“Bác sỹ Hà Nội”

20181225090-1548836871-12.jpg

Tết với nhiều người đã ăn sâu vào tiềm thức như một sự sum họp. Với những bác sỹ trẻ, quãng thời gian đi “cắm bản” ở vùng sâu vùng xa, xa nhà cả năm, Tết với họ với nhiều cảm xúc khác nhau.

Tết với bác sỹ Ngọc thì là dịp để cô họ có cơ hội được về đoàn tụ với gia đình vài ngày sau một năm cắm bản ở vùng cao xa xôi hẻo lánh.

Còn với bác sỹ Huy, năm nay, Huy chọn cách ở lại ăn Tết ở vùng cao, cậu xung phong trực tại bệnh viện trong những ngày Tết.

Hai bác sỹ trẻ ấy, cùng chung một con đường tình nguyện lên vùng cao công tác. Những câu chuyện, những cảm nhận của họ về y tế, về con người vùng cao thật đặc biệt.

Giảm giá mua hàng cho bác sỹ trẻ

Từ thành phố Cao Bằng về Bệnh viện Đa khoa Bảo Lạc mất 4 giờ đồng hồ, với những con đường ngoằn nghèo, gấp khúc liên tục, xuyên qua những khu rừng phòng hộ quốc gia.

Dương Mạnh Huy là bác sỹ trẻ (quê Hưng Yên) tham gia Dự án bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác vùng sâu, vùng xa (Dự án 585) khóa 2, tốt nghiệp tháng 1/2018 và chính thức nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Đa khoa Bảo Lạc từ 31/1/2018.

Gặp Huy những ngày sát Tết, Huy tâm sự: “Năm nay em ở lại để trực Tết tại bệnh viện. Đây sẽ là một trải nghiệm em không bao giờ quên. Điều em lo nhất là mẹ và em ở nhà buồn, vì nhà hơi ít người. Về công việc, em ở đây một năm và đã quen rồi, mọi người sống với nhau rất tình cảm.”

Kể về những câu chuyện khi về công tác tại bệnh viện huyện vùng cao, Huy nhớ lại những ngày khó khăn khi mới đến Bảo Lạc nhận công tác. Khó khăn đầu tiên là bất đồng ngôn ngữ do đồng bào ở đây còn nhiều người không nói được tiếng phổ thông, đặc biệt là phụ nữ.

Bác sỹ trẻ Dương Mạnh Huy với một cái Tết thật đặc biệt tại Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Lạc. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Bác sỹ trẻ Dương Mạnh Huy với một cái Tết thật đặc biệt tại Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Lạc. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

“Tôi vẫn nhớ hôm đầu tiên đi làm, một bệnh nhân vào viện trong tình trạng sắp sinh và được đưa lên bàn đẻ luôn. Khi tôi và cô Huệ hỏi bệnh nhân mang thai lần thứ mấy thì bệnh nhân giơ hai ngón tay. Sau đó đỡ đẻ xong mới thấy bụng bệnh nhân còn to, kiểm tra mới thấy còn một thai nữa. Rất may là thai hai không bị xoay nên đã được an toàn,” bác sỹ Huy nhớ lại.

Trong năm vừa qua, Huy tham gia một ca mổ được coi là kỳ tích của bệnh viện vùng cao. Đó là trường hợp một thai phụ mắc hội chứng HELLP. Sản phụ khi đó đang mang thai ở tuần thứ 31. Huy cùng êkíp đã mổ cứu sống 1 em bé 1.100g. Sau đó với sự điều trị tích cực của khoa sản và khoa nhi, cả mẹ và bé đều khỏe mạnh ra viện. Hôm vừa rồi mẹ bế bé đến viện khám vì ho nhiều, bé hơi còi nhưng khỏe mạnh.

Huy cười: “Bà con ở đây rất quý mến bác sỹ trẻ. Khi ra chợ mua đồ, mọi người không biết tên em toàn gọi bác sỹ trẻ, mua đồ hay được người dân ở đây giảm giá.”

Trong một năm công tác, bác sỹ Huy đã làm được 72 kỹ thuật, trong đó, chuyển giao cho đơn vị 6 kỹ thuật. Gần một năm qua, Huy đã thực hiện số ca đã mổ: 302/563 ca ngoại sản của toàn bệnh viện, triển khai được thêm một số kỹ thuật như áp dụng siêu âm trong chẩn đoán, điều trị, làm thủ thuật sản phụ khoa.

Huy cười: “Bà con ở đây rất quý mến bác sỹ trẻ. Khi ra chợ mua đồ, mọi người không biết tên em toàn gọi bác sỹ trẻ, mua đồ hay được người dân ở đây giảm giá.”

Bác sỹ Huy trải lòng, năm ngoái vừa mới nhận công tác nên chưa trực Tết tại Bệnh viện, trong khi dịp Tết cũng có khá nhiều ca cấp cứu, trong khi ít người nên các bác sỹ phải căng mình.

Nói về năm nay, Huy hồ hởi: “Một năm gắn bó với đồng bào vùng cao thân thương, em đã có nhiều kinh nghiệm, dày dạn lắm rồi. Bác sỹ trẻ có 3 năm đi nghĩa vụ, 3 cái Tết. Đây là Tết thứ hai nên em muốn ở lại viện vùng cao để trực và cảm nhận một cái Tết đặc biệt đồng thời san sẻ những gánh nặng cho các bác sỹ ở nơi đây.”

Bác sỹ trẻ Dương Mạnh Huy khám cho một trẻ sau sinh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Lạc. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Bác sỹ trẻ Dương Mạnh Huy khám cho một trẻ sau sinh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Lạc. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Chuyện thầy bói và lá ngón

Còn với bác sỹ Chu Thị Ngọc – một bác sỹ trẻ chuyên khoa sản, những câu chuyện về y tế vùng cao với Ngọc có nhiều tình huống “dở khóc, dở cười.”

Mường Tè – một huyện xa và nghèo nhất của tỉnh Lai Châu. Chặng đường gần 15 giờ đồng hồ từ Mường Tè về đến Bắc Giang với bác sỹ trẻ Chu Thị Ngọc về quê năm nay thật đặc biệt.

Với bác sỹ Ngọc, đây là dịp nghỉ dài nhất trong năm cô về với gia đình. Những lần nghỉ trước trong năm là những chuyến đi về nhà tất bật, chớp nhoáng. Về nhà chỉ được thời gian ngắn rồi lại một hành trình vượt những cung đường núi đồi, đèo quanh co lên Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Tè.

Từ khi mới tốt nghiệp Đại học Y, Ngọc có tìm hiểu về dự án thí điểm đưa bác sỹ trẻ mới ra trường tình nguyện về công tác tại vùng cao hai năm và mạnh dạn nộp hồ sơ.

Ngọc tâm sự, lúc đó, cô chỉ nghĩ đơn giản mình vừa ra trường , kiến thức 6 năm ở ghế nhà trường chưa thể làm được gì nhiều và nghĩ mình cần được đào tạo thêm. Mặt khác, cô cảm thấy bản thân mình còn trẻ, việc cống hiến cho y tế cùng sâu, vùng xa là những trải nghiệm vô cùng quý báu.

“Bản thân tôi chưa một lần đi xa đến Lai Châu. Khi xem danh sách những nơi thiếu bác sỹ là Mường Tè (Lai Châu) thiếu nhiều bác sỹ quá, tôi mạnh dạn đăng ký đi Mường Tè trong khi không biết thật sự vùng này xa khác thế nào so với Thủ đô.”

Bác sỹ Chu Thị Ngọc thực hiện một ca đỡ đẻ cho bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bác sỹ Chu Thị Ngọc thực hiện một ca đỡ đẻ cho bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trải qua hai năm đào tạo khắt khe, cuối cùng ngày lên đường cũng đến. Hôm đó, đại diện của Bệnh viện Phụ sản Trung ương cử đoàn đưa Ngọc về Mường Tè để bàn giao.

“Trong lòng dù đã quyết tâm đỉnh điểm nhưng vừa lo vừa sợ, đường đi rất xa, đi mãi không đến nơi… Đi qua những nơi đường khó, leo đèo leo núi, xa mãi xa mới có một mái nhà heo hút, có nơi còn không có sóng điện thoại, trong lòng vô cùng lo lắng. Rồi 12 tiếng đồng hồ trôi qua, chặng đường đến Mường Tè cũng đã tới,” Ngọc nhớ lại.

Trong lòng dù đã quyết tâm đỉnh điểm nhưng vừa lo vừa sợ, đường đi rất xa, đi mãi không đến nơi… Đi qua những nơi đường khó, leo đèo leo núi, xa mãi xa mới có một mái nhà heo hút, có nơi còn không có sóng điện thoại, trong lòng vô cùng lo lắng.

Sau một năm công tác tại bệnh viện vùng cao của tỉnh Lai Châu, dù vất vả, dù nhiều khó khăn nhưng với bác sỹ Ngọc đó là những trải nghiệm, những cảnh “dở khóc dở cười” với tình huống oái oăm.

Đó là cảnh người dân tộc không biết tiếng Kinh, bác sỹ trẻ lại không biết tiếng dân tộc, bất đồng ngôn ngữ khiến cho bác sỹ nói bệnh nhân không hiểu và cần phải có người phiên dịch.

Ngọc kể, đó là trường hợp một bệnh nhân ở nhà đau bụng quá nên đi xem bói, thầy bói nói lần này không sống nổi. Bệnh nhân thấy vậy lo lắng về nói chuyện với chồng, chồng mắng hai câu giận nhau liền đi ăn lá ngón tự tử. Khi chồng đưa vào viện, bệnh nhân được chẩn đoán thai ngoài tử cung vỡ, trong bụng đã ngập máu, cần mổ cấp cứu ngay.

Bác sỹ Chu Thị Ngọc tại Bệnh viện đa khoa huyện Mường Tè. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bác sỹ Chu Thị Ngọc tại Bệnh viện đa khoa huyện Mường Tè. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Lần đầu tiên bác sỹ trẻ như tôi đã biết thế nào là tình huống “dở khóc dở cười”. Tôi đã giải thích hết mực, phải mổ mới có thể cứu sống, nhưng bệnh nhân vẫn sợ vì thầy bói bảo lần này không sống được. Việc không thể trì hoãn, tôi cùng các bác sỹ đã tư vấn, đả thông tư tưởng cho cả hai vợ chồng bệnh nhân. Phải đến 2 tiếng sau đó, bệnh nhân mới đồng ý cho mổ. Ca mổ lúc đêm khuya đã thành công,” bác sỹ Ngọc cho hay.

Thật cảm động khi chữa khỏi bệnh, mổ cứu sống được nhiều bệnh nhân người dân tộc, họ quý bác sỹ lắm, ra viện hoặc lần sau đến khám họ lại mang cho bác sỹ một túi gạo nương, người cho chai mật ong, cho lạc rồi đến sản vật rừng như chuối, chùm thảo quả… Đó là những tình cảm yêu thương mà tiền bạc không mua được.

Một năm nay, câu gọi “Bác sỹ Hà Nội” dường như là một biệt danh mà các bệnh nhân ở Mường Tè hay gọi cô.

“Tôi rất tự hào khi có thể đi vào lòng họ, có thể giúp đỡ cho y tế cơ sở Mường Tè. Chính những tấm lòng ấy đã động viên tôi rất nhiều khi xa gia đình xa quê hương để đến tình nguyện công tác tại đây,” bác sỹ Ngọc tỏ lòng.

Ngọc chia sẻ, hy vọng sẽ tiếp tục có nhiều đề án khác giúp y tế cơ sở phát triển hơn nữa để người dân tộc nơi vùng xâu vùng xa có thể được chăm sóc sức khoẻ tại nơi gần nhất có thể./.

Bác sỹ khám sức khỏe cho trẻ em tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Tè, Lai Châu. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Bác sỹ khám sức khỏe cho trẻ em tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Tè, Lai Châu. (Ảnh: T.G/Vietnam+)