Cách mạng tháng Tám:

anhbiabai-1597750751-14.jpg

Cách đây 75 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Đặc biệt, dấu mốc 19/8/1945-cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội, đã tạo bước đệm cho các địa phương khác vùng lên giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân.

Cách mạng tháng Tám là kết quả một quá trình đấu tranh lâu dài, kiên cường, bất khuất của nhân dân ta, được tôi luyện trong thử thách gian khổ, trong máu lửa đấu tranh lật đổ chế độ thực dân, đế quốc hàng trăm năm, để tới ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc ta.

Cách mạng tháng Tám cũng là kết tinh của tinh thần, ý chí tự lực tự cường, của trí tuệ con người Việt Nam, của truyền thống lịch sử và văn hóa Việt Nam, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là thành quả rực rỡ của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Những giá trị lịch sử, thực tiễn sâu sắc của Cách mạng tháng Tám đã được lớp lớp các thế hệ hôm nay và mai sau học hỏi, vận dụng và phát triển từ những bài học kinh nghiệm quý giá, những tư tưởng mang tầm thời đại vào công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Cách mạng tháng Tám (19/8/1945-19/8/2020), Quốc khánh 2-9 (2/9/1945-2/9/2020), VietnamPlus xin gửi tới bạn đọc chùm bài: Cách mạng tháng Tám: Mùa Thu lịch sử và khúc tráng ca hào hùng.

Những tháng ngày sôi sục hòa chung nhịp con tim và khối óc

Cứ mỗi lần nhớ về những ngày tháng Tám lịch sử 75 năm trước đây, khí thế hừng hực và tinh thần cống hiến hết mình cho Tổ quốc để viết nên những khúc tráng ca hào hùng vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của những cựu đoàn viên thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu.Để mỗi khi nhớ lại, họ không khỏi xúc động bồi hồi, nhưng cũng không giấu nổi sự tự hào khi đã cống hiến vẹn nguyên cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc…

Năm nay đã 94 tuổi, song ông Lê Đức Vân (tức Nguyễn Hữu Phúc), Trưởng Ban liên lạc Đoàn thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu vẫn còn mẫn tiệp và nhớ rành rọt về những ký ức không khí hào hùng, khúc tráng ca Cách mạng tháng Tám của 75 năm về trước với những Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu ngày ấy.

Ông Lê Đức Vân (tức Nguyễn Hữu Phúc), Trưởng Ban liên lạc Đoàn thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu.
Ông Lê Đức Vân (tức Nguyễn Hữu Phúc), Trưởng Ban liên lạc Đoàn thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu.

Giọng nói chậm rãi, ông Vân kể, 16 tuổi-khi còn là một học sinh trường Bưởi, ông cùng với một số bạn bè đồng trang lứa đã được giác ngộ lý tưởng chống đế quốc Pháp, phát xít Nhật và bắt đầu tham gia Cách mạng thông qua những buổi trò chuyện với các đàn anh học khóa trên.

Qua các bài giảng trong nhà trường, học sinh được biết đến tinh thần yêu nước và cách mạng, trau dồi ý thức dân tộc. Thế rồi, với hơn 10 học sinh cùng khóa, ông đã lập nên nhóm Tu Thân (với ý nghĩa rèn luyện sức khỏe, học giỏi, có ích cho đất nước), sau phát triển nhóm lên 20 người và đổi tên thàng đội Ngô Quyền (nhằm noi gương các bậc tiền bối như đã đánh đuổi quân Nam Hán).

Tốt nghiệp năm 1942, một năm sau, ông được đồng chí Lê Quang Đạo [Nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng thành phố Hà Nội giai đoạn 1943-1944-PV] cho đi học lớp huấn luyện đào tạo Đảng viên tại Cẩm Giàng, Hải Hưng cũ để đảm bảo an ninh, an toàn. Lớp học khi đó mang tên Hoàng Văn Thụ-người chiến sỹ vừa hy sinh, để nhắc nhở “Một người đảng viên ngã xuống thì sẽ có thêm một lớp đảng viên trẻ khác sẵn sàng nối bước đi lên.”

Lớp học khi đó mang tên Hoàng Văn Thụ-người chiến sỹ vừa hy sinh, để nhắc nhở “Một người đảng viên ngã xuống thì sẽ có thêm một lớp đảng viên trẻ khác sẵn sàng nối bước đi lên.”

“Lớp huấn luyện đào tạo đảng viên chuyên về công tác cách mạng sẽ thực hiện 5 bước gồm điều tra, tuyên truyền, tổ chức, tranh đấu và bí mật đã giúp những chàng trai trẻ như tôi hiểu rõ về đường lối hoạt động, phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của cấp trên giao,” ông Vân bồi hồi nhớ lại.

Cuối năm 1942, Trung ương Đảng có chỉ thị cho các Đảng bộ, đặc biệt là các thành phố lớn phải tổ chức Ban dân vận và ra một tờ báo riêng. Sau đó, ông Vân cùng 2 đồng chí đã ra tờ báo Hồn Nước (ban đầu có 2 trang nhưng sau tăng lên 4 trang) chủ yếu viết tin tức hoạt động của Việt Minh và phải ra tận ngoại thành Hà Nội in, nhưng cũng phải đổi địa điểm đến 5 lần để tránh bị địch phát hiện…

Tờ báo Hồn nước vẫn được ông Lê Đức Vân lưu giữ như một kỷ vật. 
Tờ báo Hồn nước vẫn được ông Lê Đức Vân lưu giữ như một kỷ vật. 

Trước yêu cầu của cách mạng và dưới sự lãnh đạo của Đảng, tháng 8/1944, tại số 46 phố Bát Đàn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu chính thức được thành lập. Khi đó, ông Vân cùng đông đảo học sinh của các trường Bưởi, Thăng Long, Gia Long, Đồng Khánh, Văn Lang… đã hoạt động công khai, tuyên truyền về tổ chức Việt Minh ở nơi công cộng như các chợ, trường học, rạp chiếu bóng, xí nghiệp bằng nhiều hình thức từ tuyên truyền miệng đến rải truyền đơn nhằm chuyển tải đến mọi tầng lớp nhân dân về lý tưởng cách mạng soi đường.

Đội tuyên truyền thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu, Đội tự vệ xung phong ngoại thành chính là tiền thân của lực lượng vũ trang Hà Nội đã góp sức lớn trong việc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 19/8

“Đội tuyên truyền thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu (thực hiện các nhiệm vụ rải, dán truyền đơn, truyền tay các tin tức cách mạng, kết hợp với các cuộc mít tinh, biểu tình vũ trang), Ðội danh dự trừ gian (nhiệm vụ diệt đầu xỏ mật thám), Đội tự vệ xung phong ngoại thành (được trang bị vũ trang) chính là tiền thân của lực lượng vũ trang Hà Nội đã góp sức lớn trong việc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 19/8,” ông Vân nhấn mạnh.

Giữa năm 1944, phát xít Nhật đảo chính Pháp, phong trào đội ngũ thanh niên Hà Nội tuyên truyền công khai và nhận được sự tham gia của đông đảo người dân. Trước những ngày Tổng khởi nghĩa, ánh sáng của mùa Thu cách mạng đã lan tỏa, hòa vào con tim, khối óc của mỗi người.

Nắm được tin Tổng hội viên chức của Chính phủ Trần Trọng Kim sẽ tổ chức cuộc mít-tinh vào 14 giờ chiều ngày 17/8/1945 tại quảng trường Nhà hát lớn với mục đích “lên dây cót” tinh thần, hô hào quần chúng ủng hộ, theo chủ trương của Ban lãnh đạo khởi nghĩa, ông Vân và hàng vạn thanh niên được triệu tập huy động đến dự và nhận nhiệm vụ “biến” buổi lễ thành cuộc mít-tinh ủng hộ Việt Minh tiến tới khởi nghĩa.

Cuộc mít-tinh của địch vừa bắt đầu, các thanh niên cứu quốc bất ngờ chiếm lấy diễn đàn, đứng lên diễn thuyết, báo tin Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, kêu gọi nhân dân đứng lên ủng hộ Việt Minh, đánh đổ chính phủ bù nhìn thân Nhật, giành chính quyền. Ngay lập tức, lá cờ đỏ sao vàng từ gác Nhà hát lớn được buông xuống. 2 vạn người tham dự gồm tất cả các tầng lớp công nhân, phụ nữ, thanh niên cứu quốc đi dự đều phất cao lá cờ đỏ sao vàng bằng giấy giấu trong áo.

“Dự định ban đầu chỉ là phá mít-tinh, xong giải tán, tuy nhiên, có đồng chí giõng dạc hô to: ‘đồng bào theo tôi, phất lá cờ đỏ sao vàng bằng vải’ và tất cả mọi người đi theo biến thành cuộc biểu tình từ Nhà hát lớn đi dọc tuyến phố Tràng Tiền, ra Bờ Hồ, rồi Hàng Ngang, Hàng Đào, rẽ lên Cửa Bắc đến Phủ khâm sai (tức Bắc bộ phủ), rồi vòng về Cửa Nam,” ông Vân hồi tưởng.

Đoàn biểu tình đi đến đâu, người dân đi theo và càng ngày càng đông. Tới chập tối, đoàn chia thành các nhóm nhỏ đi theo các tuyến phố, vừa đi vừa hô vang khẩu hiểu “ủng hộ Việt Minh, đả đảo chính phủ bù nhìn, đả đảo Nhật-Pháp”.

“Việc phá lễ mít-tinh của địch ngày 17/8 đã tạo tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa 19/8 thành công,” ông Vân nhấn mạnh giá trị cốt lõi của lịch sử Cách mạng tháng Tám.

Việc phá lễ mít-tinh của địch ngày 17/8 đã tạo tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa 19/8 thành công

Ngay tối cùng ngày, Ủy ban Quân sự cách mạng và Thành ủy Hà Nội đã họp và đi đến quyết định khởi nghĩa tại Hà Nội vào sáng 19/8.

Đúng 11 giờ ngày 19/8, cuộc mít tinh bắt đầu. Ngay sau khi nghe Ủy ban Khởi nghĩa hiệu triệu, quần chúng nhân dân chia thành hai đoàn biểu tình có lực lượng vũ trang dẫn đầu đi chiếm Phủ khâm sai, Tòa thị chính, Trại bảo an binh và một số cơ sở hành chính khác. Đến chiều tối ngày 19/8/1945, hầu hết các cơ quan đầu não của chính quyền bù nhìn thân Nhật đã lọt vào tay cách mạng.

Ngày 20/8/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập chính quyền cách mạng lâm thời ở Bắc Bộ, đóng trụ sở ở Phủ Khâm sai và cử đồng chí Nguyễn Khang làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng Bắc Bộ và thông báo tới các địa phương: Hà Nội đã giành chính quyền và các địa phương cũng đồng loạt khởi nghĩa.

“Hình ảnh người dân tay cầm cờ đỏ sao vàng phất phới bay, ai cũng hô hào ‘ủng hộ Việt Minh’ với vẻ mặt tỏa ra sự rạng ngời, vui sướng trong ngày 19/8 chính là khúc tráng ca hào hùng lịch sử để tới ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc ta,” ông Vân hồ hởi nói với nụ cười thật rạng rỡ.

Ánh sáng của mùa Thu cách mạng luôn là niềm tin, là ngọn lửa rực cháy trong tim người thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Chúng tôi nghĩ rằng đã hy sinh tuổi thanh xuân không hoang phí và luôn luôn tự hào đã hiến trọn cuộc đời mình cho cách mạng

Trời chạng vạng chiều tà, câu nói cuối cùng của ông lúc chia tay khiến chúng tôi cảm phục về suy nghĩ của lớp thanh niên cứu quốc ngày ấy: “Ánh sáng của mùa Thu cách mạng luôn là niềm tin, là ngọn lửa rực cháy trong tim người thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Chúng tôi nghĩ rằng đã hy sinh tuổi thanh xuân không hoang phí và luôn luôn tự hào đã hiến trọn cuộc đời mình cho cách mạng”./.

Những người kế thừa

TINH THẦN CÁCH MẠNG THÁNG TÁM

VietnamPlus

75 năm sau, tinh thần Cách mạng tháng Tám vẫn được giữ vững, xứng đáng với truyền thống con cháu Lạc Hồng và đúng như lời dặn dò trong di chúc của Bác Hồ đối với Thanh niên: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, đào tạo họ trở thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên.”

Những khát vọng về tự cường dân tộc đã và đang được thể hiện bằng những phong trào hành động mang đậm sức trẻ, đầy tinh thần nhiệt huyết, sáng tạo của thế hệ đoàn viên, thanh niên ngày hôm nay.

Xứng đáng với kỳ vọng của cha ông

Lứa thanh niên tuổi 16, đôi mươi của Đoàn thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu ngày ấy nay đã ngoài 90 tuổi, tóc đã bạc trắng, sức khỏe cũng kém đi rất nhiều nhưng mỗi khi nhắc về thời khắc lịch sử của Cách mạng tháng Tám, họ luôn có niềm tin vào thế hệ thanh niên hiện nay sẽ tiếp tục “cháy hết mình”.

“Chúng tôi kỳ vọng vào sức trẻ của lực lượng thanh niên hiện nay. Chúng tôi muốn nhắn nhủ thế hệ trẻ phải có nhiệt tình cách mạng, có lòng yêu nước và đồng thời phải có sự cống hiến, có tri thức,” ông Lê Đức Vân (tức Nguyễn Hữu Phúc), Trưởng Ban liên lạc Đoàn thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu chia sẻ.

Ông Lê Đức Vân (tức Nguyễn Hữu Phúc), Trưởng Ban liên lạc Đoàn thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu và ông Nguyễn Tiến Hà (tức Nguyễn Hữu Tự), Phó Ban liên lạc Đoàn thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu.
Ông Lê Đức Vân (tức Nguyễn Hữu Phúc), Trưởng Ban liên lạc Đoàn thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu và ông Nguyễn Tiến Hà (tức Nguyễn Hữu Tự), Phó Ban liên lạc Đoàn thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu.

Ngồi kế bên, ông Nguyễn Tiến Hà (tức Nguyễn Hữu Tự), Phó Ban liên lạc Đoàn thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu cũng nhắc nhớ về những ngày tháng lịch sử, khi hàng vạn thanh niên trẻ Hà Nội những năm 1940 đã được tôi luyện, rèn rũa ý chí tinh thần luôn chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để giành chính quyền đồng thời nhấn mạnh rằng thế hệ trẻ ngày nay vẫn giữ được cái tinh thần nhiệt huyết, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

“Thế hệ chúng tôi dù có vô vàn khó khăn, gian khổ nhưng bằng niềm tin, tình yêu nước nồng nàn đã đứng lên giành lại chính quyền về tay nhân dân. Thế hệ thanh niên ngày nay được sống trong hòa bình, hạnh phúc nên càng phải cố gắng vươn lên để đưa Việt Nam có thể sánh vai cùng các cường quốc năm châu như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã răn dạy,” ông Hà gửi gắm niềm tin vào lớp thanh niên ngày nay.

“Thế hệ chúng tôi dù có vô vàn khó khăn, gian khổ nhưng bằng niềm tin, tình yêu nước nồng nàn đã đứng lên giành lại chính quyền về tay nhân dân.”

Ông Hà khẳng định dù ở bất cứ thời kỳ nào, thanh niên vẫn là lực lượng nòng cốt và có những đóng góp lớn vào tất cả các sự kiện trọng đại của đất nước.

“Những đoàn viên, thanh niên ngày nay đang hội tủ các yếu tố đức-tài-trí-dũng. Vì thế, các cấp chính quyền, đoàn thể cần có các chương trình, chính sách, hành động để khơi dậy tinh thần yêu nước cũng như thực hiện được lời căn dặn của Bác với mong mỏi các thế hệ tương lai của Việt Nam phải không ngừng cố gắng học tập, vươn lên tiếp thu những thành tựu khoa học-kỹ thuật tiên tiến của thế giới, tự đào tạo mình trở thành một lực lượng lao động quyết định, có đủ khả năng đưa đất nước sánh vai với các cường quốc trên thế giới,” người cựu thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu bày tỏ.

Sứ mệnh lịch sử đặt tiếp trên vai thế hệ trẻ

Tại buổi gặp mặt truyền thống nam, nữ Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu vào sáng 17/8, Ngô Phú Thảo, nữ cán bộ Ban trường học Thành đoàn Hà Nội bày tỏ sự xúc động qua các câu chuyện lịch sử về những ngày Cách mạng tháng Tám cách đây 75 năm về trước.

Ngô Phú Thảo, nữ cán bộ Ban trường học Thành đoàn Hà Nội.
Ngô Phú Thảo, nữ cán bộ Ban trường học Thành đoàn Hà Nội.

Hòa chung không khí của tháng Tám hào hùng, những người trẻ như Thảo cảm nhận và thấy rằng được sinh ra và lớn lên trong thời bình càng thấy trân trọng và tự hào về lịch sử đồng thời ý thức sâu sắc rằng nền độc lập, tự do, thống nhất mà hôm nay có được đã phải đổi bằng xương máu và tuổi xuân của bao thế hệ cha anh đi trước.

Chính vì thế, cô gái trẻ này nhấn mạnh đến trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay là phải gìn giữ và phát huy được những thành quả cách mạng, xứng đáng với sự tin yêu và kỳ vọng của thế hệ cha ông.

“Trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay đang đặt trên vai thế hệ trẻ sứ mệnh lịch sử… đòi hỏi thế hệ trẻ phải nỗ lực phấn đấu, phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám gắng sức học tập, xây dựng hoài bão, chinh phục những tiến bộ khoa học-công nghệ để dựng xây đất nước ngày càng giàu mạnh, có vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao,” Thảo bày tỏ.

Theo số liệu thống kê của Thành đoàn Hà Nội, đến nay, số lượng đoàn viên là 656.444 trong đó đoàn viên mới được kết nạp sáu tháng của năm 2020 lên tới 3.864; đoàn viên ưu tú được giới thiệu kết nạp Đảng sáu tháng của năm nay là 875.

Có được đội ngũ đông đảo như vậy là nhờ Thành đoàn Hà Nội liên tục đổi mới các phong trào thi đua yêu nước; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, truyền thống; giáo dục tinh thần yêu nước, đoàn kết… cho thanh niên.

Để bắt kịp với tình hình mới trong một thế giới đầy biến động, Thành đoàn cũng chủ động nắm bắt và dự báo tình hình tư tưởng thanh niên, động viên khuyến khích những người trẻ “không đứng ngoài thời cuộc,” nêu cao tinh thần xung kích để gánh vác trách nhiệm xây dựng một Việt Nam hùng cường.

Mặt khác, với tư cách là “cánh tay nối dài” của Đảng và cũng là lực lượng nòng cốt trong việc cấu thành đội ngũ cán bộ của Đảng, đội ngũ cán bộ đoàn thể có vị trí, vai trò quan trọng trong việc tập hợp lực lượng quần chúng, tạo thành sức mạnh của Đảng, của cách mạng…

Cũng như nhiều bạn trẻ đang là cán bộ đoàn đầy năng nổ, Thảo cho rằng tuổi trẻ Việt Nam luôn gắn liền với những truyền thống vẻ vang của dân tộc. Đó là truyền thống yêu nước nồng nàn, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Dù ở bất cứ thời điểm nào, thế hệ trẻ Việt Nam cũng là lớp người tiếp nối truyền thống yêu nước, bất khuất của nhân dân ta, luôn đi đầu xả thân vì nghĩa lớn.

“Thực hiện lời dạy của Bác Hồ ‘Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên đi đầu,’ thế hệ trẻ chúng em luôn nêu cao tinh thần hăng hái sẵn sàng xung phong đến những nơi Tổ quốc cần, dù đó là biên cương hay hải đảo, dù công việc đó là mới mẻ hay khó khăn,” Thảo tự tin nói./.

Dù ở bất cứ thời điểm nào, thế hệ trẻ Việt Nam cũng là lớp người tiếp nối truyền thống yêu nước, bất khuất của nhân dân ta, luôn đi đầu xả thân vì nghĩa lớn.

Thanh niên thời đại mới

viết tiếp những trang vàng lịch sử

Những giá trị lịch sử của Đoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu đóng góp vào thắng lợi Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị. Và, lớp thanh niên trẻ trong thời đại ngày nay đang hiện thực hóa bằng nhiều hành động cụ thể trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

GIỮ LỬA VÀ TRUYỀN LỬA

Theo anh Nguyễn Ngọc Việt, Bí thư Thành đoàn Hà Nội, Cách mạng tháng Tám thành công để lại cho chúng ta những bài học kinh nghiệm vỹ đại về “nhận thức thời cơ, chủ động đón thời cơ và kiên quyết chớp thời cơ”; sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, khéo léo của Đảng đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Anh Nguyễn Ngọc Việt, Bí thư Thành đoàn Hà Nội.
Anh Nguyễn Ngọc Việt, Bí thư Thành đoàn Hà Nội.

Trong tiến trình lịch sử đó, các thế hệ thanh niên Hà Nội-mà tiêu biểu Đoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu, đã kiên trung bất khuất đi theo con đường cách mạng của Đảng và Bác Hồ, cùng với nhân dân Hà Nội làm nên những chiến tích thần kỳ trong đấu tranh giành độc lập, xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô, đất nước.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội gắn liền với tên tuổi và sự cống hiến của những chiến sỹ cộng sản, những quần chúng yêu nước thuộc thế hệ cách mạng lão thành, trong đó tiêu biểu là các đoàn viên của Đoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu. Điều đó cho thấy ở những thời điểm khó khăn nhất, vai trò của thanh niên là vô cùng rõ ràng và cũng là nòng cốt để giành chính quyền.

“Giữ lửa và truyền lửa, tiếp bước truyền thống các thế hệ thanh niên đã hy sinh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm, trọng trách của tuổi trẻ Thủ đô. Qua từng giai đoạn, từng thời kỳ, ngọn lửa truyền thống trong lớp lớp thanh niên Thủ đô vẫn luôn được gìn giữ và trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác với nhiều phong trào hành động cách mạng tiêu biểu,” Bí thư Thành đoàn Hà Nội khẳng định.

Tiếp nối truyền thống của thế hệ thanh niên Thủ đô đi trước và những bài học kinh nghiệm từ thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám, Đoàn Thanh niên thành phố Hà Nội đã vận dụng sáng tạo và phát triển những bài học kinh nghiệm quý giá của Cách mạng Tháng 8, truyền thống tiêu biểu của Đoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu vào trong công tác giáo dục, thu hút, tập hợp, đoàn kết thanh niên cùng chung một mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thông qua các phong trào hành động cách mạng tiêu biểu như “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo” và “Xung kích bảo vệ Tổ quốc” trên các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội; khởi nghiệp, lập nghiệp; xây dựng nông thôn mới; giữ vững quốc phòng an ninh, đảm bảo an sinh xã hội…

“Đã có hàng trăm nghìn công trình, phần việc thanh niên, hàng vạn đội thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích, hàng trăm tỷ đồng được làm lợi hoặc làm ra từ các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ. Đó là những bằng chứng sinh động khẳng định sức mạnh của tuổi trẻ Thủ đô trong thời kỳ đổi mới; thể hiện sự nối tiếp truyền thống vẻ vang, thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất, tinh thần xung kích, tình nguyện, ý thức trách nhiệm của thanh niên với Thủ đô và đất nước,” anh Việt nhấn mạnh.

Đặc biệt khi dịch COVID-19 xuất hiện trong giai đoạn mới, tình hình mới, Đoàn Thanh niên Thành phố đã kịp thời chỉ đạo các cơ sở Đoàn trực thuộc ra quân lập nên một “phòng tuyến áo xanh” vững chắc cùng cả hệ thống chính trị phòng chống dịch.

Với tinh thần xung kích đã và đang vào cuộc hiệu quả, lực lượng thanh niên đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm tiên phong của tuổi trẻ với nhiều hoạt động ý nghĩa, sáng tạo cùng hằng trăm đội thanh niên tình nguyện sẵn sàng hỗ trợ địa phương, đơn vị trong công tác phòng dịch, ra quân tuyên truyền, thực hiện nhiều phần việc ý nghĩa trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng; lan tỏa hình ảnh màu áo xanh Thủ đô trên diễn đàn mạng xã hội tuyên truyền hiệu quả, sáng tạo các nội dung phòng, chống dịch, thu hút thanh niên, nhân dân trong cả nước.

PHÁT HUY TRUYỀN THỐNGCỐNG HIẾN SỨC TRẺ

Đứng trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với những yêu cầu và đòi hỏi của thời đại về một thế hệ thanh niên đủ “nhạy bén” với tư duy sáng tạo và khả năng kế thừa những giá trị truyền thống, Thành đoàn Hà Nội kỳ vọng trong thời gian tới, mỗi người trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục “phát huy truyền thống-cống hiến sức trẻ” thể hiện vai trò, sức mạnh đoàn kết cùng chung một mục tiêu xây dựng và bảo vệ Thủ đô, đất nước. Đoàn viên, thanh niên chủ động tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, kiên quyết đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đặc biệt nêu cao tinh thần đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo với phương châm cương quyết, tỉnh táo, không bị kích động.

“Thành đoàn Hà Nội cam kết xây dựng Đoàn Thanh niên Thành phố và hệ thống chính trị của Thủ đô vững mạnh; khẳng định sức mạnh của tuổi trẻ và hiệu quả việc vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm từ thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám vào công cuộc xây dựng đất nước hôm nay; thể hiện sự nối tiếp truyền thống vẻ vang, thể hiện ý chí, tinh thần xung kích, tình nguyện, ý thức trách nhiệm của thanh niên với Thủ đô và đất nước,” anh Việt chia sẻ.

Người đứng đầu Thành đoàn Hà Nội cũng nhấn mạnh đến công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên là một trong những yếu tố có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong xây dựng, củng cố tình cảm, niềm tin, bản lĩnh chính trị cho người trẻ; qua đó xây dựng thế hệ trẻ có hoài bão, lý tưởng, khát vọng và trách nhiệm để xứng đáng làm chủ nước nhà.

Mặt khác, Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị gắn với các sự kiện trọng đại của Thủ đô, đất nước, kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng và dân tộc; coi đây là những giải pháp quan trọng để giáo dục chính trị, bồi đắp lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, được thanh thiếu niên yêu thích, đón nhận.

Với tinh thần xung kích đã và đang vào cuộc hiệu quả, lực lượng thanh niên đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm tiên phong của tuổi trẻ.

Nhiều mô hình đã được thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả như “Câu lạc bộ 05”, “Câu lạc bộ lý luận trẻ” với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trẻ Thủ đô; thực hiện cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”…, trở thành công cụ hỗ trợ hiệu quả để nắm bắt tình hình dư luận xã hội, định hướng, giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên.

Để phù hợp với thị hiếu của thanh niên, thu hút thanh niên và đạt hiệu quả trong giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên trên trong giai đoạn hiện nay, anh Việt cho rằng bản thân tổ chức Đoàn các cấp phải làm tiên phong trong nắm bắt đặc điểm tâm lý của thanh niên để không ngừng thay đổi, sáng tạo, làm mới các cách thức tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng; để từ đó tác động trực tiếp tới ý thức và mong muốn chung tay lan tỏa, tuyên truyền tới những người xung quanh của mỗi người trẻ./.