Hộ kinh doanh lên doanh nghiệp

Lời tòa soạn

Nhiều hộ kinh doanh theo cách truyền thống đã lâu đời, việc đầu tư thêm công nghệ sản xuất, mở rộng mô hình, làm sổ sách kế toán là điều họ không muốn. Nhưng, cũng có những hộ kinh doanh doanh thu cả trăm tỷ đồng vẫn quyết ở lại với mô hình hộ, mặc dù mức doanh thu này có thể gấp cả chục lần doanh nghiệp cỡ nhỏ…

Lý do có thể kể ra vô vàn, nhưng không tránh khỏi trong đó là việc lợi dụng sự thông thoáng của chính sách hiện tại.

Đó là những tâm tư của chính người trong cuộc. Thế nhưng, nhìn tổng thể hơn, giới chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi là cần thiết để tránh tình trạng lợi dụng, mập mờ và xa hơn, đó còn là động lực của toàn xã hội.

Vấn đề là, việc chuyển cả triệu hộ kinh doanh lên doanh nghiệp không phải là việc một sớm một chiều, thậm chí đây là câu chuyện của cả chục năm. Quan trọng hơn, dù là doanh nghiệp hay hộ kinh doanh, điều mà mọi người cần là một môi trường kinh doanh thật sự dễ thở. Khi ấy, có lẽ, các hộ sẽ tự lên doanh nghiệp mà không cần bất cứ lời thuyết phục nào.

Vì sao chưa muốn ‘lớn’

Đóng góp ý kiến cho Dự thảo luật Sửa đổi luật Đầu tư và luật Doanh nghiệp, người đứng đầu Phòng Thương mại và Thương mại Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong nền kinh tế hiện có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể và chiếm đến 30% GDP, song các chính sách chưa đầy đủ vì thế chưa khuyến khích được các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dưới góc độ vi mô, các chủ thể kinh doanh lại có những cái nhìn đơn giản hơn với nhu cầu thiết thực.

Các nhu cầu về hóa đơn đầu ra gần như không có, thêm vào đó việc lấy hàng tại các xưởng sản xuất hay các chợ đầu mối thường không có hóa đơn đầu vào. Thêm vào đó, kinh doanh vốn là “mua may, bán đắt,” thế nên lên công ty là không cần thiết.

Chị Trần Thị Quỳnh, chủ một cửa hàng quần áo trẻ em tương đối lớn tại Hoài Đức, Hà Nội cho biết, hình thức hộ kinh doanh cá thể rất phù hợp với mô hình kinh doanh của gia đình mình.

Chị này lý giải, cửa hàng của chị chủ yếu là bán lẻ các sản phẩm may mặc trực tiếp đến người tiêu dùng. Các nhu cầu về hóa đơn đầu ra gần như không có, thêm vào đó việc lấy hàng tại các xưởng sản xuất hay các chợ đầu mối thường không có hóa đơn đầu vào. Thêm vào đó, kinh doanh vốn là “mua may, bán đắt,” thế nên lên công ty là không cần thiết.

“Hơn nữa, với năng lực và kiến thức của mình, tôi cho rằng hình thức kinh doanh theo hộ hiện tại là rất phù hợp và thuận lợi. Mặc dù có nhân viên bán hàng song họ chỉ hỗ trợ các công việc chân tay và công việc kinh doanh phần lớn tôi vẫn phải đảm nhiệm. Vì vậy, tôi cảm thấy hài lòng với mô hình hiện tại vì nó vừa sức mình, còn nếu mở rộng hơn và phát triển thành doanh nghiệp, điều này là quá tải đối với tôi,” chị Quỳnh trao đổi.

Tương tự, chị Thanh Loan có một xưởng sản xuất bánh quy mô nhỏ tại khu vực quận Hà Đông. Hàng ngày, chị quán xuyến tất cả các khâu từ nhập nguyên liệu, sản xuất bánh, tìm kiếm khách hàng mua buôn và trông coi cửa hàng bán lẻ. May mắn là tất cả các công việc này đã được hỗ trợ bởi một hệ thống phần mềm nên chị Loan cũng không quá tất bật và vẫn có thời gian chăm sóc cho gia đình với hai đứa con đang tuổi đến trường.

Cửa hàng bán lẻ sản phẩm mũ nón ở phố Cầu Gỗ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. (TTXVN)
Cửa hàng bán lẻ sản phẩm mũ nón ở phố Cầu Gỗ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. (TTXVN)

“Vấn đề khó khăn không phải là việc làm sổ sách báo cáo vì công nghệ đã làm cho hết, kinh doanh ngày nào biết lỗ – lãi ngày đó. Nhưng, vì quy mô cửa hàng nhỏ nên nguyên liệu đầu vào chủ yếu mua từ chợ, bà con tiểu thương và người nông dân lấy đâu hóa đơn giao cho mình? Vì vậy, muốn giải trình chi phí đầu vào cũng không dễ thực hiện được nên đối với tôi hình thức thuế khoán là hợp lý,” chị Loan chia sẻ.

Tâm lý “an phận thủ thường” của các chủ hộ kinh doanh cá thể là hoàn toàn hợp lý và dễ hiểu, song trên thực tế để chuyển đổi lên hình thức công ty cũng không phải là không thể.

Đối với trường hợp của bà Nguyễn Thị Thuyết là một ví dụ. Ban đầu chỉ là một hộ kinh doanh sim, thẻ điện thoại di động tại quận Tây Hồ, song do đối tác cung cấp sản phẩm yêu cầu các đại lý phải có pháp nhân doanh nghiệp khiến bà Thuyết phải chuyển đổi mô hình kinh doanh.

Vì chỉ là một người dân lao động bình thường nên khi điều hành công ty với các báo cáo tháng, quý, năm… và cơ quan quản lý lại ở cấp cao hơn đã khiến bà Thuyết thấy áp lực và “rất sợ.”

“Thật sự là phải rất cẩn thận, mỗi khi sai vài số liệu đầu vào là tôi lại mất ăn, mất ngủ. Quy định phạt rất nặng, nhập sai dữ liệu chỉ hai triệu mà có thể phải nộp phạt hàng chục triệu. Kế toán có tiền thuê đâu, tôi mua một hệ thống quản lý phần mềm và nhờ con gái vừa tốt nghiệp đại học hỗ trợ làm các báo cáo thuế,” bà Thuyết kể lại.

Khách du lịch mua cờ các nước trên phố Hàng Bông (Hà Nội). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Khách du lịch mua cờ các nước trên phố Hàng Bông (Hà Nội). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Tuy nhiên, sau hai năm “rèn luyện” với mô hình kinh doanh mới, bà Thuyết lại cho biết, hiện điều hành công ty đã dần “quen tay” và công việc kinh doanh của gia đình đang ngày càng phát triển với các mức doanh thu được gia tăng.

Chia sẻ về điều này, bà Vũ Thanh Hải, Phó chủ tịch Liên hiệp Spa Thẩm mỹ viện Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Spa Thẩm mỹ viện Hà Nội cho biết, thời điểm những năm 90, sau khi mới mở một cửa hàng đồ thể thao, bà Hải nhận thấy mô hình kinh doanh công ty sẽ thuận lợi hơn trong việc phát triển mở rộng khách hàng.

Và, một mình vừa làm, vừa lần mò, mặc dù thời điểm đó là rất vất vả song với bà, “có đi là khắc có tới, hoạt động của công ty sau này dù không phát triển lớn nhưng có nhiều điểm tích cực, như gia tăng sự tin tưởng từ các phía đối tác khi mình làm ăn chuẩn chỉ với pháp nhân tương đồng với họ,” bà Hải nói.

Về phía tổ chức Liên hiệp, bà Hải cũng cho biết, trong ngành làm đẹp, mô hình kinh doanh hộ cá thể đang là phổ biến. Nhiều bạn trẻ sau khi học nghề là ra mở cửa hàng, trong số đó có nhiều người thành công với tay nghề tốt, tuy nhiên việc chăm sóc khách hàng, quản lý nhân sự, trách nhiệm cộng đồng hay mở rộng hợp tác quốc tế còn hạn chế.

Tâm lý “an phận thủ thường” của các chủ hộ kinh doanh cá thể là hoàn toàn hợp lý và dễ hiểu, song trên thực tế để chuyển đổi lên hình thức công ty cũng không phải là không thể.

“Liên hiệp rất quan tâm đến vấn đề này và tới đây sẽ triển khai nhiều hoạt động khuyến khích các hộ kinh doanh có quy mô đã phát triển chuyển đồi dần lên mô hình doanh nghiệp, thông qua các việc làm cụ thể như: tuyên truyền dưới các hình thức hội thảo, kết nối hợp tác kinh doanh trong và ngoài nước, tư vấn cho các thành viên tiếp cận các công nghệ phần mềm trong quản lý danh mục sản phẩm, hẹn giờ cung cấp dịch vụ, theo dõi, chăm sóc khách hàng đến từng cá nhân, quản lý nhân sự và hạch toán kế toán, hóa đơn điện tử… Bởi, lĩnh vực spa và thẩm mỹ có đặc thù ngành nghề không chỉ đòi hỏi năng lực chuyên môn tốt, cập nhật công nghệ hiện đại mà nó còn đỏi hỏi phải có chất lượng dịch vụ hoàn hảo,” bà Hải nhấn mạnh./.

Phố Hàng Bông, Hà Nội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Phố Hàng Bông, Hà Nội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Xóa bỏ sự mập mờ

có thể mất cả chục năm?

Việc chuyển hộ lên doanh nghiệp theo giới chuyên gia là cần thiết để chuẩn hóa và tránh tình trạng lợi dụng hiện tại. Tuy nhiên, vấn đề là chuyển 100% hộ kinh doanh lên doanh nghiệp ngay là điều khó thực hiện được.

Bất bình đẳng, mập mờ?

Nói về hộ kinh doanh, trong nghiên cứu “Kinh tế tư nhân Việt Nam: Năng suất và thịnh vượng,”chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho rằng, hộ kinh doanh là một hình thức được đặc biệt ưa thích để bắt đầu một khởi sự kinh doanh, đặc biệt là cho đối với những cá nhân tìm cách khởi sự kinh doanh để mưu sinh và kiếm sống.

Theo ông, hộ kinh doanh được ưa thích một phần vì có thể được đăng ký dễ dàng với thủ tục vô cùng đơn giản và có thể đăng ký ngay tại cơ quan chính quyền cấp huyện, thành phố.

Ngoài ra, hộ kinh doanh không bị ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định và yêu cầu về bảo hiểm xã hội, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, môi trường, phòng cháy chữa cháy.

Tuy nhiên, chính điều này đã khiến nhiều hộ kinh doanh phản đối và né tránh đăng ký thành doanh nghiệp. Việc này nhằm tiếp tục hưởng lợi từ các quy định đơn giản và không chặt về thuế đang được áp dụng đối với khu vực hộ kinh doanh, nhằm tránh thực thi đầy đủ các quy định về an toàn lao động, về an sinh xã hội, về yêu cầu về báo cáo tài chính và thuế.

Khung cảnh mua bán tấp nập nhiều khu chợ ở Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Khung cảnh mua bán tấp nập nhiều khu chợ ở Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Nhiều hộ kinh doanh đang lợi dụng sự thiếu rõ ràng từ những ưu đãi, lợi thế dành cho khu vực này,” ông Bình lên tiếng.

Bày tỏ quan điểm của mình, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico cho rằng, việc chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp là điều cần thiết để chuẩn hoá về bản chất là những đơn vị kinh doanh chuyên nghiệp và đúng với địa vị pháp lý của các chủ thể kinh doanh.

Về lâu dài, điều này nhằm xoá bỏ sự quá khác biệt giữa hai khu vực kinh doanh, sự bất bình đẳng lớn giữa các loại hình kinh doanh về lao động, hoá đơn, kế toán, nộp thuế.

“Hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh được sinh ra để lấp chỗ trống thời kỳ cấm doanh nghiệp tư nhân nay đã hết vai trò. Duy trì hộ kinh doanh bên cạnh các loại hình doanh nghiệp là một sự bất bình đẳng, một sự mập mờ pháp lý,” ông bày tỏ.

Nói thêm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Bình (Học Viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho rằng đây là điều tốt bởi thực tế một số hộ hiện tại có quy mô lớn hơn nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Nhiều hộ kinh doanh đang lợi dụng sự thiếu rõ ràng từ những ưu đãi, lợi thế dành cho khu vực này,” ông Bình lên tiếng.

Phố cổ Hà Nội tấp nập vào tối cuối tuần. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Phố cổ Hà Nội tấp nập vào tối cuối tuần. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

“Nên đưa các hộ vào chuẩn mực để Nhà nước quản lý về thuế, để họ hoạt động theo loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ phát triển. Điều này lợi cho cả Nhà nước và doanh nghiệp,” ông Bình nói.

Còn với chuyên gia kinh tế Cao Sĩ Kiêm, nhiều người sản xuất không có nhu cầu lên doanh nghiệp vì họ đã thỏa mãn với thực tại. Tuy nhiên, ông cảnh báo, khi xã hội tiến lên, hàng hóa đòi hỏi chất lượng cao hơn, phải dùng tiến bộ kỹ thuật thì những hộ như vậy dễ bị đào thải.

Theo ông, việc lên doanh nghiệp hay không dừng lại ở mong muốn nhỏ của các hộ mà đó là việc phải làm để Việt Nam có thêm động lực phát triển và hội nhập.

Chuyển đổi ngay 100% là không khả thi

Khẳng định chính sách khuyến khích hộ lên doanh nghiệp là đúng nhưng chuyên gia Nguyễn Thanh Bình cho rằng, thực hiện điều này không thể thông qua các mệnh lệnh hành chính.

Việc cưỡng bức hộ lên doanh nghiệp theo ông là khó và thậm chí là sai với pháp luật bởi cá nhân được quyền làm ăn sinh sống. Thậm chí việc cưỡng bức hộ kinh doanh thành doanh nghiệp có thể gây hậu quả là biến tướng thành các hình thức khác.

“Thậm chí người ta không làm hộ kinh doanh mà là cá nhân kinh doanh và không ai cấm được điều này bởi đó là quyền cơ bản của con người,” ông Bình cảnh báo.

Còn với luật sư Trương Thanh Đức thì Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 đã có quy định, hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu (khoảng 400.000 đồng). Điều này cho thấy Nhà nước mong muốn và cổ vũ cho quá trình chuyển đổi này.

Cô Trần Thị Thúy Loan, một tiểu thương trên phố Gia Ngư, Hà Nội.
Cô Trần Thị Thúy Loan, một tiểu thương trên phố Gia Ngư, Hà Nội.

Việc chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp tuy là điều cần thiết nhưng trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải đương đầu với những thủ tục hành chính…

Tuy nhiên, ông chỉ ra, hiện nay, chỉ số gia nhập thị trường của Việt Nam xếp hạng thứ 106 và tiêu tốn 20 ngày theo Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2019 (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới. Đây là mức xếp hạng theo ông là khá kém cỏi và không thay đổi trong nhiều năm.

Việc chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp tuy là điều cần thiết tuy nhiên trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn đang phải đương đầu với những thủ tục hành chính, theo luật sư Đức, thì việc chuyển đổi ngay là điều không khả thi.

Để thực hiện, vị luật sư cho rằng, quá trình này sẽ phải kèm theo nhiều điều kiện theo hướng cơ bản chấp nhận thực trạng, bảo đảm không gây biến động lớn và có lộ trình đưa dần hộ kinh doanh vào quỹ đạo doanh nghiệp trong khoảng 5 – 10 năm./.

‘Mấu chốt là doanh nghiệp siêu nhỏ được dễ thở’

“Muốn khuyến khích hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, điều quan trọng là phải có môi trường thuận lợi, tin cậy và hấp dẫn.”

Thêm ưu đãi, hộ sẽ tự lên doanh nghiệp

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico đã chia sẻ như vậy khi nói về những giải pháp để khuyến khích hộ lên doanh nghiệp.

“Chúng ta cần kiến tạo một môi trường thuận lợi, dọn dẹp những trở ngại sao cho ngôi nhà doanh nghiệp thông thoáng, tin cậy và hấp dẫn hơn, để các hộ kinh doanh không còn băn khoăn về việc chuyển thành doanh nghiệp,” ông Đức nói.

Theo luật sư Đức, vấn đề mấu chốt là phải làm sao cho các doanh nghiệp siêu nhỏ được dễ thở như hộ kinh doanh.

Góp ý cụ thể hơn, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Bình cho rằng, vấn đề quan trọng là vận động để các hộ thấy được cái lợi. Ngoài ra, phải có chính sách để nếu hộ gia đình lên doanh nghiệp sẽ có ưu đãi nhất định.

Cơ sở in áo của anh Trương Thanh Đức trên phố Hàng Bông in hơn 300 áo mỗi ngày. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Cơ sở in áo của anh Trương Thanh Đức trên phố Hàng Bông in hơn 300 áo mỗi ngày. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

“Ví dụ cho phép các hộ sử dụng lao động quy mô nhỏ, chỉ 3-5 người được phép đóng một khoản bảo hiểm hoặc thuế vãng lai, để tránh chi phí tốn kém,” ông Bình lên tiếng.

Về phần mình, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình bày tỏ, nguyên tắc số một và mang tính tiên quyết trong quá trình trên là phải đảm bảo rằng các gánh nặng về chí phí tuân thủ, gánh nặng về pháp lý, về thuế áp dụng đối với các doanh nghiệp cá thể, doanh nghiệp một chủ sẽ không cao hơn nhiều, thậm chí phải ngang bằng, so với mức của các hộ kinh doanh hiện nay.

Ông đề xuất cần rà soát và điều chỉnh các văn bản pháp luật có liên quan nhằm đảm bảo chi phí tuân thủ các quy định pháp luật và chi phí tuân thủ về thuế, nộp thuế với doanh nghiệp ở mức thấp.

Phân nhóm, tạo sân chơi công bằng

Điều quan trọng không kém theo ông Lê Duy Bình là làm sao đảm bảo tính hấp dẫn của loại hình doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp cá thể/doanh nghiệp một chủ).

Thậm chí, theo vị này, trong thời gian đầu áp dụng (có thể là 5 năm và có thể coi là giai đoạn chuyển đổi), các doanh nghiệp cá thể/một chủ có thể được áp dụng mức thuế khoán giống như các hộ kinh doanh hiện nay.

Trong thời gian này, các quy định về thuế sẽ được điều chỉnh để các doanh nghiệp một chủ sẽ áp dụng hình thức khai thuế đơn giản, dễ thực hiện và không khiến cho mức nộp thuế của các hộ kinh doanh tăng quá cao.

Dẫn kinh nghiệm tại một số quốc gia khác, theo ông Lê Duy Bình, chủ doanh nghiệp cá thể, doanh nghiệp một chủ có thể sẽ tuân thủ các quy định về thuế theo luật thuế thu nhập cá nhân. Các chủ doanh nghiệp một chủ cũng có thể thực hiện hình thức khai thuế hàng năm giống như đối với một cá nhân.

Khách tham quan triển lãm tơ lụa Việt Nam. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Khách tham quan triển lãm tơ lụa Việt Nam. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

“Chính sách muốn đi vào cuộc sống phải cụ thể hóa để sát từng đối tượng…” 

Điều này có thể giảm bớt rất nhiều về các quy định về chế độ báo cáo tài chính, báo cáo thuế, tần suất nộp báo cáo.

Trong khi ấy, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, về nguyên tắc, không được ép buộc hộ lên doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo vị này cơ quan chức năng đang xây dựng thêm chính sách để thúc đẩy các hộ lên doanh nghiệp và trong đó có tính tới việc phân loại với hộ kinh doanh thành nhóm lớn và nhỏ.

Với nhóm lớn, chính sách áp dụng có thể sẽ tương đương với doanh nghiệp, đảm bảo, “họ chơi ở sân doanh nghiệp hay hộ cũng được ứng xử như nhau, không được ưu ái như hộ.”

Chuyên gia kinh tế Cao Sĩ Kiêm bày tỏ đồng tình với cách làm này. Theo ông, điểm xuất phát của các hộ khác nhau, có đối tượng có thể tiến lên doanh nghiệp được ngay nhưng có hộ thì chưa.

“Chính sách muốn đi vào cuộc sống phải cụ thể hóa để sát từng đối tượng,” ông bày tỏ./.