Hang động núi lửa Krông Nô

vnapotaldu-1575378072-81.jpg

Công viên địa chất Đắk Nông vừa được Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (Global Geoparks Network) đề cử Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét, công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.

Hệ thống hang động núi lửa hiếm gặp và vô cùng rộng lớn

Vào năm 2014, sau hơn 5 năm nghiên cứu, các nhà khoa học của Hội hang động Nhật Bản đã khám phá ra hệ thống hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á tại khu vực Tây Nguyên. Đây được coi là di sản thiên nhiên độc đáo của quá trình phun trào núi lửa cách đây hàng triệu năm.

Công viên Địa chất Đắk Nông có diện tích hơn 4.700 km2, chiếm hơn 2/5 diện tích tự nhiên của tỉnh Đắk Nông. Về địa giới hành chính, Công viên địa chất Đắk Nông nằm trải dài trên 6/8 huyện, thị của tỉnh, bao gồm Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’Long và thị xã Gia Nghĩa.

Hệ thống hang động núi lửa được xem là phần độc đáo nhất của Công viên địa chất Đắk Nông

Theo Ban Quản lý Công viên địa chất Đắk Nông, cách đây hơn 140 triệu năm, do vận động kiến tạo của vỏ trái đất, từ một phần của đại dương rộng lớn, khu vực này được nâng lên và xuất hiện núi lửa. Các hoạt động của núi lửa đã phủ lên khu vực này một lớp dung nham bazan (dung nham bazan chiếm hơn 50% tổng diện tích công viên địa chất). Cách đây hơn 10.000 năm, nhiều miệng núi lửa trong khu vực vẫn còn hoạt động và tạo nên một hệ thống hang động núi lửa độc đáo, được đánh giá là có chiều dài, đồ sộ và độc đáo nhất khu vực Đông Nam Á.

Theo đánh giá của các nhà khoa học trong và ngoài nước, toàn bộ Công viên địa chất Đắk Nông hiện có khoảng 65 điểm di sản, địa mạo, bao gồm hệ thống các miệng núi lửa, hệ thống hang động núi lửa và các thác nước. Các miệng núi lửa trong Công viên địa chất Đắk Nông đều có quy mô lớn, đồ sộ, tiêu biểu như núi lửa Nam Dơng (xã Nam Dong, huyện Cư Jút), núi lửa Nâm Blang (xã Buôn Chóah, huyện Krông Nô), núi lửa Nâm Ka (xã Quảng Phú, huyện Krông Nô), núi lửa Nâm Gle (xã Thuận An, huyện Đắk Mil)… Đây đều là những điểm đến hấp dẫn, nhất là đối với du khách đam mê mạo hiểm, thích khám phá những nét độc đáo, hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên.

Miệng hang động núi lửa C7, Công viên Địa chất Đắk Nông. (Ảnh: TTXVN phát)
Miệng hang động núi lửa C7, Công viên Địa chất Đắk Nông. (Ảnh: TTXVN phát)

Tuy nhiên, hệ thống hang động núi lửa mới được xem là phần độc đáo nhất của Công viên địa chất Đắk Nông. Đến nay, các nhà khoa học và tỉnh Đắk Nông xác định hệ thống có gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10km. Tại nhiều hang động núi lửa, các nhà khoa học ghi nhận, khám phá nhiều nét độc đáo về địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử. Tiêu biểu như hang C7 có tổng chiều dài gần 1.100m và được mệnh danh là hang động dung nham dài nhất Đông Nam Á, hang C6.1 có nhiều dấu tích cư trú, sinh sống của người tiền sử cách đây từ 7.000-10.000 năm…

Vào thời điểm khám phá ra hang động, trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cho biết, Việt Nam có hệ thống hang động rất phong phú trải dài từ khu vực Tây Bắc đến Quảng Bình, tạo nên nhiều kỳ quan thiên nhiên được thế giới biết đến như Phong Nha-Kẻ Bàng, vịnh Hạ Long, Tam Cốc-Bích Động.

Tuy nhiên, các hang động phát hiện trong thời gian qua là hang động đá vôi. Riêng hang động núi lửa trong đá bazan vừa được phát hiện ở Tây Nguyên là một hệ thống hang động hiếm gặp, gồm hàng chục hang động và miệng núi lửa hình thành từ quá trình phun trào dung nham cách đây hàng triệu năm.

“So với một số hang động đá vôi và hang động núi lửa ở một số nước trên thế giới như hang động núi lửa Manjanggul Lava trên đảo Jeju – biểu tượng của du lịch Hàn Quốc, thì hệ thống hang động núi lửa ở khu vực Tây Nguyên còn rộng lớn và hấp dẫn hơn nhiều. Hang động này cũng đã được Hội hang động Nhật Bản đánh giá là đẹp nhất của khu vực và rất có giá trị về mặt khoa học, du lịch,” ông Thuấn nói.

Vừa qua, Công viên địa chất Đắk Nông được Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (Global Geoparks Network) đề cử Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét, công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.

 
 

Phát hiện khảo cổ quan trọng

Năm 2018, qua quá trình khai quật khảo cổ học tại khu vực hang động núi lửa Krông Nô (tỉnh Đắk Nông), lần đầu tiên, giới khoa học Việt Nam đã phát hiện ra các di tích cư trú và di cốt của người tiền sử trong các hang động núi lửa; từ đó, bổ sung một loại hình cư trú mới, một kiểu thích ứng mới của cư dân tiền sử ở vùng đất đỏ basalte Tây Nguyên.

Đợt 1 quá trình khai quật (diễn ra trong nửa đầu năm 2018) tại hang C6.1 và C6’ thuộc địa bàn thôn xã Nam Đà (huyện Krông Nô, Đắk Nông) đã ghi nhận trong hang động này còn bảo lưu dấu tích văn hóa, mộ táng và các hoạt động sống của các bộ lạc thời tiền sử.

Phát hiện khảo cổ “chấn động” bổ sung một loại hình cư trú mới, một kiểu thích ứng mới của cư dân tiền sử ở vùng đất đỏ basalte Tây Nguyên

Các nhà khoa học đã tìm thấy ba di tích mộ táng có di cốt người (nằm trong khoảng độ sâu 0,75-1,40m) và dấu vết của 10 cá thể (trong đó có cả di cốt của trẻ nhỏ, thiến niên và người trưởng thành) ở hố đào C6.1 thuộc địa bàn thôn xã Nam Đà (huyện Krông Nô, Đắk Nông).

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Lân Cường (Hội Khảo cổ học Việt Nam), những ngôi mộ trên có niên đại cách ngày nay khoảng 6.100 năm.

“Nhiều chuyên gia hàng đầu ở Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… đều nói rằng, trước đây, chưa hề phát hiện được di cốt người cổ trong những hang động núi lửa. Hơn nữa, môi trường đất đỏ basalte vốn không bảo tồn được di cốt. Tuy nhiên, người cổ sống trong hang núi lửa này đã tìm được nguồn thức ăn là các loại nhuyễn thể. Vỏ của các loại nhuyễn thể này (trai, ốc, hến…) giàu canxi đã làm thay đổi môi trường và giúp cho di cốt trong hang được bảo quản,” ông Nguyễn Lân Cường phân tích.

Bởi vậy, việc phát hiện ra di cốt người cổ trong hang động núi lửa ở Tây Nguyên là phát hiện “chấn động,” bước ngoặt quan trọng của ngành cổ nhân học Việt Nam. Đây là những bằng chứng quan trọng để tìm hiểu về người cổ sống ở khu vực Tây Nguyên cách đây hàng nghìn năm.

Nhiều loại hình di vật, di tích khác cũng đã phát lộ quá trình khai quật tại hang C6.1 và C6’. Điển hình, lần đầu tiên, giới chuyên môn phát hiện một loại hình di vật mới ở Tây Nguyên – vỏ ốc biển. Đây là minh chứng cho mối quan hệ giữa cư dân vùng này với cư dân vùng biển.

Núi lửa Nâm Gle, xã Thuận An, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: TTXVN phát)
Núi lửa Nâm Gle, xã Thuận An, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: TTXVN phát)

Bên cạnh đó, các nhà khoa học đã tìm thấy ba hố đất đen (là di tích của các bếp lửa và rác bếp), nhiều hiện vật đá (chủ yếu là các loại công cụ lao động như rìu, hòn ghè, bàn mài…), đồ gốm đất nung (phần lớn là nồi, bát, bình nhỏ…).

Ngoài ra, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều loại xương động vật (lợn rừng, tê giác, mèo…) và nhiều di vật là những mũi nhọn làm từ các mảnh xương chi động vật. Theo phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Khắc Sử (Hội Khảo cổ học Việt Nam), đây là loại hình công cụ khá độc đáo, hiếm thấy trong các di tích tiền sử trên địa bàn Tây Nguyên.

Các hiện vật tìm được cho thấy, cư dân tiền sử ở đây lựa chọn các hang động núi lửa cho những mục đích khác nhau: sử dụng làm nơi cư trú lâu dài hoặc trại săn bắt tạm thời…

Điểm đến hấp dẫn

Ngay tại thời điểm khám phá ra hang động núi lửa tại Công viên địa chất Đắk Nông, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Nguyễn Văn Thuấn nhận định, hệ thống hang động núi lửa trên thế giới không nhiều và rất có giá trị về du lịch. Với những gì đã khám phá, Tây Nguyên có thể trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà khoa học, khách du lịch, những người muốn khám phá di sản của hoạt động phun trào núi lửa hiếm thấy nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Với đặc trưng về địa chất, địa hình, Công viên địa chất Đắk Nông là điểm đến hấp dẫn đối với du khách gần xa. Khu vực Krông Nô và kế cận có bối cảnh kiến tạo khá đặc biệt, có đặc điểm địa chất đa dạng, độc đáo là tiền đề tạo nên sự phong phú, đa dạng về tài nguyên di sản thiên nhiên và di sản văn hóa. Đây là khu vực có nhiều thắng cảnh đẹp gắn với các khu bảo tồn và rừng đặc dụng có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, đặc hữu, nhiều động thực vật quý hiếm; là khu vực có bề dày lịch sử, giàu truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

 
 

“Bên trong” công viên địa chất Đắk Nông còn có nhiều nét độc đáo về văn hóa của các dân tộc thiểu số bản địa như M’Nông, Mạ, Êđê. Đến đây, du khách có thể đắm mình trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; không gian sinh hoạt văn hóa của người M’Nông – dân tộc bản địa đông và cư trú lâu đời nhất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; đàn đá Đắk Kar, Đắk Sơn… cùng nhiều lễ hội văn hóa, ẩm thực của các dân tộc thiểu số bản địa.

Theo Ban Quản lý Công viên Địa chất Đắk Nông, trên nền tảng công viên địa chất, tỉnh Đắk Nông đã quy hoạch và đầu tư 44 điểm đến hấp dẫn để phát triển du lịch. Các điểm đến được xây dựng theo 3 chủ đề chính: “Trường ca của lửa và nước”; “Bản giao hưởng của làn gió mới” và “Âm vang từ trái đất.” Đến với Công viên địa chất Đắk Nông, du khách sẽ được tham quan, chiêm ngưỡng hệ thống hang động núi lửa trong đá bazan độc đáo, nguyên sơ vốn được xác lập kỷ lục dài nhất Đông Nam Á (khởi đầu từ huyện Krông Nô); ngắm nhìn các thắng cảnh hoang sơ, hùng vĩ như núi lửa Băng Mo (huyện Cư Jút), núi lửa Nâm Gleh R’luh (huyện Đắk Mil); tham gia hành trình về nguồn tại các buôn làng của người Ê đê, M’Nông với nhiều nét độc đáo của văn hóa bản địa; tham quan Vườn Quốc gia Tà Đùng với thắng cảnh Hồ Tà Đùng, được ví như vịnh Hạ Long trên cao nguyên… Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông khẳng định, việc gắn kết các tuyến, tour du lịch với Công viên địa chất Đắk Nông, quảng bá rộng rãi các di sản của Công viên đến đông đảo du khách trong và ngoài nước đang là một ưu tiên xuyên suốt của tỉnh. Đắk Nông xác định việc phát triển du lịch vừa là cơ hội để tỉnh giới thiệu những nét độc đáo của Công viên Địa chất Đắk Nông; vừa là nguồn lực bền vững, lâu dài để tỉnh thực hiện công tác bảo tồn, gìn giữ các thắng cảnh tự nhiên, các di sản văn hóa, lễ hội, thổ cẩm… của các cộng đồng dân cư trong Công viên địa chất. Đồng thời phát triển du lịch trên địa bàn cũng là động lực, cơ hội để cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa có thêm cơ hội vươn lên xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bằng việc bảo tồn, gìn giữ các nét văn hóa truyền thống./.