Cuộc sống tại Italy

italycuocs-1584183985-40.jpg

Newsweek, một trong những tạp chí hàng tuần uy tín lớn nhất thế giới của Mỹ, vừa đăng tải những chia sẻ của một người dân Italy đang phải sống dưới lệnh phong tỏa vì dịch COVID-19.

‘Đã một tháng từ lần cuối cùng tôi gặp mẹ, và ba tuần từ lần gặp gỡ bạn bè gần nhất. Thực tế là, tôi đã không ra khỏi nhà trong suốt ba tuần vừa qua…

Tất nhiên, tôi không phải là người duy nhất!’ – đó là một trong những lời tâm sự như những tiếng thở dài của một cô gái Italy trong thời điểm mà đất nước hình chiếc ủng đang đảo chao về dịch COVID-19.

Đó là một cuộc chiến tranh…

Italy, đất nước nổi tiếng sôi nổi và hoạt bát của tôi, đang im ắng đến lạ thường. Các điểm du lịch mang tính biểu tượng nhất đất nước trở nên đìu hiu; các trường học, nhà hàng, quán rượu và rạp chiếu phim đều đóng cửa; các sự kiện thể thao bị hoãn lại, và chúng tôi bị cấm tập trung tại các không gian công cộng.

Mỗi tối, các cán bộ của Cơ quan Bảo vệ Dân sự lại cập nhật số người tử vong trong các cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp. Thủ tướng của chúng tôi, ông Giuseppe Conte, thường xuyên nhắc đến quốc gia trong các bài phát biểu trực tiếp trên phương tiện truyền thông xã hội.

Các đơn vị cảnh sát đang tuần tra trên đường phố để bảo đảm chúng tôi chỉ rời khỏi nhà để đi làm hay vì các lý do sức khỏe. Chúng tôi có thể ra ngoài đi dạo, mua sắm thực phẩm và thuốc men, nhưng chúng tôi phải điền và mang theo giấy chứng nhận có nêu rõ lý do. Nếu bị phát hiện ra ngoài mà không có lý do chính đáng hay không có giấy chứng nhận, chúng tôi sẽ bị phạt tiền và phải đối mặt với án tù ba tháng.

Chúng tôi đang có chiến tranh, nhưng không phải với một quốc gia nào khác, mà với một chủng virus đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người…

Tất cả hàng quán đều đóng cửa, trừ các cửa hàng thực phẩm và các hiệu thuốc. Những người mua hoảng loạn tiếp tục tích trữ thực phẩm, nước sạch, nước rửa tay và giấy vệ sinh, bất chấp những lời kêu gọi không nên làm vậy của chính quyền. Khẩu trang giờ trở thành mặt hàng không thể tìm nổi.

Trước tình hình đó, các nhà báo, các ngôi sao, những người có tầm ảnh hưởng và các chính trị gia đều dùng mạng xã hội để kêu gọi mọi người ở yên trong nhà.

Đó là bức tranh về lệnh phong tỏa toàn quốc: chúng tôi đang có chiến tranh, nhưng không phải với một quốc gia nào khác, mà với một chủng virus đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người và lây nhiễm cho 12.000 người trong vòng ba tuần.

Và số người chết vì cuộc khủng hoảng lan rộng thực tế còn lớn hơn: 7 người đã thiệt mạng khi các cơ quan chức năng đột ngột cấm mọi chuyến thăm gia đình, và các nhà tù thì nổ ra bạo loạn.

Nhiều người khác nữa đang chết dần trong các trường hợp khẩn cấp y tế đáng lẽ có thể nhận được nhiều sự quan tâm hơn nếu phần lớn các nguồn lực y tế của đất nước không bị đem ra để ngăn chặn đại dịch.

Người dân xếp hàng bên ngoài một siêu thị ở Rome, Italy trong bối cảnh nhà chức trách đề xuất dừng các hoạt động thương mại nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân xếp hàng bên ngoài một siêu thị ở Rome, Italy trong bối cảnh nhà chức trách đề xuất dừng các hoạt động thương mại nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cảm giác khi bị mắc kẹt và cô lập

Khi ca mắc COVID-19 đầu tiên được phát hiện ở Codogno, một thị trấn nhỏ ở miền Bắc Italy, cũng là nơi tôi đang sống vào hôm 21/02, tôi đã về nhà nghỉ cuối tuần với niềm tin rằng nhịp sống bình thường sẽ được khôi phục trong vài ngày tới. Tôi đã nhầm: Codogno sau đó liền bị phong tỏa.

Mặc dù tôi không nghĩ mình đã nhiễm virus, tôi vẫn tự cách ly trong hai tuần để đề phòng. Bạn bè liên tục nhắc tôi những gì cần làm và thường xuyên kiểm tra xem tôi đã gọi cho bác sỹ để thông báo rằng mình đang ở đâu chưa. Tôi cảm thấy mình bị kiểm soát, lo lắng và tội lỗi: nhỡ đâu tôi đã nhiễm virus và lây nó cho mọi người, bao gồm cả những người trong gia đình?

Sự cô lập tự áp đặt này ban đầu cũng không quá tệ: Tôi có thêm thời gian để ngủ và tập thể dục, tôi có thể mặc đồ ngủ trong các cuộc gọi họp hành vì công việc, tôi có thể nhấm nháp đồ ăn bất cứ khi nào tôi muốn, tôi cũng không còn thấy mệt mỏi vì phải đi lại, và da và tóc tôi trông cũng đẹp ra hơn vì ít phải tiếp xúc với sự ô nhiễm.

Người dân Codogno đều bị xa lánh và gắn cho cái mác những kẻ có khả năng làm lây lan virus – điều đó khiến tôi thấy xấu hổ.

Chẳng mấy chốc, những cảm xúc này biến mất, nhường chỗ cho sự lo lắng, hội chứng sợ không gian kín và trầm cảm. Tôi không thể chịu được ý nghĩ không thể ra khỏi nhà.

Tôi muốn sự tự do của mình quay trở lại. Bác sỹ nói tôi có thể ra ngoài đi dạo, nhưng tôi thà không làm vậy. Người dân Codogno đều bị xa lánh và gắn cho cái mác những kẻ có khả năng làm lây lan virus – điều đó khiến tôi thấy xấu hổ.

Khi hai tuần cách ly kết thúc, tôi ra ngoài đi dạo với bạn trai. Chúng tôi không hôn, cũng không ôm nhau, nhưng đã ở bên nhau vài tiếng đồng hồ với niềm tin rằng khoảng thời gian tồi tệ nhất đã qua.

Chẳng ngờ điều đó không phải là sự thật.

Cũng vào cuối tuần đó, toàn bộ vùng Lombardy đã bị phong tỏa, và chỉ vài ngày sau, lệnh phong tỏa đã được áp dụng trên phạm vi cả nước.

Cảnh sát vũ trang Italy làm nhiệm vụ tại một chốt kiểm soát nằm giữa tỉnh Modena và Bologna, trong bối cảnh quốc gia này áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cảnh sát vũ trang Italy làm nhiệm vụ tại một chốt kiểm soát nằm giữa tỉnh Modena và Bologna, trong bối cảnh quốc gia này áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Việc đi lại trên toàn quốc lúc này trở nên gần như bất khả thi. Tôi đã không được gặp mẹ suốt hơn một tháng qua: sau khi đi xuống miền Nam để chăm sóc người bà đang bệnh của tôi, mẹ đã không thể đón được chuyến bay nào để về đoàn tụ với gia đình. Mẹ bị mắc kẹt, và cũng không được phép đến thăm bà của tôi ở bệnh viện.

Khi sự tự mãn chuyển thành hoảng loạn

Những giả thuyết khác nhau đang được đặt ra để lý giải vì sao virus lại lây lan ở Italy nhanh đến như vậy. Nhà chức trách ban đầu đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của tình hình và kêu gọi mọi người đừng hoảng sợ.

Giám đốc bệnh viện Sacco ở Milan – nơi hiện đang phải gồng mình chống lại đợt bùng phát dịch bệnh ở miền Bắc Italy – đã công khai nói rằng mọi người đang phản ứng thái quá và COVID-19 chỉ nghiêm trọng hơn cúm mùa một chút.

Các nhà lãnh đạo thì đưa ra những thông điệp đầy mâu thuẫn, người dân thờ ơ trước những hướng dẫn và tiếp tục ra ngoài tới khi chế tài xử phạt được áp dụng.

Những thanh niên bất cần liên tục đăng lên mạng xã hội những bức ảnh và video ghi lại cảnh họ tiệc tùng, vì họ nghe nói – hoặc tự thuyết phục bản thân bằng cách đọc các số liệu thống kê một cách có chọn lọc – rằng virus chỉ giết chết người già và những người có hệ miễn dịch yếu.

Virus không giết người không có nghĩa là nó không thể khiến họ phải vào viện. Số lượng người – cả già lẫn trẻ – cần chăm sóc đặc biệt đang tăng lên, không phải từng ngày mà là từng giờ.

Khi sự tự mãn chuyển thành hoảng loạn, các cơ quan dịch vụ ngập trong các cuộc gọi từ các công dân lo âu bị ho nhẹ hoặc có thân nhiệt cao…

Hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Lombardy đang sụp đổ, các bác sỹ và y tá bị kiệt sức, thiết bị y tế cạn kiệt buộc các nhân viên y tế chỉ có thể lựa chọn chữa trị cho những người có cơ hội sống cao.

Và, trong một diễn biến đặc biệt tàn khốc, khi một dự thảo nghị định tuyên bố phong tỏa Lombardy bị rò rỉ với báo giới, hàng ngàn người đã đổ xô lên các chuyến tàu nhằm nhanh chóng đoàn tụ với gia đình ở miền Nam. Các ca nhiễm virus tăng mạnh, và sự căng thẳng giữa các khu vực khác nhau cũng vậy.

Phun thuốc khử trùng ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Venice, Italy.  (Ảnh: AFP/TTXVN)
Phun thuốc khử trùng ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Venice, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khi sự tự mãn chuyển thành hoảng loạn, các cơ quan dịch vụ ngập trong các cuộc gọi từ các công dân lo âu bị ho nhẹ hoặc có thân nhiệt cao, trong khi hầu hết những người thực sự cần được giúp đỡ khẩn cấp lại không thể yêu cầu sự trợ giúp đó.

Italy hiện là quốc gia duy nhất bị phong tỏa hoàn toàn.

Cuộc sống là tươi đẹp, Italy đang phản công

Và chúng tôi đang phản công. Hơn 1.000 người đã chiến thắng virus, và tình hình các thị trấn ban đầu áp dụng lệnh phong tỏa đang có dấu hiệu tiến triển, cho thấy rằng những biện pháp nghiêm ngặt đang có hiệu quả.

Giới hạn sự tự do di chuyển là một điều đáng sợ, nhưng đó là ngọn hải đăng hy vọng duy nhất mà chúng tôi đang cùng chia sẻ.

Tôi dự kiến vẫn sẽ bị cô lập trong ít nhất ba tuần nữa. Xây dựng một thói quen đang giúp tôi đối mặt với sự cô lập này. Tôi tập thể dục 40 phút vào buổi sáng, ăn sáng, xem tin tức, làm việc từ xa.

Vào buổi tối, tôi nấu ăn, đọc một quyển sách và xem Netflix say sưa, hoặc xem một bộ phim cùng bố và em gái.

Tôi dự kiến vẫn sẽ bị cô lập trong ít nhất ba tuần nữa. Xây dựng một thói quen đang giúp tôi đối mặt với sự cô lập này.

Những thói quen cũ của chúng tôi đang thay đổi và chúng tôi đang thích nghi với một cuộc sống mới, ở đó chúng tôi dành hầu hết thời gian cho nhau và ở nhà.

Chúng tôi cố gắng không lo nghĩ và tìm cách đánh lạc hướng bản thân, chúng tôi cười và chế ra những công thức nấu ăn mới, nhưng suy nghĩ về virus vẫn luôn ở trong tâm trí chúng tôi, và chúng tôi cảm thấy như bị hành hạ khi không được gặp mẹ, dù chúng tôi cố gắng không nói về điều đó.

Trong khi đó, người Mỹ và người Anh cũng đang bắt chước Italy. Không phải Italy hôm nay, với lệnh phong tỏa và sự đoàn kết trên toàn quốc, mà là Italy bất cẩn chỉ vài tuần trước đây, vui vẻ nhún vai trước những can thiệp của chính phủ và cho phép kẻ thù vô hình chiếm lợi thế.

Trừ khi họ chấp nhận thực tế mới này, không ai có thể nghe thấy Nhà Trắng hay phố Downing nhắc lại điều mà thủ tướng Conte của chúng tôi nói với người dân Italy hồi tuần trước: “Không còn thời gian nữa rồi.”

“La Bella Vita”- Cuộc sống tươi đẹp, người dân Italy luôn lạc quan trước mọi khó khăn và lần này cũng vậy.