Nan giải chống ngập

Ngập lụt đang là nỗi ám ảnh thường trực mỗi khi có mưa lớn, triều cường tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, thành phố đã có nhiều quy hoạch, nhiều chính sách, nhiều dự án với số tiền lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, xử lý được nhiều điểm ngập nhưng tình trạng ngập vẫn đang diễn ra dai dẳng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, riêng trong giai đoạn 2016-2020,thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 44 dự án chống ngập với tổng mức đầu tư 5.453 tỷ đồng.

TTXVN có loạt bài nhìn lại công tác chống ngập tại Thành phố Hồ Chí Minh với các kết quả đã đạt được cũng như nêu lên những tồn tại, thách thức lớn cần giải quyết trong vấn đề này thời gian tới./.

Nhìn lại chặng đường chống ngập

Hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện đồng thời 2 quy hoạch chống ngập theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều dự án công trình đã và đang được triển khai, góp phần quan trọng trong việc cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, giảm ngập ở nhiều khu vực từng ngập nặng.

Chuyển biến đáng kể

Ngày 19/6/2001, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 19/6/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 (gọi tắt là Quy hoạch 752) đề ra nhiệm vụ xây dựng hệ thống thoát nước chung, trạm bơm cục bộ, hệ thống thu gom nước thải, nhà máy xử lý nước thải.

 Giai đoạn 2016-2020, Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 44 dự án chống ngập với tổng mức đầu tư 5.453 tỷ đồng. Qua đó, góp phần hạn chế tình trạng ngập nước gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Đến ngày 28/10/2008, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1547/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch thuỷ lợi chống ngập úng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Quy hoạch 1547).

Định hướng là thực hiện các giải pháp kiểm soát thủy triều, chủ động hạ thấp mức nước trên các kênh trục bao quanh vùng bờ hữu sông Sài Gòn-Nhà Bè, chấm dứt tình trạng úng ngập do lũ và triều, cải thiện môi trường kênh rạch, cải tạo các vùng đất phèn.

Nội dung chính là xây dựng hệ thống đê bao, cống khép kín để khống chế mực nước và kiểm soát môi trường nước khu vực phía trong đê bao. Xây dựng các hồ điều tiết để dự trữ nước mưa tiêu ra từ trung tâm thành phố trong thời gian triều cường.

Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật (Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình chống ngập tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)
Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật (Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình chống ngập tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực thực hiện 2 quy hoạch nói trên trong các nhiệm vụ, chương trình phát triển kinh tế xã hội từng năm của thành phố. Đặc biệt giảm ngập nước là 1 trong 7 chương trình đột phá được đưa ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X (nhiệm kỳ 2016-2020).

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016-2020, thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 44 dự án chống ngập với tổng mức đầu tư 5.453 tỷ đồng. Qua đó, góp phần hạn chế tình trạng ngập nước gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Tính đến nay các tuyến đường trước đây được xem là “”rốn” ngập của thành phố như khu vực vòng xoay Cây Gõ, đường 3/2, Lê Hồng Phong, Kỳ Đồng, Trần Quang Khải, Trần Khắc Chân, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng, Phan Xích Long, Bình Thới, khu vực bến xe Chợ Lớn, đường Nơ Trang Long, Kinh Dương Vương, Lê Lai, Nguyễn Biểu… đã không còn xuất hiện tình trạng ngập.

Đến hết năm 2019, thành phố đã giải quyết được 22/37 tuyến đường ngập, đạt 59,46% so với chỉ tiêu đề ra giai đoạn 2016-2020.

Theo ông Lê Hoà Bình, Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố, nhận được nhiều ý kiến, đóng góp của các chuyên gia trong và ngoài nước.

Vì thế chương trình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tình trạng ngập trên địa bàn thành phố đã được cải thiện đáng kể. Ý thức của người dân tham gia công tác phòng chống ngập nước ngày càng được nâng lên, thành phố cũng đã xây dựng cơ chế thu hút đầu tư lĩnh vực thoát nước theo hình hình thức đối tác công tư (PPP).

Về kết quả cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020 thành phố đã giải quyết được 25/36 tuyến đường chính ngập do mưa (đạt 69,44% so với chỉ tiêu đề ra); hoàn thành 179/179 tuyến đường hẻm do quận huyện quản lý, hoàn thành thêm 1.164 tuyến hẻm kết hơp chỉnh trang đô thị đồng bộ với hệ thống thoát nước của các tuyến đường chính. Đối với tuyến đường ngập do triều, dự kiến đến cuối năm 2020 thành phố giải quyết được 9/9 tuyến.

Ông Vũ Văn Điệp – Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, công tác giảm ngập của thành phố đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Đơn cử, những năm trước, với cường độ mưa là 112,3 mm, thành phố sẽ ngập nhiều tuyến đường, thời gian nước rút chậm (kéo dài 4-6 tiếng). Hiện nay, sau khi thành phố đã đầu tư hoàn thành nhiều dự án chống ngập, tình trạng ngập đã được kéo giảm về số tuyến đường, chiều sâu và thời gian ngập, đặc biệt ở khu vực trung tâm thành phố.

Trong số 22 tuyến đường bị ngập hiện nay chỉ từ 15-40 phút sau mưa là trở lại bình thường, nước cơ bản rút hết.

Tiếp tục triển khai nhiều dự án lớn

Trong thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai giải pháp công trình với nhiều dự án chống ngập quy mô lớn. Đơn cử, thành phố đã xây dựng hoàn thành nhà máy xử lý nước thải Tham Lương-Bến Cát, khởi công xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc-Thị Nghè, đang thi công giai đoạn 2 nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, nhà máy Tây Sài Gòn, Bình Hưng Hoà.

Cơ bản hoàn thành cống ngăn triều Mương Chuối thuộc dự án chống ngập quy mô 10.000 tỷ đồng. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Cơ bản hoàn thành cống ngăn triều Mương Chuối thuộc dự án chống ngập quy mô 10.000 tỷ đồng. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, tính từ năm 2016 đến nay thành phố đã hoàn thành nhiều dự án lớn sử dụng vốn đầu tư công như dự án cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc-Thị Nghè, hệ thống thoát nước Quốc lộ 1A đoạn từ cầu vượt An Sương đến Nguyễn Văn Quá, xây dựng 4 đoạn đê bao xung yếu khu vực quận Thủ Đức thuộc bờ tả sông Sài Gòn, hệ thống thoát nước đường An Dương Vương (từ cầu Mỹ Thuận đến Bến Phú Định).

Hoàn thành công trình hệ thống Thoát nước Quốc lộ 1A đoạn từ đường Lê Thị Riêng đến Ngã tư Ga, cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương đoạn từ cầu Ông Buông đến Mũi tàu Phú Lâm, công trình thuỷ lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn quận 12, Gò Vấp, huyện Hóc Môn…

Đối với dự án theo hình thức đối tác công tư, hiện dự án Giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 đã đạt 77% khối lượng xây dựng chính.

Trong khi đó các dự án đã đấu thầu khởi công từ năm 2019 trở về trước, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 gồm dự án nạo vét trục thoát nước rạch Xóm Củi, cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (đoạn từ mũi tàu Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc, dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Tăng (đoạn từ đường Lê Văn Việt đến Nguyễn Xiển).

Đáng chú ý, dự án Vệ sinh môi trường thành phố giai đoạn 2 hiện đang thi công một số gói thầu và tái khởi động gói thầu quan trọng nhất là gói thầu XL-02 (xây dựng nhà máy xử lý nước thả Nhiêu Lộc-Thị Nghè ở quận 2) sau nhiều vướng mắc về thủ tục đấu thầu, đầu tư.

Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm từ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đến sông Vàm Thuật (quận Bình Thạnh, Gò Vấp) có tổng mức đầu tư 8.825 tỷ đồng, dự kiến dự án sẽ trình Hội đồng Nhân dân thành phố tại kỳ họp đầu tháng 7/2020.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định theo Quy hoạch 1547 và 752 của Thủ tướng Chính phủ nhưng theo các chuyên gia, việc thực hiện 2 quy hoạch này đang diễn ra chậm do nguồn vốn bố trí làm dự án lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Hệ thống sông, kênh, rạch chưa được nạo vét vẫn còn nhiều, hệ thống cấp thoát nước hiện hữu không đáp ứng đủ nhu cầu, chưa kể tình trạng xả rác lấp bít miệng thu.

Trong khi đó, Quy hoạch 752 sắp hết thời hạn quy hoạch (năm 2020) nên vừa qua Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch tổng thể thoát nước thành phố nhằm giải quyết nhiều vấn đề phát sinh do đô thị hoá vùng ven, yếu tố biến đổi khí hậu cũng như việc huy động nguồn vốn thực hiện./.

Sau 3 giờ đồng hồ mưa to kéo dài chiều 16/6, khu vực Đường Đồng Tiến (Quận 10) nước vẫn chưa rút hết. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)
Sau 3 giờ đồng hồ mưa to kéo dài chiều 16/6, khu vực Đường Đồng Tiến (Quận 10) nước vẫn chưa rút hết. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

“Điệp khúc” mưa là ngập

Dù mùa mưa chỉ mới bắt đầu nhưng một số cơn mưa vào cuối tháng 5 và những ngày tháng 6 vừa qua đã gây ngập tại nhiều tuyến đường Thành phố Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, ngập xảy ra ngay cả những tuyến đường mà dự án cải tạo hệ thống thoát nước mới được đưa vào sử dụng.

Đầu mùa mưa, ngập triền miên

Cơn mưa kéo dài 30 phút cuối tháng 5 đã khiến đường Nguyễn Văn Quá, quận 12 đoạn từ đường Song Hành đến Quang Trung ngập hơn 0,5m. Nước tràn cả vào nhà người dân khiến sinh hoạt và hoạt động buôn bán bị gián đoạn. Đây là tuyến đường đã được ngân sách bỏ ra hơn 160 tỷ đồng để nâng cấp thệ thống thoát nước.

Dù mùa mưa chỉ mới bắt đầu nhưng một số cơn mưa vào cuối tháng 5 và những ngày tháng 6 vừa qua đã gây ngập tại nhiều tuyến đường Thành phố Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, ngập xảy ra ngay cả những tuyến đường mà dự án cải tạo hệ thống thoát nước mới được đưa vào sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Bé, người dân bán quán mặt đường Nguyễn Văn Quá cho hay, trước đây thấy đơn vị thi công lắp đặt cống thoát nước, người dân nghĩ rằng sẽ hết ngập nhưng không ngờ chỉ mới đầu mua mưa mà đã ngập nặng.

Cách đó không xa, cơn mưa lớn diễn ra cuối tháng 5 cũng đã gây ngập cục bộ tuyến đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp. Đúng vào lúc tan tầm nên tuyến đường này kẹt xe cục bộ, người và phương tiện bì bõm trong mặt nước ngập sâu 0,3-0,5m. Rác thải tuần từ các cống tràn lên đường gây mùi hôi thối.

Người dân đi lại rất khó khăn qua những đoạn ngập sâu. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)
Người dân đi lại rất khó khăn qua những đoạn ngập sâu. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Chị Nguyễn Minh Trang, nhà gần góc đường Phan Huy Ích với Trường Chinh cho biết, trước đây khu vực này chỉ ngập khi mưa lớn và nước thoát tương đối nhanh. Tuy nhiên năm nay mùa mưa chỉ mới bắt đầu mà nước đã ngập lênh láng.

Còn tại quận Bình Thạnh, “tâm điểm” ngập tập trung ở tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh. Đây là tuyến đường mà điệp khúc “mưa-ngập” diễn ra thường xuyên. Người dân vất vả lưu thông trên con đường này mỗi khi mưa lớn, kéo dài.

Để chống ngập cho tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, thành phố đã chi 14,2 tỷ đồng mỗi năm thuê máy bơm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung.

Trong khi đó, cơn mưa trên diện rộng kéo dài khoảng 2 tiếng vào chiều 13/6 vừa qua đã khiến nhiều tuyến đường ngập sâu như đường Phan Anh (quận Tân Phú), Nguyễn Duy Trinh (quận 2), Tô Ngọc Vân (quận Thủ Đức)…

Đáng chú, một số khu vực trong bến xe miền Tây (quận Bình Tân) như khu bán vé, nhà chờ, bãi đỗ xe lênh láng nước, khiến nhiều chuyến xe lùi thời gian khai thác. Để kịp giờ xuất bến, nhân viên của hãng xe Phương Trang phải đặt dãy ghế nối với cửa xe để cho khách lên.

Tương tự, đường Hoàng Văn Thụ, đoạn trước công viên Hoàng Văn Thụ quận Tân Bình ngập nửa bánh xe trong cơn mưa chiều hôm qua 16/6. Nước tràn từ đường Trường Sơn, Phan Thúc Duyện xuống khu vực công viên nhưng do nước không thoát kịp vào cống thoát nước nên ngập lênh láng. Đúng vào giờ cao điểm, các phương tiện từ sân bay Tân Sơn Nhất đổ về hướng Lăng Cha Cả đã gây ùn tắc cục bộ khu vực.

Theo ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2020 đến nay, thành phố có mưa trên diện rộng, trong đó có 3 trận mưa lớn với vũ lượng từ 70mm đến 112,3mm gây ngập 22 tuyến đường. Chiều sâu ngập đo được tại vị trí 1/4 chiều rộng mặt đường từ 0,1-0,3m.

Các tuyến đường bị ngập như Nguyễn Văn Khối, Quốc lộ 50, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, Hồ Học Lãm, Song hành Quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ, Phan Huy Ích, Ung Văn Khiêm, Quốc Hương, Phạm Văn Chiêu, Bình Lợi, Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân…

Vẫn chưa hết ngập

Theo ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh, trong 5 năm triển khai chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020, số kinh phí ngân sách thành phố đầu tư cho hoạt động chống ngập thấp nhất là 796 tỷ  đồng năm 2016, cao nhất là khoảng 2.222 tỷ đồng vào 2020.

Đến nay, tổng cộng toàn bộ kinh phí đã đầu tư cho công tác chống ngập là 25.998 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).

Rõ ràng ngân sách thành phố đã bỏ ra không ít và mặc dù lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ đặc biệt quan tâm và dành nhiều ưu tiên chính sách cho việc chống ngập, thậm chí chống ngập được đưa vào 7 chương trình đột phá nhiệm kỳ 2016-2020 nhưng đến nay hiệu quả các dự án vẫn đang còn là một câu hỏi lớn.

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong (giữa) kiểm tra tiến độ dự án chống ngập. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong (giữa) kiểm tra tiến độ dự án chống ngập. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

“Chúng tôi sống trong hẻm, cứ mỗi lần mưa xuống là hết sức khốn khổ vì nước từ ngoài đường tràn vào lênh láng, trôi nổi đồ đoàn, nước bẩn tanh hôi. Còn ra đường chở con cái đi học là nước ngập cả bánh xe, nếu đi vào hố ga trên đường thì rất nguy hiểm. Người dân trông chờ các dự án chống ngập và tin tưởng nhiều dự án lớn với số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng sẽ giúp thành phố chống ngập, cải thiện tình hình tuy nhiên thực tế chưa đáp ứng được kỳ vọng,” anh Lê Huỳnh Đăng Khoa, người dân sống khu vực đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 cho hay.

Đến nay, tổng cộng toàn bộ kinh phí đã đầu tư cho công tác chống ngập ở Thành phố Hồ Chí Minh là 25.998 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).

Theo các chuyên gia, thách thức lớn trong công tác chống ngập hiện nay mà Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung là đang phải đối mặt với kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khiến nhiều khu vực sẽ ngập nặng hơn trong tương lai gần.

Các cơn mưa lớn, kéo dài kết hợp triều cường sẽ khiến cho việc tiêu thoát nước từ khu vực trung tâm ra bên ngoài diễn ra khó khăn, thậm chí nước từ bên ngoài có thể tràn chảy vào phía trong, gây ngập cục bộ.

Trong khi đó, tốc độ đô thị hoá diễn ra nhanh, hệ thống thoát nước hiện hữu đang quá tải. Theo ông Vũ Văn Điệp, kết cấu hạ tầng thoát nước hiện hữu của thành không theo kịp tốc độ đô thị hoá, bêtông hoá quá nhanh nên vào thời điểm gặp điều kiện thời tiết cực đoan như những trận mưa lớn vũ lượng cao đã gây ngập một số tuyến đường, một số điểm trong khu đô thị.

Cùng với đó là ý thức của người dân vứt rác bừa bãi, gây tắc hố ga thoát nước, làm nghẽn dòng kênh, rạch. Nhiều hộ kinh doanh còn bịt chắn toàn bộ hố ga thoát nước khiến hệ thống thoát nước không thu được nước mưa.

Về “điểm nóng” Nguyễn Hữu Cảnh, ông Vũ Văn Điệp cho rằng, thời gian qua mưa lớn, hệ thống thoát nước khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh bị lún sụt, quá tải nên việc tiêu thoát bằng máy bơm chống ngập phải phụ thuộc nhiều vào khả năng đưa nước từ đường về máy bơm. Trong khi hệ thống cống dẫn nước về trạm bơm chưa đủ tiết diện nên không đảm bảo, dù công suất máy bơm đáp ứng.

Ông Vũ Văn Điệp thông tin thêm, hiện nay, Sở Giao thông vận tải đang triển khai dự án cải tạo, nâng cấp và xây dựng lại hệ thống thoát nước đường Nguyễn Hữu Cảnh với mục tiêu giải quyết hết ngập tuyến đường này.

Tuy nhiên, cũng cần đánh giá tình hình ngập khu vực này để quyết định có duy trì hay không hệ thống bơm chống ngập. Hiện Ủy ban Nhân dân thành phố đã giao Sở Xây dựng, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật tiếp tục theo dõi đánh giá hiệu quả chống ngập đối với tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh và báo cáo cho Ủy ban Nhân dân thành phố. Nếu dự án đầu tư xong, đường Nguyễn Hữu Cảnh không còn ngập nữa thì không duy trì máy bơm chống ngập./.

 Các phương tiện gặp khó khăn trong dòng nước ngập lút bánh xe trên đường Tô Ngọc Vân (quận Thủ Đức). (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)
 Các phương tiện gặp khó khăn trong dòng nước ngập lút bánh xe trên đường Tô Ngọc Vân (quận Thủ Đức). (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

“Loay hoay” chống ngập

Để chống ngập cho Thành phố Hồ Chí Minh, hàng loạt dự án với chi phí hàng chục nghìn tỷ đồng đã được triển khai nhưng mức độ hiệu quả dường như vẫn đang là câu hỏi lớn. Chống ngập tại thành phố đang trong cảnh “loay hoay,” chắp vá. Quá trình triển khai chống ngập tại một số khu vực và một số dự án lớn cho thấy rõ hơn điều này.

“Rốn ngập” Nguyễn Hữu Cảnh

Đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, được xem là “rốn” ngập của thành phố. Để giải quyết ngập cho tuyến đường này, thành phố đã thuê máy bơm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung với giá 14,2 tỷ đồng/năm.

Để chống ngập cho Thành phố Hồ Chí Minh, hàng loạt dự án với chi phí hàng chục nghìn tỷ đồng đã được triển khai nhưng mức độ hiệu quả dường như vẫn đang là câu hỏi lớn. Chống ngập tại thành phố đang trong cảnh “loay hoay,” chắp vá.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, đây chỉ là giải pháp tình thế và trên thực tế, mỗi lần mưa lớn, một số đoạn trên tuyến đường lại ngập nặng, dù sông Sài Gòn – nơi tiêu nước lý tưởng bậc nhất nằm sát cạnh.

Sông Sài Gòn chạy song song với đường Nguyễn Hữu Cảnh. Dọc sông là hàng nghìn căn hộ cao tầng, chưa kể nhiều dự án nhà ở hiện hữu cũng tồn tại ngay mặt tiền đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Việc xây dựng quá nhiều dự án nhà ở cao tầng đã tăng tốc độ bêtông hoá mặt đất, giảm không gian cho nước (tiêu, thoát và thẩm thấu) dẫn tới việc ngập cục bộ khu vực.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh (Quận 10) chìm trong biển nước mênh mông. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)
Đường Nguyễn Hữu Cảnh (Quận 10) chìm trong biển nước mênh mông. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, khoảng 20 năm trước, đường Nguyễn Hữu Cảnh không ngập. Tuy nhiên, do phát triển nóng các dự án nhà ở cao tầng dọc tuyến đường này nên 2km đường Nguyễn Hữu Cảnh đoạn từ cầu Sài Gòn đến cầu Văn Thánh 2 trở thành “rốn ngập” của thành phố.

Các dự án nhà ở cao tầng đều bêtông hoá, nâng nền khu vực xây dựng, dẫn tới nước mưa đổ dồn ra đường Nguyễn Hữu Cảnh rất nhanh, trong thời gian ngắn mà không thoát ra sông Sài Gòn. Vì thế, dùng máy bơm chống ngập cũng chỉ là giải pháp tình thế, không bền vững.

Thời gian qua, thành phố đã bỏ ra rất nhiều tiền để chống ngập tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, thậm chí đang tính toán dự án nâng cốt nền tuyến đường này với kinh phí hơn 500 tỷ đồng. Tuy nhiên các giải pháp này không bền vững.

Cách làm đúng đối với tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh là khi phát triển dự án nhà ở cao tầng, cứ 100-200m dọc tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh phải có đường ống thoát nước ra sông. Muộn còn hơn không, thành phố cũng nên thương lượng với các chủ đầu tư dự án nhà ở làm các hồ điều tiết trong khu vực dự án để gom nước sau đó thoát nước ra sông Sài Gòn qua hệ thống thoát nước.

“Tương tự tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh là đoạn 2km đường Nguyễn Tất Thành, quận 4 cũng chạy sát sông Sài Gòn. Cảng Sài Gòn đã di dời và dự kiến sẽ xây dựng các dự án nhà ở cao tầng. Nếu không làm tốt quy hoạch ngay từ khi cấp phép các dự án dọc đường Nguyễn Tất Thành thì kịch bản sẽ lặp lại như đã từng diễn ra ở tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh. Lúc đó, thành phố sẽ phải chi hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỷ đồng chống ngập cho tuyến đường mà vẫn không hiệu quả,” kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nêu ý kiến.

Ngổn ngang các dự án lớn

Để chống ngập do triều cường, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chấp thuận triển khai dự án ngăn triều quy mô gần 10.000 tỷ đồng do Trung Nam Group làm chủ đầu tư. Đây là dự án đầu tư lớn, không chỉ về tiền của mà còn đặt nặng niềm tin, sự kỳ vọng, hy vọng của lãnh đạo Trung ương, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Mục tiêu của dự án là kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.

Tính từ lúc khởi công (giữa năm 2016) đến ngày 20/5/2020, tổng giá trị thực hiện dự án chống ngập tại TP.HCM đạt 67% tổng mức đầu tư, giá trị giải ngân bồi thường giải phóng mặt bằng đạt hơn 203 tỷ đồng. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Tính từ lúc khởi công (giữa năm 2016) đến ngày 20/5/2020, tổng giá trị thực hiện dự án chống ngập tại TP.HCM đạt 67% tổng mức đầu tư, giá trị giải ngân bồi thường giải phóng mặt bằng đạt hơn 203 tỷ đồng. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Dự án sẽ xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn, bề rộng cống từ 40-160 m, cao trình đáy cống từ -3,6m đến -10m. Dự án cũng xây dựng đoạn đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh giai đoạn 1 (dài 7,8km), 25 cống nhỏ có khẩu độ từ 1-10m từ Vàm Thuật đến Mương Chuối…

Tuy nhiên, khởi công từ giữa năm 2016 nhưng đến nay, dự án vẫn chưa thể hoàn thành dù đã quá thời gian ấn định trong hợp đồng là vào tháng 4/2018. Tiếp đó, chủ đầu tư “khất hẹn” thời gian hoàn thành lần lượt trong tháng 6/2019, cuối năm 2019 và gần đây nhất là vào tháng 10/2020.

Nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ là vướng giải phóng mặt bằng, các khiếu nại của liên danh Tư vấn giám sát hợp đồng về thiết kế cơ sở, thay đổi thép vật liệu cửa van cũng như quy trình triển khai dự án theo hợp đồng BT, việc giải ngân vốn, thanh kiểm tra của cơ quan chuyên ngành. Hiện nay, dự án đã thi công phần xây dựng đạt khoảng 77%, tổng giá trị thực hiện dự án đạt 67%.

Tương tự dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng là dự án Vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2 có tổng vốn đầu tư 524 triệu USD.

Dự án này cũng chậm tiến độ do nhiều vấn đề phát sinh, đặc biệt là những khiếu nại về lựa chọn nhà thầu tại gói thầu XL-02 (xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc-Thị Nghè ở quận 2) là gói thầu quan trọng nhất.

Hàng loạt dự án khác cũng ngổn ngang không kém. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, công trình cải tạo hệ thống thoát nước khu vực Quốc lộ 13-Đinh Bộ Lĩnh-Nguyễn Xí-Ung Văn Khiêm (phường 25, 26, quận Bình Thạnh) vẫn còn vướng mặt bằng.

Dự án cải tạo kênh Ba Bò vẫn chưa thể hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên (giai đoạn 1) đang tìm kiếm nguồn vốn đầu tư sau khi Ngân hàng Thế giới rút vốn tài trợ do vướng công tác bàn giao mặt bằng.

Trong khi đó, mặc dù đã đấu thầu khởi công từ năm 2019 trở về trước nhưng dự án nạo vét trục thoát nước rạch Xóm Củi vẫn đang trong giai đoạn thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất. Hay như dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương đoạn từ mũi tàu Phú Lâm đến Vòng xoay An Lạc, vẫn còn 2 gói thầu chưa thực hiện xong dù một số gói thầu đã thi công hoàn thành từ cuối năm 2016./.

Nhiều tuyến đường ở Quận 2 ngập sâu khiến nhiều người dân khó di chuyển. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)
Nhiều tuyến đường ở Quận 2 ngập sâu khiến nhiều người dân khó di chuyển. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

“Khắc khoải” những kênh thoát nước

Với 2.953 tuyến sông, kênh, rạch, Thành phố Hồ Chí Minh có lợi thế phát triển kinh tế xã hội, văn hoá mang đậm sông nước Nam Bộ. Đồng thời, đây cũng là điều kiện lý tưởng để tiêu, thoát nước cho thành phố.

Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hoá, nhiều tuyến sông, kênh đã “biến dạng” do việc xâm lấn hành lang bảo vệ, lấp rạch làm dự án và nạn xả rác tràn lan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường.

Lấn sông, lấp rạch

Theo Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, vào thời điểm đầu năm 2019, trên địa bàn thành phố còn tồn tại 39 vị trí kênh, rạch bị lấn chiếm, phát sinh thêm 2 vị trí. Đến nay, thành phố đã xử lý 6 vị trí, còn lại 35 vị trí kênh rạch bị lấn chiếm.

Trong quá trình đô thị hoá, nhiều tuyến sông, kênh đã “biến dạng” do việc xâm lấn hành lang bảo vệ, lấp rạch làm dự án và nạn xả rác tràn lan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường.

Riêng tại Quận 7, có tới 10 trường hợp lấn chiếm tại rạch Bà Bướm, rạch Sông Tân, rạch Tam Đệ, rạch Cây Me, Rạch Bần Đồn, rạch Ông Đội làm thu hẹp lòng rạch, hạn chế khả năng thoát nước. Còn tại Quận 12, việc đầu tư xây dựng Khu Dân cư An Sương đã lấp rạch để đặt cống D600.

Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố, trên toàn tuyến sông Sài Gòn có khoảng 83 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu phức hợp nhà ở kết hợp với thương mại, dịch vụ, khu công viên kết hợp khu vui chơi giải trí với diện tích thống kê chưa đầy đủ hơn 454ha.

Đường Kha Vạn Cân (Quận Thủ Đức) ngập sâu khiến người dân phải di chuyển rất khó khăn. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)
Đường Kha Vạn Cân (Quận Thủ Đức) ngập sâu khiến người dân phải di chuyển rất khó khăn. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Các dự án đầu tư không được giao đất thuộc phạm vi hành lang an toàn bờ sông nên không ai quản lý, đầu tư trong khi pháp lý chưa có, thiếu nguồn lực, dẫn tới thực hiện manh mún, bị lấn chiếm trái phép.

Tình trạng lấn chiếm hành lang bờ sông để sử dụng vào các mục đích cá nhân (công trình phụ trong các công trình nhà ở tư nhân), xây dựng bến neo đậu canô, kinh doanh nhà hàng, quán cafe… còn phổ biến, nhất là tại các khu vực có mật độ đô thị hóa cao nhưng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.

Trong khi đó, theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, do sự phát triển của thành phố nóng và chưa đồng bộ, cộng với việc xem nhẹ, buông lỏng quản lý, các tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố đã bị lấn chiếm, hình thành các khu nhà trên các sông, kênh, rạch và các khu dân cư xây dựng mới được cấp phép ở sát bờ sông, rạch thoát nước.

Cùng với việc lấn sông là tình trạng xả rác tràn lan nhiều kênh thoát nước bị vô hiệu chức năng. Đơn cử, sân bay Tân Sơn Nhất có 3 hướng thoát nước gồm kênh A41, kênh Hy Vọng, mương Nhật Bản.

Tuy nhiên, phần vì tiến độ dự án cải tạo kênh diễn ra chậm chạp, phần vì kênh ngập rác, các miệng cống bị bịt, dòng chảy trở nên chật hẹp đã dẫn tới ngập cục bộ khu vực vực sân bay.

Thực tế cho thấy, kênh A41 đoạn từ đường Phan Thúc Duyện đến đường Cộng Hòa (phường 4, quận Tân Bình) rác thải chất đầy, nhiều đoạn mặt kênh bị bồi lấp nặng nề, một số ống thoát nước bị tắc nghẽn. Kết cấu bờ mương và lòng mương trước đây là 8m và 6m, sâu 3,5m nhưng hiện nay có những chỗ chỉ còn chưa đến 0,5m.

Tương tự, chỉ trong một ngày ra quân dọn dẹp trên tuyến kênh Tham Lương – Bến Cát, đoạn qua địa bàn quận Gò Vấp, lực lượng chức năng đã xử lý sơ bộ hơn 1.000 tấn rác.

Trước thách thức tưởng dễ mà khó xử lý này, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã phải ban hành Chỉ thị 19/CT-TU thực hiện cuộc vận động “Người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước.”

Tuy đã đạt được kết quả ban đầu đáng ghi nhận nhưng rõ ràng việc thay đổi thói quen, nâng cao ý thức gìn giữ vệ sinh, bảo vệ môi trường, không xả rác ra đường, kênh rạch không phải cứ nói là làm được trong “một sớm một chiều.”

Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật nhìn nhận, việc lấn chiếm kênh, rạch tồn tại từ rất lâu. Hệ thống kênh, rạch có vị trí xung yếu thoát nước cho cả khu vực nhưng bị lấn chiếm nhiều, dòng chảy thu hẹp nghiêm trọng.

Nhiều vị trí đã được hợp pháp hóa giấy tờ, trách nhiệm giải tỏa thuộc Ủy ban Nhân dân các quận, huyện nhưng tiến độ rất chậm.

Địa phương chịu trách nhiệm quản lý đất đai, kênh, rạch và có trách nhiệm cưỡng chế để hoàn trả lại mặt bằng đã lấn chiếm. Những trường hợp do lịch sử để lại, có những vị trí được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì địa phương phải tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng để khôi phục lại hiện trạng.

Còn các dự án khu dân cư, khu đô thị đã có quy định việc san lấp kênh, rạch phải thay thế bằng cống hộp có tiết diện bằng hoặc lớn hơn kênh, rạch bị san lấp.

Để xứ lý vấn để rả rác ra kênh rạch, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành cho biết, Sở Xây dựng đang phối hợp với Ủy ban Nhân dân các quận, huyện đẩy mạnh công tác xử lý lấn chiếm hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố, đôn đốc yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh việc thực hiện dự án đang thi công ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước, thanh thải các chướng ngại vật chặn dòng ảnh hưởng gây ngập tại các tuyến đường.

Đối với việc giải quyết ngập cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, ông Vũ Văn Điệp cho hay, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật đô thị đang có dự án cải tạo hệ thống thoát nước khu vực đường Phan Huy Ích, cũng như kênh Hy Vọng. Nếu trả lại nguyên trạng kênh này như ban đầu thiết kế sẽ không còn ngập nặng như những trận mưa vừa qua.

Bao giờ có hồ điều tiết?

Trong quy hoạch thoát nước mưa (Quy hoạch 752) của Thủ tướng Chính phủ xác định nội dung quan trọng là xây dựng 104 hồ điều tiết. Các hồ được xây dựng dưới 3 dạng là hồ hở kết hợp cảnh quan, hồ ngầm theo công nghệ mới và dạng bể chứa nước mưa.

Tuy nhiên đến nay, ngoài hồ điều tiết ngầm thí điểm trên đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức), các hồ điều tiết tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang nằm… trên giấy.

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong (giữa) kiểm tra tiến độ dự án chống ngập. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong (giữa) kiểm tra tiến độ dự án chống ngập. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Nguyên nhân là diện tích làm hồ điều tiết lớn, chưa xác định được vị trí cụ thể phù hợp, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư và đền bù, giải phóng mặt bằng. Vì thế, nhiều tuyến đường xung quanh khu vực quy hoạch hồ điều tiết vẫn chưa thể hết ngập mỗi khi mưa lớn, kéo dài.

Vừa qua, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố đề xuất hơn 475 tỷ đồng làm 7 hồ điều tiết tại Công viên Hoàng Văn Thụ, vòng xoay Lê Văn Sỹ-Nguyễn Trọng Tuyển quận Tân Bình, Công viên Làng Hoa quận Gò Vấp, Công viên khu dân cư Trần Thiện Chánh quận 10, sân bóng đá Trường Đại học Bách khoa, tại dải cây xanh phân cách đường Phan Xích Long quận Phú Nhuận và khuôn viên Cây xanh đối diện Công An phường 25, quận Bình Thạnh.

Trong khi đó, hồ điều tiết lớn như Khánh Hội (quận 4, quy mô 4,8ha), Bàu Cát (quận Tân Bình 0,4ha), Gò Dưa (quận Thủ Đức 14,3ha) với quy mô đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vẫn chưa thể tiến hành do vướng thủ tục đầu tư, huy động nguồn vốn và tìm quỹ đất.

Theo tiến sỹ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), để chống ngập cho thành phố, ngoài các giải pháp cứng (xây dựng hệ thống cống thoát nước) thì phải kết hợp giải pháp mềm; trong đó, có việc xây dựng các hồ điều tiết với nhiệm vụ giữ lại một lượng nước khi mưa quá lớn.

Đồng quan điểm, tiến sỹ, chuyên gia quy hoạch Nguyễn Minh Hòa cho rằng, để giải quyết ngập lụt thành phố có thể tiến hành đồng thời hai giải pháp là khơi thông lại hệ thống kênh rạch như kênh Tham Lương-Bến Cát, rạch Văn Thánh, Bùi Hữu Nghĩa, Miếu Nổi, Bùng Binh… và xây dựng hồ điều tiết lớn ở nơi trũng nhất của thành phố, sau đó chuyển ra sông bằng hệ thống kênh ngầm.

Theo ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật, các dự án xây hồ điều tiết trước đây chỉ là dự kiến và sẽ được đưa vào quy hoạch điều chỉnh về thoát nước và thủy lợi mà thành phố đang triển khai. Sau khi có quy hoạch điều chỉnh sẽ tiến hành đầu tư xây dựng các hồ điều tiết bằng các hình thức từ ngân sách hoặc đối tác công tư (PPP)./.

Đường Tân Hoà Đông (quận Bình Tân) bị ngập sâu. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)
Đường Tân Hoà Đông (quận Bình Tân) bị ngập sâu. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Giải bài toán quy hoạch

Theo các chuyên gia, thách thức lớn trong chống ngập hiện nay tại Thành phố Hồ Chí Minh là sự thiếu đồng bộ, thậm chí lạc hậu về quy hoạch đô thị. Các quy hoạch chuyên ngành, như: quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nhà ở, quy hoạch giao thông, quy hoạch hệ thống cấp thoát nước, quy hoạch thuỷ lợi… vẫn còn “va nhau.”

Trong khi đó, tốc độ đô thị hoá đang diễn ra nhanh chóng, phần nhiều mang tính tự phát, chắp vá, quy hoạch “đi sau” thực tế phát triển. Vì thế, quy hoạch đang là vấn đề then chốt đối với chống ngập, nhất là trước kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Quy hoạch phải “đi trước”

Sau 5 năm dân số Thành phố Hồ Chí Minh lại tăng 1 triệu người, kéo theo nhu cầu rất lớn về nhà ở. Vì vậy, các dự án nhà ở, khu dân cư, khu đô thị cũng sẽ nhanh chóng được phê duyệt, xây dựng.

Tốc độ đô thị hoá đang diễn ra nhanh chóng, phần nhiều mang tính tự phát, chắp vá, quy hoạch “đi sau” thực tế phát triển. Vì thế, quy hoạch đang là vấn đề then chốt đối với chống ngập ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là trước kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Quá trình đó đòi hỏi việc quy hoạch phải có tầm xa, đi trước, không chờ đến khi thực tiễn phát sinh lại cắt khúc, điều chỉnh liên tục quy hoạch theo kiểu chắp vá.

Cùng với đó, nếu quy hoạch được lập nhưng lại không thực hiện một cách kiên quyết trong đó có việc thực thi các quy định và thoả thuận về xây dựng hệ thống cấp thoát nước tại nội khu hoặc xung quanh dự án thì các không gian cho nước như công viên, đất cây xanh sẽ ít đi, tốc độ bêtông hoá ngày càng bao phủ sẽ càng khiến việc chống ngập đô thị khó khăn hơn.

Ngập nặng ngay giờ tan tầm khiến giao thông nhiều khu vực rối loạn. (Nguồn: TTXVN)
Ngập nặng ngay giờ tan tầm khiến giao thông nhiều khu vực rối loạn. (Nguồn: TTXVN)

Theo Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, trên cơ sở Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025, hiện thành phố đang trình cấp thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050; rà soát, cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu, tình hình sụt lún đồng thời điều chỉnh quy hoạch thuỷ lợi chống ngập úng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó, xác định giải pháp chống ngập cho từng vùng, xác định lộ trình thực hiện.

Nói về quy hoạch đô thị, theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, ngập trong đô thị Việt Nam có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do phát triển thiếu bền vững. Yếu tố triều cường, biến đổi khí hậu có tác động nhưng ảnh hưởng chưa lớn.

Có những dự án nhà ở quy mô hàng nghìn căn hộ, tốc độ bê tông hoá diễn ra nhanh, giảm không gian cho nước dẫn tới nước đổ đồn nhanh, không thoát kịp vào hệ thống thoát nước vốn đang quá tải.

Những dự án chống ngập phải gắn liền với quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý hạ tầng. Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang tồn tại quản lý đơn ngành, thiếu sự phối hợp tốt giữa Sở Giao thông vận tải trong việc làm đường, Sở Xây dựng trong việc cấp phép xây dựng nhà ở, Sở Quy hoạch và Kiến trúc cấp phép quy hoạch.

“Công tác quy hoạch giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với phát triển hạ tầng; trong đó có chống ngập. Hơn lúc nào hết, ngay từ đầu cấp phép xây dựng dự án phải có đánh giá tác động môi trường, không đợi đến khi ngập lụt mới làm dự án, như vậy là quá chậm. Việc cải tạo kênh rạch là cơ hội tốt để cải tạo hệ thống thoát nước giảm ngập lụt cho thành phố. Kênh rạch cần được khơi thông kết nối với nhau, kết nối với sông hồ, để nước mưa thoát ra,” kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, ông Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mục đích chiến lược kiểm soát ngập tích hợp không phải chỉ dừng lại ở việc hạn chế tình trạng ngập mà là giúp giảm thiểu thiệt hại do ngập xuống đến mức thấp nhất. Chống ngập là cần thiết nhưng chỉ nên xem là một trong những phương cách để giảm thiệt hại chứ không phải là mục tiêu tối hậu.

Theo đó, vai trò của quy hoạch lại không gian phát triển đô thị là then chốt và cấp bách nhất. Quy hoạch không gian đô thị để thích nghi tốt hơn với nước nên được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu và cấp bách nhất để hướng đến một chiến lược kiểm soát ngập bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu. Không gian dành cho nước trong đô thị (trữ, thoát và thấm nước) nên được nhanh chóng bảo vệ và tái khôi phục.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện thành phố đang điều chỉnh quy hoạch chung, vì thế, nên rà soát kỹ quy hoạch hành lang bảo vệ sông rạch, trước hết là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và các kênh rạch nội thành; không để tiếp tục tình trạng phát triển các toà nhà cao tầng quá dày đặc lấn át sông Sài Gòn hoặc biến một phần không gian sông Sài Gòn thành không gian riêng của dự án nhà ở nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất ven sông sông rạch vì lợi ích công cộng, đảm bảo cảnh quan và phát triển bền vững.

Kết hợp giải pháp công trình

Để giải quyết ngập cho thành phố, theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố sẽ rà soát lại toàn bộ quy hoạch 1/2.000 để điều chỉnh cốt nền phù hợp thực tế; quản lý việc san lấp kênh rạch; xử lý việc chiếm các cửa xả, rác thải, bịt miệng cống thoát nước.

 Mục tiêu của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025 là kiên quyết không để phát sinh điểm ngập mới, tập trung giải quyết ngập bền vững cho lưu vực trung tâm thành phố rộng 106,41km2, cơ bản thoát nước cho các vùng còn lại của thành phố.

Bên cạnh đó thành phố cũng sẽ tiến hành duy tu, nạo vét cống thoát nước, quản lý mốc bờ cao hành lang bảo vệ kênh rạch đồng thời tăng cường không gian trữ nước, hồ điều tiết. Giải quyết vướng mắc dự án chống ngập do triều cũng như đưa vào sử dụng các công trình chống ngập.

Theo dự báo của Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2025 thành phố là một trong 10 thành phố có nguy cơ ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, tốc độ đô thị hoá nhanh chóng, tình trạng sạt lở và lún nền tiếp tục diễn ra nghiêm trọng, việc giải quyết dứt điểm các trường hợp lấn chiếm kênh rạch sẽ còn nhiều khó khăn, vấn đề xả rác xuống kênh, rạch, cống thoát nước vẫn còn phổ biến, tiêu chí đánh giá ngập chưa tạo được sự đồng thuận trong xã hội.

Thi công các phân đoạn của dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ giúp giảm thiểu tình trạng ngập nước trong mùa mưa. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Thi công các phân đoạn của dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ giúp giảm thiểu tình trạng ngập nước trong mùa mưa. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Vì vậy, mục tiêu đề ra của thành phố là kiên quyết không để phát sinh điểm ngập mới, tập trung giải quyết ngập bền vững cho lưu vực trung tâm thành phố rộng 106,41km2, cơ bản thoát nước cho các vùng còn lại của thành phố.

Đối với Quy hoạch 752 thành phố sẽ đầu tư 7 hồ điều tiết với kinh phí hơn 470 tỷ đồng, thực hiện 67 dự án cải tạo hệ thống thoát nước; trong đó, có dự án lớn như nạo vét rạch Xuyên Tâm, Bến Nghé-Tàu Hũ-Đôi-Tẻ giai đoạn 3. Xây dựng và hoàn thiện nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc-Thị Nghè, mời gọi đầu tư 6 nhà máy xử lý nước thải khác.

Triển khai dự án cải tạo hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn (dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành năm 2028); dự án cải tạo hệ thống thoát nước mưa và nước thải lưu vực Tham Lương-Bến Cát-Nước lên (dự kiến khởi công năm 2021, hoàn thành năm 2025).

Trong khi đó, đối với Quy hoạch 1547, thành phố sẽ xây dựng đoạn đê bao xung yếu thuộc bờ tả quận Thủ Đức, cống kiểm soát triều sông Kinh, Rạch Tra, Vàm Thuật, Nước Lên (dự kiến khởi công năm 2021), cải tạo 7 trục tiêu thoát nước rạch xóm Củi, Bà Lớn, Thủ Đào, Ông Bé, Thầy Tiêu, xây dựng tuyến kè 2 bên bờ kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên… (thực hiện trong giai đoạn 2021-2025).

Bên cạnh đó, trong chức năng, nhiệm vụ được giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc san lấp trong các dự án phát triển đô thị, kiên quyết bắt buộc các nhà đầu tư phải thực hiện cải tạo rạch, xây dựng hệ thống thoát nước, hồ điều tiết đảm bảo chức năng thoát nước, điều tiết của hồ trước khi thực hiện san lấp; xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm cửa xả, hầm ga, thoát nước và thực hiện duy tu, nạo vét cống thoát nước.

Những giải pháp công trình và phi công trình; trong đó, giải pháp quy hoạch đang kỳ vọng sẽ giúp Thành phố Hồ Chí Minh đạt được hiệu quả như kỳ vọng trong công tác chống ngập, giảm nhẹ thiệt hại do ngập gây ra. Đó cũng là mong muốn của lãnh đạo và nhân dân thành phố vì một đô thị phát triển bền vững, chất lượng cuộc sống không ngừng được cải thiện, nâng cao./.

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong kiểm tra tiến độ dự án chống ngập. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong kiểm tra tiến độ dự án chống ngập. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)