Theo dấu chân Người

Tại Lễ kỷ niệm lần thứ 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2010), do Ðại sứ quán Việt Nam tổ chức ở Pháp, ông Hans D’Orville, Phó Tổng Giám đốc UNESCO đã phát biểu: “Các cuộc hành trình trong cuộc đời đã khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành công dân của thế giới, đồng thời là đại sứ của Việt Nam trên khắp toàn cầu.”

Cả cuộc đời của Người là một cuộc hành trình không mệt mỏi vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Cuộc hành trình qua 3 đại dương, 4 châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ và gần 30 quốc gia, hàng trăm thành phố lớn, nhỏ, tiếp xúc với nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Marx-Lenin, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam – con đường cách mạng vô sản.

Dấu mốc đặc biệt

Ngày 5/6/1911 đã trở thành một dấu mốc đặc biệt quan trọng, không chỉ trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, mà còn đối với lịch sử của cả một dân tộc. Bác Hồ, lúc đó là người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, với tên mới là Văn Ba đã rời Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) ra đi với một hoài bão lớn, nung nấu một quyết tâm cháy bỏng là giành “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu.”

Từ đầu thế kỉ XX, dưới ách thống trị của chế độ thực dân phong kiến, chứng kiến nền độc lập của dân tộc bị xâm phạm, cảnh nhân dân ta “một cổ hai tròng” chịu nhiều lầm than, cực khổ, bị chà đạp, áp bức, bóc lột tàn bạo, đã có rất nhiều phong trào yêu nước của các văn thân sĩ phu yêu nước nổ ra như phong trào Cần Vương, cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Yên Thế, phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh, phong trào Đông kinh nghĩa thục của Phan Bội Châu… nhưng tất cả đều thất bại.

Ngày 5/6/1911, tại Bến Nhà Rồng (Sài Gòn), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lên chiếc tàu mang tên “Amiral La Touche De Trévillie” ra nước ngoài tìm đường cứu nước. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 5/6/1911, tại Bến Nhà Rồng (Sài Gòn), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lên chiếc tàu mang tên “Amiral La Touche De Trévillie” ra nước ngoài tìm đường cứu nước. (Ảnh: TTXVN)

Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rất ngưỡng mộ và kính trọng lòng yêu nước dũng cảm, kiên cường của các bậc tiền bối, nhưng với tấm lòng yêu nước sâu sắc, sự trăn trở về vận mệnh dân tộc, bằng sự hiểu biết của bản thân, Nguyễn Tất Thành sớm nhận ra con đường do những người đi trước mở ra sẽ không giải phóng được dân tộc mà cần thiết phải có con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc; phải ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước độc lập phát triển như thế nào để trở về giúp đồng bào ta, đất nước ta thoát khỏi cảnh áp bức, nô lệ.

Nung nấu quyết tâm đi tìm một con đường cứu nước mới, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đi bộ từ Phan Thiết, vượt qua những khó khăn khắc nghiệt của thời tiết, nhiều khi lả đi vì đói, vì mệt, vì khát để tới Sài Gòn, tìm cơ hội thực hiện ý định cháy bỏng đó. Đây chính là bước ngoặt quan trọng, một sự lựa chọn lịch sử có ý nghĩa rất quan trọng, mở đầu cho quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.

Đến Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành nhanh chóng tìm được một trường kĩ thuật do Pháp quản lí, ở đó thủy thủ Việt Nam được dạy về hàng hải, về giao thông vận chuyển hàng,… Trong con mắt của các viên chức nhà trường, người thanh niên dù gầy gò, có giọng nói Trung Bộ nhưng lại tỏ ra thông minh, nói được tiếng Pháp thành thạo, có thể phù hợp để đào tạo thành một thủy thủ. Nguyễn Tất Thành phải học 3 năm để hoàn thành khóa học. Trong những ngày đó, anh thường xuyên đến bến cảng Sài Gòn. Hình ảnh những chiếc tàu neo bến làm lòng anh không yên.

Và ngày 5/6/1911, trên con tàu Amiral La Touche De Tréville từ cảng Sài Gòn, tự giới thiệu là Văn Ba xin làm phụ bếp, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.

Ngày 10/7/1955: Hồ Chủ tịch đã đến thành phố Novosibirsk, mở đầu cuộc đi thăm hữu nghị chính thức Liên Xô. Ảnh: Quang cảnh buổi đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở sân bay Novosibirsk. (Nguồn: TTXVN)
Ngày 10/7/1955: Hồ Chủ tịch đã đến thành phố Novosibirsk, mở đầu cuộc đi thăm hữu nghị chính thức Liên Xô. Ảnh: Quang cảnh buổi đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở sân bay Novosibirsk. (Nguồn: TTXVN)

Đi để hiểu Tự do-Bình đẳng-Bác ái

Với một sự mẫn cảm đặc biệt, Nguyễn Tất Thành không đi sang nước Nhật, không đi Trung Quốc… mà Người sang các nước Tây Âu, sang nước Pháp, đến tận nơi nước đang cai trị mình, đến tận châu Âu, nơi đang có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, về văn hóa, về chính trị để tìm hiểu những truyền thống tự do, bình đẳng, bác ái và nền văn minh của chính quốc và tìm hiểu nơi đã sinh ra mọi chế độ thực dân thối nát và cực kỳ tàn bạo như chính Người đã thấy trên đất nước mình.

Tại sao lại như vậy? Năm 1923, tại Moskva, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Tạp chí “Ngọn lửa nhỏ”, Người đã giải thích quyết định về sự lựa chọn của mình như sau: “Vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên tôi được nghe những từ ngữ tiếng Pháp: tự do, bình đẳng, bác ái – đối với chúng tôi lúc ấy, mọi người da trắng được coi là người Pháp – thế là tôi muốn làm quen với văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy.”

Trong vòng mười năm, từ năm 1911 đến năm 1920, Người đã tận dụng mọi cơ hội để được đến nhiều nơi trên thế giới. Bàn chân của Người đã từng in dấu trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ. Đặc biệt Người đã dừng chân khảo sát khá lâu ở ba nước đế quốc lớn nhất thời đó là Mỹ, Anh và Pháp.

Cuối nǎm 1917, Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp. Ở đây anh được biết ở nước Nga V.I Lenin đã lãnh đạo cách mạng thành công, sáng lập nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, bảo vệ quyền lợi của đại đa số nhân dân lao động. Tin vui ấy đã cổ vũ lòng hǎng hái của Nguyễn Tất Thành.

“Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu.” (Hồ Chí Minh)

Nǎm 1918, chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc. Nǎm 1919 các nước đế quốc thắng trận họp Hội nghị Versailles. Nhân dịp này thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc (tên mới của Nguyễn Tất Thành) đã gửi tới hội nghị bản yêu sách đòi quyền tự do cho nhân dân Việt Nam.

Tháng 7 nǎm 1920 qua báo Nhân đạo (L’Humanité) của Pháp, Nguyễn Ái Quốc được đọc Luận cương của V.I Lenin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa.

Nguyễn Ái Quốc là đại biểu duy nhất của nhân dân Đông Dương tham dự Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp tại thành phố Tours.

Tại Đại hội này Anh đã cùng với những nhà hoạt động chính trị và vǎn hoá nổi tiếng của Pháp như Marcel Cachin, Paul Vaillant Couturier… bảo vệ chủ nghĩa Marx, chống lại những người cơ hội.

Trên diễn đàn của Đại hội, Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo tội ác của thực dân Pháp ở Đông Dương, kêu gọi giai cấp công nhân và nhân dân Pháp ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và nhân dân các thuộc địa khác. Người đề nghị: “Đảng xã hội cần phải hoạt động một cách thiết thực để ủng hộ những người bản xứ bị áp bức… Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa. Chúng tôi thấy rằng việc Đảng xã hội gia nhập Quốc tế thứ ba có nghĩa là Đảng hứa một cách cụ thể là từ nay Đảng sẽ đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa.”

Cũng tại Đại hội này Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế cộng sản, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

Trên suốt chặng đường bôn ba, cuộc sống đầy gian khổ không làm người chùn bước, trái lại, càng tôi luyện, hun đúc lòng yêu nước nồng nàn với mục tiêu giải phóng dân tộc kiên định.

Với những chuyến đi, Người tranh thủ mọi thời cơ để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa, từ đó Người đã bổ sung được cho mình những kiến thức vô cùng phong phú với một tầm nhìn hết sức rộng lớn và bao quát.

Từ đó Người đã rút ra kết luận là chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa. Chính chủ nghĩa yêu nước cùng với những năm tháng tìm tòi không mệt mỏi về lý luận và hoạt động trong phong trào công nhân quốc tế, người thanh niên Việt Nam Nguyễn Tất Thành bất chấp mọi hiểm nguy, đến với chủ nghĩa Marx-Lenin, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp cuối năm 1920, trở thành nhà hoạt động quốc tế xuất sắc Nguyễn Ái Quốc.

Những quốc gia từng in dấu chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh (click chuột vào từng quốc gia để xem thời điểm chính xác. Lưu ý: Có thể di chuyển được bản đồ trên máy tính)

Chủ nghĩa cộng sản – con đường giải phóng các dân tộc bị áp bức

Sớm nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của lịch sử và tính chất của thời đại mới mà Cách mạng Tháng Mười mở ra, Người xác định con đường cứu nước, con đường giải phóng dân tộc đúng đắn, khám phá ra chân lý lịch sử: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.”

Người đã viết: “Luận cương của Lenin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lenin, tin theo Quốc tế III.”

Ngày 30/6/1923, Người đến Liên Xô và bắt đầu một thời kỳ hoạt động, học tập và nghiên cứu về chủ nghĩa Marx-Lenin, về chế độ xã hội chủ nghĩa ngay trên đất nước Lenin vĩ đại.

Tại Đại hội lần thứ I Quốc tế Nông dân (10/1923), Người được bầu vào Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân.

Năm 1924, Người dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản và được cử làm cán bộ Ban phương Đông của Quốc tế Cộng sản, đồng thời là Ủy viên Đoàn chủ tịch Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc được giao theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng ở một số nước Châu Á.

Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông, sáng lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ra báo Thanh niên để truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin về trong nước, đồng thời mở lớp đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam.

Báo Le Paria (Người cùng khổ) do Nguyễn Ái Quốc sáng lập trong những năm Người hoạt động ở Pháp. (Ảnh tư liệu-TTXVN)
Báo Le Paria (Người cùng khổ) do Nguyễn Ái Quốc sáng lập trong những năm Người hoạt động ở Pháp. (Ảnh tư liệu-TTXVN)

Năm 1931, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó có tên là Tống Văn Sơ bị chính quyền Anh bắt ở Hồng Kông và buộc tội là “một phần tử cộng sản nguy hiểm”, “phái viên của Đệ tam Quốc tế đến Hồng Kông để lật đổ chính quyền”.

Tuy nhiên, chỉ qua một lần tiếp xúc với ông bà luật sư người Anh là F.H. Loseby, bằng tình cảm, sự chân thành của mình, Người đã cảm hóa được họ. Mặc dù không cùng “chiến tuyến”, nhưng Người đã được ông bà luật sư nhận lời bào chữa và tận tình giúp đỡ Người thoát khỏi nhà tù Victoria.

Sự cảm hóa kỳ diệu đó của Người, sau này được ông Loseby kể lại trong cuốn hồi ký của mình: “Sau 30 phút gặp gỡ, Người đã hoàn toàn chinh phục tôi. Ở Người toát ra một sức mạnh cảm hóa kỳ diệu.” Về phần mình, bà Loseby kể: “Chỉ sau 10 phút là tôi cảm phục Người. Tôi thúc nhà tôi làm gấp hồ sơ, còn tôi và con gái tôi ngày ngày vào thăm, săn sóc sức khỏe cho Người.”

Từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá Chủ nghĩa Marx-Lenin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đường Kách mệnh”, đặc biệt là việc xuất bản tờ báo Thanh niên ra ngày 21-6-1925, Người đã chuẩn bị về đường lối chính trị để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong thời gian này, Người cũng tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ với việc Người lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ và gửi đi học ở Liên Xô … Khi điều kiện thành lập Đảng đã chín muồi, ngày 03/02/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản đã nhất trí thành lập một đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản có ý nghĩa như là một Đại hội thành lập Đảng. Sự ra đời của Đảng là sản phẩm của sự kết hợp Chủ nghĩa Marx-Lenin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong Cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, về con đường cứu nước, cứu dân, thống nhất đất nước, thoát khỏi ách áp bức của thực dân, phong kiến, thoát khỏi bần cùng, lạc hậu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Pháp vào năm 1946
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Pháp vào năm 1946

Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội

Mùa Xuân năm 1941, sau hơn 30 năm bôn ba nước ngoài, rời xa Tổ quốc, ngày 28/1/1941, Người về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Người chỉ ra rằng, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, con đường duy nhất phải theo là con đường cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo đánh đổ đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc, sau đó tiến lên thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Ngày 19/5/1941, giữa vùng núi rừng Pắc Bó, theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Mặt trận Việt Minh ra đời giữa lúc nhân dân Việt Nam đang rên xiết trong cảnh một cổ hai tròng, vận mệnh dân tộc đang trong cảnh nước sôi lửa nóng.

Với một quyết tâm được xác định rõ trong chương trình của mình “làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, làm cho dân Việt Nam được sung sướng tự do”, Mặt trận Việt Minh đã giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Sự thành lập và hoạt động của Việt Minh đã trở thành nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Nhà nước Công Nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; chứng minh sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện.

Tuy nhiên, nền độc lập của nước ta một lần nữa bị thực dân Pháp chà đạp, tháng 12/1946, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Với ý chí quyết tâm đó, quân và dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu ngày 07/5/1954.

  • bh2286resi-1482887021-29.jpg
  • bh2471resi-1482886930-25.jpg
  • bh798resiz-1482886960-47.jpg
  • bh2695resi-1482886995-78.jpg
  • bh2487resi-1482887061-58.jpg
  • bh2483resi-1482887090-99.jpg
  • bh2332resi-1482887118-78.jpg

Thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong suốt 21 năm kiên trì đấu tranh kết thúc với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thắng lợi vĩ đại này, là một trong những trang chói lọi nhất của lịch sử dân tộc, là sự kiện có tầm quốc tế và có tính chất thời đại sâu sắc, mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của nước Việt Nam độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội.

Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là sự vận dụng sáng tạo học thuyết Marx-Lenin, thể hiện tính quy luật của sự phát triển lịch sử của xã hội Việt Nam, trở thành quan điểm xuyên suốt trong toàn bộ tư tưởng và sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Thực tế lịch sử đã chứng minh, đó chính là Đường cách mệnh cho dân tộc mà Người đã chọn, sự lựa chọn lịch sử đúng đắn và duy nhất!

Luis Francisco Báez Hernández (1936-2015) – nhà báo, nhà văn Cuba chuyên viết về các hoạt động của lãnh tụ Fidel Castro huyền thoại trong một lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tôi không bao giờ có thể quên được buổi sáng ngày 20/7/1965 đó và câu chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh hôm ấy đã cho chúng tôi hiểu rõ: Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật phi thường của thời đại mình. Hồ Chí Minh phi thường chính trong sự giản dị và trong sáng của Người.

Tiến sỹ Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh

Những người nông dân Việt Nam bình dị nhìn thấy ở Người niềm hy vọng và tinh thần sẵn sàng hy sinh vì thắng lợi cuối cùng của dân tộc. Toàn thể nhân dân Việt Nam nhìn thấy ở Người phẩm chất của vị lãnh tụ có thể tập hợp và đoàn kết tất cả các tầng lớp: nông dân, công nhân, trí thức và mọi người Việt Nam yêu nước vì một mục tiêu chung là giành độc lập, tự do cho đất nước.

Còn theo nghị quyết của Đại hội đồng UNESCO, Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của “tinh thần dân tộc, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.”

Tiến sỹ Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, khẳng định trong 79 mùa xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có 30 năm Bác phải bôn ba ở nước ngoài để tìm đường cứu nước. Mỗi một giai đoạn đều có dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác ở tại nước ngoài. Ví dụ như trong giai đoạn 1911-1917 là quá trình Bác ra đi tìm đường cứu nước. Giai đoạn 1917-1923 là giai đoạn đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời khi mà Bác tiếp cận sơ thảo vấn đề luận cương của Lenin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, chính từ đây từ một người yêu nước, Bác trở thành một chiến sỹ cộng sản và là một nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp. Và còn có nhiều dấu ấn khác trong các giai đoạn khác khi Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động ở nước ngoài. “Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta là một lãnh tụ của nhân dân, vì nhân dân. Bác có một phong cách hết sức giản dị, gần gũi, dễ thuyết phục. Vì vậy, trong giai đoạn hoạt động ở nước ngoài, đi đến đâu, tiếp xúc với các đối tượng nào, Bác cũng để lại ấn tượng hết sức tốt đẹp và sâu sắc, làm cho mọi người quý mến, kính trọng. Tình cảm của nhân dân và Việt Nam được thể hiện sâu sắc, có rất nhiều tài liệu, hiện vật của nhân dân thế giới tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Còn về tình cảm đối với Bác, khi nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh là người ta nhắc đến Việt Nam và khi nhắc đến Việt Nam là người ta nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh,” ông Vũ Mạnh Hà nhấn mạnh./.

Ngôi nhà tại Nakhon, Phanom, Thái Lan, một trong những địa điểm Nguyễn Ái Quốc đã ở và vận động phong trào yêu nước của kiều bào Việt Nam ở Thái Lan (1928-1929)
Ngôi nhà tại Nakhon, Phanom, Thái Lan, một trong những địa điểm Nguyễn Ái Quốc đã ở và vận động phong trào yêu nước của kiều bào Việt Nam ở Thái Lan (1928-1929)