Sự chuyển dịch trong quan hệ Mỹ-Trung

ttxvnmytru-1513239146-62.jpg

Trong năm 2017, mối quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc đã có những thay đổi lớn. Sau nhiều năm căng thẳng do những mâu thuẫn và xung đột lợi ích tưởng chừng không thể hóa giải, quan hệ Mỹ-Trung đang định hình theo hướng thực chất và mang tính xây dựng hơn, trên cơ sở “hợp tác cùng thắng” để cùng bảo đảm lợi ích chung lẫn sự cân bằng chiến lược.

Việc lãnh đạo hai nước có chuyến thăm qua lại lẫn nhau trong năm và nhiều cuộc tiếp xúc tại các diễn đàn đa phương, cho thấy quan hệ Mỹ-Trung đang bước vào một giai đoạn mới.

Kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ hồi tháng 1 năm nay, Washington đang thích ứng với một Trung Quốc ngày một mở rộng tầm ảnh hưởng. Mỹ cũng đã theo đuổi cách tiếp cận thực dụng và linh hoạt trong chính sách ngoại giao với Trung Quốc, xuất phát từ nhận thức rằng Trung Quốc đã trở thành cường quốc quân sự và kinh tế có khả năng thách thức vai trò dẫn dắt của Mỹ không chỉ ở châu Á mà còn cả trên thế giới.

Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách quân sự với Mỹ, vốn từng một thời được coi là không thể vượt qua. Trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc là một đối thủ ngang sức với Mỹ. Không chấp nhận việc chỉ là “công xưởng của thế giới,” Trung Quốc đang làm xói mòn vị thế hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao. Ngoài ra, cán cân thương mại chênh lệch 250 tỷ USD có lợi cho phía Trung Quốc cũng đang gây ra nhiều hậu quả đối với Mỹ.

(Nguồn: The Independent)
(Nguồn: The Independent)

Trong lúc làn sóng bảo hộ mậu dịch gia tăng ở Mỹ và châu Âu trong năm qua, Trung Quốc lại thúc đẩy và cổ súy cho toàn cầu hóa và các sáng kiến tự do hóa thương mại. Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc với kế hoạch chi hàng nghìn tỷ USD để kết nối các khu vực của châu Á với Trung Đông, châu Âu và châu Phi, sẽ củng cố hơn nữa khả năng của Bắc Kinh để cạnh tranh với Mỹ trên toàn cầu. Đầu tư của Bắc Kinh đang làm thay đổi quan hệ của Trung Quốc với các nước vốn có giá trị chiến lược với Mỹ. Trong bối cảnh như vậy, chính quyền Mỹ hiện nay chọn giải pháp chung sống với “một Trung Quốc mạnh.”

Ở chiều ngược lại, Bắc Kinh cũng đang theo đuổi chính sách không đối đầu với Wasington bởi Trung Quốc cũng rất cần một mối quan hệ ổn định và hợp tác với Mỹ để hiện thực hóa các chiến lược tham vọng của mình. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định “có cả nghìn lý do để cải thiện quan hệ Trung-Mỹ mà không có lý do nào để làm nó xấu đi.”

Trên thực tế thì Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ hai thế giới, chiếm tới 1/3 kinh tế toàn cầu. Với kim ngạch thương mại-dịch vụ năm ngoái đạt trên 110 tỷ USD, đầu tư hai chiều đạt 170 tỷ USD, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ và Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc.

Đầu tư của Bắc Kinh đang làm thay đổi quan hệ của Trung Quốc với các nước vốn có giá trị chiến lược với Mỹ

Mối quan hệ Mỹ-Trung vì thế mà ngày càng phụ thuộc vào nhau bởi những lợi ích đan xen, trong khi những bất đồng và căng thẳng giữa hai nước, như một cuộc chiến tranh thương mại, đều có thể dẫn tới những hậu quả to lớn không chỉ với Bắc Kinh và Wasington, mà còn với cả thế giới. Điều này dẫn tới hai cường quốc phải lựa chọn giải pháp cùng bắt tay hợp tác trong các lĩnh vực đem lại lợi ích và đối thoại để cùng kiểm soát bất đồng.

Việc lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc tại cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng Tư năm nay nhất trí thiết lập 4 cơ chế đối thoại cấp cao mới, gồm đối thoại ngoại giao-an ninh, đối thoại kinh tế toàn diện, đối thoại thực thi luật pháp và an ninh mạng, đối thoại xã hội và giao lưu nhân dân, được xem là bước đi tích cực tạo nền tảng cần thiết để hai bên loại bỏ sự nghi ngờ, tăng cường lòng tin và tìm kiếm sự đồng thuận.

Trên thực tế, từ 3 thập niên qua, có những lúc quan hệ hai nước căng thẳng, nhưng đều được giải quyết ôn hòa và không làm tổn hại đến trao đổi thương mại giữa hai bên. Xu hướng này đang được Mỹ và Trung Quốc áp dụng khá tích cực khi cả hai bên thường xuyên có động thái “xoa dịu” lẫn nhau mỗi khi căng thẳng hay bất đồng trong quan hệ song phương gia tăng tới mức có thể vượt tầm kiểm soát.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp ở West Palm Beach, bang Florida, Mỹ ngày 7/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp ở West Palm Beach, bang Florida, Mỹ ngày 7/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong các vấn đề quốc tế, có thể thấy rõ Mỹ và Trung Quốc luôn tìm cách né tránh xung đột trực tiếp với nhau. Dù hai bên vẫn tiếp tục thăm dò sức mạnh của nhau để bảo vệ và mở rộng tầm ảnh hưởng trên thế giới bằng các biện pháp quân sự, kinh tế và chính trị, nhưng thái độ và giọng điệu của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc không quá gay gắt.

Bất chấp còn nhiều mâu thuẫn về giải pháp xử lý vấn đề Triều Tiên, tình hình Biển Hoa Đông và Biển Đông, nhưng dường như Trung Quốc và Mỹ đều cố gắng giảm tới mức thấp nhất nguy cơ gây tổn hại.

Về ngắn hạn, quan hệ Mỹ và Trung Quốc được cải thiện đem lại những lợi ích nhất định cho cả hai nước nói riêng, cũng như tạo thuận lợi trong việc giải quyết một số vấn đề quốc tế nói chung. Tuy nhiên, điều quan trọng là duy trì được sự ổn định của mối quan hệ này trong bao lâu, khi mà sự thiếu lòng tin chiến lược, khác biệt về hệ tư tưởng… là điều không dễ dàng vượt qua. Bên cạnh cơ hội hợp tác, mối quan hệ giữa hai cường quốc rõ ràng vẫn đứng trước nhiều thách thức, nhiều bất đồng liên quan đến các vấn đề như thương mại, an ninh mạng, hay những quan điểm khác biệt về các vấn đề khu vực và quốc tế nổi cộm… vẫn tồn tại.

Trong khi đó, dù chưa thể hiện chi tiết đường hướng chính sách mới đối với châu Á, nhưng tầm nhìn chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được Tổng thống Trump đề cập mới đây chắc chắn sẽ tác động tới môi trường xung quanh Trung Quốc, và vì vậy chắc chắn sẽ dẫn đến những đối sách mới từ phía Bắc Kinh. Tuy nhiên, xu thế né tránh đối đầu, kiềm chế khác biệt để hợp tác trong những lĩnh vực có cùng lợi ích vẫn sẽ được hai bên cố gắng duy trì./.

(Nguồn: Huffington Post)
(Nguồn: Huffington Post)