Vì sao Facebook

biafb-1567589948-26.jpg

Tháng 5/2019, một tờ báo điện tử có lượng truy cập thuộc hàng lớn nhất Việt Nam đã quyết định đóng fanpage trên Facebook, chấp nhận mất một nguồn traffic đáng kể. Không chỉ trang mạng này, nhiều tờ báo khác, cả Việt Nam lẫn quốc tế, cũng không còn mặn mà với nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới.

Từng được coi là phương tiện chuyển tải thông tin hữu hiệu trong thời đại mà truyền thông xã hội lên ngôi, song Facebook đang ngày càng đánh mất niềm tin của cộng đồng báo giới, và từ cả chính phủ của nhiều quốc gia.

Làn sóng di cư khỏi Facebook

Tháng 4/2016, tại Hội nghị Publish Asia tổ chức ở Manila (Philippines), có sự tham dự của đại diện Thông tấn xã Việt Nam, diễn giả Asha Phillips – sáng lập trang chuyên về theo dõi tin tức trên mạng xã hội Crowdynews – đã đưa ra một thông tin khiến nhiều người hào hứng: Lần đầu tiên, lượng người đọc (tại Mỹ) tin tức qua mạng xã hội đã vượt công cụ tìm kiếm. Như thế, có thể coi là trên lĩnh vực chuyển tải thông tin, Facebook đã chiến thắng Google.

Cũng ở hội nghị này, một đại diện của trang Buzz Feed đang nổi đình đám ở thời điểm đó đã lên chia sẻ cách thức tạo thông tin lan tỏa mạnh (viral) trên mạng xã hội, coi đó như hướng đi chủ đạo của báo chí trong kỷ nguyên mà truyền thông xã hội lên ngôi.

Lúc đó, tờ báo nào chưa lập fanpage, chưa chú trọng đưa nội dung lên Facebook sẽ bị coi như chậm chân, cầm chắc thất bại trong việc tranh giành độc giả.

Liệu sẽ có trào lưu
Liệu sẽ có trào lưu “di cư” khỏi Facebook?

Nhận định ấy cũng trùng với thời điểm Facebook bắt đầu triển khai Instant Article (IA), nền tảng đọc báo nhanh có lúc được coi như công cụ dẫn dắt xu thế. Tưởng như, đó sẽ là một cuộc hôn phối ngọt ngào, bởi Facebook không chỉ đem lại lượng độc giả lớn, mà còn cả doanh thu cho báo chí trong thời buổi khó khăn.

Song, niềm vui ngắn chẳng tày gang.

Chỉ đến tháng 1/2018, theo Business Insider, trong số 72 cơ quan báo chí đầu tiên được Facebook mở tính năng xuất bản trên IA thì chỉ còn lại 38 tờ báo còn tiếp tục gắn bó với nền tảng này. Ở Việt Nam, không có con số chính xác, nhưng nhiều tờ báo lớn cũng rút khỏi Facebook. Không chỉ dừng sử dụng IA mà còn đóng cửa, hoặc hạn chế đưa bài lên fanpage.

Trong số 72 cơ quan báo chí đầu tiên được Facebook mở tính năng xuất bản trên IA thì chỉ còn lại 38 tờ báo còn tiếp tục gắn bó với nền tảng này.

Theo Digiday, có nhiều lý do để các tờ báo đưa ra quyết định như vậy, liên quan đến chiến lược phát triển, doanh thu thấp hơn dự kiến, hay thậm chí cả lý do chính trị (thiếu công cụ lọc bình luận như YouTube). Song tựu chung lại, thì Facebook đã không tạo ra một sân chơi bình đẳng như họ từng hứa hẹn, như nhận xét của một đồng nghiệp làm báo online kỳ cựu.

Theo lời người đồng nghiệp này thì tờ báo của anh đã tốn khá nhiều chi phí cho Facebook để phát triển fanpage, tăng lượt tương tác, lượt người đọc. Tuy nhiên, ngay cả khi chấp nhận mất tiền thì trang báo của anh vẫn ì ạch, bởi mạng xã hội này liên tục thay đổi thuật toán, thậm chí là hàng tuần, khiến việc nắm bắt xu thế, phát triển bạn đọc gặp nhiều khó khăn.

Bản thân Facebook cũng không giấu diếm việc họ quay lưng với báo chí, như thế họ muốn vùi dập tất cả để trở thành tờ báo quyền trên môi trường mạng. Trong một bài viết đăng trên mục Blog vào tháng 1/2018, nhà sáng lập đồng thời là CEO của Facebook Mark Zuckerberg nói rằng mạng xã hội này sẽ chỉnh sửa lại News Feed, ưu tiên các nội dung chia sẻ của bạn bè, đồng thời giảm thời lượng xuất hiện của các nhà xuất bản tin tức.

Vụ bê bối liên quan đến công ty Cambridge Analytica đã để lộ ra nhiều điểm yếu chí tử của Facebook (Nguồn: Getty)
Vụ bê bối liên quan đến công ty Cambridge Analytica đã để lộ ra nhiều điểm yếu chí tử của Facebook (Nguồn: Getty)

Nhưng sự thật có phải như vậy? Anh bạn đồng nghiệp của người viết lấy một ví dụ cụ thể, dù cố gắng liên tục tương tác với các fanpage của nhiều tờ báo, cả trong lẫn ngoài nước để nắm bắt thông tin, nhưng News Feed của anh vẫn thường hiển thị chủ yếu là thông tin của các tài khoản bán hàng. Và đương nhiên, những tài khoản bán hàng này thường xuyên chạy quảng cáo trên Facebook! Nghĩa là Facebook ruồng rẫy báo chí, nhưng cũng chẳng ưu tiên cho chúng ta chia sẻ tâm tư, mà họ chỉ nhăm nhăm kiếm tiền.

Sau vụ bê bối thu thập dữ liệu người dùng của Facebook và công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica, nhà bình luận xã hội uy tín người Anh Piers Morgan công khai gọi Zuckerberg là “kẻ tham lam.” Dường như Zuckerberg quá coi trọng việc tăng lợi nhuận hơn là duy trì tinh thần của một sân chơi tinh khôi như khi khởi nghiệp tại ký túc xá của trường Đại học Harvard.

Dường như Zuckerberg quá coi trọng việc tăng lợi nhuận hơn là duy trì tinh thần của một sân chơi tinh khôi như khi khởi nghiệp tại ký túc xá của trường Đại học Harvard. 

Trong khi đó, trang Chartbeat đưa ra một thống kê đáng chú ý: Trong sự cố sập mạng lịch sử kéo dài 45 phút của Facebook hôm 3/8/2018, lượng người đọc trực tiếp tại các trang tin tức tăng lên 11%, thậm chí là 22% với phiên bản mobile.

Những số liệu mới nhất cũng cho thấy, sau khi bị Facebook vượt mặt vào một thời điểm của năm 2016, Google đã giành lại ngôi vị số 1 trong cuộc cạnh tranh về phân phối tin tức (và cả quảng cáo) với đối thủ không đội trời chung trong lĩnh vực công nghệ. Nghĩa là lượng người đọc tin tức từ công cụ tìm kiếm của Google đã cao hơn lượng người đọc qua nền tảng mạng xã hội. Thêm một lý do để báo chí nói lời chia tay Facebook.

“Mark ạ, mọi người đột nhiên không còn tin cậu nữa”, nhà bình luận Morgan nhận xét, trong khi hashtag #deletefacebook lọt vào “top trending” trên Twitter.

Nhưng đó cũng chưa phải là điều tệ hại nhất của Facebook.

Khi Facebook thành cái nôi của tin giả

Ở trên, chúng ta đã nhắc đến vụ bê bối Cambridge Analytica, khi Facebook cho phép không chỉ một, mà nhiều công ty khác lén thu thập dữ liệu người dùng, vi phạm những điều luật về bảo vệ nhân thân của nhiều quốc gia. Nhưng nghiêm trọng hơn là dữ liệu bị đánh cắp đã trở thành công cụ chính trị được sử dụng nhằm làm sai lệch nhận thức của các cử tri trong các cuộc bầu cử, từ Mỹ cho tới nhiều quốc gia châu Âu.

Gần đây nhất, tháng 8/2018, mạng xã hội lớn nhất thế giới còn thừa nhận lén tiếp cận nội dung hội thoại của người dùng ứng dụng Messenger.

Mark Zuckerberg phải ra điều trần trước một ủy ban thuộc Quốc hội Mỹ vào tháng 4/2018 do bê bối thu thập dữ liệu người dùng (Nguồn: Getty)
Mark Zuckerberg phải ra điều trần trước một ủy ban thuộc Quốc hội Mỹ vào tháng 4/2018 do bê bối thu thập dữ liệu người dùng (Nguồn: Getty)

Giữa các bê bối ấy là những lần ông chủ Zuckerberg cùng dàn lãnh đạo Facebook phải ra điều trần trước quốc hội Mỹ, hay bị nhiều chính phủ khắp thế giới trừng phạt, hoặc hạn chế dịch vụ vì phát tán fake-news (tin giả), trốn thuế v.v…

Cho dù liên tục cam kết, hay đưa ra những công cụ để ngăn chặn tin giả, song những nỗ lực của Facebook vẫn như muối bỏ bể. Nói chính xác hơn, tin giả được phát tán như virus là do chính cơ chế của Facebook.

Trên tờ Chicago Tribune, nhà phân tích Christoph Aymanns cho rằng các công ty truyền thông xã hội lớn có thể chống lại tin tức giả bằng cách ngăn các nhà quảng cáo nhắm đến người dùng trên cơ sở quan điểm chính trị, hoặc thậm chí bằng cách đình chỉ tất cả quảng cáo chính trị trong các chiến dịch bầu cử. Nhưng điều này có thể là không thể, do tầm quan trọng của việc quảng cáo như vậy đối với doanh thu của mạng xã hội này.

Năm 2018 là năm bê bối của Facebook, vậy mà họ vẫn lãi kỷ lục với doanh thu riêng quý 4 là 16,9 tỷ USD. 

Năm 2018 là năm bê bối của Facebook, vậy mà họ vẫn lãi kỷ lục với doanh thu riêng quý 4 là 16,9 tỷ USD. Trong số này, hẳn có phần đáng kể từ thị trường Việt Nam, nơi ước tính có khoảng hơn 60 triệu tài khoản Facebook!

Vậy nhưng, những nỗ lực ngăn chặn tin giả của mạng xã hội này lại quá hời hợt. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tỷ lệ đáp ứng của Facebook trước yêu cầu ngăn chặn “thông tin xấu độc” chỉ là từ 70-75%, thấp hơn nhiều so với Google (85%).

Tin tức giả liên quan đến vụ bé trai tử vong trên xe buýt của trường Gateway, được đăng trên một trang báo phát hành qua nền tảng Instant Article của Facebook. 
Tin tức giả liên quan đến vụ bé trai tử vong trên xe buýt của trường Gateway, được đăng trên một trang báo phát hành qua nền tảng Instant Article của Facebook. 

Chỉ bằng cảm quan thông thường, người dùng Facebook cũng dễ dàng nhận thấy quá nhiều lỗ hổng của Facebook trong việc ngăn chặn tin giả. Nếu như trước đây, ngay cả các báo lớn cũng phải chờ đợi để Facebook phê duyệt sử dụng Instant Article thì giờ đây, bất kỳ một trang mạng nào, thậm chí là blog cá nhân, cũng có thể đăng ký dịch vụ này, gây ra sự ngộ nhận cho người đọc.

Trong các vụ việc thu hút sự chú ý của dư luận gần đây, từ vụ tàu Hải Dương 008 của Trung Quốc đến các vụ học sinh tử vong trên xe đưa đón của trường Gateway, người dùng Facebook dễ dàng bắt gặp nhan nhản trang Instant Article giả mạo báo chính thống đăng tải thông tin bịa đặt, nhẹ thì nhằm câu view, qua đó lấy tiền quảng cáo, nặng thì nhằm bôi nhọ chính quyền, kích động dư luận.

Tất cả đều bị Facebook làm ngơ, nhằm tối ưu hóa mục đích kiếm tiền của mạng xã hội này.

Điều đáng nói hơn nữa là trong kỷ nguyên của Big Data (dữ liệu lớn) như hiện nay, không một cơ quan nào của chúng ta nắm giữ nhiều dữ liệu của người dùng Việt Nam như Facebook. “Bây giờ những thông tin mà họ thu thập được thì mới dùng để quảng cáo nhưng trong trường hợp đặc biệt dùng sẽ vào việc khác và có thể nguy hiểm đến an ninh”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cảnh báo.

Nếu như trước đây, ngay cả các báo lớn cũng phải chờ đợi để Facebook phê duyệt sử dụng Instant Article thì giờ đây, bất kỳ một trang mạng nào, thậm chí là blog cá nhân, cũng có thể đăng ký dịch vụ này, gây ra sự ngộ nhận cho người đọc.

Điều đó cho thấy, việc quản lý Facebook, hay thậm chí là thay thế nó bằng một mạng xã hội của Việt Nam là điều hoàn toàn nghiêm túc. Dĩ nhiên, Việt Nam cần tuân thủ các cam kết quốc tế, song chúng ta cũng không thể làm ngơ khi chủ quyền trên không gian mạng bị xâm phạm, hoặc bị thế lực bên ngoài điều khiển.

Và đó sẽ là một câu chuyện dài, cần sự chung tay của nhiều bộ, ban ngành, trong đó có cả những người làm truyền thông như chúng ta!

Mạng xã hội Lotus do công ty VCCorp phát triển sẽ chính thức ra mắt vào tháng 9/2019.
Mạng xã hội Lotus do công ty VCCorp phát triển sẽ chính thức ra mắt vào tháng 9/2019.