Du lịch Việt thời sơ khai

picture482-1521103929-80.jpg

Giữa bối cảnh phát triển “nóng” của ngành và bùng nổ lượng khách quốc tế như hiện nay, có lẽ người “ngoại đạo” ít ai còn nhớ, khởi thủy của du lịch Việt Nam hơn nửa thế kỷ trước là nền du lịch bao cấp.

Thời đó, du lịch ra nước ngoài ban đầu chỉ dành cho những bậc lão thành cách mạng, những người có thành tích trong lao động, sản xuất và các giao dịch tiêu bằng đồng rúp mậu dịch – loại tiền được ấn định làm phương thức thanh toán có tính tượng trưng trong khối các nước xã hội chủ nghĩa.

Thời đó, đội ngũ hướng dẫn viên ít ỏi thậm chí còn chẳng được đào tạo nghề một cách chính quy mà cứ vừa làm vừa tự rút kinh nghiệm. Hướng dẫn viên khi ấy không chỉ là dẫn khách mà còn kèm theo nhiều nhiệm vụ khác…

Gắn bó từ những ngày sơ khai của ngành du lịch Việt tới giờ, lại nằm trong số những hướng dẫn viên ít ỏi đầu tiên, đã kinh qua nhiều vị trí từ nhân viên hướng dẫn tới quản lý cao cấp, dù đã là U70 nhưng ông Đỗ Đình Cương, nguyên giám đốc Công ty Du lịch Việt Nam (tiền thân của Công ty cổ phần Du lịch và Thương mại quốc tế Vinatour) vẫn “trên từng cây số,” vẫn tiếp tục sự nghiệp với các dự án nước ngoài, và vẫn vô cùng trẻ trung, sôi nổi khi có ai đó nhắc chuyện nghề.

Tham dự Hội nghị các tổ chức du lịch quốc gia các nước xã hội chủ nghĩa tại Tiệp Khắc năm 1988, ông Đỗ Đình Cương (đứng phát biểu) đi cùng đoàn của Tổng cục Du lịch do Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Trần Quốc Hương dẫn đoàn. (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)
Tham dự Hội nghị các tổ chức du lịch quốc gia các nước xã hội chủ nghĩa tại Tiệp Khắc năm 1988, ông Đỗ Đình Cương (đứng phát biểu) đi cùng đoàn của Tổng cục Du lịch do Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Trần Quốc Hương dẫn đoàn. (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)

Đi du lịch bằng đồng rúp mậu dịch

– Thưa ông, là người chịu trách nhiệm tổ chức cho những đoàn đầu tiên của Việt Nam đi du lịch nước ngoài, chắc hẳn ông sẽ có rất nhiều câu chuyện thú vị…

Ông Đỗ Đình Cương: Chắc các bạn đã biết, suốt những năm 1980 đầu những năm 1990, du lịch Việt Nam có quan hệ chủ yếu với các nước xã hội chủ nghĩa. Và lúc ấy, chúng tôi mới bắt đầu có ý tưởng tại sao người Việt không đi du lịch nước ngoài.

Thời điểm đó, giao dịch giữa Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa sử dụng đồng rúp mậu dịch, nghĩa là các nước trong phe xã hội chủ nghĩa ấn định dùng chung một đồng tiền để thanh toán, chứ không phải là đồng rúp người Nga hiện dùng.

Gọi là rúp nhưng nó không nhìn thấy được, mà chỉ được ấn định là một phương thức thanh toán mang tính tượng trưng. Ví dụ, Việt Nam xuất khẩu sang Nga bao nhiêu tấn hàng thì giá trị được quy ra đồng rúp mậu dịch và Việt Nam mua hàng trên cơ sở những đồng rúp đó…, đổi lại Việt Nam lấy mặt hàng khác mang về, còn lại sẽ quy sản lượng dư ra đồng rúp.

Lúc đó, chúng ta [ngành du lịch Việt Nam- PV] trong quá trình đón tiếp và phục vụ các đoàn khách từ các nước xã hội chủ nghĩa đã có rất nhiều đồng rúp, và mới nảy ra sáng kiến tại sao không tiêu những đồng rúp đó bằng cách cử người đi du lịch.

Ông Đỗ Đình Cương (đứng thứ hai từ phải sang) dẫn đoàn khách du lịch Liên Xô thăm Lăng Bác từ những năm 1970. (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)
Ông Đỗ Đình Cương (đứng thứ hai từ phải sang) dẫn đoàn khách du lịch Liên Xô thăm Lăng Bác từ những năm 1970. (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)

Và người Việt Nam bắt đầu đi du lịch từ đây, đi theo chế độ, đối tượng là những bậc lão thành cách mạng và những người có thành tích trong lao động, sản xuất. Đầu tiên là đi Nga, Đức sau đó đến Ba Lan, Tiệp Khắc. Và đó cũng là những chuyến đi nước ngoài đầu tiên của hướng dẫn viên Việt Nam.

Việc tổ chức các chuyến đi đó cực kỳ phức tạp, ở chỗ cán bộ nhà nước phải được sự phê duyệt của ban tổ chức Trung Ương là những cấp rất cao. Gần như không ai có kinh nghiệm trong việc tổ chức các đoàn đi, từ việc đặt vé máy bay, đến việc sang bên kia đón tiếp thế nào… Vì thế, mỗi năm thường chỉ đi được 2-3 đoàn sau đó mới tăng dần lên.

Thời đó, người Việt Nam muốn đi du lịch nước ngoài cực kỳ phức tạp, cán bộ nhà nước phải được ban tổ chức Trung Ương là những cấp rất cao phê duyệt.

Một thời gian sau chúng ta mới mở rộng địa bàn, không chỉ du lịch trong khối xã hội chủ nghĩa. Người đi du lịch thời đó cũng rất dễ chịu và thích thú.

Những chuyến đi thời gian đầu đơn giản chỉ là thăm quan kết hợp giao lưu nên cũng không có nhiều khó khăn, biến cố vì được tổ chức chặt chẽ, khoa học và có trách nhiệm. Phía chủ nhà thường đón tiếp các đoàn khách của mình rất trân trọng bằng cách cử các hướng dẫn viên giỏi, ngược lại phía Việt Nam cũng cử những hướng dẫn viên giỏi đưa khách đi.

Du lịch những năm đầu tiên đúng là du lịch bao cấp nhưng về sau, xuất hiện thêm hình thức kinh doanh. Nghĩa là bắt đầu sang giai đoạn thứ hai, người giàu có nhu cầu có thể mua đồng rúp mậu dịch bằng tiền mặt để đi du lịch, đánh dấu thời kỳ thị trường du lịch Việt bắt đầu phát triển; hoặc các địa phương có ngân sách muốn đi học hỏi, giao lưu với nước ngoài…

Tính đến nay đã hơn 40 năm gắn bó với nghề du lịch, nhưng thực sự chưa bao giờ tôi được đi du lịch đúng nghĩa, mà toàn là đi tham dự hội chợ du lịch, đi làm việc… rồi mới kết hợp tham quan.

Ông Đỗ Đình Cương giới thiệu về Văn Miếu với đoàn khách quốc tế. (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)
Ông Đỗ Đình Cương giới thiệu về Văn Miếu với đoàn khách quốc tế. (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)

Nhưng dù có đi du lịch hay đi công tác kết hợp du lịch thì như bệnh nghề nghiệp vậy, giống như con buôn thì phải ra chợ, chúng tôi thường nhìn mỗi chuyến đi bằng con mắt khác, từ những đòi hỏi, cách nhìn nhận vấn đề, đánh giá đến cách tìm hiểu thông tin.

Một điều quan trọng, là những người làm nghề như chúng tôi luôn có ý thức tìm tòi để xem mình có thể học và áp dụng được gì, chứ không chỉ đơn thuần chỉ đi nghỉ ngơi, thư giãn.

– Thế thì thật thiệt thòi cho những người làm du lịch như ông…

Ông Đỗ Đình Cương: Bởi vậy nên mãi đến khi về hưu tôi mới có những chuyến đi du lịch thực sự. Nhưng vì đến đâu cũng có bạn nên tôi luôn được đón tiếp trọng thị, thành ra du lịch không được thoải mái như một du khách bình thường.

– Vậy sao ông không chọn cách “xách balo lên và đi” cho thoải mái?

Ông Đỗ Đình Cương: Có vài lý dó, thời điểm đó xu hướng tự đi chưa được nhiều nên mình mình đi cũng… dở hơi (cười).

Đoàn doanh nghiệp Việt Nam tháp tùng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Cuba. (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)
Đoàn doanh nghiệp Việt Nam tháp tùng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Cuba. (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)

Thời của du lịch bao cấp

– Du lịch thời kỳ “khởi thuỷ” ở Việt Nam có diện mạo như thế nào trong mắt những hướng dẫn viên như ông bấy giờ?

Ông Đỗ Đình Cương: Lúc đó, tính chất ngành du lịch chưa thuần túy như bây giờ, mà du lịch thường là những chuyến đi kết hợp với công việc. Ví dụ, những đoàn khách bên ngoại giao, hay các đoàn Việt kiều về cần người biết hơn một chút về du lịch để dẫn đi, hay những đoàn của Việt Nam đi làm việc kết hợp thăm quan. Rồi thời điểm nửa thế kỷ trước mới hình thành đội ngũ hướng dẫn viên.

Ở giai đoạn đầu tiên, chiến tranh đang rất khốc liệt, do đó du lịch hạn chế. Nhưng từ những năm 1970 tình hình bắt đầu được cải thiện. Đặc biệt, sau khi Hiệp định Paris ký kết năm 1973, miền Bắc không còn chiến tranh nữa, lúc đó khách quốc tế vào Việt Nam mới bắt đầu tăng lên.

Khi khách quốc tế tới, hướng dẫn viên sẽ chịu trách nhiệm đón tiếp. Ngoài ra, hướng dẫn viên nếu biết ngoại ngữ sẽ làm thêm một số việc nữa, hỗ trợ các ngành khác như, với các tổng công ty xuất nhập khẩu của bộ Ngoại thươngthị trường thương mại quốc tế, khi chuyên thương gia nước ngoài tới thì cần có người dẫn đi làm việc, thăm quan.

Thời đó, cũng bắt đầu có nhu cầu tổ chức du lịch theo dạng công đoàn cho các cán bộ công nhân viên đi chơi, và khởi thủy của ngành du lịch Việt là Công ty Du lịch Việt Nam đứng ra làm việc đó [chính là tiền thân của Công ty cổ phần Du lịch và Thương mại quốc tế Vinatour bây giờ – PV]

Hướng dẫn viên Việt Nam giới thiệu bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng với du khách Bắc Âu. (Ảnh tư liệu do nhân vật cung câp)
Hướng dẫn viên Việt Nam giới thiệu bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng với du khách Bắc Âu. (Ảnh tư liệu do nhân vật cung câp)

– Còn đội ngũ hướng dẫn viên du lịch thời đó ra sao, thưa ông?

Ông Đỗ Đình Cương: Thế hệ đầu tiên chúng tôi làm nhiệm vụ nhưng không được đào tạo đúng chuyên ngành. Đào tạo chính quy là thế hệ thứ hai được cử đi học ở Bulgari, từ 1973 đến khoảng 1978 về nước.

Như tôi là dân ngoại ngữ, được đào tạo ở Liên Xô về chuyên ngành Nga-Anh. Khi học về, theo sự phân công tôi làm du lịch. Vì thế sau này, những năm 1980, khi khách Nga vào Việt Nam tôi đi làm hướng dẫn.

Thực ra lúc đó chưa ai hiểu nghề hướng dẫn viên là gì, chỉ biết về Công ty Du lịch Việt Nam nhận nhiệm vụ dẫn đoàn, cố gắng đáp ứng tối đa yêu cầu của cơ quan.

Ví dụ, được phân công đưa đoàn khách đi Trà Cổ thì hướng dẫn viên giới thiệu thông tin và những hiểu biết về Trà Cổ cho khách; hoặc có những đoàn khách thương gia của Nhật Bản hay các nước tới Việt Nam công tác, thường có 1-2 ngày rảnh muốn đi chơi thì hướng dẫn viên sẽ đưa đi và giới thiệu cảnh quan, lịch sử… điểm đến.

Hồi đầu, chúng tôi hầu như chưa biết kỹ năng hướng dẫn gì cả, nhưng dẫn nhiều thì tự rút ra với mỗi khách đi du lịch họ cần gì rồi từ đó dần định hình xem mình cần học gì, cần biết gì…

“…với mỗi hướng dẫn viên thời đó nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng. Chúng tôi làm việc trên tinh thần, ý thức của một cơ quan nhà nước làm công việc đối ngoại.” 

Đội ngũ làm hướng dẫn thời đó rất khác sau này. Có lẽ, họ hiểu sâu hơn về lịch sử, về xã hội so với các bạn trẻ thời nay. Hơn nữa, với mỗi hướng dẫn viên thời đó nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng. Chúng tôi làm việc trên tinh thần, ý thức của một cơ quan nhà nước làm công việc đối ngoại, như một cơ quan đối ngoại. Do đó, vai trò của hướng dẫn viên rất quan trọng, phải trau dồi rất nhiều kiến thức về tình hình xã hội, đường lối chính sách…

Bởi vậy, yêu cầu cũng như quản lý đội ngũ hướng dẫn viên khác hẳn bây giờ. Dù không được đào tạo bài bản ở trường lớp về nghề nhưng chúng tôi được đào tạo rất bài bản trong môi trường làm việc, trong những chuyến đi thực tế và chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp.

Với tôi, du lịch là cuộc sống.

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự phiên họp Đại Hội đồng tổ chức Du lịch thế giới tại Bali (Indonesia). (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự phiên họp Đại Hội đồng tổ chức Du lịch thế giới tại Bali (Indonesia). (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)

“Ngày nay, các bạn hướng dẫn viên có vẻ hơi ‘cá nhân’…”

– Vâng, có lẽ vì thế đội ngũ hướng dẫn viên thời ông dường như có “chiều sâu” hơn bây giờ…

Ông Đỗ Đình Cương: Sâu hơn nhiều chứ. Tôi chỉ nói cách học thôi, mỗi sáng tới cơ quan chúng tôi phải đọc báo để cập nhật thông tin, sau đó các hướng dẫn viên điểm báo với nhau xem ngày hôm nay có những sự kiện gì xảy ra. Nếu là dân ngoại ngữ chúng tôi phải trình bày thông tin bằng ngoại ngữ, đó cũng là cách để chúng tôi luyện ngoại ngữ.

Sau mỗi chuyến công tác về chúng tôi thường ngồi lại với nhau chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ thông tin… nên đội ngũ hướng dẫn viên rất gắn bó. Chúng tôi học hỏi với ý thức cao. Có thể thời đó còn ít người nên vấn đề quản lý rất chặt chẽ.

Một số đồng nghiệp của tôi tới giờ vẫn đi làm hướng dẫn. Họ đều là những người hiểu rộng hiểu sâu và hướng dẫn tốt, thường xuyên trau dồi về lịch sử, văn hóa, chính trị, đối ngoại… Họ còn tồn tại tới giờ với nghề tức là họ đều rất giỏi mặc dù xuất phát điểm không được qua trường lớp nào.

Ngày nay, các bạn hướng dẫn viên hơi “cá nhân,”, ai biết người nấy. Các bạn nên nhớ, học trong trường chỉ là một phần rất nhỏ, quan trọng là học khi ra nghề đi làm, mà tự học một mình thì không bao giờ nhanh được…

“Thời đó chúng tôi đi làm theo nhiệm vụ được phân công rất công bằng, cũng chẳng có tiền vì tất cả được trả bằng tem phiếu. Thậm chí, những món quà khách tặng chỉ là cây bút chì hay cục tẩy, quyển sổ thôi nhưng đều phải nộp về cơ quan để mọi người dùng chung.”

– Tôi nghĩ, âu cũng do bối cảnh xã hội thay đổi nên con người buộc phải thích nghi… Kể cả bối cảnh nghề của ông cũng thay đổi cơ mà, ngày xưa du lịch còn sơ khai chưa phát triển, người dân Việt Nam chưa biết du lịch là gì…

Ông Đỗ Đình Cương: Đúng thế. Thời đó chúng tôi đi làm theo nhiệm vụ được phân công rất công bằng, cũng chẳng có tiền vì tất cả được trả bằng tem phiếu. Thậm chí, những món quà khách tặng chỉ là cây bút chì hay cục tẩy, quyển sổ thôi nhưng đều phải nộp về cơ quan để mọi người dùng chung.

Sau này xã hội dần phát triển, kinh tế thị trường mở cửa mới ảnh hưởng đến nghề nghiệp và tư tưởng, suy nghĩ của người hướng dẫn.

– Vậy những hướng dẫn viên kỳ cựu như ông chắc hẳn cũng có nhiều thay đổi theo thời cuộc?

Ông Đỗ Đình Cương: Tôi phải nói công bằng thế này, tôi làm hướng dẫn viên, rồi quản lý lữ hành, từ năm 1989 là Giám đốc công ty lữ hành của Công ty Du lịch Việt Nam (lúc đó được gọi là Công ty Điều hành hướng dẫn du lịch), xã hội thay đổi, con người sẽ thay đổi theo là điều chắc chắn nhưng không phải ai cũng thay đổi như nhau. Thế hệ tôi có thay đổi nhưng ít ra mức độ thay đổi vừa phải, chấp nhận được chứ không như hiện nay.

Tất nhiên, thời tôi cũng không từ chối khi khách đưa phong bao hay cái này cái khác, nhưng đó là công sức chúng tôi bỏ ra chứ không bao giờ làm “động tác” để buộc khách phải có quà. Hơn nữa, chúng tôi thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ của mình. Đó là một vài khác biệt mà những lứa hướng dẫn viên hiện nay không theo kịp chúng tôi.

Ông Đỗ Đình Cương (ở giữa) làm hướng dẫn và phiên dịch cho Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Trần Văn Dần tại Hội chợ du lịch ITB/Berlin. (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)
Ông Đỗ Đình Cương (ở giữa) làm hướng dẫn và phiên dịch cho Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Trần Văn Dần tại Hội chợ du lịch ITB/Berlin. (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)

“Bão tố” nơi hậu phương

– Đã hơn 40 năm trực tiếp làm nghề và quan sát với tư cách người trong cuộc, ông thấy diện mạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch Việt Nam phát triển ra sao? Có nhiều ý kiến cho rằng, sau này đội ngũ ấy yếu kém hơn, ít chiều sâu, nhưng tôi nghĩ chúng ta cũng cần khách quan rằng thế hệ hướng dẫn viên bây giờ cũng có nhiều điểm hơn…

Ông Đỗ Đình Cương: Nói một cách công bằng, thời chúng tôi hướng dẫn viên rất ít, nên điều kiện và môi trường công tác cũng như yêu cầu công việc cũng khác hơn. Vì ít người nên dễ biến hướng dẫn viên thành giỏi hơn.

Hiện nay lại khác, đội ngũ hướng dẫn viên rất đông với số lượng không nhỏ là giỏi, cũng có những em giỏi hơn chúng tôi chứ không phải kém hơn đâu. Nhưng nếu chúng ta nhìn tỷ lệ tổng thể thì còn nhiều điều để nói.

Thứ nhất, không phải hướng dẫn viên nào cũng đam mê học tập, đam mê hoàn thiện mình để làm nghề giỏi hơn. Thứ hai, những em mong muốn giỏi nghề lại lúng túng trong phương pháp. Thứ ba, vì thị trường phát triển nóng đến mức các doanh nghiệp không cần thiết, hay nói cách khác là không có điều kiện để lựa chọn hướng dẫn viên giỏi, nên thường lấy bất kỳ ai có thể để có hướng dẫn viên đi tour.

Điều đó đẩy hướng dẫn viên đến tâm lý thôi tôi cần gì phải học tôi vẫn có công ăn việc làm, tôi vẫn đi hướng dẫn được. Điều đó cũng tác động đến chất lượng hướng dẫn viên.

Ngoài ra, cơ chế thị trường cũng có thể tác động đến lối sống, đến đạo đức của người hướng dẫn. Nhiều em quan niệm chỉ làm một thời gian rồi thôi nên sinh tâm lý kiếm được càng nhiều càng tốt. Hướng dẫn viên thời tôi thì khác. Tôi có những người bạn bằng tuổi tôi vẫn đi làm hướng dẫn tiếng Nga, tiếng Pháp, mặc dù đều đã gần 70 rồi.

– Tôi thấy làm việc giúp con người năng động và trẻ, khỏe hơn. Tôi rất ấn tượng với tinh thần làm việc của người Nhật khi đến các khu du lịch, ở đó nhiều hướng dẫn viên tình nguyện 80 tuổi thậm chí gần 90 tuổi vẫn say mê công việc…

Nếu để tổng kết về chặng đường nhiều thập kỷ gắn bó với nghề, và bây giờ dù về hưu gần chục năm vẫn tiếp tục với các dự án của nước ngoài cũng như công ty riêng, ông có thể nói điều gì?

Đôi chân của người hướng dẫn viên đi khắp muôn nơi. (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)
Đôi chân của người hướng dẫn viên đi khắp muôn nơi. (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)

Ông Đỗ Đình Cương: Tôi có thể nói rằng tôi không tiếc, mặc dù hướng dẫn viên là nghề rất vất vả và đây là nghề khó. Để khách không kêu thì dễ nhưng để trở thành người hướng dẫn giỏi không hề đơn giản.

Khi dạy các lớp hướng dẫn viên tôi vẫn nói với các em rằng, đi với một đoàn khách để họ không phàn nàn về mình rất dễ, nhưng để người ta phục mình, nể trọng mình thì không đơn giản. Cách họ típ cho mình sẽ nói lên điều này.

Có những khách nếu họ tôn trọng mình, tiền típ sẽ được cho vào phong bì, hay tặng kèm theo quà và phong bì được coi là thứ kèm theo thôi chứ không phải khách giúi tiền vào mình như ban ơn.

“Có những khách nếu họ tôn trọng mình, tiền típ sẽ được cho vào phong bì, hay tặng kèm theo quà và phong bì được coi là thứ kèm theo thôi chứ không phải khách giúi tiền vào mình như ban ơn.”

Thực tế, người hướng dẫn viên chỉ cần vài chiêu trò là có một chuyến đi an toàn, nhưng để làm được điều như tôi vừa nói thì không đơn giản chút nào và các em phải phấn đấu thực sự để trở thành người có kiến thức giỏi, có tâm với nghề, trau chuốt từ từ ngữ đến kiến thức.

– Cả đời là những chuyến đi, tôi thấy gia đình của những hướng dẫn viên chịu nhiều thiệt thòi quá…

Ông Đỗ Đình Cương: Tôi nghĩ thế này, người hướng dẫn viên rất cần gia đình. Thực sự khi đã đam mê nghề thì gia đình chúng tôi sẽ thiệt thòi. Chúng tôi có thể mang tiền về cho gia đình nhưng gia đình không chỉ cần tiền.

Khi làm nghề hướng dẫn con người có thể trở nên rất tháo vát. Trong gia đình có ông chồng làm hướng dẫn sẽ không phải lo gì cả vì bất kỳ sự số gì xảy ra các ông ấy đều có thể xử lý được hết. Nhưng ranh giới giữa tháo vát và thủ đoạn rất gần nhau, giữa xấu và tốt.

Khảo sát bản dân tộc tại khu du lịch Hồ Ba Bể. (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)
Khảo sát bản dân tộc tại khu du lịch Hồ Ba Bể. (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)

– “Ông” tháo vát nhưng “ông” có mấy khi ở nhà đâu để các bà vợ nhờ vả ạ. Tôi nghĩ hậu phương của những người làm nghề hướng dẫn viên có lẽ cũng nhiều bão tố.

Ông Đỗ Đình Cương: Bão tố nhiều chứ, nhất là với nữ. Trong công ty tôi ngày xưa có rất nhiều nhân viên nữ, tôi vẫn khuyên sau một thời gian làm hướng dẫn nên chuyển sang việc khác phù hợp hơn như làm điều hành, làm thị trường… Vì gia đình nào có phụ nữ đi làm hướng dẫn thì rất thiệt thòi.

– Thế nhưng thực tế hiện nay, nhiều bạn trẻ coi nghề này như “miếng bánh ngon” và đổ xô vào, bất chấp việc có đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm làm nghề không. Theo ông, một hướng dẫn viên cần bao lâu để có thể lành nghề?

Ông Đỗ Đình Cương: Tôi hiện đang là giám đốc Công ty Đào tạo cung ứng nhân lực và Tư vấn du lịch, từ 2005 tới giờ.

Ý tưởng hình thành công ty liên quan tới câu hỏi của bạn ở chỗ, hướng dẫn viên học từ trường ra không làm được việc. Công ty thành lập như bến đỗ cho các em, giúp đào tạo lại cho đội ngũ sinh viên mới ra trường.

Vì thứ nhất, kinh nghiệm họ rất yếu nên các công ty muốn sử dụng đều phải đào tạo lại; thứ hai, lúc đó bắt đầu có những nguồn hướng dẫn trôi nổi, nên nhiều anh em rất khó tìm việc, các công ty nếu sử dụng hướng dẫn viên trôi nổi gặp nhiều rủi ro…

Thời bao cấp, sinh viên nhận về cơ quan sau sáu tháng mới được đi làm. Còn bây giờ, các doanh nghiệp làm “mì ăn liền,” vì họ không có thời gian và kinh phí chi trả cho đào tạo lại từng ấy con người. Hơn nữa, khi các công ty du lịch phát triển quá mạnh, thêm lượng khách bùng nổ nên họ cũng không quan tâm nhiều đến chất lượng mà “vơ bèo gạt tép.”

Chất lượng hướng dẫn viên ngày nay chưa ổn kể cả khi đã được đào tạo. Có ba lý do, thứ nhất, để có đào tạo ra một hướng dẫn viên giỏi phải có bộ giáo trình tốt; thứ hai, giảng viên phải tốt, (nghĩa là không chỉ giỏi về lý thuyết mà còn phải kinh qua công việc) để truyền cho sinh viên những kinh nghiệm thực tiễn, thực tiễn không phải là gốc để dạy nhưng thực tiễn là những minh họa quý giá để giúp bài giảng ấy tốt, đội ngũ giảng viên không qua thực tiễn chỉ nói trên giời dưới biển; thứ ba, cần phương pháp học tốt, học đi đôi với hành để trong thời gian ngắn có thể trở thành một hướng dẫn viên tốt.

– Xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.

Ông Đỗ Đình Cương tham dự hội chợ/hội nghị du lịch quốc tế tại Hàn Quốc. (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)
Ông Đỗ Đình Cương tham dự hội chợ/hội nghị du lịch quốc tế tại Hàn Quốc. (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)