Gian nan hành trình

20161213110-1575595332-61.jpg

Những năm gần đây các bệnh viện công lập đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ qua việc triển khai thực hiện chủ trương tự chủ tài chính. Thế nhưng, bên cạnh những điểm sáng vẫn còn không ít những khó khăn, đặc biệt với các bệnh viện tuyến y tế cơ sở, vùng núi.

Không có nguồn kinh phí để sửa chữa

Trần nhà bong tróc các lớp vữa mủn trên bức tường hoen ố. Rồi các bức thành tường mỗi khi trời mưa, nước thấm từng giọt chảy xuống sàn… đó là cảnh cơ sở vật chất xuống cấp tại Bệnh viện Đa khoa Lào Cai. Tình trạng này diễn ra tại bệnh viện khá lâu.

Chia sẻ về những khó khăn này, bác sỹ Bùi Việt Quý – Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai cho hay: “Từ khi bệnh viện thực hiện tự chủ, việc tái đầu tư về cơ sở vật chất như trang thiết bị đòi hỏi phải có tăng nguồn thu dịch vụ. Tuy nhiên, để triển khai các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu hiện nay gặp một số khó khăn vướng mắc về cơ chế. Với các bệnh viện công hiện nay sử dụng tài sản công để triển khai các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc.”

“Từ khi bệnh viện thực hiện tự chủ, việc tái đầu tư về cơ sở vật chất như trang thiết bị đòi hỏi phải có tăng nguồn thu dịch vụ. Tuy nhiên, để triển khai các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu hiện nay gặp một số khó khăn vướng mắc về cơ chế.”(Bác sỹ Bùi Việt Quý)

Từ năm 2017, Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên đã thực hiện tự chủ 75% kinh phí hoạt động, đến năm 2018 bệnh viện đã thực hiện tự chủ 84% và dự kiến trong năm 2019 là 86%.

Bác sỹ Mông Hữu Giao – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên (Lào Cai) cho biết, cơ chế hoạt động tài chính của bệnh viện từng bước được đổi mới theo hướng tăng cường giao quyền tự chủ. Tuy vậy, khi thực hiện tự chủ lại nảy sinh những bất cập và không có nguồn kinh phí để sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh.

Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên, Sơn La. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên, Sơn La. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

“Nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu từ bảo hiểm xã hội vẫn bảo đảm được cơ bản các nội dung chính chi cho hoạt động của bệnh viện như lương và phụ cấp cho cán bộ viên chức. Nhưng khó khăn nhất là chi mua sắm tài sản cố định, sửa chữa lớn trang thiết bị và cơ sở vật chất chúng tôi không có nguồn,” bác sỹ Giao cho hay.

Từ năm 2017, các bệnh viện công trên địa bàn tỉnh Lào Cai được giao một phần tự chủ tài chính. Sau hơn 3 năm triển khai bộc lộ những khó khăn đòi hỏi Nhà nước cần có cơ chế chính sách riêng với các bệnh viện huyện miền núi.

Toàn tỉnh Lào Cai hiện nay có 14 bệnh viện công lập, trong đó có 5 bệnh viện tuyến tỉnh, 9 bệnh viện huyện, thành phố. Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, đến nay 14/14 bệnh viện đã được giao tự chủ với tỷ lệ tự chủ từ 50-90%. Việc tự chủ của các bệnh viện có những khó khăn vướng mắc nhất định.

Cơ sở vật chất xuống cấp tại nhiều bệnh viện tuyến huyện của các tỉnh miền núi phía Bắc. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Cơ sở vật chất xuống cấp tại nhiều bệnh viện tuyến huyện của các tỉnh miền núi phía Bắc. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Tại tỉnh Nghệ An, Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh (bệnh viện hạng 2) thực hiện cơ chế tự chủ từ năm 2017 ở mức 2 – mức đảm bảo hoạt động ở mức chi thường xuyên. Bệnh viện cũng gặp không ít khó khăn về cơ chế tự chủ.

“Hiện nay tự chủ chúng tôi cũng phải theo Nghị định 43, tức là 3 tháng mới trả tiền bổ sung thu nhập cho công nhân viên chức của bệnh viện 1 lần. Đây là điều vô cùng khó khăn cho cán bộ viên chức người lao động.”

(Bác sỹ Nguyễn Hồng Trường)

Ông Nguyễn Hồng Trường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh cho hay, quá trình thực hiện tự chủ, các văn bản phải chi phối theo Nghị định 43 năm 2006 bởi vậy nhiều vấn đề còn vướng mắc. 

“Tôi đơn cử một việc như tiền bổ sung thu nhập cho cán bộ viên chức cho người lao động theo Nghị định 43 phải được hạch toán 1 quý, được kho bạch hạch toán và bệnh viện chuyển kho bạc 1 lần. Hiện nay tự chủ chúng tôi cũng phải theo Nghị định 43, tức là 3 tháng mới trả tiền bổ sung thu nhập cho công nhân viên chức của bệnh viện 1 lần. Đây là điều vô cùng khó khăn cho cán bộ viên chức người lao động, trong khi đó mình không hưởng lương, không hưởng ngân sách Nhà nước, bệnh viện tự thu, tự chi và tự đảm bảo tiền lương cho đơn vị nhưng lại trả tiền tăng thêm cho cán bộ công nhân viên 3 tháng 1 lần,” bác sỹ Trường bộc bạch.

Ông Nguyễn Hồng Trường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Ông Nguyễn Hồng Trường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Ưu tiên ngân sách với bệnh viện vùng khó

Xung quanh vấn đề thực hiện tự chủ ở các bệnh viện, nhất là đối với các bệnh viện tuyến y tế cơ sở, trong hai ngày 30-31/10, nhiều vấn đề liên quan tới ngành y tế đã được các đại biểu Quốc hội đưa ra thảo luận, đề xuất giải pháp tại các buổi thảo luận tại hội trường trong Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội về phát triển y tế cơ sở, tự chủ tại các bệnh viện công lập, tăng cường nhân lực y tế…

Đại biểu Bùi Thu Hằng, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hoà Bình chỉ rõ, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được thì tự chủ bệnh viện công lập cũng bộc lộ những bất cập, vướng mắc như trong công tác quản lý biên chế, sử dụng cơ chế tiền lương, thi đua khen thưởng, kỷ luật đang thực hiện và điều chỉnh bởi các quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Bộ luật Lao động, Luật Thi đua khen thưởng. Các bệnh viện tự chủ 100% kinh phí chi thường xuyên nhưng chưa được phân quyền tự chủ trong việc chi trả tiền lương dẫn đến khó khăn trong việc giữ các bác sỹ giỏi…

 Bên cạnh những thuận lợi, tự chủ bệnh viện công lập cũng bộc lộ những bất cập, vướng mắc như trong công tác quản lý biên chế, sử dụng cơ chế tiền lương, thi đua khen thưởng, kỷ luật đang thực hiện và điều chỉnh bởi các quy định của các Luật…

“Việc thực hiện tự chủ đối với bệnh viện tuyến huyện, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn, do người dân có mức sống chưa cao và khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế. Nhiều bệnh viện khi thực hiện tự chủ có số thu không đủ chi lương và các chế độ cho cán bộ, viên chức. Mặt khác, chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý, chính sách thu hút đối với cán bộ y tế, nhất là cán bộ giỏi về công tác tại các bệnh viện vùng núi, vùng khó khăn. Tại các vùng này, viên chức thu nhập thấp dẫn đến tình trạng chuyển dịch cán bộ y tế từ bệnh viện công lập sang bệnh viện tư nhân hoặc lên các bệnh viện tuyến trên,” đại biểu Bùi Thu Hằng chỉ rõ.

Đặc biệt, việc thực hiện Nghị định số 41 năm 2012 của Chính phủ quy định việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập, về nguyên tắc, các đơn vị xây dựng thực hiện tuyển dụng và sử dụng lao động theo Đề án vị trí việc làm được phê duyệt. Do đó, việc xây dựng kế hoạch định mức biên chế theo quy định tại Thông tư liên tịch số 08 đến nay không còn phù hợp.

Bác sỹ khám bệnh cho người dân tại Trung tâm y tế huyện Mường Tè, Lai Châu. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bác sỹ khám bệnh cho người dân tại Trung tâm y tế huyện Mường Tè, Lai Châu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về vấn đề nguồn nhân lực ngành y tế, Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho hay, hiện nay gần 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã tự chủ ở mức độ khác nhau, nhưng rất khó khăn trong vấn đề biên chế, bổ nhiệm. Cán bộ ở bệnh viện tự chủ vẫn phải tham gia các kỳ thi công chức, viên chức thì mới được bổ nhiệm cho các chức vụ ở bệnh viện.

Xuất phát từ những bất cập, vướng mắc, đại biểu Bùi Thu Hằng đề xuất, đối với Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về xã hội hóa, trong đó có nội dung về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc thực hiện lộ trình chuyển từ ngân sách cho bệnh viện sang cấp ngân sách để hỗ trợ cho người dân tham gia bảo hiểm y tế, cùng với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, giảm tỷ lệ chi từ tiền túi của người dân cho chăm sóc sức khỏe.

“Để có những giải pháp thiết thực, Bộ Y tế và các bộ có liên quan cần tăng cường năng lực quản lý của lãnh đạo bệnh viện, nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý.”
(Đại biểu Quốc hội Bùi Thu Hằng)

Đặc biệt, nhà nước cần ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước, đảm bảo chi thường xuyên đối với các bệnh viện tuyến huyện ở vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Có chính sách đủ mạnh để khuyến khích thu hút người có trình độ chuyên môn giỏi làm việc tại các bệnh viện ở những vùng này.

Theo bà Hằng, để có những giải pháp thiết thực, Bộ Y tế và các bộ có liên quan cần tăng cường năng lực quản lý của lãnh đạo bệnh viện, nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý.

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc về bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh các đơn vị có liên quan cần rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới. Ngoài ra, cần sửa đổi Thông tư liên tịch số 08 về hướng dẫn định mức biên chế trong các cơ sở y tế nhà nước đến nay không còn phù hợp; nghiên cứu cơ chế chi trả tiền lương đối với các bệnh viện tự chủ 100% kinh phí hoạt động.

Đại biểu Bùi Thu Hằng cũng đề xuất theo hướng giao quyền tự chủ cho các giám đốc bệnh viện trong việc chi trả tiền lương, thu nhập để có thể khuyến khích và giữ được các bác sỹ giỏi và các cán bộ có năng lực./.

Cơ sở vật chất xuống cấp tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Cơ sở vật chất xuống cấp tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: T.G/Vietnam+)