Hà Tĩnh những ngày gồng mình diệt giặc lửa

vnapotalha-1561961594-43.jpg

Liên tiếp ba ngày qua, bản đồ của tỉnh Hà Tĩnh chìm trong một màu đỏ khi “giặc lửa” thiêu rụi những cánh rừng phòng hộ ở khắp các huyện, từ Nghi Xuân đến Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Đức Thọ… Tỉnh Hà Tĩnh đã huy động tất cả lực lượng cùng với nhân dân gồng mình chống giặc lửa.

Toàn cảnh các vụ cháy rừng

Trưa 28/6 một vụ cháy rừng lớn xảy ra tại khu vực rừng thông tiểu khu 92A thôn 7, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân. Từ điểm phát cháy ban đầu ở vùng núi xã Xuân Hồng, ngọn lửa sau đó lan rộng sang các khu rừng thuộc Tổ dân phố 2, 3 của thị trấn Xuân An.

Khu vực rừng phòng hộ bị hỏa hoạn nằm sát tuyến Quốc lộ 1A với hơn 100 hộ dân thị trấn Xuân An sinh sống. Đêm 28/6 là đêm không ngủ của người dân nơi đây. Cùng với sự giúp đỡ của các lực lượng chức năng, công tác di dân được tiến hành khẩn cấp. Sau hơn 10 tiếng nỗ lực dập lửa, đến 23 giờ ngày 28/6, vụ cháy rừng đã cơ bản được khống chế.

Từ điểm phát cháy ban đầu ở vùng núi xã Xuân Hồng, ngọn lửa sau đó lan rộng sang các khu rừng thuộc Tổ dân phố 2, 3 của thị trấn Xuân An.

Tuy nhiên, vào 3 giờ sáng 29/6 ngọn lửa lại tiếp tục bùng cháy trở lại ở khu vực rừng thông phòng hộ thuộc thị trấn Xuân An. Lực lượng chức năng cùng người dân lại căng mình dập lửa.

Trưa 29/6 đám cháy rừng tại thị trấn Xuân An cơ bản được khống chế thì đến chiều 29/6 ngọn lửa lại tiếp tục bùng phát thiêu cháy rừng tại xã Xuân Hồng (huyện Nghi Xuân). Đây là lần thứ ba đám cháy quay lại ở huyện Nghi Xuân. Gần 500 cán bộ chiến sỹ từ các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện Nghi Xuân và lực lượng địa phương xã Xuân Hồng tích cực tham gia chữa cháy.

Các lực lượng chức năng của tỉnh Hà Tĩnh nỗ lực dập lửa. (Nguồn: TTXVN phát)
Các lực lượng chức năng của tỉnh Hà Tĩnh nỗ lực dập lửa. (Nguồn: TTXVN phát)

Thông tin từ lãnh đạo huyện Nghi Xuân cho biết, cơ quan chức năng đã tạm giữ đối tượng Phan Đình Thành (sinh năm 1973, trú tại thôn 7, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân) để điều tra làm rõ vì nghi ngờ có liên quan đến nguyên nhân vụ cháy. Theo đó, trưa 28/6 ông Thành ra vườn gom rác để đốt, do trời nóng, gió Tây Nam thổi mạnh nên lửa đã lan ra khắp vườn. Ông Thành cùng với người nhà và hô hoán người dân giúp dập lửa nhưng không được, đám cháy đã lan từ vườn nhà sang khu vực đồi thông.

Trong khi đó, ở huyện Cẩm Xuyên từ trưa 29/6 tại Tiểu khu 324 (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên) thuộc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, ngọn lửa thiêu rụi một số diện tích rừng phòng hộ tự nhiên. Ngành chức năng và chính quyền địa phương đã nhanh chóng huy động lực lượng gồm hơn 500 người để chữa cháy. Đến sáng 30/6, lửa đã được khống chế tuy nhiên vẫn còn cháy âm ỉ.

Là địa bàn nằm ở cực Tây của tỉnh Hà Tĩnh, gió phơn Tây Nam thổi mạnh, tại nhiều điểm cháy các lực lượng rất khó khăn trong việc tiếp cận hiện trường.

Tại huyện Hương Sơn từ tối 29/6 cũng xảy ra nhiều vụ cháy rừng ở địa bàn các xã Sơn Hàm, Sơn Trung, Sơn Lễ. Bắt đầu từ điểm cháy đầu tiên ở xã Sơn Hàm đến nay trên địa bàn huyện Hương Sơn đã có 20 điểm phát lửa. Là địa bàn nằm ở cực Tây của tỉnh Hà Tĩnh, gió phơn Tây Nam thổi mạnh, tại nhiều điểm cháy các lực lượng rất khó khăn trong việc tiếp cận hiện trường.

Chính quyền huyện Hương Sơn đã huy động trên 500 người gồm các lực lượng chức năng và nhân dân tham gia dập lửa. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hương Sơn Nguyễn Quang Thọ cho biết do khu vực xảy ra cháy rừng ở trên đỉnh núi, thảm thực bì dày và gió Tây Nam thổi mạnh nên công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Tại thôn Nam Sơn (xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn) đám cháy đã lan gần khu vực nhà dân nên chính quyền đang khẩn trương di dời người dân ở quanh khu vực này.

Sau các xã Sơn Hàm, Sơn Trung, Sơn Lễ, đến ngày 30/6, các cánh rừng ở các xã Sơn Tân, Sơn Giang cũng phát cháy.

Tại xã Trường Sơn (huyện Đức Thọ) trong ngày 30/6, cháy rừng đã lan từ huyện Nam Đàn (Nghệ An) sang. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng hơn 250 người nỗ lực dập lửa.

Huy động tổng lực tham gia cứu rừng

Nhận được tin báo cháy ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời huy động tổng lực hơn 1.000 người thuộc các lực lượng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Kiểm lâm Hà Tĩnh, đoàn thanh niên và Tiểu đoàn đặc công D31 (Quân khu IV) cùng với lực lượng chức năng huyện Nghi Xuân vừa tích cực tham gia chữa cháy vừa hỗ trợ người dân di dời tài sản.

Lửa bùng phát trở lại gây khó khăn cho công tác chữa cháy. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)
Lửa bùng phát trở lại gây khó khăn cho công tác chữa cháy. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)

Ngoài việc huy động các phương tiện trong tỉnh, tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ thêm năm phương tiện chữa cháy hiện đại giúp Hà Tĩnh ứng cứu. Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, sau khi nhận được tin báo cũng đã kịp thời huy động hơn 40 cán bộ chiến sỹ Hải đội 102 đóng quân trên địa bàn cùng các thiết bị chữa cháy khẩn trương đến địa bàn tham gia ứng cứu.

Ông Phạm Tiến Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nghi Xuân, cho biết: Cùng với nỗ lực dập tắt đám cháy, các lực lượng đã tập trung khoanh vùng, phát quang cây cối làm các đường băng trắng cản lửa. Trong điều kiện nắng nóng kéo dài cùng với gió phơn thổi mạnh, việc làm đường băng cản lửa là một giải pháp thiết thực nhất.

Gần 2.000 lượt người dân từ các xã lân cận đổ về khu vực cháy rừng cùng lực lượng chức năng dập lửa.

Nhận được tin báo cháy, gần 2.000 lượt người dân từ các xã lân cận đổ về khu vực cháy rừng cùng lực lượng chức năng dập lửa. Có những người dân ở tận khu vực miền biển khi nghe tin báo cũng tức tốc chạy xe máy lên để cùng tham gia cứu rừng, điển hình như ông Ðậu Văn Tiến, ở Thôn 8, xã Xuân Phổ (huyện Nghi Xuân). Nhận được điện thoại của cán bộ huyện Nghi Xuân, ông liền có mặt tại khu vực cháy rừng mang theo máy cắt tỉa cây và vội vàng cắt dọn cây, tạo đường băng cản lửa dài hàng trăm mét.

Giữa cái nắng chang chang 40 độ C, các chiến sỹ công an, bộ đội, kiểm lâm, dân quân tự vệ cùng người dân băng núi áp sát hiện trường đám cháy. Đối mặt với hiểm nguy, có lúc lửa táp bỏng rát mặt, thế nhưng những khó khăn ấy vẫn không ngăn cản được quyết tâm ngăn lửa, cứu rừng của những chiến sỹ.

Các lực lượng ăn tại chỗ, sẵn sàng tham gia chữa cháy trong đêm. (Ảnh: Vũ Ngà/TTXVN)
Các lực lượng ăn tại chỗ, sẵn sàng tham gia chữa cháy trong đêm. (Ảnh: Vũ Ngà/TTXVN)

Cuộc chiến với giặc lửa thật sự khủng khiếp khi càng về đêm, gió phơn càng thổi mạnh, lửa cứ thế bén mãi cháy hết cánh rừng này đến cánh rừng khác. Bụng đói lả, nhưng không ai muốn ngơi tay, họ chia nhau gói xôi đã nguội lạnh hay mẩu bánh mỳ bẻ đôi lẫn mùi khói và mồ hôi mặn chát. Chiếc bánh ngọt hay gói mỳ tôm sống chưa bao giờ ngon và quý đến thế!

Trên trận địa chống giặc lửa, ngoài những chiến sỹ công an, bộ đội thì lực lượng kiểm lâm cũng luôn song hành. Ông Nguyễn Công Tố, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, có mặt từ hơn 13 giờ, sau khi nhận được tin báo cháy đến đêm cùng người dân và các lực lượng khác tham gia dập lửa.

Ông cho biết: “Lực lượng kiểm lâm huy động 100% quân số tham gia chữa cháy rừng. Chúng tôi tiếp cận hiện trường, nỗ lực cùng người dân làm các đường băng cản lửa  không để cho lửa lan rộng đến các khu vực khác.”

Thời tiết khắc nghiệt của Hà Tĩnh trong thời gian qua cùng với tình trạng thảm thực bì dày thì diễn biến tiếp theo của vụ cháy rừng là khó lường trước được.(Ông Nguyễn Công Tố, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh)

Trong cuộc chiến khốc liệt ấy, màu áo xanh tình nguyện của lực lượng đoàn viên thanh niên luôn hiện hữu ở mọi trận địa. Các bạn trẻ đã có mặt sớm nhất, hỗ trợ nhân dân làm đường băng cản lửa và tổ chức hậu cần phục vụ các lực lượng tham gia chữa cháy. Những thùng nước suối được vận chuyển từ dưới chân núi lên tận hiện trường, đến tay các chiến sỹ, người dân là một nguồn động viên lớn lao để họ vượt qua cơn khát tiếp tục chiến đấu. Đặc biệt, tối 29/6, Huyện đoàn Nghi Xuân đã kêu gọi và nhận được hỗ trợ từ Nhà hàng Minh Hồng (thành phố Vinh, Nghệ An) 500 suất cơm phục vụ các lực lượng tham gia chữa cháy.

Ông Nguyễn Công Tố, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh, cho biết cháy rừng bùng phát lại sau khi được khống chế là tình trạng bất khả kháng. Do các cây thông cũ, thân gỗ mục vẫn còn âm ỉ, gió Lào thổi mạnh nên các đám cháy sẽ dễ dàng bùng phát trở lại. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Hà Tĩnh trong thời gian qua cùng với tình trạng thảm thực bì dày thì diễn biến tiếp theo của vụ cháy rừng là khó lường trước được.

Lực lượng chức năng giúp di dời 80 hộ dân thuộc Tổ 1, thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) nằm trong vùng nguy hiểm của cháy rừng. (Nguồn: TTXVN phát)
Lực lượng chức năng giúp di dời 80 hộ dân thuộc Tổ 1, thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) nằm trong vùng nguy hiểm của cháy rừng. (Nguồn: TTXVN phát)

Tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan và Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về phòng cháy, chữa cháy rừng, phân công lực lượng trực 24/24 giờ trong suốt thời gian nắng nóng, bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng, nhất là những khu vực có nguy cơ cháy cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng chức năng và người dân tham gia khống chế, dập tắt trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để xảy ra cháy lớn.

Việc nâng cao ý thức của người dân trong phòng chống cháy rừng là vô cùng quan trọng. (ông Nguyễn Công Tố, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh)

Tỉnh thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” hiệu quả; tăng cường lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí và các điều kiện khác để luôn sẵn sàng dập tắt cháy rừng kịp thời khi mới phát hiện điểm cháy.

Cũng theo ông Nguyễn Công Tố, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh, thì việc nâng cao ý thức của người dân trong phòng chống cháy rừng là vô cùng quan trọng. Ý thức người dân càng tốt thì nguy cơ cháy rừng xảy ra càng ở mức thấp nhất.

Đặc biệt hơn, khi khu vực rừng của địa phương có nguy cơ xảy ra cháy thì không cần đợi các lực lượng chức năng mà người dân cần tổ chức khoanh vùng và tiến hành xây dựng các đường băng cản lửa. Như vậy, khi cháy rừng xảy ra thì sẽ giảm thiểu thấp nhất thiệt hại và các lực lượng tham gia chữa cháy cũng dễ dàng hơn trong việc diệt giặc hỏa.