Đặng Văn Lâm:

ttxvn0312la-1575362754-72.jpg

“Chọn làm thủ môn vì lười chạy” là điều mà Đặng Văn Lâm lần đầu tiên tiết lộ với công chúng kể từ khi chàng trai mang hai dòng máu Việt-Nga trở thành ngôi sao của đội tuyển quốc gia Việt Nam và thủ môn số 1 Đông Nam Á.

Không chỉ có vậy, tại cuộc giao lưu với cộng đồng người Việt tại Nga bên lề các trận thi đấu của đội tuyển U22 Việt Nam tại SEA Games 30, Đặng Văn Lâm và gia đình đã có nhiều chia sẻ thú vị khác về cuộc sống cũng như con đường sự nghiệp và giấc mơ bóng đá của thủ thành số một Việt Nam hiện nay.

Phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga tham dự cuộc giao lưu và tường thuật những nội dung chính của sự kiện này.

Thích cảm giác cản phá

Lâm kể kỷ niệm đầu tiên từ lúc mới bắt đầu chơi bóng đá đó là hồi học tiểu học (lớp 1 hoặc 2). Lúc đó Lâm hay ra sân bóng bên cạnh trường xem các anh lớn đá bóng. Có một lần vào kỳ nghỉ hè, cậu bạn cùng lớp rủ chơi bóng. Khi ra sân thấy huấn luyện viên cũng có ở đó.

Thủ môn Đặng Văn Lâm tự tin về khả năng đi tiếp của tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022. (Ảnh: Nguyên An/Vietnam+)
Thủ môn Đặng Văn Lâm tự tin về khả năng đi tiếp của tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022. (Ảnh: Nguyên An/Vietnam+)

Ông ấy nói “Nào, cậu hãy thử đứng vào khung thành, còn tôi sẽ sút bóng xem thế nào.” Thế là Lâm làm theo và đó chính là những bước đi đầu tiên của Lâm đến với bóng đá.

Tuy nhiên, khi được hỏi lý do chọn làm thủ môn mà không phải là vị trí khác, Lâm nói ngay là vì “lười chạy,” nhưng cũng giải thích thêm rằng anh thích cảm giác khi cản phá được trái bóng. Đó là điều thôi thúc anh quyết tâm trở thành thủ môn.

Đã chọn đội tuyển quốc gia Việt Nam thì không thể thay đổi được

Đó là câu trả lời của Đặng Văn Lâm khi khán giả hỏi anh có muốn trở về Nga thi đấu hay không.

Anh chia sẻ: “Mỗi cầu thủ có thể thi đấu cho nhiều câu lạc bộ bóng đá khác nhau, nhưng đội tuyển quốc gia thì chỉ có một. Lâm đã chọn thi đấu cho đội tuyển quốc gia Việt Nam thì không thể thay đổi được và nguyện thi đấu hết sức mình vì màu cờ sắc áo.”

Quang cảnh buổi giao lưu. (Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN)
Quang cảnh buổi giao lưu. (Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN)

Cản phá quả penalty trong trận đấu gặp tuyển Thái Lan là may mắn

Đặng Văn Lâm chia sẻ khi đó đã khá lo lắng đội Việt Nam có thể sẽ phải nhận bàn thua ngay trong hiệp 1.

Anh nói: “Giữ sạch lưới lúc đó rất quan trọng. Lâm chỉ nghĩ phải làm sao để làm cho cầu thủ đối phương bị tâm lý. Và Lâm đã cố tình nói chuyện với trọng tài để kéo dài thời gian nhằm gây áp lực tâm lý lên đội bạn. Sau đó thì Lâm cố gắng đứng đúng vị trí và tập trung. Cản phá được quả phạt đền khiến Lâm rất vui sướng, mặc dù phần lớn là do may mắn. Cú sút của tiền đạo Thái Lan cũng không thực sự tốt.”

Văn Lâm cũng cho rằng trọng tài đã hơi nặng tay khi cho đội tuyển Thái Lan được hưởng quả phạt đền từ tình huống phạm lỗi không thực sự rõ ràng của Văn Hậu.

Không nhìn thấy Quang Hải “mách nước”

Trả lời thắc mắc của Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh về chi tiết Quang Hải ra dấu hiệu mách nước cho Văn Lâm đổ người về bên phải như một số trang tin trên mạng đăng tải, Văn Lâm thành thật nói: “Lúc Quang Hải chỉ hướng, thực sự là cháu không có thấy. Bình thường cháu chỉ nhìn đối phương họ di chuyển thế nào để phán đoán hướng sút. Chỉ mấy ngày sau mới thấy video về việc Quang Hải chỉ hướng sút, phán đoán đúng hướng, có lẽ vì Quang Hải thuận chân trái và cầu thủ kia cũng vậy.”

Lâm có cầu nguyện trước mỗi trận đấu hay không?

Đó là câu hỏi khá thú vị của một cô gái Nga tên Anhia, sinh viên năm thứ 3 của một trường đại học ở Moskva. Đặng Văn Lâm nói bằng tiếng Nga “không có nghi lễ nào cả.”

Thủ môn Đặng Văn Lâm ký tặng áo cho người hâm mộ. (Ảnh: Hồng Quân/TTXVN) 
Thủ môn Đặng Văn Lâm ký tặng áo cho người hâm mộ. (Ảnh: Hồng Quân/TTXVN) 

Anh khẳng định: “Điều quan trọng nhất là huấn luyện viên trưởng (Park Hang Seo) luôn mang đến cho chúng tôi sự phấn chấn, sức mạnh và tinh thần sẵn sàng bước vào trận đấu. Do đó, chúng tôi hoàn toàn không cần nghi lễ nào khác.”

Món ăn thích nhất – bún chả

Thủ thành của đội tuyển Việt Nam chia sẻ: “Nếu nói về ẩm thực Việt thì món ăn “khoái khẩu” nhất của Lâm là bún chả. Ngoài ra, còn có bánh chưng và phở. Còn với ẩm thực Nga, món nào mẹ Olga chế biến thì đều ngon cả, từ salad cho đến súp củ cải đỏ.”

Mẹ Văn Lâm lần đầu tiên xem trực tiếp một hiệp thi đấu bóng đá

Khi được hỏi cảm nhận về không khí trận đấu giữa đội U22 Việt Nam và U22 Indonesia, bà Olga Zhukova chia sẻ: “Các bạn biết đấy, đây là lần đầu tiên tôi xem trực tiếp và xem hết cả một hiệp của một trận đấu bóng đá. Tôi thường rất hồi hộp, vì vậy không mấy khi xem thi đấu bóng đá. Nhưng mà hôm nay, như các bạn thấy, toàn bộ các cầu thủ Việt Nam đã thi đấu nỗ lực đến mức nào.”

“Trong khán phòng có rất đông các bạn trẻ và các cổ động viên cổ vũ, tôi thực sự cảm nhận được không khí yêu thích bóng đá của các cổ động viên Việt Nam. Và, lần tới nếu có thể, hãy thông báo cho tôi. Tôi rất vui lòng được cùng các bạn cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam.”

Bà Olga Zhukova (thứ 2, bên trái), mẹ của thủ môn Đặng Văn Lâm cùng người hâm mộ cổ vũ cho đội tuyển bóng đá nam U22 Việt Nam. (Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN)
Bà Olga Zhukova (thứ 2, bên trái), mẹ của thủ môn Đặng Văn Lâm cùng người hâm mộ cổ vũ cho đội tuyển bóng đá nam U22 Việt Nam. (Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN)

Còn theo lời ông Đặng Văn Sơn (chồng bà Olga), mỗi khi có trận đấu bóng đá của đội tuyển Việt Nam mà Lâm thi đấu thì bà Olga không ở trong nhà mà ra ngoài sân làm việc gì đó cho đến khi trận đấu kết thúc mới vào xem kết quả.

Tuy vậy, chính bà Olga là người cổ vũ động viên lớn nhất cho Lâm theo nghiệp bóng đá, đặc biệt là làm thủ môn vì bà rất thần tượng huyền thoại Lev Yashin của đội tuyển Liên Xô trước kia.

Tiếng Nga rất khó, nhưng tiếng Việt còn khó hơn

Đó là chia sẻ rất thực lòng của bà Olga Zhukova khi được hỏi cảm nhận về Việt Nam. Bà chia sẻ: “Tôi rất thích các bài hát Việt Nam. Những bài hát, điệu múa truyền thống của Việt Nam rất độc đáo. Ngôn ngữ âm nhạc của Việt Nam rất phong phú. Nhưng nói thật là tiếng Việt rất khó đối với tôi. Người ta nói tiếng Nga khó, nhưng tiếng Việt còn khó hơn. Ngôn ngữ tiếng Việt chỉ là những chữ cái, mà còn có cảm điệu. Tôi sẽ cố gắng học tiếng Việt để thuộc nhiều bài hát Việt Nam.”

Bà Olga kể rằng, những lần về Việt Nam đã cho bà cảm nhận được, tận mắt chứng kiến cuộc sống, thiên nhiên, con người ở đây thế nào. “Quả thật là thiên nhiên rất đẹp. Nhưng mà nhịp sống rất căng thẳng. Đó là điều mà tôi cảm nhận được.

Mùa Đông thì không đến mức khó chịu lắm, bởi vậy tôi có thể đến tận vùng biên giới phía Bắc. Ở Thành phố Hồ Chí Minh khí hậu thời tiết cũng giống như ở Sochi (Nga), hoàn toàn không khó để thích nghi. Nhưng mà không quan trọng, vấn đề chính là ở đó (Việt Nam) là nơi chồng tôi sinh ra, như thế cũng là đủ rồi” – bà Olga chia sẻ.

Bí quyết của thành công

Theo Đặng Văn Lâm, đó là một gia đình hòa thuận và luôn yêu thương nhau, là ý chí và quyết tâm vượt qua khó khăn và thử thách, là tình yêu với nghề mình đã chọn và tình yêu Tổ quốc.

Ông Đặng Văn Sơn chia sẻ thêm: “Tôi không dám nghĩ đến việc con mình trở thành thủ môn số 1 của đội tuyển Việt Nam và Đông Nam Á. Thực sự là Lâm đã nỗ lực rất lớn với 10 năm thi đấu ở Việt Nam và 1 năm ở Lào. Những lúc khó khăn tôi khuyên con rằng tuổi trẻ quan trọng nhất là làm việc mình đam mê, yêu Tổ quốc và phục vụ đất nước. Gia đình tôi thường xuyên trao đổi với nhau về bóng đá, về cuộc sống để giúp các con cùng trưởng thành.”

Câu chuyện tình yêu cảm động của bố mẹ Đặng Văn Lâm

Trước buổi giao lưu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nga Ngô Đức Mạnh đã tiếp thân mật tuyển thủ Đặng Văn Lâm và gia đình. Tại buổi tiếp, bố mẹ Văn Lâm lần đầu tiên chia sẻ về kỷ niệm tình yêu cũng như những gian truân, hờn tủi mưu sinh mà ông bà Đặng Văn Sơn và Olga Zhukova đã trải qua ở nước Nga trong những năm đầy khó khăn sau khi Liên Xô tan rã.

Tại cuộc gặp, bà Olga xúc động kể rằng lúc mới cưới ông Sơn không bao giờ cho gia đình biết những khó khăn, thiếu thốn của mình. Sau khi tốt nghiệp đại học, họ là những sinh viên nghèo, lúc mang bầu Lâm (năm 1993) Olga thèm ăn lê, ông Sơn ra chợ chỉ còn 1 đô la trong túi, nói với người bán hàng: “Vợ tôi đang mang bầu, thèm ăn lê, ông cho được bao nhiêu thì cho, tôi chỉ cần lê thôi”. Mười năm sau ông mới kể lại cho bà nghe câu chuyện quả lê và 1 đôla này.

Gia đình Việt-Nga của thủ môn Đặng Văn Lâm
Gia đình Việt-Nga của thủ môn Đặng Văn Lâm

Lúc còn nhỏ, Lâm nằm xe nôi theo mẹ ra chợ bán hàng. Những món đồ được người Nga rất thích, khi được hỏi hàng của nước nào, bà bán hàng Olga luôn tươi tắn trả lời, hàng Việt Nam đấy.

Có lần hai vợ chồng đi mua xe ôtô để phục vụ công việc. Trên đường về bị công an giao thông dừng xe, bà đã trình bày rằng ông là người Việt chưa quen đường. Cảm kích trước người phụ nữ Nga yêu chồng quá, công an lại giúp đỡ, chỉ dẫn đường đi.

Gần 30 năm lập nghiệp, mưu sinh nhưng giáo dục gia đình dành cho các con của ông bà luôn được đặt ở vị trí cao nhất. Văn hóa Việt-Nga đã hoà quyện trong gia đình Sơn-Olga, cả ba người con đều thông thạo tiếng Việt, tiếng Nga. Bà Olga ru con bằng tiếng Nga, ông Sơn ru bằng tiếng Việt. Bà Olga cũng rất thích các bài hát Việt Nam nên thường mở cho các con nghe. Các con lớn lên ở Nga nhưng trong không gian văn hóa không khác mấy so với ở Việt Nam.

Ông Sơn và bà Olga là những người yêu, người vợ, người chồng vĩ đại, tiếp sức cho nhau lội ngược dòng nước, vượt qua những chông gai, thử thách trong cuộc sống, truyền lửa yêu thương và ý chí bền bỉ cho các con, gia đình anh, chị thực sự trở thành biểu tượng của tình yêu không biên giới, biểu tượng của ý chí nghị lực, văn hoá và giáo dục gia đình. Chính bố mẹ đã trao truyền cho Đặng Văn Lâm sức mạnh “lội ngược dòng nước” để có được thành công.

Gia đình luôn là chỗ dựa vững chãi của Đặng Văn Lâm (Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN)
Gia đình luôn là chỗ dựa vững chãi của Đặng Văn Lâm (Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN)