Hà Nội

hoguomcopy-1563436381-20.jpg

Mỗi khi đi dạo hay chạy xe vòng quanh những con phố của Hà Nội, ông Jean Noel Poirier (cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam) cảm thấy như đang… xem những vở kịch sống động! Hà Nội duyên dáng, hấp dẫn theo một cách riêng với những quán ăn vỉa hè, những khu tập thể ố màu thời gian, những con phố nhỏ xinh – nơi có gánh hàng rong và nụ cười của người lao động bình dị…

Nhịp sống phố phường cuốn hút Jean Noel Poirier, khiến người đàn ông ngoại quốc (đã gắn bó ba thập kỷ với Việt Nam) chưa khi nào cảm thấy chán nản, muốn rời chân đi. Ông vẫn tự nhận mình là một “người Hà Nội mới.”

Với ông, Hà Nội luôn có một sức hút đặc biệt. Đó là một đô thị vừa cũ kỹ vừa hiện đại; tuy ồn ào, náo nhiệt nhưng vẫn giữ được vẻ trầm lắng, thanh bình với nhiều nét cổ kính – một không gian cũ-mới đan xen. Dấu ấn của sự ngẫu hứng, cởi mở, thân tình cùng tinh thần sáng tạo, năng động hiện hữu khắp nơi, tạo nên cá tính, nét đáng yêu riêng của Hà Nội.

“Linh hồn của Hà Nội không phải được tạo nên bởi những kiến trúc sư hay các nhà quy hoạch đô thị. Thay vào đó, hồn cốt ấy được kết lắng từ chính con người – những cư dân của thành phố này,” cựu đại sứ Jean Noel Poirier chia sẻ.

Từng ngày, Hà Nội mang đến cho những vị khách từ phương xa tới như ông Jean Noel Poirier những trải nghiệm mới, đầy thi vị.

Ông Jean Noel Poirier (cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam) trong buổi trò chuyện với phóng viên VietnamPlus. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ông Jean Noel Poirier (cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam) trong buổi trò chuyện với phóng viên VietnamPlus. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sức hút của một đô thị phương Đông

– Thưa cựu Đại sứ Jean Noel Poirier, cơ duyên nào đưa ông đến và gắn bó với Việt Nam trong suốt thời gian qua?

Ông Jean Noel Poirier: Tôi tới Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1989. Tuy nhiên, mối duyên của tôi với Việt Nam đến sớm hơn rất nhiều. Từ nhỏ, tôi thường xuyên được ngắm nhìn Việt Nam từ những khung ảnh treo ở nhà ông bà, được nghe những câu chuyện về cuộc sống, con người Việt Nam qua lời kể của ông nội – người thường xuyên đi về giữa hai nước (Pháp, Việt Nam). Theo thời gian, những chi tiết, hình ảnh ấy ngấm vào tôi một cách tự nhiên.

Hơn nữa, tôi học tiếng Việt từ năm 20 tuổi, rồi tiếp tục theo học ngành văn hóa phương Đông. Bởi vậy, tôi có nhiều cơ hội và điều kiện hơn để tìm hiểu về Việt Nam. Trạng thái tình cảm (từ biết, hiểu đến yêu) được chuyển hóa một cách tự nhiên.

– Trong quá trình đó, ông có cảm nhận thế nào về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam?

Ông Jean Noel Poirier: Với tôi, Việt Nam không chỉ là một đất nước xinh đẹp mà đó còn là một điểm đến thực sự tuyệt vời với nhiều “bí mật” thú vị chờ đợi du khách khám phá, trải nghiệm.

Vẻ yên bình, cổ kính của Thủ đô nghìn năm tuổi. (Ảnh: TTXVN)
Vẻ yên bình, cổ kính của Thủ đô nghìn năm tuổi. (Ảnh: TTXVN)

Một trong những điều mà tôi thực sự ấn tượng là nền văn hóa lâu đời của Việt Nam. Những giá trị ấy vẫn luôn hiển hiện sinh động trong cuộc sống thường ngày. Hơn thế, nền văn hóa ấy không ngừng được bồi đắp, làm giàu có thêm từng ngày bởi chính những con người Việt Nam.

Mặc dù đã nhiều thế kỷ trôi qua, cuộc sống vận động, có nhiều đổi thay nhưng những nét tinh túy, bản sắc vẫn được giữ nguyên. Đó là truyền thống sum họp gia đình mỗi dịp lễ, Tết hay thói quen đi chùa vào những ngày nhất định trong năm. Chính điều này đã tạo nên sự kết nối, gắn bó đặc biệt trong cộng đồng, gia đình của người Việt Nam.

Bản sắc văn hóa Việt khiến cho những người nước ngoài như tôi cảm thấy thú vị, thôi thúc lữ khách phương xa bước vào một hành trình tìm hiểu, trải nghiệm thực tế. Tôi trân trọng cách người Việt Nam gìn giữ, bồi đắp những di sản, giá trị truyền thống.

Việt Nam không chỉ là một đất nước xinh đẹp mà đó còn là một điểm đến thực sự tuyệt vời với nhiều “bí mật” thú vị chờ đợi du khách khám phá, trải nghiệm.

Sau những chuyến đi-về, ông cảm nhận thế nào về sự thay đổi của Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng so với thời điểm 1989 – khi lần đầu tiên ông đặt chân đến nơi này?

Ông Jean Noel Poirier: Đó là những thay đổi rất ấn tượng, những chuyển động rất thú vị. Đặc biệt, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa diễn ra rất nhanh. Tôi cho rằng, có ít quốc gia trong khu vực đạt tốc độ tăng trưởng, phát triển như Việt Nam thời gian qua.

Cách đây 30 năm, lương thực là một trong những vấn đề, thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt, giải quyết. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Diện mạo, cuộc sống ở Hà Nội đã thay đổi rất nhiều trong ba thập kỷ qua: nhiều khu đô thị, khu dân cư mới mọc lên, những tòa nhà cao tầng hiện đại dần thay thế cho những tập thể cũ kỹ, chật chội trước đây… Đặc biệt, tôi nhận thấy, người dân Hà Nội vui vẻ, hạnh phúc hơn.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, dù diện mạo đô thị có nhiều đổi thay nhưng “linh hồn” của Hà Nội thì vẫn là như vậy, vẫn luôn hiện hữu ở nơi này. Đó là điều không hề thay đổi. Tuy đời sống vật chất đầy đủ hơn, điều kiện kinh tế tốt hơn, các phương tiện đông đúc hơn và nhịp sống gấp gáp hơn nhưng tôi cảm thấy cách ứng xử của người Hà Nội vẫn rất thanh lịch, văn minh. Cách người dân Hà Nội đón chào những người nước ngoài, khách phương xa tới vẫn luôn như vậy: nồng ấm, cởi mở, nhiệt thành và thân thiện. Đó chính là “linh hồn” của Hà Nội.

Điều gì ở Hà Nội khiến ông cảm thấy thú vị nhất?

Ông Jean Noel Poirier: Tôi thích sự “pha trộn” nhiều sắc thái, mảng màu khác nhau trong kiến trúc, ẩm thực, nghệ thuật, nhịp sống… của Hà Nội.

Trong đó, nhịp sống thường ngày chính là điều tôi ấn tượng nhất. Cuộc sống của người Hà Nội gắn với những con phố. Việc ngắm nhìn những khung cảnh sinh hoạt trên phố là trải nghiệm rất thú vị, không hề nhàm chán bởi nó thay đổi, chuyển cảnh, biến hóa liên tục.

Người dân là “linh hồn” của Hà Nội.    

Tôi thích không gian vỉa hè với những sắc màu cuộc sống đa dạng. Dường như, rất nhiều sinh hoạt của cư dân nơi này gắn với vỉa hè. Người ta buôn bán, trò chuyện, tập thể dục, uống càphê, cắt tóc, chơi đùa với con cái hay thậm chí cãi vã, giận dỗi nhau… trên vỉa hè. Người Việt Nam luôn hình thành những cộng đồng gắn kết trong mọi hoạt động. Đó là một đặc điểm thú vị trong sinh hoạt của người Việt và cũng là cộị rễ truyền thống, tinh thần đoàn kết của người Việt.

Để lựa chọn một thành phố hiện đại tiêu biểu, tôi sẽ đề cử Singapore city. Thủ đô của “đảo quốc sư tử” là một trong những đô thị sạch, hiện đại nhất thế giới. Tuy nhiên, sự tiện nghi, vẻ hào nhoáng lại khó giữ chân tôi lâu ngày. Tôi sẽ rất nhanh chán nếu ở lâu tại đấy. Tuy nhiên, với Hà Nội, câu chuyện lại hoàn toàn khác. Sự giao thoa cũ-mới, vẻ yên bình, tĩnh lặng đan xen với không khí ồn ào, náo nhiệt của một đô thị phương Đông nhiều bí ẩn luôn kích thích trí tò mò của tôi, thôi thúc tôi trải nghiệm, khám phá.

Càphê vỉa hè - một
Càphê vỉa hè – một “đặc sản” của Hà Nội. (Ảnh: Vietnam+)

Hành trình bất tận

– Trong suốt thời gian sống, gắn bó với Hà Nội, có kỷ niệm nào khiến ông nhớ nhất?

Ông Jean Noel Poirier: Tôi có rất nhiều kỷ niệm với Hà Nội và thật khó để nói kỷ niệm, câu chuyện cụ thể nào đáng nhớ nhất! Với tôi, kỷ niệm nào cũng rất đáng trân trọng!

Mỗi ngày, tôi đều tìm thấy niềm vui, cảm thấy thích thú với cuộc sống ở đây. Mỗi khi phát hiện ra một quán ăn mới hay đi vào một con ngõ lạ, tôi lại có cảm xúc rất đặc biệt: vừa thích thú bởi vẻ lạ lẫm vừa hồi hộp không biết điều gì đang đợi mình ở đây, con ngõ này sẽ đưa mình tới đâu.

Cách người dân Hà Nội đón chào những người nước ngoài, khách phương xa tới vẫn luôn như vậy: nồng ấm, cởi mở, nhiệt thành và thân thiện.

Vậy, nếu lựa chọn một địa danh, thắng cảnh của Hà Nội để giới thiệu với bạn bè, người thân từ xa tới, ông sẽ lựa chọn nơi nào?

Ông Jean Noel Poirier: Mỗi khi có người hỏi tôi về điểm đến thú vị ở Hà Nội, tôi lập tức hình dung tới những lúc đi trên đường Thanh Niên – một con đường lãng mạn nằm giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Ở đó, chúng ta cảm nhận được rất rõ vẻ đẹp “hồ trong phố” – một nét đáng yêu, đặc trưng của Hà Nội.

Với tôi, đường Thanh Niên là không gian “lưu trữ” những phút bình lặng, thư thái của cuộc sống thường nhật ở Hà Nội.

Hồ Trúc Bạch và hồ Tây mang vẻ đẹp “hồ trong phố” - một nét đặc trưng của Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Hồ Trúc Bạch và hồ Tây mang vẻ đẹp “hồ trong phố” – một nét đặc trưng của Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, du khách cũng không khó để bắt gặp không gian hồ ở nhiều khu vực khác trong Hà Nội. Không chỉ có giá trị môi trường, cảnh quan, đó là còn không gian sinh hoạt đặc biệt của người dân. Xung quanh hồ, tôi quan sát thấy người dân say sưa tập thể dục, hát ca, nô đùa cùng con trẻ hay thư thả đọc sách báo, thả lỏng cơ thể để thư giãn, ngắm nhìn xung quanh…

Hồ nước chứa đựng nhiều giá trị quý và tôi cho rằng, Hà Nội cần bảo tồn những cảnh quan, không gian đặc biệt này.

– Trong bộ phim tài liệu “Hà Nội của tôi” (Mon Hanoi) do chính mình thực hiện, ông cho rằng, Hà Nội là “một thành phố hấp thụ ảnh hưởng của ngoại lai, gìn giữ và biến chúng thành của mình. Giống như trò ghép hình, mỗi người dân ở đây bổ sung vào bức tranh tổng thể về Hà Nội một miếng ghép của mình.” Cơ sở nào để ông đưa ra nhận xét như vậy?

Ông Jean Noel Poirier: Người dân là “linh hồn” của Hà Nội. Tôi đặc biệt ấn tượng với cách người Hà Nội làm chủ cuộc sống, thích nghi và biến đổi những điều kiện xung quanh cho phù hợp với nhu cầu của mình. Dấu ấn kiến trúc của Hà Nội là minh chứng sinh động cho điều này.

Cựu Đại sứ cho biết, ông bị cuốn hút bởi sự giao thoa cũ-mới, vẻ yên bình, tĩnh lặng đan xen với không khí ồn ào, náo nhiệt của Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cựu Đại sứ cho biết, ông bị cuốn hút bởi sự giao thoa cũ-mới, vẻ yên bình, tĩnh lặng đan xen với không khí ồn ào, náo nhiệt của Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Kiến trúc của Hà Nội hội tụ nhiều đặc trưng, thể hiện dấu ấn của những thời kỳ lịch sử nối tiếp nhau từ thời kỳ phong kiến tới nay. Dấu tích kiến trúc trầm mặc, cổ kính được bảo tồn đa dạng, đồng hiện cùng dấu ấn hiện đại, tân thời đã tạo cho bức tranh Hà Nội sự sâu lắng.

Tôi bị cuốn hút bởi hình ảnh những chiếc cổng làng rêu phủ hiện hữu giữa lòng đô thị hiện đại; cách người Hà Nội cải tạo những căn villa, biệt thự, khu tập thể cũ thành những không gian sinh hoạt mới mà không cần phá bỏ hoàn toàn…

Vậy, trong tương lai, ông mong muốn Hà Nội sẽ “chuyển động” theo hướng nào?

Ông Jean Noel Poirier: Tôi hy vọng Hà Nội sẽ duy trì được tốc độ phát triển như hiện nay. Bên cạnh việc xây dựng những công trình hiện đại, mở ra những không gian sinh hoạt cộng đồng mới thì Hà Nội vẫn bảo tồn được những di sản văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc cùng nếp sinh hoạt truyền thống; để những cư dân của thành phố không cảm thấy lạ lẫm, lạc lõng trên chính quê hương mình hay để đi xa trở về không cảm thấy Hà Nội xa lạ!

– Trân trọng cảm ơn ông!