh trên một số lĩnh vực.

Chỉ trong vòng 2 năm kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ “xuống nước” chính thức xin lỗi Nga về vụ bắn hạ máy bay, hợp tác hai nước cả về chính trị, ngoại giao, kinh tế lẫn quốc phòng đã phát triển tích cực.

Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin chọn Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đầu tiên đến thăm sau khi đắc cử tổng thống nhiệm kỳ thứ 4, và cũng là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên chúc mừng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng Sáu vừa qua, đã nói lên tất cả. Tần suất các cuộc gặp trực tiếp giữa tổng thống hai nước ngày càng dày đặc. Chỉ trong vòng một năm qua, hai nhà lãnh đạo Erdogan và Putin đã gặp nhau không dưới 10 lần.

Chỉ trong vòng một năm qua, hai nhà lãnh đạo Erdogan và Putin đã gặp nhau không dưới 10 lần

Quan hệ chính trị được thúc đẩy tạo đà cho hợp tác kinh tế. Theo số liệu thống kê của Nga, chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại song phương so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng 46,2% và đạt 11,4 tỷ USD. Kết thúc năm 2017, khối lượng trao đổi hàng hóa tăng 40,5%, đạt mức 22,1 tỷ USD.

Xu hướng này chắc chắn sẽ tiếp tục được củng cố khi lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực dỡ bở các rào cản thương mại, trong đó có tính đến việc thanh toán bằng đồng nội tệ, đồng thời đẩy mạnh thực hiện các dự án năng lượng chung, như dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ và nhà máy năng lượng hạt nhân Akkuyu.

Trong khi đó, thỏa thuận Nga cung cấp hệ thống phòng không hiện đại S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ được coi là tiền đề cho mối quan hệ quốc phòng mạnh mẽ hơn giữa hai nước.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc gặp ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc gặp ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Một ví dụ rõ nét khác về hiệu quả hợp tác giữa hai nước là vấn đề  Syria. Dù mục tiêu của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề này chưa hẳn đã tương đồng, song hai bên đã chia sẻ những lợi ích chung để phối hợp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria, góp phần chấm dứt tình trạng đổ máu và tạo ra các điều kiện thuận lợi để tiến hành các giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này.

Nhờ nỗ lực chung của cả Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran mà tiến trình đàm phán Astana đã ra đời với những kết quả đáng ghi nhận, trong đó nhóm “Bộ ba” này đang đứng ra bảo trợ các lệnh ngừng bắn tại Syria và tìm kiếm các nguồn lực để tái thiết quốc gia Trung Đông bị chiến tranh tàn phá trong suốt hơn 7 năm qua.

Mối quan hệ gần gũi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga càng được chú ý khi những rạn nứt giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đặc biệt là Mỹ, ngày càng sâu sắc.

Giới phân tích thậm chí cho rằng nếu xu hướng này tiếp diễn, Ankara sẽ ngày càng rời xa các đồng minh phương Tây, xoay trục sang Moskva và rơi vào quỹ đạo ảnh hưởng của Nga. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần nhau chủ yếu xuất phát từ bối cảnh cụ thể với những mối đe dọa cụ thể, ở đây là áp lực từ phía Mỹ và phương Tây, mà để ứng phó với nó thì hai nước cần thiết lập quan hệ đối tác gắn bó.

Giới phân tích cho rằng nếu xu hướng này tiếp diễn, Ankara sẽ ngày càng rời xa các đồng minh phương Tây, xoay trục sang Moskva và rơi vào quỹ đạo ảnh hưởng của Nga

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, quan hệ gần gũi với Nga có thể là cách để Ankara gây áp lực trong các cuộc đàm phán với phương Tây. Trong khi đó, Nga sẽ có lợi từ một Thổ Nhĩ Kỳ mạnh mẽ và tự chủ, không chịu sự chi phối của phương Tây. Duy trì mối quan hệ tích cực với nhau phục vụ lợi ích của cả Moskva lẫn Ankara, dù rằng giữa hai bên vẫn tồn tại không ít nghi kỵ và bất đồng lợi ích.

Nhiều ý kiến cho rằng quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ thực chất là một liên minh chiến thuật tạm thời. Hơn nữa, về lợi ích chiến lược dài hạn, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khó tách khỏi mối quan hệ liên minh với NATO và Mỹ, trước hết là xuất phát từ lợi ích an ninh. Tất nhiên, hợp tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là kinh tế, trong tương lai gần khó có thể bị đảo ngược vì lợi ích của hai nước ngày càng đan xen, hòa quyện và phụ thuộc lẫn nhau. Mặc dù vậy, Ankara nhiều khả năng sẽ tìm cách hàn gắn quan hệ với Mỹ, trong khi vẫn duy trì quan hệ gần gũi với Nga./.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) thảo luận với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels, Bỉ ngày 10/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) thảo luận với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels, Bỉ ngày 10/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)