Emmanuel Macron

emmanuelmac-1492741432-34.jpg

Dù gắn bó chặt chẽ với chính sách kinh tế của Tổng thống François Hollande, ông Emmanuel Macron – cựu Bộ trưởng Kinh tế, Công nghiệp và Kỹ thuật, ứng cử viên của phong trào “ Tiến bước” (En marche!) lại xuất hiện như một người “đứng ngoài hệ thống,” đứng xa các đảng phái và các phe nhóm. Việc báo chí mô tả Macron như là một nhà truyền giáo chính trị không che đậy được quỹ đạo quen thuộc của một nhà kỹ trị mà tài năng đã cho phép ông đốt cháy các giai đoạn.

Ngày 17/3/2015, chương trình nghị sự của ông Emmanuel Macron đã đầy ắp. 7h45, tạp chí Politique internationale chờ ông dự bữa ăn sáng – tranh luận, cùng với một nhóm các ông chủ, nhà ngoại giao và các chính trị gia. Một giờ sau, tại Bộ Tài chính, ông tham gia buổi khai mạc một hội nghị về các công cụ nhà nước hỗ trợ xuất khẩu, với sự tham dự của các viên chức cấp cao và những người lãnh đạo khu vực tư nhân, trước khi hội đàm với các thượng nghị sĩ đảng Xã hội về đề tài luật pháp vì sự tăng trưởng, hoạt động và sự bình đẳng về các cơ hội kinh tế.

Khoảng 13h15, ông gặp lại các vị khách cùng ăn của Nhóm tư vấn chiến lược Cercle Turgot trong một bữa ăn trưa–tranh luận. Chủ tịch đương nhiệm của Cercle Turgot, ông François Perol, đồng thời là chủ Tập đoàn Ngân hàng nhân dân – Quỹ tiết kiệm Pháp, đón ông: “Xin chào Emmanuel. Anh từ Thượng viện đến thẳng đây. Phải chăng có quá nhiều bài báo viết về dự luật của anh? Cũng giống như ngày xưa người ta đã nói có quá nhiều nốt nhạc trong âm nhạc của Mozart, phải không?”

Lời tán tụng này phần nào giống như kiểu “tự tán dương mình,” bởi con đường công danh của ông Macron giống với con đường của ông Perol: xuất thân trong những gia đình thầy thuốc, tốt nghiệp Trường Hành chính quốc gia Pháp, từng làm việc trong lĩnh vực thanh tra tài chính, rồi Ngân hàng Rothschild và phủ Tổng thống. Ông Macron đã nhanh chóng tạo được bầu không khí vui vẻ cho các khách mời là các ông chủ tài chính, các nhà báo và các nhà lãnh đạo, và ông đã được họ tôn vinh là thành viên danh dự.

Việc báo chí mô tả Macron như là một nhà truyền giáo chính trị không che đậy được quỹ đạo quen thuộc của một nhà kỹ trị mà tài năng đã cho phép ông đốt cháy các giai đoạn. 

Sau những câu trả lời chất vấn ở Quốc hội, ông đã nán lại để tiếp tục một cuộc trao đổi dài với ông Pierre Gattaz, Chủ tịch Phong trào các doanh nghiệp Pháp. Và tất nhiên, ông gặp ông Richard Bruton, người đồng cấp Ireland. Một chuỗi liên tiếp các cuộc xuất hiện ngắn ngủi trong các giới quyền lực, với mong muốn tạo ấn tượng mạnh nếu không muốn nói là để lại một dấu ấn sâu sắc: Xét về nhiều mặt, ngày 17/3/2015 đó đã cho chúng ta thấy được quỹ đạo của ứng cử viên tổng thống này. Macron vốn mơ ước trở thành nhà sư phạm, nhưng ông lại “hạ cánh” xuống Học viện chính trị Paris (Sciences Po). Tại đây, năm 1999, nhà sử học François Dosse đã giới thiệu ông với nhà triết học Paul Ricoeur – khi đó đang tìm kiếm một trợ lý để hoàn thành bản thảo cuốn sách “Ký ức, lịch sử, sự lãng quên”.

Sự hợp tác này đã mở ra cho chàng sinh viên Macron những cánh cửa của Esprit, một tạp chí thân cận với “cánh tả thứ hai” ủng hộ kế hoạch cải cách an sinh xã hội của Thủ tướng Alain Juppé vào năm 1995. Ở đó, Alain Juppé đã lý thuyết hóa khái niệm của ông về “thực thi quyền lực”: Lời nói cũng như hành động chính trị không chỉ còn nằm trong một cương lĩnh mà người ta đưa ra để tranh cử và sẽ áp dụng trong 5 năm của nhiệm kỳ tổng thống. Về mặt chính trị, theo Macron, cần có một tầm nhìn hơn là một danh mục các biện pháp.

Chính nhờ quan hệ gần gũi với các trụ cột của “cánh tả thứ hai,” Macron đã tìm thấy hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho sự cam kết của ông. Dưới tác động của cạnh tranh chính đáng Là thực tập sinh của Trường Hành chính quốc gia tại vùng Oise, vào mùa Thu 2002, Macron đã kết bạn với Henry Hermand. Làm giàu trong lĩnh vực bất động sản thương mại, doanh nhân Henry Hermand (qua đời năm 2016) là một trong những gương mặt nổi bật bảo trợ cho một cánh tả Cơ đốc giáo và có tư tưởng chống chủ nghĩa cộng sản, chống chủ nghĩa thực dân và chống trường phái Jacobin.

Tiếp đó, vào năm 2007, ông Jean-Pierre Jouyet, thanh tra tài chính, người được Tổng thống Nicolas Sarkozy bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề châu Âu, đã tiến cử Macron trẻ tuổi và đầy triển vọng cho ông Jacques Attali. Jacques Attali, nguyên cố vấn của cựu Tổng thống Pháp François Mitterrand, đã chỉ định Macron làm Phó báo cáo viên Ủy ban cải thiện tốc độ tăng trưởng Pháp (do ông lãnh đạo khi đó). Người ta nhận thấy ẩn trong văn kiện cuối cùng một quyết tâm vượt lên trên những chia rẽ tầm thường – điều mà từ nay ông Macron nguyền rủa trên mọi diễn đàn.

Ứng viên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc vận động tranh cử ở thành phố miền tây nam Pau ngày 12/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ứng viên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc vận động tranh cử ở thành phố miền tây nam Pau ngày 12/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)

“Đó không phải là một bản báo cáo, cũng không phải là một nghiên cứu, mà là một cách thức tiến hành những cải cách cấp thiết và cơ bản. Nó không phải của một đảng hay hai đảng. Nó không đảng phái.” Những người “không đảng phái” của Ủy ban này công kích “nguồn lợi” từ các tài sản ruộng đất, từ sự thông đồng của những kẻ có đặc quyền, từ việc tuyển dụng giới tinh hoa và họ bảo vệ một dự án xã hội dựa trên sự cạnh tranh và xóa bỏ các quy định. Những đầu óc khôn ngoan này không bằng lòng với việc kêu gọi sự tái định hướng ồ ạt tiền tiết kiệm của người Pháp vào các thị trường cổ phiếu, 6 tháng trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Sự cạnh tranh lan rộng đã tạo ra sự đối lập giữa các bộ phận dân cư: giữa các quan chức và những người làm công ăn lương của khu vực tư nhân, giữa các tài xế taxi tự do và các tài xế Uber. Một thế giới quan như vậy phù hợp với một thanh tra tài chính Macron hoạt bát không chỉ lui tới ban biên tập của tạp chí Esprit, mà còn thường xuyên gặp gỡ các nhân vật có tư tưởng tự do và những người ủng hộ tiến trình xây dựng châu Âu, chẳng hạn tới tổ chức tư vấn chiến lược En temps réel hay tổ chức tư vấn chiến lược Les Gracques. En temps réel được xem như là một “nơi gặp gỡ giữa những nhân vật chủ chốt trong khu vực nhà nước và tư nhân mong muốn so sánh những trải nghiệm của họ với những phân tích, phục vụ cho việc xây dựng những nền tảng tri thức mạnh mẽ cho một lịch trình cải cách”. Còn Les Gracques kêu gọi thị trường là “phương tiện để đánh giá các tình hình, các đặc quyền đặc lợi, những lợi tức”.

Khi thành lập phong trào “Tiến bước” vào tháng 4/2016, Macron đã huy động các mối quan hệ mà ông tích lũy được ở từng giai đoạn trong sự nghiệp của mình.

“Lợi tức xã hội” của Macron vẫn tránh được những luồng gió lớn của “chủ nghĩa hiện đại”. Năm 2008, ông Xavier Fontanet – khi đó là Chủ tịch tập đoàn Essilor, ông Serge Weinberg – cựu cố vấn của ông Laurent Fabius, Chủ tịch Quỹ Weinberg Capital Partners, ông Jean-Michel Darrois – luật sư thương mại, và ông Alain Minc – người duy nhất không phải là thành viên của Ủy ban Attali, đã tiến cử Macron với ngân hàng Rothschild. Tại đây, Macron đã có được sự thăng tiến nhanh chóng, nhờ một hợp đồng được ký kết năm 2012 cho tập đoàn Nestlé.

Chủ tịch tập đoàn này, ông Peter Brabeck-Letmathe, trước đó cũng là thành viên của Ủy ban Attali. Năm 2010, ông Attali đã giới thiệu Macron cho François Hollande – khi đó François Hollande không còn lãnh đạo Đảng Xã hội (PS), và ông Dominique Strauss-Kahn hoặc bà Martine Aubry dường như chắc chắn đóng những vai trò hàng đầu trong các cuộc bầu cử sơ bộ năm 2011. Chàng thanh niên trẻ tuổi Macron đã điều phối công việc của các nhà kinh tế như Philippe Aghion (cũng là một thành viên của Ủy ban Attali) nhằm phục vụ công việc của tổng thống sắp lên lãnh đạo.

Sau thắng lợi của cuộc bầu cử Pháp năm 2012, các ông Attali và Jouyet, trở lại sau cuộc phiêu lưu với Sarkozy và một lần nữa thân thiết với Hollande, đã hậu thuẫn Macron ứng cử vào vị trí phó tổng thư ký Phủ tổng thống, phụ trách các vấn đề kinh tế. Năm 2014, vẫn ông Jouyet, với tư cách là tổng thư ký Phủ tổng thống, đã thông báo quyết định bổ nhiệm người được ông che chở vào ghế bộ trưởng.

Được tiến cử vào một thể chế quyền lực bởi một nhân vật có ảnh hưởng, Macron chỉ dành thời gian cần thiết cho việc xây dựng một mạng lưới quan hệ dày đặc, sau đó lại bắt đầu vào một vị trí có uy tín cao hơn. Macron không giữ ghế ở Bercy lâu hơn thời gian ông làm thanh tra tài chính, hay thời gian làm việc cho Ngân hàng Rothschild hay ban thư ký Phủ tổng thống: chưa đầy ba năm. Khi thành lập phong trào “Tiến bước” vào tháng 4/2016, Macron đã huy động các mối quan hệ mà ông tích lũy được ở từng giai đoạn trong sự nghiệp của mình.

Ứng cử viên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cuộc tranh luận trên truyền hình ở La Plaine-Saint-Denis ngày 4/4. (Ảnh: EPA/TTXVN)
Ứng cử viên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cuộc tranh luận trên truyền hình ở La Plaine-Saint-Denis ngày 4/4. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Tại Sciences Po, nơi ông giảng dạy sau khi tốt nghiệp Trường Hành chính quốc gia Pháp (ENA), Macron đã kết bạn với Laurent Bigorgne. Chính tại địa chỉ nhà riêng của ông Bigorgne, Macron đã đặt trụ sở của Phong trào “Tiến bước.” Cuối năm 2010, ông Bigorgne trở thành Tổng giám đốc Viện Montaigne. Macron đã tuyển dụng bà Françoise Holder, đồng giám đốc tập đoàn cùng tên, và sử dụng các dịch vụ của cơ quan truyền thông Little Wing. Song không vì thế mà ông thờ ơ với mưu sĩ không cùng chí hướng: Macron có quan hệ thân cận với Thierry Pech, một cựu lãnh đạo của Liên đoàn Dân chủ Lao động Pháp (CFDT), Tổng giám đốc tổ chức tư vấn chiến lược Terra Nova, một người gần gũi với đảng Xã hội. Các thành viên trước đây của Ủy ban Attali cũng “tiến bước” cùng Macron.

Nhà báo chuyên viết tiểu luận Erik Orsenna là người đi đầu trong việc phát động phong trào này tại chuyên mục Nhà Tương tế (tờ La Tribune, ngày 31/8/2016). Báo cáo viên của Ủy ban Attali, bà Josseline de Clausade, người từng công tác tại Hội đồng nhà nước Pháp trước khi chuyển sang lãnh đạo tập đoàn Casino, ông Jean Kaspar, cựu Tổng thư ký của CFDT và hiện là cố vấn về các chiến lược xã hội, ông Darrois và ông Stéphane Boujnah, Chủ tịch Trung tâm giao dịch chứng khoán Euronext có các chi nhánh tại Amsterdam, Brussels, Lisbon và Paris, đã tham gia cuộc mít tinh tranh cử lớn đầu tiên vào ngày 10/12/2016 tại Porte de Versailles. Vả lại, chính ông Boujnah, Phó Chủ tịch tổ chức En Temps réel, đã giới thiệu người tài trợ tiền cho chiến dịch tranh cử của Macron: Christian Dargnat.

Từng là ông chủ quản lý tài sản của ngân hàng BNP Paribas và ngân hàng Crédit Agricole, Christian Dargnat cũng là người lãnh đạo ban “tiền tệ và hệ thống tiền tệ quốc tế” của nghiệp đoàn doanh nghiệp Pháp (Medef) từ năm 2010 đến năm 2013. Theo báo Les Echos, số ra ngày 27/1/2017, lãnh đạo công ty tư vấn Accenture, ông Pierre Nanterme, người trước đây cũng đã làm việc tại Ủy ban Attali và ban lãnh đạo của Medef – dưới sự chỉ đạo của bà Laurence Parisot – đã tuyên bố rót 7500 euro (mức cao nhất được cho phép) cho phong trào “Tiến bước”.

Ba mươi năm sau khi ông Hollande, ông Jouyet và một số nhân vật đảng Xã hội tích cực khác kêu gọi “cánh tả thay đổi,” Macron đã vượt lên trên các đảng phái để tập hợp những ý tưởng tốt, những năng lực và những phương pháp lãnh đạo đất nước mới nhất.

Về phía nghiệp đoàn, ngoài ông Kaspar ủng hộ Macron, còn phải kể đến ông Piere Ferracci – người đã đưa văn phòng thẩm định chuyên môn Secafi, thuộc Tổng Liên đoàn lao động Pháp (CGT), trở thành tập đoàn Alpha chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn cho các tổ chức công đoàn, những người đại diện cho người lao động và các ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Macron cũng nhận được sự ủng hộ quan trọng của hai người con của ông Piere Ferracci là Marc (con trai) – giáo sư kinh tế, nhà nghiên cứu kiêm giáo sư giảng dạy đề tài “đảm bảo tính bền vững nghề nghiệp” tại Sciences Po, với sự đồng tài trợ của tập đoàn Alpha, công ty việc làm thời vụ Randstad, Trung tâm việc làm và Bộ Lao động Pháp, và Sophie (con dâu) – luật sư thương mại, chánh văn phòng bộ trưởng tại Bercy trước khi tham gia êkíp tranh cử của Macron.

Các cựu thành viên khác của văn phòng bộ trưởng cũng đã gia nhập phong trào “Tiến bước”. Giám đốc văn phòng bộ trưởng, ông Alexis Kohler – thành viên trong ban tài chính của hãng tàu buôn lớn thứ hai thế giới MSC – đã tiếp tục làm cố vấn cho Macron, còn Phó giám đốc văn phòng bộ trưởng, ông Julien Denormandie, dành toàn thời gian cho chiến dịch tranh cử của Macron. Cả Alexis Kohler và Julien Denormandie đều đã làm việc tại văn phòng của ông Pierre Moscovici, ủy viên châu Âu. Theo nhật báo Le Monde, số ra ngày 19/12/2016, cố vấn truyền thông và kinh doanh chiến lược của ông Macron tại Bercy, ông Ishmael Emelien, đã kêu gọi các doanh nghiệp chuyên thu thập và phân tích dữ liệu nhằm đưa ra giải pháp chính trị đáp ứng các nguyện vọng của cử tri!

Người phát ngôn của phong trào “Tiến bước” là ông Benjamin Griveaux – tuy không thuộc văn phòng bộ trưởng, nhưng có đủ những phẩm chất như những thành viên trẻ tuổi của văn phòng này: trình độ cao học (tốt nghiệp Trường đào tạo cấp cao thương mại Paris và Sciences Po), trưởng thành trong cánh hữu của đảng Xã hội (cùng các ông Strauss-Kahn và Moscovici), và làm việc cho văn phòng bộ trưởng (của bà Marisol Touraine).

Ba mươi năm sau khi ông Hollande, ông Jouyet và một số nhân vật đảng Xã hội tích cực khác kêu gọi “cánh tả thay đổi,” Macron đã vượt lên trên các đảng phái để tập hợp những ý tưởng tốt, những năng lực và những phương pháp lãnh đạo đất nước mới nhất. Điều mấu chốt không phải là có một chương trình, mà là tập hợp, từ phe hữu của cánh tả (chẳng hạn Gérard Collomb, thượng nghị sỹ kiêm thị trưởng Lyon) tới phe tả của cánh hữu (như nghị sỹ Quốc hội châu Âu Sylvie Goulard).

Đặc biệt, cần dựa vào sự hỗ trợ của các cá nhân có ảnh hưởng, như cựu ủy viên chiến lược châu Âu Jean Pisani-Ferry, và nhiều chuyên gia khác mà Macron có thể lôi kéo vào hàng ngũ của ông. Tuy nhiên, ông cũng biết những bất lợi của một sự định vị như vậy./.

Ứng cử viên trung dung Emmanuel Macron trong chiến dịch tranh cử tại Marseille, miền nam Pháp ngày 1/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ứng cử viên trung dung Emmanuel Macron trong chiến dịch tranh cử tại Marseille, miền nam Pháp ngày 1/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)