Công nghệ thông tin

Lời tòa soạn:

Sự tăng trưởng của công nghệ thông tin đã có những tác động phụ tiêu cực về mặt kinh tế, xã hội, và chính trị, trong đó có việc làm lan truyền “những thông tin giả.” Công nghệ thông tin đã cải thiện cuộc sống của rất nhiều người nhưng cũng đang làm giàu cho cuộc sống của rất ít người.

Giáo sư Kinh tế Mordecai Kurz, Giáo sư danh dự Đại học Stanford, Mỹ đã đưa ra nhận định như vậy trong bài viết “Công nghệ thông tin đang ‘đổ thêm dầu vào lửa’ cho tình trạng bất bình đẳng về tài sản và thu nhập.” Bản dịch bài viết được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate.

Hơn 30 năm qua trong các nền kinh tế tiên tiến, đặc biệt là kinh tế Mỹ, tình trạng bất bình đẳng về tài sản và thu nhập đã tăng lên, mức lương trên thực tế (sau khi đã điều chỉnh lạm phát) tăng rất chậm, và người về hưu đang phải đối mặt với lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm mạnh. Điều này diễn ra trong khi lợi nhuận của công ty và giá cổ phiếu lại tăng mạnh.

Giờ đây, nghiên cứu mà tôi thực hiện cho thấy rằng những thay đổi này chủ yếu có nguyên nhân bắt nguồn từ sự gia tăng của công nghệ thông tin hiện đại (IT).

Công nghệ thông tin tác động lên nền kinh tế theo vô số cách; máy tính, Internet, và công nghệ di động đã biến đổi phương tiện truyền thông, bán hàng trên mạng, công nghệ dược phẩm, và rất nhiều dịch vụ khác liên quan đến người tiêu dùng. Công nghệ thông tin đã giúp cải thiện mạnh mẽ đời sống con người.

Tuy nhiên, bằng việc tạo điều kiện cho sự nổi lên của quyền lực độc quyền và những hàng rào ngăn cản những đối thủ khác gia nhập thị trường này, sự tăng trưởng của công nghệ thông tin cũng đã có những tác động phụ tiêu cực về mặt kinh tế, xã hội, và chính trị, trong đó có việc làm lan truyền “những thông tin giả.”

Sự tăng trưởng của công nghệ thông tin cũng đã có những tác động phụ tiêu cực về mặt kinh tế, xã hội, và chính trị, trong đó có việc làm lan truyền “những thông tin giả.”

Đối với những người mới bước chân vào lĩnh vực này, chính cái cấu trúc của lĩnh vực công nghệ thông tin đã cho phép việc hình thành nên quyền lực độc quyền.

Công nghệ thông tin đã cải thiện mạnh mẽ việc xử lý, lưu trữ, và truyền dữ liệu, và những người đổi mới công nghệ thông tin hiện là những người sở hữu duy nhất những kênh thông tin quan trọng và họ đang tích cực làm công việc ngăn chặn không cho những đối thủ cạnh tranh sử dụng.

Các công ty IT có thể bảo vệ quyền lực độc quyền của họ thông qua bằng sáng chế hay bởi quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, những con đường này thường đòi hỏi phải công khai những bí mật trong thương mại. Do vậy, vì những lý do chiến lược, nhiều công ty đã hành động trước khi sử dụng đến sự bảo vệ của luật pháp và củng cố vị trí chi phối trên thị trường bằng cách tung ra liên tục những bản cập nhật phần mềm, mà theo mặc định, chúng có tác dụng như những hàng rào mà đối thủ khó có thể chọc thủng.

Khi những công nghệ mới đầy tiềm năng nổi lên, những công ty lớn thường cần có những đối thủ thách thức, hoặc để họ tự phát triển những công nghệ cạnh tranh, hoặc để họ tiêu diệt chính những đối thủ đó.

(Nguồn: CRG)
(Nguồn: CRG)

Một khi công ty đổi mới đó đã thiết lập được sự chi phối về nền tảng phần cứng và phần mềm, quy mô của công ty khi đó sẽ trở thành một lợi thế. Do chi phí cho việc xử lý và lưu trữ thông tin đã giảm mạnh trong những năm gần đây, nên một công ty có lợi thế về quy mô sẽ có phí tổn về hoạt động thấp hơn, lợi nhuận tăng nhanh hơn do số người dùng tăng lên với cấp số nhân (Google và Facebook là những ví dụ điển hình). Những lợi thế về chi phí và lợi thế kinh tế nhờ quy mô này làm cho các đối thủ cạnh tranh hầu như không thể vượt qua.

Ngoài ra, do những công ty này có được quyền lực của họ từ thông tin, nên vị trí của họ được tăng cường bởi khả năng của họ sử dụng những thông tin riêng tư của người dùng như một tài sản chiến lược. Quả thực, nhiều công nghệ nền tảng IT không phải là những nhà sản xuất theo nghĩa truyền thống; chúng là những dịch vụ công cộng giúp phối hợp và chia sẻ thông tin giữa người dùng về những lĩnh vực đa dạng.

Nói tóm lại, công nghệ thông tin tạo điều kiện cho việc tạo ra những hàng rào ngăn cản việc tham gia thị trường thông tin, và từ đó khuyến khích các công ty hàng đầu trở nên cố thủ, không chịu thay đổi hơn nữa. Với việc tốc độ đổi mới công nghệ thông tin tiếp tục tăng lên, quyền lực độc quyền cũng sẽ tăng lên theo.

Trong một bài viết gần đây thăm dò những tác động về mặt kinh tế của quyền lực độc quyền, tôi đã tính toán khá chính xác những mức bình thường mà theo đó lợi nhuận hay giá trị cổ phiếu chỉ đơn thuần là những sự kiện do cơ hội mang lại, nhưng đồng thời cũng phản ánh quyền lực độc quyền.

Với những mức như vậy, tôi đo thành phần độc quyền trong tổng giá trị cổ phiếu – mà tôi gọi là “tài sản độc quyền” – cũng như trong lợi nhuận hay lợi tức cho thuê của quyền lực độc quyền. Tiếp đó, tôi tìm cách xác định xem tài sản hay lợi tức cho thuê quyền lực độc quyền diễn tiến như thế nào.

Những số liệu cho thấy tài sản độc quyền tính theo tỷ lệ phần trăm của tổng giá trị thị trường chứng khoán trong thời gian từ 1985 đến 2015. Như dữ liệu cho thấy trong những năm 1980, không thấy có hiện tượng tài sản từ quyền lực độc quyền.

Tuy nhiên, khi ngành công nghiệp IT phát triển, tài sản độc quyền đã tăng vọt,  đạt mức 82% tổng giá trị thị trường chứng khoán – tương đương khoảng 23,8 nghìn tỷ USD – vào tháng 12/2015. Đây là tài sản có thêm thu được từ quyền lực độc quyền, và nó vẫn tiếp tục tăng.

Các số liệu cho thấy 9 trong số 10 công ty có tài sản lớn nhất do quyền lực độc quyền mang lại vào tháng 12/2015 là những công ty liên quan đến công nghệ thông tin.

Đặt tài sản từ quyền lực độc quyền theo triển vọng thực của nó, chúng ta có thể xem xét sự tăng vọt có liên quan về tác dụng đòn bảy của công ty. Vào năm 1960, tỷ lệ tài sản thực của công ty được hỗ trợ bởi tiền nợ là chưa đến 20%. Vào năm 2015, tỷ lệ này đã tăng lên tới khoảng 80%, có nghĩa là phần lớn vốn mà các công ty công cộng nắm hiện nay là thuộc quyền sở hữu và được trao đổi mua bán bởi các nhà đầu tư trái phiếu.

Nói cách khác, nhà đầu tư đã đồng ý hỗ trợ vốn cho khoản nợ của công ty bằng việc sử dụng tài sản có được từ quyền lực độc quyền như tài sản thế chấp, và do vậy phần lớn giao dịch mua bán trên thị trường chứng khoán có thể hiểu là giống như việc mua bán quyền sở hữu tài sản do quyền lực độc quyền mang lại.

Các số liệu cho thấy 9 trong số 10 công ty có tài sản lớn nhất do quyền lực độc quyền mang lại vào tháng 12/2015 là những công ty liên quan đến công nghệ thông tin, tập trung vào phương tiện liên lạc di động, truyền thông xã hội, bán lẻ qua mạng, và dược phẩm.

Tương tự như vậy, phần lớn tài sản do quyền lực độc quyền mang lại nằm trong top 100 công ty là được tạo ra bởi các công ty đã được công nghệ thông tin làm thay đổi hoàn toàn.

Thu nhập do các công ty có quyền lực độc quyền tạo ra được chia thành ba loại: thu nhập từ lao động, thu nhập bình thường từ lãi từ vốn huy động, và lợi nhuận từ quyền lực độc quyền.

Các dữ liệu cho thấy trong những năm 1970 và đầu những năm 1980, lợi nhuận từ quyền lực độc quyền là không đáng kể. Tuy nhiên, kể từ năm 1984, phần lợi nhuận có được từ quyền lực độc quyền đã tăng mạnh, đạt 23% tổng thu nhập mà các công ty của Mỹ tạo ra vào năm 2015. Điều này có nghĩa là trong 3 thập niên tính đến năm 2015, quyền lực độc quyền đã làm tỷ lệ lương và lãi bình thường trên vốn giảm đi 23%.

Sản lượng và việc tích lũy vốn tăng lên đã giúp làm tăng lương và thu nhập cơ bản, tuy nhiên quyền lực độc quyền đã làm giảm giá trị của phần thu nhập này. Điều này phần nào giải thích lý do tại sao, trong giai đoạn 1985-2015, lương bổng chỉ ghi nhận những mức tăng trưởng chậm chạp và người về hưu phải đối mặt với tình trạng lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm xuống.

Như vậy tại sao quyền lực độc quyền trong lĩnh vực công nghệ thông tin tăng lên lại gây ra tình trạng thu nhập và của cải tập trung vào tay ngày càng ít người, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng về thu nhập và tài sản cá nhân nói trên?

Một phần câu trả lời là quyền lực độc quyền tăng lên đã làm tăng lợi nhuận của công ty, do vậy làm tăng mạnh giá cổ phiếu, từ đó làm tăng thêm lợi nhuận cho một số nhỏ các cổ đông và tầng lớp quản lý công ty.

Tuy nhiên, do nhiều doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ thông tin còn rất trẻ chỉ mới bắt đầu đầu sự nghiệp của họ với việc sở hữu cố phiếu vẫn còn rất hạn chế, nên cần phải có thêm sự giải thích khác cho hiện tượng này.

Kể từ những năm 1980, những đổi mới về công nghệ thông tin chủ yếu dựa vào việc đổi mới phần mềm, đem lại lợi thế cho những nhà sáng tạo trẻ tuổi. Ngoài ra, việc thực hiện những nghiên cứu “chứng minh khái niệm” cho việc đổi mới phần mềm thường là không tốn kém mấy (trừ trường hợp đối với dược phẩm); với một số vốn khiêm tốn, nhà sáng tạo công nghệ thông tin có thể tiến hành thử nghiệm rất nhiều ý tưởng mới mà không cần phải hy sinh số phần trăm cổ phiếu nào của họ. Do vậy, những đổi mới thành công về công nghệ thông tin đã dẫn đến việc tập trung tài sản vào tay số ít người và thường là những người trẻ tuổi.

 Những đổi mới thành công về công nghệ thông tin đã dẫn đến việc tập trung tài sản vào tay số ít người và thường là những người trẻ tuổi.

Điều như thế này khó có thể xảy ra trong thế kỷ 20 khi những đổi mới quan trọng trong những lĩnh vực dẫn đầu như ngành công nghiệp ôtô thường đòi hỏi những khoản vốn đầu tư cực lớn đi kèm theo rất nhiều rủi ro. Với việc cần phải có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, nên của cải tạo ra đã được phân chia trên quy mô rộng lớn hơn nhiều.

Những tác động phụ tiêu cực của công nghệ thông tin hiện không được hiểu kỹ, và do vậy cần phải có các cuộc thảo luận công khai về cách thức điều chỉnh lại lĩnh vực này. Có thể xem xét 3 khía cạnh sau đây:

Thứ nhất, do phần lớn quyền lực độc quyền dựa trên công nghệ thông tin không vi phạm các điều luật chống độc quyền hiện hành nên việc điều chỉnh công nghệ thông tin sẽ đòi hỏi phải có những biện pháp mới nhằm làm suy yếu độc quyền. Ngoài ra, cũng cần phải có những khái niệm mới định nghĩa về lợi ích của công chúng để áp dụng vào việc điều chỉnh những kênh thông tin công cộng mới như các mạng xã hội chẳng hạn.

Thứ hai, những quan điểm tiêu chuẩn về thu nhập doanh nghiệp và thuế đánh vào tài sản cần phải được điều chỉnh để phù hợp với quyền lực độc quyền của các công ty công nghệ thông tin.

Và, thứ ba, nên đánh giá lại những điều luật về bảo vệ thông tin cá nhân nhằm đảm bảo rằng các công ty công nghệ thông tin không thể thu lợi từ việc khai thác và thao túng những thông tin cá nhân này.

Điều quan trọng nhất, công chúng phải có một nhận thức sâu hơn về những tác động về mặt kinh tế của công nghệ thông tin, đặc biệt về việc công nghệ thông tin đã cải thiện cuộc sống của rất nhiều người nhưng cũng đang làm giàu cho cuộc sống của rất ít người như thế nào./.

Người dịch: Nguyễn Văn Lập