Hoàn thành đại hội đảng bộ các cấp

ttxvndaiho-1609303164-64.jpg

Quyết tâm cao, hoàn thành đúng tiến độ

Đại hội XIII của Đảng, sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của đất nước, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong toàn xã hội, định hướng tương lai của cả dân tộc sẽ diễn ta từ ngày 25/1-2/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội.

Vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19, thiên tai, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và bão, lũ ở miền Trung, năm 2020 ghi dấu ấn đặc biệt, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, nỗ lực rất lớn, hành động quyết liệt, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị để chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp theo đúng tiến độ, kế hoạch, mục đích, yêu cầu đề ra; bảo đảm tuyệt đối an toàn, tiết kiệm và để lại nhiều dấu ấn, tình cảm sâu sắc, tốt đẹp trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đây là tiền đề quan trọng để tiến tới tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Nỗ lực cao, hoàn thành đúng tiến độ

“Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã thành công tốt đẹp, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra, để lại những dấu ấn nổi bật và những tình cảm tốt đẹp trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.”

Đây là khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Kết quả này có được là sự nỗ lực rất lớn, hành động quyết liệt, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, bởi chưa một kỳ đại hội đảng nào lại bắt đầu khác biệt như lần này.

Năm 2020 sẽ đi vào lịch sử nhân loại vì sự xuất hiện của đại dịch COVID-19, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, chính trị, kinh tế, đặc biệt là đến sức khỏe người dân.

Đại hội đảng bộ các cấp bắt đầu trong bối cảnh đặc biệt không mong đợi như thế khi cả nước căng mình chống dịch, thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội để khống chế SARS-CoV-2.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường gây nhiều lo lắng và hệ lụy, làm đảo lộn cuộc sống, mọi sinh hoạt bình thường của con người.

Không chỉ chống chọi đại dịch COVID-19 với sự lây lan nhanh chóng, khả năng gây tử vong cao, năm 2020, tại nhiều địa phương trong cả nước đã xảy ra bão, lũ đặc biệt nghiêm trọng.

Thiên tai cướp đi nhiều sinh mạng, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, xã hội cho nhiều tỉnh, thành phố. Những biến cố này gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác chuẩn bị, nhưng vượt lên tất cả, bằng quyết tâm chính trị rất cao, đại hội đảng bộ các cấp đã được tiến hành trang trọng, chu đáo, cơ bản đúng tiến độ, yêu cầu theo Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị cán bộ  toàn quốc tổng kết công tác tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.  (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Với những nỗ lực rất lớn, nhiều địa phương hoàn thành đại hội trước thời gian quy định.

Đến ngày 20/10, cả nước đã hoàn thành 100% đại hội đảng bộ ở cả 2 cấp; đến ngày 29/10, 100% đảng bộ trực thuộc Trung ương đã hoàn thành đại hội.

Tất cả đều diễn ra theo đúng lộ trình đã được chỉ rõ trong Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Sau mỗi cấp hoàn thành tổ chức đại hội, Ban Tổ chức Trung ương trên cơ sở theo dõi quá trình chuẩn bị, tổ chức đại hội đều chỉ ra những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.

Đến ngày 20/10, cả nước đã hoàn thành 100% đại hội đảng bộ ở cả 2 cấp; đến ngày 29/10, 100% đảng bộ trực thuộc Trung ương đã hoàn thành đại hội.

Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình, có 6 bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình chuẩn bị, tổ chức đại hội, trong đó có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong suốt quá trình chuẩn bị, tổ chức đại hội; chỉ đạo ban hành hệ thống văn bản sớm, đầy đủ, toàn diện về chuẩn bị và tổ chức đại hội.

Đồng thời, từng cấp ủy, tổ chức đảng, cá nhân, nhất là người đứng đầu phát huy tính chủ động, sáng tạo trong quá trình chuẩn bị, tổ chức đại hội; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Việc kịp thời chỉ ra những ưu điểm, hạn chế qua tổ chức đại hội từng cấp đã giúp cho các đảng bộ tích lũy thêm kinh nghiệm trong việc tổ chức đại hội cấp tiếp theo, là nền tảng vững chắc để đảm bảo cho sự thành công trong tổ chức đại hội đảng bộ ở từng cấp.

Nghiêm túc, trang trọng, tiết kiệm

Công tác tổ chức đại hội đã được tổ chức nghiêm túc, trang trọng, có đổi mới, đúng quy định, sát thực tế, thể hiện không khí dân chủ, đoàn kết, phấn khởi, tin tưởng trong Đảng, trong nhân dân.

Các cấp ủy đã có kế hoạch và thực hiện công tác tuyên truyền về đại hội bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Việc tuyên truyền không chỉ chú trọng thực hiện trước đại hội, trong khi diễn ra đại hội mà sau đại hội công việc này tiếp tục được triển khai, góp phần đưa nghị quyết đại hội đi vào cuộc sống.

Tại nhiều đại hội, việc áp dụng đưa công nghệ thông tin hỗ trợ cho công tác tuyên truyền đã góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa tốt hơn. Một số đảng bộ đã xây dựng phim tư liệu trình chiếu trước giờ khai mạc, các phiên họp và giờ nghỉ giải lao để minh họa thêm cho báo cáo chính trị của Đảng bộ và tham luận tại đại hội.

Việc ứng dựng công nghệ thông tin vào thực hiện quy trình nhân sự của đại hội đã giúp cho công việc quan trọng này được gọn gàng, khoa học, tường minh và chính xác.

Toàn cảnh Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp  nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Toàn cảnh Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các hoạt động chào mừng đại hội được điều chỉnh theo hướng tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả; không phô trương, hình thức, phù hợp với tình hình thực tế phòng, chống và khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19, bão, lũ; không tổ chức liên hoan, giao lưu gây lãng phí trước, trong và sau khi kết thúc đại hội.

Nhiều nơi đã kịp thời phát động, tổ chức ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục thiệt hại nặng nề do bão, lũ ngay tại đại hội, thể hiện sâu sắc tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tương thân, tương ái, đạo lý và truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Nhiều đảng bộ địa phương đã có chỉ đạo tăng cường thời lượng, chất lượng các tin, bài, phóng sự và các nội dung liên quan để tuyên truyền về đại hội, về thành tựu của đảng bộ… để cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của đại hội, về vai trò lãnh đạo của Đảng và thấy rõ những đổi thay, phát triển của địa phương, cơ sở, qua đó tăng thêm niềm tin tưởng, phấn khởi, tự hào.

Việc làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về đại hội đã làm cho công việc của Đảng trở nên gần gũi với nhân dân. 

Công tác tuyên truyền, cổ động trực quan bằng nhiều hình thức phong phú như khẩu hiệu, panô, băngrôn, cờ, cụm biểu tượng đại hội… được đẩy mạnh trên các tuyến đường trung tâm; bằng hình thức tuyên truyền phát thanh lưu động.

Nhiều đại hội đã tổ chức triển lãm, trưng bày, giới thiệu các thành tựu của địa phương, đơn vị. Các đại hội đều bố trí cán bộ y tế trực bảo đảm việc phòng, chống dịch COVID-19; tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho đại biểu và cán bộ phục vụ đại hội…

Việc làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về đại hội đã làm cho công việc của Đảng trở nên gần gũi với nhân dân. Người dân quan tâm tới công việc của Đảng, góp ý kiến cho Đảng để có những quyết sách phù hợp, kịp thời, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân và vì nhân dân.

Sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, phối hợp đồng bộ nhiều nội dung, lĩnh vực trong khâu chuẩn bị tổ chức đại hội tại các đảng bộ đã góp phần vào thành công chung của đại hội đảng bộ các cấp./.

Phát huy tâm huyết, trí tuệ định hướng tương lai

Việc thảo luận, quyết định đường lối, nhiệm vụ chính trị (công tác văn kiện) tại Đại hội là một trong hai nội dung quan trọng nhất, đã được các đảng bộ chuẩn bị kỹ lưỡng và thực hiện nghiêm túc, góp phần làm nên thành công của đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ Văn kiện Đại hội rất quan trọng, không phải là nghị quyết bình thường mà là văn kiện 5 năm mới có một lần, vừa mang tính lý luận, vừa mang tính thực tiễn, tính chính trị, mang tầm chiến lược đồng thời phải có tính quần chúng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ kiểm tra.

Nhìn lại đại hội đảng bộ các cấp có thể thấy công tác xây dựng, thảo luận văn kiện – một trong hai nội dung quan trọng nhất của đại hội đã được các đảng bộ đặc biệt quan tâm.

Việc xây dựng dự thảo báo cáo chính trị đã được các cấp ủy chú trọng, đầu tư nhiều công sức với cách làm khoa học và thái độ nghiêm túc, tập hợp được trí tuệ của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Công tác xây dựng, thảo luận văn kiện – một trong hai nội dung quan trọng nhất của đại hội đã được các đảng bộ đặc biệt quan tâm.

Trên cơ sở tiếp thu các định hướng lớn, tinh thần đổi mới trong công tác xây dựng văn kiện Đại hội XIII của Đảng, báo cáo chính trị của hầu hết các cấp ủy đã đánh giá khách quan, toàn diện, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng về những kết quả đạt được cũng như hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan.

Đặc biệt, các báo cáo chính trị đã phân tích khá sâu sắc thời cơ và thách thức, điểm mạnh, điểm yếu, tiềm năng, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh của địa phương mình để đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, sát thực tế, có tính khả thi cao cho nhiệm kỳ tới, thậm chí cho cả giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá điểm nổi bật của các báo cáo chính trị lần này đều nhấn mạnh vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng; làm sâu sắc, đầy đủ hơn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị về việc  tiếp thu ý kiến hoàn thiện các dự thảo văn kiện của Đảng. (Nguồn: TTXVN)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị về việc tiếp thu ý kiến hoàn thiện các dự thảo văn kiện của Đảng. (Nguồn: TTXVN)

Báo cáo kiểm điểm của các cấp ủy đã thể hiện bản lĩnh chính trị, tính chiến đấu, tinh thần tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa, ý thức cầu thị, thẳng thắn, khiêm tốn, trung thực, trách nhiệm, hạn chế tình trạng nể nang, né tránh; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; cơ bản khắc phục được tình trạng chỉ chủ yếu đề cập ưu điểm, ít dám nói khuyết điểm; và các nội dung còn trùng lặp với báo cáo chính trị.

Các đảng bộ đã quán triệt sâu sắc các chỉ đạo của Trung ương trong công tác tổ chức Đại hội. Việc thảo luận, góp ý vào dự thảo văn kiện trình Đại hội được thực hiện bài bản, đúng quy định, trong đó thảo luận vào dự thảo báo cáo chính trị, xác định đường hướng phát triển cho 5 năm tiếp theo đã được các đại biểu tham gia góp ý tâm huyết, trách nhiệm.

Nhiều ý kiến đã góp ý cụ thể vào dự thảo báo cáo chính trị của cấp ủy và dự thảo nghị quyết trình đại hội đảng bộ, tập trung đánh giá thành tựu, kết quả đạt được trên các lĩnh vực nhiệm kỳ vừa qua, những tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lớn; đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, nhất là những nội dung có liên quan trực tiếp đến đảng bộ.

Các đại hội đã dành thời gian thỏa đáng để thảo luận các dự thảo văn kiện tại đại hội và các tổ thảo luận.

Đại hội cũng là dịp nhìn lại, kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ, các ý kiến đánh giá về tính nghiêm túc, tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình của cấp ủy; nội dung, phương thức lãnh đạo; những kinh nghiệm tốt, cách làm mới trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và nhất là việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình cho biết việc thảo luận, góp ý và thông qua các dự thảo văn kiện tại đại hội được thực hiện nghiêm túc, phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất.

Các đại hội đã dành thời gian thỏa đáng để thảo luận các dự thảo văn kiện tại đại hội và các tổ thảo luận. Việc gợi ý thảo luận được chú trọng, không khí thảo luận ở nhiều đại hội sôi nổi, thẳng thắn, tập hợp được trí tuệ của đông đảo cán bộ, đảng viên.

Công phu, bài bản chuẩn bị dự thảo văn kiện Đại hội XIII

Việc nghiên cứu, thảo luận, tham gia góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện của cấp trên trực tiếp và dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, thể hiện sự thống nhất ý Đảng-lòng dân.

Các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII lần này không chỉ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng mà còn nhìn lại 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 (năm kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước); xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 (năm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng); và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 (năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Đây sẽ là những dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta, có ý nghĩa định hướng và tầm nhìn chiến lược cho tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và phát triển đất nước nhanh, bền vững hơn.

Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh: TTXVN)
Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh: TTXVN)

Đại hội đảng bộ các cấp đã dành nhiều thời gian đóng góp ý kiến thảo luận và cơ bản tán thành, thể hiện sự nhất trí cao với dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Các cơ quan chức năng của Trung ương đã tập hợp, tổng hợp, phân loại các ý kiến đóng góp từ hơn 1.400 trang của đại hội đảng bộ các cấp, các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, nhân dân và xây dựng Báo cáo tổng hợp chung với gần 200 trang.

Qua tổng hợp, phân tích các ý kiến cho thấy hầu hết các ý kiến đều thể hiện sự tâm huyết, thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm cao đối với Đảng, với nhân dân, đất nước; hoan nghênh việc Trung ương đã cập nhật tình hình thế giới, trong nước và ý kiến góp ý bước đầu của các đồng chí nguyên là lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cán bộ, đảng viên, các nhà khoa học, các nhà quản lý để hoàn thiện thêm một bước dự thảo các văn kiện trước khi công bố lấy ý kiến nhân dân; cho rằng đây là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thể hiện tinh thần thật sự cầu thị, dân chủ ngày càng cao trong Đảng, trong nhân dân và xã hội; phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tham gia vào quá trình hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị về việc  tiếp thu ý kiến hoàn thiện các dự thảo văn kiện của Đảng. (Nguồn: TTXVN)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị về việc tiếp thu ý kiến hoàn thiện các dự thảo văn kiện của Đảng. (Nguồn: TTXVN)

Phần lớn các ý kiến cho rằng dự thảo các văn kiện được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học, thận trọng, kỹ lưỡng, có sự đổi mới, bảo đảm chất lượng; gắn kết giữa lý luận với thực tiễn; phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; có nhiều điểm mới; thể hiện tầm cao trí tuệ của Đảng; phản ánh khách quan, toàn diện, sát với tình hình thực tế những kết quả đã đạt được, những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; dự báo được tình hình, xu hướng phát triển của đất nước và thế giới trong thời gian tới, từ đó xác định đúng và trúng những định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, khá cụ thể để phát triển đất nước nói chung và các ngành, lĩnh vực nói riêng.

Nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị bổ sung, sửa đổi thêm một số nội dung, câu chữ cụ thể, hoặc kiến nghị phân tích sâu hơn, diễn đạt rõ ràng, cụ thể hơn những kết quả đã đạt được; những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân; rà soát, đối chiếu, điều chỉnh một số điểm chưa nhất quán giữa các văn kiện.

Tại Hội nghị lần thứ 14 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã tập trung thảo luận, góp ý cụ thể và thống nhất rất cao với các nội dung mà Bộ Chính trị đề nghị tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh lần cuối các dự thảo và hoàn tất công tác chuẩn bị văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần này đã được tiến hành rất công phu, bài bản, chu đáo, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới, tiến bộ về chất so với trước; quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển; trên cơ sở phát huy tối đa dân chủ, trân trọng lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, cán bộ, đảng viên và nhân dân; lựa chọn, chắt lọc, tham khảo các đề xuất tâm huyết, trách nhiệm; kết tinh trí tuệ và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta./.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh: TTXVN)
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh: TTXVN)

Bảo đảm cơ cấu, chất lượng nhân sự được nâng lên

Bàn thảo, quyết định để bầu ra cơ quan lãnh đạo của Đảng (công tác nhân sự) luôn là nội dung đặc biệt quan trọng của mỗi kỳ đại hội, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đánh giá về công tác này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Việc chuẩn bị nhân sự đại hội có vị trí, ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là nhân tố bảo đảm thành công của đại hội và triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết của đại hội.

Thực hiện đúng quy trình 5 bước

Cùng với việc thảo luận, quyết định đường lối, nhiệm vụ chính trị, việc bầu ra cơ quan lãnh đạo của Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Đại hội. Trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng,” Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, ở bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào, cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định; công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng.

Tính đến hết ngày 29/10/2020 có 67/67 (100%) đảng bộ trực thuộc Trung ương đã hoàn thành việc tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2020-2025.

Công tác nhân sự đại hội đòi hỏi phải được tiến hành với tinh thần trách nhiệm rất cao, với quyết tâm, nỗ lực rất lớn, có cách làm thật sự công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia-dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Nhìn chung, các đảng bộ trực thuộc tỉnh, thành phố, Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương và Khối Doanh nghiệp Trung ương đã hoàn tất công tác nhân sự đại hội theo kế hoạch đề ra.

Tính đến hết ngày 29/10/2020 có 67/67 (100%) đảng bộ trực thuộc Trung ương đã hoàn thành việc tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, đã bầu được 3.330 đồng chí vào Ban Chấp hành các Đảng bộ, 1084 đồng chí tham gia lần đầu, đạt 32,5%.

Các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh: TTXVN)
Các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh: TTXVN)

Công việc quan trọng này đã được các cấp ủy trực thuộc Trung ương chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, có chất lượng, chỉ đạo chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình 5 bước, cơ bản bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch nên được đại biểu thống nhất cao. Việc bầu cử tại đại hội bảo đảm đúng nguyên tắc, thủ tục theo quy định.

Các đại biểu dự đại hội đã quán triệt nghiêm túc quan điểm mang tính nguyên tắc là không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn, kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, suy giảm tính chiến đấu; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước; kết quả thực hiện nhiệm vụ không cao. Kết quả bầu cử cơ bản theo đúng phương án nhân sự; các đồng chí trúng cử đều có tỷ lệ phiếu bầu cao, nhiều đồng chí trúng cử các chức danh chủ chốt đạt số phiếu tuyệt đối.

Nâng chất lượng nhân sự

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình cho biết việc bầu cử ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư được thực hiện theo đúng Quy chế bầu cử trong Đảng với kết quả bầu cử số lượng ban chấp hành giảm theo quy định, nhưng vẫn đảm bảo cơ cấu, chất lượng nâng lên so với nhiệm kỳ trước.

Qua đại hội của 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương, tổng số cấp ủy viên khóa mới đã được bầu là 3.330 đồng chí, giảm 6,20% so với nhiệm kỳ 2015-2020, vượt quy định tại Chỉ thị 35 (giảm 5%). Chất lượng nhân sự được nâng lên rõ rệt: Cấp ủy nữ là 523 đồng chí (15,71%), cao hơn nhiệm kỳ trước 2,69%; có 34 đảng bộ đạt từ 15% trở lên, trong đó cao nhất là Tuyên Quang (29,17%). Ủy viên ban thường vụ nữ là 123 đồng chí (12,91%), cao hơn nhiệm kỳ trước 2,37%; có 20 đảng bộ đạt từ 15% trở lên, trong đó cao nhất là Bình Phước (40%). Bí thư cấp ủy nữ là 9 đồng chí (13,85%), nhiệm kỳ trước là 3 đồng chí.

Cấp ủy viên người dân tộc thiểu số là 389 đồng chí (11,68%), cao hơn nhiệm kỳ trước 0,72%, trong đó cao nhất là Cao Bằng (75,5%). Ủy viên Ban Thường vụ người dân tộc thiểu số là 113 đồng chí (11,86%), cao hơn nhiệm kỳ trước 0,51%; trong đó cao nhất là Cao Bằng (80%). Bí thư cấp ủy người dân tộc thiểu số là 6 đồng chí (9,23%).

Trình độ cấp ủy viên được nâng lên so với nhiệm kỳ trước. Cấp ủy có trình độ thạc sỹ trở lên là 2.220 đồng chí, đạt 66,67%, cao hơn nhiệm kỳ trước 23,17%. Ban Thường vụ có trình độ thạc sỹ trở lên là 613, đạt 64,32%, cao hơn nhiệm kỳ trước 19,23%. Bí thư cấp ủy có trình độ từ thạc sỹ trở lên là 51 đồng chí, đạt 78,46%, cao hơn nhiệm kỳ trước 13,85%. Phó Bí thư có trình độ từ thạc sỹ trở lên là 98 đồng chí, đạt 69,01%, cao hơn nhiệm kỳ trước 20,59%.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm và các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng ủy Công an Trung ương lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh: TTXVN)
Bộ trưởng Công an Tô Lâm và các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng ủy Công an Trung ương lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh: TTXVN)

Tuổi bình quân của ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư thấp hơn so với nhiệm kỳ trước; cơ bản bảo đảm 3 độ tuổi trong cấp ủy; có 28 đồng chí bí thư từ 50 tuổi trở xuống (43,08%); 27 đồng chí đồng chí bí thư không là người địa phương (41,54%), cao hơn nhiệm kỳ trước 23,08%.

67 đại hội đã bầu đủ 1.381 đại biểu chính thức và 131 đại biểu dự khuyết dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu đại biểu được Trung ương phân bổ.

Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá công tác nhân sự đại hội có nhiều đổi mới, đã chú ý phát huy dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch, chặt chẽ, đúng nguyên tắc, quy trình, quy định, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng ở tất cả các khâu, góp phần nâng cao chất lượng nhân sự cấp ủy các cấp và chuẩn bị nhân sự cho Trung ương.

Công tác nhân sự đại hội có nhiều đổi mới, đã chú ý phát huy dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch, chặt chẽ, đúng nguyên tắc, quy trình, quy định, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng.

Những hiện tượng vận động, tranh thủ phiếu bầu cơ bản được khắc phục; tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ, địa phương, lợi ích nhóm đã giảm hẳn. Các yêu cầu về tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, chất lượng cơ bản được bảo đảm. Tỷ lệ cấp ủy viên là nữ, người dân tộc thiểu số nhìn chung cao hơn nhiều so với các nhiệm kỳ trước.

Năm 2020 với những biến động khó lường, nhưng vượt lên nghịch cảnh, với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã thành công tốt đẹp, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra, để lại những dấu ấn nổi bật và những tình cảm tốt đẹp trong cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Đây là tiền đề quan trọng để tiến tới tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo đúng kế hoạch từ ngày 25/1-2/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội. Với sự chuẩn bị chu đáo, bài bản, kỹ lưỡng cùng với những kinh nghiệm được đúc rút từ việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp sẽ là những bài học quý giá, góp phần làm nên thành công của Đại hội XIII của Đảng./.