Hiến tạng

ttxvnghepg-1580809040-83.jpg

Việc cô bé 7 tuổi Nguyễn Hải An hay Thiếu tá Lê Hải Ninh và những con người thầm lặng khác đã tự nguyện hiến tặng một phần cơ thể sau khi qua đời để thêm nhiều cuộc đời khác được hồi sinh, đã trở thành câu chuyện đẹp, thấm đẫm tính nhân văn cao cả.

Người Việt Nam bao đời vẫn muốn “chết toàn thây,” không chấp nhận bản thân mình chết đi với cơ thể không còn vẹn nguyên. Song trong những năm gần đây, đã xuất hiện những con người dũng cảm vượt qua quan niệm ấy và trước khi nhắm mắt xuôi tay, họ kịp để lại cho đời món quà quý giá: món quà của sự sống.

Tâm nguyện cuối cùng

Những ngày cuối năm, dù phố phường tấp nập người mua sắm Tết thì căn nhà nhỏ của anh Nguyễn Đặng Tuấn nằm trong hẻm 30A Lưu Hữu Phước (phường 15, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) vẫn đóng cửa im lìm.

Kể từ ngày chị Nguyễn Thị Mai Thy (vợ anh Tuấn) ra đi vì ung thư buồng trứng, căn nhà quạnh quẽ hẳn bởi thiếu vắng bàn tay người phụ nữ.

Tiếp đoàn tri ân của Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy) và Ngân hàng Mắt Thành phố Hồ Chí Minh, anh Tuấn nghẹn ngào kể lại giây phút cuối đời của người vợ: “Lúc hay tin mình mắc bệnh, Thy đã đăng ký hiến tạng nhưng do căn bệnh quái ác đã phá hết nội tạng nên các bác sỹ chỉ nhận được hai giác mạc. Trước giờ phút lâm chung, khi được nhắc đến việc hiến tạng, dù chỉ còn chút hơi tàn nhưng Thy đã cố ngồi dậy, gật đầu rồi mới chịu nhắm mắt xuôi tay.”

Trước nguyện vọng cuối cùng của chị Mai Thy, gia đình đã ngay lập tức gọi điện cho Bệnh viện Chợ Rẫy và Ngân hàng Mắt Thành phố Hồ Chí Minh để các bác sỹ đến lấy giác mạc.

Các bác sỹ thực hiện ghép giác mạc cho bệnh nhân. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Các bác sỹ thực hiện ghép giác mạc cho bệnh nhân. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Ông Phan Đệ, Chánh Văn phòng Ngân hàng Mắt Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết giác mạc của chị  Mai Thy đã được ghép cho hai người đàn ông, một người ở Hà Tĩnh và một người ở Đồng Nai.

“Hai giác mạc của chị Thy đã được ghép thành công cho hai trụ cột chính của hai gia đình khác. Nhờ chị Thy mà hy vọng đã được thắp lên trong các gia đình nhỏ này,” ông Đệ xúc động nói.

Với nghĩa cử cao đẹp này, chị Nguyễn Thị Mai Thy đã được Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân. Nhận tấm bảng ghi danh vợ mình, anh Nguyễn Đặng Tuấn rưng rưng: “Tôi sẽ cất giữ thật kỹ kỷ vật này để khi lớn lên các con tôi sẽ nhìn thấy và tự hào về mẹ của chúng. Lúc còn sống, vợ tôi không có điều kiện giúp đỡ người khác nhưng đến lúc ra đi, em đã kịp để lại món quà quý giá cho người khác và cho cả gia đình tôi.”

Chia tay gia đình anh Nguyễn Đặng Tuấn, chuyến xe tri ân đưa chúng tôi đến với gia đình anh Trần Bá Trình, trú tại ấp 3 (xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai). Thắp nén nhang tri ân chị Nguyễn Thị Thảo (vợ anh Trình), người đã mất vì ung thư trực tràng vào tháng 6/2019, thạc sỹ Lê Minh Hiển, Phó trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy), cho biết trước khi chết, chị Thảo có nguyện vọng hiến toàn bộ tạng của mình cho người khác.

Thảo dặn tôi lúc em mất, nếu gia đình không nhớ thì tôi có trách nhiệm gọi bệnh viện xuống lấy tạng cho kịp. Cơ thể Thảo gầy sọp nhưng riêng đôi mắt vẫn còn rất sáng

“Trước khi nhắm mắt một ngày, như có linh tính, Thảo dặn tôi rằng nếu em có mệnh hệ gì thì nhất định phải gọi cho bệnh viện đến lấy tạng. Ngày hôm sau Thảo đi, chúng tôi đã làm đúng như nguyện vọng của em,” anh Trần Bá Trình chia sẻ.

Chị Cao Thị Hồng Ánh, hàng xóm của chị Thảo, kể lại những ngày cuối đời, dù phải sống trong đớn đau bệnh tật nhưng chị Thảo vẫn đau đáu với nguyện vọng hiến tạng. Thậm chí, có đôi lúc đau đớn quá, chị muốn uống nhiều thuốc an thần để đi vào giấc ngủ vĩnh viễn nhưng sợ bệnh viện không lấy được tạng nên chị Thảo đành cắn răng chiến đấu với bệnh tật.

“Thảo dặn tôi lúc em mất, nếu gia đình không nhớ thì tôi có trách nhiệm gọi bệnh viện xuống lấy tạng cho kịp. Cơ thể Thảo gầy sọp nhưng riêng đôi mắt vẫn còn rất sáng, Thảo luôn tự hào về đôi mắt sáng của mình,” chị Ánh cho biết.

Sau khi chị Thảo qua đời, các bác sỹ đã đến nhà lấy được hai giác mạc và ghép cho hai người bị mù.

Hồi sinh sự sống

Trên đây là hai trường hợp trong hàng trăm ca hiến tạng cứu người được các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.

Theo thống kê của Đơn vị điều phối ghép tạng, tính đến tháng 12/2019, Bệnh viện Chợ Rẫy đã ghép thận thành công cho 862 trường hợp, trong đó nhận thận từ người cho sống là 811 trường hợp, có 51 ca ghép nhận từ người cho chết não hoặc ngừng tim. Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 34 người hiến tạng chết não, 13 người hiến tạng ngừng tim. Từ mỗi một trường hợp chết não, ngừng tim hiến tạng, ít nhất có từ 2-6 cuộc đời được cứu sống.

Tạng của những người chết não, ngừng tim hiến tặng đang hồi sinh mạnh mẽ trong những cuộc đời mới. Năm 2015, chị Hồ Liễu Hương (trú tại tỉnh Bình Thuận) phát hiện bị suy tim. Kể từ đó, chị ra vào bệnh viện như cơm bữa. Dù đã phải đặt máy tạo nhịp tim nhưng sức khỏe của chị Hương mỗi ngày một yếu dần.

Tháng 4/2018, niềm vui đến với chị khi Bệnh viện Chợ Rẫy thông báo chị sẽ được ghép tim từ một người chết. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên gần như toàn bộ chi phí ghép tim của chị Hương được các nhà hảo tâm hỗ trợ. Gần ba tháng sau, chị Hương xuất viện về nhà với trái tim khỏe mạnh.  

Đã hai cái Tết trôi qua kể từ ngày được ghép tim, căn nhà nhỏ của chị Hương vì thế cũng trở nên ấm cúng hơn.

“Sức khỏe của vợ tôi đã tốt hơn, có thể bán buôn lặt vặt để kiếm đồng ra đồng vào, không còn phải thường xuyên vào bệnh viện cấp cứu như trước,” anh Lê Quốc Dũng, chồng chị Hương, tâm sự.

Thực hiện ghép tạng. (Nguồn: TTXVN)
Thực hiện ghép tạng. (Nguồn: TTXVN)

Theo anh Dũng, nếu không có món quà vô cùng quý báu từ người hiến tạng, nếu không có các bác sỹ tận tụy, không có sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, có lẽ vợ anh chỉ còn chút hơi tàn và gia đình anh rơi vào trạng thái cùng cực.  

Chàng thanh niên Trịnh Đình Đạt (trú tại tỉnh Long An) đến tận bây giờ vẫn chưa hết bàng hoàng khi những tưởng tương lai đã sập cửa trước mặt. 27 tuổi, Đạt rơi vào tình trạng bi quan, chán nản khi bị phát hiện mắc bệnh suy tim giai đoạn cuối. Thế nhưng, giấc mơ cổ tích đã xuất hiện trong đời thực.

Tháng 5/2017, tức sau một năm sau khi bị phát hiện mắc bệnh, Đạt nhận được món quà quý giá là trái tim của một cô gái chết não vì tai nạn giao thông. Tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, Đạt ngỡ ngàng khi cảm nhận thấy một trái tim khác hoàn toàn khỏe mạnh, đập trong lồng ngực mình.

Sau khi sức khỏe bình phục, Đạt tìm được một công việc để nuôi sống mình và quay trở lại cuộc sống đời thường. Đạt có thể tập lại môn lại thể thao mà mình yêu thích và theo đuổi những niềm đam mê khác.

“Đến bây giờ tôi vẫn chưa biết người hiến trái tim cho mình là ai nhưng cứ đến ngày phẫu thuật ghép tim năm đó, tôi và gia đình đều làm mâm cơm cúng để tỏ lòng biết ơn người đã cho tôi cuộc sống mới,” Đạt chia sẻ.

Đạt cũng chia sẻ về ý định lập quỹ riêng nho nhỏ từ khoản thu nhập hàng tháng của mình để giúp những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch có hoàn cảnh khó khăn như một cách trả ơn cuộc đời.

Nỗi oan người hiến tạng

Hiến tạng người thân của mình để cứu người bệnh là hành động mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Thế nhưng, nghĩa cử ấy đang bị không ít người hiểu nhầm là bán tạng người thân lấy tiền. Nỗi oan này một lần nữa như “xát muối vào lòng” những người vốn đã đau đớn vì mất đi người ruột thịt.

Những nỗi oan “kêu trời, trời chẳng thấu”

Bà Nguyễn Hồng Son (62 tuổi, trú tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) – người đã hiến hai quả thận của người con trai Trần Quốc Tiến khi anh qua đời tại Bệnh viện Chợ Rẫy, đã phải mất 3 năm trời chống chọi với tin đồn bán tạng con để lấy tiền.

Khi con trai bà rơi vào tình trạng chết não, không thể cứu được, các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy đã gợi ý bà hiến tạng con mình. Sau một ngày suy nghĩ, bà Son đồng ý hiến tạng. Tuy nhiên, việc làm của bà gây chấn động làng quê nghèo Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) ngày ấy. Người ta xì xào, bàn tán rằng bà Son bán nội tạng con trai để lấy tiền. Khi bà đưa thi thể con trai về quê, một số người nhà ngăn cản, bà buộc phải tổ chức đám tang cho con trong đêm ở ngoài đồng. Sau đám tang, những lời ra tiếng vào thêm một lần nữa như xát muối vào lòng người mẹ.

Quá sợ hãi dư luận ác nghiệt, trong ba năm, bà Son phải chuyển nhà mấy lần và cuối cùng dừng lại ở vùng đất Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Mãi đến năm 2015, khi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao tặng bà Son kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” thì nỗi oan của bà mới được gột rửa.

Tương tự, dù đã gần ba cái Tết trôi qua nhưng nỗi đau mất chồng cũng như “tiếng oan” bán tạng chồng vẫn chưa nguôi ngoai trong lòng bà Nguyễn Thị Ngọc Yến (trú tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Sau một vụ tai nạn, ông Kim Hòa Na (chồng bà Yến) hôn mê  và được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến khi biết ông Na không còn hy vọng sống, các bác sỹ thuyết phục bà Yến hiến tạng chồng để cứu người.

Bà Yến kể trong nước mắt: “Người ta đồn tôi bán tạng chồng lấy tiền tỷ, gia đình chồng cũng trách móc tôi, nhiều người nói tôi tham tiền”

“Lúc đầu tôi không đồng ý đâu vì vẫn muốn ông ấy ra đi nguyên vẹn. Nhưng khi nghe các bác sỹ nói tạng chồng tôi có thể cứu được nhiều người, tôi và các con mình đã đồng ý,” bà Yến nhớ lại thời khắc quyết định hiến tạng chồng.

Ngày đưa thi thể của chồng về nhà lo tang lễ, bà Yến đối mặt với sự nghi ngờ của gia đình chồng và chòm xóm xung quanh.  

Bà Yến kể trong nước mắt: “Người ta đồn tôi bán tạng chồng lấy tiền tỷ, gia đình chồng cũng trách móc tôi, nhiều người nói tôi tham tiền.” Nỗi đau mất chồng cùng với những lời đàm tiếu của dư luận khiến bà Yến kiệt quệ. Bà Yến rơi vào tình trạng trầm cảm, khép mình lại, ít khi tiếp xúc với ai.

Sau này, khi mọi thứ đã dần nguôi ngoai, bà tự động viên mình rằng việc hiến tạng của ông để cứu người là một cách thay ông làm phúc bởi “cứu một mạng người còn hơn xây bảy ngôi chùa.”  

Cán bộ y tế chăm sóc bệnh nhân nam 49 tuổi sau ghép gan từ kỹ thuật chia gan. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Cán bộ y tế chăm sóc bệnh nhân nam 49 tuổi sau ghép gan từ kỹ thuật chia gan. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Từ những nỗi oan “kêu trời, trời chẳng thấu” của những người trong cuộc, thạc sỹ Lê Minh Hiển, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Phó trưởng Đơn vị ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy), cho biết: “Trong giai đoạn từ năm 2016 trở về trước, việc vận động hiến tạng nhân đạo gặp nhiều khó khăn do người dân vẫn còn lạ lẫm. Bên cạnh đó, sau khi hiến tạng người thân một số gia đình rơi vào tình trạng bị họ hàng, dư luận nghi ngờ bán tạng để lấy số tiền lớn khiến cho họ rơi vào khủng hoảng tâm lý. Nhiều gia đình đã tìm đến chúng tôi và chia sẻ những câu chuyện bị hiểu nhầm rất đau lòng. Làm sao để gia đình người hiến tạng nhận được cái nhìn thấu hiểu, cảm thông của cộng đồng là điều trăn trở của chúng tôi.”

Những chuyến xe “giải oan”

Tiến sỹ, bác sỹ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy) đã chứng kiến nhiều sự việc đau lòng “hậu hiến tạng.” Và chính chị đã nghĩ ra phương án đến trực tiếp gia đình người hiến để giải nỗi oan cho họ.

Theo chân Đơn vị điều phối ghép tạng, chúng tôi đến tỉnh Đắk Lắk – nơi có một gia đình người hiến tạng vẫn đang mang nỗi hàm oan.

Tiếp đoàn, ông Hà Minh Tâm (người quyết định hiến tạng con trai Hà Minh Nhật) để cứu người vào tháng 12/2018 tâm sự: “Quyết định hiến đi một phần thân thể của con sau khi con mất, chúng tôi cứ nghĩ mình làm việc thiện giúp người. Không ngờ, khi nỗi đau mất con chưa nguôi thì chúng tôi phải gánh thêm những lời cay nghiệt của người đời. Họ nói tôi bán tạng của con để lấy tiền nhưng nếu bán tạng để lấy tiền sao tôi phải sống khổ sở như thế này?”

Quả thực, một năm sau khi con trai qua đời, gia đình ông Tâm vẫn phải sống trong căn nhà xập xệ, tài sản không có gì đáng giá. Bản thân ông và người con trai khác phải đi làm thuê tại một tỉnh miền Tây Nam Bộ, lâu lâu mới được về thăm gia đình.

Không chịu nổi những lời nói ác ý, gia đình đành cầu cứu Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy) – những người đã vận động họ hiến tạng cứu người.

Những lời khẩn cầu tha thiết của gia đình ông Hà Minh Tâm đã được tiến sỹ, bác sỹ Dư Thị Ngọc Thu đáp ứng. Gác lại những bộn bề của công việc tại bệnh viện, đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy đến với gia đình ông Tâm vào dịp giỗ đầu của chàng trai trẻ Hà Minh Nhật.

Ngậm ngùi thắp nén hương thơm cho Nhật, bác sỹ Dư Thị Ngọc Thu hứa trước vong linh của người đã khuất rằng chị sẽ tìm mọi cách để giải tiếng oan cho gia đình em. Ngay sau đó, chị và đoàn công tác đã đến Ủy ban Nhân dân thị trấn Ea Knốp (huyện Ea Kar) để nhờ địa phương quan tâm, chăm lo hơn đến gia đình người hiến tạng cũng như trực tiếp gặp người dân nhằm giải tỏa những nghi ngờ.

Câu chuyện về nỗi oan bán tạng người thân của gia đình ông Tâm cũng là vấn đề chung mà nhiều gia đình người hiến tạng đang gặp phải.

Trong 5 năm qua, các “chuyến xe giải oan” của Bệnh viện Chợ Rẫy đã giúp hóa giải nhiều trường hợp tương tự ở Đồng Nai, Củ Chi, Trà Vinh…

Gắn bó với công tác điều phối hiến tạng nhiều năm qua, bác sỹ Dư Thị Ngọc Thu vô cùng trăn trở với tình trạng này. Vì thế, cứ mỗi lần nghe thông tin ở đâu có người bị mang tiếng oan, chị và các cộng sự lại lên đường để giải oan. Trong 5 năm qua, các “chuyến xe giải oan” của Bệnh viện Chợ Rẫy đã giúp hóa giải nhiều trường hợp tương tự ở Đồng Nai, Củ Chi, Trà Vinh…

“Những gia đình này xứng đáng được vinh danh, được cộng đồng tôn trọng với nghĩa cử cứu người cao đẹp chứ không phải chịu cảnh đớn đau giằng xé như thế. Trách nhiệm của người điều phối chúng tôi là phải chăm sóc về tinh thần cho gia đình người hiến tạng. Tuy nhiên, đôi khi chúng tôi vẫn chịu cảnh “lực bất tòng tâm” vì có những gia đình hiến tạng ở rất xa. Sau này, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương cùng chung tay động viên, bảo vệ họ trước những tin đồn thất thiệt, có như thế mới khiến người đã khuất yên lòng và lan tỏa được phong trào hiến tạng mạnh mẽ trong xã hội,” tiến sỹ, bác sỹ Dư Thị Ngọc Thu chia sẻ.

Nhiều người hưởng ứng đăng ký hiến tặng mô, tạng tại Bệnh viện Trung ương Huế. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)
Nhiều người hưởng ứng đăng ký hiến tặng mô, tạng tại Bệnh viện Trung ương Huế. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Cho đi là còn mãi

Cách đây hai năm, câu chuyện bé Nguyễn Hải An (7 tuổi, trú tại Hà Nội) đăng ký hiến giác mạc sau khi qua đời như một đốm lửa nhỏ phát đi thông điệp “Hãy hiến tạng cứu người.” Từ đó, phong trào “cho đi là còn mãi” cũng trở thành làn sóng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Khi các em học sinh “gieo mầm thiện”

Tháng 11/2019, một buổi báo cáo đặc biệt đã diễn ra tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Đó là buổi báo cáo nghiên cứu khoa học với chủ đề “Lan tỏa và thay đổi nhận thức về việc hiến tặng mô tạng ở học sinh trung học phổ thông” của hai học sinh Phạm Hùng và Đinh Hữu Thiên Phúc, học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du. Lần đầu tiên tại một trường học đã có học sinh nghiên cứu về việc hiến tạng cứu người.

Phạm Hùng, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, chia sẻ: “Cách đây một năm, những thông tin về việc cô bé Hải An, 7 tuổi, hiến giác mạc để giúp cho hai người khác được sáng mắt đã để lại ấn tượng mạnh trong em. Từ đó, em bắt bắt đầu tìm hiểu về vấn đề hiến tạng trong cộng đồng.”

“Càng tìm hiểu, em càng thấy nhiều câu chuyện hiến tạng cứu người có sức lan tỏa lớn, thế là em nghĩ đến làm một nghiên cứu nhỏ, khảo sát tại ba trường học trên địa bàn để tìm hiểu và giúp thay đổi nhận thức của các bạn học sinh khác.”

Bé Nguyễn Hải An.
Bé Nguyễn Hải An.

Đề tài nghiên cứu khoa học đã thành công khi nhiều học sinh, giáo viên, thậm chí cả phụ huynh học sinh, đã bắt đầu thay đổi nhận thức, cởi mở hơn và sẵn sàng hiến tạng cứu người sau khi qua đời. Những hạt mầm nhân văn đã được gieo trên mảnh đất đỏ Bà Rịa-Vũng Tàu. Từ đề tài nghiên cứu của hai học sinh, 20 thầy cô giáo và hai phụ huynh của Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du đã cùng đăng ký hiến tạng cứu người.

Có mặt tại buổi báo cáo nghiên cứu khoa học và trao thẻ đăng ký hiến tạng, bác sỹ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy) xúc động chia sẻ, đây là lần đầu tiên chị tham gia hoạt động ý nghĩa như thế tại một trường học. Với cán bộ điều phối ghép các bộ phận cơ thể người thì niềm vui sướng nhất là đã có sự chuyển biến trong nhận thức của cộng đồng về vấn đề hiến tạng.

Cũng theo bác sỹ Thu, ở các nước phát triển, trẻ em dưới 18 tuổi được phép hiến tạng nhưng ở Việt Nam, luật quy định chỉ chấp nhận cho người 18 tuổi trở lên hiến tạng. Đây là một trong những rào cản khiến cho việc hiến tạng cứu người bị bó hẹp.

“Chúng tôi từng nghĩ rằng phải trong một tương lai rất dài mới có thể thực hiện được việc thay đổi nhận thức của cộng đồng về vấn đề hiến tạng, thế nhưng không ngờ rằng ngay cả các em học sinh ở lứa tuổi còn nhỏ cũng đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề này. Như vậy, chúng ta có thể hy vọng trong tương lai không xa, phong trào hiến tạng cứu người sẽ trở nên phổ biến,” bác sỹ Thu chia sẻ.

Việt Nam hiện có khoảng 10.000 người suy gan, thận cần ghép tạng thay thế, khoảng 300.000 người mắc bệnh lý giác mạc và hàng ngàn người mắc bệnh suy tim

Hưởng ứng tinh thần “gieo mầm thiện” của hai học sinh, trong thời gian qua, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du đã tổ chức các cuộc thi kể chuyện, hùng biện, kịch hóa những nhân vật điển hình, lan tỏa trong cộng đồng mạng qua các video, kênh Youtube với nhan đề “Nghĩa cử cao đẹp của Thiếu tá Lê Hải Ninh và gia đình,” “Lan tỏa việc hiến tặng mô tạng”… Những hoạt động này đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ thầy cô, học sinh.

Lan tỏa phong trào hiến tạng

Thống kê cho thấy tại Việt Nam hiện có khoảng 10.000 người suy gan, thận cần ghép tạng thay thế, khoảng 300.000 người mắc bệnh lý giác mạc và hàng ngàn người mắc bệnh suy tim. Thế nhưng, khó khăn nhất hiện nay vẫn là thiếu nguồn tạng để ghép, vì thế rất nhiều người bệnh đang phải vật lộn duy trì sự sống từng ngày, chờ đợi từng phút để được ghép tạng.

Hiến tặng mô tạng sau khi qua đời không còn là điều xa lạ trên thế giới nhưng tại Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ. Những năm 2007-2008, việc hiến giác mạc sau khi qua đời xuất phát từ một số người dân xã Cồn Thoi (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) đã là những mồi lửa nhỏ cho phong trào này.

Từ năm 2015 trở về sau, những trường hợp hiến tạng như bé Nguyễn Hải An, Thiếu tá Nguyễn Hải Ninh… đã tạo nên “cơn địa chấn” trong cộng đồng. Từ đó, phong trào hiến tạng bắt đầu được nhiều người biết đến và hưởng ứng.

Một ca ghép gan thành công ở trẻ em. (Nguồn: TTXVN)
Một ca ghép gan thành công ở trẻ em. (Nguồn: TTXVN)

Tại tỉnh Ninh Bình, địa phương đầu tiên có phong trào hiến tặng giác mạc rộng khắp, đã có trên 15.000 đơn đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời, trong đó đã có 235 người hiến giác mạc và hai người hiến tạng đem lại ánh sáng, sự sống cho hàng trăm người bệnh.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ riêng Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 13.000 đơn đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời. Đặc biệt, phong trào này thu hút sự tham gia của một số văn nghệ sỹ như MC Quyền Linh, ca sỹ Ngọc Sơn, ca sỹ Nguyễn Phi Hùng, ca sỹ Hari Won, MC Minh Hà…

Mới đây nhất, diễn viên điện ảnh Việt Trinh cũng đã đặt bút đăng ký hiến tạng. “Cách đây ít lâu, tôi xem được một đoạn video kể về câu chuyện một người vợ quyết định hiến tạng của chồng mình để cứu 5 người xa lạ, đó cũng là lúc tôi quyết định sẽ hiến tạng với mong muốn được làm một điều gì đó có ích cho xã hội sau khi qua đời,” diễn viên Việt Trinh tâm sự.

Theo Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, trong 6 năm qua, Trung tâm đã vận động được hơn 30.000 người đăng ký hiến tặng mô, tạng. Chỉ tính riêng trong năm 2019, đã có 10.000 người đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời. Điều đó cho thấy hành động nhân văn này đang ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ và rộng rãi hơn.

Việc hiến tạng sau khi qua đời, trao tặng cho người khác món quà quý giá của sự sống đã bắt đầu “đâm chồi nảy lộc” trong nhận thức của nhiều con người Việt Nam với tâm niệm “Cho đi là còn mãi”./.