Dịch COVID-19

motco-1583918499-74.jpg

Dệt may, da giày là một trong nhiều ngành bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19. Không chỉ sản xuất bị gián đoạn do phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu mà khâu tiêu thụ, đầu ra tại nhiều thị trường lớn cũng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh làm giảm nhu cầu tiêu dùng.

Hiện xuất khẩu dệt may Việt Nam đã lọt top 3 thế giới, đóng góp tích cực cho việc cân bằng cán cân thương mại, giảm nhập siêu và nâng tầm thương hiệu. Tuy vậy, trước vấn đề dịch bệnh đặc biệt là việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA đang đặt ra nhiều áp lực cho ngành trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhận định dịch bệnh xảy ra càng cho thấy tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm chủ động nguồn cung trong nước.

Theo đó, Người đứng đầu ngành công thương cho rằng để hóa giải bài toán phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, điều trước tiên là nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc đầu tư mở rộng sản xuất, đa dạng thị trường. Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng hàng đầu chính là việc hoạch định các chính sách nhằm tạo động lực thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ giúp các doanh nghiệp và các ngành xuất khẩu mũi nhọn của nước ta phát triển bền vững.

Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi xin tổng hợp và đánh giá những khó khăn bất cập của doanh nghiệp đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh COVID-19 vừa qua, để từ đó khuyến nghị những chính sách nhằm “cởi” nút thắt về nguồn cung thiếu hụt, đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy các ngành công nghiệp của Việt Nam tiến sâu vào chuỗi cung ứng.

Lo ngại thiếu nguyên liệu sản xuất dù cơ hội EVFTA đã cận kề

Từ sau Tết Nguyên Đán Canh Tý, nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày đã rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu để sản xuất. Lo ngại hơn, nếu dịch bệnh COVID-19 tiếp tục kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh của các ngành hàng thuộc lĩnh vực công nghiệp.

Hiệu ứng domino

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty hóa dệt Hà Tây, cho biết mặc dù doanh nghiệp đã chủ động được hơn 80% nguồn nguyên liệu cho sản xuất từ nguồn trong nước, song số còn lại khoảng 15% vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Trong số đó, có tới 90% chi tiết của sản phẩm phải nhập từ Trung Quốc, số còn lại từ các nước và vùng lãnh thổ khác như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… Vì vậy, khi dịch COVID-19 lan rộng tại các thị trường trên, nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất bắt đầu gián đoạn và khó khăn vì thế cũng nảy sinh.

Khi dịch COVID-19 lan rộng tại các thị trường trên, nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất bắt đầu gián đoạn và khó khăn vì thế cũng nảy sinh.

“Nếu không thể nhập khẩu từ các quốc gia đang có dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc thì sẽ rất khó để có thể hoàn thiện sản phẩm theo đúng hợp đồng cho đối tác, bạn hàng. Mặc dù giá trị nhập khẩu tính trung bình chỉ hơn 10% nhưng lại phân bổ gần như là tất cả các sản phẩm,” ông Tùng nói.

Sản phẩm của công ty đã có mặt tại nhiều nước như EU, Mỹ... (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
Sản phẩm của công ty đã có mặt tại nhiều nước như EU, Mỹ… (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Còn theo bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại-Dệt may Thanh Bình (quận Long Biên), công ty không vướng mắc về vấn đề đầu ra cho sản phẩm, vì năm 2020 đã ký hợp đồng xuất quần, áo sang Lào, Campuchia, nhưng dịch bệnh lại khiến doanh nghiệp khó khăn ở khâu đầu vào vì phần lớn nguyên liệu như vải, cúc, khóa… đều nhập từ nhà cung cấp Trung Quốc.

Thông thường, để bảo đảm sản phẩm cung ứng theo hợp đồng đã ký, công ty phải nhập nguyên liệu 2 tuần một lần. Tuy vậy, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, gần một tháng qua, công ty chưa nhập được nguyên liệu trong khi nguồn hàng dự trữ phục vụ sản xuất cũng cạn dần.

“Trước khó khăn này, Công ty phải tính đến việc tìm nguồn cung ứng nguyên liệu mới, nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế, vì để nhập khẩu cần phải kết nối được nhà cung ứng và phù hợp với giá cả của sản phẩm,” bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ.

Không chỉ những doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng mà nhiều “ông lớn” trong ngành dệt may cũng đang chật vật trong việc đảm bảo nguồn cung đầu vào cho sản xuất, nhất là khi ngành may phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bàn tay khéo léo của người lao động để tạo ra sản phẩm giày xuất khẩu. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
Bàn tay khéo léo của người lao động để tạo ra sản phẩm giày xuất khẩu. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, chia sẻ: Hiện đối tác cung cấp nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp từ phía Trung Quốc vẫn chưa đi vào hoạt động ổn định nên cũng chưa có cam kết chắc chắn về thời gian đảm bảo được cung cấp nguồn nguyên phụ liệu.

Với khoảng 12.000 lao động thuộc hơn 18 nhà máy, xí nghiệp lại trải dài tại các tỉnh thành trên khắp mọi miền đất nước, do vậy khi dịch bệnh kéo dài, nguồn nguyên liệu đầu vào không ổn định, May 10 cũng dự báo nhiều kịch bản xấu xảy ra đối với doanh nghiệp, như phải cắt giảm giờ làm, công nhân phải nghỉ việc từ đó khiến doanh thu sụt giảm mạnh.

Để tìm được nguồn cung thay thế trong ngắn hạn là khó khả thi bởi nguyên phụ liệu sản xuất trong nước không đáp ứng đủ, tìm nguồn vật tư thay thế từ nước ngoài lại cần có nhiều thời gian.

“Hiện May 10 đang phối hợp với các khách hàng có giải pháp xử lý tình huống. Tuy nhiên, để tìm được nguồn cung thay thế trong ngắn hạn là khó khả thi bởi nguyên phụ liệu sản xuất trong nước không đáp ứng đủ, tìm nguồn vật tư thay thế từ nước ngoài lại cần có nhiều thời gian,” Tổng Giám đốc May 10 nói.

Cú sốc lan tới cả thị trường tiêu thụ

Những khó khăn của các doanh nghiệp nêu trên cũng là tình trạng chung của rất nhiều doanh nghiệp ngành dệt may và da giày trong nước.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, việc nguồn nguyên liệu nhập khẩu bị gián đoạn trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến khoảng 20-30% năng lực sản xuất tùy từng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn phải đối mặt với việc chịu phạt, mất khách hàng trong trường hợp chậm giao hàng hoặc không hoàn thành hợp đồng đã ký.

Chia sẻ thêm từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Tùng cho hay trong ngắn hạn đơn hàng chưa bị tác động nhiều vì các đối tác đã đặt hàng trước đó 3-6 tháng, song trường hợp dịch bệnh chưa kết thúc, nhu cầu tiêu dùng giảm thì khách hàng sẽ đánh giá lại và điều chỉnh đơn hàng.

Ông cũng nhẩm tính, để sản xuất một đôi giày, tiền công khoảng 3 USD, còn giao hàng từ Việt Nam sang EU bằng đường biển chỉ mất 15 cent, trường hợp đi bằng đường hàng không thì chi phí vận chuyển sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

Sản phẩm giày của Công ty hóa dệt Hà Tây. 
Sản phẩm giày của Công ty hóa dệt Hà Tây. 

Do vậy, với khách hàng lâu năm, công ty phải chấp nhận bỏ thêm chi phí đảm bảo thời gian giao hàng cũng như chấp nhận lỗ. Nếu không đáp ứng được điều này, công ty sẽ bị giảm uy tín và khó nhận được các đơn hàng tiếp theo.

“Công ty đã chủ động trao đổi với khách hàng để giãn thời gian giao hàng, song nếu trễ hơn nhiều so với thời gian ký kết thì phải vận chuyển bằng máy bay, do vậy để giữ khách hàng công ty phải chấp nhận tăng chi phí vận chuyển và giảm lợi nhuận,” ông Tùng ngậm ngùi.

Với hiệp định EVFTA, doanh nghiệp này cũng nhìn thấy nhiều cơ hội để tiếp cận thị trường cũng như đa dạng nguồn cung nguyên phụ liệu, song theo ông, về lâu dài Nhà nước cần có chính sách để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, tự chủ ngay tại thị trường nội địa.

Ngày 12/2 vừa qua, Nghị viện châu Âu khóa mới đã phê chuẩn hai hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, gồm Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, hiệp định EVFTA sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu thông qua nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường EU, nếu hiểu đúng và thực thi đúng các cam kết của Hiệp định này.

Với những cơ hội đang mở ra, ông cho biết Bộ Công Thương đang phối hợp với các cơ quan chức năng đang đẩy nhanh việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý để trình Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp gần nhất, tạo động lực cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

“Khi EVFTA phê chuẩn thì công nghệ nguồn và nguồn vốn của EU sẽ giúp ích rất lớn cho Việt Nam hình thành những chuỗi cung ứng mới ở tại EU và toàn cầu và như vậy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của chúng ta sẽ có sự hỗ trợ rất to lớn từ nguồn lực này để đảm bảo hiệu quả, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp,” Bộ trưởng nói.

Khi EVFTA phê chuẩn thì công nghệ nguồn và nguồn vốn của EU sẽ giúp ích rất lớn cho Việt Nam hình thành những chuỗi cung ứng mới ở tại EU và toàn cầu.

Tuy vậy, trong dài hạn, người đứng đầu ngành Công Thương cho rằng vẫn cần định hình lại ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, tái cơ cấu theo hướng bền vững để doanh nghiệp chủ động nguồn cung trong nước thay vì phụ thuộc nhập khẩu, giữ chắc chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Những nút thắt khiến dệt may chưa tự chủ được nguyên phụ liệu

Năm 2019, nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may cả nước là 22,36 tỷ USD, trong đó nhập khẩu nhiều nhất là vải đạt 12,37 tỷ USD.

Trao đổi với VietnamPlus, ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết vấn đề “thắt cổ chai” của ngành dệt may nằm trong khâu sản xuất dệt, nhuộm hoàn tất.

Tuy nhiên, đầu tư vào các dự án dệt nhuộm hoàn tất không phải là bài toán dễ giải, vì vốn đầu tư cao cũng như đòi hỏi trình độ cán bộ kỹ thuật vận hành quản lý tốt.

Ông Cao Hữu Hiếu Phó Tổng Giám đốc Vinatex.
Ông Cao Hữu Hiếu Phó Tổng Giám đốc Vinatex.

Hơn thế nữa cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi phải đầu tư trong dài hạn, trong khi đó đầu tư vào sợi, vào may gia công vừa đòi hỏi ít vốn lại vòng quay thu hồi vốn nhanh.

Do đó, nhiều doanh nghiệp Việt không mấy mặn mà khi đầu tư vào lĩnh vực nguyên phụ liệu. Hơn thế nữa, hiện tại Việt Nam chưa thể cạnh tranh về giá và quy mô so với các doanh nghiệp Trung Quốc hay các doanh nghiệp FDI.

– Ông có thể cho biết những tác động của dịch COVID-19 tới các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may những tháng vừa qua?

Ông Cao Hữu Hiếu: Từ đầu năm tới nay, dịch bệnh do COVID-19 lây lan trên diện rộng tại Trung Quốc và thế giới khiến không ít doanh nghiệp dệt may Việt Nam gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào. Một số doanh nghiệp biết nhìn xa trông rộng có nhập nguyên liệu trước Tết Nguyên đán, nhưng cũng chỉ đủ để phục vụ sản xuất đến hết tháng Ba, tháng Tư.

Với đơn hàng đã ký, các doanh nghiệp có phương án chung là đàm phán lại với khách hàng xin giãn thời gian giao hàng vì dịch bệnh cũng là lý do bất khả kháng. Tuy nhiên, một hệ lụy đáng quan ngại hơn mà theo tôi nhận thấy là ảnh hưởng đến tâm lý chung toàn cầu, nghiêm trọng nhất là ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng ở các nước phương Tây như Mỹ, EU… Do đó, cầu tiêu dùng bị giảm, lượng đơn hàng tồn kho tại các nhà máy bán lẻ tăng.

Dệt may áp dụng công nghệ tiên tiến để tăng năng suất lao động. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
Dệt may áp dụng công nghệ tiên tiến để tăng năng suất lao động. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Lúc này các nhà bán lẻ phải dùng các biện pháp như hạ giá, kích cầu khuyến khích tiêu dùng. Vì những nguyên do này mà nhiều doanh nghiệp dệt may của Việt Nam gặp khó khăn hơn do cầu tiêu dùng giảm, nhà nhập khẩu giảm lượng đặt hàng.

Tuy nhiên, hai tháng trở lại đây, có một số doanh nghiệp trong tập đoàn đã tìm thấy một số cơ hội ở các thị trường ngách như khẩu trang, quần áo bảo hộ chuyên dụng, không chỉ phục vụ thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu phục vụ xuất khẩu đi thị trường quốc tế. Tôi nhận thấy đấy cũng là những thị trường ngách có nhiều tiềm năng.

Biểu đồ xuất khẩu dệt may của khối FDI từ năm 2014 đến 2018. 
Biểu đồ xuất khẩu dệt may của khối FDI từ năm 2014 đến 2018. 

Về lâu dài, tình trạng dịch bệnh là tình trạng khó khăn chung, không chỉ Việt Nam mà rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng gặp phải. Do đó, tôi thấy hiện tại doanh nghiệp nên làm sao chủ động để tránh bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh, bằng các biện pháp về ngắn hạn chủ động tìm tòi, đầu tư sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, bắt tay chặt chẽ với bạn hàng cùng tìm phương án giải quyết các khó khăn trước mắt.

Doanh nghiệp nên làm sao chủ động để tránh bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh, bằng các biện pháp về ngắn hạn chủ động tìm tòi, đầu tư sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, bắt tay chặt chẽ với bạn hàng cùng tìm phương án giải quyết các khó khăn trước mắt. 

– Chính phủ đã có Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành hàng, nhưng hiệu quả triển khai chưa như mong đợi. Ở khía cạnh ngành dệt may, theo ông đâu là điểm khó trong quá trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như tự chủ nguồn nguyên liệu dệt may trong nước?

Ông Cao Hữu Hiếu: Nguyên phụ liệu trong ngành dệt may là xơ, sợi, vải, nguyên phụ liệu khác như cúc, chỉ… Về phát triển xơ thiên nhiên thì thổ nhưỡng chúng ta không thích hợp để phát triển các cây trồng như Bông do đó phần lớn bông xơ ta đều nhập khẩu từ Mỹ, Ấn Độ, Australia, Uzberkistan…

Về sợi, hiện tại phần lớn sản xuất sợi ở Việt Nam đều tập trung vào các loại sợi chi số thấp và trung bình, chủ yếu xuất khẩu đi Trung Quốc. Công nghệ, máy móc, trình độ nguồn nhân lực đều chưa đạt để cho phép nhiều doanh nghiệp có thể làm được các loại sợi chi số cao.

Doanh nghiệp dệt may Việt Nam đẩy mạnh kênh phân phối tại thị trường nội địa. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
Doanh nghiệp dệt may Việt Nam đẩy mạnh kênh phân phối tại thị trường nội địa. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Về vải, dệt nhuộm thì có những lý do khó khăn tôi đề cập ở trên do vốn, do công nghệ, do trình độ nhân lực. Nghị định 111/CP và các văn bản khác của Chính phủ có hướng tới phát triển Công nghiệp hỗ trợ nhưng chưa có chương trình phát triển hành động cụ thể.

Dù vấn đề này đã được đưa ra bàn thảo từ nhiều năm trước, nhưng việc tiến hành vẫn còn chậm chạm, khiến tốc độ phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ dệt may Việt Nam vẫn chưa theo kịp nhu cầu.

Nếu làm phép so sánh với các quốc gia mạnh về xuất khẩu dệt may như Ấn Độ, Bangladesh, sự hỗ trợ trong phát triển chính sách riêng biệt dành cho xuất khẩu, cho phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn hạn chế.

Ví dụ như với Bangladesh có chính sách cụ thể dành cho xuất khẩu giai đoạn 2015-2018 trong đó ưu tiên xuất khẩu dệt may.

Những doanh nghiệp xuất khẩu dệt may sẽ được hưởng ưu đãi về thuế vay xuất khẩu thấp hơn, hoàn thuế thu nhập, hỗ trợ tiếp cận thị trường nước ngoài, tiếp cận giá các dịch vụ ga, nước, điện rẻ hơn…

Công nhân May 10 làm chủ dây chuyền sản xuất. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
Công nhân May 10 làm chủ dây chuyền sản xuất. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Hay như Ấn Độ có riêng một Bộ Dệt may, có rất nhiều quỹ và chương trình phát triển riêng biệt cho ngành dệt may như các quỹ như quỹ hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu EPF, quỹ đào tạo nguồn nhân lực Smarth, các quỹ để hỗ trợ khuyến khích xây dựng khu công nghiệp dệt may, hỗ trợ xây dựng mạng lưới marketing và bán hàng ở nước ngoài…

Việt Nam chưa có các chính sách cụ thể dành cho hỗ trợ phát triển cho ngành dệt may như các nước này, chính sách ở các địa phương nhiều khi còn chung chung chưa cụ thể, chỉ ưu đãi nhiều cho khối FDI, nhiều địa phương thậm chí còn hạn chế các dự án dệt nhuộm do quan ngại vấn đề ô nhiễm môi trường.

– Một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, EVIPA được ký kết mang lại kỳ vọng thu hút đầu tư nước ngoài vào lấp lỗ hổng thiếu nguyên phụ liệu sản xuất, xin ông cho biết tình hình thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may?

Ông Cao Hữu Hiếu: Nếu tính bình quân trong 6 năm (từ 2013 đến 2018), trung bình 1 tỷ USD vốn đầu tư FDI thêm vào dệt may tạo ra 10,2 tỷ USD xuất khẩu. Tổng vốn đăng ký FDI vào dệt may giai đoạn 6 năm 2013-2018 đạt gần 9,6 tỷ USD, vượt tổng số vốn FDI vào dệt may trong giai đoạn 24 năm trước đó (từ năm 1988 là thời điểm Việt Nam bắt đầu mở cửa đón dòng vốn FDI đến năm 2012 đạt 8 tỷ USD).

Đóng góp xuất khẩu của khối FDI vào xuất khẩu chung của toàn ngành dệt may Việt Nam trong giai đoạn 6 năm trở lại đây là đáng kể, trung bình chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước (trong đó xuất khẩu xơ, sợi chiếm khoảng 70% và xuất khẩu hàng dệt may chiếm khoảng 59% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng tương ứng của cả nước).

Nhâ viên Công ty May Hưng Yên sản xuất đơn hàng phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
Nhâ viên Công ty May Hưng Yên sản xuất đơn hàng phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2013-2018 về xuất khẩu dệt may của khối FDI đạt 11,75%, cao hơn CAGR xuất khẩu dệt may của khối doanh nghiệp trong nước cùng thời kỳ ở mức 10,7%, hàm ý tăng trưởng xuất khẩu của khối FDI tốt hơn khối doanh nghiệp trong nước.

Có thể nói các Hiệp định Thương mại tự do đã góp phần mang đến nhiều cơ hội đầu tư cho Việt Nam. Tổng vốn đăng ký FDI của Trung Quốc vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt 1,56 tỷ USD với 233 dự án (các dự án sản xuất linh kiện điện tử và các sản phẩm từ thép chiếm 50% tổng vốn đăng ký).

Có thể nói các Hiệp định Thương mại tự do đã góp phần mang đến nhiều cơ hội đầu tư cho Việt Nam.

Trong đó lĩnh vực dệt may có 11 dự án, tổng vốn đăng ký 190,5 triệu USD, tăng 4,1 lần so với cùng kỳ năm trước (5 tháng đầu năm 2018 chỉ có 8 dự án với tổng vốn đăng ký là 46 triệu USD).

Về lĩnh vực đầu tư trong 5 tháng đầu năm 2019, tỷ trọng đầu tư vào khâu sản xuất sợi, dệt nhuộm chiếm đa số 153 triệu USD tương đương 80% tổng vốn đăng ký FDI của Trung Quốc vào dệt may.

– Vậy ông có đề xuất gì về mặt chính sách với các cơ quan quan lý nhà nước và có khuyến cáo gì với doanh nghiệp trong nước để chúng ta có thể chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất?

Ông Cao Hữu Hiếu: Điểm khó của các nhà đầu tư tôi đã đề cập ở trên, về vốn, về thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao, về năng lực cạnh tranh

Còn về mặt chính sách, từ lâu chúng tôi đã có các kiến nghị cụ thể như mong muốn có chính sách hỗ trợ phát triển vùng công nghiệp tập trung riêng cho dệt may, trong đó quy tụ các khâu sản xuất theo chuỗi.

Chúng tôi có các kiến nghị mong muốn Chính phủ đưa ra chính sách cụ thể với các ưu đãi về đất, về vốn, về hỗ trợ phát triển công nghệ, về đào tạo nhân lực, về lãi suất ưu đãi… riêng cho ngành dệt may do đặc thù của các dự án.

Sản phẩm quần áo của Tổng công ty cổ phần May10. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
Sản phẩm quần áo của Tổng công ty cổ phần May10. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Còn đối với doanh nghiệp dệt may, tôi nhận thấy hiện tại Việt Nam đang đứng trước những cơ hội rất lớn, một phần do các Hiệp định Thương mại tự do mang lại, một phần do xu thế chuyển dịch ra nước ngoài của những ông lớn về dệt may tại Trung Quốc.

Ở thời điểm năm ngoái, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã lên kế hoạch dịch chuyển sản xuất ra nước ngoài do một vài năm gần đây, họ phải đối mặt với giá thành sản xuất gia tăng cũng như tránh hệ lụy của Chiến tranh Thương mại Mỹ-Trung diễn ra từ năm 2019.

Trước làn sóng FDI, tôi nghĩ doanh nghiệp dệt may nội địa cần phải thực sự chủ động để không bị lép vế, tránh trở thành công ty chỉ được “gia công” cho các doanh nghiệp FDI và chủ động về nguyên phụ liệu là mấu chốt để thành công về lâu dài trong cuộc đua cạnh tranh khốc liệt như hiện tại. 

Tới năm nay, làn sóng dịch chuyển tôi nghĩ còn nhiều hơn nữa bởi dịch bệnh tại Trung Quốc ảnh hưởng tới toàn bộ chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Do đó, trước làn sóng FDI, tôi nghĩ doanh nghiệp dệt may nội địa cần phải thực sự chủ động để không bị lép vế, tránh trở thành công ty chỉ được “gia công” cho các doanh nghiệp FDI và chủ động về nguyên phụ liệu là mấu chốt để thành công về lâu dài trong cuộc đua cạnh tranh khốc liệt như hiện tại.

– Trân trọng cảm ơn ông!

Linh hoạt xoay chuyển, hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ

Việc đánh giá tác động ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến các ngành sản xuất của Cục công nghiệp (Bộ Công Thương) đã khắc họa rõ nét những điểm yếu lớn nhất của nhiều ngành sản xuất trong nước – đó chính là việc phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài, không tự chủ được về các yếu tố đầu vào của sản xuất dẫn đến tình trạng phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu.

Thực tế này cũng kéo theo việc nhập siêu nguyên phụ liệu từ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc… khiến giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa rất thấp. Hơn thế là rất dễ bị tổn thương trước những biến động về chính trị, kinh tế và xã hội trên thế giới.

Bên cạnh đó, việc phụ thuộc phần lớn linh kiện và phụ tùng nhập khẩu đã làm cho giá trị gia tăng tạo ra do ngành công nghiệp chế biến chế tạo rất thấp so với các quốc gia trong khu vực.

Vì vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng quyết định đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và kỹ năng lao động, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm và chất lượng nền kinh tế Việt Nam. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam tăng trưởng bền vững trong dài hạn, nâng cao chất lượng nền kinh tế.

Linh hoạt xoay chuyển

Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện nay hàm lượng giá trị gia tăng trong nước với ngành dệt may, da giày mới đạt trên 50%.

Chỉ tính riêng năm 2019, Việt Nam đã chi 2,47 tỷ USD để nhập khẩu bông các loại và 2,3 tỷ USD để nhập xơ, sơi và tới 12,69 tỷ USD để nhập vài, 5,61 tỷ USD nhập nguyên phụ liệu dệt may, da giày chủ yếu từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp dệt may, da giày trên địa bàn Hà Nội để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất-kinh doanh. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp dệt may, da giày trên địa bàn Hà Nội để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất-kinh doanh. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Việc không chủ động được nguyên phụ liệu trong nước mà phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài cũng làm hạn chế khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, những bất cập rõ rệt nhất đã được chứng minh trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát từ sau Tết Nguyên đán.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh (AGITEX), chia sẻ nguyên liệu là vấn đề mấu chốt của ngành may và ngành này đang phụ thuộc khoảng 50% vào nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong bối cạnh dịch COVID-19, để tìm nguyên liệu phù hợp không dễ vì hiện sản phẩm dệt may hầu hết xuất khẩu đi châu Âu, Hoa Kỳ,… nên phải đáp ứng nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu từ vải trở lên.

“Trong những nước mà Việt Nam có thể tìm mua nguyên liệu chỉ có Hàn Quốc là có FTA với châu Âu. Trong khi nước này không đủ nguyên liệu để cung cấp cho cả ngành dệt may của Việt Nam,” ông Hồng nói.

Đánh giá của ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội bông sợi Việt Nam, cho thấy dệt may là ngành đặc thù được liên kết theo chuỗi cung ứng từ nguyên liệu đến kéo sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất và may trên quy mô toàn cầu và cấu trúc song song theo chuỗi giá trị.

Dệt may là ngành đặc thù được liên kết theo chuỗi cung ứng từ nguyên liệu đến kéo sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất và may trên quy mô toàn cầu và cấu trúc song song theo chuỗi giá trị.

Ở Việt Nam, ngoài những doanh nghiệp FDI lớn sở hữu cả chuỗi cung ứng trong đó có nhuộm, chỉ có vài doanh nghiệp lớn trong nước có khâu đoạn nhuộm nhưng quy mô nhỏ và chất lượng ở mức trung bình.

Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp nhuộm nhỏ trong nước tồn tại ở các làng nghề, phân tán, công nghệ lạc hậu… Chính vì vậy, việc phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào khiến hiện tại Việt Nam khó thoát khỏi phương thức gia công tại phân khúc may vốn có giá trị sản xuất rất thấp.

“Trải thảm đỏ” hút đầu tư

Để tháo gỡ nút thắt giúp ngành dệt may có thể tự chủ hơn về nguyên phụ liệu, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần có nhiều chính sách để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đồng thời phải có quy hoạch quốc gia về xây dựng những vùng nguyên liệu, chiến lược về phát triển các vùng nguyên liệu hoặc các nguồn nguyên liệu nhập khẩu thay thế.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho rằng ngành dệt may rất cần giải pháp để khắc phục “nút thắt cổ chai” trong chuỗi cung ứng.

Công nhân May 10 sản xuất hàng xuất khẩu. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
Công nhân May 10 sản xuất hàng xuất khẩu. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Cụ thể, ông đề nghị Nhà nước cần khẩn trương xây dựng quy hoạch, phát triển ngành dệt may tầm nhìn 2035-2040, đặt vai trò của Chính phủ với các địa phương, các khu công nghiệp, đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm.

Thêm vào đó, Bộ Công Thương phải là trụ cột trong chiến lược xây dựng nền tảng phụ trợ với ngành công nghiệp dệt may da giày cũng như sự minh bạch để tạo ra nền tảng pháp lý để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho ngành bứt phá.

Tính riêng năm 2019, xuất khẩu dệt may đã đem về gần 40 tỷ USD; trong đó sản phẩm dệt may của Việt Nam đã có mặt tại các thị trường khó tính nhất như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Tuy nhiên, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục công nghiệp (Bộ Công Thương), cho rằng điểm nghẽn lớn nhất của ngành da giày và dệt may đó là mới tham gia vào chuỗi giá trị ở phân khúc thấp, chủ yếu gia công, trong khi phần thương hiệu và thiết kế là khâu tạo ra giá trị gia tăng rất lớn song vẫn còn hạn chế.

Điểm nghẽn lớn nhất của ngành da giày và dệt may đó là mới tham gia vào chuỗi giá trị ở phân khúc thấp, chủ yếu gia công, trong khi phần thương hiệu và thiết kế là khâu tạo ra giá trị gia tăng rất lớn song vẫn còn hạn chế.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nội vẫn phải nhập khẩu lượng lớn nguyên phụ liệu đầu vào để phục vụ sản xuất và xuất khẩu.

Vì vậy, để tạo ra những chính sách đột phá, ông Hoài nhấn mạnh rằng trong Chiến lược phát triển của ngành trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung giải quyết đồng bộ các vấn đề, từ khâu thiết kế, thương hiệu sau đó là phát triển nguồn cung nguyên phụ liệu.

“Bộ sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc về dệt may-da giày ngay vào trung tuần tháng 3 này để trên cơ sở đó sẽ ban hành Chiến lược phát triển ngành giai đoạn tới. Ngoài ra, Cục cũng đang làm việc với các cơ quan của Quốc hội để bổ sung ngành dệt may, da giày vào luật đầu tư để bổ sung vào các ngành công nghiệp ưu tiên trong giai đoạn tới và trên cơ sở đó Việt Nam sẽ ban hành các hành lang pháp lý nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các ngành này,” ông Trương Thanh Hoài thông tin thêm.

Bên cạnh đó, để tận dụng hiệu quả hai hiệp định thương mại tự do vừa ký kết là CPTPP và EVFTA, theo ông, điều quan trọng là các doanh nghiệp phải đầu tư được các dây chuyền hiện đại đáp ứng các yêu cầu về nguyên phụ liệu của các chuỗi thời trang trên thế giới, thực tế này cũng đòi hỏi sự hỗ trợ của Nhà nước bên cạnh các chính sách khác về vốn và môi trường…

Đáng chú ý, nhằm tạo ra các hành lang pháp lý, hiện Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Một trong những điểm nhấn của chính sách này là các doanh nghiệp có dự án sản xuất hoặc tham gia các công đoạn sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước và được xem xét cấp bù lãi suất khi vay từ Ngân hàng thương mại.

Hội chợ triển lãm là cơ hội để doanh nghiệp dệt may tìm đối tác và cập nhật công nghệ. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
Hội chợ triển lãm là cơ hội để doanh nghiệp dệt may tìm đối tác và cập nhật công nghệ. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Riêng đối với chính sách cho vay vốn lưu động, dự thảo đề xuất các doanh nghiệp được tổ chức tín dụng xem xét cho vay tối đa 80% giá trị hợp đồng hợp đồng sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.

Ngoài ra, về chính sách hỗ trợ bảo vệ môi trường, dự thảo cũng đưa ra việc hỗ trợ đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn tập trung và hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường từ nguồn vốn đầu tư phát triển của ngân sách địa phương và nguồn hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách trung ương tại các khu, cụm công nghiệp có tỷ lệ diện tích đất cho các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển thuê, thuê lại tối thiểu đạt 20%.

Cùng với những chính sách trên, nhằm duy trì vị thế của ngành dệt may Việt Nam trong bản đồ dệt may thế giới, các chuyên gia cũng lưu ý doanh nghiệp cần có biện pháp mới nhằm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh tạo cơ hội để xây dựng thị trường.

Tiếp đến là chủ động liên kết với khách hàng nhằm hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các hiệp định thương mại tư do (FTA)./.