Bundesliga

640x360-1518693937-51.jpg

Mọi chuyện bắt đầu từ tháng 2/2018, khi Chủ tịch câu lạc bộ Hannover Martin Kind đưa đơn lên Ủy ban quản lý bóng đá chuyên nghiệp Đức (DFL) xin lấy lại toàn bộ cổ phần của câu lạc bộ Hannover 96.

Điều này có nghĩa là, nếu được chấp thuận, luật 50+1 ở câu lạc bộ này sẽ không còn hiệu lực và Martin Kind sẽ là ông chủ đầu tiên của một câu lạc bộ bóng đá Đức.

Mặc dù chỉ mấy ngày sau đó, Martin Kind đã tự nguyện xin rút đơn. Nhưng những ý kiến cho rằng luật 50+1 của Đức nên sớm bị loại bỏ để tạo tiền đề cho một cuộc cách mạng ở Bundesliga đã có từ trước đó lại một lần trở thành đề tài nóng.

Vào ngày 5/2, ban lãnh đạo DFL gồm 9 thành viên đã chính thức bắt đầu họp và nghiên cứu để sửa đổi điều luật này.

Luật 50+1 là gì?

Bundesliga là nơi duy nhất ở châu Âu áp dụng Luật 50+1. Điều luật này quy định: Một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp muốn được cấp phép thi đấu phải sở hữu ít nhất 50% số vốn của câu lạc bộ và 1% còn lại thuộc về thành viên của họ (người hâm mộ).

Với luận này, không một cá nhân nào, dù có nhiều tiền đến đâu cũng không thể nắm được một câu lạc bộ chuyên nghiệp Đức.

“Luật 50+1 tuy không sai nhưng ở thời điểm này nó có còn hợp lý hay đang kìm hãm sự phát triển của bóng đá Đức?”

“Nhìn thực trạng Bundesliga những năm gần đây trong bối cảnh thị trường bóng đá châu Âu thì vấn đề được đặt ra là: luật 50+1 tuy không sai nhưng ở thời điểm này nó có còn hợp lý hay đang kìm hãm sự phát triển của bóng đá Đức?”

Chỉ có hai ngoại lệ trong số 18 đội của Bundesliga, đó là Bayer 04 Leverkusen với 100% số vốn của Cty hóa chất Bayer và VfL Wolfsburg cũng với 100% vốn của Tập đoàn VW. Với 16 đội còn lại, họ phải chịu sự quản lý cũng như hạn chế của luật 50+1.

Leverkusen và Wolfsburg là hai ngoại lệ ở Bundesliga.
Leverkusen và Wolfsburg là hai ngoại lệ ở Bundesliga.

TSG Hoffenheim và RB Leipzig ai cũng biết thuộc về Dietmar Hopp của tập đoàn công nghệ phần mềm SAP và Dietrich Mateschitz của tập đoàn Red Bull. Nhưng hai câu lạc bộ này do phải lách luật nên họ cũng không thể có hoàn toàn quyền lực thao túng câu lạc bộ.

Nếu như nhìn lại toàn cảnh bóng đá châu Âu hiện nay và thực trạng của Bundesliga trong mấy năm gần đây mà cụ thể nhất là mùa bóng đang diễn ra thì vấn đề được đặt ra là: luật 50+1 tuy không sai nhưng nó có còn hợp lý hay đang kìm hãm sự phát triển của bóng đá Đức.

Sự “mất tích đầy bí ẩn” của “kẻ săn Bayern”

Ở Bundesliga mùa này, khi Jupp Heynckes trở lại với Bayern từ vòng 8 của giải đấu, Bayern đang đứng ở vị trí thứ 2 kém BVB Dortmund là 5 điểm. Chỉ sau hai trận Jupp cầm quân, Bayern bằng điểm Dortmund và sau ngày thi đấu thứ 10, ông già 72 tuổi đã nghỉ hưu 5 năm đã lấy lại ngôi đầu cho đội bóng xứ Bavaria.

Sau 15 vòng đấu, đội bóng của Jupp Heynckes hơn đội đang đứng thứ 2 là 18 điểm.

Đây là một chuyện chưa từng có ở Bundesliga và cay đắng cho Dortmund khi thậm chí đội đang thứ 2 cũng không phải là họ.

Câu hỏi then chốt được đặt ra, phải chăng ông già 72 tuổi này bất khả chiến bại hay phần còn lại của Bundesliga quá yếu?

Người hâm mộ thường không quan tâm tới những con số thống kê, nhưng những con số cụ thể dưới đây thì không một fan nào ngay cả chính fan Bayern có thể dùng tình yêu của mình để thể minh chứng rằng: đội của họ mạnh và đang thi đấu thành công.

Theo thống kê, trong 11 ngày thi đấu liên tiếp kể từ khi Bayern đầu bảng không một đội bóng nào đứng ở vị trí thứ 2 giành chiến thắng ở trận tiếp theo.

“Bayern Munich nên chăng cần thua một vài trận để cho Bundesliga đỡ nhàm chán.”

BvB Dortmund, RB Leipzig, Schalke 04 và Bayer Leverkusen dù rất cố gắng, nhưng cũng chỉ duy nhất Leverkusen ở ngày thi đấu thứ 20 là có hai chiến thắng liên tiếp. Trong khi nhóm đang bám theo Bayern ngày càng trở nên vô hại khi họ để mất điểm nhiều khi đến ngớ ngẩn.

Bayern tiếp tục củng cố ngôi đầu với từng điểm, từng điểm sau mỗi ngày thi đấu bằng những chiến thắng của mình và những thất bại/ giẫm chân tại chỗ của các đối thủ.

Thông thường, đội đang đứng thứ hai được “vinh danh” là “kẻ đi săn Bayern,” nhưng mấy năm qua cái danh hiệu đó gần như chỉ để mỉa mai, trêu tức những đội còn lại. Cho đến thời điểm này, có thể khẳng định không ai còn có thể cản lại chức vô địch thứ 6 liên tiếp của Bayern.

Bayern đang vô đối khi mà không có đối thủ nào xứng là ‘kẻ đi săn Hùm xám’
Bayern đang vô đối khi mà không có đối thủ nào xứng là ‘kẻ đi săn Hùm xám’

“Bayern Munich nên chăng cần thua một vài trận để cho Bundesliga đỡ nhàm chán. Hoặc “ ngó lơ”” trước những cầu thủ trẻ và tài năng xuất hiện trên thị trường với giá 0 đồng như Leon Goretzka?”

Bundesliga đã xuống cấp đến mức báo động trong những năm gần đây khi không có một đội bóng nào thi đấu ổn định. Tại mùa này, từ vị trí thứ 2 đến 6 chỉ cách nhau có 4 điểm, tiếp sau đó là có tới 4 đội bằng điểm nhau.

Đỉnh điểm có thể thấy rõ ở thương vụ Leon Goretzka. Cầu thủ trẻ tài năng của bóng đá Đức này sẽ rời Schalke 04 mà câu lạc bộ này chẳng thu nổi dù chỉ 1 xu tiền chuyển nhượng. Người ta luôn lên án Bayern “hút máu” các câu lạc bộ khác của Bundesliga. Nhưng sự thật là không một câu lạc bộ nào của Đức có tiềm lực tài chính cũng như đủ sức hấp dẫn để có thể là bến đỗ của Leon. Dĩ nhiên, ngoại trừ Bayern!

Bundesliga, có thể nói giờ là tập hợp của các câu lạc bộ nghèo và tệ hại như nhau. Dĩ nhiên, cũng lại ngoại trừ Bayern! Vì thế, dễ hiểu khi đến ngày Champions League trở lại, ngoài Bayern thì các nhà báo Đức thật sự không biết viết gì. Cay đắng hơn, khi các câu lạc bộ Đức tham gia giải luôn bị coi là kẻ lót đường cho các đối thủ của họ.

Thời điểm “cải cách” đã đến?

Sau thảm họa ở giải vô địch châu Âu năm 2000, Liên đoàn bóng đá Đức – DFB quyết định cải cách. Đó là một sự cải cách sâu rộng và đồng bộ từ khâu đào tạo trẻ đến cách quản lý bóng đá chuyên nghiệp.

Hơn một thập kỷ sau, họ có một thế hệ cầu thủ mới. Và năm 2014 người Đức vô địch thế giới.

Cũng trong những năm qua, nhờ có cải cách này rất nhiều cầu thủ trẻ Đức cũng như những cầu thủ người nước ngoài qua tay Đức đào tạo đã trở thành “sao” trên chiến trường châu Âu.

Nhưng những cải cách của DFB gần 20 năm qua lại chưa thể vươn rộng tới tầm câu lạc bộ nên cũng dễ hiểu rằng, dù đào tạo ra nhiều cầu thủ tài năng nhưng Bundesliga lại không có khả năng giữ chân họ, khi họ trưởng thành tới tầm “sao.”

Một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng, đó là ai sẽ huấn luyện họ ở Bundesliga? Người Đức có rất nhiều huấn luyện viên trẻ và họ có thực tài, nhưng đẳng cấp chưa được chứng minh. Việc Bayern phải vời đến chiêu bài “tình cảm” để đưa ông già 72 tuổi Jupp Heynckes về lại câu lạc bộ cho thấy sự nghèo nàn của dàn HLV nội.

Nếu như nhìn vào bảng lương của các huấn luyện viên trong tốp 10 châu Âu, câu lạc bộ nào ở Bundesliga có thể mời được một người trong số họ? Câu trả lời là Không ai cả. Dĩ nhiên, cũng lại ngoại trừ Bayern.

Cải cách ở Bundesliga với 36 đội bóng chuyên nghiệp sẽ phức tạp hơn rất nhiều so với cải cách của DFB năm 2000. Nhưng dù sao việc đem luật 50+1 ra xem xét lại, tối thiểu cũng được xem như là một bước đi đầu tiên.

Thực chất luật 50+1 được đưa ra để đảm bảo quyền lợi cho người hâm mộ, nhưng nó sẽ không còn giá trị gì nữa nếu như người hâm mộ một phần vì nó mà quay lưng lại với một Bundesliga đang trở nên nhàm chán vì thiếu tính cạnh tranh như hiện nay.

Tỉ mỉ, thận trọng là một trong những tính cách rất đáng nể phục của người Đức, họ không dễ “phát rồ” với những trào lưu trên thế giới về tất cả mọi mặt.

Theo khảo sát của Sportbild tuần qua, trong số 18 câu lạc bộ đang chơi ở hạng 1 Bundesliga có tới 12 câu lạc bộ tán thành việc bỏ luật 50+1, 3 đội phản đối và 3 đội sẽ bỏ phiếu trắng.

Những đội tán thành, bao gồm Schalke, Cologne, Mainz, Frankfurt, Hertha, HSV, Leipzig, Bayern, Bremen, Leverkusen, Augsburg và Hannover.

Những đội phản đối có Freiburg, Gladbach và Dortmund. Ba đội sẽ bỏ phiếu trắng là Hoffenheim, Wolfsburg và Stuttgart.

Martin Kind chủ tịch Hannover 96 người được coi là châm ngòi cho việc bãi bỏ  luật 50+1 (Ảnh: Witter)
Martin Kind chủ tịch Hannover 96 người được coi là châm ngòi cho việc bãi bỏ luật 50+1 (Ảnh: Witter)

Tất cả những người có trách nhiệm ở những đội tán thành đều cho rằng, DFL nên bỏ luật này và sau đó câu lạc bộ nào quyết định mở cửa cho nhà đầu tư đến đâu là việc do họ và fan của chính họ tự quyết định.

Tất nhiên câu chuyện mới chỉ là bắt đầu, sẽ còn cả một chặn đường rất dài trong quá trình cải cách cấp thiết của những nhà quản lý bóng đá chuyên nghiệp Đức.

Mặc dù vậy, mùa bóng năm nay, DFL cũng đã có một số chính sách tích cực hơn nếu như nhìn từ phía câu lạc bộ, như cho phép tất cả được quyền thu tiền quảng cáo trên tay áo thay vì phải quảng cáo cho “Hermes” do chính DFL thu tiền.

Sky cũng không còn độc quyền truyền hình ở Bundesliga. Tất cả những trận đấu ngày thứ Sáu được bán cho Eurosport. Bundesliga sẽ có thêm thu nhập bản quyền truyền hình.

Các giải đấu hàng đầu châu Âu như La Liga hay Premier League họ giàu có một phần lớn do thu nhập từ tiền bán quyền truyền hình.

Nếu như một đội mới lên hạng ở Premier League như Hudderfield sẽ được chia 150 triệu euro tiền truyền hình, thì nhà vô địch Đức là Bayern chỉ được chia 65 triệu euro. Đây là một một lý do nữa thúc đẩy tính cấp bách phải cải cách của bóng đá chuyên nghiệp Đức.

“Tỉ mỉ, thận trọng là một trong những tính cách rất đáng nể phục của người Đức, họ không dễ “phát rồ” với những trào lưu trên thế giới về tất cả mọi mặt. Sở dĩ người Đức thành công trên nhiều lĩnh vực trong đó có cả bóng đá nhờ họ biết tìm một lối đi cho riêng mình.”

Cải cách chắc chắn họ sẽ làm, nhưng họ sẽ làm ra sao và triệt để tới đâu thì chưa ai có thể phỏng đoán chính xác vào thời điểm này.

Nếu những nhà quản lý bóng đá Đức bắt tay ngay vào việc từ mùa bóng tới thì nhanh nhất cũng phải mất từ 3 đến 5 năm mới có thể đem lại kết quả – tất nhiên với một điều kiện đầu tiên là: những quyết định của họ đưa ra ngày hôm nay là hợp lý.

Tốp 10 HLV hưởng lương cao châu Âu

1- PEP GUARDIOLA (Manchester City): 19 triệu euro 2 – JOSE MOURINHO (Manchester United): 16 triệu euro 3 – DIEGO SIMEONE (Atletico Madrid): 15 triệu euro 4 – ARSENE WENGER (Arsenal): 10 triệu euro 5 – ZINEDINE ZIDANE (Real Madrid): 9,5 triệu euro 6- JÜRGEN KLOPP (Liverpool): 8,3 triệu euro 7- ANTONIO CONTE (Chelsea): 7,8 triệu euro 8- MASSIMILIANO ALLEGRI (Juventus): 7 triệu euro 9- MAURICIO POCHETTINO (Tottenham): 6,6 triệu euro 10- RAFAEL BENITEZ (Newcastle United): 5,4 triệu euro Tất cả đã được tính sau thuế