Hà Nội

ttxvndangb-1602420470-8.jpg

Hà Nội là Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.

Chính vì vậy, sự phát triển mang tính đột phá của Hà Nội trong nhiều năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2015-2020 trên mọi mặt kinh tế-xã hội đã tạo ra thế và lực mới, góp phần nâng tầm vị thế của đất nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Đáng chú ý, cơ cấu kinh tế của thành phố đã chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại, với mức tăng trưởng khá, cao hơn bình quân chung cả nước, qua đó đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của đất nước. Chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô từ thành thị đến nông thôn, khu vực xa trung tâm, đồng bào dân tộc, nhờ đó, được cải thiện rõ rệt.

Pano cỡ lớn trang trí góc đường Hoàng Diệu với Hoàng Văn Thụ để tuyên truyền về sự kiện chính trị quan trọng của Thủ đô. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Pano cỡ lớn trang trí góc đường Hoàng Diệu với Hoàng Văn Thụ để tuyên truyền về sự kiện chính trị quan trọng của Thủ đô. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Diện mạo Thủ đô đã có nhiều thay đổi, ngày càng xanh, sạch đẹp hơn; khang trang, văn minh, hiện đại hơn. Hà Nội cũng là “điểm sáng,” dẫn đầu cả nước nhiều chỉ tiêu về văn hóa, giáo dục-đào tạo, thể dục, thể thao, nhất là thể thao thành tích cao. Việc chăm lo cho con người và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã được khơi dậy một cách mạnh mẽ, góp phần lưu giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, xứng đáng là Thủ đô – trái tim của cả nước.

Vững vàng vị trí đầu tàu cả nước

Nếu tính từ năm 1986, khi đất nước bắt đầu mở cửa hội nhập kinh tế, sau 35 năm Hà Nội đã có bước thay đổi nhanh chóng. Kinh tế Thủ đô vượt qua suy thoái, liên tục tăng trưởng ở mức cao, bình quân 9,5%/năm trong giai đoạn 1990-2000.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, từng bước hiện đại. Đến năm 2003, so với trước đổi mới, kinh tế Thủ đô tăng 5,1 lần, công nghiệp tăng 5,9 lần, dịch vụ tăng 5 lần, nông-lâm-thủy sản tăng 2,4 lần và thu nhập bình quân đầu người tăng 3,1 lần.

Ngày 1/8/2008, tiếp tục đánh dấu một bước chuyển mới khi Hà Nội được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính. Chính quyền thành phố đã khẩn trương ổn định bộ máy, triển khai một khối lượng công việc to lớn, bảo đảm cho mọi hoạt động sản xuất, đời sống, từ kinh tế, xã hội đến quốc phòng, an ninh được nhịp nhàng, thông suốt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, ngày càng khẳng định vai trò trung tâm lớn về kinh tế của cả nước.

Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước

Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.

Năm 2020, quy mô GRDP của thành phố ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 45 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước.

Đặc biệt, du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có mức tăng doanh thu 12,1%/năm. Năm 2019, với việc thu hút hơn 7 triệu khách quốc tế, Hà Nội nằm trong top 10 điểm đến hàng đầu thế giới.

Đường Vành đai 1. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đường Vành đai 1. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Diện mạo đô thị ngày càng khang trang, xanh và sạch hơn. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm, tập trung đầu tư theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại.

Thành phố cũng tập trung các nguồn lực để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân như: hoàn thành chương trình trồng mới 1,6 triệu cây xanh đô thị; triển khai các dự án xử lý rác thải, nước thải theo công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường…

Cùng với hạ tầng và thể chế, việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cũng là một trong ba khâu đột phá của Hà Nội.

Cùng với hạ tầng và thể chế, việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cũng là một trong ba khâu đột phá của Hà Nội

Tiến sỹ Bùi Văn Tuấn, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học quốc gia Hà Nội), cho biết Hà Nội hiện nay đã trở thành thành phố đại học – nơi tập trung của hơn 70% tổ chức khoa học và công nghệ, trường đại học và viện nghiên cứu của cả nước, như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội…

Ngoài ra, số lượng giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ và các nhà khoa học đầu ngành đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước. Điều này có nghĩa là Hà Nội đang sở hữu một nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Đây thực sự là một lợi thế của Thủ đô. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế tri thức đang được xác định là động lực chính của tăng trưởng, của quá trình tạo ra việc làm và của cải. Các yếu tố này trở thành lợi thế trong việc tiếp nhận và phổ biến tri thức, giáo dục, công nghệ mới,” tiến sỹ Bùi Văn Tuấn đánh giá.

Thế và lực mới

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, Hà Nội không chỉ trở thành một trung tâm kinh tế trọng điểm, mà còn là nơi khởi nghiệp của nhiều giá trị tinh hoa trong nước và quốc tế, thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư danh tiếng hàng đầu thế giới và là động lực tăng trưởng quan trọng trong tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa của cả nước.

Theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội, năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài vào Thủ đô đạt 8,67 tỷ USD, cao nhất sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập, là năm thứ 2 liên tiếp dẫn đầu cả nước. Lũy kế giai đoạn 2016-2020 ước đạt 25 tỷ USD, gấp 3,9 lần giai đoạn 2011-2015.

Nhờ đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 12,8% về vốn, 10,4% về thu ngân sách của thành phố và góp phần tích cực chuyển giao công nghệ, tạo việc làm và đào tạo kỹ năng cho người lao động, tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione nhận định mặc dù dịch COVID-19 tác động tới nhiều lĩnh vực, nhưng từ thực tế công tác chống dịch hiệu quả và thành công, Hà Nội đã trở thành điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư đa quốc gia dịch chuyển cơ sở sản xuất.

Cầu vượt Trần Khát Chân rực rỡ cờ chào mừng 1010 năm Thăng Long-Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Cầu vượt Trần Khát Chân rực rỡ cờ chào mừng 1010 năm Thăng Long-Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Thực tế cho thấy, mô hình “Cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện,” tích hợp các dịch vụ tiện ích trong đăng ký kinh doanh được triển khai từ năm 2017 đã giúp doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian khởi sự kinh doanh… qua đó, các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố được cải thiện qua các năm và Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) của Hà Nội năm 2019 xếp thứ hai cả nước (tăng 7 bậc so với năm 2015).

Trong buổi làm việc với Đảng bộ Hà Nội mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Vị thế Hà Nội bây giờ khác xưa nhiều, quy mô lớn không chỉ có 36 phố phường, không chỉ có Cổ Loa, mà bây giờ mở rộng ra rất nhiều.

“Nếu nói đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay thì Hà Nội chưa bao giờ có được quy mô, vị thế, tầm vóc và yêu cầu cao như bây giờ,” Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhận định.

Với vị thế ngày càng lớn mạnh, Hà Nội có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô của các nước. Trong số đó, Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ và là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín trên thế giới.

Pano, áp phích với dòng chữ “Chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII” cỡ lớn được trang trí tại các khu vực trung tâm huyện Đông Anh. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Pano, áp phích với dòng chữ “Chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII” cỡ lớn được trang trí tại các khu vực trung tâm huyện Đông Anh. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Những thành tựu mà Đảng bộ Thành phố Hà Nội đạt được trong năm năm qua là minh chứng sinh động ghi nhận sự cố gắng, quyết tâm cao, tinh thần đoàn kết thống nhất, chung sức, đồng lòng của đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân Thủ đô.

Có thể nói, nhiệm vụ của thời kỳ mới rất nặng nề, đất nước và Thủ đô đứng trước những thời cơ, thuận lợi lớn đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới.

Tuy vậy, theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, Thành phố vì hòa bình, Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện các mục tiêu mà văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đề ra; quyết tâm phấn đấu xây dựng thành phố xanh, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, trở thành thành phố có năng lực cạnh tranh cao trong nước và khu vực; đến năm 2030, trở thành thành phố có năng lực cạnh tranh quốc tế, có thu nhập bình quân đầu người đạt từ 13.000-14.000 USD

Thành phố cũng phấn đấu đến năm 2025 trở thành thành phố có năng lực cạnh tranh cao trong nước và khu vực; đến năm 2030, trở thành thành phố có năng lực cạnh tranh quốc tế, có thu nhập bình quân đầu người đạt từ 13.000-14.000 USD; đến năm 2045, trở thành thành phố của nước Việt Nam phát triển, thành phố toàn cầu có thu nhập cao.

“Đây là chiến lược rất tham vọng và nhiều thách thức, nhưng thành phố sẽ quyết tâm thực hiện bằng những nỗ lực ngay từ bây giờ,” Người đứng đầu thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Với mục tiêu đặt ra, Đảng bộ Thành phố Hà Nội cũng đề ra nhiều phương hướng nhằm triển khai và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội, xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước. Đó cũng là tư tưởng chỉ đạo, là mục tiêu phấn đấu, là trách nhiệm, là ý chí và niềm tin sâu sắc của toàn đảng bộ và nhân dân Thủ đô trong nhiệm kỳ tới./.

Phiên trù bị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội. (Ảnh Văn Điệp/TTXVN)
Phiên trù bị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội. (Ảnh Văn Điệp/TTXVN)