Người thầy ‘đòn roi’

harrison-1550477725-46.jpg

Năm 2017, cháu nội của Eric Harrison, Joseph, lên một kế hoạch. Anh lấy điện thoại của người ông và tìm số của những tên tuổi bóng đá một thời mà Eric còn lưu giữ. Anh gửi tin nhắn đến những Ryan Giggs, Gary Neville, Paul Scholes và David Beckham, báo với họ rằng người ông của anh, HLV đội trẻ ngày trước của Manchester Utd, đang lâm bệnh nặng. Eric mắc chứng suy giảm trí tuệ. Và Joseph hy vọng họ sẽ đến thăm người ông tội nghiệp.

Không nhận ra cả Beckham!

Tất cả đều đến. Đầu tiên là Giggs. Rồi đến Neville và Scholes. Cuối cùng là Beckham. Số 7 huyền thoại của Old Trafford đi quãng đường 200 dặm bằng ôtô từ London đến Halifax để gặp người đàn ông mà anh miêu tả là một trong những người có ảnh hưởng nhất đến sự nghiệp của mình. Beckham mang theo một chiếc bánh cà rốt xinh xắn, do tự tay anh và các con trai nướng, cùng một chai whisky.

“Anh kia cởi giày ra,” Eric nói với về phía Beckham. David bị sốc khi chứng kiến người thầy năm nào tiều tuỵ và không còn nhận ra đám học trò xưa. Ấy vậy mà anh vẫn ngồi hàng giờ liền với Eric, nắm chặt tay ông, mỉm cười. Khi Beckham rời căn nhà của Eric để chuẩn bị lái xe 200 dặm trở về London, anh không kìm được nước mắt.

“Anh kia cởi giày ra,” Eric nói với về phía Beckham. David bị sốc khi chứng kiến người thầy năm nào tiều tuỵ và không còn nhận ra đám học trò xưa.

Đó là một mẩu chuyện từng được cây bút Oliver Kay kể lại trên tờ The Times vào tháng 7 năm 2017, câu chuyện về những thành viên Thế hệ ’92 của Man Utd cùng nhau đếm thăm Eric Harrison, người đã góp công rất lớn trong việc tạo nên thế hệ lừng danh này của lịch sử Quỷ đỏ.

Beckham, anh em nhà Neville và ông thầy Eric Harrison bên chiếc Cúp FA Trẻ
Beckham, anh em nhà Neville và ông thầy Eric Harrison bên chiếc Cúp FA Trẻ

Ngày 13/2 vừa qua, Eric Harrison trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 81 sau một thời gian dài mắc bệnh suy giảm trí tuệ. Những thành viên ’92 năm nào là những người đầu tiên được báo tin và tất cả đều bày tỏ sự tiếc thương theo cách riêng đến gia đình Eric.

Từ câu chuyện năm 2017, cho đến sự tri ân được dành cho Eric Harrison, đủ để thấy sức ảnh hưởng của ông đối với những Giggs, anh em nhà Neville, Scholes, Butt hay Beckham, và mở rộng ra là cả bóng đá Anh. Thậm chí, những cầu thủ dù không thành danh, nhưng đã từng trải qua những tháng ngày được Eric dạy bảo khi còn học tập tại The Cliff, sẽ luôn nhớ ơn người đàn ông này.

Vicky, cô con gái của Eric Harrison, kể lại rằng khi Beckham và các đồng đội năm xưa đến thăm cha cô vào năm 2017, nhưng Eric không nhận ra một ai trong số họ. Chứng suy giảm trí tuệ được chẩn đoạn vào năm 2014 đã trở nên quá nặng với Eric, nó khiến khả năng giao tiếp và khả năng ngôn ngữ của ông tệ đi theo thời gian, trí nhớ và nhận thức cũng giảm dần, khiến ông chỉ còn nhận ra những người thân trong gia đình. Nhưng ở chiều ngược lại, các chàng trai Man Utd năm xưa vẫn luôn giữ sự kính trọng, e sợ khi đứng trước mặt Eric.

Các thành viên Thế hệ '92 tái hợp trên thảm đỏ trong bộ phim tài liệu về họ. Tất cả đều e sợ khi đứng trước mặt Eric (Nguồn: AFP/Getty)
Các thành viên Thế hệ ’92 tái hợp trên thảm đỏ trong bộ phim tài liệu về họ. Tất cả đều e sợ khi đứng trước mặt Eric (Nguồn: AFP/Getty)

Eric, đối với họ, từng là một người thầy đầy gai góc; nhưng nếu không có ông, Thế hệ ’92 sẽ không tồn tại.

Thỏa thuận với Sir Alex

Eric Harrison học để lấy bằng huấn luyện trong suốt sự nghiệp cầu thủ bôn ba của mình, vì ông tin mình sẽ dạy đá bóng tốt hơn là chơi bóng. Ông bắt đầu sự nghiệp ấy ở Everton và đến Man Utd theo lời mời người bạn Ron Atkinson trong vai trò huấn luyện viên đội trẻ vào năm 1981.

Năm 1986, khi Sir Alex Ferguson ngồi vào ghế nóng đội chủ sân Old Trafford, Eric vẫn được giữ lại và được giao trọng trách to lớn: khiến các câu lạc bộ khác phải ghen tỵ với hệ thống đào tạo trẻ của Quỷ đỏ. Thời kỳ này, Manchester City vừa vô địch FA Youth Cup và Ferguson cảm thấy công tác đào tạo trẻ của Man Utd gặp vấn đề. Eric tin rằng mấu chốt của vấn đề nằm ở công tác tuyển trạch hơn là đào tạo.

“Thoả thuận thế này nhé!” Eric nói với Ferguson – “Ông mang cho tôi những cầu thủ chất lượng, tôi sẽ giúp ông có nhiều gương mặt trẻ ở đội một.” Phần còn lại trở thành lịch sử, nhờ vào bàn tay của Eric Harrison, Brian Kidd, Nobby Stiles và những con người khác. Sản phẩm tiêu biểu nhất chính là Thế hệ ’92, trái tim cho cú ăn 3 vào năm 1999 của Quỷ đỏ.

“Thoả thuận thế này nhé!” Eric nói với Ferguson – “Ông mang cho tôi những cầu thủ chất lượng, tôi sẽ giúp ông có nhiều gương mặt trẻ ở đội một.” Phần còn lại trở thành lịch sử.

Vào tháng 5/2017, Man Utd vinh danh Thế hệ ’92. CLB mời tất cả các cầu thủ và HLV thời kỳ này đến Old Trafford để kỷ niệm 25 năm chức vô địch FA Youth Cup. Gia đình Eric thay mặt ông nhận danh hiệu.

Sir Alex Ferguson khi ấy cùng ngồi riêng với họ, ông giải thích về di sản to lớn mà Eric để lại cho lịch sử CLB. “Một trong những huấn luyện viên xuất sắc nhất thế hệ, Eric góp tay tạo nên Man Utd,” Sir Alex nói như vậy.

Eric Harrison và Sir Alex Ferguson (Nguồn: Getty)
Eric Harrison và Sir Alex Ferguson (Nguồn: Getty)

Đối với Eric Harrison, ông luôn xem công việc của mình tại Man Utd là công việc tuyệt vời nhất thế giới. Ở đấy, Eric làm việc với những cầu thủ trẻ xuất sắc nhất nước Anh. Ông bảo rằng mình không dạy họ những kỹ năng mới, mà thay vào đó là dạy họ những thói quen tốt cùng những giá trị đúng đắn. Những Giggs, Beckham hay Scholes đã mang sẵn tài năng lớn, thử thách được đặt ra là giúp mài giũa những cầu thủ này thành những viên ngọc sáng để tồn tại và thành công ở đội một.

“Luôn quan sát đó và đây, luôn ngoảnh đầu sang vai quan sát trước khi nhận bóng. Nếu tôi không thấy các cậu làm như vậy, đừng hòng được tôi cho ở lại trên sân tập.” Cách Scholes quét mặt sân trước khi nhận bóng chính là bài học mà Eric đã dạy anh cùng các đồng đội hàng ngày, đến mức thuần thục và trở thành chế độ tự động.

‘Thôi chuyền bóng cái kiểu Hollywood ấy đi.’

Nhưng chơi bóng bằng cái đầu chỉ là một phần trong bài học của Eric. Mỗi cầu thủ, phải chơi bóng cả bằng con tim. “Không phải cái huy hiệu các cậu mang trên ngực, mà là thứ bên dưới nó. Nếu các cậu khoác lên mình huy hiệu Man Utd nhưng lại không chiến đấu hết mình, tôi sẽ cởi nó ra và đừng nghĩ đến việc mặc lại nó.”

Khi nhắc về Eric, Beckham luôn nhớ về hình ảnh người thầy dõi theo anh trên sân tập từ phòng làm việc: “Tôi vẫn có thể nhìn thấy ông ấy khi chúng tôi tập luyện tại The Cliff. Ông ấy hoặc đang nhìn chúng tôi với nụ cười thoả mãn, hoặc đấm vào cánh cửa sổ ầm ầm và nếu không còn nhìn thấy ông ấy qua cửa sổ, chắc chắn ít phút sau Eric sẽ có mặt trên sân tập nhắc nhở tôi hết sức lịch sự, ‘Thôi chuyền bóng cái kiểu Hollywood ấy đi.’ Quan trọng vẫn là, ông ấy giúp chúng tôi hiểu rõ thế nào là thành quả của lao động miệt mài và học cách tôn trọng người khác không chỉ trên sân. Sẽ có những bài học cuộc đời từ Eric mà chúng tôi không bao giờ quên.”

“Không phải cái huy hiệu các cậu mang trên ngực, mà là thứ bên dưới nó. Nếu các cậu khoác lên mình huy hiệu Man Utd nhưng lại không chiến đấu hết mình, tôi sẽ cởi nó ra và đừng nghĩ đến việc mặc lại nó.”

“Trong hay ngoài sân, từ cái cách bạn nói chuyện với nhân viên phòng thay đồ hay các cô nhân viên ở căng-tin, cái cách bạn ăn mặc, hay quản lý thời gian biểu của bản thân, ông ấy đều mang đến những giá trị theo chúng tôi đến hết cuộc đời,” Phil Neville, giờ đang dẫn dắt đội nữ tuyển Anh, cũng cùng chung suy nghĩ như Beckham. “Giờ tôi đang làm một HLV và những tiêu chuẩn mà tôi đang cố gắng truyền lại cho các cầu thủ cũng là những tiêu chuẩn ông ấy từng dạy tôi. Tôi sẽ luôn nợ ơn Eric đến hết đời.”

Bản thân Phil Neville còn có một câu chuyện của riêng mình về Eric Harrison. Một câu chuyện lột tả hết sự tận tuỵ và yêu nghề từ Eric.

Từ trái qua là Phil Neville, Nicky Butt, Ryan Giggs, Eric Harrison, Gary Neville, Paul Scholes và Beckham với chiếc Cúp Champions League năm 1999. (Nguồn: Instagram của Beckham)
Từ trái qua là Phil Neville, Nicky Butt, Ryan Giggs, Eric Harrison, Gary Neville, Paul Scholes và Beckham với chiếc Cúp Champions League năm 1999. (Nguồn: Instagram của Beckham)

Một ngày nọ, Phil nhận được dòng tin nhắn từ Eric, kèm theo yêu cầu gọi lại ngay lập tức. Bấy giờ, ông đang xem anh thi đấu. Phil có một động tác quay lưng trong nỗ lực theo kèm Thierry Henry. Điều đó làm Eric không hài lòng. “Tôi từng nói với anh bao lần rồi?!” Eric mắng mỏ cậu học trò năm xưa qua dòng tin nhắn, nhắc lại những bài học mà ông cất công chỉ bảo trên sân tập The Cliff.

Điều đáng nói, thời điểm đó, Phil không còn mang trên mình màu áo Man Utd. Phil 31 tuổi và đang mang băng thủ quân Everton, với 59 lần khoác áo Tam Sư. Trận đấu ấy, Everton của Phil đánh bại Arsenal 3-1 ở Goodison Park. Nhưng đó không phải là vấn đề với Eric Harrison, ông từng dạy Phil Neville và ông muốn những tiêu chuẩn phải được duy trì. “Tôi ở ngần đó tuổi mà ông ấy vẫn không buông tha,” Phil kể. “Nhưng tôi chỉ cảm thấy mình thật may mắn vì đã gặp được Eric.”

Sân cỏ và Cuộc đời

Những bài học trên sân cỏ và những bài học cuộc đời được Eric dạy theo cách cổ điển: mắng mỏ, gay gắt. Eric khiến đám trẻ ngày trước phải sợ ‘đái ra quần,’ nhưng cũng giúp họ thêm kiên cường và quyết tâm. Ryan Giggs từng gọi Eric là “thượng sĩ” và miêu tả trong quyển tự truyện của mình rằng những cầu thủ trẻ tập luyện với Eric cảm giác như thể họ đang gia nhập quân ngũ.

Trong một bài viết mới đây trên tờ Telegraph để tri ân Eric, Giggs gọi The Cliff của ngày xưa với hình ảnh Eric không khác gì bộ phim “Rocky IV.” Gary Neville thì tiết lộ Eric có lúc bật luôn cả Ferguson.

Ryan Giggs từng gọi Eric là “thượng sĩ” và miêu tả trong quyển tự truyện của mình rằng những cầu thủ trẻ tập luyện với Eric cảm giác như thể họ đang gia nhập quân ngũ. Gary Neville thì tiết lộ Eric có lúc bật luôn cả Ferguson.

Với thế hệ cầu thủ trẻ ngày nay, chắc chắn cách giáo dục đó không còn phù hợp. Một phần cũng vì, những cầu thủ bây giờ nắm trong tay nhiều quyền lực hơn. “Đám cầu thủ bây giờ toàn lũ yếu đuối. Tôi ước gì Eric có thể nắm đầu và dần chúng nó như cách ông ấy từng dần chúng tôi,” Phil Neville nói thế. Còn Beckham thì bảo, “Một vài cầu thủ trẻ bây giờ tỏ ra ta đây khi ký hợp đồng cho một CLB lớn nào đó. Thời chúng tôi không có chuyện đó. Mà dù nếu có, Eric sẽ dạy cho họ bài học.”

Khắc nghiệt là thế, nhưng Thế hệ ’92 đều hiểu rằng nếu không có Eric, họ sẽ không thể tìm ra giới hạn của bản thân và gặt hái thành công. Eric Harrison không huấn luyện chỉ bằng cây gậy, ông còn có cả củ cà rốt. Đó là cả một nghệ thuật, Eric là nguồn đốc thúc và cũng là nguồn động viên các cầu thủ.

Thành công của Eric không chỉ là phát triển những Giggs, Beckham hay Scholes thành những ngôi sao tầm cỡ thế giới. Ông còn giúp những cầu thủ kém nổi bật hơn như Gary và Phil Neville, Nicky Butt và Wes Brown duy trì khát khao chiến thắng và tinh thần chiến đấu suốt cả sự nghiệp. “Eric có thể sở hữu một lứa tài năng để làm việc, nhưng rõ ràng ông ấy đã có công lao rất lớn giúp chúng tôi trở thành những cầu thủ chuyên nghiệp và biến chúng tôi thành một tập thể đoàn kết,” Beckham nói.

Eric Harrison (bìa trái) trong một lần tái ngộ với các cầu thủ Manchester United
Eric Harrison (bìa trái) trong một lần tái ngộ với các cầu thủ Manchester United

Tuy nhiên, không phải chỉ có những cầu thủ từng bước lên đội một Man Utd mới nhớ ơn Eric Harrison. Robbie Savage là một thành viên của lứa ’92 Man Utd. Anh phải ra đi trước khi có cơ hội được chơi cho đội một. Savage sợ rằng cánh cửa ra đi ấy sẽ chỉ dẫn anh đến bãi phế thải của bóng đá. Nhưng rồi, Eric Harrison gửi đến anh một lá thư. Trong thư, Eric động viên Savage và bảo anh không được đầu hàng.

“Eric, bên cạnh gia đình, là những người trở thành lý do để tôi không bỏ cuộc,” Savage nhớ lại. Về sau, Savage tạo lập sự nghiệp ở Crewe trước khi đến Leicester và Birmingham, chứ không phải những bãi phế thải.

Có hai Eric!

Nhẫn tâm và lòng trắc ẩn tồn tại trong con người bóng đá của Eric. Eric của bóng đá thường là sự nhẫn tâm. Nhưng như cô con gái Vicky của ông cho biết, “Eric yêu quý các cầu thủ, những người thành công tại Man Utd lẫn những người phải ra đi. Ông chưa từng nói tệ về một ai. Có thể ông tỏ ra hà khắc nhưng giữa ông và họ có một mối quan hệ thầy trò rất bền vững.”

Cũng theo lời kể của Vicky, Eric yêu cái công việc mình làm cực kỳ, nhưng đã là công việc thì sẽ luôn tồn tại những khía cạnh đôi lúc khiến ta cảm thấy không hài lòng. Eric ghét phải nói lời chia tay với một học trò nào đó. Ông ghét phải chứng kiến họ không đến được với cánh cửa đội một.

Raphael Burke từng là một gương mặt tài năng của lứa ’92, nhưng trở thành quên lãng khi không thể lên đội một. Anh rời bỏ bóng đá, làm văn phòng rồi buôn bán tạp hoá trước khi trở lại với bóng đá – làm công tác đào tạo trẻ ở Bristol City. Burke trong một dịp đã tâm sự với Vicky rằng anh cảm thấy Eric ngày trước từng quá khắt khe với mình khi liên tục thúc anh phải mạnh mẽ hơn, phải khát khao hơn. Phải đến vài năm sau, Burke mới nhận ra Eric đã đúng.

Eric Harrison (1938-2019)
Eric Harrison (1938-2019)

Những gian lao mà Eric để các cầu thủ trẻ Man Utd ngày đó trải qua, là sự chuẩn bị cho họ, là sự mô phỏng những khó khăn ở đội một mà họ có thể đối mặt, lẫn những cú đấm mà cuộc đời ban tặng họ.

Những gian lao mà Eric để các cầu thủ trẻ Man Utd ngày đó trải qua, là sự chuẩn bị cho họ, là sự mô phỏng những khó khăn ở đội một mà họ có thể đối mặt, lẫn những cú đấm mà cuộc đời ban tặng họ.

Eric gai góc trong mắt các cầu thủ, nhưng Eric của gia đình thì lại là một con người khác. Cũng năm 2017 khi David Beckham và những đồng đội cũ đến thăm ông, Vicky kể với họ từ khi bị chứng mất trí nhớ, cha cô bắt đầu chửi tục. Beckham nghe thế liền nói: “BẮT ĐẦU chửi tục hả? Từ hồi chúng tôi còn tập với Eric, cứ lời nào ông ấy thốt ra cũng có từ F***!”

“Tôi biết, nhưng khi ở nhà, cha tôi không bao giờ như thế cả,” Vicky chia sẻ. “Có hai con người trong ông ấy. Một của bóng đá và một của gia đình. Những đồng đội năm xưa thường gọi cha tôi là ‘gã tiều phu’, nhưng ở nhà ông ấy rất hiền lành, điềm tính; một người đàn ông dễ thương, một người cha đáng yêu. Ông ấy chẳng bao giờ dám mở miệng chửi thề trước mặt chúng tôi cả.”

Mặc dù vậy, bóng đá luôn là nỗi ám ảnh với Eric. Trong ngày cưới của mình tháng 10 năm 1962, Eric tuyên thệ với người vợ Shirley vào buổi trưa, khoảng 2 giờ đồng hồ sau, ông biến mất. Hoá ra, Eric cùng các đồng đội tại Halifax ra sân chơi trận đấu trước Shrewsbury Town. Ngày cô con gái Kim của ông chào đời, Eric không có mặt bên cạnh người vợ. Bấy giờ, ông cũng đang ở bệnh viện, nhưng được chữa trị vì một chấn thương vùng đầu trong một trận bóng.

Sẽ là trọn cuộc đời…

Tình yêu với bóng đá thời kỳ đó dường như đã ảnh hưởng đến Eric Harrison về sau. Trường hợp của Eric chỉ là một trong số rất nhiều các ca thoái hoá nhận thức não bộ được Liên đoàn bóng đá Anh ghi nhận ở những cựu cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Cùng với Eric Harrison, còn có Jeff Astle, Nobby Stiles, Martin Peters, Ray Wilson, Stan Bowles hay Jimmy Hill. Một sự trùng hợp đáng sợ.

Trường hợp của Eric chỉ là một trong số rất nhiều các ca thoái hoá nhận thức não bộ được Liên đoàn bóng đá Anh ghi nhận ở những cựu cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. 

“Tôi đã từng có suy nghĩ đó. Nhưng không chỉ cha tôi, mà cả ông tôi cũng bị như thế. Tôi đã từng có cảm giác rằng nguyên nhân là vì bóng đá. Vì rõ ràng quả bóng làm bằng da thuộc ngày xưa, với các đường may rất dày trên đó, chúng chẳng tốt lành gì,” Vicky tâm sự. “Nhưng tôi không biết nữa, liệu đó là vì bóng đá hay vì di truyền. Nếu ông tôi không bị, tôi sẽ nói ngay đó là vì bóng đá. Tôi chỉ hy vọng sẽ có những đột phá và hy vọng cho những đứa con tôi sau này.”

Dù nguyên nhân có là bóng đá hay không, thì nó cũng đã theo Eric Harrison đến gần hết cuộc đời. Sẽ là trọn cuộc đời nếu không có chứng bệnh quái ác kia. “Bóng đá đã luôn là đam mê lớn nhất của cha tôi,” Vicky kể. “Ông ấy có thể dừng mọi thứ lại để xem bất kỳ trận bóng nào trên TV. Nhưng rồi, điều tuyệt vọng xảy ra khi một ngày nọ cha tôi không còn hứng thú xem bóng đá trên TV nữa. Đó cũng là lúc chúng tôi biết căn bệnh kia đã hoàn toàn làm thay đổi ông. Bóng đá từng là cả cuộc đời của cha tôi.”

Trong những năm tháng cuối cùng của đời người, khi chứng suy giảm trí tuệ dần huỷ hoại tình yêu bóng đá trong con người Eric Harrison, Vicky vẫn còn nhớ hình ảnh cha cô mặc lên người một chiếc áo khoác mũ trùm đầu có logo Manchester Utd ra đường đi dạo. Hễ gặp ai đó đi qua là ông liền dừng họ lại, chỉ vào logo CLB và nói: “Manchester Utd: Thế hệ ’92”.

Những kỷ niệm, dù mù mờ, vẫn còn lưu giữ nơi Eric Harrison. Và di sản ông để lại, thì vẫn tồn tại theo thời gian.

Di sản mà Harrison để lại vẫn sẽ còn được nhắc nhớ đến mãi (Nguồn: PA/Guardian)
Di sản mà Harrison để lại vẫn sẽ còn được nhắc nhớ đến mãi (Nguồn: PA/Guardian)