Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp công nghệ quản lý giao thông

1309giaothon-1600008050-18.jpg

Cùng với đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành lĩnh vực giao thông vận tải, giúp cải thiện tình hình giao thông trên địa bàn.

Mô hình Trung tâm điều hành giao thông đô thị bước đầu phát huy hiệu quả, mở ra hướng phát triển cho giao thông đô thị, hạn chế ùn tắc giao thông.

Chùm bài “Thành phố Hồ Chí Minh ứng dụng công nghệ quản lý giao thông” đã nêu lên những giải pháp công nghệ giúp cung cấp thông tin giao thông cho người dân, đồng thời, tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông và giám sát, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ./.

Xây dựng mô hình giao thông thông minh

Ngày 12/3/2020, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định đổi tên và bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn thành Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị (thuộc Sở Giao thông Vận tải).

Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Thành phố Hồ Chí Minh được xem là Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị đầu tiên trong cả nước, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý điều hành giao thông.

Đây được xem là Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị đầu tiên trong cả nước, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý điều hành giao thông. Bằng hệ thống camera ở những tuyến đường trọng yếu và hệ thống giao thông thông minh, giúp Trung tâm nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống giao thông trên địa bàn.

Camera bủa khắp

Là một trong những hợp phần trọng yếu của Đề án Đô thị thông minh, phát triển hệ thống giao thông thông minh (Trung tâm ITS) là một trong những giải pháp quan trọng trong việc giải quyết bài toán giao thông tại thành phố bên cạnh các giải pháp như phát triển giao thông công cộng sức cho lớn, đầu tư phát triển mạng lưới đường bộ.

Theo ông Ngô Hải Đường – Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh), đây chính là xu hướng phát triển tại các nước trên thế giới nhằm mục tiêu xây dựng một hệ thống giao thông đô thị bền vững, có chất lượng phục vụ cao. Điều này nhằm đảm bảo mang lại nhiều lợi ích cho người dân như tiết kiệm thời gian, chi phí, năng lượng, giảm thiểu tai nạn và cải thiện môi trường.

Đường Bạch Đằng, cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất, được giám sát, xử phạt bằng camera. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Đường Bạch Đằng, cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất, được giám sát, xử phạt bằng camera. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Hệ thống ITS đặt tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị thực hiện gồm các chức năng: điều khiển đèn tín hiệu giao thông linh hoạt thông qua hệ thống cảm biến quan trắc, thu thập dữ liệu giao thông tự động tại 118 mặt cắt ngang các tuyến đường; các thông số của dòng giao thông (lưu lượng, vận tốc trung bình, mật độ phương tiện) được hệ thống trung tâm phân tích, tính toán để đưa ra chiến lược điều khiển đèn tín hiệu giao thông phù hợp tại 216 nút giao thông trọng điểm, nằm trên 36 km2 khu vực các tuyến đường trung tâm thành phố theo kịch bản tương ứng với từng thời điểm và tình hình giao thông trong ngày.

Cùng đó, hệ thống giám sát giao thông thông qua hệ thống camera cũng được kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu 817 camera giám sát giao thông tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị.

Thông qua hệ thống màn hình tường, nhân viên vận hành kịp thời ghi nhận tình hình giao thông tại các nút giao thông có camera kết nối (các nút giao thông trọng điểm, các vị trí thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông).

Theo Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị thành phố, các sự cố trên đường như tai nạn, ùn tắc, va chạm… được Trung tâm kịp thời thông tin cho cảnh sát giao thông, thanh tra và các đơn vị quản lý hạ tầng để phối hợp xử lý, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Từ năm 2019, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị đưa vào hoạt động Mô hình mô phỏng dự báo nhu cầu giao thông dựa trên cơ sở thu thập dữ liệu về phát sinh và thu hút chuyến đi, lựa chọn phương thức, góp phần định hướng xây dựng các chính sách và kế hoạch quản lý giao thông đô thị.

Ông Ngô Hải Đường cho biết, mô hình phục vụ dự báo tình hình giao thông toàn thành phố giúp công tác định hướng, xây dựng chiến lược phát triển ngành, quy hoạch, đánh giá tác động các dự án ngành giao thông.

Các dự án đầu tư xây dựng kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông công cộng cũng được kiểm tra, đánh giá tác động thông qua mô hình mô phỏng trước khi quyết định triển khai.

Hình thành “làn sóng xanh”

Thành phố  Hồ Chí Minh có tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với sự gia tăng về quy mô dân số, nhưng hạ tầng giao thông đô thị lại không phát triển theo kịp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.

Theo kết quả từ mô hình mô phỏng dự báo giao thông, số hành trình đi lại trung bình của mỗi người dân thành phố năm 2020 là 3,16 chuyến đi/người/ngày và cao hơn so với số hành trình đi lại của các đô thị trong khu vực. Với quy mô dân số thành phố như hiện nay, nhu cầu đi lại là rất lớn và sẽ tăng mạnh trong tương lai.

Các dữ liệu về giao thông được cập nhật về Trung tâm, giúp công tác giám sát và điều hành giao thông được thuận lợi. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Các dữ liệu về giao thông được cập nhật về Trung tâm, giúp công tác giám sát và điều hành giao thông được thuận lợi. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Dự báo từ mô hình mô phỏng, đến năm 2025, nhu cầu giao thông tại thành phố sẽ đạt trên 41 triệu lượt đi lại/ngày. Sự gia tăng nhanh chóng phương tiện cơ giới cá nhân đã dẫn đến tình trạng quá tải nghiêm trọng cho mạng lưới đường giao thông đô thị, đặc biệt trong giờ cao điểm.

Từ khi đưa hệ thống ITS vào hoạt động, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị đã tổ chức phân tích, đánh giá lưu lượng giao thông trên các tuyên đường trục chính để xây dựng bổ sung các kịch bản điều khiển “làn sóng xanh” trên các tuyến đường như đường Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ, trục đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Nguyễn Văn Trỗi, Pasteur, Trương Định…

Với hệ thống ITS hiện đại, hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông linh hoạt cho phép tự động điều chỉnh các thông số điều khiển như thời gian chu kỳ đèn, thời gian đèn xanh, số pha điều khiển, trình tự pha điều khiển, lệch thời gian đèn xanh để thích ứng với lưu lượng giao thông thay đổi theo từng thời điểm và ưu tiên cho các phương tiện giao thông công cộng.

Hệ thống camera ở những tuyến đường trọng yếu và hệ thống giao thông thông minh đã giúp Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống giao thông trên địa bàn.

Ông Ngô Hải Đường cho biết, với kịch bản điều khiển “làn sóng xanh,” các phương tiện lưu thông với vận tốc trung bình 30-35 km/giờ sẽ có thể lưu thông thuận lợi qua nhiều nút giao thông liên tục trên các tuyên đường trong điều kiện lưu thông thông thoáng.

Bên cạnh đó, hệ thống ITS đã thực hiện tối ưu thời lượng đèn cho các khu vực bàn cờ bằng cách sử dụng chu kỳ ngắn cho phép tăng tần suất phục vụ của đèn giao thông cho tất cả các hướng trong các thời gian cao điểm (khu vực Quận 3, Quận 1…), bổ sung các kịch bản dự phòng cho các nút giao thông trọng điểm, các tuyến đường, khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng đông xe, di chuyển chậm.

Theo Sở Giao thông Vận tải, trong điều kiện của thành phố, giải pháp điều khiển đèn tín hiệu giao thông linh hoạt đã góp phần giải tỏa ùn tắc cho các nhánh nút đang bị ùn tắc kéo dài, ngăn ngừa được nguy cơ ùn tắc lan truyền, giảm thiểu tổng thời gian tổn thất tại nút giao, giảm thiểu thời gian chờ cho phương tiện giao thông công cộng tại nút giao.

Ông Ngô Hải Đường cho biết, kết quả nhận được sau khi vận hành cơ bản đáp ứng tốt với thói quen và hành vi của người tham gia giao thông, việc dừng chờ đèn ngắn, giảm chiều dài dòng xe chờ đèn tín hiệu, từ đó giảm thời gian bắt đầu nhập nút, tăng năng lực thông hành các tuyến đường (vận tốc trung bình tăng 10% -15% trên các tuyến đường thông qua giải pháp điều khiến đèn linh hoạt) giúp người tham gia giao thông cảm thấy thoải mái hơn trong quá trình chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông.

Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục khai thác hiệu quả năng lực của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị, đầu tư mở rộng mạng lưới camera giám sát giao thông, hệ thống đèn tín hiệu giao thông linh hoạt kết nối về Trung tâm, tăng cường cung cấp thông tin giao thông trực tuyến thông qua Cổng thông tin giao thông thành phố./.

Các thông tin về giao thông được thể hiện trên biển báo, giúp người dân dễ tiếp nhận, lựa chọn các hướng lưu thông. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Các thông tin về giao thông được thể hiện trên biển báo, giúp người dân dễ tiếp nhận, lựa chọn các hướng lưu thông. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Nhiều biện pháp kiểm soát

Nhằm nâng cao việc quản lý, điều hành giao thông, Thành phố Hồ Chí Minh đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ để thường xuyên cung cấp thông tin giao thông cho người dân, đồng thời, tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông và giám sát, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Tương tác thông tin với người dân

Với định hướng xây dựng một trung tâm điều hành giao thông thông minh (ITS) hiện đại, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị bước đầu đáp ứng được phần nào nhu cầu về kết nối, lưu trữ và chia sẻ thông tin cho người tham gia giao thông và các cơ quan đơn vị phối hợp.

Cổng thông tin giao thông thành phố (http://giaothong.hochiminhcity.gov.vn) và ứng dụng “TTGT TPHCM” hiện là kênh cung cấp thông tin về tình hình giao thông, các tiện ích trên đường.

Đây cũng là kênh tương tác giữa người dân và cơ quan quản lý về các sự cố hạ tầng, kỹ thuật giao thông thông qua website và ứng dụng di động.

Thành phố Hồ Chí Minh đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ để thường xuyên cung cấp thông tin giao thông cho người dân, tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông và giám sát, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Đưa vào hoạt động từ năm 2017, Cổng thông tin cung cấp tình hình giao thông trực tuyến, hình ảnh từ hệ thống camera giám sát giao thông độ phân giải cao giúp người dân lựa chọn lộ trình lưu thông phù hợp, tránh lưu thông qua những tuyến đường, khu vực đang xảy ra ùn tắc hoặc có mật độ phương tiện giao thông cao.

Việc giám sát, xử phạt bằng camera giúp giảm lượng xe dừng, đỗ sai quy định; hạn chế ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Việc giám sát, xử phạt bằng camera giúp giảm lượng xe dừng, đỗ sai quy định; hạn chế ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Đến nay, Cổng thông tin giao thông thành phố đã thu hút hơn 7,6 triệu lượt truy cập; ứng dụng “TTGT TPHCM” của Cổng thông tin giao thông thu hút 271 ngàn lượt tải.

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, hiện cổng thông tin được sở tích hợp các chức năng tra cứu thông tin giấy phép thi công, tra cứu thông tin phương tiện cấp phép lưu hành đặc biệt. Đồng thời, cổng cũng cung cấp thông tin phương tiện vi phạm lưu thông qua tốc độ cho phép, vi phạm dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định.

Bên cạnh đó, công cụ tra cứu thông tin giao thông của sở, thông qua chức năng trợ lý ảo trên nền tảng ứng dụng Zalo đã phát huy được hiệu quả, tính đến thời điểm hiện nay đã có 189 ngàn lượt quan tâm.

Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị được kết nối trực tuyến với Tổng đài Kênh VOV Giao thông Quốc gia, Cổng thông tin 1022 để thường xuyên cung cấp thông tin cũng như tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân liên quan đến các vấn đề về giao thông trên địa bàn.

Ngoài ứng dụng công nghệ cung cấp thông tin cho người dân, Sở Giao thông Vận tải cũng tập trung đẩy mạnh thanh toán điện tử trong giao thông, thông qua việc đầu tư nâng cấp hệ thống thu phí điện tử không dừng ETC tại các trạm thu phí BOT trên địa bàn thành phố (trạm thu phí An Sương – An Lạc, trạm thu phí cầu Phú Mỹ).

Sở triển khai tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ôtô trên 23 tuyến đường, cho phép thanh toán trực tuyến (không dùng tiên mặt) thông qua ứng dụng MyParking và ViettelPay trên các nền tảng Android và IOS.

Giảm xe vi phạm

Từ tháng 3/2020, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh triển khai ghi hình để xử phạt vi phạm hành chính thông qua hệ thống camera giám sát giao thông cố định trên 14 tuyến đường khu vực trung tâm thành phố và sân bay Tân Sơn Nhất.

Những tuyến đường được triển khai ghi hình xử phạt hành vi dừng xe, đỗ xe không đúng quy định gồm Lê Duẩn, Hai Bà Trưng, Lý Tự Trọng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai, Pasteur, Nguyễn Thị Nghĩa, Lê Lợi, Đinh Tiên Hoàng, Tôn Đức Thắng (Quận 1); Trường Sơn (Tân Bình); Điện Biên Phủ (Bình Thạnh).

Trung tâm Điều hành giao thông thông minh đặt tại Trung tâm Quản lý Đường hầm sông Sài Gòn. (Nguồn: hcmcpv.org.vn)
Trung tâm Điều hành giao thông thông minh đặt tại Trung tâm Quản lý Đường hầm sông Sài Gòn. (Nguồn: hcmcpv.org.vn)

Từ giữa tháng 7/2020, Sở Giao thông Vận tải bổ sung thêm 8 tuyến đường xử phạt qua hình ảnh camera gồm Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Hồng Hà, Phan Đăng Lưu, Bạch Đằng, Trương Định, Cống Quỳnh, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đây là những tuyến đường có lưu lượng phương tiện lưu thông, trước đây có nhiều trường hợp dừng, đỗ xe sai quy định.

Ông Ngô Hải Đường đánh giá, xử lý vi phạm thông qua hình ảnh đã phát huy được hiệu quả, tình trạng các phương tiện dừng xe, đỗ xe trên các tuyến đường có chuyển biến tích cực.

Cụ thể, đường Điện Biên Phủ giảm 40%, đường Trường Sơn giảm 32%, đường Nguyễn Thái Học giảm 56%, đường Lê Duẩn giảm 62%. Điều này góp phần cải thiện tình hình giao thông và nâng cao năng lực thông hành trên các tuyến đường.

Hiện nay, việc xử lý, xử phạt qua hình ảnh từ camera được Sở Giao thông Vận tải chuyển giao cho Công an Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt Công an Thành phố, lực lượng cảnh sát giao thông tiếp nhận chương trình xử phạt qua hình ảnh từ camera từ giữa tháng 6/2020. Tới nay, lực lượng cảnh sát giao thông đã ghi nhận 552 trường hợp dừng, đỗ xe sai quy định và đã lập hồ sơ vi phạm.

Trong khi trước đó, các đơn vị chức năng của Sở Giao thông Vận tải đã trích xuất hình ảnh các xe có dấu hiệu vi phạm, lập hồ sơ đối với 1.007 trường hợp.

Thanh tra Sở đã lập 196 biên bản vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 118 triệu đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn đối với 11 trường hợp. Đồng thời, Thanh tra Sở đã gửi Cục Đăng kiểm danh sách những trường hợp quá thời hạn giấy hẹn theo thông báo vi phạm mà chủ xe chưa đến giải quyết để cảnh báo trên chương trình quản lý kiểm định.

Qua 6 tháng triển khai xử phạt qua camera, đã có hơn 1.500 trường hợp vi phạm dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định bị camera giám sát ghi nhận; trong đó, có 265 trường hợp đã nộp phạt, chiếm gần 17%.

Theo ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, từ triển khai xử phạt qua hình ảnh từ camera cố định, đến nay hầu hết người vi phạm khi nhận được thông báo đều chấp hành đúng quy định.

Việc triển khai phạt nguội đã mang lại hiệu quả nhất định như đảm bảo trật tự an toàn giao thông, cải thiện tình hình giao thông, kéo giảm ùn tắc. Để phát huy hiệu quả, cần nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ hiện đại để tự động hóa tất cả công đoạn trong quy trình, bắt đầu từ khâu phát hiện, ghi nhận đến quy trình các bước xử lý vi phạm và chấp hành của người vi phạm.

Hiện Sở Giao thông Vận tải cũng phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam kết nối, chia sẻ dữ liệu đăng kiểm phương tiện, dữ liệu giám sát hành trình phục vụ kiểm tra, xử phạt và quản lý phương tiện kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố.

Cùng với đó, Sở Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Công an thành phố thực hiện việc áp dụng công nghệ để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nhằm hạn chế tác động trực tiếp của con người (thông qua việc sử dụng hệ thống camera giám sát, hệ thống kiểm soát tốc độ, cân tự động, dữ liệu giám sát hành trình…).

Nhờ ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ, quản lý, điều hành giao thông tại Thành phố Hồ Chí Minh bước đầu đã đạt hiệu quả tích cực. Đây là hướng đi cần thiết để góp phần giải bài toán giao thông đô thị, khi nguồn lực đầu tư cho các công trình hạ tầng giao thông hạn chế./.

Đường Bạch Đằng, cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất, được giám sát, xử phạt bằng camera. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Đường Bạch Đằng, cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất, được giám sát, xử phạt bằng camera. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)