Mạng 4G

Những thông tin về 4G trong thời gian qua luôn thu hút sự quan tâm của dư luận và đây sẽ là tâm điểm của ngành viễn thông di động Việt Nam trong năm 2017, khi mà các nhà mạng đang gấp rút triển khai dịch vụ này trên toàn quốc.

“Cuộc đua” này càng nóng bỏng hơn khi lãnh đạo một nhà mạng từng cho rằng, khoảng cách giữa 3 “đại gia” VinaPhone, MobiFone và Viettel là khá lớn nhưng 4G là công nghệ đặt các nhà khai thác vào “vạch xuất phát” và ai tận dụng tốt cơ hội, chạy nhanh hơn sẽ chiến thắng.

Đua phủ sóng

Vào tháng 12/2015, Viettel “bắn phát súng” đầu tiên khi thử nghiệm dịch vụ 4G tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Tới ngày 18/1/2016, VNPT VinaPhone cũng tham gia “chiến trận” tại Phú Quốc (Kiên Giang) và Thành phố Hồ Chí Minh và vào đầu tháng 7/2016, MobiFone cũng chính thức tham gia cuộc đua thử nghiệm 4G.

Nhìn chung, tốc độ 4G của ba nhà mạng trong đợt thử nghiệm đều ghi nhận sự vượt trội so với 3G. Trước sự chuẩn bị của doanh nghiệp cũng như yêu cầu của thị trường, tháng 10/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức cấp phép triển khai 4G trên diện rộng cho bốn nhà mạng là VNPT VinaPhone, Viettel, MobiFone và Gtel trên băng tần 1800 MHZ.

Viettel “bắn phát súng” đầu tiên khi thử nghiệm dịch vụ 4G tại Bà Rịa-Vũng Tàu
Viettel “bắn phát súng” đầu tiên khi thử nghiệm dịch vụ 4G tại Bà Rịa-Vũng Tàu

Có “chìa khóa,” các doanh nghiệp lập tức triển khai kế hoạch phủ sóng. Đầu tháng 11/2016, VNPT-VinaPhone trở thành nhà mạng đầu tiên chính thức cung cấp 4G tại Việt Nam khi “ấn nút” triển khai dịch vụ ở Phú Quốc. Viettel thì cho biết dự kiến việc khai trương 4G sẽ được tiến hành vào quý 1.

Tại lễ đón nhận giấy phép 4G, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT cho hay, tới hết 2017, VNPT sẽ triển khai 21.000 trạm BTS 4G, phủ sóng tới 63 tỉnh, thành trên toàn quốc. Trong đó, nhiều địa phương đạt độ phủ sóng 100%, trung bình toàn quốc đạt 85%.

Ông cũng khẳng định VNPT sẽ nỗ lực để có thể trở thành nhà mạng tích cực triển khai nhanh chóng và hiệu quả dịch vụ 4G tại Việt Nam.

Theo kế hoạch, trong quý 1 này, VinaPhone sẽ lắp đặt hơn 10.000 trạm BTS để triển khai 4G tới Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và 10 tỉnh, thành trọng điểm.

Với Viettel, đơn vị này khẳng định đã sản xuất thành công thiết bị thu phát sóng 4G. Trong quý 1, nhà mạng sẽ chính thức đưa thiết bị hạ tầng 4G vào sử dụng tại Lào, Đông Timor và 3 tỉnh của Việt Nam; thúc đẩy việc nghiên cứu mạng lõi 4G (EPC) và thiết bị truyền dẫn Site Router để đưa vào thử nghiệm.

Số lượng trạm BTS 4G Vina, Viettel năm 2017 (di chuột để biết thông số cụ thể)

Dự kiến, Viettel sẽ cung cấp 4G chính thức trên toàn quốc vào quý 1 trên băng tần 1800 MHz. Trả lời phóng viên VietnamPlus ngày 6/2, một đại diện nhà mạng cho biết hiện đã lắp đặt được 10.000 trạm BTS 4G. Mục tiêu của Viettel sẽ là phủ sóng 4G toàn quốc rộng như 2G với 35.000 trạm thu phát sóng.

Cuối tháng 12/2016, Viettel cũng đưa ra chính sách đổi SIM 4G miễn phí trên toàn quốc với hơn 1.600 điểm được bố trí tại các siêu thị, cửa hàng ủy quyền và điểm bưu chính Viettel.

Trong khi đó, đại diện của MobiFone cho hay sẽ cung cấp chính thức 4G vào quý 1. Nhà mạng cũng tung ra chính sách khuyến khích khách hàng đổi SIM 4G bằng cách tặng voucher (trị giá 500.000 đồng) cho 1.000 thuê bao đầu tiên và mã giảm giá này được sử dụng khi mua smartphone từ 6 triệu đồng trở lên tại hệ thống bán lẻ của mình.

Có đua về giá?

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng hạ tầng, một lẽ đương nhiên, các doanh nghiệp cũng đang gấp rút xây dựng hệ sinh thái 4G để thu hút người dùng. Theo một số chuyên gia, đó có thể sẽ là những dịch vụ “ngốn” băng thông như xem video chất lượng cao (Mobile TV), truyền video Live streaming (Mobile Broadcast), truyền hình hội nghị (Cloud Video Conferencing)…

Ở khía cạnh quản lý, theo một lãnh đạo của Bộ Thông tin và truyền thông, Việt Nam rất khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và tạo mọi điều kiện phát triển, ứng dụng những công nghệ tiên tiến như 4G LTE, IoT… giải quyết vấn đề cấp thiết, phục vụ cộng đồng như giám sát và bảo vệ môi trường, xây dựng nhà thông minh, thành phố thông minh, chăm sóc sức khỏe… Và, 4G sẽ mở ra cơ hội lớn cho việc đạt được các mục tiêu này.

Trải nghiệm dịch vụ 4G của MobiFone

Tuy nhiên, cùng với chất lượng và các dịch vụ nội dung trên nền 4G, một trong những yếu tố được người dùng quan tâm chính là giá cả của dịch vụ.

Cho đến thời điểm này, các nhà mạng đều cho biết giá của 4G sẽ cạnh tranh.

Vào thời điểm chính thức cung cấp 4G, phía VNPT VinaPhone cho hay, quy mô và chiến lược đầu tư vào các nhóm dịch vụ về Mobile Internet được xác định là lợi thế cạnh tranh của nhà mạng này năm 2017. Tuỳ theo từng gói sản phẩm cụ thể, giá cước 4G sẽ thấp hơn hoặc tương đương 3G. Ngoài ra, so với 3G, cách đóng gói sản phẩm 4G rất linh hoạt với từng nhóm nhu cầu nhỏ nhất. VinaPhone sẽ có nhiều chính sách trợ giá đối với thiết bị cho khách hàng…

Trong khi đó, với Viettel, đơn vị này dự kiến sẽ cung cấp với mức rẻ hơn so với hiện nay. Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sẽ triển khai 4G như đã từng làm với mạng 2G, mục tiêu là phổ cập dịch vụ băng rộng di động tới hầu hết người dùng di động, góp phần đưa Việt Nam lên thứ hạng cao trên bản đồ viễn thông thế giới.

Còn với MobiFone, trong thời điểm thử nghiệm 4G tại Hà Nội, doanh nghiệp này cũng đã đưa ra một số gói cước thử nghiệm với giá khá ưu đãi. Ví dụ như với gói DP120 với giá 120.000 đồng, người dùng sẽ được sử dụng 3GB Data và kèm theo đó là 120 phút gọi, 120 SMS nội mạng miễn phí; gói DP200 có giá 200.000 đồng với 4GB Data và 200 phút gọi, 200 SMS nội mạng miễn phí (tất cả được quy định sử dụng trong 30 ngày)… Tuy nhiên, đây chỉ là gói cước thử nghiệm và nhà mạng này đã tạm dừng triển khai.

Khách hàng hào hứng trải nghiệm 4G của VinaPhone thời điểm thử nghiệm đầu năm 2016 tại Phú Quốc. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
Khách hàng hào hứng trải nghiệm 4G của VinaPhone thời điểm thử nghiệm đầu năm 2016 tại Phú Quốc. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Trong một lần trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm (đơn vị cung cấp thiết bị, giải pháp, tối ưu hóa mạng 4G) khu vực Đông Dương cho biết kinh nghiệm cho thấy ở những thị trường phát triển 4G thành công sẽ tạo cú hích cho cả ngành di động, kể cả sự tăng trưởng của các thiết bị đầu cuối, số lượng người dùng data và doanh số của các nhà mạng.

Nói về giá thành 4G, ông Nam cho rằng trên thế giới đa phần các nhà mạng bán những gói cước data theo dung lượng chứ không phân biệt bán data này theo 4G hay 3G.

Theo ông Nam, cái lợi của nhà mạng là 4G có tốc độ download rất nhanh nên lượng tiêu thụ Data tăng vọt. Trước kia dùng 3G không xem được Video HD hay những ứng dụng cần data nhiều, thì khách hàng chỉ cần mua gói cước dung lượng nhỏ. Khi dùng 4G thì gói cước dung lượng nhỏ sẽ hết rất nhanh. Bởi vậy, người dùng sẽ chọn mua gói cước lớn và điều này sẽ đem lại doanh thu cho doanh nghiệp viễn thông di động.

Rõ ràng, cuộc đua 4G đang ở giai đoạn bắt đầu và hứa hẹn sẽ đem lại nhiều thú vị cho ngành viễn thông di động trong năm 2017. Và hơn hết, cuộc đua “không khoan nhượng” của các nhà mạng cùng với sự quản lý tốt hơn của Bộ Thông tin và Truyền thông trong lĩnh vực này [ví dụ vừa qua đã “trảm” hàng loạt thuê bao di động trả trước kích hoạt sẵn-pv] được kỳ vọng sẽ đem tới những dịch vụ tốt cho người dùng, giúp thị trường phát triển bền vững./.

Khách hàng tìm hiểu về dịch vụ 4G của MobiFone. (Nguồn: MobiFone)
Khách hàng tìm hiểu về dịch vụ 4G của MobiFone. (Nguồn: MobiFone)