Kiên Giang

ttxvnkinht-1596081867-46.jpg

Kiên Giang là một trong 28 tỉnh, thành trên cả nước có biển, ven biển, hệ sinh thái vùng ngập mặn, tài nguyên thiên nhiên phong phú. Vùng biển của tỉnh khoảng 63.290km2, bờ biển dài hơn 200km, hơn 143 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 43 đảo có cư dân sinh sống và Phú Quốc là đảo lớn nhất với diện tích 593km2.

Đặc biệt, Kiên Giang có 2 huyện đảo là Phú Quốc, Kiên Hải và phần đất liền ven biển trải dài trên địa bàn 7 huyện, thành phố với 68/145 xã, phường, thị trấn.

Từ vị trí và điều kiện tự nhiên đó, tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế-xã hội, nhất là phát triển kinh tế biển. Đây là cơ sở thuận lợi để Kiên Giang khai thác tốt tiềm năng kinh tế biển trong “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và thực hiện nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9/2/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020,” kinh tế biển Kiên Giang phát triển khá toàn diện, đến nay chiếm gần 74% GRDP toàn tỉnh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho hay thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam” thời gian qua, tỉnh tập trung phát triển khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, sản lượng khai thác 500.000-600.000 tấn/năm. Nuôi trồng thủy sản vùng ven biển phát triển khá nhanh và đa dạng, sản lượng đạt hơn 217.000 tấn/năm, trong đó tôm nuôi hiện nay hơn 80.000 tấn/năm.

Việc quy hoạch, quản lý tài nguyên, môi trường ven biển, hải đảo được tăng cường, các ngành nghề khai thác tiềm năng biển, ven biển, hải đảo tăng về sản lượng, giá trị. Tỉnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội vùng ven biển và hải đảo, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng lên.

Nhiều dự án xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm về giao thông, thủy lợi, điện, nước, cảng biển, sân bay, đường hành lang ven biển, khu neo đậu tàu thuyền, trường học, trạm y tế cho các xã ven biển, hải đảo và phát triển du lịch vùng ven biển, hải đảo được đầu tư phát triển mạnh. Một số dự án du lịch quy mô lớn hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng phục vụ du khách, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh và mạnh du lịch biển Kiên Giang có bước phát triển khá mạnh.

Lưới điện quốc gia ra xã đảo Tiên Hải, thành phố Hà Tiên. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Lưới điện quốc gia ra xã đảo Tiên Hải, thành phố Hà Tiên. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Điển hình như đưa điện lưới quốc gia ra vùng hải đảo đến nay, tỉnh đã hoàn thành các dự án ra xã đảo Hòn Tre, Lại Sơn (Kiên Hải), Hòn Nghệ, Sơn Hải (Kiên Lương), Tiên Hải (thành phố Hà Tiên) và huyện đảo Phú Quốc (không tính xã Thổ Châu), góp phần nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất toàn tỉnh đạt 99,5%.

Mặt khác, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang đầu tư dự án xây dựng đường dây 220 kV Kiên Bình-Phú Quốc chiều dài gần 81km, trong đó đường dây vượt biển từ điểm tiếp bờ Kiên Bình (Kiên Lương) đến điểm tiếp bờ đảo Phú Quốc dài hơn 64 km. Dự kiến, dự án sẽ đóng điện trước Tết Nguyên đán 2021, góp phần phát triển kinh tế-xã hội huyện đảo Phú Quốc.

Ngoài ra, xây dựng hoàn thành nhiều dự án, công trình đưa vào khai thác kinh tế biển, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh như: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật trên đảo Phú Quốc và các xã đảo, đường ven biển Rạch Giá-Hòn Đất, đường tỉnh ĐT.963B Bến Nhứt-Giồng Riềng. Hiện, tỉnh tiếp tục triển khai đường ven biển Rạch Giá-Châu Thành, nâng cấp quốc lộ 80 đoạn Hà Tiên-Kiên Lương và quốc lộ 61 đoạn Rạch Giá-Minh Lương…

Tỉnh tập trung đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn ven biển phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và kết nối với mạng lưới đường tỉnh, huyện và quốc lộ, góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn vùng biển. Tiếp đến, tỉnh đã triển khai dự án Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc tổng mức đầu tư 4.844 tỷ đồng và Cảng hành khách Rạch Giá tổng mức đầu tư 410 tỷ đồng.

Cùng với đó, Kiên Giang thực hiện nhiều công trình quản lý chống xói mòn, sạt lở ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế cho dân cư ven biển. Cụ thể là xây dựng kè chống sạt lở ven biển Mũi Rãnh (An Biên), Mũi Nai (thành phố Hà Tiên), ven biển Bình Giang (Hòn Đất)…

Xây dựng hệ thống cống trên tuyến đê biển Tây đoạn phía bắc Hà Tiên-Rạch Giá, đến nay, tỉnh đã đầu tư hoàn chỉnh 22 cống thủy lợi phục vụ ngăn mặn, giữ ngọt và điều tiết nước cho vùng sản xuất ven biển phía nam quốc lộ 80 thuộc địa bàn thành phố Rạch Giá và 2 huyện Hòn Đất, Kiên Lương.

Phương tiện khai thác đánh bắt công suất nhỏ trên vùng biển thành phố Hà Tiên (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Phương tiện khai thác đánh bắt công suất nhỏ trên vùng biển thành phố Hà Tiên (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Xây dựng hệ thống cống trên đê biển Tây đoạn phía nam An Biên-An Minh giáp ranh giới tỉnh Cà Mau, đến nay tỉnh đã đầu tư hoàn chỉnh 6 cống ngăn mặn, giữ ngọt và đang triển khai thực hiện 27 cống trên tuyến đê biển này.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình khẳng định: “Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn ven biển, hải đảo với nhiều dự án, công trình đưa vào khai thác, sử dụng đã phát huy hiệu quả tích cực trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nhất là phát triển kinh tế biển trên các lĩnh vực khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, thu hút đầu tư, phát triển du lịch biển và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hiện còn hơn 3%. Đây là cơ sở, nền tảng vững chắc, điều kiện thuận lợi để Kiên Giang tiếp tục khai thác tốt tiềm năng kinh tế biển trong “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và thực hiện nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.”

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị khẳng định thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,” tỉnh Kiên Giang phát triển mạnh kinh tế biển phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và trong tổng thể chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Khu vực ngư trường vùng Đông Bắc đảo Phú Quốc. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Khu vực ngư trường vùng Đông Bắc đảo Phú Quốc. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Tỉnh tập trung nguồn lực khẩn trương đẩy nhanh tốc độ xây dựng Kiên Giang trở thành địa phương biển mạnh của vùng biển và ven biển Tây Nam bộ, đạt các tiêu chí quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển. Cụ thể là như bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa biển, hình thành văn hóa sinh thái biển, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển, biển xâm thực vùng ven biển, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng, ứng dụng khoa học mới, tiên tiến, hiện đại thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển của tỉnh.

Phát triển toàn diện các lĩnh lực kinh tế biển, tỉnh Kiên Giang phấn đấu đến năm 2030, kinh tế biển chiếm 80% GRDP toàn tỉnh, thu nhập bình quân đầu người của các huyện, thành phố ven biển gấp 1,5 lần so với mức bình quân của tỉnh; cơ cấu kinh tế phi nông nghiệp chiếm trên 80% tổng GRDP; thu hút khách du lịch tăng 30-50% so với năm 2020, xuất khẩu thủy sản tăng bình quân 10%/năm giai đoạn 2021-2030. Các đảo có người dân sinh sống có hạ tầng kinh tế-xã hội cơ bản đầy đủ về điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục…

Tỉnh quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, duy trì tỷ lệ che phủ rừng ven biển, phòng chống, tránh, ngăn chặn, hạn chế tác động của triều cường, xâm nhập mặn, xói lở bờ biển.

Tầm nhìn phấn đấu đến năm 2045, Kiên Giang trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, theo hướng bền vững, an ninh, an toàn và kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế cả nước.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình chia sẻ tỉnh tập trung đầu tư phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế biển theo hướng an toàn, bền vững và hiệu quả, tăng sản lượng, giá trị sản phẩm. Cụ thể là khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, du lịch biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên, khoáng sản biển khác, phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển, phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới, phát triển văn hóa-xã hội vùng biển đảo và ven biển…/.

Trung tâm xã đảo Tiên Hải, thành phố Hà Tiên (Kiên Giang). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Trung tâm xã đảo Tiên Hải, thành phố Hà Tiên (Kiên Giang). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Khai thác thủy sản bền vững, hiệu quả

Phát triển kinh tế thủy sản biển trong thời gian tới, tỉnh Kiên Giang tập trung đầu tư khai thác thủy sản theo hướng bền vững, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản ven biển, tận dụng tối đa lợi thế nuôi biển.

Vươn khơi khai thác xa bờ

Kiên Giang là một trong những tỉnh có nghề khai thác hải sản phát triển mạnh ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh có gần 20 loại nghề nhưng tập trung chủ yếu thuộc 5 nhóm nghề chính là lưới kéo, lưới vây, lưới rê, nghề câu và hậu cần nghề cá, trong đó hai nhóm nghề lưới kéo và lưới rê chiếm tỉ lệ lớn. Sản lượng khai thác hải sản hàng năm của tỉnh chiếm khoảng 16% tổng sản lượng khai thác hải sản của cả nước và trên 40% sản lượng khai thác hải sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2029, sản lượng khai thác của tỉnh đạt 600.145 tấn.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết tỉnh thực hiện tái cơ cấu toàn diện khai thác hải sản, tổ chức đoàn tàu cá theo hướng vươn khơi khai thác xa bờ, không tăng thêm số lượng tàu. Sắp xếp, cơ cấu lại nghề cá ven bờ, không đóng mới phương tiện công suất nhỏ đánh bắt ven bờ. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm các hoạt động khai thác mang tính tận diệt, tăng cường bảo vệ, tái sinh, phục hồi nguồn lợi hải sản gần bờ, đi đôi với thực hiện đồng bộ, hiệu quả đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân.

Tàu cá trên vùng biển thành phố Hà Tiên. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Tàu cá trên vùng biển thành phố Hà Tiên. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Cùng với đó, tỉnh rà soát, củng cố và phát triển các hình thức liên kết sản xuất trên biển, gồm: tổ, đội, hợp tác xã, liên kết các khâu khai thác, thu mua, tiêu thụ hải sản theo chuỗi giá trị. Đầu tư các khu neo đậu trú bão tại các địa phương trọng điểm nghề cá. Xây dựng trung tâm nghề cá lớn Kiên Giang gắn với ngư trường biển Tây Nam tại huyện An Biên.

Trước mắt, tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm áp lực khai thác đánh bắt ven bờ, nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tập trung hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên gần 4.000 tàu cá đúng quy định. Đào tạo, cung ứng nguồn lao động trực tiếp trên tàu, thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản; quản lý khai thác thủy sản theo đúng quy định trong nước và phù hợp với các quy định theo thông lệ quốc tế, tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác trái phép, không đăng ký, không khai báo, nhất là tình trạng đưa tàu cá khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài của ngư dân…

Nuôi trồng thủy sản an toàn, bền vững

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tỉnh quy hoạch và xây dựng dự án nuôi trồng thủy sản theo hướng nuôi biển, ven biển, quanh các đảo và vùng ven bờ, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển, đảo. Chuyển mạnh nuôi trồng hải sản theo phương thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường biển, thu hút đầu tư sản xuất giống chất lượng cao, khỏe mạnh, kháng bệnh, đồng thời nhanh chóng tiếp cận, ứng dụng công nghệ nuôi biển hiện đại ở vùng khơi.

Nuôi biển ở Kiên Giang chủ yếu là nuôi cá lồng bè trên biển, phát triển mạnh tại các xã đảo thuộc huyện Kiên Hải, Phú Quốc, Kiên Lương và thành phố Hà Tiên, với khoảng 4.500 lồng bè nuôi, sản lượng cá thương phẩm năm 2019 trên 3.550 tấn, dự kiến năm 2020 hơn 4.300 tấn. Đối tượng nuôi cá lồng bè trên biển của ngư dân Kiên Giang chủ yếu là cá bóp, cá mú, cá chim, cá hồng mỹ, cá chim vây vàng… trong đó cá bóp, cá mú chiếm tỷ trọng cao nhất.

Thời gian gần đây, tỉnh đã thử nghiệm nuôi thành công một số loài như cá khế vây vàng, cá bè cụp, cá bè vẫu, cá háo… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, tôm hùm cũng đang được thử nghiệm nuôi tại một số xã đảo của tỉnh.

Đặc biệt, Công ty Trấn Phú đầu tư mô hình nuôi cá biển công nghiệp với 2 loài chính là cá chim và cá hồng mỹ ứng dụng công nghệ Na Uy lồng tròn, đường kính 20-30m tại xã Gành Dầu (Phú Quốc). Sau giai đoạn nuôi thử nghiệm, bước đầu cho kết quả khá cao, sản lượng khoảng 35 tấn cá/lồng.

Tàu cá neo đậu tại cửa biển Ba Hòn, huyện Kiên Lương. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Tàu cá neo đậu tại cửa biển Ba Hòn, huyện Kiên Lương. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết để nghề nuôi biển, nhất là nuôi cá lồng bè trên biển an toàn, bền vững và hiệu quả trong thời gian tới, tỉnh quy hoạch khu vực nuôi phù hợp với điều kiện môi trường biển tự nhiên, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao quy trình công nghệ nuôi cá tiên tiến cho ngư dân, đào tạo cán bộ chuyên ngành; nghiên cứu khoa học, công nghệ nuôi cá lồng bè trên biển… góp phần thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, nhấn mạnh tỉnh đầu tư sản xuất giống các đối tượng cá biển đảm bảo chủ động về số lượng, kiểm soát chất lượng nguồn giống thả nuôi. Đầu tư cơ sở hạ tầng về điện, giao thông… cho các xã đảo phục vụ sinh hoạt, sản xuất của cư dân trên đảo. Quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu cá nuôi lồng bè trên biển kết hợp với xúc tiến thương mại ở thị trường trong nước và thế giới.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ để phát triển nuôi cá theo hướng hiện đại, đặc biệt là nghiên cứu, hoàn thiện và chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm một số đối tượng có giá trị kinh tế cao. Cụ thể như nuôi cá hồng mỹ tại Phú Quốc, Kiên Hải; cá khế vằn tại Kiên Hải, cá bè quỵt tại Kiên Lương…

Trong phát triển nuôi biển thời gian tới, tỉnh tích cực kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư nuôi cá theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao… đồng thời, mời gọi đầu tư phát triển một số đối tượng có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, ngọc trai, ốc hương.

Tàu cá trên vùng biển thành phố Hà Tiên. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Tàu cá trên vùng biển thành phố Hà Tiên. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Tạo đột phá trong một số ngành

Nói đến kinh tế biển Kiên Giang không thể không đề cập đến các lĩnh vực kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên, khoáng sản biển khác, phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển, phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Đây là những ngành nghề kinh tế cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế biển Kiên Giang, thực hiện “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”

Các lĩnh vực mũi nhọn

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang cho biết tỉnh khẩn trương quy hoạch, xây dựng, tổ chức triển khai đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển, cảng chuyên dùng, hạ tầng phát triển dịch vụ logictics; tập trung đầu tư phát triển các cảng trọng điểm tại các huyện Phú Quốc, Kiên Lương, Kiên Hải và thành phố Hà Tiên.

Trước mắt, tỉnh huy động nguồn lực xây dựng cảng Hòn Chông (Kiên Lương), cảng nước sâu Nam Du (Kiên Hải); cảng tổng hợp Bãi Đất Đỏ và kho ngoại quan, cảng biển Vịnh Đầm, cảng hành khách quốc tế Dương Đông (Phú Quốc), cảng hành khách Rạch Giá; cảng Bãi Nò (thành phố Hà Tiên), cụm cảng Hà Tiên-Kiên Lương.

Tiếp đến, tỉnh phát triển đội tàu vận tải biển, đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng vận tải quốc gia, phát triển thêm các tuyến vận tải hành khách ven biển, hải đảo phục vụ hoạt động du lịch. Hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy và hàng không, kết nối với các vùng, địa phương trong nước và quốc tế để thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng kinh tế biển.

Lưới điện quốc gia ra xã đảo Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Lưới điện quốc gia ra xã đảo Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Kiên Giang Nguyễn Văn Dũng cho biết tỉnh tập trung hoàn thành xây dựng các tuyến giao thông kết nối vùng kinh tế biển với các trục giao thông trọng điểm quốc gia và các tỉnh trong vùng biển và ven biển phía Tây. Cụ thể là tuyến đường Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, Kênh Cụt-Tắc Cậu, Rạch Giá-Hòn Đất, Hòn Đất-Kiên Lương, tuyến đường hành lang ven biển phía Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Kiên Giang, các tuyến đường Quốc lộ 80, 61, 63, N1 và tỉnh lộ để tạo hành lang kết nối với khu vực kinh tế biển.

Tỉnh nghiên cứu xây dựng trung tâm logistics tại tỉnh. Phát triển Cảng Hòn Chông có thể tiếp nhận tàu biển trọng tải lớn gắn với dự án đường hành lang ven biển phía Nam thuộc chương trình hợp tác tiểu vùng sông Mekong mở rộng với chiều dài 950km từ Bangkok (Thái Lan) tới Cà Mau (Việt Nam) nhằm thiết lập tuyến đường bộ kết nối các khu vực kinh tế quan trọng của ba nước Việt Nam, Campuchia và Thái Lan cùng các nước khác trong khu vực ASEAN; nghiên cứu mở hướng phát triển vận tải biển sang Campuchia, Thái Lan, Malaysia; trong đó, ưu tiên tuyến vận tải ven biển kết nối Việt Nam (Kiên Giang)-Campuchia-Thái Lan. Đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại trở thành trung tâm lưu thông và phân phối hàng hóa, phục vụ tốt cho sản xuất, xuất nhập khẩu của tỉnh, của vùng.

Kiên Giang mời gọi đầu tư phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới, thúc đẩy đầu tư khai thác điện gió, điện khí, điện sóng, điện Mặt Trời… và năng lượng tái tạo

Tỉnh mời gọi đầu tư phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới, thúc đẩy đầu tư khai thác điện gió, điện khí, điện sóng, điện Mặt Trời… và năng lượng tái tạo khác; trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trên các đảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Tỉnh quan tâm phát triển một số ngành kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển như dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển; quy hoạch và phát triển vùng nuôi chim yến…

Tỉnh tập trung các ngành kinh tế biển mới nổi như năng lượng tái tạo từ biển, khai thác mỏ dưới đáy biển, công nghệ sinh học biển, an toàn và giám sát hàng hải, dịch vụ và sản phẩm biển công nghệ cao…

Phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang, phát triển kinh tế biển phải gắn với xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển, tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, đóng góp nhiều cho tăng trưởng và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tỉnh phát triển ổn định công nghiệp vật liệu xây dựng, gắn với sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái. Đầu tư phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông-thủy-sản, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

Tỉnh chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cơ khí-đóng, sửa chữa tàu, chế biến thực phẩm, vật liệu mới, công nghiệp sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày da, điện tử…

Tỉnh huy động nguồn lực phát triển các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch, trong đó, tập trung xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư vào 3 khu công nghiệp, gồm: Thạnh Lộc (Châu Thành), Thuận Yên (thành phố Hà Tiên), Xẻo Rô (An Biên). Tỉnh hình thành các cụm công nghiệp: Vĩnh Hòa Hưng Nam (Gò Quao), Lình Huỳnh (Hòn Đất), Bắc Vĩnh Hiệp (thành phố Rạch Giá), Hà Giang (thành phố Hà Tiên) và một số cụm công nghiệp ở những nơi có điều kiện.

Phương tiện khai thác đánh bắt công suất nhỏ trên vùng biển thành phố Hà Tiên (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Phương tiện khai thác đánh bắt công suất nhỏ trên vùng biển thành phố Hà Tiên (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho biết tỉnh đẩy mạnh thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển các khu đô thị ven biển trên cơ sở nâng cấp mở rộng các đô thị hiện có và xây dựng mới cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại theo mô hình, tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh. Xây dựng đảo Phú Quốc trở thành thành phố du lịch biển đảo tầm cỡ quốc gia và khu vực. Hình thành và phát triển các đô thị ở huyện đảo Kiên Hải nhằm thúc đẩy phát triển vùng hải đảo thông qua đó gắn kết với phát triển vùng đất liền. Xây dựng thành phố Rạch Giá là một trong 4 đô thị của vùng kinh tế trọng điểm thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm thương mại đầu mối cấp vùng, trung tâm kinh tế biển…

Thực hiện “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,” Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị khẳng định tỉnh tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của chính quyền các cấp, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững biển, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.

Tỉnh khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển đảo, rà soát, bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch liên quan đến biển đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hòa, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng biển và hải đảo của tỉnh và các tỉnh lân cận.

Tỉnh tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế biển, khuyến khích, thu hút mạnh các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực kinh tế biển, nhất là nuôi trồng, khai thác thủy sản và chế biến thủy sản, các ngành kinh tế biển mới như: Khai thác mỏ dưới đáy biển, công nghệ sinh học biển, an toàn và giám sát hàng hải và các ngành biển khác có lợi thế của tỉnh./.

Tàu cá hoạt động trên vùng biển thành phố Hà Tiên. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Tàu cá hoạt động trên vùng biển thành phố Hà Tiên. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Xây dựng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch tầm quốc tế

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Phú Quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu đưa Phú Quốc phát triển toàn diện, bền vững. Xây dựng Phú Quốc trở thành đô thị động lực phát triển của tỉnh, trở thành một thành phố biển đảo, trung tâm du lịch, dịch vụ cao cấp của quốc gia và khu vực Đông Nam Á.

Bí thư-Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc Mai Văn Huỳnh nhấn mạnh huyện Phú Quốc tập trung thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững, có chiều sâu, nhất là thực hiện hiệu quả các giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Huyện nâng cao chất lượng công tác quản lý quy hoạch và dự báo phù hợp với định hướng của Trung ương, tập trung phát triển du lịch và các ngành dịch vụ, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, khai thác, phát huy các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Huyện quyết tâm xây dựng đảo ngọc Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng mang tầm quốc tế. Đảo ngọc Phú Quốc từng bước hướng đến xây dựng thành phố Phú Quốc văn minh, hiện đại, hài hòa và thân thiện. Phấn đấu đến năm 2025, khách du lịch đến Phú Quốc đạt 10 triệu lượt người, tăng bình quân 15%/năm, trong đó khách nước ngoài 4 triệu lượt người.

Huyện Phú Quốc tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ trên đảo, cảng hàng không quốc tế, cảng hành khách quốc tế, lưới điện và đường dây 220 kV Kiên Bình-Phú Quốc vượt biển đưa điện quốc gia ra đảo, hệ thống cấp thoát nước, xử lý chất thải, nước thải…

Huyện tạo điều kiện thuận lợi kết hợp với tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án, nhất là đẩy nhanh tiến độ xây dựng những công trình đã khởi công, đang thi công sớm hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của huyện.

Khu vực nuôi ngọc trai lấy ngọc trên biển ở huyện đảo Phú Quốc. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Khu vực nuôi ngọc trai lấy ngọc trên biển ở huyện đảo Phú Quốc. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Ông Mai Văn Huỳnh cho biết giai đoạn 2020-2025, huyện xây dựng và thực hiện nhiều chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế-xã hội, góp phần phát triển Phú Quốc phát triển toàn diện, bền vững. Cụ thể các dự án như: Nâng cấp các tuyến đường nội ô thị trấn Dương Đông, xây dựng bờ kè Rạch ông Trì, nâng cấp hệ thống thoát nước thị trấn Dương Đông, Khu tái định cư Đồng cây Sao 49 ha, Khu tái định cư tuyến tránh thị trấn Dương Đông, xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường ở hai đô thị Dương Đông và An Thới, dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp gắn với du lích sinh thái,” xây dựng Khu Trung tâm hành chính Phú Quốc, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng…

Huyện mời gọi đầu tư phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, loại hình du lịch phong phú phù hợp với lợi thế thế, tiềm năng của đảo ngọc. Xây dựng Khu dân cư sinh thái và dân dân cư Rạch Tràm, xã Bãi Thơm 173,5ha; Khu Du lịch sinh thái bãi Ông Lang, xã Cửa Dương khoảng 280ha; Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Vẹm, xã Gành Dầu 217,6ha; Khu Du lịch sinh thái đảo Phú Quốc tại xã Cửa Dương 164ha. Đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, kết nối đồng bộ các khu đô thị, khu dân cư, tái định cư, chỉnh trang đô thị, ổn định sinh kế của người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh tỉnh huy động nguồn lực đầu tư, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Phú Quốc để hình thành một khu vực kinh tế năng động, thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước, đảm bảo cho Phú Quốc phát triển nhanh và bền vững, có chiều sâu. Đẩy mạnh phát triển du lịch Phú Quốc, đa dạng hóa dịch vụ, sản phẩm du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tầm cỡ quốc tế, mang sắc thái riêng Phú Quốc. Rà soát các điều kiện để thực hiện tốt các tiêu chí thành phố Phú Quốc, phát triển nhanh, toàn diện hơn trong những năm tới, xứng tầm là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế, là đô thị động lực của tỉnh trong thời gian tới.

Khu vực Công viên san hô với dịch vụ đi bộ dưới đáy biển tại vùng biển An Thới, Khu bảo tồn biển Phú Quốc. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Khu vực Công viên san hô với dịch vụ đi bộ dưới đáy biển tại vùng biển An Thới, Khu bảo tồn biển Phú Quốc. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng chia sẻ kinh tế Phú Quốc luôn giữ mức phát triển ổn định, tăng trưởng cao, lĩnh vực thương mại-dịch vụ phát triển mạnh, cơ cấu các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chuyển dịch theo hướng tích cực phù hợp với định hướng của Chính phủ. Phú Quốc tạo được môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển tốt, quan tâm kêu gọi xúc tiến đầu tư và hỗ trợ giải quyết các thủ tục đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai nhanh các dự án, qua đó thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược có quy mô lớn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đảo ngọc Phú Quốc như Vingroup, Sun Group, BIM Group, CEO Group…

Đến nay, Phú Quốc thu hút 321 dự án đầu tư, với tổng diện tích 10.936ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 340.366 tỷ đồng, là huyện có số dự án đầu tư lớn nhất trong toàn tỉnh, chiếm 41,2% số dự án của cả tỉnh và chiếm 72,4% về số vốn; trong đó, có 47 dự án đã đưa vào khai thác, 75 dự án đang triển khai xây dựng và những dự án còn lại đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư.

Phú Quốc thu hút 321 dự án đầu tư, với tổng diện tích 10.936ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 340.366 tỷ đồng, là huyện có số dự án đầu tư lớn nhất trong toàn tỉnh

Nhiều công trình, dự án mang tầm cỡ khu vực và quốc tế được triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế của Phú Quốc phát triển nhanh hơn. Tỉnh đang hoàn tất các thủ tục để đề nghị thành lập thành phố Phú Quốc, thành phố biển đảo đầu tiên trên cả nước, đưa Phú Quốc phát triển nhanh và bền vững.

Bên cạnh đầu tư phát triển kinh tế, Phú Quốc đầu tư phát triển mạnh văn hóa-xã hội của huyện đảo, ngang bằng với phát triển kinh tế. Xây dựng môi trường văn hóa, xã hội Phú Quốc lành mạnh, thân thiện, an toàn, hấp dẫn và đa dạng về văn hóa. Huyện đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao thu nhập và mức sống của người dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi để mọi người dân trên đảo được thừa hưởng thành quả từ sự phát triển của Phú Quốc mang lại, không để ai ở lại phía sau trong tiến trình phát triển của Phú Quốc.

Huyện huy động nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục chất lượng cao, các dịch vụ y tế hiện đại tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân và khách du lịch, đặc biệt, phục vụ nhu cầu cho đối tượng có thu nhập cao khi đến Phú Quốc với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe./.

Bãi biển Bãi Dài, xã Gành Dầu, huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Bãi biển Bãi Dài, xã Gành Dầu, huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)