Cứu vãn châu Âu bằng cách nào?

eufotor-1528859535-60.jpg

Châu Âu cần phải làm một số việc thật sự có ấn tượng nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng về sự tồn tại của nó. Nói một cách đơn giản, Liên minh châu Âu (EU) cần phải tự đổi mới bản thân mình.

George Soros, Chủ tịch Quỹ Đầu tư Soros và Open Society Foundations (một mạng lưới gồm nhiều quỹ từ thiện quốc tế hoạt động tại hơn 100 quốc gia), tác giả cuốn sách “Thảm kịch của Liên minh châu Âu: Phân rã hay Hồi sinh” nhận định như vậy.

Bản dịch bài viết được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate.

Liên minh châu Âu (EU) hiện đang sa lầy vào một cuộc khủng hoảng liên quan đến sự tồn tại của nó. Trong suốt thập niên qua, tất cả những gì có thể đi chệch hướng thì đều đã đi chệch hướng. Làm thế nào để vào thời điểm này có được một dự án chính trị giống như dự án đã làm nền tảng cho nền hòa bình và thịnh vượng thời hậu chiến tranh của châu Âu?

Vào thời tôi còn trẻ, một nhóm nhỏ những người có tầm nhìn xa trông rộng đứng đầu là Jean Monnet đã biến đổi Cộng đồng Than và Thép châu Âu trước tiên thành Thị trường Chung châu Âu và sau đó là EU. Những người thuộc thế hệ của tôi là những người ủng hộ nhiệt tình quá trình này.

Cá nhân tôi coi EU là hiện thân của ý tưởng về xã hội mở. Nó là một hiệp hội tình nguyện gồm những quốc gia bình đẳng tập hợp lại bên nhau và chấp nhận hy sinh một phần chủ quyền của mình cho điều tốt đẹp chung. Ý tưởng về châu Âu như một xã hội mở hiện vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho tôi.;

Một phiên họp của Nghị viện châu Âu. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Một phiên họp của Nghị viện châu Âu. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, EU dường như đã bị mất phương hướng. Tổ chức này đã chấp nhận và thực hiện một chương trình cắt giảm tài chính, là cái đã dẫn đến cuộc khủng hoảng đồng euro và biến khu vực đồng euro trở thành một mối quan hệ giữa những chủ nợ và con nợ. Chủ nợ đặt các điều kiện và con nợ phải đáp ứng, cho dù trên thực tế không thể nào đáp ứng được. Điều này đã tạo ra một mối quan hệ vừa không mang tính tự nguyện vừa không bình đẳng – hoàn toàn trái ngược với cương lĩnh mà EU tồn tại dựa trên đó.

Hậu quả là nhiều người thuộc giới trẻ ngày nay coi EU như một kẻ thù đã tước đi của họ công ăn việc làm cũng như một tương lai an toàn và đầy hứa hẹn.

Tiếp đó là làn sóng người tị nạn năm 2015. Thoạt đầu, phần đông dân chúng châu Âu có thiện cảm với thảm cảnh của những người tị nạn phải ra đi để trốn tránh sự đàn áp chính trị hay nội chiến, nhưng dân chúng không muốn cuộc sống thường ngày của họ bị ảnh hưởng bởi một sự gián đoạn về các dịch vụ xã hội. Và ngay lập tức họ trở nên vỡ mộng bởi việc nhà cầm quyền không thể đối phó được với cuộc khủng hoảng này.

Nhiều người thuộc giới trẻ ngày nay coi EU như một kẻ thù đã tước đi của họ công ăn việc làm cũng như một tương lai an toàn, đầy hứa hẹn

Khi điều đó diễn ra ở Đức, đảng cực hữu Con đường Khác cho nước Đức (AfD) đã nhanh chóng giành được ảnh hưởng, biến nó trở thành đảng đối lập lớn nhất nước này. Italy cũng phải chịu một điều tương tự như vậy mới đây, và những ảnh hưởng về mặt chính trị ở nước này thậm chí còn trở nên tai hại hơn: các đảng chống châu Âu là Five Star Movement và League đã gần như kiểm soát được chính phủ. Tình hình đã ngày càng trở nên xấu hơn kể từ đó. Italy giờ đây đang phải đối mặt với các cuộc bầu cử giữa tình trạng hỗn loạn về chính trị.

Quả thực, toàn bộ châu Âu đã trở nên hỗn loạn bởi cuộc khủng hoảng người tị nạn. Các nhà lãnh đạo đã khai thác tình hình này thậm chí ở ngay những nước cho đến nay hầu như chưa hề nhận bất kỳ người tị nạn nào. Ở Hungary, Thủ tướng Viktor Orbán đã tiến hành chiến dịch tái cử của ông dựa trên lời tố cáo giả dối nhằm vào cá nhân tôi cho rằng tôi là người lên kế hoạch cho việc để người tị nạn Hồi giáo tràn ngập châu Âu, trong đó có Hungary.

Orbán giờ đây coi mình là người bảo vệ một châu Âu Cơ đốc giáo theo phiên bản của ông ta, một châu Âu thách thức những giá trị mà EU dựa trên đó. Ông này đang tìm cách nắm vai trò lãnh đạo các đảng Dân chủ Thiên chúa giáo – những đảng chiếm đa số trong Nghị viện châu Âu.

Người tị nạn chờ làm thủ tục bên ngoài văn phòng cơ quan cảnh sát Đức ở Simbach, miền nam Đức năm 2015. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người tị nạn chờ làm thủ tục bên ngoài văn phòng cơ quan cảnh sát Đức ở Simbach, miền nam Đức năm 2015. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Về phần mình, Mỹ đã làm tăng thêm các vấn đề rắc rối của EU. Bằng việc đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, Tổng thống Donald Trump đã thực sự phá vỡ liên minh xuyên Đại Tây Dương. Điều này đã gây thêm sức ép lên một châu Âu hiện đã ở trong một tình cảnh khốn cùng. Không có gì là phóng đại khi nói rằng châu Âu hiện đang gặp phải nguy cơ về sự tồn tại của chính mình; đây là một thực tế phũ phàng.

Có thể làm gì bây giờ?

EU hiện đang phải đối mặt với 3 vấn đề cấp bách: cuộc khủng hoảng người tị nạn, chính sách khắc khổ đang ngăn cản phát triển kinh tế của châu Âu; và sự phân rã về lãnh thổ, được minh họa bằng Brexit. Tìm cách kiểm soát cuộc khủng hoảng người tị nạn có thể là việc tốt nhất nên làm trước.

Tôi vẫn luôn luôn cho rằng việc phân bổ người tị nạn bên trong châu Âu nên hoàn toàn mang tính tự nguyện. Không nên ép các nước thành viên phải nhận người tị nạn nếu họ không muốn, và người tị nạn không nên buộc phải tới định cư ở những quốc gia mà họ không muốn đến.

Nguyên tắc cơ bản này nên là cái chỉ đạo chính sách di trú của châu Âu. Châu Âu cũng phải gấp rút tiến hành sửa đổi Quy định Dublin, đạo luật đã đặt một gánh nặng không công bằng lên Italy và các nước Địa Trung Hải với những hậu quả chính trị tai hại.

Châu Âu phải bảo vệ các đường biên giới với bên ngoài của mình nhưng vẫn phải mở cửa cho những người di cư hợp pháp. Các nước thành viên, đến lượt mình, không được đóng cửa các đường biên giới nội khối. Ý tưởng về một “pháo đài châu Âu” đóng cửa với người tị nạn chính trị người di cư kinh tế không chỉ vi phạm luật của châu Âu và quốc tế; nó còn hoàn toàn không thực tế nữa.

Châu Âu muốn chìa bàn tay hỗ trợ đối với châu Phi và những nơi khác trong thế giới đang phát triển bằng việc tiến hành viện trợ thực chất cho những chế độ ngả theo hướng dân chủ. Đây là cách tiếp cận đúng, vì nó sẽ giúp cho những chính quyền này có thể đem lại giáo dục và công ăn việc làm cho các công dân của họ, và những người dân này khi đó sẽ không còn muốn thực hiện những chuyến đi thường là nguy hiểm tới châu Âu nữa.

Các nhà lãnh đạo EU và các nước châu Phi tại cuộc họp cấp cao về khu vực Sahel ở Brussels, Bỉ ngày 23/2/2018. (Nguồn: THX/TTXVN)
Các nhà lãnh đạo EU và các nước châu Phi tại cuộc họp cấp cao về khu vực Sahel ở Brussels, Bỉ ngày 23/2/2018. (Nguồn: THX/TTXVN)

Bằng việc hỗ trợ những chế độ dân chủ trong thế giới đang phát triển, một kế hoạch như “Kế hoạch Marchall cho châu Phi” do EU đứng đầu chẳng hạn cũng sẽ giúp làm giảm bớt số người tị nạn chính trị. Các nước châu Âu khi đó có thể chấp nhận người di cư từ những quốc gia này và những quốc gia khác nhằm đáp ứng những nhu cầu về kinh tế của họ thông qua một tiến trình được thực hiện có trật tự. Bằng cách này, vấn đề di cư sẽ thành vấn đề tự nguyện đối với cả người di cư lẫn những nước cho cư trú.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay về thực chất là không đáp ứng được ý tưởng này. Thứ nhất, và là điều quan trọng nhất, EU vẫn thiếu một chính sách nhập cư thống nhất. Từng nước thành viên có chính sách của riêng mình, và những chính sách này thường xung đột với những lợi ích của các nước khác.

EU vẫn thiếu một chính sách nhập cư thống nhất

Thứ hai, mục tiêu chính của hầu hết các nước châu Âu không phải là nhằm hỗ trợ cho phát triển dân chủ ở châu Phi và những nơi khác, mà chỉ nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn. Điều này đã dẫn đến việc chuyển phần lớn những khoản ngân quỹ có được sang những thỏa thuận bẩn thỉu với các nhà độc tài, hối lộ họ để họ ngăn chặn không cho người di cư đi qua lãnh thổ của họ hay để họ sử dụng những biện pháp đàn áp nhằm ngăn chặn không để công dân của họ ra đi. Về lâu dài, điều này sẽ chỉ tạo ra thêm những người tị nạn chính trị.

Thứ ba, hiện đang thiếu hụt khủng khiếp nguồn tài chính. Một Kế hoạch Marshall cho châu Phi thực sự sẽ cần ít nhất 30 tỷ bảng (35,4 tỷ USD) mỗi năm và kéo dài trong một số năm. Các nước thành viên EU chỉ có thể đóng góp một phần nhỏ trong số tiền này. Như vậy, tiền sẽ ở đâu ra?

Điều quan trọng là phải thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng người tị nạn là một vấn đề của châu Âu đòi hỏi một giải pháp của châu Âu.

Toàn cảnh cuộc họp Nghị viện châu Âu tại Strasbourg, miền đông Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Toàn cảnh cuộc họp Nghị viện châu Âu tại Strasbourg, miền đông Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

EU hiện được điểm số cao về xếp hạng tín nhiệm, và khả năng vay mượn của nó phần lớn chưa được sử dụng đến. Khi nào thì nên sử dụng khả năng đó nếu không phải là trong một cuộc khủng hoảng về sự tồn tại của mình? Về mặt lịch sử, nợ quốc gia thường tăng lên trong thời chiến. Một điều có thể thừa nhận là việc tăng thêm khoản nợ quốc gia là đi ngược lại quan điểm chính thống đang thịnh hành theo đó chủ trương chính sách khắc khổ; tuy nhiên chính sách khắc khổ bản thân nó lại là một nhân tố góp phần vào cuộc khủng hoảng mà châu Âu đang kẹt trong đó.

Cho đến gần đây, có thể lập luận rằng chính sách khắc khổ đang có tác dụng: kinh tế châu Âu đang được cải thiện một cách chậm chạp, và châu Âu đơn thuần là phải duy trì chính sách này. Nhưng, nhìn về phía trước, châu Âu giờ đây đang đối mặt với sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân Iran và việc hủy hoại liên minh xuyên Đại Tây Dương, những thứ sẽ có một tác động tiêu cực đến nền kinh tế của châu Âu và gây ra nhiều trục trặc khác.

Sức mạnh của đồng USD hiện cũng là chất xúc tác cho một sự tháo chạy khác khỏi các đồng tiền ở các thị trường mới nổi. Chúng ta có thể đang hướng tới một cuộc khủng hoảng tài chính lớn khác. Sự kích thích về mặt kinh tế của một Kế hoạch Marshall cho châu Phi và những khu vực khác của thế giới đang phát triển sẽ đem lại hiệu quả đúng thời điểm. Đó là lý do mà tôi đưa ra một đề nghị vượt ra ngoài tư duy thông thường cho việc tài trợ đối với kế hoạch này.

Châu Âu cần phải làm một số việc thật sự ấn tượng nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng về sự tồn tại của nó 

Không đi sâu vào chi tiết, tôi muốn chỉ ra rằng đề nghị này chứa đựng trong nó một công cụ khéo léo, một phương tiện có mục tiêu đặc biệt, mà nó làm cho EU có thể hút tiền từ các thị trường tài chính với một lãi suất rất có lợi mà không tạo ra một trách nhiệm trực tiếp nào cho bản thân EU cũng như cho các nước thành viên EU; ngoài ra nó còn đem lại những lợi ích đáng kể về kế toán nữa.

Ngoài ra, mặc dù đây là một ý tưởng mang tính sáng tạo, nó cũng đã được sử dụng một cách thành công trong những trường hợp khác, ví dụ như trái phiếu chính quyền địa phương đối với thu nhập thông thường ở Mỹ và cái gọi là nguồn ngân quỹ tăng vọt để chiến đấu chống lại các căn bệnh truyền nhiễm.

Tuy nhiên điều tôi muốn nhấn mạnh là châu Âu cần phải làm một số việc thật sự có ấn tượng nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng về sự tồn tại của nó. Nói một cách đơn giản, EU cần phải tự đổi mới bản thân mình.

(Nguồn: Telegraph)
(Nguồn: Telegraph)

Sáng kiến này cần phải là một nỗ lực thực sự từ cấp cơ sở. Việc biến Cộng đồng Than và Thép thành Liên minh châu Âu là một sáng kiến từ trên xuống dưới và nó đã đem lại những điều kỳ diệu. Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi. Những người dân bình thường đang cảm thấy họ bị gạt ra ngoài lề và không được đếm xỉa tới. Giờ đây, chúng ta cần một nỗ lực phối hợp bao gồm đường hướng tiếp cận từ trên xuống dưới của các thể chế châu Âu cùng với những sáng kiến từ dưới lên cần đến để lôi kéo sự can dự của cử tri.

Trong 3 vấn đề cấp bách, tôi đã đề cập 2 vấn đề. Vấn đề còn lại là sự phân rã về lãnh thổ, mà minh chứng của điều này là Brexit. Đây là một quá trình có sức tàn phá mạnh mẽ, gây thiệt hại cho cả hai bên. Tuy nhiên, một mệnh đề cả hai bên đều thua có thể được đổi thành một tình huống cả hai bên đều thắng.

Ly dị sẽ là một quá trình lâu dài, có thể phải mất hơn 5 năm – dường như là một điều gì đó mang tính vĩnh cửu trong chính trị, đặc biệt trong thời kỳ cách mạng như hiện nay. Suy cho cùng, chính người dân Anh sẽ là người quyết định những gì họ muốn, nhưng sẽ là điều tốt hơn nếu họ đi đến quyết định sớm hơn. Đó là mục tiêu của một sáng kiến được gọi là Điều Tốt nhất cho nước Anh mà tôi ủng hộ. Sáng kiến này đấu tranh, và giúp giành chiến thắng, cho một cuộc bỏ phiếu có ý nghĩa tại quốc hội về một biện pháp bao gồm cả việc lựa chọn không rút khỏi EU trước khi Brexit được hoàn tất.

Nước Anh sẽ giúp ích cho châu Âu rất nhiều nếu hủy bỏ Brexit và không tạo ra một lỗ hổng không thể lấp đầy trong ngân sách của châu Âu. Tuy nhiên, các công dân của nước này phải bày tỏ sự ủng hộ bằng một tỉ lệ chênh lệch có sức thuyết phục để châu Âu có thể nhìn nhận một cách nghiêm túc. Đó là mục tiêu của sáng kiến Điều Tốt nhất cho nước Anh trong việc can dự với cử tri.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu. (Nguồn: Financial Times)
Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu. (Nguồn: Financial Times)

Khía cạnh kinh tế của việc tiếp tục là một thành viên của EU là rất mạnh mẽ, tuy nhiên điều này chỉ trở nên rõ ràng trong vài tháng qua, và nó cần thời gian để ngấm dần. Trong thời gian chờ đợi điều đó, EU cần tự biến mình thành một tổ chức mà các quốc gia như nước Anh muốn gia nhập, nhằm củng cố khía cạnh chính trị của nó.

Một châu Âu như vậy sẽ khác biệt với những dàn xếp hiện tại về hai phương diện. Thứ nhất, nó sẽ phân biệt rõ ràng giữa EU và khu vực đồng euro. Thứ hai, nó sẽ thừa nhận rằng đồng euro có nhiều vấn đề chưa được giải quyết, và điều này không được phép phá hỏng dự án châu Âu.

Khu vực đồng euro nằm dưới sự chi phối của các hiệp ước đã lỗi thời theo đó khẳng định tất cả các quốc gia thành viên EU được trông chờ sẽ chấp thuận đồng euro nếu và khi các quốc gia đạt đủ điều kiện đòi hỏi. Điều này đã tạo ra một tình huống ngớ ngẩn theo đó những quốc gia như Thụy Điển, Ba Lan, và Cộng hòa Séc, là những nước đã nói rõ rằng không có ý định gia nhập, vẫn được mô tả và được coi là “những nước chuẩn bị gia nhập.”

Ảnh hưởng của nó không đơn thuần chỉ mang tính hình thức. Khuôn khổ hiện hành đã biến EU thành một tổ chức trong đó khu vực đồng euro là tập hợp nòng cốt, còn các nước khác bị gạt xuống một vị trí thấp kém. Có một giả định được người ta tìm cách che giấu ở đây, đó là, trong khi các quốc gia thành viên có thể đang tiến với những tốc độ khác nhau, thì họ đều đang hướng tới cùng một điểm đến. Điều này bỏ qua thực tế là một số nước thành viên EU đã dứt khoát bác bỏ mục tiêu “liên minh ngày càng chặt chẽ hơn” của EU.

Thay vì một châu Âu đa tốc độ, mục tiêu nên là một “châu Âu đa đường đi”

Mục tiêu này nên được từ bỏ. Thay vì một châu Âu đa tốc độ, mục tiêu nên là một “châu Âu đa đường đi,” theo đó cho phép các nước thành viên có những sự lựa chọn rộng rãi hơn. Điều này sẽ có một tác động có lợi sâu rộng. Hiện tại, thái độ đối với vấn đề hợp tác là rất tiêu cực: các nước thành viên muốn tái khẳng định chủ quyền của họ hơn là từ bỏ thêm chủ quyền đó. Tuy nhiên, nếu hợp tác tạo ra những kết quả tích cực, thì thái độ này có thể được cải thiện, và một số mục tiêu, như quốc phòng chẳng hạn, hiện đang được các liên minh ý chí theo đuổi có thể sẽ thu hút được sự tham gia rộng rãi.

Thực tế phũ phàng có thể buộc các nước thành viên phải gạt sang bên những lợi ích quốc gia của họ vì lợi ích của việc duy trì EU. Đó là điều mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi trong bài phát biểu của ông tại thành phố Aachen khi nhận giải thưởng Charlemagne Prize, và đề nghị của ông chỉ nhận được sự tán đồng thận trọng của Thủ tướng Đức Angela Merkel – người nhận thức rõ sự chống đối mà bà đang phải đối mặt ở trong nước.

Nếu Macron và Merkel thành công, bất chấp tất cả những trở ngại, hai người sẽ đi theo bước chân của Monnet và nhóm nhỏ những người có tầm nhìn xa trông rộng của ông này. Nhưng nhóm người nhỏ nhoi đó cần phải được thay thế bằng một số lượng lớn hơn rất nhiều những sáng kiến thân châu Âu từ dưới lên trên. Tôi và mạng lưới các quỹ từ thiện quốc tế Open Society Foundations sẽ làm tất cả những gì mà chúng tôi có thể làm được để hỗ trợ những sáng kiến đó./.

(Nguồn: Fortune)
(Nguồn: Fortune)

Người dịch: Nguyễn Văn Lập