Bất thường

taucu1-1585122635-51.jpg

Nhiều quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đã được Chi cục Đăng kiểm số 5 (Cục Đăng kiểm Việt Nam) bỏ qua khi tiến hành đăng kiểm các tàu hút, chở cát cũ tại 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.

Nhóm phóng viên TTXVN tại Đắk Lắk và Đắk Nông đã tìm hiểu và phản ánh thực trạng xuống cấp, cũ nát, hư hỏng, không đảm bảo an toàn khi lưu thông của các tàu vừa được chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường thủy nội địa (còn gọi là cấp chứng nhận đăng kiểm).

Nhiều công đoạn quan trọng, có vai trò quyết định đối với quá trình đăng kiểm cũng như sự an toàn của phương tiện, người sử dụng phương tiện đã bị bỏ qua. Thậm chí, đăng kiểm viên đã “hướng dẫn một đằng, thực thi… một nẻo.” Đáng chú ý hơn, tình trạng này không phải cá biệt, ngoại lệ, mà xảy ra phổ biến, với số lượng lớn.

Trong vai người đi tìm mua tàu cũ để tiến hành khai thác cát tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi được một lái tàu dày dạn kinh nghiệm đưa đi tham quan 2 bến tàu lớn nhất tỉnh Đắk Lắk là bến tàu thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na, huyện Krông Ana và bến tàu cầu Giang Sơn, xã Yang Réh, huyện Krông Bông. Đây cũng là 2 trung tâm khai thác, buôn bán cát xây dựng có quy mô lớn nhất tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Rút ngắn tuổi, tàu cũ thành tàu mới

Theo người dẫn đường, rút ngắn tuổi tàu là cách nhanh nhất để có tàu khai thác cát đúng quy định của ngành chức năng (có đầy đủ giấy tờ đăng kiểm, đăng ký) mà không phải tốn nhiều thời gian, chi phí. Bởi lẽ, nếu muốn đóng mới tàu và tiến hành đầy đủ các thủ tục đăng kiểm, đăng ký thì tối thiểu phải mất 6 tháng và chi phí ít nhất cũng khoảng 1,5 tỷ đồng.

Tại bến tàu của Hợp tác xã Đoàn Kết (xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk), sau khi trình bày mục đích tìm mua tàu, chúng tôi được anh Huyên, người nhận là chủ tàu Đoàn Kết 6 ra giá 470 triệu đồng. Theo lời giới thiệu của anh Huyên, tàu Đoàn Kết 6 vừa hoàn thành các thủ tục đăng kiểm và được cấp chứng nhận tàu hút (chỉ hút và chở cát). Nếu chúng tôi mua về thì chỉ việc khai thác, vì tất cả các giấy tờ, thủ tục đã xong hết.

Sau khi được sự đồng ý của anh Huyên, chúng tôi xuống kiểm tra thực tế tàu Đoàn Kết 6. Đây là con tàu cũ, vừa được sơn lại màu nâu đất. Nhiều chi tiết trên thân, boong, mũi tàu được hàn, sơn chắp nối. Thân và mũi tàu bị móp méo, trầy xước khá nhiều do va chạm trong quá trình di chuyển, hoạt động khai thác cát.

Hầm tàu Đoàn Kết 6 cũ kỹ, mục nát dù được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm vào  tháng 1/2020. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)
Hầm tàu Đoàn Kết 6 cũ kỹ, mục nát dù được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm vào tháng 1/2020. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Bên trong tàu, nhiều chi tiết khung thép, vỏ tàu đã cũ kỹ, rỉ sét, thậm chí thủng, mục. Những chi tiết mới nhất trên thân tàu là thước nước, chỉ dấu định mạn khô, tên tàu… và một số chi tiết phục vụ việc đăng kiểm. Các tàu neo đậu kế bên như Đoàn Kết 5, Đoàn Kết 8 cũng có những dấu hiệu tương tự.

Thêm nữa, hầu hết các tàu đều không còn các trang bị về đèn chiếu sáng, còi, thiết bị phòng cháy chữa cháy, thiết bị cảnh báo lưu thông, phao cứu sinh… Trong khi đó, đây đều là các quy định bắt buộc và các tàu này đều mới chỉ được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm vào tháng 1/2020.

Chỉ riêng chi phí cho việc đăng ký, đăng kiểm tàu đã gần 150 triệu đồng (bao gồm bản vẽ thiết kế, các loại chi phí theo quy định và tiền “hỗ trợ”…).

Thấy chúng tôi ngần ngại về chất lượng tàu, anh Huyên thừa nhận tàu đóng đã lâu, khoảng năm 2011-2012. Tuy nhiên, anh Huyên khẳng định tàu rất chắc chắn, do “người nhà” đóng nên khung, thép đều chắc, vững. Thêm nữa, các chi tiết cũ kỹ, xuống cấp sau một thời gian sử dụng đều đã được thay mới, đặt biệt là đáy tàu. Tàu chở được khoảng 40m3 cát. Toàn bộ giàn phóng đều vừa được lắp mới, chủ yếu để phục vụ đăng kiểm chứ chưa sử dụng.

Cũng theo anh Huyên, chỉ riêng chi phí cho việc đăng ký, đăng kiểm tàu đã gần 150 triệu đồng (bao gồm bản vẽ thiết kế, các loại chi phí theo quy định và tiền “hỗ trợ”…).

Thân tàu Đoàn Kết 6 rỉ sét, mục dù được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm vào tháng  1/2020. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)
Thân tàu Đoàn Kết 6 rỉ sét, mục dù được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm vào tháng 1/2020. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Viện lý do cần tham khảo, chúng tôi xin số điện thoại anh Huyên và hứa sẽ liên hệ lại sau khi đã thống nhất mọi việc.

Theo thông tin chính thức từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, đơn vị chủ tàu Đoàn Kết 6 là Hợp tác xã Khai thác cát Đoàn Kết, địa chỉ tại thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Giấy chứng nhận đăng kiểm tàu mang số hiệu 01237/19V79, được cấp vào ngày 10/01/2020. Công dụng tàu là tàu hút (chỉ hút và chở cát). Năm đóng/hoán cải là 2015. Đơn vị cấp là Chi cục Đăng kiểm số 5.

Cho “nợ” tiêu chí đăng kiểm

Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến bãi tập kết tàu hút cát gần cầu Giang Sơn, xã Yang Réh, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Tại đây, chúng tôi gặp bà Thành, chủ một tàu khai thác cát. Sau khi nghe mục đích tìm mua tàu, bà Thành ngỏ ý bán cho chúng tôi con tàu mang số hiệu Nam Sơn 04 với giá 300 triệu đồng.

Bà Thành giới thiệu tàu đóng vào năm 2009 nhưng đã thay xương (ý nói khung tàu) và tôn. Đây là tàu chở cát (không có chức năng khai thác), có công suất khoảng 50 m3. Bà khẳng định mọi giấy tờ đăng ký, đăng kiểm đều đã hoàn thành đầy đủ, mua về chỉ việc sử dụng.

Thấy chúng tôi lo lắng về chi phí, thủ tục đăng kiểm, bà Thành khẳng định: “Chỉ đăng kiểm lần đầu là tốn nhiều (hơn 100 triệu đồng). Còn hằng năm đăng kiểm định kỳ, có điều ‘đầu xuôi đuôi lọt,’ có hồ sơ rồi, không phải lo gì cả.”

Được sự đồng ý của bà Thành, chúng tôi xuống kiểm tra thực tế tàu Nam Sơn 04. Ông Chín, người nhận mình có 1/3 cổ phần trong con tàu này giới thiệu tàu có chiều dài 24,5 mét. Ông thừa nhận tàu cũ, “đóng được 11-12 năm rồi” nhưng “chất lượng rất tốt.” Tương tự như tàu Đoàn Kết 6, tàu Nam Sơn 04 cũng cũ kỹ và vừa được sơn lại màu nâu đất. Bên trên boong tàu, thân tàu là nhiều vết móp méo, trầy xước sau một thời gian dài sử dụng.

Tàu Nam Sơn 04 đã được cấp chứng nhận đăng kiểm. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)
Tàu Nam Sơn 04 đã được cấp chứng nhận đăng kiểm. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Đáng chú ý hơn, hai bên hông tàu rất cũ, thậm chí bị thủng, rách, nứt tại nhiều vị trí. Nhiều vết rách, thủng dài từ 50-70cm dọc theo hông tàu. Các tàu neo đậu kế bên như Nam Sơn 03, Nam Sơn 05, Nam Sơn 12, Nam Sơn 15 cũng có những dấu hiệu tương tự.

Trước thắc mắc của chúng tôi, ông Chín thừa nhận “tôn hông lâu ngày quá nên nó mục,” nhưng “phía dưới đáy thì đã thay rồi.” Ông khẳng định việc thay tôn hông là đơn giản, chi phí chỉ khoảng 45-50 triệu đồng nhưng ông chưa làm vì chưa có thời gian.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc trước lúc đăng kiểm sao không làm luôn, tại sao bên đăng kiểm không yêu cầu, ông Chín cho biết họ có yêu cầu, nhưng chủ tàu loanh quanh, hứa tới hứa lui rồi không làm luôn. Cuối cùng thì họ vẫn cấp đăng kiểm, coi như “nợ” tiêu chí này.

Một chủ tàu tại Hợp tác xã Nam Sơn cho biết trước lúc đăng kiểm viên tới kiểm tra, các chủ tàu được yêu cầu sơn lại tàu. Khi sơn, tàu được hút hết cát để “nổi” lên trên. Sau đó, chủ tàu tiến hành sơn toàn bộ phần nổi trên mặt nước, phần nào chìm thì đương nhiên không sơn được. Bên đăng kiểm cũng không bắt buộc phải kéo tàu lên để kiểm tra dưới đáy nên cũng chẳng chủ tàu nào làm.

“Mà kéo tàu lên phải kêu máy kéo, chi phí 5–7 triệu đồng nữa, tốn kém lắm,” ông Chín nói thêm.

Hầm tàu Nam Sơn 04. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)
Hầm tàu Nam Sơn 04. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Thông tin chính thức từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy chủ tàu Nam Sơn 04 là Hợp tác xã Khai thác, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng Nam Sơn, trụ sở tại thôn 4, xã Yang Réh, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Giấy chứng nhận đăng kiểm tàu mang số hiệu 00689/19V79, được cấp vào ngày 25/7/2019. Công dụng là tàu chở hàng khô. Năm đóng/hoán cải là 2016.

Theo thông tin từ trang web của Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong thời gian từ 10/5/2019-5/8/2019, có tất cả 18 tàu của Hợp tác xã Khai thác, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng Nam Sơn được Chi cục Đăng kiểm số 5 cấp chứng nhận đăng kiểm.

Ông Phạm Duy Khánh, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 5, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay trong thời gian từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2020, có khoảng 80 tàu hút cát cũ (còn gọi là tàu đóng không có sự giám sát của đăng kiểm) tại 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông được đơn vị tiến hành kiểm tra và cấp hồ sơ đăng kiểm. Tại 2 tỉnh này, chỉ mới có 2 tàu hút cát được đóng mới có sự giám sát, đăng kiểm theo đúng các quy định của Bộ Giao thông Vận tải.

Theo Sở Giao thông Vận tải Đắk Lắk và Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh là đơn vị cấp giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa. Giấy chứng nhận này chỉ được cấp sau khi chủ phương tiện được đơn vị đăng kiểm cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nếu trong lần đăng kiểm kế tiếp, phương tiện (tàu) nào không “đạt” và không được cấp chứng nhận đăng kiểm thì Sở Giao thông Vận tải không thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đã cấp cho phương tiện đó.

Nhiều vị trí trên thân tàu Nam Sơn 04 được trám bằng… túi nylon. (Ảnh: Hưng  Thịnh/TTXVN)
Nhiều vị trí trên thân tàu Nam Sơn 04 được trám bằng… túi nylon. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Ngoài một số giấy tờ liên quan thì theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, chủ tàu phải cung cấp 2 ảnh chụp toàn bộ mạn phải tàu ở trạng thái nổi. Sở Giao thông Vận tải không tiến hành kiểm tra thực tế phương tiện. Các vấn đề về quy chuẩn an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đã được đơn vị đăng kiểm thực hiện. Và nếu có bất kỳ vấn đề gì sai sót, thì đơn vị đăng kiểm chịu trách nhiệm.

Thêm nữa, giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa cấp cho tổ chức, cá nhân là sự xác nhận quyền sở hữu phương tiện của cơ quan chức năng đối với tổ chức, cá nhân được cấp. Phương tiện chưa được cấp giấy này thì chưa đủ điều kiện để tham gia giao thông. Tương tự như các phương tiện giao thông đường bộ, chủ tàu có giấy chứng nhận đăng ký vẫn phải tiến hành việc đăng kiểm định kỳ (mỗi năm 1 lần) và nếu phương tiện không được cấp chứng nhận đăng kiểm thì không đủ điều kiện lưu thông (cho dù đã được cấp chứng nhận đăng ký trước đó). Tàu hút cát, cũng như các phương tiện giao thông khác, phải có đủ hai loại giấy này mới đủ điều kiện lưu thông.

Tuy nhiên, việc siết các quy định và tiến hành xử phạt các lỗi liên quan tới đăng ký, đăng kiểm tàu hút cát tại 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông mới được tiến hành từ năm 2017, nhất là từ cuối năm 2018 đến nay, còn trước đó thì hầu như “thả nổi.”

Tàu Đoàn Kết 6 vừa được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm vào tháng 1/2020. (Ảnh:  Hưng Thịnh/TTXVN)
Tàu Đoàn Kết 6 vừa được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm vào tháng 1/2020. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Bỏ qua nhiều công đoạn bắt buộc, quan trọng

Sau khi được Chi cục Đăng kiểm số 5 hướng dẫn quy trình, thủ tục đăng kiểm lần đầu phương tiện tàu hút, chở cát cũ vào đầu năm 2018, nhiều chủ tàu xác định việc cải hoán để đạt các quy chuẩn đăng kiểm là… không thể tiến hành và đã bỏ cuộc. Tuy nhiên, nhiều chủ tàu vẫn làm thủ tục đăng kiểm và nhiều công đoạn bắt buộc, quan trọng đã bị bỏ qua một cách bất thường.

Bỏ cuộc vì “quy trình 14 bước”

Theo các hồ sơ phóng viên thu thập được, đầu năm 2018, Chi cục Đăng kiểm số 5 tổ chức họp bàn nội dung, phương án đăng kiểm lần đầu phương tiện đối với các tàu hút cát cũ tại 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông. Tại cuộc họp, các đăng kiểm viên của Chi cục Đăng kiểm số 5 đã hướng dẫn thủ tục đăng kiểm tàu cũ với nhiều quy trình chặt chẽ bao gồm 14 bước.

Chủ một doanh nghiệp khai thác, kinh doanh cát xây dựng tại xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông cho biết dựa vào hướng dẫn của đơn vị đăng kiểm, doanh nghiệp đã tìm đến đơn vị được Bộ Giao thông Vận tải cấp phép là Công ty cổ phần Tư vấn và Thiết kế công nghiệp tàu thủy VIETSHIP (trụ sở tại Hà Nội) để làm hồ sơ, thủ tục, thiết kế lại tàu cũ.

Doanh nghiệp phải tiến hành bước này vì đây là bước bắt buộc, bởi theo biên bản kiểm tra do Chi cục Đăng kiểm số 5 cung cấp, thì “các đơn vị đăng kiểm không thực hiện giám sát kỹ thuật khi tàu chưa có hồ sơ thiết kế do Cục Đăng kiểm Việt Nam phê duyệt.”

Tuy nhiên, sau khi có được hồ sơ đầy đủ và nghiên cứu các hướng dẫn, thủ tục, doanh nghiệp đã bỏ cuộc và bán 4 con tàu cũ với mức giá chỉ khoảng 50–100 triệu đồng/chiếc. Lý do là doanh nghiệp không thể tiến hành hết các bước theo đúng như hồ sơ thiết kế, bởi từ kết cấu xương tàu, chất liệu tôn vỏ, máy chạy tàu, máy hút cát… đều không đạt.

Tàu Nam Sơn 15 đã được cấp chứng nhận đăng kiểm. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)
Tàu Nam Sơn 15 đã được cấp chứng nhận đăng kiểm. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Cụ thể, một trong những bước bắt buộc để đăng kiểm là “Phải đưa tàu lên đà để kiểm tra phần ngâm nước, đo đạc tấm vỏ và các cơ cấu thân tàu”; “Thử vật liệu tấm vỏ và các cơ cấu thân tàu đối với các loại và cỡ tàu theo quy định phải kiểm tra vật liệu”; “Thử tính kín nước của tàu, của các két theo quy định”… Hơn nữa, nếu làm đúng như vậy (phải “rã” tàu ra để thay thế, gần như đóng mới lại) thì đóng tàu mới sẽ hiệu quả hơn.

Vì vậy, doanh nghiệp này bỏ ra khoảng 1,2 tỷ đồng để đóng mới một tàu hút cát có công suất khoảng 50m3. Tàu này được tiến hành đầy đủ các thủ tục đăng kiểm, đăng ký theo quy định.

Tuy nhiên, điều làm doanh nghiệp này và một số doanh nghiệp khai thác cát bức xúc là sau khi bỏ ra số tiền lớn để đóng tàu mới, họ mới phát hiện nhiều tàu hút, chở cát cũ được tiến hành đăng kiểm, đăng ký. Các tàu cũ này đều không khác gì nhiều so với tàu họ đã bán phế liệu, cả hình thức bên ngoài, lẫn kết cấu, máy móc bên trong.

“Cùng kiểu tàu, cùng đơn vị đăng kiểm mà họ làm được, mình thì không?,” chủ doanh nghiệp bức xúc.

Hiện trạng rỉ sét, mục nát bên hông tàu Nam Sơn 15. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)
Hiện trạng rỉ sét, mục nát bên hông tàu Nam Sơn 15. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Tương tự, chủ một doanh nghiệp khai thác cát khác tại huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông cũng đã bỏ cuộc sau khi nhận được biên bản kiểm tra của Chi cục Đăng kiểm số 5 với các hướng dẫn về quy trình chặt chẽ để cải hoán, đăng kiểm tàu cũ.

Đáng chú ý hơn, dù các bước trong quy trình 14 bước được ghi rõ trong biên bản đều tuân thủ theo các quy định của Bộ Giao thông Vận tải nhưng đã bị bỏ qua một cách bất thường, khó hiểu khi đăng kiểm viên của Chi cục Đăng kiểm số 5 tiến hành đăng kiểm hàng chục tàu cũ tại Đắk Lắk, Đắk Nông sau đó.

Bỏ qua nhiều công đoạn quan trọng khi đăng kiểm

Trong các biên bản kiểm tra của Chi cục Đăng kiểm số 5 do 2 đăng kiểm viên Nguyễn Văn Thỏa và Nguyễn Minh Nhật lập cho một doanh nghiệp có nhu cầu đăng kiểm lần đầu phương tiện là tàu hút, chở cát cũ vào cuối tháng 3/2018 ghi rõ phải tiến hành các bước: “đưa tàu lên đà để kiểm tra phần ngâm nước, tấm vỏ và cơ cấu thân tàu”; “kiểm tra các đường hàn theo yêu cầu của quy phạm áp dụng,” “thử vật liệu tấm vỏ và cơ cấu thân tàu,” “thử tính kín nước của tàu, của các két theo quy định”; “thử nghiêng ngang, lập biên bản theo quy định”; “kiểm tra đường hàn, vật liệu tấm vỏ”…

Đây cũng là quy định tại Thông tư số 36/2016/TT-BGTVT ngày 24/11/2016 của Bộ Giao thông Vận tải về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm giám sát kỹ thuật và đóng phương tiện thủy nội địa cỡ nhỏ và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa (tại mục 3.1.2 về Kiểm tra lần đầu đối với tàu đang khai thác).

Tuy nhiên, trước những hình ảnh, chứng cứ thực tế về các tàu đã được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm mà phóng viên TTXVN cung cấp, ông Phạm Duy Khánh, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 5 (trụ sở tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) thừa nhận nhiều tàu cũ (đã được cấp chứng nhận đăng kiểm) không được đưa lên đà kiểm tra phần ngâm nước, đo đạc tấm vỏ và cơ cấu thân tàu.

Một góc bến tàu hút cát tại xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Hưng  Thịnh/TTXVN)
Một góc bến tàu hút cát tại xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Cũng theo ông Phạm Duy Khánh, do không đưa lên đà nên đăng kiểm viên yêu cầu chủ tàu đưa tàu lên bãi cát và… chờ nước cạn để kiểm tra. Phóng viên nêu câu hỏi liệu việc đưa tàu lên bãi cát có kiểm tra được kết cấu cũng như những hư hỏng, hao mòn của phần đáy hay không? Ông Khánh thừa nhận chỉ kiểm tra được phần nào (ý nói một phần của đáy) và để kiểm tra hết phần đáy thì phải nghiêng tàu mới kiểm tra được.

Phóng viên lại nêu câu hỏi đăng kiểm viên có nghiêng tàu để kiểm tra hay không? Ông Khánh trả lời “cái này là đăng kiểm viên đi làm, phải kiểm tra lại mới biết được” và hứa sẽ sắp xếp kiểm tra và thông tin sau.

Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 5 thừa nhận nhiều tàu cũ (đã được cấp chứng nhận đăng kiểm) không được đưa lên đà kiểm tra phần ngâm nước, đo đạc tấm vỏ và cơ cấu thân tàu

Tuy nhiên, theo một đăng kiểm viên dày dạn kinh nghiệm và một số chủ tàu, các tàu hút cát trên địa bàn Đắk Lắk, Đắk Nông đều là tàu đáy bằng, bên trong tàu không phân khoang dọc nên không thể tiến hành kiểm tra đáy tàu bằng phương pháp nghiêng tàu. Việc đưa tàu lên bãi cát cũng không thể kiểm tra tổng thể phần đáy, lý do là tàu đáy bằng nên diện tích tiếp xúc với bãi cát lớn và đăng kiểm viên không thể kiểm tra phần đáy tiếp xúc với bãi cát.

Hơn nữa, công đoạn (nghiêng tàu để kiểm tra) chỉ tiến hành đối với các tàu được kiểm tra, đăng kiểm định kỳ hàng năm còn các tàu đăng kiểm lần đầu thì theo quy định phải được đưa lên đà. Đây là cách duy nhất để kiểm tra tổng thể phần đáy tàu, “phần ngâm nước, đo đạc tấm vỏ và cơ cấu thân tàu” theo như hướng dẫn trước đó của Chi cục Đăng kiểm số 5. Đây cũng là quy định bắt buộc của Bộ Giao thông Vận tải và là một yêu cầu bức thiết, có tính quyết định đối với quá trình đăng kiểm, cũng như đảm bảo an toàn cho các tàu hút, chở cát cũ.

Cũng theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, các tàu đều phải có vách kín nước. Theo quan sát của phóng viên TTXVN, nhiều tàu hút cát cũ tại 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông không có vách kín nước vẫn được đăng kiểm bình thường. Trong khi đó, vách kín nước là một yêu cầu quan trọng để đảm bảo điều kiện chống chìm, đảm bảo độ cứng cục bộ, giữ an toàn cho tàu khi gặp sự cố, va chạm hoặc chuyên chở nặng.

Đáy tàu Nam Sơn 15 bị rỉ sét, vá víu dù tàu có công suất chở hàng gần 40 tấn. (Ảnh:  Hưng Thịnh/TTXVN)
Đáy tàu Nam Sơn 15 bị rỉ sét, vá víu dù tàu có công suất chở hàng gần 40 tấn. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Trao đổi về nội dung này, ông Phạm Duy Khánh thừa nhận “vách kín nước là phải có, tối thiểu là 2 vách, nếu không có là sai.” Theo ông Khánh, với tư cách là Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 5, ông là người ký tất cả Giấy chứng nhận đăng kiểm đối với các tàu hút, chở cát cũ đã được đăng kiểm tại 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2020. Còn việc kiểm tra thực tế các tàu, tiến hành các thủ tục, các bước đăng kiểm thì Chi cục giao cho đăng kiểm viên thực hiện.

Ông Khánh khẳng định bản thân ông là người chịu trách nhiệm chung, nhất là việc ký giấy chứng nhận đăng kiểm, còn các biên bản hiện trường, các giấy tờ liên quan… tới phương tiện thì do các đăng kiểm viên được phân công nhiệm vụ thực hiện và ký xác nhận.

Riêng đối với các thông tin mà phóng viên phản ánh, ông Khánh khẳng định sẽ cho kiểm tra lại, nếu phát hiện có sai sót, sai phạm thì liên quan đến cá nhân nào thì xử lý cá nhân đó. Đối với các con tàu đã được đăng kiểm nhưng không có vách kín nước hay không đạt các tiêu chuẩn khác theo quy định thì sẽ thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm.

Từ cuối năm 2019 đến nay, phóng viên đã nhiều lần liên hệ, phản ánh với ông Phạm Duy Khánh các nội dung đơn thư tố cáo về những sai phạm trong việc đăng kiểm lần đầu phương tiện là tàu hút, chở cát cũ tại 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông. Ông Khánh nhiều lần hứa sẽ kiểm tra thực tế và làm rõ nhưng đến nay (cuối tháng 3/2020) vẫn chưa có hồi âm. Ông Khánh lấy lý do là… bận, chưa sắp xếp được để đi thực tế kiểm tra.

Theo một lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông, nếu phương tiện thủy nội địa nào không đảm bảo điều kiện kỹ thuật mà đơn vị đăng kiểm vẫn cấp chứng nhận đăng kiểm thì dễ dẫn tới nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện. Nếu tai nạn xảy ra do nguyên nhân đăng kiểm không đúng quy định, đơn vị đăng kiểm và đăng kiểm viên sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật./.

Một góc bến tàu hút cát tại xã Yang Réh, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh:  Hưng Thịnh/TTXVN)
Một góc bến tàu hút cát tại xã Yang Réh, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)