Bạo lực học đường

23-1520986269-14.jpg

Những ngày qua, dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc một giáo viên tiểu học ở Trường Tiểu học Bình Chánh, tỉnh Long An, phạt hàng chục học sinh lớp 4 quỳ hết tiết học vì có hai học sinh nói chuyện. Sự việc khiến phụ huynh học sinh bức xúc và được cho là gây sức ép khiến giáo viên phải quỳ xin lỗi.

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Phổ thông trung học FPT, về vấn đề này.

Biện pháp giáo dục sai sẽ ảnh hưởng đến nhân cách học sinh

– Thưa ông, sự việc ở trường Tiểu học Bình Chánh, tỉnh Long An, đang làm xôn xao dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Quan điểm của ông như thế nào?

Tiến sỹ Lê Trường Tùng: Tôi không ủng hộ cách làm của phụ huynh. Tuy nhiên, phải thấy rằng hầu hết các vụ phản ứng của phụ huynh đều do giáo viên có vấn đề trước. Và khi giáo viên có vấn đề trước thì chuyện phụ huynh phản ứng là khó tránh.

Ở vụ việc này, đầu tiên là do giáo viên sai trước khi chỉ vì vài học sinh nói chuyện mà bắt cả lớp quỳ, thời gian quỳ lâu, kéo dài cả tiết học, lại đã thực hiện nhiều lần.

Thỉnh thoảng lại xảy ra một vụ như vậy. Ví dụ vụ việc giáo viên đánh học sinh, phụ huynh xông vào trường hành hung giáo viên xảy ra ở trường Tiểu học Đặng Cương (Hải Phòng) năm 2017, hay ở Đà Nẵng năm 2016. Công an sau đó vào cuộc, xử phạt hành chính cả giáo viên và phụ huynh.

Vụ này cũng tương tự như vậy. Tôi tin khi công an vào cuộc, thì cả giáo viên và phụ huynh sẽ đều được xử theo đúng luật.

Tiến sỹ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Phổ thông trung học FPT. (Ảnh: FPT)
Tiến sỹ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Phổ thông trung học FPT. (Ảnh: FPT)

Mọi người cứ nghĩ có điều giáo viên được làm mà phụ huynh không được làm, nhưng quy định xử phạt hành chính trong giáo dục có quy định xúc phạm nhà giáo thì xử như thế nào, và cũng có điều quy định về xúc phạm, bạo lực học sinh thì xử phạt như thế nào.

Đáng buồn là nhiều khi nhà giáo không hiểu luật, không biết cái gì mình được làm, cái gì không được làm. Các cô nghĩ trong lớp chỉ mình với học sinh và mình là cô giáo, mình có quyền lực sau cánh cửa lớp đóng kín, và chỉ cần học sinh không nói thì không ai biết. Các cô đang lợi dụng chuyện đó để triển khai các giải pháp giáo dục chẳng mang tính giáo dục.

Dường như giáo viên của mình đang vượt quá giới hạn một cách rất vô tư. Chỉ khi học sinh, phụ huynh phản ứng mới biết cái đó là cả quá trình rồi, nhiều lần rồi, chứ không phải chỉ bực lên làm một lần rồi rút kinh nghiệm. Nó thậm chí đã thành cách thức dạy.

“Các cô nghĩ trong lớp chỉ mình với học sinh và mình là cô giáo, mình có quyền lực sau cánh cửa lớp đóng kín, và chỉ cần học sinh không nói thì không ai biết…”

Điều đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến học sinh, đặc biệt với giáo dục cấp một là giai đoạn đang trong quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Ví dụ như ở vụ việc này, khi giáo viên bắt học sinh quỳ được thì về nguyên tắc, học sinh hiểu có thể quỳ trước người có quyền hơn mình.

Tuy nhiên, có lẽ cô lại coi đó là chuyện bình thường nên áp dụng nhiều lần. Đáng buồn hơn nữa là căn cứ thêm cách mà mọi người bàn tán, thì thấy dường như mọi người cũng có tư duy như vậy. Mọi người nghĩ học sinh quỳ là bình thường, kể cả học sinh không có tội quỳ cũng là bình thường, chỉ có cô giáo quỳ là không bình thường.

Khi những cái không bình thường được xem là bình thường thì nó là có vấn đề.

Học sinh càng dốt càng cần có người thầy giỏi. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Học sinh càng dốt càng cần có người thầy giỏi. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Giáo viên phải có tố chất để chịu đựng được học sinh

– Nhiều người cho rằng đó là một biện pháp để giáo dục học sinh, nhất là khi học sinh vi phạm quy định, lười, hoặc hư. Ông nghĩ sao về điều này?

Tiến sỹ Lê Trường Tùng: Phải đồng ý làm giáo viên là khó thật. Lúc nào cũng có học sinh lười, nghịch ở các mức độ khác nhau. Thực tế, nuôi một đứa con đã đau đầu, trong khi một lớp mấy chục học sinh, mỗi em một tính, trách nhiệm rất lớn.

Nhưng chính vì thế mới cần giáo viên, tức là người có kỹ năng nghề nghiệp sư phạm, giống như kỹ năng của người bán hàng là lúc nào cũng phải vui vẻ với khách hàng, ngay cả khi đang bực chuyện gì đó.

Với giáo viên cũng thế, phải có tố chất để chịu đựng được học sinh, biết cách dạy học sinh dốt, biết cách dạy học sinh giỏi.

Ở trường FPT, chúng tôi quán triệt ngay từ đầu rằng trách nhiệm của nhà trường là phải đảm bảo cho tất cả học sinh phải học được, vì bậc phổ thông không phải là đào tạo tinh hoa. Bảo học sinh mất gốc, nhưng mình nhận các em vào thì mình phải có trách nhiệm. Nói học sinh lười, nhưng bản chất học sinh là lười nên thầy cô phải có trách nhiệm phải kích thích để học sinh học, hỗ trợ học sinh.

Giáo viên cần có kỹ năng sư phạm để biết cách dạy học sinh dốt, biết cách dạy học sinh giỏi. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Giáo viên cần có kỹ năng sư phạm để biết cách dạy học sinh dốt, biết cách dạy học sinh giỏi. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Cái khó nhất là dạy học sinh dốt, học sinh lười, vì nói chung là học sinh lười. Nếu mọi học sinh đều chăm ngoan, đều giỏi thì cần gì đến người thầy?

Nếu ai cảm thấy đấy là áp lực rất lớn thì phải thừa nhận một điều là mình không đủ tố chất để làm việc trong ngành giáo dục, không đủ tố chất để làm giáo viên, chứ đừng lấy cái đó để làm biện minh cho những biện pháp phi giáo dục của mình.

Thế nên, ở bậc phổ thông mới có từ dạy dỗ, nghĩa là vừa dạy lại vừa phải dỗ. Đặc biệt, càng ở lớp thấp thì yếu tố dỗ lại càng quan trọng.

Nhưng thầy cô nhiều khi lạm quyền với học sinh, nhất là học sinh bậc mầm non, tiểu học, những em nhỏ mà có khi cô quát còn không dám khóc, cô lại còn dọa về không được nói với bố mẹ. Đó nói đúng ra là các thầy cô đang bắt nạt học sinh, lại ngụy biện là đang dạy học sinh. Nếu thế, phụ huynh cũng có thể nói thầy cô làm sai thì cũng phải dạy thầy cô. Nói thế thì không giải quyết được vấn đề gì.

“Học trò càng khó dạy thì càng phải dành việc đấy cho người giỏi nhưng ở mình hơi buồn cười là thầy giỏi dạy trò giỏi, dạy trường chuyên, lớp chọn. Thầy dốt lại dạy trò dốt thì quá khó!”

Đừng so sánh với việc ở nhà bố mẹ đánh con cái, vì đó là chuyện khác, và không phải phụ huynh nào cũng đánh con.

Cái quan trọng là khi dùng bạo lực với học sinh thì sau này học sinh sẽ nhiễm thói bạo lực. Ví dụ cô đánh học sinh thì sau này nếu trở thành giáo viên, các em lại đánh học sinh của mình, nếu làm công an thì đánh người dân, và các em sẽ xem đó là bình thường.

Lúc nào cũng có học sinh cá biệt, hiếu động, không muốn học, nhưng lại dùng bạo lực thì không ổn. Dùng biện pháp quân phiệt để áp buộc học sinh phải nghe thì nó không phải là giáo dục, và xã hội sẽ không phát triển được.

Đáng lẽ trong trường sư phạm phải dạy phương thức dạy học sinh dốt, phương thức dạy học sinh khó bảo, dạy học sinh cá biệt như thế nào.

Mặt khác, về nguyên tắc, học trò càng khó dạy thì càng phải dành việc đấy cho người giỏi. Về lý thuyết, thầy giỏi là thầy dạy được học sinh dốt, học sinh lười. Ở mình hơi buồn cười là thầy giỏi dạy trò giỏi, dạy trường chuyên, lớp chọn. Thầy dốt lại dạy trò dốt thì quá khó.

Ý kiến của Cục Nhà giáo về vụ “cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh”

Cần quy chế phạt rõ ràng

– Không dùng bạo lực, vậy có giải pháp nào để giáo dục học sinh, thưa ông?

Tiến sỹ Lê Trường Tùng: Nguyên tắc là học sinh vi phạm nội quy thì phải phạt, nhưng hình phạt như thế nào phù hợp và văn minh. Đã qua thời phạt bằng bạo lực, chưa kể đó còn là hành động phạm luật.

Trước tiên là phải đưa ra quy định cụ thể những điều gì không được làm, nếu vi phạm thì với từng điều cấm đó, sẽ bị xử lý kỷ luật như thế nào, mức độ ra sao. Tất nhiên, sẽ có trường hợp học sinh có hành động chưa đúng và mình cũng chưa kỷ luật được vì hành vi đó chưa có trong quy định, nhưng đó cũng là cơ hội để có thể bổ sung. Giả sử có nhiều người vi phạm thì có nghĩa chế tài chưa đủ tầm, và phải phải nâng phạt lên.

“Nguyên tắc là học sinh vi phạm nội quy thì phải phạt, nhưng hình phạt như thế nào phù hợp và văn minh. Đã qua thời phạt bằng bạo lực, chưa kể đó còn là hành động phạm luật.”

Về hình thức kỷ luật, có nhiều biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực.

Ví dụ như ở Trường Phổ thông trung học FPT, chúng tôi phạt bằng hình thức lao động công ích. Với từng lỗi, học sinh có thể bị phạt trực lớp, quét lớp, phạt làm vườn, tưới cây… Một số trường khác thì áp dụng bắt học sinh chép bài, làm thêm bài về nhà, đứng úp mặt vào tường, hoặc học sinh nói chuyện thì phạt hai em đứng hai góc cuối lớp. Đứng hai góc để không còn nói chuyện. Đứng cuối lớp để các em vẫn nghe giảng được và không làm các bạn khác mất tập trung.

Giáo dục cho học sinh sống tuân theo pháp luật là phải như thế. Học sinh hiểu cái gì không được vi phạm và nếu vi phạm thì sẽ bị xử phạt như thế nào.

Ở mình nhiều khi chế tài không rõ ràng, trong trường không quy định cụ thể những lỗi gì có thể phạt theo hình thức gì, mức độ thế nào, thầy cô phạt theo bản năng. Cụ thể như ở trường hợp xảy ra ở Long An, tôi tin nếu có quy định cụ thể và công khai từ trước việc học sinh nói chuyện trong giờ sẽ bị phạt thế nào thì chắc chắn không xảy ra mâu thuẫn.

Không chỉ trong nhà trường mà ngay cả trong cuộc sống. Ví dụ quy định “không dẫm lên cỏ” nhưng không có chế tài đi kèm. Vì thế, khi xảy ra vi phạm, chế tài được đưa ra một cách cảm tính và vì thế không có tính thuyết phục, khiến cả hai bên đều bực tức.

Nếu có chế tài rõ ràng thì sẽ không xảy ra tình trạng đó, vì khi anh vi phạm thì anh đã biết sẽ bị phạt thế nào và chấp nhận chịu phạt.

– Xin cảm ơn ông!