Hợp tác kinh tế-thương mại

Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 12/7/1995), đến nay, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã chuyển đổi thành công từ đối đầu sang bạn bè, và trở thành đối tác toàn diện từ chính trị-ngoại giao, kinh tế, giáo dục, khoa học-công nghệ, đến quốc phòng-an ninh.

Sau 25 năm bình thường hóa quan hệ (1995-2020), kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng gần 120 lần, từ 451 triệu USD năm 1995 lên tới 77,5 tỷ USD năm 2019.

Cùng với quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ được coi là lĩnh vực hợp tác thành công nhất, đã và đang trở thành trọng tâm, nền tảng, động lực phát triển cho quan hệ chung giữa hai nước.

Những con số tăng trưởng vượt bậc

25 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ, Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 trong số hơn 100 đối tác thương mại của Việt Nam trên toàn cầu.

Về phía ngược lại, Việt Nam đứng thứ 16 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ và tăng trưởng thương mại giữa hai nước hàng năm đạt 20%. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong trao đổi thương mại với Hoa Kỳ luôn duy trì mức thặng dư lớn.

Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông (Khu công nghiệp Trà Nóc II, thành phố Cần Thơ) là một trong ba doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và được hưởng mức thuế chống bán phá giá thấp tại thị trường này. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)
Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông (Khu công nghiệp Trà Nóc II, thành phố Cần Thơ) là một trong ba doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và được hưởng mức thuế chống bán phá giá thấp tại thị trường này. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng gần 120 lần, từ 451 triệu USD (năm 1995) lên 7,8 tỷ USD (năm 2005), 45,1 tỷ USD (năm 2015), 47,15 tỷ USD (năm 2016), 50,8 tỷ USD (năm 2017) và 60,3 tỷ USD (năm 2018).

Chỉ tính riêng năm 2017, giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm hơn 20% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài. Việt Nam cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á với mức độ tăng trưởng nhanh.

Kim ngạch thương mại song phương năm 2019 đã lên tới 77,5 tỷ USD. Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) từng dự báo kim ngạch thương mại hai nước có thể đạt 80 tỷ USD vào năm 2020.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2020, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với Hoa Kỳ đạt 31,11 tỷ USD.

Trong số đó Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ lượng hàng hóa trị giá 25,11 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Mỹ là dệt may; điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện; Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; giày dép; đồ gỗ; với kim ngạch mỗi mặt hàng đạt từ 1 tỷ USD trở lên.

Ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ xuất khẩu sang Việt Nam lượng hàng hóa trị giá 6 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất, đạt kim ngạch “tỷ đô” từ thị trường Mỹ trong quý 1 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch 1,92 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước

Nhiều mặt hàng Mỹ tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu sang Việt Nam như gỗ và các sản phẩm từ gỗ, thức ăn cho gia súc và nguyên liệu, thủy sản, rau quả. Trong lĩnh vực nông sản, Mỹ đang xuất siêu sang Việt Nam các mặt hàng bắp, đậu nành, thịt, sữa các loại, trái cây, với trị giá khoảng 400 triệu USD/năm.

Sáng 27/2/2019, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Donald Trump chứng kiến lễ ký Hợp đồng mua bán 10 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner giữa Bamboo Airways và Boeing, trị giá gần 3 tỷ USD. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Sáng 27/2/2019, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Donald Trump chứng kiến lễ ký Hợp đồng mua bán 10 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner giữa Bamboo Airways và Boeing, trị giá gần 3 tỷ USD. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Một trong những lĩnh vực hợp tác thương mại sôi động khác của hai nước trong những năm qua là hàng không với hàng loạt hợp đồng mua máy bay Boeing của các hãng hàng không Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo Airways.

Về đầu tư, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2019, Hoa Kỳ đứng thứ 11 trong số 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, với gần 1.000 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam và tổng vốn đăng ký gần 10 tỷ USD.

Hoa Kỳ chưa nằm trong top các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam nhưng được đánh giá là một trong những nhà đầu tư có chất lượng. Với nhiều dự án có giá trị cao, các doanh nghiệp đến từ Hoa Kỳ đã tích cực hợp tác, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển và tham gia đóng góp nhiều hoạt động xã hội.

Hoa Kỳ cũng là điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm 2020, Hoa Kỳ đứng thứ hai về số vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, với 21,72 triệu USD, chiếm gần 12%.

Về Viện trợ phát triển (ODA), Hoa Kỳ luôn giữ viện trợ phát triển dành cho Việt Nam ở mức ổn định trên 100 triệu USD/năm.

Về du lịch, trong nhiều năm qua, thị trường khách Mỹ liên tục đứng trong tốp 5 thị trường nguồn về số lượt khách đến Việt Nam, tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2014-2018 là 11,55%.

Năm 2018, lượng khách du lịch Hoa Kỳ đến Việt Nam đạt 687.200 lượt người, tăng 11,9% so với năm 2017, chiếm 4,4% trong tổng số khách đến Việt Nam. Số lượt khách Mỹ đến Việt Nam bằng khoảng 11% trong số lượt khách Mỹ đến châu Á.

Năm 2016, có 5 địa danh nổi tiếng của Việt Nam được chọn làm bối cảnh quay cho bộ phim bom tấn Kong Skull Island của Mỹ. Thông qua đó, những danh lam thắng cảnh của Việt Nam được quảng bá rộng rãi và được đánh giá rất cao trên phạm vi quốc tế.

Tháng 2/2019, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam. Sự kiện này khẳng định vị thế điểm đến Việt Nam trong cộng đồng quốc tế và vai trò trong gìn giữ hòa bình, sự kiện chính trị lớn tầm quốc tế.

Hiện nay, tại Việt Nam đã có sự hiện diện của khá nhiều tập đoàn quản lý khách sạn lớn của Mỹ như Hilton, Wyndham, JW Marriott, Best Western International, Starwood, Hyatt.

Nhiều trang web, tạp chí, kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ đã tôn vinh về điểm đến, dịch vụ du lịch của Việt Nam.

Tháng 1/2020, số khách quốc tế đến Việt Nam từ Hoa Kỳ đạt 96.500 lượt người, tăng 19,7%.

Thành công nhờ những hiệp định và chính sách quan trọng

Ngày 13/7/2000, Bộ trưởng Bộ Thương mại Vũ Khoan và Đại diện Thương mại Mỹ Barshefsky ký Hiệp định Thương mại Song phương Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA) tại văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ. Tổng thống Bill Clinton đã công bố Hiệp định này tại buổi lễ ở Vườn Hồng, Nhà Trắng.

Hiệp định Thương mại song phương chính thức có hiệu lực vào ngày 11/12/2001 khi Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Vũ Khoan và Đại diện thương mại Mỹ Zoellick trao đổi thư phê chuẩn hiệp định tại Washington.

Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan và Đại diện thương mại Hoa Kỳ Charlene Barshefsky ký Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ, ngày 13/7/2000, tại Thủ đô Washington D.C. (Ảnh: Lê Chi/TTXVN)

Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan và Đại diện thương mại Hoa Kỳ Charlene Barshefsky ký Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ, ngày 13/7/2000, tại Thủ đô Washington D.C. (Ảnh: Lê Chi/TTXVN)

Theo đó, tất cả hàng hóa của Việt Nam vào Mỹ sẽ được hưởng mức thuế quan theo Quy chế quan hệ thương mại bình thường (NTR) vô điều kiện, thấp hơn nhiều so với mức thuế trước đó.

Chỉ sau hai năm BTA có hiệu lực, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam và vị trí này được duy trì cho tới tận ngày nay.

Những kinh nghiệm thu được trong đàm phán BTA đã rất có ích cho Việt Nam trong quá trình đàm phán gia nhập WTO với Mỹ, một đối tác chính trong WTO.

Ngày 17/7/2003, Hiệp định Dệt may Việt Nam-Hoa Kỳ đã được Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển và Đại sứ Hoa Kỳ Raymond Burghardt ký kết ở Hà Nội. Cùng năm đó, ngày 4/12, Hoa Kỳ và Việt Nam ký kết Thỏa thuận Hàng không Song phương.

Ngày 8 và 9 tháng 12/2006, Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ thông qua quy chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam. Ngày 29/12/2006, Tổng thống Bush ký tuyên bố trao PNTR cho Việt Nam.

Bên cạnh việc tăng cường mối quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ, BTA cũng mở ra cơ hội tăng cường giao lưu giữa công dân hai nước, mở cánh cửa để Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 11/1/2007.

Ngày 11/1/2007, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Ngày 15/3/2007, Hoa Kỳ và Việt Nam ký kết Hiệp định Hàng hải Song phương. Cùng năm đó, ngày 21 tháng 6, hai bên ký kết Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA).

Ngày 27-28/3/2017, hai nước đã tái khởi động cuộc họp kỹ thuật của Hội đồng Hiệp định khung về thương mại và đầu tư song phương (TIFA), đối thoại trên tinh thần cùng có lợi, tìm kiếm những lĩnh vực hợp tác mới.

Chiều 15/8/2003, tại Thủ đô Washington D.C, ông Nguyễn Xuân Hiển, Tổng giám đốc Vietnam Airlines và ông Phillip Merril, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ (EximBank) ký hợp đồng bảo lãnh tín dụng để Vietnam Airlines mua máy bay Boeing 777-200ER. Đây là chiếc Boeing 777-200ER thứ 2 trong số 4 chiếc mà Việt Nam mua của hãng Boeing và là chiếc đầu tiên được chuyển giao trực tiếp cho Vietnam Airlines. (Ảnh: Đức Dũng/TTXVN)

Chiều 15/8/2003, tại Thủ đô Washington D.C, ông Nguyễn Xuân Hiển, Tổng giám đốc Vietnam Airlines và ông Phillip Merril, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ (EximBank) ký hợp đồng bảo lãnh tín dụng để Vietnam Airlines mua máy bay Boeing 777-200ER. Đây là chiếc Boeing 777-200ER thứ 2 trong số 4 chiếc mà Việt Nam mua của hãng Boeing và là chiếc đầu tiên được chuyển giao trực tiếp cho Vietnam Airlines. (Ảnh: Đức Dũng/TTXVN)

Hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước không ngừng tăng trưởng Việt Nam đã cùng Hoa Kỳ xây dựng một kế hoạch hành động với nhiều giải pháp cụ thể, hướng đến cán cân thương mại hài hòa và bền vững giữa hai nước; trong đó, việc đẩy mạnh hợp tác với chính quyền liên bang cũng như các bang của Hoa Kỳ.

Nhận định về tốc độ tăng trưởng “chóng mặt” của quan hệ thương mại Việt-Nam-Hoa Kỳ, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stiwell từng đánh giá: “Đó là kết quả lao động chăm chỉ và tầm nhìn của nhiều người ở cả hai phía, những người tin tưởng vào triển vọng hòa bình.”

Tại lễ ra mắt biểu tượng kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ vào cuối tháng 12/2019, ông Stiwell khẳng định các doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư ngày càng nhiều vốn vào Việt Nam, trong khi các nhà sản xuất Việt Nam đang đem nhiều hàng hóa hơn cho những người tiêu dùng Mỹ.

Về phía Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhận định, nền kinh tế Việt Nam-Hoa Kỳ ngày càng gia tăng tính bổ trợ lẫn nhau. Trong khi Việt Nam có các mặt hàng thế mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ như thủy sản, hạt điều, dệt may, da giày; Hoa Kỳ cung cấp cho Việt Nam những sản phẩm công nghệ cao, trong đó phải kể đến các dự án đầu tư năng lượng hay các hợp đồng mua máy bay.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Hoa Kỳ-Việt Nam năm 2019 với chủ đề “Kỷ niệm 25 năm thương mại và đầu tư,” Phó Thủ tướng đã nhấn mạnh: “Các dự án đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam đã và đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam, giúp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó góp phần nâng cao tay nghề, tăng thu nhập và mang lại thịnh vượng cho người dân Việt Nam.”

Hiện doanh nghiệp hai bên đang tiếp tục sử dụng hiệu quả cơ chế của Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA), trong đó tập trung vào triển khai và phát huy cơ chế cảnh báo sớm để mỗi bên có sự chuẩn bị kịp thời đối với tác động của các chính sách, quy định mới. /.

Công ty TNHH hệ thống dây Sumi-Hanel tại khu công nghiệp Sài Đồng B (Hà Nội) chuyên lắp ráp hệ thống dây dẫn điện cho các loại ôtô, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Công ty TNHH hệ thống dây Sumi-Hanel tại khu công nghiệp Sài Đồng B (Hà Nội) chuyên lắp ráp hệ thống dây dẫn điện cho các loại ôtô, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)