Kinh tế tư nhân

ttxvn2001ki-1579514981-33.jpg

Để kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như quan điểm của Đảng đã xác định, không chỉ cần nhận thức, nội lực, ý chí vươn lên mạnh mẽ của từng doanh nghiệp, doanh nhân mà còn rất cần một môi trường pháp lý đầy đủ, thông thoáng, phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, là “bà đỡ” để kinh tế tư nhân tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, vươn lên đóng góp xứng đáng vào thành tựu phát triển chung của đất nước.

Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước liên tục ban hành nhiều chủ trương, quyết sách tạo đòn bẩy để kinh tế tư nhân có môi trường công bằng, bình đẳng như các thành phần kinh tế khác, có cơ hội ngang nhau để bứt phá đi lên.

Làm rõ hơn chủ trương lớn và nhất quán này của Đảng, nhân dịp Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng 3/2/1930-3/2/2020, Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu loạt 3 bài với tiêu đề Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế đăng phát 18-20/1/2020)

Kinh tế tư nhân: Chọn điểm bứt phá để đưa đất nước vươn xa

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa ra đời mới hơn một tháng, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư gửi cho giới công thương Việt Nam.

Trong bức thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vai trò to lớn của giới công thương trong công cuộc kiến thiết đất nước. “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy hoàn toàn nền độc lập của nước nhà, thì giới Công-Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, Nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công-Thương trong công cuộc kiến thiết này.”

Đại hội Đảng lần thứ VI (12/1986) mở đầu công cuộc đổi mới, khơi dậy và phát huy sức mạnh, tiềm năng để đưa đất nước tiến lên. (Ảnh: TTXVN)
Đại hội Đảng lần thứ VI (12/1986) mở đầu công cuộc đổi mới, khơi dậy và phát huy sức mạnh, tiềm năng để đưa đất nước tiến lên. (Ảnh: TTXVN)

Hơn 70 năm qua đã chứng minh ý nghĩa lịch sử của bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới công thương vào ngày 13/10/1945 vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện đường lối đúng đắn và chỉ dẫn mang tính chiến lược của Người đối với sự nghiệp xây dựng và kiến thiết đất nước, đặc biệt trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Coi trọng vai trò của kinh tế tư nhân

Từ Hội nghị Trung ương 2 khóa VII (1992), kinh tế tư nhân đã được coi trọng và khuyến khích phát triển “không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm.”

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của giới công thương đã được Đảng hiện thực hóa qua hàng loạt chủ trương, đường lối.

Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986) khởi xướng công cuộc đổi mới với chính sách kinh tế nhiều thành phần gồm kinh tế, xã hội chủ nghĩa, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế tự nhiên ở vùng núi cao.

Công nhân tại một nhà máy dệt may ở Thành phố Hồ Chí Minh những năm đầu đổi mới. May mặc được xác định là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam từ thời kỳ Đổi mới (1988). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Công nhân tại một nhà máy dệt may ở Thành phố Hồ Chí Minh những năm đầu đổi mới. May mặc được xác định là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam từ thời kỳ Đổi mới (1988). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Đến Đại hội VII, đặc biệt từ Hội nghị Trung ương 2 khóa VII (1992), kinh tế tư nhân đã được coi trọng và khuyến khích phát triển “không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm.”

Đại hội VII tiếp tục làm rõ hơn bằng việc khẳng định vị trí “kinh tế tư nhân được phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, theo sự quản lý, hướng dẫn của nhà nước.” Đồng thời, địa vị kinh tế của mỗi người dân được xác định cụ thể “mọi người được tự do kinh doanh theo pháp luật, được bảo hộ quyền sở hữu và thu nhập hợp pháp.”

Đại hội VIII (7/1996) của Đảng tiếp tục khẳng định tính nhất quán lâu dài phát triển kinh tế nhiều thành phần trên cơ sở mọi thành phần kinh tế đều được đối xử bình đẳng, nhà nước tạo mọi điều kiện để các doanh nhân yên tâm đầu tư làm ăn lâu dài.

Qua các Đại hội IX, X, XI, XII, vấn đề phát triển kinh tế tư nhân nhiều lần được đưa ra thảo luận nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Nhà máy Thực phẩm đông lạnh số 1, nơi chế biển các sản phẩm hải sản xuất khẩu với quy mô 3.300 công nhân. Vào năm 1987, nhà máy đã bán được 2.400 tấn cá cho Nhật Bản và Australia, tổng giá trị 21 triệu USD. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Nhà máy Thực phẩm đông lạnh số 1, nơi chế biển các sản phẩm hải sản xuất khẩu với quy mô 3.300 công nhân. Vào năm 1987, nhà máy đã bán được 2.400 tấn cá cho Nhật Bản và Australia, tổng giá trị 21 triệu USD. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Vị thế của kinh tế tư nhân không chỉ được khẳng định trong các văn kiện của Đảng mà còn được tiếp tục khẳng định trong Hiến pháp năm 2013: “1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; 2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; 3. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.”

Chọn mặt gửi vàng

Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh việc “hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.”

Quan niệm kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng của nền kinh tế” tại Đại hội XII cho thấy bước đột phá về nhận thức của Đảng so với giai đoạn trước, khi chúng ta chỉ coi kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Từ đây kinh tế tư nhân đã được lựa chọn là một điểm bứt phá của nền kinh tế đất nước, với kỳ vọng lớn lao là tận dụng được tiềm năng của lực lượng này để có những đóng góp xứng đáng vào sư phát triển của nền kinh tế nước nhà.

Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tiếp tục yêu cầu phải phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng và chất lượng, để thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Để tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hội nghị Trung ương 5, khóa XII của Đảng đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Đây được xem là quan điểm rất tích cực trong đổi mới về tư duy phát triển kinh tế tư nhân nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng mọi cơ hội, các nguồn lực, nhất là nguồn lực về vốn và đất đai, tài nguyên.

Quan niệm kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng của nền kinh tế” tại Đại hội XII cho thấy bước đột phá về nhận thức của Đảng so với giai đoạn trước, khi chỉ coi kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế.

Đặc biệt, Hội nghị đã ban hành Nghị quyết số 10 – NQ/TW (6/2017) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát: Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Cụ thể hóa nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 98-NQ/CP, ngày 3/10/2017 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW. Chính phủ xác định rất cụ thể các nhiệm vụ phát triển kinh tế tư nhân tập trung vào ba nhóm chủ trương chính sách lớn trong Nghị quyết số 10-NQ/TW là: tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Hai năm qua, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển. Nhiều cơ chế, chính sách mới đã được ban hành; nhiều giải pháp đã được triển khai, tất cả nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, góp phần phát triển kinh tế tư nhân theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng./.

Kinh tế tư nhân tăng nhanh về số lượng, từng bước nâng cao hiệu quả kinh doanh, giải quyết việc làm, đóng góp ngày càng lớn vào GDP. Trong ảnh: Cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt Hạ Long tại Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, (Quảng Ninh) - một trong 3 công trình hạ tầng giao thông trọng điểm do Tập đoàn Sun Group đầu tư trên cả 3 lĩnh vực đường không, đường thủy, đường bộ. (Ảnh: TTXVN)
Kinh tế tư nhân tăng nhanh về số lượng, từng bước nâng cao hiệu quả kinh doanh, giải quyết việc làm, đóng góp ngày càng lớn vào GDP. Trong ảnh: Cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt Hạ Long tại Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, (Quảng Ninh) – một trong 3 công trình hạ tầng giao thông trọng điểm do Tập đoàn Sun Group đầu tư trên cả 3 lĩnh vực đường không, đường thủy, đường bộ. (Ảnh: TTXVN)

Rộng đường để kinh tế tư nhân “cất cánh”

Trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước.

Kết quả này đã phản ánh năng lực tiềm tàng của lực lượng kinh tế tư nhân. Để có được kết của này, sự thống thoáng trong cơ chế, chính sách đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là bệ phóng để nâng cách cho kinh tế tư nhân bứt phá, có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Tiêu chí cụ thể, rõ ràng

Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã thể hiện tư duy đổi mới mạnh mẽ của Đảng trong vấn đề này, mở đường cho việc đưa ra những cơ chế, chính sách phù hợp hơn nhằm phát triển kinh tế tư nhân thành một khu vực kinh tế năng động, sáng tạo.

Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước.

Thể chế hóa Nghị quyết số 10-NQ/TW và hoàn thiện khung khổ pháp lý, Quốc hội đã ban hành và chỉ đạo triển khai một số luật quan trọng và ưu tiên xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh những dự án luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 10-NQ/TW.

Lực lượng sản xuất có nhiều tiến bộ cả về số lượng và chất lượng. Chất lượng tăng trưởng có mặt được cải thiện, trình độ công nghệ sản xuất có bước được nâng lên. Trong ảnh: Vùng chuyên canh cà rốt tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Lực lượng sản xuất có nhiều tiến bộ cả về số lượng và chất lượng. Chất lượng tăng trưởng có mặt được cải thiện, trình độ công nghệ sản xuất có bước được nâng lên. Trong ảnh: Vùng chuyên canh cà rốt tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Bên cạnh ban hành Luật Cạnh tranh, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 của Luật Đầu tư.

Theo đó phạm vi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được thu hẹp từ 267 ngành, nghề xuống còn 243 ngành, nghề, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017.

Đưa các chủ trương của Đảng vào thực tiễn đồng bộ, hiệu quả, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã ban hành các văn bản quy định chi tiết, triển khai nhiều chương trình hành động cụ thể, qua đó tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng để kinh tế tư nhân phát triển.

Chia sẻ với doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện, kiến tạo không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn, với các từ khóa như “tạo bình đẳng” trong phát triển, được “bảo vệ”, “trao cơ hội.”

Những cam kết này của người đứng đầu Chính phủ đã được cụ thể qua hàng loạt văn bản chính sách quan trọng của Chính phủ như: Nghị quyết số 19/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết số 98/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-TW…

Đại hội VII của Đảng (tháng 6/1991) khẳng định tiếp tục đổi mới đồng bộ, triệt để trên các lĩnh vực với những bước đi, cách làm phù hợp và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Các nghị quyết của Đảng từ Đại hội VIII đến nay tiếp tục khẳng định sự kiên định, kiên trì thực hiện đường lối đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. (Ảnh: TTXVN)
Đại hội VII của Đảng (tháng 6/1991) khẳng định tiếp tục đổi mới đồng bộ, triệt để trên các lĩnh vực với những bước đi, cách làm phù hợp và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Các nghị quyết của Đảng từ Đại hội VIII đến nay tiếp tục khẳng định sự kiên định, kiên trì thực hiện đường lối đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. (Ảnh: TTXVN)

Điểm khác biệt so với chương trình trước đây là các văn bản này đều xác định rõ ràng, cụ thể các mục tiêu, giải pháp toàn diện với các tiêu chí mang tính định lượng, rõ ràng.

Cùng với đó, hàng loạt giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh đã được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành, chỉ đạo thực hiện, như cải cách thủ tục hành chính; giảm chi phí sản xuất kinh doanh; tiếp cận thị trường; chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra; đơn giản hóa và giảm bớt điều kiện kinh doanh.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được Chính phủ, bộ, ngành, địa phương ban hành, hướng dẫn các luật liên quan đến hoạt động kinh doanh và quản lý khu vực kinh tế tư nhân.

Thông điệp mà Nghị quyết số 98/NQ-CP đưa ra là xây dựng “Chính phủ hành động” với mục tiêu tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường năng lực cạnh tranh.

Trên tinh thần đó, Nghị quyết yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương phải “vào cuộc” để thực hiện nhiệm vụ “Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân và hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động.”

Chương trình hành động đã nêu ra các con số rất cụ thể, rõ ràng. Chẳng hạn, trong cuộc chiến không khoan nhượng với giấy phép con, Chính phủ đưa ra “tối hậu thư” là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính, gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Chương trình hành động cũng yêu cầu, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Chính phủ giao các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ và của từng bộ, cơ quan, địa phương; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện với Thủ tướng, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi và tổng hợp theo quy định.

Kinh tế tư nhân tăng nhanh về số lượng, từng bước nâng cao hiệu quả kinh doanh, giải quyết việc làm, đóng góp ngày càng lớn vào GDP. Trong ảnh: Tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (Quảng Ninh) với tổng chiều dài gần 60km - một trong 3 công trình hạ tầng giao thông trọng điểm do Tập đoàn Sun Group đầu tư trên cả 3 lĩnh vực đường không, đường thủy, đường bộ, đều là các công trình quy mô lớn, hiện đại, huy động nguồn vốn ngoài ngân sách theo hình thức PPP, điểm đột phá của Quảng Ninh trong chiến lược phát triển kinh tế, đánh dấu sự lớn mạnh và vai trò của kinh tế tư nhân - động lực quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam theo đường lối đổi mới của Đảng. (Ảnh: TTXVN)
Kinh tế tư nhân tăng nhanh về số lượng, từng bước nâng cao hiệu quả kinh doanh, giải quyết việc làm, đóng góp ngày càng lớn vào GDP. Trong ảnh: Tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn (Quảng Ninh) với tổng chiều dài gần 60km – một trong 3 công trình hạ tầng giao thông trọng điểm do Tập đoàn Sun Group đầu tư trên cả 3 lĩnh vực đường không, đường thủy, đường bộ, đều là các công trình quy mô lớn, hiện đại, huy động nguồn vốn ngoài ngân sách theo hình thức PPP, điểm đột phá của Quảng Ninh trong chiến lược phát triển kinh tế, đánh dấu sự lớn mạnh và vai trò của kinh tế tư nhân – động lực quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam theo đường lối đổi mới của Đảng. (Ảnh: TTXVN)

Không chỉ riêng Nghị quyết 98/NQ-CP, nhiều cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng được Chính phủ ban hành.

Trong Nghị quyết số 35/NQ-CP, Chính phủ đưa hàng loạt giải pháp nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng, mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường cũng như những giải pháp nhằm giảm chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực và quy mô lớn trong nước…

Khung pháp luật và chính sách được ban hành và sửa đổi, bổ sung trong thời gian qua đã hướng đến mục tiêu tăng cường tính minh bạch đối với độc quyền nhà nước; kiểm soát, ngăn chặn, xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp; tăng cường cải cách, thu hẹp những ngành lĩnh vực mà Nhà nước nắm giữ đã tạo điều kiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng bình đẳng, thuận lợi cho các chủ thể kinh tế.

Vào cuộc đồng bộ

Một điều đáng ghi nhận trong thực hiện chương trình cải cách của Chính phủ là sự chủ động, tích cực của bộ, ngành có liên quan, điều mà trong nhiều năm qua luôn là một điểm yếu, kìm hãm cải cách môi trường kinh doanh.

Cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
Cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Năm 2018 là thời gian việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh được các bộ, ngành thực hiện mạnh mẽ nhất, theo yêu cầu tại Nghị quyết 01/2018/NQ-CP, với mục tiêu cụ thể là phải cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh.

Theo đó, các bộ, ngành đã rà soát, trình ban hành 28 văn bản quy phạm pháp luật, cắt giảm, đơn giản được hơn 3.300 trong tổng số gần 6.200 điều kiện kinh doanh, tương đương 54,5%, vượt 8,1% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ. Các bộ có nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa gồm: Bộ Công Thương; Bộ Y tế; Bộ Giao thông Vận tải…

Đáng chú ý, có những điều kiện kinh doanh “bám rễ” rất lâu nhưng vẫn được bãi bỏ như quy hoạch kinh doanh xăng dầu của Bộ Công Thương, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Năm 2019, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục là một trong những trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Ngày 1/1/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Thực hiện Nghị quyết này và Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao. Qua rà soát, nhiều bộ, ngành đã đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa và chuyển hậu kiểm các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý, đạt tỷ lệ vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra; đồng thời ban hành kế hoạch cải cách hành chính năm 2019 nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Sau một năm rưỡi kể từ khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực, các Nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành luật đã cơ bản được ban hành đầy đủ.

Đồng thời, để khẩn trương đưa một số chính sách quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào cuộc sống, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đang tích cực hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về bổ sung một số ngành nghề, lĩnh vực ưu đãi đầu tư quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị quyết của Quốc hội về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhiều địa phương xây dựng các kế hoạch, đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhiều chính sách đặc thù nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh/thành phố.

Nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch đã tạo nền tảng cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển bứt phá và mạnh mẽ trong thời gian qua.

Khu vực này đã tăng trưởng nhanh cả về số lượng, chất lượng, tạo điều kiện để giải phóng các nguồn lực phát triển trong xã hội, để nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát huy tối đa tiềm năng to lớn của mình./.

Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Ngày 28/12/2019, tại cảng Chu Lai (Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam), THACO đã tổ chức Lễ bàn giao 15 xe Bus THACO thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang Philippines. Đây là lô hàng thương mại đầu tiên của Thaco sau hơn 16 năm đầu tư và phát triển trong ngành ôtô Việt Nam. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)
Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Ngày 28/12/2019, tại cảng Chu Lai (Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam), THACO đã tổ chức Lễ bàn giao 15 xe Bus THACO thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang Philippines. Đây là lô hàng thương mại đầu tiên của Thaco sau hơn 16 năm đầu tư và phát triển trong ngành ôtô Việt Nam. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)

Để kinh tế tư nhân phát huy tiềm năng

Sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của Đảng về vai trò của kinh tế tư nhân cùng hành động quyết liệt từ phía Chính phủ, các bộ, ngành đã tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt vươn lên, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, để kinh tế tư nhân phát triển bền vững, phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của mình, việc cải cách thể chế, tạo sân chơi bình đẳng, minh bạch cho cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục được thực hiện khẩn trương, rốt ráo hơn nữa.

Cần sự đột phá về cơ chế, chính sách

Sau hơn 30 năm đổi mới, kinh tế tư nhân đã nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế. Khối kinh tế này ngày càng tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào hầu hết lĩnh vực, đóng góp đáng kể cho ngân sách quốc gia, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động.

“Phải có sự đột phá về cơ chế, chính sách nhằm xóa bỏ rào cản phát triển doanh nghiệp tư nhân. Đây là điều kiện tiên quyết để người dân an tâm, hồ hởi, bỏ tiền ra làm ăn, gia tăng hiệu quả cho nền kinh tế.” (Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (Bắc Ninh) dẫn chứng, 9 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước đã đạt 624,6 nghìn tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2018, cao nhất trong các khu vực kinh tế.

Chế biến mủ cao su phục vụ xuất khẩu tại nông trường Cao su Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
Chế biến mủ cao su phục vụ xuất khẩu tại nông trường Cao su Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Sự chuyển dịch về cơ cấu này thể hiện kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng đóng góp trên 40% GDP tạo ra 1,2 triệu việc làm mỗi năm. Tuy nhiên, theo đại biểu, kinh tế tư nhân vẫn phát triển dưới tiềm năng, chưa bứt phá, tạo thành trụ cột mới của nền kinh tế, vì thế cần các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân.

“Phải có sự đột phá về cơ chế, chính sách nhằm xóa bỏ rào cản phát triển doanh nghiệp tư nhân. Đây là điều kiện tiên quyết để người dân an tâm, hồ hởi, bỏ tiền ra làm ăn, gia tăng hiệu quả cho nền kinh tế,” đại biểu chỉ rõ.

Phân tích năm 2019, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam là nền kinh tế có tính cạnh tranh thứ 67 trên thế giới, tăng 10 bậc và 3,5 điểm. Tuy nhiên đại biểu Nguyễn Như So nêu lên một nghịch lý, mặc dù trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, thế nhưng chỉ trong 9 tháng đầu năm 2019, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, chờ giải thể tăng 6,3% so với năm 2018.

“Việc đó khiến chúng ta phải đặt câu hỏi môi trường kinh doanh có thực sự lý tưởng để doanh nghiệp tư nhân phát triển? Tình trạng trên nóng, dưới lạnh, ở giữa thờ ơ đã giảm nhiệt huyết của người dân, doanh nghiệp, các giấy phép “con cháu.” Chi phí không chính thức và đặc biệt là chi phí tuân thủ pháp luật do tồn tại quá nhiều quy định gia tăng áp lực lên doanh nghiệp,” – đại biểu nhận định.

Từ đó, đại biểu đề nghị, Nhà nước cần thay đổi mạnh mẽ từ can thiệp, hỗ trợ quản lý, tăng cường nguồn lực, hỗ trợ đủ mạnh về đất đai, nguồn vốn tín dụng, đào tạo nhân lực liên kết với các thành phần kinh tế, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân tăng trưởng và chất lượng cao tương xứng với tiềm năng.

Đại hội VIII đánh dấu bước ngoặt chuyển đất nước ta sang thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoóa, hiện đại hoá. Các nghị quyết của Đảng từ Đại hội VIII đến nay tiếp tục khẳng định sự kiên định, kiên trì thực hiện đường lối đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)
Đại hội VIII đánh dấu bước ngoặt chuyển đất nước ta sang thời kỳ mới – thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoóa, hiện đại hoá. Các nghị quyết của Đảng từ Đại hội VIII đến nay tiếp tục khẳng định sự kiên định, kiên trì thực hiện đường lối đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)

“Cần phải đặt doanh nghiệp tư nhân là động lực lớn, lan tỏa, lôi kéo các thành phần kinh tế khác, nhất là hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, hình thành trục liên kết theo chuỗi, đồng thời đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận nguồn tài nguyên, thể chế, chính sách, nguồn tín dụng,” đại biểu Nguyễn Như So nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ở Việt Nam, mặc dù đã đóng góp tới 40% GDP, nhưng ở khu vực kinh tế tư nhân đang có nghịch lý lớn.

Đó là, trên 700.000 doanh nghiệp thuộc khu vực doanh nghiệp tư nhân chính thức đóng góp chỉ vẻn vẹn 10% cho GDP, còn lại hơn 30% GDP là thuộc về trên 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, trong đó có 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký.

“Không có một nền kinh tế thị trường nào có khu vực bán chính thức và phi chính thức lớn đến như vậy,” ông Lộc nhấn mạnh.

Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc phân tích, về bản chất, hộ kinh doanh cá thể chính là một loại hình doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nhưng do chưa được định danh rõ ràng về mặt pháp lý, nên với bên ngoài, hộ kinh doanh bị hạn chế về quyền kinh doanh…

Trong quan hệ nội bộ, hộ kinh doanh đang thiếu một khung khổ quản trị có hiệu quả và không rõ ràng về trách nhiệm của các cá nhân tham gia. Bên cạnh đó, quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh thiếu minh bạch, hộ kinh doanh không được thúc đẩy và hỗ trợ để lớn lên. Hoạt động kinh doanh của các hộ này đang là mảnh đất màu mỡ cho nạn tham nhũng vặt…

Đất nước đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong ảnh: Nhà máy điện mặt trời trên hồ thủy điện Đa Mi (tỉnh Bình Thuận). (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Đất nước đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong ảnh: Nhà máy điện mặt trời trên hồ thủy điện Đa Mi (tỉnh Bình Thuận). (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

“Để giải quyết vấn đề này, chúng ta không thể xóa bỏ hộ kinh doanh, không thể ép buộc hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, mà chỉ có thể khoác tấm áo pháp lý mới cho hộ kinh doanh: đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp với những quy định pháp lý tối giản nhưng minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa” – ông Lộc phân tích.

Đảm bảo cạnh tranh công bằng

Dưới góc độ doanh nhân tư nhân, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG khẳng định, cải cách thể chế là “chìa khóa” để kinh tế tư nhân vươn lên, khẳng định vai trò và vị thế của mình.

Theo đó, trong các trường hợp nhất định, Chính phủ cần có biện pháp bảo hộ doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực trọng điểm kinh tế để cạnh tranh với quốc tế.

Đồng thời, Chính phủ, các bộ, ngành cần đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, có chính sách cụ thể để các thành phần kinh tế nhận được những ưu đãi công bằng, không quá ưu tiên cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI).

Bên cạnh đó, cần cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các lĩnh vực mà Nhà nước vẫn độc quyền như đường sắt, truyền tải điện, hạ tầng hàng không… “Doanh nghiệp tư nhân có đủ kinh nghiệm, nguồn lực dồi dào, có thể vận hành linh hoạt để phát triển các dự án lớn, giúp Chính phủ hạn chế nợ công đồng thời tận dụng được nguồn vốn tư nhân và vốn FDI” – bà Nga nhận định và đề xuất, Chính phủ nên có các ưu đãi cho các tập đoàn kinh tế tư nhân có nhiều đóng góp cho nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Đặc biệt, Chính phủ cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính bởi trên thực tế, thủ tục hành chính vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn, lãng phí thời gian, nguồn lực của doanh nghiệp, tạo kẽ hở cho tiêu cực.

Trong thời đại của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ có thể nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong các quy trình hành chính nhằm hạn chế tối đa tiếp xúc cơ học giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Thủ tục hành chính tinh gọn, chính xác giúp giảm lãng phí nguồn lực xã hội, gia tăng hiệu quả kinh doanh, minh bạch hóa nền hành chính công.

Khơi dậy nguồn lực của tập đoàn kinh tế

Trong quá trình phát triển, sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân không thể không nhắc đến những doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, giúp Việt Nam ghi tên trên bản đồ kinh tế thế giới.

Quá trình phát triển của các tập đoàn kinh tế đòi hỏi phải có hành lang pháp lý phù hợp, để vừa thực hiện đúng đường lối của Đảng, vừa tạo tiền đề để có thêm nhiều tập đoàn hùng mạnh đạt tầm khu vực và thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng với các nghị quyết, cơ chế, chính sách đồng bộ, kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Theo Giáo sư, tiến sỹ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp và dịch vụ hiện đại làm hạt nhân trong từng chuỗi cung ứng sản phẩm. Đồng thời, quy định minh bạch về quan hệ hợp đồng trong nội bộ tập đoàn để đề phòng và xử lý kịp thời tình trạng “chuyển giá,” trốn thuế, sở hữu chéo…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tham gia đối thoại tại diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tham gia đối thoại tại diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tập đoàn kinh tế xây dựng và phát triển thương hiệu, nhất là tạo chỗ đứng trên thị trường thế giới để không chỉ gia tăng nhanh chóng quan hệ thương mại và đầu tư, mà còn có thể tham gia đầu thầu quốc tế những dự án quy mô lớn mà hiện nay nhiều tập đoàn kinh tế nước ta đủ sức thực hiện.

Đặc biệt, Nhà nước cần hoàn thiện luật pháp liên quan đến huy động vốn, tích tụ và tập trung vốn tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của tập đoàn.

Phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Thủ tướng và Chính phủ đã liên tục động viên tư nhân khởi nghiệp, nuôi dưỡng khát vọng lớn trong phát triển, kiến tạo các lĩnh vực dựa trên việc động viên nguồn lực từ các doanh nghiệp tư nhân trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau.

Thủ tướng tin tưởng rằng, nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Các nghị quyết, cơ chế, chính sách này được thực thi một cách đồng bộ, kinh tế tư nhân sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn và sẽ trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như quan điểm của Đảng đã xác định./.

Lĩnh vực vận chuyển hàng không dân dụng liên tục phát triển với sự ra đời của một số hãng hàng không mới, bên cạnh Vietnam Airlines. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Lĩnh vực vận chuyển hàng không dân dụng liên tục phát triển với sự ra đời của một số hãng hàng không mới, bên cạnh Vietnam Airlines. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)