Bài toán khủng hoảng nhân lực

Dự luật mới của Chính phủ Nhật Bản về lao động nhập cư đang là chủ đề tranh cãi gay gắt tại kỳ họp Quốc hội của nước này. Dự luật giới thiệu hai tư cách lưu trú mới dành cho lao động nhập cư, được chính phủ giải thích là biện pháp nhằm tăng số lượng lao động nước ngoài làm việc tại Nhật Bản trong bối cảnh thị trường lao động nước này đang đối mặt thực trạng thiếu nhân lực trầm trọng.

Nội dung dự luật mới

Sau khi được chính phủ thông qua ngày 2/11, Bộ Tư pháp Nhật Bản trình lên Quốc hội dư luật giới thiệu tư cách lưu trú mới gồm tư cách lưu trú “特定技能1号” (tạm dịch “kỹ năng đặc thù loại 1”) và tư cách lưu trú “特定技能2号” (“kỹ năng đặc thù loại 2”).

Tư cách lưu trú “kỹ năng đặc thù loại 1” yêu cầu lao động phải có trình độ hoặc kinh nghiệm nghề nghiệp cần thiết trong lĩnh vực được tuyển dụng và phải đỗ kỳ thi do các cơ quan sở, bộ, ban, ngành chức năng quy định.

Yêu cầu thứ hai là phải có trình độ tiếng Nhật nhất định, đủ giao tiếp cơ bản cho cuộc sống tại Nhật Bản, trình độ tiếng Nhật sẽ được xác định bằng kết quả tham gia kỳ thi năng lực tiếng Nhật. Thời hạn của loại visa này tối đa là năm năm. Visa này không được gia hạn và không được phép đem thân nhân sang Nhật Bản cùng sinh sống.

Visa này dành cho 14 ngành nghề gồm: xây dựng; đóng tàu và công nghiệp cơ khí máy móc tàu thuyền; sửa chữa bảo dưỡng ôtô; hàng không; lưu trú khách sạn; điều dưỡng; bảo dưỡng cao ốc; nông nghiệp; ngư nghiệp; công nghiệp chế biến đồ uống và thực phẩm; dịch vụ ăn uống; ngành công nghiệp gia công cơ khí; ngành chế tạo máy công nghiệp; ngành công nghiệp điện và điện tử.

Dự luật mới của Chính phủ Nhật Bản về lao động nhập cư là chủ đề tranh cãi gay gắt tại kỳ họp Quốc hội nước này

Tư cách lưu trú “kỹ năng đặc thù loại 2” quy định kỹ năng nghề phải đạt mức thành thạo trong lĩnh vực được tuyển dụng, được xác nhận thông qua kỳ thi do các cơ quan sở, bộ, ban, ngành chức năng quy định. Số ngành được tuyển dụng giảm từ 14 trong visa “kỹ năng đặc thù loại 1” xuống còn năm ngành trong visa “kỹ năng đặc thù loại 2,” gồm xây dựng, đóng tàu và công nghiệp cơ khí máy móc tàu thuyền, sửa chữa bảo dưỡng ôtô, hàng không, lưu trú khách sạn. Tư cách lưu trú này đươc phép đưa gia đình sang Nhật Bản cùng sinh sông và không bị quy định thời gian lưu trú tối đa.

Dự luật mới cho phép lao động nước ngoài được cấp visa “kỹ năng đặc thù loại 1” có thể xin đổi sang visa “kỹ năng đặc thù loại 2” nếu như trình độ chuyên môn tay nghề đạt được yêu cầu tay nghề của visa “kỹ năng đặc thù loại 2.” Năng lực tay nghề sẽ được xác nhận bằng kỳ thi do sở, ban, ngành hoặc bộ quy định.

Ngoài ra, lao động có visa “kỹ năng đặc thù loại 2,” nếu đáp ứng đủ điều kiện, có thể xin chuyển sang tư cách “永住” (vĩnh trú – tức là cư trú không xác định thời hạn). Visa “kỹ năng đặc thù loại 2” được đánh giá là gần giống với visa “vĩnh trú” với tính chất không hạn chế thời gian lưu trú. Điều khác biệt lớn nhất giữa hai loại visa này là visa “kỹ năng đặc thù loại 2” quy định ngành được tuyển dụng, không để mở như visa “vĩnh trú.”

Thực tập sinh Việt Nam tại vườn ươm giống xà lách ở làng Kawakami. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)
Thực tập sinh Việt Nam tại vườn ươm giống xà lách ở làng Kawakami. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Khủng hoảng nhân lực – Nhật Bản không còn nhiều lựa chọn

Theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản, dân số Nhật Bản tính đến tháng 1/1/2018 là 125.209.603 người, giảm 374.055 người so với thống kê của năm trước. Đây là năm thứ chín liên tiếp, dân số Nhật Bản giảm. Điều đáng chú ý là dân số trong độ tuổi lao động giảm mạnh, chỉ 74.843.915 người, chiếm gần 59,77% dân số. Tỷ lệ tuyển dụng tháng 12/2017 đạt 1,59 lần, tức là cứ 159 chỉ tiêu tuyển dụng thì chỉ có 100 người đăng ký tìm việc. Đây là tỷ lệ ứng tuyển thấp nhất từ trước đến nay.

Thực trạng này đã đẩy Nhật Bản rơi vào tình trạng thiếu lao động. Trong những năm vừa qua, để giải quyết tình trạng này, Nhật Bản đã có những cơ chế nhằm cho phép người nước ngoài vào làm việc. Tính đến tháng 10/2017, số lao động nước ngoài làm việc tại Nhật Bản đạt gần 1,28 triệu người, mức cao kỷ lục.

Tuy nhiên, tình hình khủng hoảng thiếu lao động ngày càng diễn biến trầm trọng. Thủ tướng Shinzo Abe cho biết nhiều ngành kinh tế, trong đó có ngành điều dưỡng và xây dựng, đang rơi vào tình trạng rất khó tuyển dụng lao động, trở thành rào cản tăng trưởng kinh tế.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Yoshihide Suga, cũng nhấn mạnh đền việc thiếu nhân lực đã trở nên rõ ràng trong ngành xây dựng cũng như nhiều ngành khác, đặc biệt trước thềm Đại hội Thể thao Olympic và Paralympic Tokyo 2020.

Tính đến tháng 10/2017, số lao động nước ngoài làm việc tại Nhật Bản đạt gần 1,28 triệu người, mức cao kỷ lục

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp không hoạt động tại các đô thị lớn, là những đối tượng cảm nhận rõ nhất vấn đế khủng hoảng nhân lực. Điều này cho thấy các biện pháp nhằm bổ sung nhân lực hiện nay của Chính phủ Nhật Bản chưa đủ đáp ứng nhu cầu.

Vì vậy, chính phủ cho rằng cần phải mở rộng chế độ tiếp nhận lao động nước ngoài trong các ngành có tính kỹ thuật và chuyên môn, mở rộng mô hình tiếp nhận lao động nước ngoài có kỹ năng nghề, trình độ chuyên môn nhất định.

Chánh Văn phòng Nội các Suga cho biết lập tư cách lưu trú mới để tăng cường tiếp nhận lao động nước ngoài là biện pháp đóng vai trò tối quan trọng để giải quyết vấn đề nhân lực. Chủ trương của Chính phủ Nhật Bản là cho phép công nhân nước ngoài đáp ứng được các điều kiện nhất định trong đó có điều khoản phải có hợp đồng lao động có giá trị, sẽ được làm việc trong một số ngành được quy định trong một thời gian xác định tại Nhật Bản.

Lao động thu hoạch xà lách ở làng Kawakami. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)  
Lao động thu hoạch xà lách ở làng Kawakami. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)  

Những thách thức từ dự luật mới

Trong bối cảnh Nhật Bản chuẩn bị mở rộng cửa hơn để tiếp nhận lao động nước ngoài, giới chuyên gia và phe đối lập đã nêu ra những thách thức mà biện pháp này gây ra.

Ông Nagatsuma Akira, Phó Chủ tịch Đảng Dân chủ Lập hiến, đảng đối lập lớn nhất, cho biết chính phủ đang tìm cách tăng số lao động nước ngoài nhưng lại không thảo luận các vấn đề như giảng dạy tiếng Nhật, nhà ở và an sinh xã hội.

Có những ý kiến lo ngại liệu Nhật Bản đã có hạ tầng và môi trường phù hợp, có đủ khả năng đảm bảo an toàn xã hội và không để xảy ra hậu quả đối với việc làm của người Nhật Bản khi lượng lao động nhập cư lớn đổ xô vào nước này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tuyển dụng sẽ phải đối mặt với một trách nhiệm nặng nề hơn trong các thủ tục hành chính, giải quyết chế độ an sinh, phúc lợi như bảo hiểm thất nghiệp.

Thách thức đầu tiên mà các nghị sỹ đối lập lưu ý là khả năng hòa nhập với xã hội Nhật Bản. Chẳng hạn đối với vấn đề rào cản ngôn ngữ, những công nhân nước ngoài với trình độ tiếng Nhật hạn chế sẽ đối mặt với các khó khăn khi mở tài khoản ngân hàng và điều này cuối cùng lại ảnh hưởng đến việc họ nhận được lương.

Để giải quyết thách thức này, chính phủ đang nghiên cứu các biện pháp nhằm giúp các công nhân này có thể nhận lương mà không cần có tài khoản ngân hàng. Đã có ý kiến đề nghị thành lập một văn phòng đa ngôn ngữ thực hiện các nhiệm vụ như đặt lịch hẹn khám với bác sĩ, thuê nhà, học tiếng Nhật…

Cố vấn của Viện Nghiên cứu Nomura, ông Hiroya Masuda, cho rằng cần có sự hỗ trợ phù hợp dành cho gia đình và con cái của các lao động nước ngoài và điều này cần sự tham gia không chỉ của chính quyền địa phương mà cả chính phủ trung ương.

Một quan ngại khác là có những công nhân nước ngoài có thể vi phạm giấy phép lao động. Để ngăn chặn tình trạng này, chính phủ cho biết sẽ kiểm tra chặt chẽ tư cách của công nhân nước ngoài, trong đó có cả công việc, ngành nghề mà họ được tuyển dụng trong thời gian làm việc tại Nhật Bản. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn dự định sẽ kiểm tra những lao động nước ngoài này có bảo hiểm hay không, yêu cầu các lao động đó và bên tuyển dụng đăng ký bảo hiểm nếu họ chưa có.

Bên trong nhà máy Koganei Seiki, nơi có nhiều công nhân Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn  Tuyến/Vietnam+)
Bên trong nhà máy Koganei Seiki, nơi có nhiều công nhân Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Các nghị sỹ đối lập còn nêu lên điều mà họ cho là bất cập liên quan đến tiêu chuẩn để chuyển đổi từ visa loại 1 sang visa loại 2. Chính phủ khẳng định để loại bỏ sự quan ngại của dư luận đối với việc Nhật Bản chuyển hướng chính sách nhập cư, chính phủ sẽ lập tiêu chuẩn khắt khe đối với việc chuyển đổi visa nói trên. Tuy nhiên, các nghị sỹ đối lập nhận định động thái này có thể sẽ không phù hợp với cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản.

Tại phiên điều trần các bộ, nghị sỹ của Đảng Dân chủ vì Nhân dân đối lập, ông Kazunori Yamanoi, nêu lên giả định các tu nghiệp sinh sang Nhật Bản theo Chương trình Đào tạo Tu nghiệp sinh Kỹ thuật hiện nay, sau khi kết thúc 5 năm tu nghiệp sinh có thể sẽ tiếp tục làm việc tại Nhật Bản theo visa loại 1 trong chế độ visa mới.

Theo giả định này, đến khi visa mới hết hạn, họ sẽ ở Nhật Bản tổng cộng 10 năm. Những công nhân nước ngoài sau 10 năm kinh nghiệm đã sở hữu thành thạo những kỹ năng đủ để họ giữ các vị trí quan trọng trong doanh nghiệp. Lúc đó, các chủ tuyển dụng sẽ muốn lao động nước ngoài xin chuyển đổi sang visa loại 2 để giữ họ lại làm việc. Như vậy, việc chính phủ áp dụng quy định khắt khe đối với việc chuyển đổi visa sẽ đi ngược lại mong muốn của doanh nghiệp Nhật Bản.

Một vấn đề nữa là trong dự luật mới không có quy định về yêu cầu bằng cấp học vấn. Theo Bộ Tư pháp, tại thời điểm hiện tại, hai loại visa mới không yêu cầu có bằng cấp chứng minh học vấn nhưng có yêu cầu phải đạt trình độ tiếng Nhật ở mức nhất định, cùng với các bài thi khác để kiểm tra kỹ năng nghề của ứng viên cho công việc họ ứng tuyển.

Hai loại visa mới không yêu cầu có bằng cấp chứng minh học vấn nhưng có yêu cầu phải đạt trình độ tiếng Nhật ở mức nhất định

Viện trưởng Nghiên cứu Nhân sự toàn cầu, ông Yohei Shibasaki, đánh giá các bài thi là cần thiết song sẽ không đánh giá toàn diện vì trình độ tiếng Nhật có thể sẽ được quy định ở mức tương đối thấp.

Theo ông, những lao động có nền tảng kinh tế và học vấn thấp hơn thường chậm hơn trong việc học tiếng Nhật, vì vậy trình độ tiếng Nhật của họ kém hơn những người có học vấn cao đẳng hoặc đại học. Trở ngại này sẽ cô lập họ khỏi cộng đồng và tạo ra các khu vực mà ở đó, họ chỉ giao tiếp với người đồng hương, điều này có thể làm phát sinh rắc rối với các cộng đồng khác. Chính vì vậy, ông cho rằng cần phải bổ sung thêm điều kiện “lao động được tuyển dụng theo chế độ visa mới phải có ít nhất là bằng cao đẳng hoặc đại học.”

Nhật Bản được đánh giá là điểm đến hấp dẫn cho các sinh viên đại học, cao đẳng tại các nước đang nổi. Ông Yohei Shibasaki tin rằng có rất nhiều sinh viên đại học, cao đẳng tại các nước có thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 1/10 Nhật Bản sẵn sàng sang Nhật Bản để làm công nhân.

Một lo ngại nữa của các nghị sỹ là dự luật mới sẽ mở màn cho việc chuyển hướng chính sách nhập cư tại quốc gia, vốn được đánh giá là khá bảo thủ. Nhật Bản được cho là đã áp dụng những cơ chế kiểm soát lao động nước ngoài nhằm giữ xã hội Nhật Bản được đồng nhất. Chính vì vậy, một số đảng đối lập lo ngại dự luật mới sẽ mở đường cho việc người nước ngoài được phép định cư không xác định thời hạn tại Nhật Bản, trong khi một số khác lo ngại nguy cơ gây nên sự bất ổn trong xã hội.

Đối với quan ngại này, Thủ tướng Abe khẳng định: “Dự luật không phải là chính sách nhập cư. Hệ thống này được xây dựng dựa trên lập luận rằng công nhân nước ngoài làm việc trong những ngành nghề thiếu lao động trong một khoảng thời gian xác định và trong một số trường họp nhất định, họ không được mang theo gia đình sang Nhật sinh sống.”

Ngoài ra, còn có các ý kiến chỉ trích về việc dự luật vẫn còn nhiều mơ hồ như chưa đề cập đến cách thức tiến hành tuyển dụng, vai trò của các quốc gia có lao động nước ngoài sẽ tham gia ứng tuyển theo chế độ visa mới, quá trình chuyển đổi từ visa tu nghiệp sinh sang visa loại 1 và từ visa loại 1 sang visa loại 2 sẽ được thực hiện ngay trong thời gian ứng viên đang còn làm việc tại Nhật Bản hay ứng viên chỉ được xin chuyển đổi sau khi hoàn thành thời gian làm việc và đã về nước…

Em Nguyễn Dương Tùng chuẩn bị đi giao báo ca chiều. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)
Em Nguyễn Dương Tùng chuẩn bị đi giao báo ca chiều. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Tranh cãi liên quan đến Chương trình Đào tạo Tu nghiệp sinh kỹ thuật

Đảng Dân chủ lập hiến, đảng đối lập lớn nhất hiện nay, cho rằng thay vì tìm cách thuyết phục Quốc hội thông qua dự luật mới, chính phủ nên dành ưu tiên cho việc điều chỉnh Chương trình Đào tạo Tu nghiệp sinh kỹ thuật hiện tại trước khi mở rộng cửa tiếp nhận lao động nước ngoài. Chương trình này hiện đang bị các nhà hoạt động xã hội chỉ trích vi phạm nhân quyền, lạm dụng lao động…

Theo giải thích của chính phủ, Chương trình Đào tạo Tu nghiệp sinh kỹ thuật và dự luật giới thiệu hai tư cách lưu trú mới là hai cơ chế hoàn toàn khác biệt.

Dự luật giới thiệu hai tư cách lưu trú mới lao động nước ngoài được chính phủ xác định là một biện pháp giải quyết tình trạng thiếu nhân lực của Nhật Bản. Lao động nước ngoài đi theo chương trình này được hưởng lương và các chế độ an sinh tương đương với người Nhật Bản.

Trong khi đó, Chương trình Đào tạo Tu nghiệp sinh kỹ thuật không phải là biện pháp để giải quyết tình trạng thiếu lao động. Chương trình này được thiết lập với mục tiêu đào tạo nhân lực và chuyển giao kỹ thuật công nghệ, nhằm giúp các nước phái cử tu nghiệp sinh phát triển kinh tế. Chương trình Đào tạo Tu nghiệp sinh kỹ thuật được Chính phủ Nhật Bản phối hợp thực hiện với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, trong nhiều năm qua.

Tu nghiệp sinh Việt Nam cùng đồng nghiệp Nhật Bản tại nơi làm việc ở tỉnh Iwate.  (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)
Tu nghiệp sinh Việt Nam cùng đồng nghiệp Nhật Bản tại nơi làm việc ở tỉnh Iwate. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Các nước đang phát triển sang Nhật Bản đưa tu nghiệp sinh sang làm việc tại Nhật Bản trong ba năm để học tập các kỹ thuật tiên tiến sau đó sẽ đem về ứng dụng tại quê hương. Vì vậy, chỉ một số ngành nhất định có tính chất kỹ thuật, công nghệ mới được nhận tu nghiệp sinh. Trong thời gian học tập và làm việc tại Nhật Bản, các tu nghiệp sinh được hưởng lương và các chế độ khác theo tiêu chuẩn dành cho tu nghiệp sinh học việc, tức là thấp hơn so với công nhân chính thức.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, có nhiều chỉ trích cho rằng Chương trình Đào tạo Tu nghiệp sinh kỹ thuật thực chất là tuyển dụng lao động giá rẻ từ các nước đang phát triển vì có những cáo buộc về tình trạng tu nghiệp sinh bị bắt làm những công việc hoàn toàn không liên quan đến kỹ thuật, công nghệ và phải nhận mức lương rẻ mạt. Các nhà hoạt động xã hội cho rằng đây là nguyên nhân chính khiến cho nhiều tu nghiệp sinh bỏ trốn khỏi nơi làm việc.

số tu nghiệp sinh mất tích trong năm 2018 có thể sẽ vượt con số 7.089 người, con số kỷ lục của năm 2017

Phát biểu tại Ủy ban Ngân sách Hạ viện, Bộ trưởng Tư pháp Takashi Yamashita xác nhận chỉ riêng trong giai đoạn từ tháng 1-3/2018, có tới 4.279 tu nghiệp sinh kỹ thuật mất tích. Ông cảnh báo số tu nghiệp sinh mất tích trong năm 2018 có thể sẽ vượt con số 7.089 người, con số kỷ lục của năm 2017.

Nghị sỹ Akira Nagatsuma nhận định con số thực tập sinh mất tích như vậy là rất lớn song không thể đổ lỗi lên những tu nghiệp sinh nước ngoài trong tất cả cả trường hợp bỏ trốn. Ông dẫn chứng các vụ tu nghiệp sinh bị quấy rối, bị bắt nạt, bị nhốt trong những căn hộ chật hẹp, lương thấp… và cho rằng có những trường hợp tu nghiệp sinh bỏ trốn vì không thể chịu đựng nổi, thậm chí họ có thể chết nếu tiếp tục ở lại hoặc bị bắt làm những công việc nặng nhọc không cần trình độ kỹ thuật.

Ông nhấn mạnh sẽ là vô trách nhiệm nếu chính phủ muốn đẩy mạnh việc tuyển lao động nước ngoài trong khi làm ngơ trước những vấn đề đang tồn tại trong chương trình tu nghiệp sinh kỹ thuật.

Giới trẻ ủng hộ mở rộng cửa hơn cho lao động nhập cư

Cho dù giới chuyên gia và nghị sỹ đối lập vẫn đang chỉ ra những tồn tại trong chế độ visa mới, song thực trạng khủng hoảng nhân lực đã khiến cho dân chúng cởi mở hơn đối với vấn đề này. Kết quả thăm dò của Kyodo và Nikkei đều cho thấy đa số người được hỏi ý kiến ủng hộ dự luật mới về lao động nhập cư. Có 54% bày tỏ sự ủng hộ trong khi có 34% phản đối. Điều đặc biệt là đại đa số thanh niên bày tỏ ủng hộ trong khi người già thì tỏ ra thận trọng.

Nếu được thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này, dự kiến kết thúc vào ngày 10/12, dự luật giới thiệu hai tư cách lưu trú mới dành cho lao động nước ngoài sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 4/2019.

Nhật Bản dự kiến sẽ nâng cấp Cục Nhập cư thành cơ quan trực thuộc chính phủ, tăng số nhân viên để đáp ứng với khối lượng công việc lớn hơn khi số công nhân nhập cư tăng lên.

“Chính phủ phải có trách nhiệm trong việc đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia mà người nước ngoài muốn đến làm việc và sinh sống”

Các biện pháp nhằm tăng cường tiếp nhận lao động được xem là động thái quan trọng tiếp theo trong chính sách tăng trưởng kinh tế Abenomics. Ông Suga khẳng định: “Chính phủ phải có trách nhiệm trong việc đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia mà người nước ngoài muốn đến làm việc và sinh sống.”

Các nhà kinh tế cho rằng cần tăng gấp đôi số lao động nước ngoài tại Nhật Bản mới có thể bù đắp cho việc suy giảm dân số trong độ tuổi lao động trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, đây không phải là điều dễ dàng khi mà xã hội Nhật Bản vẫn còn nhiều rào cản đối với vấn đề này.

Dự luật giới thiệu hai tư cách lưu trú mới cho lao động nhập cư, nếu được hiện thực hóa, là lời giải đầu tiên cho bài toán nhân lực đầy hóc búa này./.