Những bài giảng đặc biệt của cô giáo dạy Kỹ thuật Nông nghiệp

cogiao-1518342983-41.jpg

Dạy học sinh trồng nấm và bán nấm, sấy và kinh doanh chuối khô hay giao cho các em nghiên cứu cách xử lý rác thải tại gia đình và địa phương, đó là cách mà Phùng Thị Hà, giáo viên Trường Trung học phổ thông Yên Lãng (Mê Linh, Hà Nội) đã dạy cho học trò của mình môn Kỹ thuật Nông nghiệp.

Hoạt động trải nghiệm là một nội dung hoàn toàn mới trong chương trình giáo dục phổ thông mới, dự kiến sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai từ năm học 2019-2020, nhưng ở trường Yên Lãng, cô Hà đã miệt mài với phương pháp này rất nhiều năm.

Bài học ngoài sách giáo khoa

Cô Hà bảo môn Kỹ thuật Nông nghiệp của mình có ba phần là trồng trọt, chăn nuôi và tạo lập doanh nghiệp. Cô luôn xâu chuỗi các phần học thành một nội dung thống nhất, liền mạch. Và vùng đất nông thôn của khu vực Yên Lãng rất phù hợp để cô có thể áp dụng quan điểm giáo dục của mình: gắn tri thức với thực tiễn.

Dạy về trồng trọt, cô đề xuất học sinh nghiên cứu và lên các ý tưởng, cùng gia đình thuê những mảnh đất trống bỏ hoang và lên kế hoạch nuôi, trồng.

Cô Hà trồng thử nghiệm cà chua để chuẩn bị cho bài giảng trên lớp học. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Cô Hà trồng thử nghiệm cà chua để chuẩn bị cho bài giảng trên lớp học. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nuôi, trồng ra sản phẩm thì phải tiêu thụ sản phẩm. Dạy về ý tưởng kinh doanh, không đưa ra những ví dụ xa vời về công ty này, doanh nghiệp kia, cô Hà gợi ý cho các em kinh doanh những sản phẩm ngay chính trên quê hương mình.

Cô dạy các em làm kẹo lạc, kẹo vừng, làm khoai lang kén, khoai lang lắc, làm sữa chua túi, bỏng ngô, sấy chuối khô đem bán hay buôn hoa trong những ngày lễ, Tết.

Cô dạy các em làm kẹo lạc, kẹo vừng, làm khoai lang kén, khoai lang lắc, làm sữa chua túi, bỏng ngô, sấy chuối khô đem bán hay buôn hoa trong những ngày lễ, Tết.

Dạy về gia tăng giá trị sản phẩm, cô gợi ý các em cách tẩm thêm nước gừng vào bỏng ngô để sản phẩm thơm hơn, cân nặng hơn, có thêm tác dụng giữ ấm, bán giá cao hơn.

Dạy về cách giảm chi phí sản xuất, cô hướng dẫn học sinh thu mua chuối tiêu vào mùa rộ để được giá rẻ và sấy khô, mang bán, để có thể hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh.

Dạy về vấn đề môi trường, cô giao cho học sinh nghiên cứu việc làm thế nào để xử lý rác thải trong gia đình và khu vực dân cư mình sinh sống. Cô cùng học sinh gom rơm làm nấm thay vì đốt như cách người dân vẫn làm. Sản phẩm nấm thu được, cô trò lại phục vụ cho bài học kinh doanh.

Lớp chia làm nhiều nhóm. Mỗi nhóm phụ trách từng việc, nhóm tìm nguyên liệu, nhóm sản xuất, nhóm bán hàng, nhóm tiếp thị…

Cô Hà luôn nhận được sự yêu quý của học sinh. Mỗi mùa hè, cô lại nhận được những tấm bưu thiếp tự tay các em làm với tất cả tấm lòng yêu kính. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Cô Hà luôn nhận được sự yêu quý của học sinh. Mỗi mùa hè, cô lại nhận được những tấm bưu thiếp tự tay các em làm với tất cả tấm lòng yêu kính. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Để có thể dạy thực hành được trong khi thời lượng môn Kỹ thuật Nông nghiệp chỉ có 1,5 tiết mỗi tuần, cô chủ yếu giao nhiệm vụ cho học sinh thực hiện ngoài giờ. Thời gian ít ỏi trên lớp, ngoài dạy lý thuyết, cô trò sẽ cùng nhau tháo gỡ các vấn đề mà các nhóm gặp phải khi làm thực tế.

“Là những vấn đề rất sát sườn đến đời sống của mình nên học sinh rất hào hứng tham gia. Không thể diễn tả nổi niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt các em khi lần đầu tiên làm thành công một sản phẩm, lần đầu tiên cầm trong tay số tiền lời ít ỏi,” cô Hà chia sẻ.

Thất bại của cô, bài học cho trò đằng sau mỗi giờ học, mỗi bài thực hành của học sinh là rất nhiều nỗ lực, rất nhiều bài học thất bại của Phùng Thị Hà.

Để hướng dẫn học sinh làm một sản phẩm, cô phải thực nghiệm thành công trước.

“Tôi cũng phải làm đi làm lại nhiều lần mới tìm ra được quy trình chuẩn. Nhiều khi đúng quy trình rồi mà vẫn chưa ra đúng sản phẩm mong muốn, tôi phải rà soát kỹ từng chi tiết. Ví dụ như việc trồng nấm, tôi thất bại không dưới 10 lần. Quy trình trồng nấm tưởng đơn giản nhưng lại rất khó vì nấm dễ bị nhiễm các chủng vi khuẩn khác,” cô Hà chia sẻ.

Tất nhiên, điều đó sẽ đòi hỏi mất chi phí đầu tư, lấy đi của Hà khá nhiều thời gian và công sức, nhưng Hà bảo cô may mắn vì được gia đình ủng hộ.

“Thậm chí, những khi tôi mệt mỏi, đưa ra một ý tưởng nhưng ngại thực hiện thì chính chồng tôi lại là người khích lệ, động viên tôi đi đến cùng ý tưởng đó,” cô Hà nói.

Cô Hà và một sản phẩm của mình. (Ảnh: PV/Vietnam+) 
Cô Hà và một sản phẩm của mình. (Ảnh: PV/Vietnam+) 

“Học là để cải thiện cuộc sống”

Năm 2017 là năm đáng nhớ trong sự nghiệp giảng dạy của Phùng Thị Hà. Cô được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vinh danh là một trong những nhà giáo tâm huyết, sáng tạo tiêu biểu của Thủ đô, vì đã luôn gắn các bài giảng với thực tiễn.

Chia sẻ cảm xúc của mình, cô Hà cho biết cô rất vui. “Tôi rất yêu học sinh và tôi dạy học bằng thực tiễn vì tôi cho rằng, việc học cốt lõi cuối cùng là để các em ứng dụng các tri thức được học vào cải tạo chính cuộc sống của mình.Mỗi vùng miền có đặc thù khác nhau, các em cần biết cách biến tri thức đó phù hợp với thực tiễn đời sống quanh mình. Đến các giáo sư, tiến sỹ, hay nhà khoa học cũng làm việc, nghiên cứu là để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn,” cô Hà chia sẻ.

Cũng theo cô Hà, dạy trải nghiệm thực tế, học sinh nắm bắt bài học một cách tự nhiên, các em học rất hào hứng. Không chỉ là kiến thức, thông qua quá trình áp dụng thực tiễn, làm việc nhóm, các em còn được rèn luyện rất nhiều kỹ năng như giao tiếp, làm việc nhóm, lập kế hoạch, định hướng nghề nghiệp…

Niềm vui, sự hào hứng của học sinh còn lan tỏa sang cả giáo viên, thúc đẩy giáo viên phải tìm tòi hơn nữa.

“Cả cô, cả trò lúc nào cũng phải cố gắng, lúc nào cũng thấy bận rộn, vui và đầy năng lượng. Các em có rất nhiều ý tưởng sáng tạo. Sắp tới, cô trò mình đang tiến hành tìm các phương pháp xử lý chất thải chăn nuôi ở Yên Lãng. Các rãnh thoát nước ở khu vực đang rất xuống cấp. Mình hy vọng tìm được giải pháp đơn giản mà mọi người đều có thể làm được,” cô Hà cười tươi nói.

Những bài giảng không chỉ là lý thuyết, cô Hà luôn mang cả vật mẫu đến lớp cho học sinh nghiên cứu. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Những bài giảng không chỉ là lý thuyết, cô Hà luôn mang cả vật mẫu đến lớp cho học sinh nghiên cứu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vượt qua tư duy môn phụ

Trong các nhà trường, với đa số học sinh, môn Kỹ thuật Nông nghiệp được coi là môn học phụ, thậm chí… rất phụ. Môn học với số tiết ít ỏi, với cuốn sách mỏng và không bao giờ góp mặt trong các kỳ thi.

Nhưng Phùng Thị Hà không vì thế mà cảm thấy chạnh lòng.“Mọi người quan điểm những môn học tham gia vào quá trình thi cử là môn chính, không tham gia vào quá trình thi cử là môn phụ. Nhưng tôi thấy môn chính hay phụ là do bản thân mình suy nghĩ. Nếu xác định việc học để thi cử thì các môn thi là môn chính.Nhưng nếu xác định việc học mục đích cuối cùng để cải tạo cuộc sống thì tất cả các môn đều có vị trí riêng,” cô giáo môn Kỹ thuật Nông nghiệp phân tích.

Nếu xác định việc học để thi cử thì các môn thi là môn chính.Nhưng nếu xác định việc học mục đích cuối cùng để cải tạo cuộc sống thì tất cả các môn đều có vị trí riêng.

Nhưng khi tư tưởng học để thi vẫn là chủ đạo trong đại đa số các học sinh, phụ huynh Việt Nam hiện nay, môn học không tham gia vào quá trình thi cử cũng đồng nghĩa với việc cô không thể có thêm thu nhập từ hoạt động dạy thêm như hầu hết giáo viên môn có mặt trong các kỳ thi. Số giờ đứng lớp cũng rất ít ỏi. Mức thu nhập của giáo viên Kỹ thuật Nông nghiệp như cô đương nhiên sẽ thấp hơn các giáo viên Toán, Văn, Ngoại ngữ…

Cô Hà luôn nhận được sự yêu quý của học sinh với những tấm bưu thiếp đặc biệt. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Cô Hà luôn nhận được sự yêu quý của học sinh với những tấm bưu thiếp đặc biệt. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Môn của mình không như những môn khác, lại dạy theo phương pháp trải nghiệm nên tôi tất nhiên cũng gặp khó khăn về kinh tế. Ngoài tiền lương, tôi cũng làm thêm các việc khác để có thêm thu nhập, chẳng hạn việc bán các sản phẩm mà mình thực nghiệm để dạy học trò. Như mùa Đông này, tôi bán khoai lang kén. Mỗi tháng cũng có thêm được vài triệu đồng, lại giúp ích thiết thực cho việc dạy học,” cô Hà trải lòng.

“Môn của mình không như những môn khác, lại dạy theo phương pháp trải nghiệm nên tôi tất nhiên cũng gặp khó khăn về kinh tế. Ngoài tiền lương, tôi cũng làm thêm các việc khác để có thêm thu nhập.

Phùng Thị Hà bày tỏ hy vọng trong thời gian tới, chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai, các kiến thức vận dụng thực tế trong nhà trường sẽ nhiều hơn.

Chia sẻ bí quyết để vượt qua nỗi buồn dạy môn học phụ, Phùng Thị Hà bảo: “Điều quan trọng là giáo viên phải tâm huyết, có kiến thức và phải thật sự yêu học sinh, yêu nơi mình đang sống./.