Nhạc Hoàng Vân

Sống 88 năm trên cõi tạm. Vào một ban mai ngày chủ nhật 4/2/2018 – Ngày chủ nhật cuối cùng trong cuộc đời, nhạc sỹ Hoàng Vân đã bay theo thời gian lên cõi thiên thai. Ngày chủ nhật cuối đông rét mướt, giá lạnh. Tin ông ra đi càng làm đáy lòng giá lạnh hơn.

1. Tôi thường gọi người nhạc sỹ đàn anh này là “chiến mã” bởi vì rằng điều đầu tiên, ông là người sinh năm Canh Ngọ 1930 tại phố Cầu Gỗ – Hà Nội với cái tên khai sinh nhắc đúng năm sinh: Lê Văn Ngọ. Điều thứ hai là vì âm nhạc của ông suốt thời chống Mỹ đã là một trong những “chiến mã lực lưỡng nhất” đưa biết bao “trai làng Phù Đổng” xung trận đánh tan xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hoàng Vân vốn bắt đầu nghiệp văn nghệ lại chính là hội họa qua thời gian theo học Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Nhưng khi tham gia quân đội trong cuộc trường kỳ kháng chiến, ông lại phát lộ bằng âm nhạc.  

Hoàng Vân vốn bắt đầu nghiệp văn nghệ bằng hội họa qua thời gian theo học Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Nhưng khi tham gia quân đội trong cuộc trường kỳ kháng chiến, ông lại phát lộ bằng âm nhạc. Dạo đó, vào những năm cuối của cuộc trường chinh vĩ đại này, người ta bắt đầu nghe giai điệu Hoàng Vân qua bài hát “Tin chiến thắng.”

Bài hát ngay từ đầu hòa bình ở miền Bắc đã được thu thanh loang qua làn sóng điện bởi một hợp ca nam nữ với giọng lĩnh xướng nam cao của Trần Khánh. Điều này đã đánh dấu mối quan hệ của một cặp bài trùng nhạc sỹ – ca sỹ từ thuở ban đầu cho tới tận khi Trần Khánh ra đi khỏi cõi đời: “Tin chiến thắng vang vang – Tin chiến thắng vang vang – Chiều xuống trên cánh đồng, trên phố phường vang vang tiếng hát …”

Nụ cười hồn hậu của Nhạc sĩ Hoàng Vân
Nụ cười hồn hậu của Nhạc sĩ Hoàng Vân

Khi đại quân ta bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ oanh liệt, bên cạnh các tác phẩm của Đỗ Nhuận như “Hành quân xa,” “Trên đồi Him Lam” những người lính đã tiếp nhận thêm một giọng điệu của người nhạc sỹ trẻ Hoàng Vân qua điệu hò đặc biệt giữa những điệu hò truyền thống, đó là “Hò kéo pháo.” Một điệu hò có lẽ chỉ có thể xuất hiện trong cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh của chúng ta: “Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo. Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua núi …” “Hò kéo pháo” đã vang lên trên khắp các nẻo đường kéo pháo vào chiến dịch. Đã thôi thúc lòng chiến sỹ ở mọi chiến hào khói lửa.

Ngay sau ngày giải phóng Thủ Đô, “Hò kéo pháo” đã được giải thưởng toàn quốc cùng “Mùa lúa chín” – một điệu hò đánh giặc ở miền Nam của Hoàng Việt.

Nhận rõ năng khiếu âm nhạc của Hoàng Vân, nhà nước đã đưa ngay ông sang học tại Nhạc Viện Bắc Kinh. Hoàng Vân đã tốt nghiệp nhạc viện này bằng giao hưởng “Thành đồng tổ quốc.” Với tuổi trẻ được chắp cánh bằng học vấn âm nhạc kinh viện, Hoàng Vân trở về Việt Nam và nhận công tác ở Dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nhạc sỹ Trần Tất Toại – tác giả “Buổi sáng trên đồng nội” nổi tiếng – đã từng trầm trồ về năng lực làm việc của Hoàng Vân rằng luôn luôn trong cuốn sổ tay của nhạc sỹ, lúc nào cũng có những nét nhạc chủ đề cho một ca khúc, những nét nhạc dành cho những bản phối khí các tác phẩm của những nhạc sỹ khác và những nét nhạc chủ đề dành cho những tác phẩm nhạc không lời.

Trong cuốn sổ tay của nhạc sỹ, lúc nào cũng có những nét nhạc chủ đề cho một ca khúc, những nét nhạc dành cho những bản phối khí các tác phẩm của những nhạc sỹ khác và những nét nhạc chủ đề dành cho những tác phẩm nhạc không lời. 

Thuở đó, tuy còn niên thiếu, nhưng giai điệu Hoàng Vân đã nhanh chóng thấm vào tâm trí tôi – Nào là “Những cánh buồm” (Thơ Hoàng Trung Thông): “Những cánh buồm như những cánh chim nâu – Bay khắp chân trời ước vọng – Tổ quốc ta nhiều sông nhiều biển – Nhiều con đường góc phố cần lao…”

Nào là “Nhớ” (thơ Nguyễn Đình Thi): “Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh – Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây …” Nào là “Hà Nội – Huế – Sài Gòn” (thơ Lê Nguyên): “Trên đất mẹ nắng hồng như lụa – Trải ngàn năm gắn bó miền hai miền …” Và thật lãng mạn cách mạng là “Bài ca tâm tình người thủy thủ” (thơ Hà Nhật): “Nhổ neo ra khơi đêm nay khi trăng mọc, tài anh sẽ nhổ neo ra khơi …”

,

Dạo ấy, phong trào hát hợp xướng của cả nước rất rầm rộ. Nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập nước, Đài Tiếng nói Việt Nam đã dàn dựng một tổ khúc hợp xướng 3 chương. Chương đầu “Ca ngợi Tổ quốc” do nhạc sỹ Hồ Bắc thực hiện. Chương cuối “Miền Nam anh dũng và bất khuất” do nhạc sĩ Phạm Tuyên thực hiện. Còn chương giữa “Hồi tưởng” do nhạc sỹ Hoàng Vân thực hiện với sự tham gia của dàn hợp xướng thiếu nhi: “Trời cao trong xanh sương sớm long lanh …”

Trong “Hồi tưởng,” có đoạn lĩnh xướng tuyệt hay do ca sỹ Trần Khánh đảm nhiệm: “Tổ quốc đời đời còn ghi nhớ – những năm bốn mươi không bao giờ quên …” Cũng trong hợp xướng này, hành khúc “Cùng nhau đi Hồng binh” của Đinh Nhu đã được Hoàng Vân sử dụng thật điệu nghệ. Rồi lại vẫn Trần Khánh đã chất ngất đến không cùng trong trường ca “Tôi là người thợ lò” như một đỉnh cao âm nhạc đầy tự hào của Hoàng Vân và của thời chống Mỹ.

2. Cuộc chiến tranh chống Mỹ ở miền Bắc là cuộc chiến đấu chống máy bay ném bom phá hoại hậu phương lớn. Đấy cũng là thời kỳ mà âm nhạc Hoàng Vân có một mùa gặt bội thu.

Cuộc chiến tranh chống Mỹ ở miền Bắc là cuộc chiến đấu chống máy bay ném bom phá hoại hậu phương lớn. Đấy cũng là thời kỳ mà âm nhạc Hoàng Vân có một mùa gặt bội thu. 

Vào Quảng Bình, ông có ngay “Quảng Bình quê ta ơi!” mà cho đến nay vẫn là một “Quảng Bình ca” không thể thay thế. Về Hải Phòng, ông viết hợp xướng “Thành phố chúng ta – Nhà máy chúng ta” với nét nhạc chủ đề là tiếng búa của công nhân đóng những đoàn tầu không số chở vũ khí vào miền Nam: “Trên sông Cấm khi sương tan – Đàn cò trắng bay sang sông …”

Lên vùng cao Tây Bắc, ông tuôn chảy như sông Hồng trong “Nổi trống lên! Rừng núi ơi!”: “Ngày mai em vừa tròn hai mươi tuổi – Cô gái vùng cao xinh đẹp vô ngần …” Đến quê lúa Thái Bình, ông lại reo vang “Cô gái Thái Bình” và “Hai chị em.” Đi vào vùng tuyến lửa Khu Bốn, ông lại mô tả những con đường vận tải quanh co, uốn khúc qua “Bài ca giao thông vận tải” bằng nhịp 6/8: “Trên những nẻo đường rực cháy – Qua mấy đêm ngày – Xe anh đã vượt bao sông bao suối – chỉ những con đường mới biết mà thôi …”

Ông đã mạnh dạn đưa cả chất nhạc nhẹ vào “Bài ca sau tay lái”: “Xe ta đi vút nhanh trên đường – Qua bao nhiêu xóm thôn núi non ruộng đồng …” Lúc cần sâu lắng thì sâu lắng, lúc cần thét lên thì thét lên như “Không cho chúng nó thoát,” “Bài ca pháo kích”… đặc biệt là “Tiếng cồng giải phóng – Tiếng cồng chiến thắng” với bí danh Y Na (Y Na – là tên viết tắt từ chữ “Yêu Ngọc Anh” – vợ ông): “Đám cháy rừng đã bốc cao ngùn ngụt, bọn đốt rừng đang bị lửa rừng vây …” và đỉnh điểm là tráng ca đầy chất rock “Chào anh giải phóng quân – Chào mùa xuân đại thắng” qua giọng nữ cao chói chang tự hào của Bích Liên: “Trông lên Trường Sơn – kìa bão đã nổi – Trông ra biển Đông – kìa sóng đang gầm …”

Nhạc sĩ Hoàng Vân bên vợ và con trai, nhạc trưởng Lê Phi Phi (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
Nhạc sĩ Hoàng Vân bên vợ và con trai, nhạc trưởng Lê Phi Phi (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Bỗng nhớ xiết bao những mùa hè xa vắng thuở thiếu niên qua “Mùa hoa phượng nở”: “Tu hú kêu! Tu hú kêu! Hoa gạo đỏ, hoa phượng nở đầy ước mơ hy vọng …” Và thêm yêu xiết bao những thày cô qua “Bài ca người giáo viên nhân dân”: “Tự hào như em người chiến sĩ văn hóa – Lớn lên trong chiếc nôi quê hương Việt Nam – rồi lại chất ngất giọng lĩnh xướng Trần Khánh trong hợp xướng “Vượt núi” vạm vỡ: “Đường qua Trường Sơn – Đường Mã Pì Lèng – Đường qua dốc núi – Khó mấy cũng qua ….”

Âm nhạc Hoàng Vân đúng là Chiến mã đưa biết bao đoàn quân hừng hực đường ra trận. Những chàng trai “Bộ đội cụ Hồ” lòng đầy tự hào, lăn vào lửa khói khi chân dung của họ được Hoàng Vân khắc tạc bằng âm thanh qua “Người chiến sĩ ấy” cũng bay lên bởi giọng hát tuyệt vời của Trần Khánh: “Người chiến sĩ ấy – Ai đã gặp anh – Không thể nào quên …” Bởi vậy, ông thực sự xứng đáng với Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật năm 2000.

 Từ ngày thống nhất đất nước, phong cách luôn tìm đến sự mới mẻ trong ngôn ngữ âm nhạc vẫn đưa Hoàng Vân đến những sáng tạo mới đầy lôi cuốn như “Bài ca xây dựng,” “Tình ca Tây Nguyên,” “Tình yêu Hà Nội”…

Từ ngày thống nhất đất nước, sau khi thực tập âm nhạc ở nhạc viện Sofia (Bulgaria), Hoàng Vân có thời gian để ngẫm ngợi lại những chặng đường đã đi qua những tác phẩm khí nhạc như “Giao hưởng số 1,” tổ khúc hợp xướng về Điện Biên … Nhưng phong cách luôn tìm đến sự mới mẻ trong ngôn ngữ âm nhạc vẫn đưa Hoàng Vân đến những sáng tạo mới đầy lôi cuốn như “Bài ca xây dựng,” “Tình ca Tây Nguyên,” “Tình yêu Hà Nội”…

3. Trong làng nhạc, anh em thường thấy một Hoàng Vân tài năng và lịch lãm, luôn tươi cười giữa nhân quần. Tôi lần đầu tiếp xúc với ông là khi ông nói về nhạc nhẹ thế giới ở Hội văn nghệ Hà Nội sau khi đi Cộng hòa Séc trở về khi Việt Nam bắt đầu mở cửa. Một lối trình giải khúc triết khiến người nghe tiếp thu mà không hoang mang, mà nhận được nhiều đồng cảm.

Hợp xướng Hồi tưởng trong chương trình Giai điệu tự hào

Khi tôi về làm Tạp chí Âm nhạc ở Hội nhạc sỹ Việt Nam, hai anh em có thêm nhiều dịp gặp nhau. Ông lúc nào cũng trìu mến và thân thiện. Sự tự tin luôn ẩn khuất sau những nhận định ngắn gọn. Sang thế kỷ mới, anh em càng thân thiện hơn, nhất là từ khi nhạc trưởng Lê Phi Phi – con trai ông từ Macedonia trở về Việt Nam chỉ huy các chương trình giao hưởng, hợp xướng.

Tôi vinh dự được ông tặng cho một bức thủ pháp viết chữ “Nhã” và ở dưới là một tứ tuyệt trong kinh thi: “Xuân lang thang hương cỏ/ Thương sen xanh vào hè/ Thu nhắp ly rượu cúc/ Đông bay tuyết trắng thơ.” Mới đây thôi, anh em lại gặp nhau tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh Văn Cao. Thấy ông vẫn khỏe, quá mừng. Con chiến mã âm nhạc một thời, giờ ung dung tự tại hưởng nhàn ở tuổi 85. Khi mùa xuân con ngựa Giáp Ngọ 2014 đang tràn ngập cả xứ sở.

Nhưng “nghệ thuật dài lâu – đời người có hạn.” Đến mùa xuân Mậu Tuất 2018, chuyến tầu số phận chở ông đi qua “Phúc-Lộc-Thọ-Khang-Ninh” đã dừng lại vào ngày chủ nhật cuối cùng. Nhạc sỹ Hoàng Vân đã bay theo thời gian lên cõi thiên thai để lại bao tiếc thương và một khoảng trống không thể bù đắp trong làng nhạc Việt Nam./.

Nhạc sĩ Hoàng Vân và các cháu thiếu nhi trong đêm nhạc gia tài âm nhạc đồ sộ của ông (Ảnh: Nguyễn Đình Toán/Vietnam+)
Nhạc sĩ Hoàng Vân và các cháu thiếu nhi trong đêm nhạc gia tài âm nhạc đồ sộ của ông (Ảnh: Nguyễn Đình Toán/Vietnam+)