Cậu bé khiếm thị sống một mình giữa Thủ đô

son2214-1528080440-86.jpg

Tôi lặng nhìn theo bóng Minh nhỏ bé, chiếc áo trắng đồng phục học sinh khuất dần sau con ngõ 108 phố Lò Đúc, đi về phía ngôi nhà nơi có căn phòng em thuê trọ. Đôi mắt không còn thị lực, Minh định hướng đường đi giữa những ngách phố Hà Nội nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, bằng cách búng ngón tay và lắng nghe cách cái âm thanh nhỏ bé ấy va đập vào không gian xung quanh. Căn phòng trọ vỏn vẹn khoảng sáu mét vuông, chót vót trên tầng 4 – tầng cao nhất, với những bậc thang nhỏ hẹp chỉ vừa một người đi, những thanh sắt vịn cầu thang mỏng mảnh, gấp khúc liên tục theo hình xoắn ốc.

Căn phòng trống tuềnh toàng từ trong ra ngoài, chẳng có vật gì đáng giá. Ngoài chiếc máy tính Minh được Trường phổ thông liên cấp Olympia tặng từ năm học lớp 6, thứ đắt giá nhất có lẽ là chiếc quạt điện nhỏ đã cũ mèm, tới mức lồng quạt phía trước đã rơi mất tự bao giờ, trống hoác, để trơ ra những cánh quạt vẫn quay đều đều và sẵn sàng nuốt chửng bàn tay nào vô ý chạm vào.

“Minh là một học sinh giỏi toàn diện với hầu hết các môn đều trên 8 điểm. Đó là từ năng lực thực sự của em, hoàn toàn không có sự nâng đỡ nào. Em vừa được Hà Nội vinh danh là học sinh tiêu biểu Thủ đô năm 2018. Chúng tôi rất tự hào về em.”

Thật khó có thể tưởng tượng đó là nơi cậu học trò khiếm thị ấy sống một mình, đơn độc và lủi thủi, giữa Hà Nội rộng lớn, xa hoa, và ồn ã này. Không còn cha, không còn mẹ, không họ hàng, không người thân bên cạnh, Minh tự kiếm sống để nuôi mình và nuôi giấc mơ đến trường bằng những ca làm thêm kéo dài liên miên suốt các năm, suốt các mùa Hè, suốt những thứ Bảy, Chủ nhật cuối tuần, và bất cứ khi nào em không bận học.

“Minh là một học sinh giỏi toàn diện với hầu hết các môn đều trên 8 điểm. Đó là từ năng lực thực sự của em, hoàn toàn không có sự nâng đỡ nào. Em vừa được Hà Nội vinh danh là học sinh tiêu biểu Thủ đô năm 2018. Chúng tôi rất tự hào về em,” thầy Phan Thanh Tùng, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông, xúc động nói về cậu học trò đặc biệt của mình.

Câu chuyện về em như điều không thể có thật trên đời. Tôi tự hỏi: làm sao em có thể có nghị lực sống mãnh liệt ấy? Nhưng Minh bảo, chính những biến cố cuộc đời đã giúp em mạnh mẽ hơn, để hiểu rằng mình phải chấp nhận những gì đang có, phải suy nghĩ lạc quan và tiến về phía trước.

Nỗi đau nối tiếp nỗi đau

Ngồi trong căn phòng trọ nhỏ giữa trời mùa Hè Hà Nội nóng như đổ lửa, Minh chậm rãi kể về cuộc đời mình, như những thước phim quay chậm, và buồn.

Minh sinh ra tại vùng núi Ba Vì (Hà Nội), năm 1994. Nhưng cuộc đời vốn không công bằng với cậu bé Phùng Văn Minh ngay từ lúc lọt lòng, khi một bên mắt của em bị khiếm thị bẩm sinh, rồi lại liên tiếp thử thách em với hàng loạt biến cố đau đớn không ngờ.

Mưu sinh với nghề thợ xây, phụ hồ, bố mẹ Minh thường đi làm xa nhà, nửa năm mới về nhà một lần. Từ nhỏ em đã phải sống thiếu vòng tay cha mẹ, nương tựa vào sự chăm sóc của bà nội.

Yêu thích môn cờ vua, Minh từng giành huy chương đồng giải cờ vua Không khoảng cách lần thứ hai, năm 2015. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)
Yêu thích môn cờ vua, Minh từng giành huy chương đồng giải cờ vua Không khoảng cách lần thứ hai, năm 2015. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Như bao đứa trẻ khác, 6 tuổi, cậu bé Minh cũng vui vẻ cắp sách tới trường. Nhưng niềm vui ấy chỉ ngắn ngủi đến lớp 3, khi con mắt còn lại của em bắt đầu mờ dần, mờ dần. Hết học kỳ một, em không thể nhìn thấy những gì cô ghi trên bảng, chữ viết trong vở em phải viết to gấp ba bình thường, lên tới 10 ly, Minh mới đọc được.

Nhưng những nỗ lực của Minh không thể giúp em cứu vãn nổi giấc mơ đến trường. Cuối năm lớp ba, Minh thậm chí không thể đọc ngay những chữ em vừa nắn nót viết thật to trên cuốn vở. Minh buộc phải nghỉ học.

Bầu trời như sụp đổ. Có những ngày đứng trong bờ rào, nghe tiếng các bạn gọi nhau í ới tới trường, cậu bé thấy lòng buồn vô hạn.

“Em cố gắng rèn cho mình luôn chấp nhận những gì mà mình đang có và suy nghĩ một cách tích cực nhất có thể. Người ta nói, nghịch cảnh không phải là tảng đá cản bước chân ta mà là động lực để ta tiến lên phía trước. Đó cũng là những động lực để em vươn lên, khẳng định bản thân,” Phùng Văn Minh nói.

Cũng nơi bờ rào ấy, Minh đã bao lần đứng ngóng mẹ về, khát khao một vòng tay ôm ấp, động viên, vỗ về. Em phải thôi học từ khoảng tháng Ba. Mẹ em đi làm từ sau Tết nên lúc đó cũng chưa về.

“Em cứ nghĩ mẹ đi khoảng 5, 6 tháng như mọi lần. Nhưng rồi em chờ mãi, chờ mãi… Mẹ em đi biệt tích không về nữa…,” Minh ngậm ngùi kể.

Nỗi đau tiếp tục ập tới khi một ngày, năm Minh 13 tuổi, bố em bị tai nạn lao động và qua đời.

Chẳng còn bố, không còn mẹ, anh em Minh phải chia rẽ, sống nhờ vào sự cưu mang của họ hàng. Em trai ở với bác, còn Minh ở với cô và bà.

Minh bảo, sau những biến cố, những đớn đau, em càng hiểu ra những giá trị thực sự của cuộc sống, biết trân trọng hơn cuộc đời và cố gắng mạnh mẽ hơn mỗi ngày.

Bảng điểm tổng kết năm học của Minh với hầu hết các môn trên 8 điểm, nhiều môn trên 9 điểm. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)
Bảng điểm tổng kết năm học của Minh với hầu hết các môn trên 8 điểm, nhiều môn trên 9 điểm. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

“Em cố gắng rèn cho mình luôn chấp nhận những gì mà mình đang có và suy nghĩ một cách tích cực nhất có thể. Người ta nói, nghịch cảnh không phải là tảng đá cản bước chân ta mà là động lực để ta tiến lên phía trước. Đó cũng là những động lực để em vươn lên, để khẳng định bản thân, để được như ngày hôm nay,” Minh chia sẻ.

Tiến về phía trước…

May mắn lần đầu tiên mỉm cười với Minh là khi em được chuyển vào học trường Nguyễn Đình Chiểu, ở Hoàng Mai, Hà Nội. Em phải học một năm chữ nổi, rồi học lại từ lớp 2. Vì thế, dù sinh năm 1994 nhưng Phùng Văn Minh phải học cùng lứa với các bạn sinh năm 2.000, chậm 6 năm.

Minh bảo, cảm giác được đi học trở lại với em lúc đó như được sinh thêm lần nữa, như người đi giữa sa mạc, đang sắp ngất đi vì khát bỗng gặp ốc đảo. Đó là một niềm hạnh phúc vô bờ!

Em nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới ở trường và ký túc xá. Em hăng say với tất cả các hoạt động ở trường, từ lớp vẽ đến xưởng gốm, học đánh cờ vua. Em tham gia các giải đấu cờ vua, các triển lãm sản phẩm gốm.

Em Phùng Văn Minh chia sẻ về cuộc sống của mình. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)
Em Phùng Văn Minh chia sẻ về cuộc sống của mình. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ khi học lớp 5, Minh đã học xoa bóp, bấm huyệt và bắt đầu làm thêm ngay vào mùa Hè chuyển từ lớp 5 lên lớp 6.

Mùa Hè đầu tiên, em làm được 2 triệu đồng. Số tiền không nhiều nhưng đã mở ra cho Minh hướng đi mới để tự lập. Em làm thêm nhiều hơn, không chỉ mùa Hè mà cả những ngày cuối tuần trong năm học. Bắt đầu từ năm học lớp 8, Minh hoàn toàn tự lo cho cuộc sống của mình mà không cần sự hỗ trợ kinh tế từ gia đình.

Học cấp ba ở trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông, Minh bảo đó là sự lựa chọn đúng đắn. Suốt ba năm học ở đây, em luôn nhận được sự giúp đỡ tận tình của các bạn, thầy cô và cả các phụ huynh. Các thầy cô gom góp cho em mỗi năm từ 5 đến 7 triệu đồng để phụ giúp em tiền ăn. Các bạn thay nhau đưa đón Minh đến lớp, hỗ trợ em bài vở. Một phụ huynh cũ của trường Nguyễn Đình Chiểu khi biết hoàn cảnh của em đã hỗ trợ em tiền thuê nhà. Minh vẫn miệt mài vừa học vừa tranh thủ đi làm để trang trải cuộc sống, chỉ những dịp nghỉ lễ em mới về quê.

“Em rất cảm ơn các thầy cô ở trường Nguyễn Đình Chiểu và Trần Nhân Tông, bạn bè và các nhà hảo tâm đã giúp em có thể học hết chương trình phổ thông, tạo cho em có một cuộc sống hòa nhập tốt với cộng đồng, xã hội. Đó là những điều em rất trân trọng!” Minh chia sẻ.

Thật khó có thể tưởng tượng đó là nơi cậu học trò khiếm thị ấy sống một mình, đơn độc và lủi thủi, giữa Hà Nội rộng lớn, xa hoa, và ồn ã này. Không còn cha, không còn mẹ, không họ hàng, không người thân bên cạnh, Minh tự kiếm sống để nuôi mình và nuôi giấc mơ đến trường… 

Càng nói chuyện với Minh, tôi càng thấy ở em một nghị lực sống phi thường. Minh bảo, chính cuộc sống khó khăn và nhiều thách thức đã giúp em vượt lên chính bản thân mình, để sống có trách nhiệm hơn với mình và với mọi người.

Em tiết kiệm từng đồng tiền ít ỏi có được nhưng luôn tính toán cẩn trọng trong ăn uống sao cho đủ chất để đảm bảo sức khỏe. Em luôn đặt mục tiêu cho từng chặng trong cuộc đời mình và lên kế hoạch cho từng bước thực hiện mục tiêu đó, chắc chắn và kiên định.

“Em bao giờ cũng phải tính đến những tình huống xấu nhất để khi có bất cứ điều gì xảy ra, em cũng không bị động và sẵn sàng đối diện,” Minh nói.

Giấc mơ trung tâm cho người khuyết tật

Tốt nghiệp trung học phổ thông loại giỏi, Minh sẽ được đặc cách tốt nghiệp và không tham gia kỳ thi trung học phổ thông quốc gia do Hà Nội không tổ chức thi riêng cho những trường hợp khiếm thị như em.

Vì thế, những ngày này, Minh đang tất bật chuẩn bị hồ sơ để xin xét tuyển vào các trường đại học. Em chọn hai ngành là Tâm lý và Công tác xã hội của Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Minh cũng dự kiến nộp vào ngành Công tác xã hội và khoa Giáo dục đặc biệt của Đại học sư phạm Hà Nội. Hai trường đều có tiền lệ từng nhận người khuyết tật.

Minh cho biết, bí quyết để đạt kết quả học tập cao của em là học tập trung trong thời gian ngắn thay vì dành quá nhiều thời gian học nhưng không hiệu quả. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)
Minh cho biết, bí quyết để đạt kết quả học tập cao của em là học tập trung trong thời gian ngắn thay vì dành quá nhiều thời gian học nhưng không hiệu quả. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Theo Minh, xã hội hiện đại rất cần những người làm công tác xã hội để định hướng xã hội tiến lên theo chiều hướng tích cực và có thể giúp đỡ các trường hợp khó khăn trong cuộc sống, trong đó có người khuyết tật, để tạo một xã hội tiến bộ nhất có thể. Tuy nhiên, nguồn nhân lực ngành này còn thiếu và rất cần những người đã từng trải qua cuộc sống khó khăn.

“Em nghĩ những người cùng cảnh ngộ sẽ có sự đồng cảm, hiểu người khuyết tật cần gì và vì thế sự giúp đỡ sẽ hiệu quả nhất. Em muốn mình học ngành Công tác xã hội để có thể đóng góp một chút cho xã hội và cộng đồng người khuyết tật ở Việt Nam,” Minh chia sẻ.

Nói về tương lai, cậu học trò khiếm thị say sưa kể về ước mơ của mình, đó là thành lập một trung tâm để hỗ trợ cộng đồng người khuyết tật như em. Trung tâm ấy sẽ chăm sóc, dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, và quan trọng hơn là kết nối người khuyết tật với cộng đồng để người khuyết tật có thể hòa nhập với xã hội một cách tốt nhất và tối đa nhất, có một cuộc sống tốt hơn.

“Em bao giờ cũng phải tính đến những tình huống xấu nhất để khi có bất cứ điều gì xảy ra, em cũng không bị động và sẵn sàng đối diện” – Phùng Văn Minh.

Đấy là đích đến. Em đang đi theo con đường tốt nhất là theo học chính quy trong các trường đại học. Em sẽ phải thuyết phục được hội đồng tuyển sinh rằng em đủ khả năng theo học các chương trình của trường.

Minh bảo, tuy không phải thi nhưng việc xét tuyển cũng là một cuộc cạnh tranh căng thẳng vì sẽ có nhiều bạn khuyết tật như em đến nộp hồ sơ trong khi chỉ tiêu xét tuyển của các trường là có hạn.

Tự tin với hồ sơ và năng lực bản thân, nhưng Minh vẫn xây dựng kế hoạch B, cho trường hợp chẳng may hồ sơ của mình bị từ chối. Em theo học một khóa học chuyên sâu về bán hàng online và đang bán hàng thực phẩm chức năng và mỹ phẩm cho một thương hiệu của Thụy Điển.

Yêu thích môn cờ vua, Minh từng giành huy chương đồng giải cờ vua Không khoảng cách lần thứ hai, năm 2015. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)
Yêu thích môn cờ vua, Minh từng giành huy chương đồng giải cờ vua Không khoảng cách lần thứ hai, năm 2015. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

“Trong trường hợp xấu là bị các trường từ chối, em sẽ vẫn cố gắng đi đến đích, dù bằng con đường vòng,” Minh cười nói.

Tạm biệt Minh, tôi cứ suy nghĩ mãi về những gì em đã trải qua, những bất hạnh, khó khăn, thử thách mà cậu học trò nhỏ bé ấy phải đối diện. Nhưng em không kêu ca, không than vãn, không trách cứ. Ở em là sự tự tin, lạc quan, đầy ước mơ về tương lai tươi sáng, với mong mỏi góp sức vào sự phát triển tốt đẹp hơn của cộng đồng, xã hội.

“Em nghĩ những người cùng cảnh ngộ sẽ có sự đồng cảm, hiểu người khuyết tật cần gì và vì thế sự giúp đỡ sẽ hiệu quả nhất. Em muốn mình học ngành Công tác xã hội để có thể đóng góp một chút cho xã hội và cộng đồng người khuyết tật ở Việt Nam,” Minh chia sẻ.

Tôi lại nhớ đến nụ cười rạng rỡ của em, khi tôi thắc mắc vì sao hơn các bạn cùng lớp đến 6 tuổi, nhưng Minh vẫn trẻ đúng như một cậu học sinh cấp ba. “Em nghĩ lối sống tích cực đã giúp cho thời gian không chạm được đến nhan sắc của em,” Minh nói và cười ngất.

Lối sống tích cực ấy không phải tự nhiên mà có, nó đã được em rèn luyện trong một thời gian dài, và trở thành vũ khí để Minh tiến về phía trước, mặc cho cuộc đời đầy những thử thách, như những tảng đá đeo theo bước chân em./.

Cậu học trò khiếm thị Phùng Văn Minh chia sẻ về cuộc sống của mình. (Nguồn: Vietnam+)