Châu Âu hỗn loạn

Châu Âu đang trong tình trạng hỗn loạn và không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải tự mình đối đầu với tình trạng này.

Châu Âu sẽ vẫn đại diện cho 1/4 nền kinh tế toàn cầu. Đây là nơi tập trung lớn nhất các quốc gia dân chủ. Thế kỷ vừa qua đã cho thấy không chỉ một lần, cái giá phải trả cho việc phá vỡ trật tự trên lục địa này như thế nào.

Ông Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Mỹ, nhận định như vậy trong bài viết trên Project Syndicate.

Bản dịch bài viết được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus. Quan điểm trong bài là của tác giả.

Cách đây không lâu, chỉ một vài năm thôi – thật khó có thể tin là như vậy – châu Âu dường như là một phần của cái thế giới rất giống với viễn cảnh xã hội tươi đẹp mà nhà kinh tế học Francis Fukuyama mô tả trong cuốn sách có nhan đề “Sự cáo chung của Lịch sử” vào lúc kết thúc cuộc Chiến tranh Lạnh. Dân chủ, thịnh vượng, và hòa bình – tất cả những điều này dường như là điều bất di bất dịch.

Giờ đây không còn như vậy nữa. Nhiều khu vực của Paris đang bốc cháy theo đúng nghĩa đen của nó. Nước Anh đang bị Brexit tàn phá và chia rẽ. Italy hiện nằm dưới sự kiểm soát của một liên minh tả-hữu đầy chông gai đang chống lại những quy định về ngân sách của EU. Nước Đức đang phải đối đầu với sự điều chỉnh lại hướng đi về chính trị và đang ở trong những giai đoạn đầu của một quá trình quá độ sang một nhà lãnh đạo mới. Hungary và Ba Lan đang phải đương đầu với chủ nghĩa phi tự do – cái mà người ta thấy đang diễn ra trên phần lớn khu vực trên thế giới. Tây Ban Nha đang đối mặt với chủ nghĩa dân tộc Catalonia.

Người tị nạn chờ làm thủ tục đăng ký tại Passau, miền nam Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người tị nạn chờ làm thủ tục đăng ký tại Passau, miền nam Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tương lai của nền dân chủ, sự thịnh vượng, và hòa bình ở châu Âu đã trở nên không còn chắc chắn nữa. Phần lớn những gì mà trước đây được rộng rãi coi là đã được giải quyết xong, hiện không còn đúng nữa. Việc NATO thực hiện quá trình giải giáp nhanh chóng sau Chiến tranh Lạnh giờ đây có vẻ là một hành động hấp tấp và nguy hiểm.

Hiện không có lời giải thích duy nhất nào cho những diễn biến này. Những gì chúng ta chứng kiến đang diễn ra ở nước Pháp là chủ nghĩa dân túy theo hướng tả khuynh, hậu quả của việc dân chúng gặp khó khăn trong cuộc sống và phản đối những loại thuế mới, cho dù nó được biện minh như thế nào đi chăng nữa. Điều này khác với những lý do được coi là đã tiếp sức cho sự nổi lên của của phe cực hữu trên khắp châu Âu: sự phòng thủ về văn hóa trước những thách thức khu vực và toàn cầu, và trên hết là tình trạng di cư.

Về phần mình, Liên minh châu Âu đã dần mất đi sự kiểm soát đối với đầu óc tưởng tượng của công chúng. Liên minh này đã trở nên quá xa vời, quá quan liêu, và quá hướng vào tầng lớp tinh hoa trong thời gian dài.

Tầng lớp chính trị của châu Âu phải chịu một phần trách nhiệm về tình trạng hỗn loạn đang tăng lên hiện nay

Tầng lớp chính trị của châu Âu phải chịu một phần trách nhiệm về tình trạng hỗn loạn đang tăng lên hiện nay. EU đã áp dụng một đồng tiền chung mà không hề có một liên minh tài chính hay ngân hàng nào, điều này làm cho hầu như không thể thực hiện được một chính sách kinh tế cố kết nào. Quyết định đưa vấn đề tiếp tục là thành viên EU của Anh ra giải quyết tại một cuộc bỏ phiếu phổ thông, trong khi lại cho phép một đa số đơn thuần quyết định vấn đề này cũng như không nêu ra những điều kiện cho việc rời khỏi EU, là một sai lầm hoàn toàn.

Tương tự như vậy, việc mở cửa biên giới nước Đức cho làn sóng người tị nạn, cho dù các động cơ của Thủ tướng Đức Angela Merkel có trong sáng như thế nào đi chăng nữa, chắc chắn sẽ gây ra một tác dụng ngược lại.

Gần đây nhất, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tự làm khó cho mình bằng việc lùi bước trước những người biểu tình “Áo vàng” cũng như bằng việc đưa ra những thỏa hiệp có khả năng sẽ “đổ thêm dầu” vào các cuộc biểu tình mới và làm tăng thêm nhiều khó khăn cho ngân sách của nước ông.

Chúng ta không nên cho rằng tình hình sẽ trở nên tốt đẹp trở lại. Chỉ là vấn đề thời gian trước khi đảng Tập hợp Quốc gia cực tả (trước đây là đảng Mặt trận Quốc gia) và các chính đảng khác trên khắp châu Âu tìm ra cách kết hợp chủ nghĩa dân túy kinh tế và văn hóa lại với nhau và đe dọa trật tự chính trị hậu Chiến tranh Thế giới II. Chính phủ tả-hữu theo đường lối dân túy của Italy hiện là một phiên bản của đúng điều này.

Nước Anh sẽ tiếp tục bị giằng xé xung quanh mối quan hệ của nước này (hay việc không có mối quan hệ nào) với EU cho dù kết quả của Brexit có là thế nào đi chăng nữa; và hoàn toàn có khả năng là một nước Anh hậu Brexit có thể sẽ phải chịu sức ép gay gắt của chính mình, do lại hiện xuất hiện những lời kêu gọi về việc thống nhất Ireland và đòi độc lập cho Scotland. Hiện không có công thức nào cho việc chia sẻ quyền lực giữa Brussels và các thủ đô châu Âu khác mà nó có thể chấp nhận được đối với cả EU và chính phủ các nước.

Những người phản đối Brexit mang cờ Anh và cờ Liên minh châu Âu bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Những người phản đối Brexit mang cờ Anh và cờ Liên minh châu Âu bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hơn nữa, trong một thế giới ngày càng trở nên bất bình đẳng, bạo động, cộng với tình trạng biến đổi khí hậu, thì những sức ép do vấn đề di cư đặt ra có khả năng ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Những khó khăn về kinh tế chắc chắn sẽ tăng lên trong một thế giới cạnh tranh toàn cầu và xuất hiện những công nghệ mới mà chắc chắn sẽ làm mất đi hàng triệu công ăn việc làm hiện có.

Tại sao phải làm rõ những vấn đề này. Châu Âu sẽ vẫn đại diện cho 1/4 nền kinh tế toàn cầu. Đây là nơi tập trung lớn nhất các quốc gia dân chủ. Thế kỷ vừa qua đã cho thấy không chỉ một lần, cái giá phải trả cho việc phá vỡ trật tự trên lục địa này như thế nào.

Giống như không có một nguyên nhân duy nhất nào giải thích tình trạng hỗn loạn ngày càng gia tăng ở châu Âu, hiện cũng không có giải pháp duy nhất nào cho tình trạng này

Giống như không có một nguyên nhân duy nhất nào giải thích tình trạng hỗn loạn ngày càng gia tăng ở châu Âu, hiện cũng không có giải pháp duy nhất nào cho tình trạng này. Nói một cách cách chính xác, hiện không có bất kỳ giải pháp nào theo bất kỳ kiểu nào. Tuy nhiên, có một loạt chính sách, nếu được thực hiện, sẽ giúp các nhà lãnh đạo giải quyết được những thách thức.

Một chiến lược nhập cư toàn diện, cân bằng giữa an ninh, nhân quyền và cạnh tranh về kinh tế là một trong những chính sách nêu trên. Một nỗ lực trong lĩnh vực quốc phòng tập trung vào việc đồng tiền được sử dụng như thế nào hơn là việc cần bao nhiêu tiền sẽ giúp đi một quãng đường dài trong việc hỗ trợ nền an ninh của châu Âu. Cần phải thực hiện thêm những chương trình đào tạo lại đối với những người lao động mà nghề nghiệp của họ sẽ biến mất tới đây do kết quả của toàn cầu hóa và tự động hóa.

Một đường hướng như vậy khó có khả năng sẽ được ông Donald Trump đưa ra. Điều này làm cho châu Âu hiện không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải tự mình đối đầu với tình trạng hỗn loạn hiện nay./.

Cảnh sát Italy tuần tra tại thủ đô Rome. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cảnh sát Italy tuần tra tại thủ đô Rome. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người dịch: Nguyễn Văn Lập