ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

ttxvntongt-1588123540-60.jpg

Tầm chiến lược của chiến dịch Tây Nguyên

Dấu ấn kỳ tích Đại thắng mùa Xuân 1975 của dân tộc ta đến nay đã trải qua 45 năm. Các thế hệ người Việt Nam ngày càng cảm nhận đầy đủ và sâu sắc giá trị của chiến công chói lọi mang tầm vóc thời đại này.

Đó là bước chuyển mình vĩ đại của dân tộc bước qua khói lửa chiến tranh, giành được nhiều thành tựu lớn lao trong sự nghiệp xây dựng đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

“Chiến thắng Tây Nguyên mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 đã tạo cho ta sức mạnh toàn diện mới, rất lớn. Nó giúp ta những kinh nghiệm quý giá và mở ra những tiền đề vô cùng thuận lợi để tiếp tục đẩy cuộc tiến công phát triển mạnh mẽ. Điều quan trọng là nó đã tạo ra sự thay đổi cơ bản về tinh thần – tư tưởng, về so sánh lực lượng, về thế chiến lược giữa ta và địch” (nguyên Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên Hoàng Minh Thảo).

Đòn chiến lược then chốt mở đầu

Đầu năm 1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã kịp thời đánh giá đúng lực lượng so sánh giữa ta và địch, chỉ rõ sự xuất hiện thời cơ lịch sử và nêu quyết tâm chiến lược: Đánh bại hoàn toàn chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Để thực hiện quyết tâm chiến lược này, ta chủ trương tạo thế liên hoàn trên toàn chiến trường miền Nam, áp sát Sài Gòn và các thị xã, đẩy mạnh các mặt đấu tranh trên cả ba vùng chiến lược. Vấn đề trước hết là chọn chiến trường mở đầu cho cuộc tiến công chiến lược. Qua sự phân tích tổng quát, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định chọn Tây Nguyên làm địa bàn đột phá, mở đầu trận quyết chiến chiến lược, vì Tây Nguyên là vùng cao nguyên rộng lớn có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng. Trong Tây Nguyên, ta lại chọn Buôn Ma Thuột làm nơi điểm huyệt để đánh trận mở đầu – trận then chốt quyết định.

Bằng mọi phương tiện thô sơ và cơ giới, các chiến sỹ vận tải Tây Nguyên vận chuyển hàng ngàn tấn hàng hóa phục vụ chiến dịch. (Ảnh: Thanh Tụng/TTXVN)
Bằng mọi phương tiện thô sơ và cơ giới, các chiến sỹ vận tải Tây Nguyên vận chuyển hàng ngàn tấn hàng hóa phục vụ chiến dịch. (Ảnh: Thanh Tụng/TTXVN)

Ngày 5/2, Quân ủy Trung ương-Bộ Tổng Tư lệnh thành lập Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên và chỉ định Trung tướng Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh.

Ngày 4/3, chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu. 2 giờ 30 phút sáng 10/3, Trung đoàn đặc công 198 được tăng cường các phân đội hỏa lực B72, ĐKZ đánh sân bay thị xã Buôn Ma Thuột, sân bay Hòa Bình, khu kho Mai Hắc Đế, mở màn cuộc tiến công Buôn Ma Thuột.

6 giờ 30 sáng 10/3, quân ta làm chủ sân bay và khu kho Mai Hắc Đế, đánh chiếm xong điểm cao Chư Ebua. 11 giờ 30 ngày 10/3, quận lỵ Hòa Bình được giải phóng.

Từ 6 giờ đến 8 giờ ngày 11/3, pháo binh ta bắn dồn dập vào Sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy. Tiếp đó, bộ binh và xe tăng ta chia thành 3 mũi, tiến công vào sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy. Đúng 11 giờ trưa ngày 11/3, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã được kéo lên trên cột cờ của sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy, quân ta làm chủ hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột, hoàn thành trận đánh then chốt mở đầu thắng lợi chiến dịch Tây Nguyên.

Từ 12 đến 15/3, địch dùng hàng trăm lượt chiếc trực thăng đổ quân của sư đoàn 23 (chỉ thiếu trung đoàn 45) xuống các khu vực điểm cao 351, Phước An, Tân Trại, chiếm các vị trí có lợi trên đường 21 nhằm phản đột kích chiếm lại Buôn Ma Thuột. Sáng 14/3, quân ta tiến công tiểu đoàn ngụy ở chân điểm cao 581. Chiều 15/3, quân ta bắn pháo vào điểm cao 581. Sáng 16/3, quân ta tiến công vào Nông Trại, tiêu diệt gần hết trung đoàn 45 ngụy, số còn lại chạy về Phước An.

Quân giải phóng trong chiến dịch Tây Nguyên. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Quân giải phóng trong chiến dịch Tây Nguyên. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Ngày 17/3, quân ta tiến công tiêu diệt và làm tan rã gần hết cụm quân địch ở Phước An. Ngày 18/3, quân ta đánh trận tiêu diệt sư đoàn 23 ở Chư Cúc, đập tan cuộc phản kích của địch, hoàn thành trận then chốt thứ hai của chiến dịch Tây Nguyên. Sau khi mất Buôn Ma Thuột, Nguyễn Văn Thiệu – Tổng thống Việt Nam cộng hòa quyết định “Tùy nghi di tản” – một quyết định hoàn toàn sai lầm về chiến lược.

Ngày 18/3, quân ta tiến công địch trên đường số 7 và thị xã Cheo Reo (Đắk Lắk). Đến 18 giờ ngày 18/3, quân ta giải phóng thị xã Cheo Reo.

Ngày 21/3, ta truy kích địch đến Phú Túc và ngày 22/3 truy kích địch đến Ga Pui.

Lính ngụy cùng phương tiện dồn ứ trên bến Thành Hội-đường 7 để chờ qua sông Ba khi tháo chạy khỏi Tây Nguyên. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Lính ngụy cùng phương tiện dồn ứ trên bến Thành Hội-đường 7 để chờ qua sông Ba khi tháo chạy khỏi Tây Nguyên. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Ngày 22 và 23/3, quân ta phá cầu Sơn Hòa trên đường số 7 chặn đường rút của địch, chốt chặt đường ở đông Củng Sơn.

Ngày 24/3, quân ta tiến công Củng Sơn, tiêu diệt và bắt toàn bộ quân địch ở đây, kết thúc chiến dịch Tây Nguyên. Quân ta đã tiêu diệt hơn 20.000 tên địch, thu và phá hủy 154 máy bay, 1.096 xe, 17.188 súng các loại.

Bước ngoặt quyết định cho thời kỳ toàn thắng

Sau 45 năm nhìn lại, Chiến dịch Tây Nguyên vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn, huyền thoại như truyện cổ tích. Từ việc chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Phải theo dõi, nắm chắc tình hình, tình hình có thể xảy ra đột biến, phải hết sức chủ động hành động, không chờ lệnh cấp trên, thời cơ có thể diễn ra rất nhanh, không được do dự, chậm trễ.”

Rồi sự trăn trở của vị tướng Tư lệnh chiến dịch Hoàng Minh Thảo trong việc bài binh bố trận trên sa bàn, đến chuyện chưa từng có, khi một sư đoàn ôtô vận tải chở một sư đoàn bộ binh tốc hành tới ngay mặt trận, xuống xe là nổ súng được ngay; rồi chuyện Đại tướng Văn Tiến Dũng chỉ đạo “đánh trận như dân gian đánh một la mười.”

Đồng bào Tây Nguyên múa hát mừng chiến thắng. (Ảnh: Thanh Tụng/TTXVN)
Đồng bào Tây Nguyên múa hát mừng chiến thắng. (Ảnh: Thanh Tụng/TTXVN)

Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên là kết quả của sự vận dụng sáng tạo đường lối quân sự của Đảng, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Thắng lợi to lớn của Chiến dịch đã tạo ra sự thay đổi căn bản về so sánh lực lượng và thế chiến lược có lợi cho ta, còn địch bị suy sụp và tan rã về chiến lược, dẫn đến co cụm và bị động đối phó trên các chiến trường. Chiến thắng mở ra thời cơ của cuộc tổng tiến công chiến lược, tạo điều kiện cho chiến dịch Trị Thiên-Đà Nẵng, mở ra bước ngoặt quyết định cho thời kỳ toàn thắng của cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Có một bài học sâu sắc nổi bật cho mọi thời kỳ, mọi giai đoạn cách mạng, lúc chiến tranh cũng như trong hòa bình xây dựng, đó là việc đánh giá đúng vị trí, ý nghĩa chiến lược của địa bàn Tây Nguyên. Do đó, Đảng, Nhà nước ta đã luôn coi trọng xây dựng Tây Nguyên phát triển toàn diện, vững chắc. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm của cả vùng Tây Nguyên tính riêng trong năm 2019 là khoảng 8,5%. Tây Nguyên đang dần đổi mới và phát triển theo hướng nhanh và bền vững./.

Đập tan lá chắn mạnh nhất của địch ở Trị Thiên

Thắng lợi của chiến dịch Trị Thiên (từ ngày 5 đến 26/3/1975) là một trong những thắng lợi to lớn nhất, triệt để nhất của quân và dân ta ở Trị Thiên, có ý nghĩa chiến lược và ý nghĩa chính trị rất quan trọng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi trọn vẹn của toàn chiến trường miền Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Chiến thắng then chốt

Trị Thiên gồm hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên, chạy dài từ sông Bến Hải – giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền Nam-Bắc, vào đến đèo Hải Vân. Trong tỉnh Thừa Thiên có thành phố Huế. Trị Thiên ở vào vị trí là cầu nối hai miền của đất nước, nên mạng lưới giao thông ở đây có tầm quan trọng không chỉ đối với chiến trường Trị Thiên mà còn có ý nghĩa chiến lược liên quan đến chiến trường Lào và chiến trường phía trong của miền Nam.

Thực hiện quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam của Bộ Chính trị, ngày 5/3/1975, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định mở Chiến dịch Trị Thiên, nhằm tiến công tiêu diệt các mục tiêu của địch trên tuyến phòng thủ Trị Thiên; phối hợp với chiến trường chủ yếu Nam Tây Nguyên và sẵn sàng phát triển khi thời cơ đến.

Quân giải phóng tiến vào thành phố Huế. (Ảnh: Hoàng Thiểm/TTXVN)
Quân giải phóng tiến vào thành phố Huế. (Ảnh: Hoàng Thiểm/TTXVN)

Với quyết tâm chiến đấu cao, công tác tổ chức chỉ đạo, chỉ huy chặt chẽ, xác định cách đánh sáng tạo, ngay từ đầu, Chiến dịch đã tiến công địch đồng loạt cả ở mặt trận giáp ranh và đồng bằng, cùng một lúc đánh cả vào hệ thống phòng ngự vững chắc vòng ngoài và hệ thống kìm kẹp bên trong, buộc chúng phải bị động đối phó và nhanh chóng tan rã.

Trước sức tiến công của ta, ngày 18/3, lực lượng địch ở Quảng Trị buộc phải rút chạy, lui về củng cố tuyến phòng thủ ở Nam sông Mỹ Chánh. Trước thời cơ này, quân ta đã kịp thời chuyển sang tiến công và truy kích địch, giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Trị vào ngày 19/3.

Ngày 21/3, chiến dịch tiến công Huế bắt đầu. Quân ta phát triển thế tiến công đã tạo được trước đó; từ các hướng bắc, tây, nam, quân ta đồng loạt tiến công, hình thành nhiều mũi bao vây địch trong thành phố. Đến ngày 24/3, quân ta đã bao vây chặt toàn bộ tập đoàn phòng ngự của địch ở Huế. Cũng trong ngày 24/3, quân ta đập tan tuyến phòng thủ của địch ở Tam Kỳ, xóa sổ Sư đoàn 2, Liên đoàn 12 biệt động quân ngụy, giải phóng hoàn toàn thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam).

Sáng 25/3/1975, Trung đoàn 101 Sư đoàn 325, Trung đoàn 3 Sư đoàn 324, các đơn vị của quân khu Trị Thiên và các cánh quân của Quân đoàn 2 từ các hướng tiến về Huế. Quân ta vây kín cả bốn phía và thần tốc tiến vào trung tâm thành phố Huế.

Đến 10 giờ 30 phút ngày 25/3/1975, quân giải phóng cắm cờ chiến thắng trên đỉnh Phù Văn Lâu, thành phố Huế được giải phóng.

Cờ của Chính phủ cách mạng lâm thời tung bay trên cột cờ thành phố Huế. (Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN)
Cờ của Chính phủ cách mạng lâm thời tung bay trên cột cờ thành phố Huế. (Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN)

Như vậy, đến ngày 25/3, quân ta đã giải phóng thành phố Huế; ngày 26/3, giải phóng hoàn toàn tỉnh Thừa Thiên, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch gồm sư đoàn 1 bộ binh, lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến, hai liên đoàn biệt động quân (14 và 15), lữ đoàn 1 kỵ binh thiết giáp và các tiểu đoàn pháo binh, các tiểu đoàn bảo an, lực lượng phòng vệ dân sự và toàn bộ máy bay ngụy quyền tỉnh, quận, xã bị tiêu diệt và tan rã hoàn toàn.

Tạo bàn đạp phát triển tiến công vào phía Nam

Giải phóng Trị Thiên và thành phố Huế là một thắng lợi lớn, có ý nghĩa chiến lược và chính trị quan trọng. Có thể nói, chỉ trong một thời gian ngắn, quân ta đã đập tan hệ thống căn cứ quân sự trọng yếu, một bộ phận chỉ huy đầu não của quân ngụy Sài Gòn. Ta đã tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn một bộ máy quân sự lớn gồm nhiều đơn vị, kể cả một phần lực lượng tổng dự bị chiến lược, cùng toàn bộ vũ khí trang bị, căn cứ quân sự, hệ thống kho tàng, sân bay, hải cảng lớn và hiện đại của địch. Hệ thống ngụy quyền, bộ máy kìm kẹp to lớn và tàn bạo của chúng đã xây dựng trong 20 năm bị quét sạch.

Chiến dịch Trị Thiên kết thúc thắng lợi đã để lại nhiều bài học về nghệ thuật quân sự đặc sắc; trong đó, có việc nắm bắt, tận dụng thời cơ, hành động táo bạo, kịp thời. Thắng lợi đó là một đòn phủ đầu giáng vào kế hoạch phòng thủ co cụm chiến lược mới của địch ở vùng đồng bằng ven biển miền Trung. Mỹ-ngụy chủ trương lấy Trị Thiên-Huế làm một trong những trung tâm phòng ngự cố thủ, án ngữ ở phía Bắc hệ thống, bố trí chiến lược quân sự mới, che chở bảo vệ cho trung tâm phòng ngự Quảng Nam-Đà Nẵng. Thắng lợi của chiến dịch đã đập tan lá chắn mạnh nhất của địch, mở toang cánh cửa án ngữ dày đặc của địch ở phía Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng của ta phát triển tiến công vào phía Nam.

Thắng lợi to lớn của ta, thất bại thảm hại của địch ở Trị Thiên-Huế đã góp phần gây ra phản ứng dây chuyền, giáng một đòn mạnh vào tinh thần và sức chiến đấu của quân ngụy, càng đẩy quân đội Sài Gòn lao nhanh hơn nữa đến suy sụp lớn về tinh thần và tổ chức; uy hiếp trực tiếp tới tập đoàn phòng ngự của chúng ở Quảng Nam-Đà Nẵng; thế trận của địch đã bị co hẹp, rối loạn nay càng bị co hẹp rối loạn thêm.

Kết quả của chiến dịch đã làm thay đổi hẳn tương quan lực lượng địch-ta trên hướng tiến công chiến lược phía Bắc, góp phần để ta củng cố quyết tâm tiếp tục mở chiến dịch tiến công vào Đà Nẵng và giành thắng lợi./.

Cờ của Chính phủ cách mạng lâm thời tung bay trên cột cờ thành phố Huế. (Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN)
Cờ của Chính phủ cách mạng lâm thời tung bay trên cột cờ thành phố Huế. (Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN)

Bước ngoặt quyết định sau chiến dịch Đà Nẵng

Chiến thắng vang dội của Chiến dịch Đà Nẵng (26-29/3/1975) làm cho lực lượng so sánh giữa ta và địch có bước ngoặt quyết định, hoàn toàn có lợi cho ta. Chiến thắng đã tạo ra thời cơ mới và một thế trận mới để nhanh chóng hoàn thành sự nghiệp cao cả giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Đập tan ý định co cụm chiến lược của địch

Đà Nẵng là thành phố lớn thứ hai ở miền Nam, một căn cứ quân sự liên hợp lớn hải – lục – không quân (trước đây là căn cứ liên hợp của Mỹ), hiện đại và mạnh vào loại bậc nhất ở miền Nam. Tại đây, lực lượng địch có khoảng 75.000 tên, được tổ chức phòng thủ làm hai tuyến: Tuyến vành đai do sư đoàn thủy quân lục chiến, sư đoàn 3 bộ binh cùng một số đơn vị bảo an phụ trách; tuyến trong do các đơn vị địa phương cùng lực lượng các quân binh chủng đảm nhiệm. Sau khi mất Huế, lại mất Tam Kỳ (Quảng Nam), Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố “tử thủ” Đà Nẵng bằng mọi giá.

Về phía ta, nhận định bước phát triển mới của tình hình sau các chiến dịch Tây Nguyên, Trị Thiên; Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam trước mùa mưa, trước mắt là giải phóng Đà Nẵng. Lúc bấy giờ, lực lượng ta tham gia Chiến dịch có Quân đoàn 2 (thiếu Sư đoàn 324) và Quân khu 5 (gồm Sư đoàn bộ binh 2, Lữ đoàn bộ binh 52, 2 tiểu đoàn tăng thiết giáp, 1 tiểu đoàn pháo binh, 2 trung đoàn và 3 tiểu đoàn bộ đội địa phương, du kích và lực lượng tự vệ, biệt động…).

Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Bộ Tư lệnh và Đảng ủy chiến dịch mang tên Mặt trận 475. Đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu Trưởng được cử làm Tổng Tư lệnh và đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 được cử làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy.

Xe tăng của Lữ đoàn 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào giải phóng Đà Nẵng, ngày 29/3/1975. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Xe tăng của Lữ đoàn 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào giải phóng Đà Nẵng, ngày 29/3/1975. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Ngày 26/3, chiến dịch Đà Nẵng mở màn. Đến ngày 28/3, quân ta đã đập tan toàn bộ hệ thống phòng ngự vòng ngoài của địch và triển khai lực lượng áp sát thành phố Đà Nẵng từ nhiều hướng. Trước nguy cơ bị bao vây tiêu diệt, ngày 26/3, Mỹ buộc phải lập cầu hàng không di tản cơ quan lãnh sự Mỹ ở Đà Nẵng về Sài Gòn khiến tinh thần binh lính địch ở đây càng thêm rối loạn. Ngày 27/3, nhiều đơn vị địch đã tự động bỏ trận địa tiền tiêu rút về phía sau. Sau đó, địch cũng bỏ cả quận lỵ Thăng Bình, rút khỏi căn cứ Núi Quế. Chiều 28/3, Trung tướng ngụy Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân khu 1 cùng Bộ tư lệnh vùng 1 chiến thuật đã bí mật trốn ra hạm đội 7 của Mỹ đậu ở ngoài biển, bất chấp lời kêu gọi “tử thủ Đà Nẵng” của Nguyễn Văn Thiệu.

Vào thời điểm này, qua theo dõi, nhận định những diễn biến mới nhất của cục diện chiến tranh, ngày 27/3, Quân ủy Trung ương điện cho Quân khu V và Quân đoàn 2: “Tình hình Đà Nẵng rất khẩn trương, cần có những biện pháp đặc biệt nhanh chóng tiến công địch, bỏ qua những mục tiêu dọc đường, đánh thẳng vào Đà Nẵng, nhanh nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhất với những lực lượng có thể chuyển tới sớm nhất.”

Nắm bắt thời cơ, rạng sáng ngày 29/3, quân ta tập trung 30 khẩu pháo lớn của Quân đoàn 2 và Quân khu 5 bắn mãnh liệt vào các khu vực Hòn Bằng, Trà Kiệu, Vĩnh Điện, sân bay Đà Nẵng, cảng Sơn Trà, sân bay Nước Mặn…, kịp thời chi viện cho các mũi bộ binh, xe tăng tiến công từ nhiều hướng. Đến 15 giờ ngày 29/3, quân ta chiếm lĩnh toàn bộ căn cứ liên hợp Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà. Thành phố Đà Nẵng và vùng phụ cận hoàn toàn được giải phóng.

Xe quân sự và vũ khí của ngụy quân Sài Gòn trên đường phố Đà Nẵng sau giải phóng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Xe quân sự và vũ khí của ngụy quân Sài Gòn trên đường phố Đà Nẵng sau giải phóng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Chiến dịch giải phóng thành phố lớn thứ hai ở miền Nam kết thúc thắng lợi hoàn toàn. Quân ta đã tiêu diệt và làm tan rã bộ chỉ huy quân đoàn 1, sư đoàn thủy quân lục chiến, sư đoàn 3, liên đoàn 15 biệt động quân, tàn quân ngụy chạy từ Thừa Thiên – Huế vào, thu và phá hủy 69.000 khẩu súng các loại, 138 xe tăng và xe bọc thép, 115 máy bay, hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược và phương tiện chiến tranh khác.

Cục diện chiến tranh thay đổi

Thắng lợi của Chiến dịch Đà Nẵng cùng với đòn tiến công Tây Nguyên, chiến dịch Nam – Ngãi và chiến dịch Trị Thiên, có ý nghĩa chiến lược quan trọng, góp phần làm thay đổi thế và lực trên chiến trường, tạo ra sự nhảy vọt về cục diện chiến tranh hoàn toàn có lợi cho ta, trực tiếp đập tan ý định co cụm chiến lược của địch.

Chiến dịch Đà Nẵng đã gây cho địch tổn thất lớn về vật chất, kỹ thuật, tan rã về tổ chức, bế tắc về chiến thuật, chiến lược và quan trọng nhất là suy sụp lớn về tinh thần, đẩy quân ngụy đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn không gì có thể cứu vãn nổi, mở ra cho ta thời cơ, điều kiện mới giải phóng Sài Gòn – Gia Định. Ngay trong đêm 29/3, khi Đà Nẵng vừa được giải phóng, các hãng tin phương Tây đã bình luận: “Việc Đà Nẵng thất thủ, kể từ đây sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn chỉ tính bằng ngày và giờ.”

Là một chiến dịch tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, diễn ra trong một thời gian ngắn, giành được thắng lợi lớn, đã cho ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu như: chỉ đạo chiến dịch linh hoạt, kịp thời, đạt hiệu quả chiến đấu cao.

Quân giải phóng làm chủ các cơ quan ngụy quyền trong thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Hoàng Giang/TTXVN)
Quân giải phóng làm chủ các cơ quan ngụy quyền trong thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Hoàng Giang/TTXVN)

Về nghệ thuật quân sự, đòn tiến công Đà Nẵng là sự chuyển hướng tiến công sáng suốt, linh hoạt và rất kịp thời của ta, tạo sự sụp đổ dây chuyền nhanh chóng của địch. Trong quá trình tiến công, quân ta đã nhanh chóng cắt đường 1, chia cắt cô lập Đà Nẵng, hình thành thế bao vây, tiến công áp đảo bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng từ nhiều hướng, không cho địch kịp đối phó và rút chạy.

Thắng lợi của chiến dịch Đà Nẵng đã góp phần mở ra một địa bàn chiến lược có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt. Một vùng lãnh thổ rộng lớn bao gồm 5 tỉnh đồng bằng ven biển (Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, trong đó có 2 thành phố lớn là Huế và Đà Nẵng) tiếp giáp với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nối liền với vùng mới giải phóng ở Tây Nguyên, đã tạo nên một hậu phương chiến lược hoàn chỉnh hơn.

Với hậu phương mới tạo ra, ta có điều kiện tốt hơn trong việc bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, bảo đảm cơ động lực lượng, đáp ứng với yêu cầu tập trung lực lượng quy mô lớn cho việc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc./.

Nhân dân Đà Nẵng mừng đón quân giải phóng. (Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN)
Nhân dân Đà Nẵng mừng đón quân giải phóng. (Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN)

Chiến thắng ở Xuân Lộc, rung chuyển Sài Gòn

“Chiến thắng Xuân Lộc (từ 9-21/4/1975) làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch xung quanh Sài Gòn, làm cho tinh thần quân địch càng thêm suy sụp. Tin chiến thắng đã làm nức lòng nhân dân cả nước” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Mở toang “cánh cửa thép”

Xuân Lộc là một thị xã của tỉnh Long Khánh (thị xã Long Khánh, Đồng Nai hiện nay). Đây là địa bàn án ngữ những trục giao thông quan trọng như: Quốc lộ số 1, quốc lộ 20, quốc lộ 15, rất thuận lợi cho quân ta cơ động lực lượng tiến thẳng vào nội đô Sài Gòn. Xuân Lộc-Long Khánh có tầm quan trọng về địa lý, quân sự, nhằm bảo vệ Sài Gòn từ hướng đông.

Để biến Xuân Lộc thành “cánh cửa thép,” địch đã tập trung ở đây một sư đoàn bộ binh, một liên đoàn biệt động quân, một thiết đoàn xe tăng-thiết giáp, 4 tiểu đoàn pháo binh và lực lượng được tổng trù sẵn sàng ứng trợ đặc biệt.

Chính Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ Đại tướng Frederick C. Weyand, đã trực tiếp lên Xuân Lộc thị sát và nhấn mạnh: “Phải giữ cho được Xuân Lộc, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn.”

Đánh giá đúng tầm quan trọng của cửa ngõ Xuân Lộc, ngày 2/4/1975, quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Miền đã quyết địch mở cuộc tiến công giải phóng Xuân Lộc nhằm tiêu diệt sư đoàn 18 ở vòng ngoài, phá âm mưu phòng ngự từ xa, phá thế phòng ngự củng cố Sài Gòn của địch, chia cắt giao thông, cô lập Sài Gòn. Nhiệm vụ tiến công Xuân Lộc được giao cho Quân đoàn 4. Đồng chí Hoàng Cầm được giao trọng trách làm Tư lệnh chiến dịch.

5 giờ 40 phút ngày 9/4, Quân đoàn 4 nổ súng tấn công Xuân Lộc. Các trận địa pháo của Quân đoàn, sư đoàn lần lượt nhả đạn. Một giờ sau, bộ binh bắt đầu xung phong. Trong ngày chiến đấu đầu tiên, quân ta đã chiếm được một phần hai thị xã, toàn bộ khu hành chính tiểu khu.

Những ngày sau đó, chiến sự ở Xuân Lộc-Long Khánh diễn ra ngày càng thêm ác liệt và đã gây tổn thất lớn cho cả ta và địch. Quyết “tử thủ” Xuân Lộc, ngày 12/4, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn quyết định tăng cường lực lượng, vũ khí và phương tiện chiến tranh cho Xuân Lộc.

Ngày 9/4/1975, quân ta tiến công thị trấn Xuân Lộc, căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông Bắc. Ngày 21/4, quân địch ở Xuân Lộc tháo chạy, cửa ngõ vào Sài Gòn từ hướng Đông Bắc đã được mở. Ngay khi mất Xuân Lộc, Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu từ chức. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 9/4/1975, quân ta tiến công thị trấn Xuân Lộc, căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông Bắc. Ngày 21/4, quân địch ở Xuân Lộc tháo chạy, cửa ngõ vào Sài Gòn từ hướng Đông Bắc đã được mở. Ngay khi mất Xuân Lộc, Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu từ chức. (Ảnh: TTXVN)

Chỉ sau thời gian ngắn, lực lượng địch ở Xuân Lộc-Long Khánh đã gia tăng đột biến: chiếm 50% bộ binh, 60% pháo binh, hầu hết số lượng xe tăng thiết giáp của Quân đoàn 3 và lực lượng tổng dự bị chiến lược của quân đội Sài Gòn.

Trước tình hình khó khăn, ta đã nghiên cứu diễn biến trận đánh, quyết định tổ chức lại lực lượng, thay đổi cách đánh từ tiến công trực tiếp chuyển sang thế trận bao vây, cô lập nhằm làm suy yếu lực lượng địch trong thị xã; tiêu diệt các lực lượng tiếp viện của địch mới được điều đến còn đứng chân chưa vững ở vòng ngoài.

Ta tổ chức đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, Núi Thị, cắt quốc lộ 1 và chặn đánh quân tiếp viện từ Biên Hòa, Trảng Bom, cắt rời Xuân Lộc ra khỏi Biên Hòa. Rạng sáng 15/4, quân ta bắt đầu bắn phá sân bay Biên Hòa. Ở khu vực Xuân Lộc, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 341 liên tục quần nhau với địch, đánh tan hai chiến đoàn còn lại (43 và 48) của Sư đoàn 18 và diệt một bộ phận quân dù.

Thấy không thể bảo vệ được Xuân Lộc, ngày 20/4, địch rút chạy, bị quân ta truy kích tiêu diệt. Ngày 21/4, thị xã Xuân Lộc và toàn bộ tỉnh Long Khánh được giải phóng.

Kết thúc chiến dịch Xuân Lộc, quân ta đã đánh thiệt hại nặng sư đoàn 18, lữ đoàn dù 1, tiêu diệt chiến đoàn 52 (sư đoàn 18), đánh thiệt hại trung đoàn 5 và lữ đoàn 3 thiết giáp, diệt và bắt hàng nghìn tên địch, thu hàng chục ôtô và hàng nghìn súng các loại, phá hủy 42 xe tăng, xe thiết giáp.

Tạo thời cơ lịch sử, giải phóng Sài Gòn

Việc chọn địa bàn và thời điểm mở chiến dịch tiến công Xuân Lộc-Long Khánh là hoàn toàn đúng đắn, cần thiết và rất kịp thời trong thời điểm lịch sử chuyển biến hết sức mau lẹ của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Chiến dịch tiến công thắng lợi đã đập tan “cánh cửa thép” án ngữ cửa ngõ phía đông Sài Gòn, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch quanh Sài Gòn, làm suy sụp nhanh thêm tinh thần chiến đấu của quân ngụy còn lại trên toàn miền Nam.

Lực lượng tăng-thiết giáp của cánh quân phía Đông Bắc quân giải phóng vượt xa lộ Biên Hòa, phát triển đánh thẳng về Sài Gòn sau khi tấn công tiêu diệt tập đoàn phòng ngự Biên Hòa. (Ảnh: Vũ Tạo/TTXVN)
Lực lượng tăng-thiết giáp của cánh quân phía Đông Bắc quân giải phóng vượt xa lộ Biên Hòa, phát triển đánh thẳng về Sài Gòn sau khi tấn công tiêu diệt tập đoàn phòng ngự Biên Hòa. (Ảnh: Vũ Tạo/TTXVN)

Xuân Lộc-Long Khánh được giải phóng, kế hoạch quân sự của Mỹ-ngụy bị đảo lộn, theo đó âm mưu chính trị cũng tan vỡ theo. Thắng lợi của chiến dịch đã tạo ra một địa bàn tập kết thuận lợi, làm bàn đạp xuất phát tiến công của Cánh quân hướng Đông-một trong 5 mũi chủ lực cơ động của đội hình chiến dịch mang tên Bác Hồ kính yêu tiến vào giải phóng Sài Gòn-Gia Định.

Sau khi “cánh cửa thép” Xuân Lộc tan rã, một loạt sự kiện liên quan đã liên tiếp diễn ra. Ngay tối ngày Xuân Lộc được giải phóng, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức và hai ngày sau đó thì trốn chạy khỏi Sài Gòn. Bên kia bờ đại dương, ngày 23/4/1975, Tổng thống Mỹ Gerald Ford tuyên bố “Cuộc chiến tại Việt Nam đã chấm dứt đối với người Mỹ.”

Ngày 23/4/1975, Tổng thống Mỹ Gerald Ford tuyên bố “Cuộc chiến tại Việt Nam đã chấm dứt đối với người Mỹ”

Mặt trận hướng Đông được khai thông, các cánh quân rầm rập tiến về Sài Gòn với khí thế không gì lay chuyển nổi. “Cánh cửa thép” Xuân Lộc bị phá đã mở toang cánh cửa cho đại quân ta mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến vào giải phóng Sài Gòn, xông thẳng vào sào huyệt cuối cùng của chế độ Mỹ-ngụy, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước oanh liệt của dân tộc Việt Nam.

Từ Chiến thắng Xuân Lộc đã rút ra nhiều bài học giá trị. Đó là cách quán triệt ý đồ chiến lược của Trung ương Đảng, hạ quyết tâm kịp thời, chính xác; biết tổ chức và sử dụng lực lượng tại chỗ, phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân; trong chỉ đạo, chỉ huy kịp thời, nhạy bén, linh hoạt; phát huy thế tiến công chiến lược, chớp thời cơ giành thắng lợi.

Chiến thắng Xuân Lộc là một trong những điểm nhấn của mùa Xuân toàn thắng 1975. Bài học rút ra từ cuộc chiến năm xưa vẫn nguyên giá trị để nghiên cứu, vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.

Xe tăng của Quân đoàn 1 vượt sông, chuẩn bị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ngày 2/4/1975. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Xe tăng của Quân đoàn 1 vượt sông, chuẩn bị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ngày 2/4/1975. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975

Chiến dịch Hồ Chí Minh (26 đến 30/4/1975) là đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh là thắng lợi vĩ đại nhất, trọn vẹn nhất, kết thúc 30 năm chiến tranh lâu dài, gian khổ chống ngoại xâm của dân tộc ta, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Chiến dịch lịch sử

Lúc này, tập đoàn phòng ngự lớn của địch ở Sài Gòn-Gia Định tuy số lượng còn đông nhưng đã bị chia cắt, cô lập cao độ và sức chiến đấu đã giảm sút hẳn.

Lực lượng của địch ở vòng ngoài còn mạnh, song bên trong yếu, sơ hở, không có khả năng tăng viện. Ta cũng nhận định, Mỹ khó có khả năng can thiệp trở lại bằng lục quân, khả năng can thiệp bằng không quân và hải quân càng hạn chế.

Ngày 31/3, Bộ Chính trị họp nhận định: “Thời cơ chiến lược tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã hoàn toàn chín muồi. Từ giờ phút này trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta bắt đầu, nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc.”

Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Phải nắm vững hơn nữa thời cơ chiến lược, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, có quyết tâm lớn thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4, không để chậm.”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh (4/1975). (Ảnh: TTXVN)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh (4/1975). (Ảnh: TTXVN)

Để thực hiện quyết tâm đó, Bộ Chính trị quyết định tập trung lực lượng chỉ đạo giành thắng lợi trong trận quyết chiến lịch sử này. Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định được mang tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh.”

Lúc này, chế độ ở Sài Gòn là không thể cứu vãn, song Mỹ vẫn chưa từ bỏ tham vọng vớt vát về chính trị. Mỹ vừa tung tin dọa dẫm ta vừa đẩy mạnh hoạt động ngoại giao, gây sức ép với ta nhằm ngăn chặn cuộc tổng tiến công của ta vào Sài Gòn.

Ngày 21/4, theo chủ trương của Mỹ, Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu từ chức, Trần Văn Hương lên thay và kêu gọi “ngừng bắn để thương lượng.”

Ngày 26/4, khi Thiệu vừa chạy tới Đài Loan (Trung Quốc), thì Trần Văn Hương lại phải từ chức để nhường chỗ cho con bài chót của Mỹ là Dương Văn Minh. Song âm mưu của Mỹ chỉ là ảo tưởng. Giờ cáo chung của chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam đã điểm.

17 giờ ngày 26/4/1975, các lực lượng của ta trên tất cả 5 hướng là: Tây Bắc, Bắc và Đông Bắc, Đông và Đông Nam, Tây và Tây Nam, vùng ven và nội thành Sài Gòn, nhất loạt tấn công địch với sức mạnh vũ bão, mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Những trận chiến đấu quyết liệt và những trận bão lửa dữ dội diễn ra trước hết ở hướng đông là hướng địch tập trung nhiều lực lượng và tổ chức chống cự rất điên cuồng. Ngày 27/4, ta giải phóng tỉnh Phước Tuy, chiếm và giữ các đầu cầu vào nội thành Sài Gòn.

Xe tăng Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 đánh chiếm trụ sở Biệt khu thủ đô Sài Gòn, sáng 30/4/1975. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Xe tăng Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 đánh chiếm trụ sở Biệt khu thủ đô Sài Gòn, sáng 30/4/1975. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Ngày 28/4, ta tăng cường vây ép Sài Gòn trên các hướng; bao vây, ngăn chặn không cho các Sư đoàn chủ lực của địch co cụm về vùng ven nội thành. Trong ngày 29/4, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương gửi Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch; tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng.”

Ngày 29/4, ta tổng tiến công trên toàn mặt trận, ngăn chặn và tiêu diệt các tập đoàn địch ở vòng ngoài, thọc sâu đánh chiếm các địa bàn quan trọng ở vùng ven, chuẩn bị đồng loạt đánh vào nội đô. Tính đến cuối ngày 29/4, bộ đội ta đã đập tan tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, tiêu diệt và làm tan rã phần lớn các Sư đoàn 5, 25, 18, 22, 7 của quân ngụy.

Các binh đoàn thọc sâu đã tiến đến vùng ven, cách trung tâm Sài Gòn từ 10 đến 20 km. Các lực lượng vũ trang tại chỗ hoạt động mạnh trên các địa bàn, giữ vững các cầu trên đường vào thành phố.

Miền Nam toàn thắng

Sáng ngày 30/4, Đại sứ Mỹ Graham Martin chạy khỏi Sài Gòn. 5 giờ sáng ngày 30/4, với sự hiệp đồng chiến đấu rất anh dũng của các lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, các lực lượng biệt động, tự vệ vùng ven và nội đô, cùng với sự nổi dậy đều khắp và rất kịp thời của quần chúng trong và ngoài thành phố, các cánh quân hùng mạnh đã thần tốc thọc sâu, tiến thẳng vào chiếm các mục tiêu quan trọng trong thành phố Sài Gòn-Gia Định: Dinh Độc lập (tức Phủ Tổng Thống ngụy), Bộ Tổng tham mưu và Khu Bộ tư lệnh các binh chủng của địch, sân bay Tân Sơn nhất, Đài Phát thanh, Biệt khu thủ đô và Tổng Nha cảnh sát.

Binh đoàn hỗn hợp của Quân đoàn 2 chiếm Dinh Độc lập lúc 10 giờ 45 phút, bắt toàn bộ nội các ngụy quyền Sài Gòn, buộc Dương Văn Minh phải lên đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng cách mạng không điều kiện. 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, ta kéo cờ chiến thắng trên nóc Dinh Độc Lập.

Bốn chiến sỹ Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) - những người đầu tiên vào Dinh Độc lập và cắm cờ trên nóc phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn trưa 30/4/1975. (Ảnh: Đinh Quang Thành/TTXVN)
Bốn chiến sỹ Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) – những người đầu tiên vào Dinh Độc lập và cắm cờ trên nóc phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn trưa 30/4/1975. (Ảnh: Đinh Quang Thành/TTXVN)

Đúng giờ phút ấy, nhân dân cả nước reo mừng khi được tin Sài Gòn được giải phóng. Nhân dân Hà Nội đổ ra đường, tung hoa, vẫy cờ, mít tinh, tuần hành và hô vang khẩu hiệu: “Hoan hô miền Nam hoàn toàn giải phóng,” “Tổ quốc Việt Nam anh hùng muôn năm.” Trên đà chiến thắng, đến ngày 1/5, cơ bản các tỉnh, thành phố trên đất liền, các đảo và quần đảo ở Biển Đông trên toàn miền Nam được hoàn toàn giải phóng.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng chủ lực, địa phương và cảnh sát thuộc quân khu 3 ngụy, lực lượng tổng trù bị còn lại và tàn quân của quân đoàn 1 và 2. Đập tan hệ thống chính quyền ngụy từ trung ương đến cơ sở…

Ta thu được hầu hết toàn bộ vũ khí kỹ thuật hiện đại, căn cứ, kho tàng của địch. Nhân dân trong khu vực chiến dịch hầu như không bị tổn thất, thành phố gần như nguyên vẹn, các cơ sở vật chất về quân sự, kinh tế, sinh hoạt ta đều thu được. Mọi hoạt động của thành phố trở lại bình thường.

Ngay sau đó, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã gửi điện tới toàn thể cán bộ, chiến sỹ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Sài Gòn-Gia Định.

Bức điện viết: “Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhiệt liệt khen ngợi quân và dân Sài Gòn-Gia Định, khen ngợi toàn thể cán bộ và chiến sỹ, đảng viên và đoàn viên, thuộc các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội tinh nhuệ, dân quân tự vệ đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, lập chiến công chói lọi, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng lớn quân địch, buộc ngụy quyền Sài Gòn phải đầu hàng không điều kiện, giải phóng thành phố Sài Gòn-Gia Định, đưa Chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại đến toàn thắng.”

Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường đón chào quân giải phóng chiếm phủ Tổng thống ngụy, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)
Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường đón chào quân giải phóng chiếm phủ Tổng thống ngụy, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định nghệ thuật của chiến tranh nhân dân Việt Nam, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp và thế trận lợi hại, với ưu thế áp đảo quân địch, đánh vào hệ thống phòng thủ lớn nhất của địch, thực hiện tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch, giành thắng lợi triệt để trong thời gian ngắn nhất (3,5 ngày).

Đây là chiến dịch tiến công có ý nghĩa chiến lược cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, có sự hợp đồng binh chủng lớn nhất; được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chỉ đạo trực tiếp, tập trung, sâu sát, kịp thời và sáng suốt.

Những bài học quan trọng để chiến thắng là: nắm bắt đúng thời cơ chiến lược, hạ quyết tâm mở chiến dịch kịp thời, chính xác; nghệ thuật tạo sức mạnh tổng hợp cả lực lượng và thế trận; cách đánh chiến dịch đúng đắn, sáng tạo, đầy mưu lược, hiệu quả cao.

Thắng lợi của ta cũng là thất bại to lớn nhất của Mỹ từ trước tới nay, mở ra một kỷ nguyên mới cho phong trào cách mạng thế giới. Chiến thắng có ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20./.

Bước chuyển vĩ đại của dân tộc

Kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là dịp mỗi chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển đất nước. Chúng ta cũng nhận thức sâu sắc hơn giá trị những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí, quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Sự kiện quốc tế to lớn

Đại thắng mùa Xuân 1975 đã khép lại cánh cửa chủ nghĩa thực dân mới, làm tiêu tan bao mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch hòng thôn tính, đô hộ, nô dịch, ngăn cản sự phát triển mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam.

Cuộc chiến tranh cách mạng đã kết thúc cách đây vừa tròn 45 năm, và tính từ khi khởi sự Cách mạng Tháng Tám 1945 đã cách đây 75 năm, nhưng để luận giải những câu hỏi lớn như vì sao dân tộc ta phải cầm súng và cầm súng dài ngày đến như vậy, vì sao một nước nhỏ và nghèo vừa thoát khỏi chế độ thực dân nửa phong kiến lại đánh thắng hai đế quốc-thực dân hùng mạnh, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới trên phạm vi thế giới… đòi hỏi những công trình nghiên cứu khoa học lớn.

Các chính khách và học giả phương Tây khi phân tích cuộc chiến đã đổ lỗi cho những cơ hội hòa bình bị bỏ lỡ, đổ lỗi cho những quyết định sai lầm nhất thời của các chính trị gia và các nhà cầm quân dẫn đến thảm họa. Họ cố tình quên đi những điều cơ bản nhất. Khi tiến hành chiến tranh xâm lược phi nghĩa ở Việt Nam, chủ nghĩa đế quốc phải đương đầu với một dân tộc rất kiên cường và bất khuất, có truyền thống hàng nghìn năm văn hiến; rất khát vọng hòa bình nhưng phải là hòa bình trong độc lập, tự do, “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; một dân tộc rất thông minh và anh dũng, được tổ chức tốt và vũ trang toàn dân, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cờ giải phóng tung bay trên sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975. (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)
Cờ giải phóng tung bay trên sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975. (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)

Hàng chục năm đã trôi qua nhưng rất nhiều bài học được rút ra từ cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, trong đó có bài học về tạo thời cơ và chớp thời cơ. Bài học ấy đã, đang và sẽ tiếp tục là sức mạnh, là khởi nguồn cho những thành tựu to lớn hơn của cả dân tộc trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay và mai sau.

Khi đánh giá về nghệ thuật quân sự trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Trận quyết chiến chiến lược mùa Xuân 1975 đánh dấu bước phát triển mới hết sức rực rỡ của nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong điều kiện hiện đại, đặc biệt là nghệ thuật điều hành chiến tranh ở giai đoạn kết thúc, nghệ thuật tổ chức và chỉ đạo thực hành những trận then chốt quyết định, đưa kháng chiến đến toàn thắng.”

Chiến thắng năm 1975, nếu như Henry Kissinger, nguyên Cố vấn Nhà Trắng bàng hoàng không hiểu “cái gì đó đã nhen lên trong dân tộc đó những ngọn lửa anh hùng và nghị lực như vậy” thì tướng Maxwell Taylor, cựu Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn phải chua chát thừa nhận: “Tất cả chúng ta đều có phần của mình trong thất bại của Mỹ ở Việt Nam, và chẳng có gì là tốt đẹp cả. Chúng ta không hề có một anh hùng nào trong cuộc chiến tranh này, mà chỉ toàn là một lũ ngu xuẩn. Chính tôi cũng nằm trong số đó.”

Giá trị thời đại sâu sắc

Dấu ấn kỳ tích Đại thắng mùa Xuân 1975 của dân tộc ta đến nay đã trải qua 45 năm. Các thế hệ người Việt Nam ngày càng cảm nhận đầy đủ và sâu sắc giá trị của chiến công chói lọi mang tầm vóc thời đại này, đó là bước chuyển mình vĩ đại của dân tộc bước qua khói lửa chiến tranh, giành được nhiều thành tựu lớn lao trong sự nghiệp xây dựng đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhân dân thành phố Sài Gòn míttinh chào mừng Ủy ban Quân quản thành phố ra mắt, ngày 7/5/1975. (Ảnh: Minh Lộc/TTXVN)
Nhân dân thành phố Sài Gòn míttinh chào mừng Ủy ban Quân quản thành phố ra mắt, ngày 7/5/1975. (Ảnh: Minh Lộc/TTXVN)

Ngày nay, dưới góc nhìn của quốc tế, Việt Nam được coi là một câu chuyện thành công về quá trình phát triển, với những thành tựu vượt bậc đã đạt được trong thời gian qua trên các mặt: hoàn thiện Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân, vì dân; kinh tế đạt được nhiều thành tựu quan trọng; văn hóa-xã hội có bước tiến bộ rõ nét; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Sau 34 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.

Năm 2019, tăng trưởng GDP toàn quốc đạt 7,02%, quy mô nền kinh tế đạt 266 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 200 USD năm 1990 lên 2.800 USD năm 2019. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm từ 53% năm 1993 xuống còn dưới 4% năm 2019.

Liên hợp quốc ghi nhận, những chiến lược và nỗ lực của Việt Nam đã đưa đất nước từ chỗ là một trong những quốc gia nghèo khó đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình và tăng trưởng nhanh chóng. Với Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một câu chuyện thành công về quá trình phát triển. Còn theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Việt Nam đã là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới kể từ năm 1990.

Tiếp nối dòng chảy lịch sử, sức mạnh tổng hợp của Việt Nam đã tăng lên nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp. 

Tiếp nối dòng chảy lịch sử, sức mạnh tổng hợp của Việt Nam đã tăng lên nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp. Chúng ta đã mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hoá, đa dạng hóa, giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia, xác lập được quan hệ ổn định với các nước lớn; có quan hệ ngoại giao với hơn 180 nước, quan hệ kinh tế thương mại với hơn 200 nước và vùng lãnh thổ, ký hiệp định thương mại song phương với hơn 100 nước.

Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế ASEAN, ASEM, APEC, WTO, TPP…; tích cực tham gia giải quyết những vấn đề biên giới, lãnh thổ, biển đảo với các nước liên quan, góp phần giữ vững môi trường hoà bình khu vực và thế giới.

Đặc biệt, công tác đối ngoại năm 2019 đã ghi một dấu ấn lịch sử, khi Việt Nam vừa là Chủ tịch ASEAN năm 2020 vừa được bầu là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ năm 2020-2021 với số phiếu 192/193. Đây là số phiếu đồng thuận kỷ lục trong 75 năm phát triển Liên hợp quốc.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã nâng vị thế chính trị của Việt Nam trên thế giới lên một tầm cao mới. Đối với dân tộc ta, đây là bản anh hùng ca bất hủ của chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh. Năm tháng trôi qua, càng khẳng định và làm nổi bật tầm vóc lịch sử và ý nghĩa thời đại của thắng lợi này./.

(Nguồn: TTXVN)
(Nguồn: TTXVN)