Kong: Skull Island

giantgorill-1489137098-52.jpg

Quái thú, hay nói đúng hơn là nhân vật biểu tượng của điện ảnh thế giới ra đời cách đây 80 năm, bối cảnh chiến tranh Việt Nam, và đặc biệt là thông tin từ quá trình quay phim trải dài từ Quảng Bình, Ninh Bình tới Hạ Long. Có quá nhiều yếu tố để lôi kéo khán giả Việt Nam tới rạp để theo dõi bộ phim bom tấn đầu tiên của Hollywood được quay tại dải đất hình chữ S.

Và quả thật, bom tấn trị giá 190 triệu USD này đã không để khán giả thất vọng về tính giải trí, phần hình ảnh, cũng như những ẩn dụ về chiến tranh và hòa bình, bởi Việt Nam chưa bao giờ hiện lên đẹp đến vậy trong phim Hollywood.

Huyền thoại tái xuất

Nếu như các siêu anh hùng nhà Marvel có vũ trụ điện ảnh “Marvel Cinematic Universe” để quần hùng hội tụ thì các quái vật đình đám của Hollywood cũng có “MonsterVerse”. Đây là dự án đầy tham vọng của hãng Legendary và Warner Bros., khi để những siêu quái vật như King Kong và Godzilla có dịp đụng độ trên màn ảnh. Sau khi “Godzilla” được ra mắt năm 2014, tới lượt một biểu tượng kinh điển của điện ảnh thế giới là King Kong được đưa lên sóng.

Nữ diễn viên từng đoạt Oscar Brie Larson thủ vai một nhiếp ảnh gia trong “Kong: Skull Island”
Nữ diễn viên từng đoạt Oscar Brie Larson thủ vai một nhiếp ảnh gia trong “Kong: Skull Island”

Câu chuyện phim được đặt bối cảnh vào năm 1973, khi một nhóm thám hiểm của chính phủ Mỹ lên đường tới một hòn đảo hẻo lánh tại Thái Bình Dương. Để có thể nghiên cứu một cách an toàn, nhóm chính phủ Mỹ không chỉ nhờ cậy tới sự giúp đỡ của đại tá Packard (Samuel L. Jackson) và các binh sĩ Mỹ, những người sắp rời chiến trường Việt Nam, mà còn tìm tới cả đại úy đã từ ngũ Conrad (Tom Hiddleston) để dẫn đường.

Hòn đảo bí ẩn Skull (Xương sọ) nguy hiểm đúng như cái tên của nó. Đoàn trực thăng của Mỹ còn chưa kịp vui mừng được bao lâu khi vượt qua bão táp để đặt chân tới đảo thì đã chạm trán Kong – vua khỉ khổng lồ với chiều cao lừng lững như một tòa nhà cao tầng.

Cảnh quay gợi nhớ tới bộ phim kinh điển về Chiến tranh Việt Nam Apocalypse Now
Cảnh quay gợi nhớ tới bộ phim kinh điển về Chiến tranh Việt Nam Apocalypse Now

Loài người thì sững sờ và hoảng sợ trước sự xuất hiện của một sinh vật có một không hai còn Kong thì tức giận bởi lãnh thổ riêng bị xâm phạm. Một cuộc đụng độ không thể tránh khỏi đã diễn ra và phần thua thuộc về đoàn thám hiểm.

Hầu hết đội trực thăng đều đã bị Kong tiêu diệt và những người sống sót bị xé nhỏ thành nhiều nhóm. Họ phải loay hoay tìm đường để sống sót trong một hòn đảo đầy cạm bẫy mà Kong không phải mối nguy hiểm duy nhất…

Kể từ lần đầu xuất hiện trên màn ảnh rộng năm 1933, King Kong đã trở thành một trong những quái vật nổi tiếng nhất trong lịch sử. Câu chuyện của “Kong: Skull Island” khác biệt hẳn so với hai bản “King Kong” năm 1933 và 2005.

Nhiều quái thú kỳ dị xuất hiện trên đảo Đầu lâu
Nhiều quái thú kỳ dị xuất hiện trên đảo Đầu lâu

Thay vì bị đưa về thành phố lớn và chết khi bảo vệ người đẹp, Kong lại là một vị Thánh tại hòn đảo Skull hoang sơ. Tác phẩm này mang nhiều ý nghĩa ẩn dụ, tiêu biểu qua cách đoàn thám hiểm với sự yểm trợ của quân đội Mỹ rải bom và tàn phá hòn đảo yên ả là nhà của Kong.

Việc những người lính trong phim được điều động trực tiếp từ doanh trại quân đội Mỹ tại Đà Nẵng năm 1973 dễ khiến người xem liên tưởng tới việc quân Mỹ sa lầy vào cuộc chiến và vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ những người muốn bảo vệ quê hương.

Việc những người lính trong phim được điều động trực tiếp từ doanh trại quân đội Mỹ tại Đà Nẵng năm 1973 dễ khiến người xem liên tưởng tới việc quân Mỹ sa lầy vào cuộc chiến và vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ những người muốn bảo vệ quê hương. Và những gì diễn ra trong phim giống như một sự thú nhận của người Mỹ rằng họ đã sai lầm khi đặt chân đến những vùng đất “không thuộc về họ”.

Bản thân chính trong đoàn thám hiểm cũng không hoàn toàn nhất trí với việc đi tàn phá một vùng đất hoang sơ, tiêu biểu qua hình ảnh nữ nhiếp ảnh gia muốn lật tẩy âm mưu thực sự của chuyến đi hay người lính vẫn viết thư mỗi ngày để về gửi cho con trai…

Clip trận chiến hoành tráng trong Kong: Skull Island (Nguồn: CGV)

Nhân vật Kong không phải sinh vật hiếu chiến mà chỉ có phản ứng tự vệ trước những thứ đe dọa mình và những cư dân (bộ lạc người thiểu số) trong vương quốc của mình. Từ đoàn thám hiểm rải bom, một con bạch tuộc khổng lồ hay quái thú bò sát khổng lồ… đều là những hiểm họa đối với những gì Kong phải bảo vệ.

Những thông điệp ẩn dụ như vậy giúp “Kong: Skull Island” mang nhiều ý nghĩa hơn so với nhiều bộ phim quái vật thuần chỉ tàn sát nhau trước đó.

Vẻ đẹp của Việt Nam trên phim Hollywood

Trong một bộ phim “quái vật” thì ngay cả những ngôi sao như Tom Hiddleston, Samuel L. Jackson hay người đẹp Brie Larson (vai nữ nhiếp ảnh gia xông xáo Weaver)… dù diễn tốt nhưng cũng chỉ góp phần “làm nền”. Ngôi sao đích thực của phim là đội ngũ kỹ xảo và quay phim, góp phần giúp “Kong: Skull Island” trở thành bộ phim mãn nhãn nhất tính từ đầu năm 2017 tới giờ.

Bộ phim ghi điểm với khán giả nhờ tiết tấu phim sớm được đẩy cao với màn xuất hiện của Kong, rồi những quái vật hay bất ngờ chờ đợi đoàn thám hiểm trên hòn đảo. Các màn kỹ xảo được thực hiện đẹp mắt và chân thực, dù là những trận chiến quy mô lớn hay khi máy quay lia cận cảnh vào gương mặt Kong.

Tom Hiddleston và Brie Larson trong “Kong: Skull Island”
Tom Hiddleston và Brie Larson trong “Kong: Skull Island”

Điểm đặc biệt đối với khán giả Việt Nam là bộ phim có tới hơn 70% thời lượng màn ảnh được quay tại Việt Nam. Ở trường đoạn đầu tiên khi đội trực thăng của Mỹ vượt qua lớp mây mù giăng kín và lọt vào khu vực non nước mây trời xanh biếc với những hòn, mỏm đá hay hang động…, cả đoàn thám hiểm đã thể hiện cảm xúc bị choáng ngợp.

Còn với những khán giả Việt Nam, đó lại là một cảm xúc tự hào xen lẫn quen thuộc, bởi những cảnh sắc của Vịnh Hạ Long giờ đã được giới thiệu trên một bom tấn điện ảnh tầm cỡ quốc tế với những góc quay tuyệt đẹp.

Còn với những khán giả Việt Nam, đó lại là một cảm xúc tự hào xen lẫn quen thuộc, bởi những cảnh sắc của Vịnh Hạ Long giờ đã được giới thiệu trên một bom tấn điện ảnh tầm cỡ quốc tế với những góc quay tuyệt đẹp. Buổi hoàng hôn với ánh nắng đỏ au, những cánh rừng xanh mướt ẩn chứa nhiều bí ẩn hay đơn giản là một đàn cò sải cánh bay… là những cảnh mang đậm dấu ấn Việt Nam được đưa vào “Kong: Skull Island”.

Hậu trường cảnh quay tại Việt Nam (Nguồn: CGV)

Không chỉ đẹp nên thơ khi đứng đơn độc, cảnh sắc Việt Nam còn trở nên hùng vĩ khi kết hợp cùng những sinh vật khổng lồ, tiêu biểu như cảnh Kong thị uy giữa trùng trùng núi non Ninh Bình.

Có thể nói đây là một cơ hội quảng bá tuyệt vời cho ngành du lịch Việt Nam, bởi trong quá khứ từng không ít đất nước được hưởng lợi nhờ được Hollywood chọn làm địa điểm quay phim.

New Zealand và trường quay Hobbiton đã trở thành một điểm du lịch lý tưởng từ những người yêu điện ảnh sau khi loạt phim “Lord of the Rings” được ra mắt. Nếu biết nắm bắt cơ hội, Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành một “điểm đến sẽ được nhiều người kéo tới” như cảm thán của nhân vật Conrad về hòn đảo Skull.

Trên góc độ của một bom tấn giải trí, “Kong: Skull Island” đã làm tốt nhiệm vụ của mình khi đem tới cho khán giả hai tiếng đồng hồ giàu tính giải trí với các màn chiến đấu mãn nhãn và bối cảnh đẹp sững sờ. Đây là màn dạo đầu của Kong, nhằm mở đường cho trận chiến long trời lở đất giữa hai siêu quái vật trong bom tấn “Godzilla vs. Kong” sẽ được ra rạp vào năm 2020.

Đón đọc: “Kong: Skull Island” liệu có là cú hích với du lịch Việt Nam

Kong: Skull Island 

Đạo diễn: Jordan Vogt-Roberts 

Diễn viên: Tom Hiddleston, Samuel L. Jackson, Brie Larson 

Thể loại: Phiêu lưu, Giả tưởng 

Thời lượng: 118 phút 

Ngày khởi chiếu tại Việt Nam: 10/3. 

Trailer của Kong: Skull Island (Nguồn: CGV)