Tuyên bố của Mỹ về Cao nguyên Golan:

20190321t1-1553589800-38.jpg

Tuyên bố mang đến nhiều hệ lụy cho Trung Đông

Minh Trà

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/3/2019 đã ký một sắc lệnh, trong đó nói rằng Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan.

Động thái này được đánh giá là sẽ đem lại nhiều hệ lụy cho khu vực Trung Đông.

Động thái tạo lợi thế cho ông Netanyahu

Sắc lệnh nói trên được đưa ra khi Tổng thống Trump bắt đầu cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng. Sắc lệnh đã chính thức hóa tuyên bố của ông Trump hôm 21/3, khi đó nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng đã đến lúc nước này “công nhận một cách đầy đủ” chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan.

Động thái này được cho là nhằm tạo lợi thế cho ông Netanyahu, trước thềm cuộc bầu cử tại Israel vào ngày 9/4 tới. Trước đó, Thủ tướng Netanyahu đã gây sức ép để Mỹ thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Israel đối với khu vực tranh chấp này và đã đề cập đến trong cuộc gặp đầu tiên của ông với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 2/2017.

Từ trước tới nay, Liên hợp quốc và Mỹ đã luôn kiên định không công nhận việc chiếm đóng của Israel đối với Cao nguyên Golan.

Từ trước tới nay, Liên hợp quốc và Mỹ đã luôn kiên định không công nhận việc chiếm đóng của Israel đối với Cao nguyên Golan, hay khu vực Bờ Tây vì cho rằng lãnh thổ của Israel và nhà nước mới Palestine phải được đàm phán thông qua con đường ngoại giao.

Năm 1967, Israel chiếm Cao nguyên Golan từ Syria trong Cuộc chiến tranh 6 ngày. Đến năm 1981, khi Israel sáp nhập Cao nguyên Golan thành một phần của nước này, chính quyền của Tổng thống Reagan lúc đó đã lập tức trả đũa bằng việc chấm dứt thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Mỹ và Israel.

Tuy nhiên, Israel vẫn tiếp tục nắm quyền điều hành vùng đất này như một phần lãnh thổ của mình và dân số người Do Thái ở đây đã tăng nhanh chóng khi các khu định cư mới của Israel được mở rộng. Kể từ khi chiến tranh ở Syria nổ ra năm 2011, Israel ít bị cộng đồng quốc tế chú ý và gây sức ép phải rút quân ra khỏi Cao nguyên Golan – mảnh đất vốn được coi là rất quan trọng đối với an ninh của nước này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) trao sắc lệnh chính thức công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan trong cuộc gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) tại Nhà Trắng ngày 25/3/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN).
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) trao sắc lệnh chính thức công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan trong cuộc gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) tại Nhà Trắng ngày 25/3/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN).

Giới quan sát nhận định, sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan không giống với quyết định trước đó của ông Trump về việc di dời sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem. Quyết định đó đã được nghị viện phê chuẩn và cũng là việc Tổng thống Trump hoàn thành lời hứa đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm 2016.

Sắc lệnh mới này của ông Trump là lần đầu tiên của một tổng thống Mỹ kêu gọi công nhận Cao nguyên Golan là của Israel và việc này “hoàn toàn là vì ông Netanyahu.”

Hành động của ông Trump sẽ thổi bùng vấn đề vốn đã âm ỉ lâu nay và có thể khiến một số nước cũng sẵn sàng chiếm đóng lãnh thổ nước khác bất chấp việc vi phạm luật lệ quốc tế. 

Sắc lệnh của Tổng thống Trump là bước đi mới nhất trong một loạt các bước nhằm định hình lại vai trò của nước Mỹ trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, và bước đi này hoàn toàn có lợi cho phía Israel.

Giới chuyên gia về hòa bình cho khu vực Trung Đông nhận định hành động của ông Trump sẽ thổi bùng vấn đề vốn đã âm ỉ lâu nay và có thể khiến một số nước cũng sẵn sàng chiếm đóng lãnh thổ nước khác bất chấp việc vi phạm luật lệ quốc tế.

“Quả bom ngoại giao” ở Trung Đông

Quyết định của Tổng thống Trump, mặc dù được phía Israel và một vài nghị sĩ trong nghị viện Mỹ hoan nghênh nhưng đã vấp phải sự chỉ trích từ nhiều quốc gia, đặc biệt là Syria. Hãng tin SANA dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Syria ngày 25/3 có đoạn: “Trong một đòn tấn công rõ ràng vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, Tổng thống Mỹ đã công nhận sự xâm lược đối với Cao nguyên Golan của Syria.”

Bộ Ngoại giao Syria khẳng định Tổng thống Donald Trump không có thẩm quyền để công nhận sự xâm lược này. Bên cạnh đó, SANA dẫn một nguồn tin giấu tên khẳng định, với sự ủng hộ không có giới hạn dành cho Israel, Mỹ đã biến mình thành kẻ thủ hàng đầu đầu của các nước Arab. Trong khi đó, truyền hình Syria dẫn lời Ngoại trưởng Walid Muallem khẳng định bước đi của Tổng thống Trump liên quan tới vấn đề Cao nguyên Golan đã cô lập nước Mỹ.

Ảnh tư liệu: Binh sỹ Israel tham gia huấn luyện trên vùng đất chiếm đóng của Cao nguyên Golan tháng 8/2018. (Nguồn: THX/TTXVN)
Ảnh tư liệu: Binh sỹ Israel tham gia huấn luyện trên vùng đất chiếm đóng của Cao nguyên Golan tháng 8/2018. (Nguồn: THX/TTXVN)

Cùng ngày 25/3, người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric khẳng định chính sách của Liên hợp quốc về Cao nguyên Golan chưa thay đổi. Sau sự kiện năm 1967, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết với sự nhất trí của toàn bộ 15 nước thành viên, nêu rõ “quyết định của Israel áp đặt luật pháp, quyền tài phán và quyền quản lý của nước này đối với Cao nguyên Golan chiếm đóng là vô nghĩa, không có giá trị và không có hiệu lực pháp lý quốc tế.” Nghị quyết cũng yêu cầu Israel rút lại quyết định này.

Ngay sau khi Tổng thống Trump kêu gọi công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, The New York Times – tờ báo hàng đầu của Mỹ – đã bình luận sự kiện này chẳng khác gì “trao cho Thủ tướng Israel một món quà giá trị ngay trước thềm bầu cử,” nhưng “đã phá hủy chính sách của Mỹ đối với Trung Đông được xây dựng nhiều thập kỷ qua.”

Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric khẳng định chính sách của Liên hợp quốc về Cao nguyên Golan chưa thay đổi. 

Theo các nhà phân tích, việc Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan sẽ gây tác động tới toàn bộ khu vực Trung Đông và có thể ảnh hưởng tới cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine từ lâu đã được mong đợi.

Trên thực tế, tuyên bố của ông Trump không thay đổi gì hiện trạng khu vực này bởi hiện không có cuộc đàm phán nào được tiến hành liên quan đến tình trạng của Cao nguyên Golan. Mặc dù sắc lệnh của Tổng thống Trump được coi là một bước đi có tính chất biểu tượng nhưng là quyết định cho thấy ông Trump sẵn sàng “phá” thông lệ ngoại giao và tạo ra một cuộc tranh luận mới về Trung Đông.

Trong khi đó, hãng tin AFP bình luận, việc thừa nhận Cao nguyên Golan thuộc quyền kiểm soát của Israel là một “quả bom ngoại giao” gần đây nhất mà Washington thả xuống nhằm tìm cách vẽ lại bản đồ Trung Đông.

Theo AFP, trước đây, hồi năm 2017, Trump cũng đã đi ngược lại thực tiễn ngoại giao tồn tại hàng chục năm qua khi thừa nhận thành phố Jerusalem bị chiếm đóng là thủ đô của Israel, chứ không phải Tel Aviv.

Hãng tin Reuters cũng nhận định, việc Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan có thể gây phức tạp cho các kế hoạch hòa bình Trung Đông bị trì hoãn lâu nay của Mỹ sau khi bầu cử ở Israel kết thúc.

Khu vực Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng, ngày 25/3/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Khu vực Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng, ngày 25/3/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Định vị chính sách của Mỹ ở Trung Đông

Công Đồng

Mỹ muốn xây dựng một cấu trúc an ninh mới tại Trung Đông, định hình lại trật tự khu vực để bảo vệ các lợi ích cốt lõi.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/3 ký sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, khu vực Israel chiếm đóng của Syria trong cuộc chiến tranh Trung Đông 1967, có thể xem là bước đi tiếp theo nhằm hiện thực hóa chiến lược mới của Mỹ ở Trung Đông.

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã thực hiện nhiều bước đi gây tranh cãi, đảo ngược nhiều chính sách đối ngoại của Mỹ đối với khu vực Trung Đông so với chính quyền tiền nhiệm, thậm chí là kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai đến nay.

Duy trì vị trí lãnh đạo trong khu vực, ngăn chặn bất kỳ quốc gia hay liên minh nào trỗi dậy thách thức vị thế và lợi ích chiến lược của Washington tại Trung Đông, cũng như bảo đảm sự lưu thông dầu mỏ từ vùng Vịnh đến các thị trường thế giới, thúc đẩy cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan, bảo vệ an ninh cho Israel, là những trụ cột trong chính sách đối ngoại của Mỹ tại khu vực này.

Khu vực Trung Đông kể từ sau “Mùa xuân Arab” khởi phát năm 2011 đang trải qua những biến động trong cấu trúc thượng tầng tại nhiều quốc gia. Bất ổn tại Trung Đông đe dọa đến an ninh, ổn định trên toàn cầu, minh chứng rõ nhất chính là sự hình thành và phát triển của tổ chức khủng bố ‘Nhà nước Hồi giáo’ (IS) tự xưng và cuộc khủng hoảng người di cư xuất phát từ các khu vực chiến tranh tại đây.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng trong lễ ký sắc lệnh về việc Mỹ công nhận chủ quyền của Israel với Cao nguyên Golan. (Nguồn: AP)
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng trong lễ ký sắc lệnh về việc Mỹ công nhận chủ quyền của Israel với Cao nguyên Golan. (Nguồn: AP)

Cấu trúc an ninh Trung Đông tuy không bị sụp đổ sau “Mùa xuân Arab,” nhưng không có khả năng khôi phục cân bằng sức mạnh khu vực như trước. Vì vậy, Mỹ muốn xây dựng một cấu trúc an ninh mới tại Trung Đông, định hình lại trật tự khu vực để bảo vệ các lợi ích cốt lõi.

Chính quyền Tổng thống Trump có cách tiếp cận theo định hướng các vấn đề tại khu vực có tác động tương tác lẫn nhau, nên để thiết lập được cấu trúc an ninh mới cần phải có cách tiếp cận trên tầm mức khu vực, không dừng lại ở mỗi quốc gia đơn lẻ.

Mỹ đã chuyển dịch trọng tâm chiến lược sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, xem Nga và Trung Quốc là các đối thủ cạnh tranh chiến lược, đồng thời đang trở thành quốc gia sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới, nên những điều chỉnh trong chính sách đối với Trung Đông cũng được tính toán để phù hợp với chiến lược tổng thể mới trên tầm mức toàn cầu.

Một loạt diễn biến tại Trung Đông thời gian qua đang tác động làm sa sút sức mạnh và ảnh hưởng địa-chính trị của Mỹ. Sự hiện diện và ảnh hưởng ngày càng rõ rệt của Nga tại Trung Đông đương nhiên được coi là mối đe dọa đối với lợi ích của Mỹ trong khu vực.

Một loạt diễn biến tại Trung Đông thời gian qua đang tác động làm sa sút sức mạnh và ảnh hưởng địa-chính trị của Mỹ.

Vị thế của Iran đã được khẳng định sau khi Tehran can dự vào cuộc chiến chống IS tại Trung Đông hay cuộc khủng hoảng Syria. Ảnh hưởng của Iran xuyên khu vực Arab từ Yemen, Iraq, Syria, Liban làm suy yếu vai trò của Saudi Arabia tại Trung Đông và là thách thức trực tiếp đối với Israel, hai đồng minh trụ cột của Mỹ trong khu vực.

Cũng không thể bỏ qua yếu tố năng lượng trong chiến lược Trung Đông. Mặc dù Mỹ đang dần độc lập về năng lượng và trở thành đối thủ cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ tại Trung Đông, nhưng thực tế là nếu nguồn cung dầu thô từ Trung Đông bị gián đoạn do bất ổn tại khu vực khiến giá dầu thế giới tăng, thì tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ bị tác động trực tiếp.

Bên cạnh đó, các đồng minh của Mỹ tại châu Âu phụ thuộc vào năng lượng tại Trung Đông, nên nếu đồng minh châu Âu rơi vào khủng hoảng năng lượng cũng sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ và trật tự quốc tế do Mỹ dẫn dắt.

Ảnh tư liệu: Đoàn xe quân sự Mỹ được triển khai tại thành phố Manbij, Syria, ngày 30/12/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN).
Ảnh tư liệu: Đoàn xe quân sự Mỹ được triển khai tại thành phố Manbij, Syria, ngày 30/12/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN).

Kiềm chế ảnh hưởng của Iran vẫn là trọng tâm không thay đổi trong chiến lược Trung Đông mà chính quyền Tổng thống Donald Trump theo đuổi, song hướng tiếp cận rõ ràng cứng rắn hơn nhiều so với thời người tiền nhiệm Barack Obama. Bước điều chỉnh này bắt nguồn từ quan điểm rằng việc Iran củng cố vai trò chủ đạo trong các vấn đề khu vực làm suy yếu hệ thống đồng minh và giảm sức ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông.

Đó là căn nguyên của chính sách xem Tehran là “nhân tố gây bất ổn” tại khu vực, và cũng là luận điểm để Washington lý giải cho quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran.

 Mỹ đặt mục tiêu thiết lập một cấu trúc an ninh khu vực dựa trên “trục đồng minh” gồm Saudi Arabia-Israel-Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), vốn cũng là các quốc gia “thù địch” với Iran.

Chiến lược của Mỹ là thông qua các biện pháp trừng phạt và cô lập nhằm tăng áp lực tối đa với Iran, buộc Iran quay lại bàn đàm phán với các điều kiện do Mỹ đưa ra và “thay đổi cách hành xử” của Tehran tại khu vực.

Mặt khác, Mỹ đặt mục tiêu thiết lập một cấu trúc an ninh khu vực dựa trên “trục đồng minh” gồm Saudi Arabia-Israel-Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), vốn cũng là các quốc gia “thù địch” với Iran.

Mỹ đã thúc đẩy thành lập Liên minh chiến lược Trung Đông (MESA) nhân chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Saudi Arabia năm 2017. Với liên minh bao gồm các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Ai Cập, Jordan và Mỹ, Washington hy vọng một cấu trúc an ninh tập thể mạnh của khối Arab do Mỹ lãnh đạo tại Trung Đông sẽ giúp các nước khu vực giải quyết những thách thức an ninh của mình, giúp Mỹ giảm hiện diện quân sự trực tiếp tại khu vực song vẫn duy trì được vị thế chủ đạo và ngăn chặn được các đối thủ như Nga hay Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng.

Ông Trump muốn thông qua MESA để lập liên minh quân sự như NATO để khống chế Iran.
Ông Trump muốn thông qua MESA để lập liên minh quân sự như NATO để khống chế Iran.

Mỹ cũng muốn dựa vào cơ chế MESA để thúc đẩy khối Arab ủng hộ “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” do Mỹ xây dựng. Nếu kế hoạch hòa bình có thể giúp Israel và Arab bình thường hóa quan hệ thì triển vọng Israel gia nhập khối MESA trong tương lai trở nên sáng sủa.

Các chính quyền Mỹ trước đây khi hoạch định chính sách Trung Đông thường ưu tiên các trụ cột chính trị và quốc phòng, nhưng chính quyền Tổng thống Trump thêm trụ cột mới là kinh tế và năng lượng. Mỹ muốn cơ chế MESA sẽ giúp thúc đẩy chính các nước trong liên minh tăng cường liên kết kinh tế, thương mại và đầu tư để tăng tính liên kết khu vực, qua đó các nước sẽ có trách nhiệm hơn trong giải quyết các thách thức an ninh chung của khối.

Quan trọng hơn, MESA sẽ điều phối các nước Arab thay thế Mỹ cung cấp tài chính cho các chương trình ổn định tình hình khu vực. Một khi khối Arab tại Trung Đông gia tăng liên kết kinh tế, cũng tạo cơ hội cho Israel bình thường hóa quan hệ với Arab.

Kế hoạch thúc đẩy một cấu trúc an ninh mới tại Trung Đông là trọng tâm của chiến lược để bảo đảm Mỹ có thể duy trì ảnh hưởng và tái can dự vào khu vực thông qua những dạng thức mới.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều trở ngại cho kế hoạch của Mỹ vì khu vực Trung Đông hiện nay chưa có một cấu trúc an ninh chung hiệu quả. Các nước Arab vẫn còn bất đồng trong chính sách đối với Iran. Mỹ, Saudi Arabia, UAE, Bahrain ủng hộ thành lập MESA để tăng tính hiệu quả trong chính sách đối với Iran, nhưng Ai Cập, Jordan, Qatar vẫn còn nhiều lưỡng lự. Ngoài Saudi Arabia, UAE và Bahrain, các quốc gia Arab còn lại không muốn đối đầu quân sự với Iran.

Bên cạnh đó, một số quốc gia Arab nhỏ và yếu không muốn tham gia một cấu trúc an ninh có khả năng sẽ dẫn tới mất chủ quyền quốc gia vì phụ thuộc vào chính sách và phục vụ lợi ích của các nước lớn hơn, nhất là Saudi Arabia.

Có thể hiểu kế hoạch thúc đẩy một cấu trúc an ninh mới tại Trung Đông là trọng tâm của chiến lược để bảo đảm Mỹ có thể duy trì ảnh hưởng và tái can dự vào khu vực thông qua những dạng thức mới, trước hết là củng cố cán cân sức mạnh có lợi cho Washington.

Tuy nhiên, Trung Đông luôn tồn tại nhiều mâu thuẫn có tính lịch sử về tôn giáo, dân tộc, địa-chính trị và can dự nước lớn, cũng là khu vực mà tính liên kết về chính trị, kinh tế và thương mại nội tại chưa cao, yếu tố đối đầu còn lớn. Bởi vậy, chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như đang tạo ra những rủi ro nhất định, khi những thay đổi ở Trung Đông luôn diễn biến theo hướng một mâu thuẫn khép lại thì cũng là lúc một mâu thuẫn khác nảy sinh./.