Giải pháp nào

vnpanhbhxh2-1577694747-74.jpg

Lao động di cư luôn gắn chặt với nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế. Họ là một phần không thể thiếu trong bức tranh phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Sẽ thật khó hình dung nếu như các khu công nghiệp thiếu đi nguồn lao động di cư, các đô thị lớn như Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh vắng bóng lao động di cư làm giúp việc, bán hàng, thu mua ve chai…

Do đó, các chuyên gia cho rằng rất cần những chính sách an sinh xã hội để hướng tới đối tượng này như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Khoảng trống chính sách

Lao động di cư là những lao động từ vùng này đến vùng khác trong phạm vi biên giới của một quốc gia và từ quốc gia này đến quốc gia khác. Ở Việt Nam, những lao động di cư từ vùng nông thôn ra đô thị chiếm số lượng lớn hơn rất nhiều so với lao động di cư sang nước khác và tình trạng này đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết.

Sự dịch chuyển nơi ở để tìm kiếm việc làm khiến cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội theo hộ khẩu không đạt được hiệu quả.

Theo ông Lê Thanh Sang, Viện trưởng Viện khoa học xã hội vùng Nam bộ, dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách mới tiến bộ nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho lao động di cư nhưng trên thực tế vẫn con nhiều rào cản. Chẳng hạn như tư duy và cơ chế quản lý xã hội theo hộ khẩu và bao cấp; chính sách còn ít tính khả thi; công tác truyền thông về chính sách còn hạn chế…

Sự dịch chuyển nơi ở để tìm kiếm việc làm khiến cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội theo hộ khẩu không đạt được hiệu quả. Không chỉ mất đi sự hỗ trợ ở quê hương, họ còn khó có thể tiếp cận với các chính sách hỗ trợ tại nơi đến. Đây là một “khoảng trống” trong thực hiện chính sách khi những người dân chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết.

Ông Nguyễn Trọng Đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội từng thừa nhận, hiện tại, lao động di cư thuộc diện hộ nghèo chưa được hưởng thụ các chính sách ở nơi đến (nơi di cư tới) bởi luật pháp chưa có quy định về trường hợp này. Một số tổ chức phi chính phủ cũng đã kiến nghị cần có thay đổi về mặt chính sách để lao động di cư được tiếp cận với những chính sách giảm nghèo, tuy nhiên đây vẫn là chuyện không dễ thực hiện.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, tính đến hết năm 2018, cả nước mới có khoảng 270.000 người tham gia bảo bảo hiểm xã hội tự nguyện trong tổng số khoảng 34 triệu người lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội, tức chiếm tỷ lệ khoảng 0,8% số người chưa tham gia bảo hiểm xã hội..

Tính đến hết năm 2018, cả nước mới có khoảng 270.000 người tham gia bảo bảo hiểm xã hội tự nguyện trong tổng số khoảng 34 triệu người lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội

Còn đối với lao động Việt Nam di cư sang nước khác làm việc, theo ông Đinh Duy Hùng, Phó Trưởng Ban Thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) thì hiện có khoảng 500.000 người đang làm việc ở nước ngoài và mỗi năm tăng khoảng trên 100.000 người. Những lao động thuộc nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng cũng mới chỉ có khoảng 6.000 người tham gia bảo hiểm xã hội.

Cần giải pháp đồng bộ

Để giải quyết những dịch vụ an sinh xã hội thiết yếu cho lao động di cư, những năm vừa qua nhóm lao động này đã trở thành thành đối tượng điều chỉnh của một số luật như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Luật Lao động….

Lao động tự do chia sẻ câu chuyện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Ngoài ra, Luật Bảo hiểm y tế 2014 đã đưa qua với các quyền tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ thông qua sổ tạm trú. Mặt khác, chiến lược an sinh xã hội gia đoạn 2012-2020 cũng xác định lao động di cư là một trong các nhóm yếu thế cần được hỗ trợ như là một nhóm đối tượng khó khăn thuộc nghèo đa chiều.

Đối với lao động di cư từ nước khác đến Việt Nam thì kể từ ngày 1/12/2018 cũng đã thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo lộ trình đóng vào từng quỹ thành phần như quỹ ốm đau, thai sản, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp. Đây là lần đầu tiên pháp luật của Việt Nam có quy định về thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Khi nói về nguyên nhân lao động di cư chưa mặn mà với chính sách bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ ra thêm các nguyên nhân khác như: Mặt bằng thu nhập bình quân thấp, không ổn định, điều kiện kinh tế còn hạn chế dẫn tới những khó khăn trong việc tham gia bảo hiểm xã hội…

Một câu hỏi được đặt ra là, tại sao nhà chức trách ban hành nhiều chính sách nhưng tỷ lệ lao động di cư tham gia bảo hiểm vẫn thấp? Lý giải điều này, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho rằng nguyên nhân là do hiệu quả tổ chức triển khai thực hiện không cao, cần phải thay đổi phương pháp tuyên truyền để đưa chính sách tới đúng đối tượng, phải phân nhóm đối tượng.

“Ví dụ như với lao động di cư thì không nên tuyên truyền trên tivi hay trên báo đài bởi rất khó để cho các đối tượng này tiếp cận được vì nhiều người trong số họ đi từ sáng sớm và về muộn,” ông Trần Hải Nam nói.

Khi nói về nguyên nhân lao động di cư chưa mặn mà với chính sách bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ ra thêm các nguyên nhân khác như: Mặt bằng thu nhập bình quân thấp, không ổn định, điều kiện kinh tế còn hạn chế dẫn tới những khó khăn trong việc tham gia bảo hiểm xã hội; rào cản về thủ tục hồ sơ làm người lao động khó tiếp cận với cơ quan bảo hiểm xã hội; chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện mới chỉ được thực hiện với hai chế độ là hưu trí và tử tuất; cần tới 20 năm đóng để được hưởng lương hưu hàng tháng nên tạo tâm lý không muốn tham gia khi không thấy được những lợi ích trước mắt…

Để làm tăng số lượng người lao động di cư tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nói riêng và tham gia bảo hiểm xã hội nói chung, cơ quan quản lý cần đưa ra các giải pháp đồng bộ hóa giải quyết các nguyên nhân trên. Nhà nước đã đưa ra chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tuy nhiên mức hỗ trợ cần phải tính toán theo chiều hướng tăng dần. Các hoạt động truyền thông cũng cần được đa dạng hóa các hình thức qua các kênh truyền thông để tăng khả năng tiếp cận thông tin của lao động di cư, nhất là trong khu vực phi chính thức.

Hiện nay Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ công tác này như tuyên truyền vận động thông qua vai trò của các tổ chức, đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân…

Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng liên tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống quản lý bảo hiểm xã hội; cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ

Đăc biệt, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền với việc thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW đã được cụ thể hoá bằng cách đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hôi vào tiêu chí để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của mỗi địa phương. Địa phương phải thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, ổn định tiền lương và thu nhập của người lao động; tạo sự dịch chuyển lao động khu vực từ phi chính thức sang khu vực chính thức để gia tăng cơ hội tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng liên tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống quản lý bảo hiểm xã hội; cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ đảm bảo việc giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật… Đối với lao động di cư ra nước ngoài, cơ quan Nhà nước và bảo hiểm xã hội cũng đàm phán, ký kết các thỏa thuận song phương, đa phương về an sinh xã hội giúp đỡ lao động di cư tiếp cận dần với các chính sách anh sinh xã hội của quốc gia tiếp nhận lao động./.