Chiến lược xuất khẩu ‘dài hơi’

ttxvnchien-1580351118-2.jpg

Thành phố Hồ Chí Minh từng dẫn đầu và chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu chững lại, trong khi nhiều địa phương khác đang từng bước vươn lên mạnh mẽ.

Trong bối cảnh đó, để củng cố vai trò đầu tàu về xuất khẩu nói riêng, kinh tế nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng chiến lược dài hơi trong việc chuyển dịch cơ cấu và nâng cao giá trị xuất khẩu.

Thành phố Hồ Chí Minh là cửa ngõ xuất khẩu quan trọng của cả nước với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có thời điểm đạt tới 20%/năm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tăng trưởng xuất khẩu đang giảm dần, chỉ trên dưới mức 10% năm, tỷ trọng xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh so với cả nước cũng giảm khá mạnh.

Tăng trưởng chững lại

Tại Diễn đàn đầu tư và xuất khẩu Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đánh giá hoạt động xuất khẩu của thành phố liên tục phát triển và là lĩnh vực kinh tế quan trọng đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế của thành phố.

Hiện thành phố có nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử ước đạt 10 tỷ USD; dệt may ước đạt 4,2 tỷ USD; giày dép ước đạt 1,9 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ ước đạt 1,6 tỷ USD.

Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng như gạo, thủy hải sản, hàng rau quả, phương tiện vận tải và các loại phụ tùng cũng có kim ngạch xuất khẩu trên 500 triệu USD/năm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh số liệu thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng trong hoạt động xuất khẩu của thành phố đã có dấu hiệu chững lại. Tốc độ tăng trưởng trong gần 10 năm trở lại đây đã giảm xuống dưới 10%/năm; cơ cấu xuất khẩu chậm chuyển dịch và chịu sự tác động mạnh diễn biến kinh tế thế giới, nhất là tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, khủng hoảng nợ công châu Âu 2010-2012 và gần đây nhất là tác động xung đột thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc.

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Trong khi đó, Báo cáo của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra rằng nếu như năm 2001, Thành phố Hồ Chí Minh chiếm ưu thế nổi bật về hoạt động xuất khẩu, đóng góp hơn 51% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước thì đến năm 2018, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ chiếm 15,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Về quy mô xuất khẩu, năm 2010, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn nổi trội nhưng chỉ trong gần 10 năm trở lại đây, nhiều địa phương khác như Đồng Nai, Bình Dương và Bắc Ninh, Thái Nguyên đã vươn lên mạnh mẽ. Đặc biệt là sự vươn lên ngoạn mục của Bắc Ninh và Thái Nguyên do thu hút được nhiều dự án FDI lớn trong lĩnh vực điện tử, trong khi Đồng Nai và Bình Dương dựa trên việc thu hút đầu tư và mở rộng các khu công nghiệp.

Kim ngạch xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phụ thuộc vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Ông Phạm Ngọc Hòa, nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh phân tích kim ngạch xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phụ thuộc vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nếu như năm 2005, thành phần kinh tế trong nước chiếm 55% và thành phần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 45% thì đến cuối năm 2019, tỷ lệ tương ứng là 33,6% và 66,4%. Riêng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu thành phố (không tính dầu thô) ước đạt 36,8 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2018. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp thành phố ước đạt 12,4 tỷ USD, trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 24,5 tỷ USD.

Chỉ so với năm 2018, cơ cấu tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 tiếp tục xu hướng giảm đối với các doanh nghiệp trong nước (từ 37,7%) và tăng đối với các doanh nghiệp nước ngoài (từ 62,3%). Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp nước ngoài (tăng 25,4%) cũng vượt trội so với doanh nghiệp trong nước (tăng 4,8%) cho thấy khả năng thích ứng của doanh nghiệp trong nước đối với các diễn biến phức tạp từ thị trường thế giới chưa thật sự hiệu quả.

Mất dần lợi thế so sánh

Trên thực tế, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn của Thành phố Hồ Chí Minh như sản phẩm điện, điện tử, dệt may, giày dép chủ yếu do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất, xuất khẩu.

Dưới góc nhìn của chuyên gia, tiến sỹ Đinh Công Khải, Viện trưởng Viện Chính sách công, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh đang mất dần lợi thế cạnh tranh do khả năng đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường thấp. Nhìn tổng thể, xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là mô hình tăng trưởng theo chiều rộng và chạy theo thị trường, thiếu định hướng chiến lược phát triển xuất khẩu theo lợi thế so sánh.

Những ngành có quy mô và tốc độ tăng trưởng lớn như sản phẩm điện tử-cơ khí phụ thuộc doanh nghiệp FDI, dệt may, da giày là ngành thâm dụng lao động giá trị gia tăng thấp. Sản phẩm rau, củ, quả, hạt các loại chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất ở Tây Nguyên, trong khi sản phẩm động vật sống, thịt động vật các loại, bao gồm cả thủy hải sản  phụ thuộc vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nói cách khác, Thành phố Hồ Chí Minh không có thế mạnh về sản xuất sản phẩm xuất khẩu mà chỉ là nơi thực hiện hoạt động xuất khẩu hàng hóa cho các vùng lân cận trong khu vực phía Nam.

Thành phố Hồ Chí Minh không có thế mạnh về sản xuất sản phẩm xuất khẩu mà chỉ là nơi thực hiện hoạt động xuất khẩu hàng hóa cho các vùng lân cận trong khu vực phía Nam

Theo tiến sỹ Đinh Công Khải, Thành phố Hồ Chí Minh có thể trở thành cửa ngõ xuất khẩu cho cả vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, duyên hải miền Trung thời gian qua nhờ có vị trí địa lý thuận lợi. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng phục vụ xuất khẩu khá đầy đủ các loại hình và đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào về số lượng và tương đối về chất lượng, hơn nữa, môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút FDI phục vụ xuất khẩu.

Tuy nhiên, các năng lực cạnh tranh này của Thành phố Hồ Chí Minh là không bền vững và ngày càng mất lợi thế so sánh với nhiều địa phương khác. Cụ thể, việc phân công lao động và liên kết vùng trong xây dựng chuỗi hàng hóa xuất khẩu còn yếu, cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu dần quá tải, kết nối cơ sở hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh, chi phí lao động ngày càng tăng và kim ngạch xuất khẩu phụ thuộc lớn vào hoạt động xuất khẩu của khu vực FDI.

Bốc xếp hàng hóa tại Công ty Cổ phần cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Bốc xếp hàng hóa tại Công ty Cổ phần cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Liên quan đến hạ tầng hỗ trợ xuất khẩu, bà Đặng Minh Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam đánh giá đầu tư xã hội cho sản xuất hàng xuất khẩu, kết cấu hạ tầng quan trọng phục vụ hoạt động xuất khẩu như cảng biển, sân bay, đường giao thông, kho ngoại quan… còn thiếu và yếu, ảnh hưởng đến khả năng gia tăng quy mô sản xuất, xuất khẩu.

Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư chưa cao, chưa có những dự án quy mô lớn dành cho sản xuất hàng xuất khẩu cũng như phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nên cơ cấu sản xuất và xuất khẩu chậm được đổi mới, tỷ lệ hàng công nghiệp chế biến xuất khẩu chưa cao. Thị trường xuất khẩu vẫn tập trung nhiều ở Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, trong khi những thị trường lớn như châu Âu vẫn còn khiêm tốn.

Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra những ngành có quy mô xuất khẩu lớn nhất của Thành phố Hồ Chí Minh đang là những ngành tạo ra phần lớn việc làm, nhưng chủ yếu là việc làm có mức thu nhập thấp hơn so với các nhóm ngành còn lại. Về đóng góp ngân sách, các ngành đóng thuế cao nhất là những ngành có quy mô xuất khẩu lớn và thâm dụng lao động (thực phẩm, may mặc, điện tử, da giày, hóa chất, cao su-nhựa) và hiện là những ngành công nghiệp mũi nhọn của thành phố. Tuy nhiên, về lâu dài, những ngành này không còn nhiều dư địa để phát triển do thiếu lao động phổ thông, sự dịch chuyển các nhà máy về các tỉnh lân cận.

Trở thành trung tâm xuất khẩu của khu vực

Theo các chuyên gia, hoạt động xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh đã đến ngưỡng giới hạn phát triển theo chiều ngang, sẽ khó tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng trong thời gian tới nếu không có giải pháp chiến lược mang tính đột phá để nâng cao giá trị gia tăng.

Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại

Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò và lợi thế là trung tâm kinh tế của cả nước, các doanh nghiệp thành phố cũng được đánh giá là năng động trong việc thích ứng và tận dụng cơ hội từ thị trường để xuất khẩu.

Trong bối cảnh xu hướng thương mại và thị hiếu tiêu dùng liên tục thay đổi, ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại cũng là giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh đang từng bước đổi mới cách thức tổ chức xúc tiến xuất khẩu theo hướng gắn kết từng mặt hàng xuất khẩu với những thị trường cụ thể. Xác định rõ các mặt hàng chủ lực và những thị trường mục tiêu để có cách tiếp cận nhanh và phù hợp nhất.

TP.HCM sẽ tập trung tái cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng giảm phụ thuộc vào một số ít thị trường lớn, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và khai thác tối đa các khu vực thị trường nhiều tiềm năng

Cụ thể, thành phố sẽ tập trung tái cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng giảm phụ thuộc vào một số ít thị trường lớn, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và khai thác tối đa các khu vực thị trường nhiều tiềm năng như châu Âu, Trung Đông, thị trường các nước Hồi giáo. Riêng với thị trường xuất khẩu truyền thống và lớn nhất là Trung Quốc, sẽ chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.

Nhiều chuyên gia nhận định các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là FTA thế hệ mới với những cam kết cắt giảm sâu về thuế quan sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu đáng kể cho nền kinh tế nói chung. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, việc thực thi các FTA được dự đoán sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 tăng thêm 2,5-3%/năm, từ 2026-2030 sẽ tăng thêm 2-2,5%/năm và đạt trên 100 tỷ USD vào năm 2030. Chính vì vậy, việc nâng cao năng lực tận dụng FTA cho doanh nghiệp cũng cần được chú trọng.

Sản xuất linh kiện điện tử. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Sản xuất linh kiện điện tử. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Trong khi đó, các doanh nghiệp cho rằng cần hệ thống lại các chính sách hỗ trợ xuất khẩu cho từng ngành hàng cụ thể để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Các chương tình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu và phát triển xuất khẩu của thành phố cũng cần được tập trung thành chiến lược dài hạn và nâng cao hiệu quả thực thi trong thực tế.

Bà Bùi Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng để giữ vững vị trí là Trung tâm xuất khẩu Thành phố Hồ Chí Minh cần phát huy sự sáng tạo, đa dạng hóa trong tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại hướng tới các thị trường mục tiêu. Thời gian tới, thành phố cần hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả các thị trường lân cận trong khu vực ASEAN, tiếp cận và mở rộng các thị trường trọng điểm khu vực Đông Bắc Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện, đặc biệt khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới song phương và đa phương, hoạt động xúc tiến thương mại cần được nâng cao, cả về chất và lượng, triển khai phối hợp đa dạng trong và ngoài nước, hướng tới mục tiêu tăng cường tối đa tính chuyên nghiệp, hiệu quả.

Song song với đó, tăng cường tổ chức khảo sát nghiên cứu thị trường; kết nối doanh nghiệp với các đối tác, nhà nhập khẩu tiềm năng, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường, các chính sách nhập khẩu của các nước nhằm đẩy mạnh khai thác các thị trường tiềm năng, các thị trường mới, đặc biệt là thị trường thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và sẵn sàng tận dụng hiệu quả cơ hội xuất khẩu từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Tập trung phát triển dịch vụ xuất khẩu

Để khai thác hiệu quả những lợi thế của Thành phố Hồ Chí Minh đối với hoạt động xuất nhập khẩu, ông Nguyễn Ngọc Hòa, nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm xây dựng chiến lược cho xuất khẩu của thành phố cần lấy chất lượng tăng trưởng làm nền tảng. Cơ cấu xuất khẩu cần chuyển dịch theo hướng cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu và xuất khẩu dịch vụ hàng hóa vô hình (phần mềm, sản phẩm nội dung số); tập trung phát triển nhóm dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu (logistics, hội chợ triển lãm thương mại, dịch vụ tài chính, pháp lý…); đẩy mạnh liên kết vùng.

Xây dựng chiến lược cho xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh cần lấy chất lượng tăng trưởng làm nền tảng 

Cụ thể, trước mắt, thành phố cần tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cho các ngành hàng xuất khẩu truyền thống, có kim ngạch cao như dệt may, da giày để đảm bảo nguồn thu; đồng thời chuẩn bị nền tảng về công nghệ và nguồn nhân lực để có thể sản xuất và xuất khẩu các nhóm ngành kỹ thuật liên quan đến điện tử, cơ khí lắp ráp, chế tạo, tự động hóa, cụ thể là thiết kế, chế tạo dụng cụ sản xuất, linh kiện cho các ngành công nghiệp khác.

Mặt khác, thành phố cũng chú trọng phát triển các dịch vụ nền như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, hạ tầng và chất lượng logistics để từng bước phát triển dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu và xuất khẩu các sản phẩm dịch vụ; đẩy mạnh liên kết vùng, phối hợp sản xuất hàng xuất khẩu chuyển dịch đến các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế so sánh giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam.

Chế biến gạo xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)
Chế biến gạo xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh cần quan tâm đến dịch vụ xuất khẩu; trong đó, có dịch vụ logistics, cùng với việc lựa chọn những sản phẩm xuất khẩu là thế mạnh của thành phố. Bởi lẽ, trong quá trình xuất nhập khẩu, doanh nghiệp đang chịu chi phí logistics cao.

Tương tự, ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Intimex nêu dẫn chứng Công ty Intimex xuất khẩu trên 1 triệu tấn hàng mỗi năm (tương đương 50.000 container). Hiện đang tồn tại điều vô lý là hàng hóa từ Thành phố Hồ Chí Minh đi một số nước (Singapore, Trung Quốc) chỉ mất vài ngày, nhưng ra miền Trung mất cả tuần theo đường thủy, đường sắt.

“Rất cần giải pháp cho ngành logistics để giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp,” ông Nam nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm của nhiều doanh nghiệp, tiến sỹ Đinh Công Khải cho rằng hầu hết các sản phẩm có quy mô xuất khẩu lớn của Thành phố Hồ Chí Minh đều có rất ít các cơ hội để đa dạng hóa do nền tảng cho những sản phẩm này khá đơn giản. Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh cần xây dựng chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh các cụm ngành xuất khẩu tiêu biểu theo hướng chuyên môn hóa hoạt động xuất khẩu dựa trên lợi thế so sánh của thành phố là tham gia vào các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao của chuỗi giá trị toàn cầu cũng như tăng cường liên kết với các doanh nghiệp nhằm xây dựng nền tảng năng lực cạnh tranh cho các ngành trong tương lai.

Cùng với đó, thành phố phải hoàn thiện chiến lược phát triển cụm ngành logistics, trong đó chú trọng quy hoạch lại hệ thống cảng biển và cơ sở hạ tầng logistics, tăng cường khả năng kết nối giao thông đến các vùng sản xuất hàng hóa xuất khẩu, mới có thể biến Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm dịch vụ xuất khẩu của vùng và khu vực./.

Một góc cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Một góc cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)