Đường Hồ Chí Minh

coverduong-1557887150-68.jpg

Tuyến lửa huyền thoại

60 năm trước, có con đường đánh dấu mốc lịch sử quan trọng của dân tộc mang tên Đường mòn Hồ Chí Minh. Đây vừa là cầu nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, chi viện sức người và của cho tiền tuyến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là điểm tựa, mắt xích lớn nối các chiến trường ba nước Đông Dương, lại vừa là nơi những người lính cụ Hồ anh dũng, trí tuệ, chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc.

60 năm sau, con đường huyền thoại ấy mang một sứ mệnh mới: Đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; có tầm quan trọng đặc biệt trong tạo đà phát triển cho khu vực rộng lớn phía Tây đất nước.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh (19/5/1959-19/5/2019), Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu chùm bài: “Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Đường Hồ Chí Minh: Từ huyền thoại đến tương lai.”

Ngày 19/5/1959 tạc vào lịch sử Việt Nam khi những người lính công binh, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong… bổ những nhát cuốc, nhát xẻng đầu tiên khai thông, mở rộng hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh. Sự ra đời và phát triển của tuyến vận tải chiến lược này, theo văn bản lịch sử chính thức của cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ ghi lại, được quân đội Mỹ coi là “một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ 20.”

Nhưng với những người mở đường, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, đây là “tuyến lửa.” Ở đại ngàn này, mỗi cung đường, mỗi cây cỏ đều nhuộm đỏ xương máu của biết bao anh hùng, liệt sĩ. Họ nằm xuống khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi, để làm nên con đường huyền thoại…

Đoàn xe thồ vận chuyển lương thực, vũ khí trên đường Trường Sơn, đoạn qua tỉnh Quảng Bình những ngày đầu mở đường. Thời gian đầu khai phá tuyến đường, bộ đội ta đã bí mật vạch tuyến đi qua những vùng núi hiểm trở, cheo leo với khẩu hiệu ‘Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng.’ (Ảnh: Hữu Ngôi/TTXVN)
Đoàn xe thồ vận chuyển lương thực, vũ khí trên đường Trường Sơn, đoạn qua tỉnh Quảng Bình những ngày đầu mở đường. Thời gian đầu khai phá tuyến đường, bộ đội ta đã bí mật vạch tuyến đi qua những vùng núi hiểm trở, cheo leo với khẩu hiệu ‘Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng.’ (Ảnh: Hữu Ngôi/TTXVN)

Trời Trường Sơn những ngày tháng Năm xanh thẳm. Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn tại thôn Bến Tắt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị nằm cách không xa Đường Hồ Chí Minh. Khu trung tâm Nghĩa trang nằm trên một ngọn đồi cao 32,4 mét, Đài Tổ quốc ghi công bằng đá trắng cao vút uy nghiêm, rỗng ruột và khuyết ba mặt, thể hiện nỗi mất mát vô cùng.

Trên các phần mộ là những đóa hoa, nén hương tỏa ngát. Đây là nơi yên nghỉ của hơn mười nghìn liệt sỹ trong 16 năm khai mở đường mòn Trường Sơn, mà tên tuổi họ đã hóa thành bất tử cùng những Ngã ba Đồng Lộc, bến phà Xuân Sơn, Khe Ve, Cổng Trời, Thành cổ Quảng Trị, Đường 9 – Khe Sanh…

Trong dòng người đến đây tưởng niệm, có những người vợ tới thăm chồng, các con tới viếng cha, những người cựu binh da mồi trở về chiến trường xưa thăm đồng đội. Có người sau khi thắp nén hương, nghiêng mình trước những người hy sinh vì Tổ quốc, lại lặng lẽ lần trong từng thửa đất, lùm cây, mong tìm lại một phần dấu tích của thời lửa đạn.

Hoài niệm về quá khứ, ông Nguyễn Viết Hồng, thương binh 2/4, Thiếu tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, không nén nổi cảm xúc về sự khốc liệt của chiến tranh. Phút chốc ùa về trong ông là những hình ảnh, những gương mặt đồng đội, niềm vui và cả nỗi đau, mất mát hơn bốn mươi năm trước. “Đồng đội tôi ở Tiểu đoàn 27, Binh trạm 311 thuộc Đoàn 559, là Thiều Minh Sơn, quê Hải Dương, nằm ở đây. Cậu ấy vào Bộ đội Trường Sơn khi 17 tuổi, được 1 năm thì hy sinh. Đêm cuối năm 1970, Tiểu đội chúng tôi phá 5 quả bom từ trường để thông tuyến, một mảnh bom đã xuyên qua cổ cậu ấy”, ông Nguyễn Viết Hồng xúc động nhớ lại.

Cầu treo trên đường Trường Sơn. Suốt 16 năm, từ ngày mở đường đến khi kết thúc chiến tranh, bộ đội Trường Sơn đã xây dựng được hơn 20.000 km đường ôtô, 1.400km đường ống dẫn xǎng dầu, 3.140 km 'đường kín' cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm. (Ảnh: Hoàng Kim Đáng/TTXVN)
Cầu treo trên đường Trường Sơn. Suốt 16 năm, từ ngày mở đường đến khi kết thúc chiến tranh, bộ đội Trường Sơn đã xây dựng được hơn 20.000 km đường ôtô, 1.400km đường ống dẫn xǎng dầu, 3.140 km ‘đường kín’ cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm. (Ảnh: Hoàng Kim Đáng/TTXVN)

Ký ức sâu đậm trên tuyến lửa Trường Sơn trong ông Nguyễn Viết Hồng là những năm 1968-1972, thời kỳ ác liệt nhất trên con đường huyền thoại này. Để ngăn chặn miền Bắc chi viện cho tiền tuyến, đế quốc Mỹ đã xây dựng phòng tuyến hàng rào điện tử McNamara dọc theo khu phi quân sự ở Vĩ tuyến 17 và đường mòn Hồ Chí Minh.

Hàng rào điện tử McNamara gồm hệ thống 17 căn cứ quân sự, kết hợp với hệ thống vật cản; hệ thống thu phát tín hiệu tinh vi có nhiệm vụ phân tích tiếng động để phân biệt người hay xe, xác định chính xác tọa độ; các thiết bị trinh sát điện tử mặt đất và trên không. Trên trời, máy bay Mỹ lượn suốt ngày đêm sẵn sàng diệt mục tiêu. Ngoài ra, chất độc màu da cam cùng một số loại chất độc diệt cỏ khác được rải xuống làm trụi lá cây, các dự án tạo mưa và các chất hóa học tạo bùn cũng được Mỹ sử dụng để phá đường Trường Sơn.

Trước tình thế đó, nhiệm vụ của ông Nguyễn Viết Hồng cùng đồng đội là vô hiệu bom mìn Mỹ ném xuống các tuyến giao thông huyết mạch trên dãy Trường Sơn ở vùng Hạ Lào, Savannakhet (Trung Lào) và đặc biệt là tại “túi bom” Quảng Trị. Từ tháng 2/1968 đến tháng 7/1972, chỉ bằng những dụng cụ thô sơ, tự chế, cùng sự quả cảm của người lính, ông Hồng đã cùng đồng đội tham gia hàng trăm trận phá bom. Riêng ông đã trực tiếp vô hiệu hóa hơn 100 quả bom từ trường, bom nổ chậm.

“Máy bay Mỹ quần thảo, cày xới, chà đi xát lại nhằm chặt đứt tuyến đường huyết mạch. Gian nan, nguy hiểm, ác liệt đến tận cùng, không thể đo đếm nổi. Nhưng để thông tuyến, đưa hàng hóa, chiến sỹ từ hậu phương ra tiền tuyến, sự bền bỉ, sức chịu đựng của Binh đoàn cũng nhân lên gấp bội. Bom phá đường ở đâu, chúng tôi lại có mặt ngay ở đó để san, lấp, mở đường cho xe vào tuyến kịp thời”, ông Nguyễn Viết Hồng nhớ lại.

Cũng trong những ngày này, chặng đường 16 năm cả dân tộc “đi” trên tuyến lửa huyền thoại cứ xoắn xuýt tâm can Đại tá Phan Hữu Đại, nguyên Chính ủy Sư đoàn Ôtô cơ động vận tải 571 (Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn). Hình ảnh những đoàn xe cơ giới băng đại ngàn, các cuộc giao tranh hết khu vực này đến khu vực khác, những mưa rừng, nắng hạ triền miên rồi đói rét, ốm đau, bom rơi, đạn nổ, chiến đấu và hy sinh, tổn thất và thắng lợi, cứ liên tục dội về.

Mặc cho máy bay Mỹ điên cuồng đánh phá, chiến sỹ công binh cầu Đ, Quảng Bình vẫn ngày đêm bám đường, bắc cầu cho xe ra tiền tuyến, đảm bảo mạch máu giao thông giữa hậu phương và tiền tuyến, tháng 8/1968. (Ảnh: Chí Thành/TTXVN)
Mặc cho máy bay Mỹ điên cuồng đánh phá, chiến sỹ công binh cầu Đ, Quảng Bình vẫn ngày đêm bám đường, bắc cầu cho xe ra tiền tuyến, đảm bảo mạch máu giao thông giữa hậu phương và tiền tuyến, tháng 8/1968. (Ảnh: Chí Thành/TTXVN)

Đại tá Phan Hữu Đại nhớ lại nhận định cần thiết có một con đường để hành quân, vận chuyển khí tài cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, ngày 19/5/1959, Bác Hồ đã cho mở đường mòn Trường Sơn. Từ con đường đi bộ, gùi, thồ vũ khí, đạn dược những ngày đầu, Trung ương quyết định “phải cơ giới hóa chi viện cho cách mạng miền Nam.” Đồng thời, trước yêu cầu khách quan cần gấp rút chi viện cho chiến trường miền Nam, Lào và Campuchia, hai Đảng, Chính phủ Việt Nam-Lào đã thống nhất mở thêm đường phía Tây Trường Sơn.

Binh đoàn Trường Sơn là đơn vị triển khai lực lượng, đảm bảo hoạt động của hệ thống giao thông này. Sau vài năm, đường mòn đã phát triển thành một hệ thống đường vận tải quân sự hiện đại với nhiều trục dọc, trục ngang phức tạp có độ dài lên đến 17.000km; có đường ống xăng dầu dài 1.400km, đường giao liên và tải thương dài 1.200km. Tuyến đường hoàn chỉnh và hiện đại đến mức nước Mỹ, dù huy động trí tuệ, sáng chế ra các chương trình chiến tranh tự động, chiến tranh điện tử, chiến tranh hóa học nhằm chặn “động mạch chủ” của cơ thể Việt Nam kháng chiến, nhưng vẫn bất lực.

Đường mòn Trường Sơn là cầu nối các chiến trường ở ba nước Đông Dương trong gần 6.000 ngày đêm tính đến ngày Thống nhất, đã làm nên tuyến lửa huyền thoại

Đứng vững và vững chắc nối Đông với Tây Trường Sơn, đảm bảo sức người, sức của thông suốt ra tiền tuyến lớn miền Nam, con đường là cầu nối các chiến trường ở ba nước Đông Dương trong gần 6.000 ngày đêm tính đến ngày Thống nhất, đã làm nên tuyến lửa huyền thoại.

Nhưng nỗi đau, mất mát ở đại ngàn này cũng quá lớn khi Bộ đội Trường Sơn phải kiên cường chịu đựng trên 730.000 trận oanh kích của giặc Mỹ với hơn 4 triệu tấn bom đạn, hơn 23.000 người hy sinh, hơn 30.000 người bị thương và hàng vạn người bị nhiễm chất độc da cam. Đau đáu nữa là mới quy tụ được hơn một vạn/hai vạn liệt sỹ trên tuyến lửa huyền thoại, số còn lại vẫn là điều nhức nhối với người đang sống.

“Trường Sơn là thế đấy. Dù đi đâu, về đâu, nhưng Trường Sơn và đồng đội của tôi đang nằm lại ở đó, thiêng liêng và bất tử,” Đại tá Phan Hữu Đại bùi ngùi nói./.

Dọc tuyến đường Trường Sơn, Mỹ sử dụng các loại bom từ trường, mìn vướng nổ, bom bi, bom lá, chất độc hóa học... dày đặc, chà xát, cày xới, tàn phá rừng, nhưng không đè bẹp được ý chí, tinh thần, sức chiến đấu ngoan cường, dũng cảm của bộ đội Trường Sơn. Các đoàn xe vẫn ngày đêm vượt Trường Sơn, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. (Ảnh: Văn Bảo/TTXVN)
Dọc tuyến đường Trường Sơn, Mỹ sử dụng các loại bom từ trường, mìn vướng nổ, bom bi, bom lá, chất độc hóa học… dày đặc, chà xát, cày xới, tàn phá rừng, nhưng không đè bẹp được ý chí, tinh thần, sức chiến đấu ngoan cường, dũng cảm của bộ đội Trường Sơn. Các đoàn xe vẫn ngày đêm vượt Trường Sơn, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. (Ảnh: Văn Bảo/TTXVN)

Ước vọng cháy bỏng

Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, sứ mệnh của Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành, mở ra hướng chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ mới, với ước mong đường mòn Hồ Chí Minh sẽ được phát triển lên một tầm thế mới trong công cuộc dựng xây đất nước.

Ước vọng đó thành hiện thực khi ngày 5/4/2000, Lễ khởi công công trình đường Hồ Chí Minh được tổ chức tại bến phà Xuân Sơn-Bố Trạch, Quảng Bình, một di tích lịch sử thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gần Di sản thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng, là ngã ba đường 20-Quyết Thắng và Đường Hồ Chí Minh trước đây.

Những lần trở lại với con đường, trở lại với những cánh rừng Trường Sơn, được chứng kiến nhiều đoạn đường hư hỏng nặng bởi thời tiết, thời gian, đã hối thúc ngành Giao thông Vận tải về ước mơ hiện đại hóa con đường huyền thoại.

Việc định hình một tuyến đường xuyên Việt thứ 2 phá vỡ thế độc đạo của Quốc lộ 1, đảm bảo giao thông thông suốt khi Quốc lộ 1 gặp sự cố

Ông Lê Ngọc Hoàn, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, người Đội trưởng Thanh niên xung phong N39 thuộc Binh trạm 16, Binh đoàn Trường Sơn năm xưa, bồi hồi khi nhắc đến tuyến lửa huyền thoại, nay là đường Hồ Chí Minh chạy dọc dải hành lang phía Tây của Tổ quốc.

Việc định hình một tuyến đường xuyên Việt thứ 2 có ý nghĩa không chỉ quan trọng về mặt giao thông khi phá vỡ thế độc đạo của Quốc lộ 1, đảm bảo giao thông thông suốt khi Quốc lộ 1 gặp sự cố, tạo thành hệ thống trục ngang nối hai miền Đông, Tây của đất nước, mà còn góp phần tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đóng vai trò quan trọng về mặt an ninh quốc phòng, có tác động rất lớn để kết nối với các nước Lào, Thái Lan, Campuchia.

Công ty Xây dựng Lũng Lô (Bộ Quốc phòng) thi công đường Hồ Chí Minh, đoạn từ km 189 đến km 236 thuộc địa phận 3 xã Hướng Ninh, Hướng Phùng, Hướng Lập của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, trong đó có đoạn qua đèo Sa Mù trên độ cao 1040m. (Ảnh: Đình Na/TTXVN)
Công ty Xây dựng Lũng Lô (Bộ Quốc phòng) thi công đường Hồ Chí Minh, đoạn từ km 189 đến km 236 thuộc địa phận 3 xã Hướng Ninh, Hướng Phùng, Hướng Lập của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, trong đó có đoạn qua đèo Sa Mù trên độ cao 1040m. (Ảnh: Đình Na/TTXVN)

Trong vấn đề địa chính trị, giao thông cũng như xương sống của chiến lược phát triển bền vững, mà các tuyến đường dọc, ngang của đất nước, của vùng, chính là yếu tố quan trọng để đảm bảo cho sự liên thông của đất nước, phát triển kinh tế và giao thoa văn hóa, tạo sức mạnh phát huy vị thế địa chính trị của đất nước. Năm 1996, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu quy hoạch tuyến đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh để hình thành trục dọc đường bộ thứ 2 ở phía Tây đất nước với tên gọi Xa lộ Bắc Nam. Đến tháng 8/1998, công trình chính thức được đặt tên là Đường Hồ Chí Minh, ông Lê Ngọc Hoàn chia sẻ.

Nhớ lại thời điểm Bộ Giao thông Vận tải đề xuất xây dựng Đường Hồ Chí Minh, ông Lê Ngọc Hoàn cho biết, nhiều đồng chí lãnh đạo hoặc nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước thời kỳ đó rất ủng hộ. Song cũng có ý kiến băn khoăn, kinh tế đất nước còn khó khăn, nên cần cân nhắc xem thời điểm làm và chọn ưu tiên hướng tuyến để làm.

Phương án đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, ban đầu chỉ làm từ Hà Tĩnh đến Kon Tum, thiết kế chiều rộng chiều rộng chỉ 7m đối với đoạn không qua thị trấn, còn qua thị trấn là 12m. Quan điểm xây dựng là nền móng đường phải tốt, mặt đường hầu hết là cấp phối, chỉ những đoạn quan trọng mới trải nhựa.

Đường Hồ Chí Minh ngày càng có ý nghĩa chiến lược về chính trị, quốc phòng và cũng là con đường để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế

Sau vài lần điều chỉnh, bổ sung lý do vì tiền đầu tư quá lớn, cuối cùng, phương án do Bộ Giao thông Vận tải đề xuất là tập trung làm đoạn Hà Tĩnh-Kon Tum đã được thống nhất, khi có điều kiện sẽ tiếp tục mở rộng.

Việc Nghị quyết của Bộ Chính trị khẳng định khi nào có điều kiện sẽ tiếp tục mở rộng đường Hồ Chí Minh chính là định hướng, quyết tâm xây dựng con đường này từ Pắc Pó, Cao Bằng đến Đất Mũi, Cà Mau theo dọc chiều dài đất nước.

Giờ đây, nhớ lại khoảng thời gian lập chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh càng thấy rằng, những quyết sách thời đó là hoàn toàn đúng. Đường Hồ Chí Minh ngày càng có ý nghĩa chiến lược về chính trị, quốc phòng và cũng là con đường để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.

Thi công cầu Xuân Sơn ở km 538+884, thuộc địa bàn xã Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, dài 285,2m, rộng 12m, là cây cầu đầu tiên nhánh phía Đông đường Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Thi công cầu Xuân Sơn ở km 538+884, thuộc địa bàn xã Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, dài 285,2m, rộng 12m, là cây cầu đầu tiên nhánh phía Đông đường Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

“Nếu thời kỳ đó chúng ta chần chừ, có lẽ đã đánh mất thời cơ xây dựng kéo theo những khó khăn trong bảo vệ biên giới đất nước bởi đường Hồ Chí Minh hiện nay đã trở thành tuyến chi viện để mở các tuyến đường biên giới và nối thông với các tuyến cửa khẩu. Tuyến đường khi hình thành cũng trở thành tuyến tránh cho Quốc lộ 1A, nhất là trong những giai đoạn ngập lụt,” ông Lê Ngọc Hoàn nhấn mạnh.

Hồi nhớ lại năm 1997 khi Quy hoạch tổng thể Xa lộ Bắc Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ông Hà Đình Cẩn, nguyên Tổng Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh nói rằng: Đó là con đường nối hai thế kỷ, con đường của thời đại công nghiệp hóa, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Tuyến đường này chủ yếu chạy dọc phía Tây đất nước, có ưu điểm vượt trội là gần như có sẵn, bởi hơn 90% tổng chiều dài là các đường hiện hữu nhưng chưa đưa vào cấp nào, do nhiều năm không được đầu tư. Trong đó, hơn 70% tuyến đường đi theo hướng đường Trường Sơn trong chiến tranh, nhưng thời điểm đó không đi được do bị bỏ hoang phế mấy chục năm. Vùng phía Tây tiềm năng rất lớn, có hàng chục triệu héc ta đất lâm nghiệp, đất làm công nghiệp, nhiều tài nguyên khoáng sản, nguồn thủy điện dồi dào nhưng chưa được khai thác, tận dụng. Lại có tới hơn 10 triệu dân, với trên 70% là đồng bào dân tộc ít người, một lòng một dạ theo cách mạng.

Đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Anh Tôn/TTXVN)
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Anh Tôn/TTXVN)

Trong ký ức của ông Hà Đình Cẩn, thời gian trực tiếp đi thị sát dọc tuyến đường ngay từ những ngày đầu cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt – người ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể xa lộ Bắc Nam, đưa huyền thoại năm xưa trở lại hiện thực, đã nghe nhiều câu chuyện, thấy những nỗi niềm đau đáu và càng hiểu quyết tâm của Đảng, Nhà nước xây dựng con đường máu thịt này.

Khi ấy, cả ngàn cây số từ ngoài vào đến Bắc Tây Nguyên không có lấy một khúc đường nhựa. Ngày nào cũng đi, từ sáng đến tối, mất cả tuần. Xe như bò trên đường, xóc đến nhừ tử, gọi là đường nhưng đâu có đi được. Bây giờ vượt qua đèo Đá Đẽo qua sân bay Khe Gát về Đồng Hới chỉ mất nửa giờ, còn xe bò hồi đó từ lúc vàng mặt trời đến nửa đêm mới tới.

Sau này, mọi người mới biết dưới đó còn nhiều bom đạn chưa nổ. Rồi một chiều đi qua đoạn Hiên ở tỉnh Quảng Nam, đoàn gặp các cháu nhỏ người dân tộc thiểu số, mình trần, chân đạp đất đang đi xem vô tuyến ở một đơn vị đóng quân. Các cháu cho biết đường xa lắm, nửa ngày mới tới. Cứ hai tối, các chú bộ đội mới mở ti vi một lần để kết hợp cho quân, dân cùng xem. Lại có trường hợp chiến sỹ ở Đồn Biên phòng tại Khe Sanh, Quảng Trị, bị sốt rét ác tính, đồng đội cáng đi trạm cứu thương nhưng đã mất giữa rừng Trường Sơn vì đường quá khó đi.

“Lúc ấy, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lặng đi, rồi nói: Hòa bình đã gần ba chục năm rồi mà cái hạnh phúc đơn sơ nhất của đời người là có đoạn đường tốt, đi lại dễ dàng, đến giờ hàng chục triệu đồng bào vẫn chưa có để mà hưởng, nói gì đến văn minh, phát triển,” ông Hà Đình Cẩn nhớ lại./.

Mạch máu đất nước

Vào khoảng thời gian này cách đây 19 năm về trước, đường Hồ Chí Minh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được khởi công xây dựng.

Khi đưa vào khai thác, sử dụng, con đường mang tên Bác dài 3.183km, kéo dài từ Pác Pó-Cao Bằng đến Đất Mũi-Cà Mau, đi qua 28 tỉnh, thành phố, đã trở thành mạch máu giao thông quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội cho những địa phương nơi tuyến giao thông qua.

Đường Hồ Chí Minh đi đến đâu, cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây, đổi thay đến đó…

Nằm ở biên giới phía Tây tỉnh Hà Tĩnh là xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn. Nổi bật giữa thung ngàn là những tuyến đường liên thôn rộng 4m được bêtông hóa phẳng lỳ, lẩn khuất sau những rặng cây là nhiều ngôi nhà hai tầng, ba tầng, những căn biệt thự mọc lên rất đỗi êm ả và cảnh dịch vụ buôn bán, trao đổi hàng hóa nông sản từ các thôn, xóm của Sơn Kim 1 đi các tỉnh, thành phố theo Quốc lộ 8, theo Đường Hồ Chí Minh. Ít người nghĩ xã biên viễn này từng là một vùng hạ tầng thấp kém, đời sống của người dân nhiều khó khăn.

Đường Hồ Chí Minh đi đến đâu, cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây, đổi thay đến đó

Trò chuyện với Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Sơn Kim 1 Nguyễn Sỹ Luận về sự đổi thay của xã, nét phấn khởi lộ rõ trên khuôn mặt ngăm đen của người đàn ông trung tuổi.

Ông Nguyễn Sỹ Luận kể những năm tháng trước, xã biên giới này như ở nơi “thâm sơn cùng cốc,” điều kiện đi lại đặc biệt khó khăn. Mười năm trở lại đây, khi đường Hồ Chí Minh chạy qua gần Sơn Kim 1, diện mạo của xã đổi thay rõ rệt. Người dân Sơn Kim nói riêng và người dân huyện Hương Sơn nói chung được hưởng nhiều lợi ích từ con đường này.

“Trước tiên là đi lại thuận lợi, sau đó là kinh doanh, giao thương hàng hóa, thăm thân thuận tiện hơn trước rất nhiều. Trước đây, người dân Sơn Kim 1 muốn vận chuyển nông sản tới các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, phải theo Quốc lộ 8, xuống Quốc lộ 1A rồi mới đi được các nơi, thời gian di chuyển phải mất hơn 8 tiếng đồng hồ. Giờ đây, khoảng cách đã được rút lại rất gần vì di chuyển theo đường Hồ Chí Minh, thời gian đã rút ngắn chỉ còn lại một nửa,” ông Nguyễn Sỹ Luận cho biết.

Cầu Ngàn Phố bắc qua sông Ngàn Phố, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), 1 trong 4 cây cầu lớn trên tuyến đường Hồ Chí Minh từ km 356 Khe Cò đến km 415+300 Hương Khê, dài 60 km, do Công ty Cầu 12 xây dựng. (Ảnh: Đình Na/TTXVN)
Cầu Ngàn Phố bắc qua sông Ngàn Phố, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), 1 trong 4 cây cầu lớn trên tuyến đường Hồ Chí Minh từ km 356 Khe Cò đến km 415+300 Hương Khê, dài 60 km, do Công ty Cầu 12 xây dựng. (Ảnh: Đình Na/TTXVN)

Hiện địa phương có hàng trăm mô hình phát triển kinh tế đa dạng, trong đó có những mô hình cho thu nhập trên 500 triệu đến hơn 1 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 40 triệu đồng/người/năm, toàn xã chỉ có 55 hộ nghèo theo tiêu chí mới, giảm 8 hộ so với năm trước. Sơn Kim đang phấn đấu năm 2019 thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 2,5%.

Chia sẻ với niềm vui của lãnh đạo xã Sơn Kim 1, ông Võ Văn Biển, Giám đốc Hợp tác xã Đại Thành cho hay tận dụng lợi thế về giao thông, xã biên giới này có hàng chục mô hình kinh doanh dịch vụ đã ra đời, cho thu nhập ổn định. Gần đây lại có thêm các mô hình sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng, ăn uống, xăng dầu, sửa chữa cơ khí, cung ứng giống cây lâm nghiệp bản địa, keo… Đến nay, Sơn Kim 1 có hàng chục doanh nghiệp cùng 6 hợp tác xã, 198 hộ kinh doanh cá thể.

“Con đường Hồ Chí Minh mở ra cánh cửa cho hàng hóa của xã Sơn Kim 1 đi nhanh hơn, xa hơn và từ khắp nơi đến đây thuận tiện hơn”

“Với người dân chúng tôi, con đường Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ mở ra cánh cửa cho hàng hóa của xã đi nhanh hơn, xa hơn và từ khắp nơi đến đây thuận tiện hơn,” ông Võ Văn Biển phấn khởi nói.

Không chỉ có Sơn Kim 1 chuyển mình về kinh tế, kể từ ngày đường Trường Sơn được mở rộng và đổi tên thành đường Hồ Chí Minh đi qua vùng duyên hải miền Trung, tri thức, văn minh cũng theo đó mà đến với nhiều khu vực hẻo lánh trước kia ở Hà Tĩnh.

Bản Rào Tre, tuy chỉ nằm cách trung tâm thị trấn huyện Hương Khê hơn 20km, mười năm trước là con đường gập ghềnh, nhiều đoạn đất đá xen kẽ, mặt đường nham nhở do ảnh hưởng từ những cơn mưa rừng, muốn qua được, cách duy nhất là… đi bộ. Hiện nay, đường đã được đổ nhựa chắc chắn, ôtô có thể vào tận bản. Những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, xây kiên cố đã thay cho nhà sàn lợp mái tranh cũ kỹ, lụp xụp. Xe máy và những phương tiện, tiện nghi khác “vào” bản đã xua đi không khí ảm đạm, hẻo lánh xưa kia.

Tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Đắc Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Đình Na/TTXVN)
Tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Đắc Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Đình Na/TTXVN)

Trước đây, 41 hộ với 148 nhân khẩu là người dân tộc Chứt sống du canh, du cư tại các địa bàn rẻo cao. Giờ đây, bà con đã biết tiếp thu, nắm bắt và chọn lọc thông tin, biết lựa chọn cái hay để học. Nhận thức, sinh hoạt và lối sống của người Chứt đều đã khác xưa. Sự văn minh tiến bộ đang ngày càng hiện rõ. Bản Rào Tre nay đã có nhà văn hóa, có sinh hoạt cộng đồng. Bà con được giao lưu cùng nhau với nhiều hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao. Cuộc sống tại Rào Tre đang đổi thay từng ngày.

Nói về sự khởi sắc này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh cho hay đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn 3 huyện miền núi của Hà Tĩnh là Hương Khê, Hương Sơn và Vũ Quang. Đây là tuyến giao thông huyết mạch, giúp Hà Tĩnh kết nối các huyện miền núi phía Tây của tỉnh với miền xuôi, các thành phố lớn, các khu kinh tế, khu du lịch sinh thái biển, tạo ra sự liên thông trong giao thương và kích thích sự phát triển kinh tế, xã hội.

Cùng với Quốc lộ 1A, hai tuyến giao thông này tạo thuận lợi trong tiêu thụ cho hàng nông sản địa phương như cam, nhung hươu Hương Sơn, bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây. Đặc biệt, đường Hồ Chí Minh còn tạo ra điểm kết nối thuận lợi, mở rộng quan hệ quốc tế, nhất là giao thông giữa Hà Tĩnh với Lào và các tỉnh phía Đông Bắc Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, đồng thời đáp ứng yêu cầu là tuyến đường huyết mạch lưu thông, cứu hộ, cứu nạn khi bão lũ xảy ra.

“Đường Hồ Chí Minh đem lại thay đổi rất lớn, tạo ra một lợi thế trong giao thông cho Hà Tĩnh. Tỉnh đã có những chính sách, cơ chế để tranh thủ tận dụng, khai thác lợi thế này như kêu gọi, thu hút đầu tư nguồn vốn vào phát triển phía Tây của tỉnh. Cuối tháng 4/2019, Công ty cổ phần Gỗ MDF Thanh Thành Đạt đã khánh thành Nhà máy sản xuất gỗ với vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng tại Cụm Công nghiệp Vũ Quang, huyện Vũ Quang. Nhà máy này đi vào hoạt động sẽ góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh Hà Tĩnh nói chung, huyện Vũ Quang và các địa phương phụ cận nói riêng; giải quyết việc làm cho người lao động và tạo thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn,” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh khẳng định./.

(Nguồn: TTXVN)
(Nguồn: TTXVN)

Con đường chiến lược thời đại mới

Những lợi thế không chỉ “theo” Đường Hồ Chí Minh đến với người dân, mà cấp ủy, chính quyền các địa phương, đặc biệt là vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, đã rất nỗ lực phát huy, tận dụng trục dọc xuyên Việt thứ 2 này để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế vùng, kết nối và mở rộng quan hệ quốc tế.

Tiềm năng từ trục dọc thứ 2 đất nước được nhìn nhận còn rộng mở hơn nữa bởi đến năm 2020 mới hoàn thành giai đoạn 2, gồm các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe. Và sau năm 2020, các đoạn tuyến được nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020…

Sáng đầu tuần tháng Năm, tại bến số 1, Cảng Vũng Áng Việt Lào (Khu Kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh), hàng trăm công nhân đang hối hả điều khiển các thiết bị máy móc, cần cẩu hiện đại bốc dỡ hàng siêu trường, siêu trọng, hàng contenner từ những tàu có trọng tải hàng chục ngàn tấn, thuộc đủ các quốc tịch.

Năm 2018, trong khi nhiều cảng biển trong nước lượng hàng hóa sụt giảm khá mạnh, tại hải cảng này, lượng hàng hóa thông qua cảng vẫn đạt 3 triệu tấn, vượt gấp đôi công suất thiết kế của bến số 1 và bến số 2.

Lợi thế cảng biển nước sâu là yếu tố quan trọng đối với Cảng Vũng Áng Việt Lào, thế nhưng những tiềm năng về đường bộ, mà nổi bật là đường Hồ Chí Minh lại góp phần tạo sức bật cho một trong những hải cảng quan trọng trên bản đồ Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Hàng hóa từ đây qua nước bạn Lào hay vùng Đông-Bắc Thái Lan hoặc ngược lại, theo đường này và Quốc lộ 12A với khoảng 400-500 km là quãng đường ngắn nhất so với các tuyến đường bộ khác.

Công ty Cầu đường Hải Phòng thi công đường Hồ Chí Minh. (Ảnh: Anh Tôn/TTXVN)
Công ty Cầu đường Hải Phòng thi công đường Hồ Chí Minh. (Ảnh: Anh Tôn/TTXVN)

Nhìn nhận sự ảnh hưởng sâu sắc này, ông Trần Thế Định, Trưởng phòng Thương mại dịch vụ Công ty cổ phần Cảng Vũng Áng Việt Lào cho biết đường Hồ Chí Minh có vai trò vô cùng quan trọng, thuận lợi về giao thông và là hành lang giúp doanh nghiệp lưu thông hàng hóa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Tại khu vực miền Trung, hàng hóa từ Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) và Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình), nếu muốn về cảng biển ở miền Trung này, các doanh nghiệp đều lựa chọn đi qua đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 12A.

“Đối với hàng hóa quá cảnh từ các tỉnh phía Tây của Lào như Savannakhet, Bolikhamxay, Khammuane, thủ đô Vientiane và khu vực đông, bắc Thái Lan qua Vũng Áng, hoặc các trang thiết bị xây dựng, máy móc từ nước thứ ba qua Vũng Áng về Lào, trước đây đi lại, vận chuyển khó khăn, nhưng từ khi đường Hồ Chí Minh mở ra, khoảng cách được rút ngắn đi rất nhiều,” ông Định cho hay.

Sau khi đường Hồ Chí Minh đi qua, mảnh đất ngã ba biên giới đã phá được  thế ngõ cụt

Từ Hà Tĩnh xuôi gần 1.000km trục xuyên Việt mới này, qua những địa danh huyền thoại như đèo Đá Đẽo, U Bò, A Đớt-A Tép, đèo Lò Xo…, tới huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Giữa núi rừng bắc Tây Nguyên, Khu Kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y trở nên nổi bật.

Sau khi đường Hồ Chí Minh đi qua, mảnh đất ngã ba biên giới đã phá được thế ngõ cụt. Ngọc Hồi cũng khai mở tiềm năng phát triển kinh tế khi Chính phủ quyết định mở cửa khẩu, xây dựng Khu Kinh tế Bờ Y, có những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm thu hút đầu tư, đưa nơi đây thành cửa ngõ giao thương của tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia, là điểm nhấn trong chiến lược liên kết phát triển giữa các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mê Kông, đáp ứng yêu cầu phát triển Hành lang kinh tế Đông Tây.

Và một trong tám khu kinh tế trọng điểm của cả nước đang hứa hẹn những lạc quan khi tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua đây sẽ từ con số hàng trăm triệu USD mỗi năm lên đến khoảng 1 tỷ USD vào năm 2020, còn thu ngân sách sẽ đạt 1.000 tỷ đồng.

Lực lượng xe máy của Tổng công ty Xây dựng miền Trung thi công đường Hồ Chí Minh, đoạn km 783 thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Lực lượng xe máy của Tổng công ty Xây dựng miền Trung thi công đường Hồ Chí Minh, đoạn km 783 thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Lắng nghe những chia sẻ việc địa phương tận dụng cơ hội, lợi thế từ trục dọc xuyên Việt thứ 2, chúng tôi lại biết thêm những trường hợp di dân đến Ngọc Hồi để tìm kiếm cơ hội phát triển kinh tế sau khi huyền thoại năm xưa hồi sinh.

Như trường hợp gia đình anh Lương Văn Nghị, dân tộc Thái, thôn Đắk Mế, xã Bờ Y, rời quê hương Bá Thước, Thanh Hóa vào đây định cư năm 2004. Qua câu chuyện của anh, có thể hình dung những ngày đầu sống ở vùng đất mới là khoảng thời gian gian vất vả, bỡ ngỡ, thiếu thốn. Hiện nay, cây bời lời, càphê đã giúp gia đình anh đủ xây dựng được ngôi nhà mới khang trang trên diện tích 48m2, trị giá gần 100 triệu đồng.

Đường Hồ Chí Minh đi đến đâu cuộc sống của hàng chục triệu đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây, đổi thay đến đó, rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với đồng bằng, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, đường chưa thông tuyến toàn bộ, chưa hoàn chỉnh các đường ngang nối tuyến đường này với các quốc lộ, tỉnh lộ, khu cửa khẩu, cảng biển, hệ thống điểm dừng, điểm nghỉ, các cửa hàng xăng dầu dọc tuyến. Do đó, dự án chưa thực sự phát huy hết hiệu quả, chưa tạo được sự kết nối liên vùng, tạo tiền đề tăng trưởng mạnh về mọi mặt, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Hiệu quả khai thác chưa tương xứng tiềm năng khiến đường Hồ Chí Minh đến thời điểm hiện nay vẫn chưa hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh là con đường huyền thoại trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa như kỳ vọng.

Đường Hồ Chí Minh đi đến đâu cuộc sống của hàng chục triệu đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây, đổi thay đến đó

Điều đáng lưu tâm là đến năm 2020, dự án mới hoàn thành giai đoạn 2 và sau năm 2020 mới nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

Ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh chia sẻ: Dự án là một thử thách rất lớn không chỉ của ngành giao thông, bởi địa hình hiểm trở, núi cao, vực sâu, địa chất phức tạp cùng hàng nghìn tấn bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Để có thể khởi công tuyến đường 19 năm về trước, các kỹ sư, chiến sĩ đã dầm mưa dãi nắng, khảo sát địa hình, vạch tuyến cũng như tiến hành rà soát, xử lý bom mìn.

Để tương xứng với tầm vóc và ý nghĩa của nó, Bộ Giao thông Vận tải đang tiếp tục đề xuất và kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội quan tâm, bổ sung nguồn vốn Nhà nước để triển khai các dự án thành phần trong danh mục nối thông tuyến, đồng thời triển khai phương án huy động nguồn vốn xã hội hóa đối với các đoạn có khả năng thu hút đầu tư…

“Trong tương lai không xa, chúng ta sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng hoàn chỉnh con đường chiến lược thời đại mới này,” ông Lâm Văn Hoàng tin tưởng.

Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Tư lệnh Binh đoàn 12 chia sẻ ngày nay, đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh tiếp tục được Đảng, Nhà nước đầu tư xây dựng rất lớn, một công trình xuyên Việt. Đó là con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khơi dậy tiềm năng và phát triển kinh tế-xã hội. Tầm vóc của nó sẽ tạo điều kiện cho kinh tế đất nước phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh./.

Lễ công bố quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt điểm cuối đường Trường Sơn–đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
Lễ công bố quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt điểm cuối đường Trường Sơn–đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)