Ai đã mang bóng đá đến với nước Đức?

bongdaduc1-1587177665-63.jpg

Walther Bensemann-một trong những người đi tiên phong mang bóng đá đến với nước Đức và dành trọn cuộc đời cho điều đó. Ông đã đi qua một chặng đường gian nan với sứ mệnh trong những năm tháng chiến tranh và mong đợi hòa bình… (Bernd-M. Beyer)

Bóng đá là trò chơi của 22 cầu thủ với 1 quả bóng, nhưng kết quả chung cuộc chỉ có một: “Người Đức là đội chiến thắng!” Phát biểu cay đắng mà cũng là “định nghĩa” mang tính kinh điển của huyền thoại bóng đá Anh Gary Lineker về sự thống trị của người Đức ở môn thể thao vua. Với 4 lần vô địch thế giới, 3 lần vô địch EURO, bóng đá Đức giàu thành tích nhất châu lục và chỉ kém Brazil 1 chức danh hiệu World Cup.

Song nỗi cay đắng khi môn thể thao do chính mình sản sinh ra nhưng “đứa con lạc loài” đó lại đem vinh hoa cho kẻ khác của người Anh hẳn vơi đi ít nhiều nếu như ngược về lịch sử 121 năm trước, thời điểm họ đã từng hạ gục người Đức trong một trận đấu có tới 15 bàn thắng mà đội bóng đến từ Xứ sở sương mù ghi tới 13 bàn.

Một sự kiện chưa từng xảy ra trong lịch sử bóng đá

Đó là một ngày mưa mùa Thu năm 1899, hơn 1.000 người trên sân vận động Berliner Kurfürstendamm đã được chứng kiến một sự kiện mà sau này nó đi vào lịch sử: ngày 23/11, khi lần đầu tiên có một đội bóng đá nước ngoài đến Đức thi đấu. Đặc biệt hơn đó là một đội bóng đến từ xứ sở đã ‘đẻ’ ra bóng đá: nước Anh.

Mặc dù người ta không thể coi nó như một trận đấu chính thức của Đội tuyển quốc gia Đức vì Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) sau này mới được thành lập (28/1/1900) nhưng đội Đức – nếu nói theo ngôn ngữ bóng đá đương đại – họ đã thảm bại tới 2-13.

Walther Bensemann, người đưa bóng đá đến nước Đức và là người sáng lập tạp chí Kicker. (Nguồn: Kicker)
Walther Bensemann, người đưa bóng đá đến nước Đức và là người sáng lập tạp chí Kicker. (Nguồn: Kicker)

Nhắc lại “trận đấu lịch sử” đó, những cầu thủ đến từ Anh dưới sự chứng kiến của khán giả Berlin đã chỉ cho những người Đức khi đó, còn khá xa lạ với bóng đá thấy, môn thể thao này phải chơi như thế nào và vì sao nó hấp dẫn lạ kỳ đến như vậy?

Báo Đức “Trò chơi và thể thao” thời đó vẫn vui vẻ và bình luận: “Một sự kiện chưa từng xảy ra trong lịch sử bóng đá.” Điều đặc biệt hơn, trận đấu này sở dĩ có được là nhờ công của một chàng sinh viên 26 tuổi, Walther Bensemsnn, đã một mình đứng ra tổ chức tất cả, mặc cho có rất nhiều phản đối từ những Hiệp hội bóng đá địa phương.

Walther Bensemann đã thuyết phục được Liên đoàn bóng đá Anh lần đầu tiên cử đội tuyển vào đất liền thi đấu. Ông tập hợp một số cầu thủ đến từ miền Nam Đức và Berlin cho mình để đón tiếp đội tuyển Anh. Tất cả chi phí cho cho sự kiện đó đều do tiền riêng của ông.

Sứ mệnh tiên phong

Để quen biết với Liên đoàn bóng đá Anh và có thể tổ chức được một trận đấu như vậy Walther Bensemann đã đi một chặn đường khá dài. Là con trai của một chủ nhà Bank gốc Do thái ở Berlin, năm 10 tuổi ông đã được gửi sang Montreux (Thụy Sĩ) học ở một trường tư thục. Tại đây, ông làm quen với nhiều bạn học người Anh và họ có một trò chơi rất mới lạ với một trái bóng bằng da – nhanh chóng, cậu bé Walther Bensemann bị trò chơi này mê hoặc.

Năm 1889 khi quay lại Karlsruhe (Đức) để làm tốt nghiệp phổ thông (Gymnasium – Abitur), cậu bé Bensenmann 16 tuổi mang theo một trái bóng bằng da với một sứ mệnh và quyết tâm – sẽ phát triển rộng rãi nó ở Đức.

Mặc dù Bensemann không phải là người đầu tiên để cho trái bóng lăn trên nước Đức. 15 năm trước, năm 1874 cũng có một nhà sư phạm người Braunschweige tên là Konrad Koch đã mang bóng đá vào trường học, nhưng đáng tiếc nó không thể phát triển và lan rộng được.

Walther Bensemann ở Karlsruhe năm 1891. (Nguồn: Getty Image)
Walther Bensemann ở Karlsruhe năm 1891. (Nguồn: Getty Image)

Vào năm 1884, câu lạc bộ bóng đá đầu tiên mới được thành lập ở Berlin, nhưng ở miền Nam Đức, không ai biết gì về bóng đá. Chỉ đến khi Bensemann xuất hiện, bóng đá mới phát triển và nhanh chóng lan rộng ở đây.

Người đi tiên phong Bensemann đã sớm nhận ra quyền lực của bóng đá, nó có thể làm say mê công chúng như thế nào! Với niềm đam mê và nhãn quan vô cùng nhạy bén, Bensemann đã dành toàn bộ tâm trí, thời gian cho sứ mệnh phát triển bóng đá của mình.

Bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu như bóng đá là một trò tiêu khiển vớ vẩn hay tệ hại hơn nữa rất nhiều người Đức thời đó gọi bóng đá là “căn bệnh Anh.”

Vào thập kỷ 1890, Walther Bensemann lúc này đã là sinh viên đã đi khắp miền Nam nước Đức để phát triển bóng đá. Ông đồng thời, là người đồng sáng lập ra rất nhiều câu lạc bộ bóng đá. Câu lạc bộ bóng đá Karlsruher Fußballverein do chính ông thành lập khi còn là học sinh đã vô địch Đức năm 1910.

Sau này, có thể do có chung mối quan hệ cùng nguồn gốc Do thái, ông còn là người giúp đỡ cùng sáng lập ra những đội bóng khác như Eintracht Frankfurt và Bayern Munich.

Walther Bensemann, chính ông là người đã mang bóng đá đến với nước Đức!”- (Richard Kirn)

Rất nhiều điều được coi là hiển nhiên của chúng ta hiện nay trong văn hóa bóng đá đã được Bensemann thử nghiệm từ ngày đó – năm 1893 ông thành lập một đội bóng từ những cầu thủ được chọn lọc trong khu vực đặt tên là “Karlsruher Kickers” và tiếp đến là những câu lạc bộ khác lần lượt ra đời như Stuttgart, Offenbach hay Würzburg cũng đều có tên là “Kicker.”

Cũng trong năm đó, dựa trên những ý nghĩ này, ông thành lập ra “Süddeutsche Fußball-Union” (Hiệp hội bóng đá khu vực phía Nam). Năm 1900, Bensemann là một trong những người sáng lập của Hiệp hội bóng đá Đức, sau này có tên là Liên đoàn bóng đá Đức (DFB). Cũng chính Bensemann là người đã đề xuất cái tên “Hiệp hội bóng đá Đức” tại cuộc họp thành lập ở “Mariengarten” tại Leipzic.

Tấm bảng kỷ niệm nơi được coi như đã khai sinh ra bóng đá Đức đặt ở quảng trường “Người Anh” thành phố Karlsruhe - Tây Nam nước Đức. (Nguồn: Getty Image)
Tấm bảng kỷ niệm nơi được coi như đã khai sinh ra bóng đá Đức đặt ở quảng trường “Người Anh” thành phố Karlsruhe – Tây Nam nước Đức. (Nguồn: Getty Image)

Bensemann cũng là người đầu tiên ở Đức có ý tưởng – thu tiền vé xem đá bóng. Năm 1894 trong một trận đấu của Karlsruhe ông phát khăn tay để thu tiền – và đây được coi như chiếc vé bóng đá đầu tiên xuất hiện ở nước Đức. Với trận đấu đầu tiên bán vé, ông thu được 94 Mark – đó là một số tiền không nhỏ thời bấy giờ, đủ để câu lạc bộ trang trải những chi phí cần thiết.

Bensemann sau đó tuyên bố: “Những người nghi ngờ chúng tôi bây giờ đã hiểu, chúng tôi đã lớn và sẽ lan mạnh hơn nữa.” Rất nhiều năm qua đi, hơn nửa thế kỷ sau, cây bút kỳ cựu chuyên viết về thể thao Richard Kirn phải thốt lên rằng: “Walther Bensemann, chính ông là người đã mang bóng đá đến với nước Đức!”

‘Cha đẻ’ của tạp chí Kickker và các trận giao hữu quốc tế

Một trong những sáng kiến đáng kể nhất của Bensemann còn được nhắc đến khi ông tổ chức những trận đấu giao hữu với những quốc gia láng giềng mà chưa từng có trong tiền lệ.

Kinh nghiệm trong Chiến tranh thế giới thứ nhất khẳng định niềm tin của Walther Bensemann rằng bóng đá có thể có tác dụng hòa giải: “Thể thao là tôn giáo, có lẽ ngày nay nó là phương tiện thực sự duy nhất để kết nối mọi người…”

Những sáng kiến và cống hiến không mệt mỏi của Walther Bensemann ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của bóng đá Đức. Và tạp chí bóng đá Đức “Kicker” chính là công trình đề đời của ông.

Theo đuổi tư tưởng này và nhờ các mối quan hệ quốc tế tốt đẹp, Bensemann thường xuyên sắp xếp các đối tác và huấn luyện viên nước ngoài cho các câu lạc bộ Đức có cơ hội tiếp xúc và làm quen với nhau, xóa bỏ hận thù và định kiến qua những trận giao đấu quốc tế.

Ngày 7/10/1893 ông mời đội bóng Thuỵ Sĩ Villa Longchamp sang Karlsruhe thi đấu và chiến thắng họ với tỷ số 2-1. Ở trận đấu này, Bensemann cũng thi đấu ở một vị trí mà thời đó người ta gọi là “Center Forward.”

Năm năm sau, ông lại cùng một đội bóng do ông lựa chọn sang Paris thi đấu gặp vô địch White Rovers và chiến thắng 7-0. Và một năm sau đó, chính là trận đấu được coi là đầu tiên của “Đội tuyển’’ Đức với Đội tuyển Anh tại Berlin đã kể trên.

Tạp chí Kicker số ra đầu tiên. (Nguồn: Kicker)
Tạp chí Kicker số ra đầu tiên. (Nguồn: Kicker)

Ngay sau khi tiếng súng của Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất vừa dứt, ông tiếp tục tổ chức một trận bóng với đội tuyển Pháp – kẻ thù của Đức khi đó. Trước trận đấu ông bày tỏ: “Một con người nếu có cảm nhận và lý trí đều vui mừng, nếu người Pháp và người Đức gặp nhau trên một mảnh đất thanh bình và quên đi những thù hận giữa hai dân tộc,” và Bensemann đã thành công.

Cũng với mục đích dùng thể thao để hòa giải, ngày 14/7/1920 ông sáng lập ra tạp chí bóng đá “Kicker,” tòa soạn đặt ở hai nơi là Kreuzlingen (Thụy Sĩ) và Konstanz (Đức).

Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, Kicker không còn được sự ủng hộ của DFB khi đứng đầu tổ chức này lúc đó là những người theo chủ nghĩa dân tộc (tiền thân của chủ nghĩa Phát xít sau này). Tạp chí chuyên thể thao danh tiếng này sau bao thăng trầm vẫn đang là ấn phẩm thể thao uy tín được ưa chuộng tại Đức và thế giới.

Năm 1933, do nguồn gốc Do thái và những tư tưởng cởi mở của mình, ông bị chủ nghĩa Phátxít lúc này đang lớn mạnh ở Đức buộc phải rời đến Montreux nơi mà một năm sau đó ông qua đời trong nghèo khó khi phải đi tị nạn.

Những tài sản mà ông để lại vẫn sống mãi không chỉ đối với người hâm mộ bóng đá, những câu lạc bộ lớn mà ông đã góp công thành lập, tạp chí Kicker và những trận đấu giao hữu quốc tế mà ngày nay là hiển nhiên.

Tất cả vẫn đang tiếp tục sống cùng với ý tưởng bóng đá và hòa bình của Walther Bensemann – người đã mang bóng đá đến với nước Đức!

Tạp chí bóng đá Kicker xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 7/1920 tại Konstanz, Đức. Trụ sở tạp chí ban đầu ở Stuttgart nhưng được chuyển đến Nürnberg vào năm 1926. Trong Thế chiến II, tạp chí đã hợp nhất với ấn phẩm Fußball, và cuối cùng đã bị ngừng vào mùa thu năm 1944.

Sau chiến tranh, tạp chí được xuất bản trở lại dưới tên Sport do một công ty Xuất bản mới thành lập Olympia-Verlag. Năm 1951, nó được cựu tổng biên tập Friedebert Becker tái xuất bản lại tên Kicker. 

Walther Bensemann sinh ngày 13/1/1873 tại Berlin (Đức) và mất ngày 12/11/1934 tại Montreaux (Thuỵ Sĩ). Năm 2006, tên ông được Học viện văn hóa bóng đá Đức đặt cho giải thưởng hàng năm cho những cá nhân xuất sắc đã có cống hiến phi thường với lòng can đảm và tinh thần tiên phong, vì trách nhiệm xã hội, sự công bằng, hiểu biết đa văn hóa trong và xung quanh bóng đá, trị giá 10.000 euro.

Giải thưởng Walther Bensemann đã từng được trao tặng cho các huyền thoại bóng đá như Franz Beckenbauer (2006), Bobby Charlton (2011), Ottmar Hitzfeld (2014), Marcello Lippi (2015), Alex Ferguson (2016)…