Xây dựng đô thị thông minh tại Quảng Ninh

1-1607009060-29.jpg

Xây dựng thành phố thông minh hay đô thị thông minh đang là xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm nâng cao năng lực quản lý, chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế – xã hội, cải thiện cuộc sống, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp… Bắt nhịp với xu hướng đó, tỉnh Quảng Ninh đã có những bước triển khai mạnh mẽ để hướng đến mục tiêu chính quyền điện tử, đô thị thông minh trong Top đầu cả nước.

Năm 2016, Đề án xây dựng thành phố thông minh được tỉnh Quảng Ninh phê duyệt. Đây được xem là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, sự bùng nổ mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư và thực tiễn phát triển của tỉnh. Cũng từ đây, những nhiệm vụ, giải pháp để cụ thể hóa các mục tiêu về thành phố thông minh bắt đầu được triển khai quyết liệt trong hệ thống chính trị.

Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017 – 2020 được xây dựng và triển khai với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, các ứng dụng công nghệ thông tin phải cải thiện và nâng cao tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, chất lượng hiệu quả các hoạt động kinh tế – xã hội, tạo môi trường, cuộc sống tươi đẹp; Thúc đẩy đổi mới và thực thi công bằng xã hội, tăng cường sự minh bạch và chịu trách nhiệm của cơ quan quản lý; Đến cuối năm 2020 thành phố Hạ Long cơ bản trở thành thành phố thông minh của Việt Nam; Định hướng đến năm 2030 Quảng Ninh trở thành một thành phố thông minh, hiện đại đứng trong Top các thành phố thông minh của Việt Nam và khu vực ASEAN.

Đề án được thực hiện trên nền tảng Chính quyền điện tử giai đoạn I, tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài nguyên và môi trường, giao thông, du lịch, an ninh trật tự…Đến nay Đề án đã được triển khai và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Quảng Ninh là tỉnh/thành phố đầu tiên và duy nhất trong cả nước đã xây dựng và ban hành kiến trúc thành phố thông minh cấp tỉnh.

Xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, tiến tới xây dựng chính quyền số được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Người dân chính là đối tượng được thụ hưởng lớn nhất khi các chương trình này được thực hiện thành công. Tuy đích đến vẫn còn chặng đường không ngắn, nhưng việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử của Quảng Ninh đã có những kết quả rất đáng được ghi nhận.

Đô thị thông minh đầu tiên của Quảng Ninh

Một trong những kỳ vọng lớn của Đề án đưa ra là đến năm 2020, thành phố Hạ Long cơ bản trở thành đô thị thông minh của tỉnh. Mục tiêu này được đặt ra dựa trên cơ sở cân nhắc kỹ những tiền đề sẵn có, cũng như định hướng phát triển mà “thủ phủ” của tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng.

Trên tinh thần đó, Hạ Long đã bắt nhịp ngay vào lộ trình trở thành đô thị thông minh với quyết tâm cao độ nhất. Tỉnh đã tích cực phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan triển khai các giải pháp nhằm sớm thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Hạ Long trở thành thành phố thông minh vào năm 2020. Đến nay, dáng vóc của một thành phố thông minh, du lịch hiện đại đã dần hiện hữu.

Đến nay, dáng vóc của một thành phố thông minh, du lịch hiện đại đã dần hiện hữu. 

Triển khai Đề án phố thông minh tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hạ Long được giao chủ đầu tư đối với 5 dự án thành phần gồm: Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả hoạt động ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh – giai đoạn I; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đô thị trên địa bàn thành phố Hạ Long; Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý, điều phối vận tải hành khách du lịch thông minh bằng tàu, thuyền và tăng cường an toàn, an ninh du lịch trên vịnh Hạ Long; Xây dựng hệ thống chiếu sáng thông minh trên địa bàn thành phố Hạ Long.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: quangninh.gov)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: quangninh.gov)

Đến thời điểm hiện tại, Hạ Long đã hoàn thành hệ thống chiếu sáng thông minh thay thế toàn bộ các bóng đèn cao áp hiện có bằng đèn Led tiết kiệm điện tại các tuyến đường chính trên địa bàn 16 phường thuộc thành phố Hạ Long; Cải tạo hệ thống chiếu sáng công viên hoa Hạ Long, khu vực tượng đài Vũ Văn Hiếu. Các hệ thống chiếu sáng được kết nối và điều khiển, giám sát, vận hành tự động bởi Trung tâm điều khiển hệ thống chiếu sáng công cộng. Hệ thống chiếu sáng thông minh bằng bóng đèn LED đã mang lại những ưu điểm vượt trội so với hệ thống chiếu sáng thông thường: Có thể kiểm soát lượng sáng theo từng thời điểm, từng khu vực; hệ thống tự động kiểm tra và báo lỗi; giảm mức độ ô nhiễm môi trường trong suốt thời gian hoạt động, an toàn cho người sử dụng…; tiết kiệm năng lượng tối đa, giảm lượng khí thải CO2 và chi phí duy tu, bảo dưỡng, tăng vẻ đẹp cảnh quan đô thị, thúc đẩy sự phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. phát huy hiệu cao về kinh tế và môi trường.

Hệ thống thu thuế thông minh đã thực hiện thí điểm thành công việc kết nối, đồng bộ phần mềm quản lý hóa đơn điện tử với phần mềm bán hàng và hệ thống máy tính tiền, kết nối về ngành Thuế tại 34 doanh nghiệp có cơ sở kinh doanh, trên địa bàn nhằm hạn chế thất thu thuế, tăng nguồn thu cho ngân sách. Thực hiện triển khai thí điểm phần mềm hóa đơn điện tử tại 1.584 doanh nghiệp. Dự kiến phấn đấu hết năm 2020, Thành phố hoàn thành triển khai dịch vụ Hóa đơn điện tử đối với 100% doanh nghiệp trên địa bàn.

Hạ Long được thụ hưởng nhiều tiện ích, dịch vụ thông minh được đầu tư từ các dự án của tỉnh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hạ Long được thụ hưởng nhiều tiện ích, dịch vụ thông minh được đầu tư từ các dự án của tỉnh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Mặt khác, thành phố Hạ Long được thụ hưởng nhiều tiện ích, dịch vụ thông minh được đầu tư từ các dự án của tỉnh trong các lĩnh vực du lịch, giáo dục, y tế, giao thông. Trong đó trọng tâm là du lịch thông minh, toàn thành phố được đầu tư hệ thống wifi miễn phí với 107 điểm phát sóng đã phục vụ rất tốt cho du khách, hỗ trợ du lịch, tạo nền tảng cho các ứng dụng thông minh hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ.

Thành phố cũng đang gấp rút triển khai Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả hoạt động ngành du lịch; trong quản lý đô thị trên địa bàn thành phố Hạ Long; trong quản lý, điều phối vận tải hành khách du lịch thông minh bằng tàu, thuyền và tăng cường an toàn, an ninh du lịch trên vịnh Hạ Long, với mong muốn đem đến cho du khách những trải nghiệm du lịch một cách tốt nhất. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch hiệu quả, hỗ trợ các cơ quan quản lý du lịch phân tích, dự báo số liệu, đẩy mạnh quảng bá và quản lý hoạt động du lịch.

Có thể thấy rằng, trong hành trình xây dựng thành phố thông minh, Hạ Long đã tạo được nhiều chuyển biến trong công tác quản lý, thúc đẩy hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghệ phát triển vượt bậc. Với những bước đi vững chắc đó, Hạ Long sẽ sớm trở thành thành phố thông minh, là điểm đến lý tưởng, thân thiện và hiện đại.

Hạ Long sẽ sớm trở thành thành phố thông minh, là điểm đến lý tưởng, thân thiện và hiện đại. 

Bên cạnh đó, cải cách hành chính trên nền tảng khai thác tiện ích của công nghệ thông tin đã và đang được triển khai đồng bộ tại các cơ quan hành chính nhà nước. 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố đã đưa vào giải quyết tại Trung tâm Hành chính công thành phố theo nguyên tắc “Tiếp nhận – thẩm định – phê duyệt tại chỗ”.

Một số thủ tục đã và đang được thực hiện qua môi trường mạng nhằm tiết giảm tối đa thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Các ứng dụng về công nghệ số, kiốt thông tin, thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến cũng được triển khai ở các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ…, qua đó tạo thuận lợi cho hoạt động thu thuế. Thành phố cũng đang triển khai đầu tư Khu công viên công nghệ thông tin tập trung tại phường Tuần Châu, nhằm phát triển dịch vụ thông minh sáng tạo, hình thành nền hệ sinh thái nội dung số của tỉnh.

Sự vươn mình của Hạ Long với dáng dấp của đô thị thông minh đã tạo nên sức bật mới cho thành phố. (Ảnh: Hoàng Ngọc Nghĩa)
Sự vươn mình của Hạ Long với dáng dấp của đô thị thông minh đã tạo nên sức bật mới cho thành phố. (Ảnh: Hoàng Ngọc Nghĩa)

Sự vươn mình của Hạ Long với dáng dấp của đô thị thông minh đã tạo nên sức bật mới cho thành phố. Từ sự thành công của Hạ Long, những thành phố thông minh tiếp theo của tỉnh cũng dần được hình thành như Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái… Đây chính là những tiền đề quan trọng, cốt lõi để Quảng Ninh trở thành thành phố thông minh vào năm 2030.

Khi những hợp phần quan trọng của thành phố thông minh được hình thành, thì tháng 8/2019, Quảng Ninh đã đưa vào vận hành thử nghiệm Trung tâm Điều hành thành phố thông minh. Đây cũng được xem là mục tiêu lớn của tỉnh khi xây dựng Đề án.

Trung tâm cho phép sử dụng thông tin và công nghệ phân tích, để chính quyền tỉnh đưa ra những quyết định kịp thời, giúp quản lý được đa dạng các vấn đề, bao gồm cả những vấn đề đã được dự liệu trước và những vấn đề xảy ra đột xuất, tình huống khẩn cấp…

Đồng thời, tăng tính tương tác ngược lại khi người dân có thể gửi ý kiến góp ý, thông báo cho các cơ quan trong tỉnh biết về các sự cố, vấn đề liên quan tới hạ tầng đô thị, giao thông, an ninh an toàn, môi trường… qua ứng dụng Smart Quảng Ninh bằng vài thao tác bấm nút cực kỳ đơn giản trên thiết bị di động.

Với Trung tâm Điều hành này, cơ quan quản lý nhà nước còn có thể sử dụng hệ thống xem và gửi báo cáo thông minh; chỉ đạo điều hành, quản lý văn bản, lịch làm việc, nhiệm vụ, chương trình họp thông minh; tiếp nhận và trả lời ý kiến người dân; công cụ theo dõi, phân tích báo chí và mạng xã hội. Trung tâm đang tiếp tục hoàn thiện, xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối một cách rộng rãi hơn, tới trung tâm điều hành của các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành, tạo thành một “mạng lưới số” của tỉnh Quảng Ninh.

Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Dù bước đầu đã đạt được những thành quả nhất định, nhưng con đường đến với danh hiệu thành phố thông minh của Quảng Ninh cũng đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư, hạ tầng kỹ thuật, yếu tố con người…

Tuy nhiên, những thách thức cũng là cơ hội, vận hội mới. Việc triển khai thành công mô hình thành phố thông minh sẽ tạo xung lực mới để Quảng Ninh tiến những bước dài trong phát triển kinh tế – xã hội cũng như khẳng định vị thế, tiềm lực đối với cả nước, khu vực và thế giới.

Kiên trì và quyết tâm với mục tiêu đó, Quảng Ninh đang nỗ lực hết sức để đạt được những kỳ vọng về một thành phố Quảng Ninh thông minh, hiện đại, đứng trong top đầu thành phố thông minh của Việt Nam và ASEAN.

Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cho biết sẽ tham mưu và trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng Chính quyền số tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030 với mục tiêu tổng quát xây dựng môi trường làm việc trên nền công nghệ số hiện đại, minh bạch, hiệu quả và sự tương tác giữa người dân và chính quyền được thực hiện dễ dàng, minh bạch hơn; phát huy được tối đa trí tuệ và sức mạnh của nhân dân để xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Mới đây, tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành kế hoạch phát triển đô thị thông minh cho lộ trình tiếp theo, giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 với những kỳ vọng cao hơn.

Các mục tiêu mà Quảng Ninh đề ra như: Xây dựng và triển khai Đề án Chính quyền số tỉnh Quảng Ninh; phát triển các hệ thống nền tảng của tỉnh đảm bảo kết nối liên thông gửi nhận văn bản điện tử tới 100% bộ, ngành trung ương và các tỉnh/thành phố; nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh; Áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực, tiết kiệm chi phí, năng lượng, cải thiện cung cấp dịch vụ, chất lượng cuộc sống và giảm thiểu tác động đến môi trường; Triển khai mạng lưới thiết bị kết nối qua Internet (IoT), nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đặc biệt, phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ninh có 4 đô thị thông minh tại 4 thành phố; đến năm 2030, các địa phương còn lại đạt được các tiêu chí của đô thị thông minh, tập trung vào các lĩnh vực quản lý đô thị, chiếu sáng, giao thông, cấp thoát nước, thu gom và xử lý rác thải, lưới điện, hệ thống cảnh báo rủi ro thiên tai, xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian đô thị, hợp nhất các dữ liệu đất đai, dữ liệu về xây dựng và các dữ liệu khác trên nền GIS tại tối thiểu 4 thành phố trên địa bàn tỉnh, đồng thời cung cấp các tiện ích đô thị thông minh phục vụ người dân.

Quan điểm của Quảng Ninh vẫn là kéo gần khoảng cách giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp, hướng đến một cuộc sống tiện ích, chất lượng hơn. 

Giai đoạn 2020-2025, tỉnh tập trung ưu tiên đầu tư, thực hiện 16 dự án/nhiệm vụ: Xây dựng, triển khai Đề án Chính quyền số tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030; phát triển khoa học công nghệ tỉnh đến năm 2020; tiếp tục triển khai Đề án xây dựng trung tâm ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp khoa học công nghệ tỉnh; hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh; triển khai Bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025; hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm phục vụ công tác quản lý tài nguyên và môi trường, cảnh báo thiên tai trực tuyến trên địa bàn tỉnh; Đề án nhân rộng mô hình thành phố thông minh tại Uông Bí giai đoạn 2018-2022, tại Cẩm Phả giai đoạn 2018-2025, tại Móng Cái giai đoạn 2020-2025; nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh; kết nối tích hợp dịch vụ công trực tuyến mức 3,4 cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Cùng với đó là kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đô thị thông minh cho các cơ quan nhà nước của tỉnh, tổ chức và người dân; hệ thống wifi công cộng trên địa bàn tỉnh.

Quan điểm của Quảng Ninh vẫn là kéo gần khoảng cách giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp, hướng đến một cuộc sống tiện ích, chất lượng hơn. Đó là đích đến của thành phố thông minh Quảng Ninh./.

Địa phương cấp huyện đầu tiên cả nước 

kết nối với Chính phủ

Thành phố Móng Cái là một trong 8 đơn vị được tỉnh đồng ý triển khai thí điểm mô hình Trung tâm điều hành thành phố thông minh. Đây là thành phố có rất nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế như thương mại dịch vụ, du lịch, dịch vụ logitics, cảng biển, công nghiệp chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng.

Với sự sẵn sàng về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ tương đối đồng bộ và các tiềm năng sẵn có của Móng Cái, đặc biệt là tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội của thành phố có thể thấy việc xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Móng Cái là hết sức cần thiết.

Ngày 25/02/2020, thành phố Móng Cái cũng đã chính thức đưa vào vận hành thí điểm mô hình Trung tâm Điều hành thông minh thành phố. Móng Cái là địa phương đi đầu trong 13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; là đơn vị cấp huyện đầu tiên khu vực phía Bắc và là đơn vị thứ 2 trong cả nước khai trương, vận hành thí điểm mô hình Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, điều này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của Móng Cái trong xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm. Đến nay đã triển khai, vận hành thử nghiệm 22 tính năng, hợp phần của thành phố thông minh, trong đó có 10 tính năng dành cho công chức và 12 tính năng, hợp phần dành cho công dân (ứng dụng Smart Quảng Ninh).

Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trung tâm Điều hành đô thị thông minh thành phố Móng Cái thực hiện 8 hợp phần bao gồm: Hệ thống cảnh báo; chỉ đạo điều hành và tương tác nội bộ; họp thông minh; văn bản đi, đến; lịch làm việc; ý kiến người dân; hành chính công Móng Cái; báo chí và mạng xã hội; đọc văn bản; giám sát dịch COVID-19 và công tác phòng chống; dự án thành phần, hệ thống camera giám sát tại các nút giao thông, khu vực trọng điểm trên địa bàn…

Thành phố Móng Cái cũng là đơn vị cấp huyện đầu tiên cả nước kết nối Trung tâm thông tin – điều hành của Chính phủ. Thành phố Móng Cái đã thành lập tổ công tác trực, vận hành tại trung tâm với 18 nhiệm vụ, theo mô hình thống nhất các nhiệm vụ giữa chính quyền điện tử, Trung tâm Hành chính công và Trung tâm điều hành – thành phố thông minh đảm bảo tập trung, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Móng Cái cũng là đơn vị cấp huyện đầu tiên cả nước kết nối Trung tâm thông tin – điều hành của Chính phủ

Một số tính năng thông minh phục vụ người dân và tổ chức (Smart Quảng Ninh), trong đó có tính năng “ý kiến người dân/phản ánh hiện trường” và ”dịch vụ công” đang được triển khai đồng bộ giữa tỉnh và thành phố, các ý kiến người dân gửi lên hệ thống được Trung tâm điều hành thành phố tổng hợp và chuyển đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết kịp thời.

Về cơ sở dữ liệu và liên kết dữ, chia sẻ dữ liệu: Hoàn thành việc cập nhật dữ liệu các năm, hàng tháng của 24 phòng ban về Trung tâm điều hành phục vụ công tác chỉ đạo điều hành; phục vụ các cuộc họp giao ban, họp chuyên đề…; thực hiện kết nối, theo dõi quản lý giám sát theo dõi nhiệm vụ tỉnh, thành phố giao; tích hợp hệ thống giám sát, quan trắc môi trường nước, không khí trên địa bàn thành phố. Tính năng “Tương tác nội bộ” hỗ trợ cán bộ, công chức trao đổi công việc trên mọi nền tảng, đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm điều hành – Thành phố thông minh, thành phố Móng Cái sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, đầu tư trang thiết bị ngoại vi; hoàn thiện các tính năng của trung tâm.

Trong đó, thành phố đã bố trí kinh phí triển khai Dự án lắp đặt 60 camera có tính năng thông minh để giám sát an ninh tại các điểm trọng yếu: Ngã tư, khu vực đông khách du lịch; Tiến hành khảo sát lắp đặt camera giám sát dọc tuyến biên giới. Đề xuất báo cáo Uỷ ban Nhân dân tỉnh triển khai hệ thống camera giám sát dọc tuyến biên giới.

Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Bố trí kinh phí lắp đặt bổ sung các thiết bị kết nối tại Trung tâm điều hành phục vụ chỉ đạo điều hành cho phòng làm việc của lãnh đạo thành phố và phòng họp trực tuyến tại trung tâm. Đang nghiên cứu triển khai Dự án xây dựng hệ thống quản lý, quy hoạch đô thị thông minh. Triển khai xây dựng Trung tâm hành chính (Tòa liên cơ quan) áp dụng công nghệ thông minh, đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP).

Trung tâm hành chính gồm: Các cơ quan hành chính Nhà nước – Trung tâm Hành chính công – Trung tâm Điều hành thông minh. Đây sẽ là “sản phẩm du lịch thể chế”, biểu tượng “sản phẩm du lịch công nghệ”. Tập trung cập nhật dữ liệu hoàn thiện tính năng “du lịch”, “giao thông”, “giáo dục”… để phục vụ người dân, doanh nghiệp và du khách.

Xây dựng chính quyền điện tử tại Quảng Ninh

Xu hướng tất yếu

Khi thực hiện xây dựng thành phố thông minh, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng cơ bản hoàn thiện Hệ thống Chính quyền điện tử, được áp dụng hiệu quả từ cấp tỉnh đến cấp xã, và 100% công chức đã thực hiện công việc trên môi trường điện tử, đây là thế mạnh để Quảng Ninh tự tin xây dựng thành công thành phố thông minh.

Trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông của tỉnh Quảng Ninh đã có bước phát triển vượt bậc, góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước và phát triển kinh tế – xã hội. Hạ tầng dụng công nghệ thông tin và truyền thông của tỉnh được chú trọng đầu tư xây dựng, 100% cơ quan nhà nước cấp sở, ngành và Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố được nối mạng truyền số liệu chuyên dụng và kết nối internet.

100% cơ quan nhà nước cấp sở, ngành và Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố được nối mạng truyền số liệu chuyên dụng và kết nối internet

Ứng dụng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ các cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp luôn được tỉnh quan tâm và phát triển đồng bộ. Các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh đang sử dụng rộng rãi các phần mềm ứng dụng dùng chung và phần mềm chuyên ngành; trên 1.400 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, một số dịch vụ công đã đạt mức độ 3.

Đa số các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố có trang thông tin điện tử và đang từng bước triển khai hệ thống cung cấp dịch vụ công “một cửa điện tử”. Những nỗ lực này đã và đang phát huy hiệu quả, thiết thực trong công tác lãnh đạo chỉ đạo và giải quyết công việc chuyên môn hằng ngày tại các cơ quan, đơn vị, nâng cao năng suất, chất lượng công việc, mang nhiều thuận lợi đến cho người dân và doanh nghiệp.

Một cuộc họp trực tuyến tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Một cuộc họp trực tuyến tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Từ năm 2012, Tỉnh Quảng Ninh xác định Xây dựng Chính quyền điện tử và Trung tâm Hành chính công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh để thực hiện ba khâu đột phá chiến lược. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm, trực tiếp chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản nhằm thống nhất quan điểm, nội dung cách thức tổ chức thực hiện.

Sau 8 năm thực hiện, nền tảng cốt lõi của Hệ thống Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thiện, cụ thể:

– Trung tâm tích hợp dữ liệu Tỉnh đã hoàn thành cơ bản đạt tiêu chuẩn Tier 3, chuẩn quốc tế TIA-942 về Data Center.

– Hoàn thiện việc xây dựng 186/186 Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cho các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

– Hệ thống mạng diện rộng (WAN), mạng cục bộ (LAN) kết nối UBND tỉnh với các sở, ban, ngành và Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố bằng đường Truyền số liệu chuyên dùng (cáp quang) để đảm bảo cho các đơn vị khai thác.

– 100% cơ quan nhà nước của tỉnh đều có mạng LAN, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành trong nội bộ cơ quan.

– Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu một cửa điện tử: Triển khai tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, các sở, ban, ngành, 14 Uỷ ban Nhân dân các huyện, thành phố và các Trung tâm Hành chính công cấp huyện, 186/186 xã, phường, thị trấn. Đến nay đã có trên 3 triệu hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được lưu trữ và xử lý qua hệ thống.

– Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu Quản lý văn bản đã triển khai tại Văn phòng Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Văn phòng Hội đồng Nhân dân tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy; các sở, ban, ngành và 14 huyện, thị xã, thành phố, 186/186 xã, phường, thị trấn, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động, chỉ đạo điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước (phục vụ 760 đơn vị với 13.481 người dùng).

– Có 27 hệ thống phần mềm chuyên ngành đã được đưa vào khai thác, sử dụng.

– Đã triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến với 239 điểm cầu và phát huy hiệu quả đối với 100% các cơ quan: Tỉnh uỷ; các Huyện uỷ, Thị uỷ, Thành uỷ; Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan quản lý hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Hệ thống đã thực hiện trung bình từ 15 – 20 cuộc họp trực tuyến/tháng.

– Nhiệm vụ truyền thông về Chính quyền điện tử được triển khai tới các cơ quan báo chí trên địa bàn và các đơn vị hợp tác truyền thông tại các Hội nghị giao ban báo chí hàng tháng; đã có hơn 900 lượt tin, bài, phát hành 15.000 tờ rơi, tập gấp; phát hành 11.600 quyển “Sổ tay về chính quyền điện tử” mở chuyên mục: “Cuộc sống số”; “Cải cách hành chính”; “Quảng Ninh xây dựng Chính quyền điện tử”. Tổ chức tập huấn về Chính quyền điện tử cho người dân và doanh nghiệp thông qua các lớ tập huấn, hội thảo chuyên đề. Đến nay, đã tổ chức được 156 lớp tập huấn Chính quyền điện tử với hơn 6.500 học viên, tổ chức 02 hội thảo, 10 lớp tập huấn cho doanh nghiệp với gần 1.300 đại biểu tham dự.

– Cổng thông tin điện tử cung cấp dịch vụ công trực tuyến hoạt động tại địa chỉ http://dichvucong.quangning.gov.vn đã hoàn thành và vận hành chính thức từ 1/7/2016, cung cấp hơn 81% dịch vụ công mức độ 3, 4 của 3 cấp.

Trung tâm phục vụ Hành chính công của tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trung tâm phục vụ Hành chính công của tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Với xu hướng tất yếu đó, Đề án xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh được xây dựng nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ trong việc phát triển và ứng dụng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, cải cách hành chính; đồng thời thể hiện ý chí, quyết tâm chính trị của tỉnh trong việc tiến tới nền hành chính minh bạch, hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đề án chính là cơ sở để xác định mô hình, kiến trúc xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh, xác định các nội dung, hạng mục đầu tư, bố trí và thu hút mọi nguồn lực, lộ trình để xây dựng thành công chính quyền điện tử và đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh dẫn đầu về ứng dụng và phát triển dụng công nghệ thông tin và truyền thông của cả nước.

Hiện tại tỉnh Quảng Ninh đang triển khai thí điểm 2 ứng dụng trên thiết bị di động. Đến thời điểm hiện tại đã có gần 40.000 người dân cài và sử dụng app dành cho công dân, nhờ sử dụng app thông minh, người dân đã được tiếp cận nhanh chóng với các thông tin từ chính quyền, đặc biệt là trong đợt phòng chóng dịch COVID-19, và chính quyền cũng tiếp cận được nhanh ý kiến phản ảnh của người dân.

Đề án xây dựng chính quyền điện tử được tỉnh Quảng Ninh quyết tâm thực hiện với mục tiêu xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trên cơ sở bảo đảm tính kế thừa, tận dụng những thành tựu, kết quả đã có, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển trong lĩnh vực dụng công nghệ thông tin và truyền thông và truyền thông của tỉnh để phát triển chính quyền điện tử. Đồng thời góp phần đẩy mạnh ứng dụng dụng công nghệ thông tin và truyền thông rộng rãi trong hoạt động nội bộ của các cơ quan nhà nước; lấy người dân làm trung tâm, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao để nâng cao hiệu quả nhà nước, hướng tới một nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả.

Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Việc triển khai Đề án cũng hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực để đảm bảo vận hành, sử dụng hiệu quả hệ thống chính quyền điện tử ở cả đối tượng cán bộ công chức nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó là gắn với việc xây dựng trung tâm dịch vụ hành chính công và cải cách thủ tục hành chính.

Trước sự chuyển biến nhanh chóng của Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, tỉnh Quảng Ninh xác định việc phát triển đô thị thông minh, chính quyền điện tử là cơ hội để tỉnh Quảng Ninh xây dựng được nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả vì nhân dân phục vụ.

Quảng Ninh xác định việc phát triển đô thị thông minh, chính quyền điện tử là cơ hội để tỉnh Quảng Ninh xây dựng được nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả vì nhân dân phục vụ

Qua đó xây dựng hình ảnh tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương phát triển năng động, sáng tạo, là địa chỉ đáng tin cậy để các doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, thực hiện đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Xây dựng đô thị thông minh để cung cấp cho người dân, du khách các tiện ích thông minh, hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh xác định gặp một số khó khăn nhất định như việc xây dựng hạ tầng ICT tại các vùng sâu, vùng xa, việc phát triển công dân điện tử và khách du lịch điện tử, đặc biệt là đào tạo được đội ngũ cán bộ có đủ trình độ đáp ứng được trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ Tư./.

Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Hoàng Ngọc Nghĩa)
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Hoàng Ngọc Nghĩa)